Bao
Bói
Bổng
Cắt
Cha
Chạy
Chích
Cổ
Danh
Dấu
Diều
Gân
Giầu
Hiến
Huyết
Lệch
Ly
Môi
Mộ
Mùi
Ngồi
Ngửi
Nhiều
Nhịn
Noel
Nửa
Phú
Sửa
Tây
Tết
Thiền
Thơ
Thử
Tình
Tip
Trinh
Tro
Tưới
Tưởng
Xế

 

TRO

Bà thím tôi vướng vào căn bệnh ngặt: ung thư cổ tử cung. Lúc đó là những năm buồn thảm sau cuộc đổi đời. Mọi người thoi thóp sống trong một hoàn cảnh ngặt nghèo đến kỳ lạ. Bà chẳng có thuốc thang gì để tốp lại sự hoành hành của anh chàng bệnh tinh quái. Chỉ có những mẩu sái thuốc phiện viên nhỏ để dằn bớt cơn đau. Trước khi mất, bà nói với các con: “Khi tao chết, chúng bay mang xác đi thiêu, rồi có đứa nào tìm đường vượt biên được thì mang tao ra biển rải tro lên mặt nước cho mát mẻ. Dù chết, tao vẫn không muốn sống trong cái xã hội này”. Cuộc toan tính vượt biên muộn màng của bà không thành tuy thể xác bà cũng đã hóa ra tro.

Ông chú tôi định cư ở Vancouver, Canada đã lâu, hình như năm nào cũng về Việt Nam để xây mồ mả dòng họ. Ông rất chí thú trong “công tác” cuối đời này và đã tạo dựng được một khu nghĩa trang bề thế trong đó có xây một ngôi tháp để đặt những hũ tro của những người trong họ chết ở ngoại quốc có chỗ trú. Ngôi tháp vừa hoàn thành. Ông nhận được hình ảnh rõ ràng. Ông làm một chuyến trở về để tận mắt nhìn công trình của mình. Vé máy bay sẵn sàng, hành lý xong xuôi, đúng buổi chiều hôm trước ngày ra phi trường, ông bỗng đột quị vì bệnh tim. Và ông mất ngay tại thành phố tạm dung. Thân xác ông được hỏa thiêu. Và ông cũng về, không cần vé máy bay, trong một chiếc bình nho nhỏ, để làm cư dân đầu tiên trong ngôi bảo tháp do chính ông vẽ kiểu xây cất.

Một bà cụ cư ngụ tại Montreal mới đây đã về thăm quê hương và chẳng may nằm xuống trước khi hoàn tất chuyến đi. Nói là nằm xuống nhưng cụ không được nằm. Vì không có hộ khẩu! Gia đình xin thiêu. Không được thiêu vì không có con cháu đứng ra khai tử. Cuối cùng con phải bay về để lo những thủ tục rắc rối. Sau đó, tro cốt của cụ được mang ra trải trên sông Sài gòn. Mặt nước bao la chẳng nề hà gì một nhúm tro nho nhỏ!

Chết với xác thân nặng nhọc chôn vùi một chỗ có nhiều cái bất tiện. Như một cỗ máy dính chặt vào một chỗ, muốn di dời gì cũng không được. Nếu đã có cái radio chạy bằng đèn nặng nề kềnh càng chiếm hẳn cả một chiếc tủ được cải tiến thành cái radio transistor để cho các anh bộ đội đeo vào vai đi dạo khắp các chợ, nếu đã có cáiđiện thoại lằng nhằng dây nhợ cột cứng vào một chiếc bàn nay đã thong dong trên đường bằng chiếc điện thoại di động, nếu đã có chiếc computer nặng nề vướng víu nằm chết dí một chỗ nay đã bay bổng khắp chốn bằng chiếc laptop, thì hà cớ chi mà thân xác con người khi chết phải nằm im trong lòng huyệt với nhiều điều phiền toái? Ai có ý nghĩ “giải thoát” xác thân con người bằng cách…barbecue quả là một ân nhân quí báu. Ngọn lửa hỏa thiêu mang lại nhiều cái lợi. Trên báo mạng Người Việt Online, Giáo sư Nguyễn Văn Phú vừa cho phổ biến một “Thư gửi con cháu” trong đó ông căn dặn kỹ lưỡng: “Riêng phần bố mẹ, già thì sẽ bệnh, bệnh rồi sẽ…ra đi! Quy luật tự nhiên là vậy. Đến ngày ấy, các con hãy lo thu xếp tổ chức tang lễ cho bố mẹ được trang nghiêm nhưng đơn giản. Nếu chôn cất bố mẹ ở một nghĩa trang thì, sau này, khi phải đi làm ăn nơi khác, các con sẽ thắc mắc vì ở xa không trông nom được phần mộ! Bố mẹ chọn cách hỏa táng, thuận tiện hơn; mà khỏi phải chiếm đất, vì đất rất cần thiết cho các thế hệ sau. Có thể đem trải tro của bố mẹ lên núi hay xuống sông, xuống biển. Cát bụi trở về cát bụi, có gì đâu!”

