Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

THIỀN

Có một công án thiền tôi rất tâm đắc từ hồi học Triết Đông tại Đại Học Văn Khoa Sài gòn. Hai vị sư trẻ đi xuyên rừng. Tới một con suối sâu, thấy một cô gái đứng bên bờ suối muốn vượt qua suối mà không được. Một vị sư bèn bế thốc cô gái lên đưa qua suối. Vị sư kia có vẻ không bằng lòng về việc làm của bạn. Hai người im lặng trên hết quãng đường còn lại. Khi tới cổng chùa, vị sư kia mới trách móc bạn đã không giữ giới luật, dám ôm phụ nữ. Vị sư trẻ hỏi lại. Tôi đã bỏ cô ta bên bờ suối từ lâu rồi, sao thày còn mang cô đó về tới đây?
Tôi tới cửa Trúc Lâm Thiền Viện tại Đà Lạt bốn năm trước đây. Nhìn vào thấy thiền viện thật uy nghi đồ sộ. Trong sân rải rác những ghế đá do thập phương cúng dường. Trên lưng ghế đều có ghi danh tánh người đã tặng chiếc ghế đó. Rất nhiều tên có ghi trú quán của người tặng. Phần lớn là ở nước ngoài. Viếng cảnh chùa to lớn xong, tôi tạt qua gian hàng bán sách và những đồ kỷ niệm. Đang chọn sách thì thày trụ trì dắt theo con chó đi vào. Thày mặc áo vàng. Chú chó cũng được mặc áo vàng. Thấy vợ chồng tôi, thày nán lại nói chuyện thăm hỏi. Rồi thày lui. Bà bán sách nói với tôi. Ông thật có cơ duyên lắm mới được gặp thày! Vẻ mặt bà cung kính khi nói về vị thiền sư trụ trì. Tôi nghĩ. Giá bà bán sách đừng nói như vậy!

Đạo tại tâm. Thiền còn tại tâm hơn nữa. Hề chi những cái bề ngoài.

Tôi trả tiền hai cuốn sách. Cuốn Những Nụ Cười Thiền  do thày Viên Chiếu dịch và cuốn Thiền của Thiền Sư D.T.Suzuki do Thuần Bạch soạn dịch. Chương một cuốn Thiền cho biết thiền là gì. “Thiền nhắm đào luyện tâm, làm chủ tâm, qua sự kiện chiếu vào tận thể tánh. Chiếu phá vào tận thực tánh của mỗi tâm ý hay linh hồn chúng ta chính là chủ đích căn bản của Thiền tông đạo Phật, vì thế hơn hẳn trầm tư hay quán tưởng hay Thiền định theo nghĩa thông thường. Tu thiền cốt khai mở tâm nhãn hầu kiến chiếu vào tận lẽ thực của hiện hữu”.

Chữ nghĩa nhiều khi làm mình mệt cái tâm. Cứ nói cụ thể cho nó thanh thản. Tỳ khưu Dhammika, trong cuốn “Good Question, Good Answer” đi vào thực tế hơn. Một anh chồng có tính nóng nẩy với vợ, lúc nhiếc mắng, lúc thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Một bữa anh ấy chợt nhận ra là mình đối xử như vậy là ẹ quá, bèn tự hứa là từ nay sẽ không vũ phu như vậy nữa. Nhưng rồi chứng nào tật nấy, tuy biết mình không phải nhưng anh lại…ẹ như cũ. Tại sao vậy? Bởi vì anh ấy đã không tự tỉnh thức được nên để sự nóng nẩy bùng ra mà không biết. Hành thiền giúp phát triển sự tỉnh thức và năng lực cần thiết để chuyển hóa các thói quen đã ăn sâu trong tâm ý. Theo dịch giả Bình Anson thì Thiền theo tiếng Phạn Pàli là Bhavana có nghĩa là “làm tăng trưởng” hay “phát triển”.

Biết tỉnh thức, biết chuyển hóa các thói quen đã chễm chệ ngồi đồng trong tâm mình từ thuở ta bà nào đó, rất có lợi. Như khi ngồi tù cải tạo chẳng hạn. Trong truyện ngắn “Có một thời như thế”, nhà văn Lâm Chương đã…tỉnh thức trong tù.

“Ở tù cũng có bí quyết, nếu bác chịu áp dụng sẽ thấy đỡ khổ hơn”.
“Cậu giỡn? Ở tù là một bất hạnh, còn có bí quyết nữa sao?”
“Cái gì mà chẳng có bí quyết? Thật ra, bí quyết chỉ là kinh nghiệm của người đi trước truyền lại cho người đi sau. Bí quyết ở tù do những anh ở tù chuyên nghiệp rỉ tai cho đàn em, theo kiểu tâm truyền tâm, bất lập văn tự của các thiền sư truyền tâm ấn cho đệ tử”.
“Cậu hay bông đùa, nhưng hãy nói bí quyết ở tù nghe coi”.
“Không suy nghĩ viển vông, cũng không quá thực tế. Bởi suy nghĩ viển vông sinh ra so sánh sướng khổ. Quá thực tế sẽ nhận thức ra hoàn cảnh phũ phàng và chán sống. Cứ ung dung tự tại, coi thương đau là một thử thách khả năng chịu đựng của mình. Coi nhà tù như nhà mình, không nghĩ tới ngày ra thì ở tù bao lâu cũng được. Khi đi lao động thì làm tà tà để dưỡng sức lâu dài. Tới giờ ăn thì ăn. Đồ ăn trong tù, dĩ nhiên là không bổ béo, nhưng nếu chịu ăn cũng lây lất sống được qua ngày”.

Cứ sống…thiền như thế thì có biệt giam trong connex cũng cứ như ngồi trong cảnh bát nhã.

Ta ở trời Không vô biên xứ
Cảnh giới hư vô thật rất thiền
Không vật, không người, không lắm chuyện
Ngồi xem hoa rải bởi chư tiên
(Tuệ Sĩ)

Muốn thiền thì phải hành thiền. Có nhiều phép hành thiền khác nhau nhưng phổ thông và hữu dụng nhất là hai phép: quán niệm hơi thở và quán từ bi.

Quán niệm hơi thở rất đơn giản. Hành trình của nó có bốn bước: chọn nơi chốn, giữ tư thế ngồi, theo dõi hơi thở và đối phó với những trở ngại. Chọn một nơi thích hợp, yên tĩnh, không bị quấy rầy rồi ngồi trong tư thế thoải mái. Tùy theo từng người, có thể ngồi với chân xếp lại, dưới mông có kê một cái gối, lưng thẳng, hai bàn tay xếp lên nhau đặt trên bắp đùi, nhắm mắt lại. Hoặc có thể ngồi trên ghế nhưng cần phải giữ thẳng lưng. Trong lúc ngồi yên tịnh với mắt nhắm lại, tập trung vào hơi thở vào và hơi thở ra, theo dõi sự phồng xẹp của cái bụng. Coi chừng, bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy khó chịu trong người hay đau nhức ở đầu gối. Hãy cứ tỉnh bơ, cố gắng giữ thư giãn cơ thể, không nhúc nhích, tiếp tục để tâm vào hơi thở. Nếu bình tâm theo hơi thở thì những ý nghĩ lăng nhăng vớ vẩn sẽ yếu đi, tâm sẽ định mạnh hơn và dẫn ta vào sự an lạc và thanh tịnh nội tâm. Bắt đầu thiền mỗi ngày chừng 15 phút trong vòng một tuần lễ. Sau đó gia tăng mỗi tuần 5 phút cho đến khi có thể ngồi thiền được 45 phút mỗi ngày. Sau vài tuần lễ hành thiền đều đặn, chúng ta sẽ cảm thấy việc định tâm trở nên tốt hơn, những ý tưởng…bá láp sẽ giảm dần và chúng ta sẽ hưởng được những giây phút an hòa và tĩnh lặng thật sự.

Khi đã thông thạo quán niệm hơi thở, chúng ta có thể…lên lớp. Tiến tới hành thiền Quán từ bi. Thiền mà nghĩ tới người khác. Nên nhớ là cứ phải…ta trước đã rồi tha nhân mới theo sau. Nghĩa là chúng ta vẫn phải hành thiền hơi thở xong rồi mới…từ bi được. Trước tiên, ta hãy chú tâm vào ta. Xin cho tôi được khỏe mạnh và hạnh phúc! Xin cho tôi được bình an và tĩnh lặng! Xin cho tôi thoát khỏi mọi hiểm nguy! Xin cho tâm tôi không còn sân hận! Xin cho tâm tôi tràn đày tình thương! Chúng ta nghĩ tới những người khác, từ người thân thương tới những người bình thường (không thương mà cũng không ghét). Cuối cùng, chúng ta nghĩ đến những người mình không ưa. Và ước nguyện cho họ an vui như đã từng ước nguyện cho chính chúng ta được an vui. Nghĩ tới người khác, nhất là nghĩ tới những người mình không ưa một cách đều đặn trong lúc thiền, chúng ta sẽ thấy chuyển biến trong tâm chúng ta. Chúng ta thấy mình có thể chấp nhận và tha thứ cho chính mình, gia tăng tình thương với những người thân, thân thiện hơn với những người trước đây mình thờ ơ, giảm đi những sân hận hay ác ý với những người khác. Và cuối cùng những sân hận sẽ biến mất.