Chết một cách…bao la như vậy được mọi người thích. Có người cho xác thân con người như một cánh áo, chết đi là vứt bỏ chiếc áo lại để cho tâm thần nhẹ nhàng phiêu du tới những miền huyễn ảo khác. Vậy thì tiếc chi chiếc áo cũ đã một đời đeo dính lấy hình hài! Đốt cho thành cát bụi rồi tung bay với thiên nhiên chẳng là một cách về trữ tình sao!

Mà chỉ như là đêm sẽ đi
Rồi mai khi nắng lửa thiêu về
Trần gian bay biến vào hư ảo
Ta sẽ mơ bằng tim đã tro.
(Pha Lê)

Nhà văn Trùng Dương, trong bài “Tháng Tư Ở Bandon”, cũng tiễn chồng bằng những nắm tro tàn vung trên vũng biển: “Palle ra đi vĩnh viễn ba ngày sau đó, sau lần con gái út Christina và tôi vào thăm anh trong khi anh vẫn còn tỉnh và còn đủ sức để nói với tôi là sẽ không đưa tôi đi thăm thú Bandon được. Anh đi vào lúc hai cháu Tony và Tiêu Dao đang trên đường đến Bandon. Hai ngày sau mẹ con tôi đem tro anh trải ra ngoài vùng biển trước ngôi nhà ở Bandon”.

Về một cách yên ổn và…quần chúng hơn là nép vào cửa chùa hay cửa nhà thờ. Hầu như các chùa chiền, mọi nhà thờ nhà thánh đều có một chỗ cho những bình tro. Người ta nghĩ rằng tro được nằm ở những nơi thánh này sẽ được nghe kinh kệ sớm tối, được hoa nến thường ngày sẽ ấm áp và siêu thoát hơn. Chỉ có điều khó lý giải là có nhiều nơi được coi là thánh này chỉ nhận tro với một điều kiện là người gửi phải nộp lệ phí. Một số tiền nhỏ đủ để trang trải phí tổn nhang đèn hay quét dọn thì cũng được đi. Nhưng nhiều nơi đã bắt nộp những món tiền lớn và chia ra đẳng cấp theo sự gần gũi bàn thờ hay sự cao thấp của bảo tháp. Kể cũng khó hiểu! Giai cấp vẫn lẵng nhẵng theo con người khi thân xác đã biến thành tro!

Gia đình tôi nhìn thấy cảnh…đoàn tụ khi người khuất mặt được hỏa thiêu và mang gửi tại nhà thờ Thị Nghè. Ông bà nội tôi mất từ lâu, được chôn cất tại nghĩa trang nhưng khi nghĩa trang bị…đuổi thì gia đình mang đi thiêu cho tiện, tro được gửi tại nhà thờ. Khi cha tôi mất, rồi mẹ tôi theo chân một năm sau đó vào đầu thế kỷ mới này thì hình hài các cụ cũng biến thành tro và về “ngồi” gần các bậc sinh thành. Cứ thế mà quây quần với nhau, sống cũng như chết. Mai mốt đây, tới lượt thế hệ kế tiếp, chắc các cụ cũng…bảo lãnh đoàn tụ!