Trong khi hành thiền Quán từ bi, nếu chúng ta hướng tâm mình tới những người mình biết đang đau khổ hay lâm bệnh, chúng ta có thể cải thiện được tình trạng của họ. Bởi vì tâm ý của chúng ta, khi được phát triển đứng đắn, sẽ là một công cụ rất mạnh. Nếu chúng ta biết tập trung năng lượng tinh thần này và hướng chúng đến người khác, chúng có thể ảnh hưởng tới họ. Chuyện này cũng dễ hiểu. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm khi tự nhiên chúng ta cảm thấy, giữa một căn phòng đông người chẳng hạn, có ai đó đang chú ý tới mình. Chúng ta có thể sẽ quay quanh để tìm đúng vào người đó. Đó là việc khả dĩ xảy ra vì chúng ta bắt được năng lượng tinh thần của người khác. Thiền quán từ bi cũng vậy. Chúng ta hướng năng lượng tích cực của tinh thần tới người khác và dần dần sẽ chuyển hóa được họ.

Từ mình sang tới người, cái tâm của chúng ta  sẽ đầy đặn, an bình, gột sạch được những sân si khổ não.

Đồi một cây
cây một đồi
trông lên thiền tỏa
xuống ngồi thức mây
tay nâng niu bát sum vầy
hứng xanh châu lụy sớt đầy
khổ duyên
bứng sang hồng thắm cõi miền
hạt chan chứa gội hồn nhiên tảo tần.
(Hoàng Xuân Sơn)

Theo định nghĩa khoa học, thiền định là quá trình đạt tới sự tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái tĩnh, có được do luyện tập. Đó là trạng thái tập trung ức chế đồng đều cả neuron thần kinh cảm giác lẫn neuron thần kinh vận động. Khác với thư giãn thông thường, thiền định có tác dụng điều chỉnh lớn đến mọi hoạt động của cơ thể, tạo lập sự cân bằng nội tại, cân bằng cơ thể với môi trường sống; kiểm soát quá trình liên hệ giữa nội giới và ngoại giới. Vì vậy, ngoài tác dụng thư giãn, thiền định còn có tác dụng phòng và chữa các bệnh do mất cân bằng các chức năng cơ thể mà chủ yếu là mất cân bằng giữa tuần hoàn máu và tuần hoàn điện thần kinh.

Giáo sư Soto Yukimasa của Đại Học Kyoto, Nhật Bản, cho rằng thiền giúp tăng cường tính nhẫn nại, làm cho ý chí bền vững, tăng cường khả năng suy nghĩ, ổn định về tình cảm và mau chóng khiến đầu óc tỉnh táo, bình tĩnh. Nó cũng giúp nâng cao hứng thú và hiệu suất của hành động, hình thành nhân cách hoàn thiện hơn và đạt tới cảnh giới giác ngộ.

Theo Viện Đại Học Cologne, Đức, thiền định giúp người ta bớt nóng nảy, hung hăng, giảm bệnh về tinh thần và ham muốn khống chế, cấm đoán, ngăn cản người khác, giảm tính bất định. Nó làm tăng sự hòa hợp, thân thiện với người khác, biết kính nể người và tự nhún mình, tăng sự tự tin, khả năng chịu đựng trong những hoàn cảnh bất như ý.

Tất cả các nghiên cứu của các nhà khoa học hầu như đồng ý với nhau về trạng thái hoạt động của hệ thần kinh người tập thiền. Đó là trạng thái yên tĩnh, ổn định không xung đột của hệ thần kinh với các biểu hiện: nhẫn nại, bền bỉ, tự tin, bình tĩnh, ổn định nhân cách, hoàn thiện tình cảm, đầu óc sảng khoái, thân thiện, hòa hợp với mọi người. Trạng thái yên tĩnh, ổn định, sự ứng xử hợp tình hợp lý với sự việc và con người xung quanh chứng tỏ người tập thiền luôn vui vẻ về tâm hồn và khỏe mạnh về thể chất.