Hơn là đoàn tụ, bà Venora Galon ở Edmonton, Canada, muốn khít rịt với người chồng quá cố hơn nữa. Bà muốn tro của chồng là ông George Galon lúc nào cũng ở bên mình, lúc nào hai vợ chồng cũng bên nhau mà cái chết cũng chẳng thể làm họ rời nhau được. Làm sao mà kè kè như vậy được? Chẳng lẽ đi đâu cũng ôm theo bình tro tàn của chồng? Bất tiện chết! Bà biết là tro có thể được nén thành đá quý nhân tạo. Nhưng như vậy chẳng…thiên nhiên! Bà muốn xác thân chồng bà được lưu giữ theo tự nhiên hơn. Một ý tưởng nảy sinh. Tại sao không cô đọng tro lại trong một viên kim cương thật? Bà tiếp xúc với một xí nghiệp chuyên về hột xoàn nhỏ tại Tel Aviv, Do Thái, để nhờ họ nghiên cứu thực hiện nguyện vọng của bà. Họ làm được. Bằng cách dùng tia laser đục một rãnh nhỏ trong lòng viên kim cương, bơm tro vào, rồi hàn lại như cũ. Mắt thường không thể nhìn thấy tro trong hột xoàn nhưng có thể thử nghiệm để xác nhận tro nằm trong đó bằng một phương cách không gây tổn hại cho kim cương. Tin về cách giữ tro mới này được đồn thổi khắp nơi. Nhiều người muốn đặt làm. Bà Venora Galon và xí nghiệp Do Thái mở một dịch vụ mang tên Memorial Gems. Họ phục vụ một lượng khách hàng chọn lọc đang càng ngày càng nhiều thêm trên khắp thế giới. Bạn muốn…chơi không? Nếu muốn, bạn có thể chọn kích thước hột xoàn. Cỡ nào cũng có. Toàn loại hột xoàn xịn có giấy chứng nhận đàng hoàng. Thường thì khách hàng thích cỡ nửa ca-ra. Giá cả? Một hột cỡ một phần tư ca-ra giá 2200 đô Mỹ, hột hai ca-ra giá 11.900 đô. Có mắc không? Cỡ nhìn hột xoàn mà cứ tưởng cục đá như tôi thì giá cả là chuyện hết sức mơ hồ! Nhưng theo bà Venora này thì mắc hơn giá hột xoàn trơn khoảng một ngàn đô. Nói vậy cho nó văn hoa chứ cứ trừ đi thì công nhét tro vào hột xoàn là một ngàn đô. Nhưng bà Venora nhấn mạnh: Memorial Gems không phải là một tiệm kim hoàn. Nó chỉ giúp những người có nhu cầu. Vì vậy mọi việc đặt hàng phải qua các ông chủ nhà quàn!

Hỏa thiêu không chỉ có một cách. Nó đã biến hóa nhiều. Tôi vẫn nhớ những ngày người chết bị đuổi ra khỏi nghĩa trang trong những năm sau 1975. Mộ của một số người trong gia đình tôi bị buộc phải đào lên, mang thiêu. Tôi có mặt tại nghĩa trang Thánh Minh Tương Tế, gần rạp Đại Lợi, một rạp hát đã biến thành nhà giam những tù nhân vượt biên hay bị gán cho thuộc loại tệ nạn xã hội. Nghĩa trang như một nhà máy thời…Trung cổ. Họ thiêu xương người ngay tại chỗ. Những lóng xương được đặt trên những miếng tôn đã được đập thẳng, bẻ góc. Lửa được đốt ở phía dưới, thỉnh thoảng xương lại được đảo lên cho đều. Khi xương đã biến thành vôi, người ta dùng chày và cối đá quết cho thành…bột xương rồi cho vào hũ! Ngày nay, ngay tại Việt Nam, người ta đã dùng điện và các phương tiện tân tiến khác để hóa kiếp cho người chết. Nhà văn Trần Thị Ngh., trong truyện ngắn “Mataco, ltd”, bằng một giọng văn riêng đã kể lại cuộc hỏa thiêu thân xác bà mẹ có tám con được nhà văn đánh số chứ không gọi tên. “Bình Hưng Hòa cơ ngơi ra gì. Phòng nghi lễ lạnh lẽo. Vài tràng hoa tượng trưng được ai đó chọn mang theo từ nhà, dựng sơ sịa trước quan tài. Thầy lại tụng. Số 7 xả tang tại chỗ để hôm sau theo Japan Airlines về Mỹ. Quan tài sau đó được điều khiển cho hạ xuống một cái huyệt ảo. Không có ném đất ném hoa. Số 8 cúi chồm ngó xuống. Vĩnh biệt Gigi. Lúc đó nỗi niềm trào lên nhưng phải nuốt ngược. Màn hình đặt gian bên cạnh cho thấy quan tài được đưa vào lò thiêu; hai phút sau TV có sọc. Không biết, nhưng có thể hình dung. Những lóng xương sụm xuống giống căn nhà bị hỏa hoạn, điêu tàn một nhúm tro. Như thế vẫn ấm áp hơn là để Gigi nằm dưới lòng đất lạnh với bọn dòi bọ tự tung tự tác. Thế là xong. Y như chương trình phát hình mỗi đêm, hết giờ thì có sọc hoặc lấm tấm. Chiều cùng ngày Gigi đã nhập hộ khẩu chùa Già Lam quận Bình Thạnh, nơi người ta gửi cốt tro thân nhân trong những hộc tủ 60x40x30cm có cửa kính trượt lắp khóa. Địa chỉ mới mang số 144 dãy A. Cùng hộ với Gigi là Zorba, con-người-chịu-chơi. Mười chín năm trước ông già tạ thế đúng nơi chôn nhau cắt rốn; địa chủ ngang dọc một thời, ngày tàn không có lấy một vuông đất an táng!”

Cuộc đoàn tụ muộn màng của Gigi và Zorba cũng giống như cuộc đoàn tụ của dì tôi. Bà góa bụa từ năm vừa tròn hai chục tuổi, khi vừa có đứa con gái đầu lòng. Đó là đầu thập niên 1940 tại miền Bắc Việt Nam. Dì ở vậy nuôi con, thủ tiết với chú Hòa. Sau 1975, dì sang Pháp đoàn tụ với gia đình con gái. Chính tại nơi đây, một cái té đã làm dì tàn phế, chỉ biết nằm bất động. Nghe khi được khi không, nói thì ú ớ, mọi sinh hoạt đều nhờ vào sự săn sóc của con cháu. Điều mong ước duy nhất là được về Việt Nam gặp lại anh chị em và các cháu. Dì không biết là tất cả anh chị em đều đã về với Chúa! Tuy vậy cô con gái cũng đã trù tính cùng hai cháu trai đưa dì tôi về Việt Nam như là thực hiện ước muốn cuối cùng của người mẹ nặng lòng với gia đình. Cô con gái chưa thực hiện được ý định thì dì tôi vĩnh viễn nhắm mắt. Di cốt của chú Hòa tôi cũng chẳng nằm yên được nơi quê cũ. Nhà cầm quyền đã giải tỏa nghĩa trang, gia đình phải ra lại ngoài Bắc bốc mộ, hỏa thiêu và mang về đặt tại nhà thờ Huyện Sĩ. Trong truyện ngắn “Cũng Gọi Là Về”, tôi kết chuyện về dì tôi. “Cô em tôi không quên lời hứa với mẹ. Cô đã đưa dì tôi về Việt Nam. Chẳng cần tới ba người như trù liệu trước đây. Chiếc bình sứ thu nhỏ người dì tôi lại trong chiếc xách tay theo cô em tôi lên máy bay. Cũng là một chuyến về. Lần này là chuyến về quê vĩnh viễn của dì tôi. Chắc dì tôi hài lòng dữ vì cái xác thân tro bụi của dì đã nằm kề ngay bên xác thân chú Hòa trong một chốn trang nghiêm yên ả. Tính ra hai người đã xa nhau vừa tròn nửa thế kỷ.”