Nhu cầu vật chất của những người tập thiền không nhiều vì sau khi tập, chuyển hóa cơ thể xuống thấp, tiêu hao năng lượng ít và hợp lý. Họ không cần ăn nhiều mặc dầu khẩu vị của họ rất tốt, ăn rất ngon miệng. Các nhà tu hành chân chính có thể tập thiền đến mức tiêu hao năng lượng cơ thể xuống mức tối thiểu. Mỗi ngày, họ chỉ cần ăn một bữa vào chính ngọ mà sức khỏe vẫn rất tốt.
Sức khỏe thể lực tốt cùng với trạng thái thần kinh ổn định sẽ làm cơ thể thích ứng tốt với môi trường sống và môi trường nhân văn. Đó là nền tảng của cơ sở phòng bệnh. Nếu sự cân bằng các cơ quan tương tác được duy trì tốt, cơ thể sẽ không xảy ra những tai biến bất thường.

Các thiền giả nhìn cảnh vật khác với chúng sinh. Cách nhìn của họ tươi sáng hơn và lưu giữ những hình ảnh hạnh phúc trong đầu lâu hơn. Tại sao những vị thiền tu đạt được  mức độ tươi sáng như vậy? Các nhà khoa học đã giải đáp được câu hỏi này. Giáo sư Jack Pettigrew, một nhà thần kinh học của Đại Học Queensland, Úc, vừa công bố phát hiện của ông và các đồng sự trên tạp chí Current Biology. Họ đã tìm hiểu xem não các nhà sư phản ứng thế nào trong trường hợp “cạnh tranh giác quan”. Cạnh tranh giác quan xảy ra khi người ta nhìn vào một bức hình có thể quan sát theo hai cách khác nhau. Ví dụ thông thường nhất là một tấm hình đen trắng. Nếu nhìn theo nền trắng thì thấy hai khuôn mặt đang hướng vào nhau. Nếu mắt nhìn theo nền đen thì chỉ thấy đó là một cái bình trắng. Một người bình thường có thể nhìn ngược xuôi theo cả hai cách này chỉ trong vài giây. Giáo sư Pettigrew đã dành một tháng để nghiên cứu 76 nhà sư theo trường phái Phật giáo Tây Tạng đã thực hành thiền từ 5 đến 54 năm trên các đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn, Zanskar và dãy Ladakhi của Ấn Độ.

Nhóm nghiên cứu tìm hiểu xem các nhà sư hình dung thế nào khi xem ba bức ảnh có “cạnh tranh giác quan”. Mỗi bức có thể nhìn ra hai tình huống khác nhau: hoặc hạnh phúc (khi não trái bị kích thích), hoặc buồn rầu (khi não phải hoạt động). Kết quả cho thấy các vị sư có bán cầu não trái hoạt động rất mạnh. Sau khi thực hiện một động tác thiền đặc biệt, một nửa số nhà sư chuyển giữa hai hình ảnh cạnh tranh chậm hơn bình thường, và dành nhiều thời gian hơn ở trạng thái hạnh phúc của bức ảnh.

Kiểu thiền mà các vị sư áp dụng là thiền “một điểm”, nghĩa là tập trung chú ý vào một đối tượng duy nhất. Trong khi người bình thường mất 2 phút để chuyển giữa hai hình ảnh, một nhà sư đã thực hành thiền hơn 20 năm có thể giữ hình ảnh hạnh phúc lâu hơn 10 phút!

Giáo sư Pettigrew cho biết là phát hiện này đã tạo mối liên kết giữa thiền với lý thuyết thần kinh học truyền thống, đồng thời chứng minh quan điểm cho rằng thiền có thể làm thay đổi cảm nhận của con người, chẳng hạn cảm giác đau. Từ đó có thể áp dụng thiền vào y học.

Thiền là một công phu cần đến sự trì trí, kiên nhẫn. Có những người có vấn đề trong cuộc sống như buồn nản, sợ hãi vô lý, stress hay tâm thần. Họ tìm đến với thiền mong giải tỏa được chúng. Họ muốn có kết quả ngay nên nôn nóng chạy từ thày này tới thày khác, phương pháp này tới phương pháp khác. Lối thiền này dĩ nhiên chẳng bao giờ có kết quả. Đó là thiền theo lối…kangaroo! Cứ nhảy lóc chóc như cóc bỏ đĩa! Nếu tôi tập thiền chắc cũng…kangaroo như vậy. Biết vậy nên tôi chỉ có…đọc thiền. Mà đọc cũng theo kiểu cóc nhảy! Thiền, tôi biết chẳng bao giờ mình có thể với tới nên làm lơ. Tôi nghĩ đó cũng là một thái độ biết mình, nghĩa là…rất thiền! Tôi, họa chăng chỉ có thể bắt chước thiền theo nhà thơ Du Tử Lê: thiền khi uống rượu!

cụng ly! - uống với tâm / cô / tịch
mỗi giọt cân, bằng: một tử / sinh
cụng ly! - uống với vô / hình / tướng
rơi vãi nghìn sâu: hạt
ngậm thinh.

09/2005