Nhà văn Hiếu Chân Nguyễn Hoạt lại đoàn tụ theo một kiểu khác. Kiểu sĩ phu Bắc Hà…di cư rất khảng khái! Ông là một nhà văn nhà báo lừng danh từ thời chính phủ Quốc Cộng, năm 1945, trên tờ Việt Nam Hồn của Quốc Dân Đảng ở Hà nội. Di cư vào Nam, trên nhật báo Tự Do, ông nổi tiếng với mục Nói Hay Đừng ký tên Hiếu Chân và truyện dài Tỵ Bái ký tên Nguyễn Hoạt. Ông cũng là Tổng Thư Ký đầu tiên của Văn Bút Việt Nam cùng với Chủ Tịch Nhất Linh. Sau 1975, khi nhà cầm quyền cộng sản bắt bớ cầm tù các nhà văn nhà báo, không hiểu sao họ…quên ông. Ông tức khí khi thấy việc tự do nhởn nhơ ở ngoài vòng tù tội của mình là một điều sỉ nhục. Ông phải được chia sẻ khốn khó với anh em. Tại sao họ có quyền bắt ông phải tự do trong khi bạn bè ông tù tội? Ông bèn lôi máy đánh chữ ra gõ còng cọc trước mặt công an khu vực. Cuối cùng, ông cũng được toại nguyện. Họ bỏ tù ông. Và ông về theo cách của ông. Một cung cách rất phải đạo với bạn bè. Nhà văn Nhã Ca kể lại trong cuốn hồi ký của bà.

“Trưa nắng. Một người mang áo vải xô, đội mấn gai, chít khăn tang, tay dắt xe đạp, từ phía nhà sách Ngoại Văn, băng qua đường. Anh ta dựng xe vào gốc cây me già, rồi tới trước cửa hàng 142, cúi đầu chào, chờ đợi.
Khi tôi bước ra, người mặc đồ tang nói:
“Thưa cô. Cháu mang Bố cháu lại chào cô.”
“Bố cháu?”
Người mặc tang phục, nét mặt trang trọng:
“Dạ. Thưa cô. Bố cháu đây.”
Hai tay anh ta chắp lại, xoay người về phía chiếc xe đạp dựng bên gốc me. Sau xe đạp có cột một gói nhỏ, bọc bằng vải xô. Người thanh niên mặc tang phục là chồng của cháu Vĩnh, con rể anh chị Hiếu Chân.
Bị bắt cùng lúc với các anh Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Khánh Giư, Hồ Văn Đồng…từ hồi tháng 5-1985, anh Hiếu Chân vừa chết trong nhà tù Chí Hòa. Gia đình và thân hữu lo lót. Thượng Tọa Trí Quang và các tăng chùa ấn Quang phụ giúp. Sau bao nhiêu thủ tục quanh co, mới hôm qua thôi, di hài anh vừa được hỏa thiêu.
Tôi đã bước được tới gần chiếc xe đạp. Trong gói vải xô cột sau xe là một cái hũ đất nung. Anh Hiếu Chân. Đúng là anh, tro cốt anh, trong cái hũ đất bọc vải xô kia.
“Từ hồi sáng, Bố cháu đã tới chào bên bác Giư, bác Sỹ. Chào cô xong, bây giờ cháu đưa Bố cháu ra sông Sài gòn. Bố cháu vẫn muốn khi chết tro cốt ông được rải trên mặt sông. Cháu xin phép cô.”
Chiếc xe đạp được dắt qua đường, đạp ngược về phía bờ sông. Mới chừng hai giờ trưa. Đường phố vắng lặng.
“Chuyện gì vậy chị Vân?”
Có tiếng hỏi. Một người lối xóm.
“Có gì đâu. Đứa cháu đi qua nhà , ghé vô chào.”
Tôi trả lời và ngạc nhiên thấy giọng nói của mình không hề có vẻ gì khó khăn, khác lạ. Vậy mà từ lúc bước ra đứng cạnh hũ tro cốt của anh Hiếu Chân, tôi đã tưởng mình không thể nói nổi thành tiếng.
Cửa hàng kế cận, lại có thêm mấy người bước ra. Bộ tang phục, cung cách khác thường của người con rể anh Hiếu Chân làm lối xóm chú ý. Đừng đứng lại. Đừng vô nhà. Cũng đừng trả lời. Họ sẽ hỏi tới nữa. Tôi băng qua đường, đi dọc theo vỉa hè. Có nên ra bờ sông? Không kịp đâu. Bộ áo xô gai trên xe đạp đã khuất ở góc đường Lê Lợi.”

03/2006