Cứ gì mình

Thơ xuân

Một mùa hè Montréal

Thế hệ X

Trà dư tửu hậu

Chuyện tầm phào

Chớm thu

Sống và chết

Chuyện chó

Ta đã làm chi đời ta

Bên ngoài sân cỏ

Cho

Đồng

Hanoi

Lồng

Mới

Tiếc

Trăm

Trầu

Nhớ

Oan

Giấy vệ sinh

Từ chuyện Cô vi

Lại chuyện Cô vi

Sẹo BCG

Tonton Mỹ

Tuyến đầu

Cám ơn

Mũ áo xênh xang

Anh thư

Cắt tóc mùa dịch

Xi-nê ngoài trời

Nóng

Hứa

Câu

Bum

West Point

Cà Cuống

Chân dài

Harris ở Montréal

Karaoke

Các bà Phần Lan

Cabane à sucre

Xe lửa

Ông địa

Rượu đế

Tháng tư nghĩ về sách Sàigòn cũ

Tình Nguyện Viên

Phở Dậu

Tôm hùm

Dầu gió

Đô la đỏ

Lương khô

Đi gặp Nguyễn Trãi

Tiến sĩ giấy

Vịt

Cứ tưởng bở

Cu Tin

Mày - Tao

Răng khểnh

Bên lề tổ tôm

Khai bút

Tuyết ơi là tuyết

Nhạc chế

Ve sầu

Việt Nam tại Paris 2024

Chuồn chuồn

Đom đóm

Bươm bướm

Nhạc Nhái

Ghé bến Montréal

Di động

Vừa trông thấy nước da no nê mặt trời của tôi, mấy ông bạn vội túm lấy đòi kể chuyện đi đứng trong mấy ngày hè. Thì kể chuyện đi đứng vậy!

*

Bảy tiếng đồng hồ lái xa làm người tôi nẫu như một trái cam bị ông Trần Quốc Toản bóp nát bét. Xe leo lên một cây cầu dài ngoằng có mùi biển trong gió thoáng mằn mặn tanh tanh. Nhìn cảnh vật trước mặt, tôi buột miệng:

“Mình tới Bà Rịa rồi!”.

Nhà tôi ngồi bên cạnh chăm chú nhìn tấm bảng bên đường ghi chữ Cape May ( hay Cỏ May?) tỉnh bơ phát ngôn: “Giống như mình đi Ô Cấp thiệt đó!”.

Lâu lắm rồi tôi mới nghe được chữ Ô Cấp cổ lỗ sĩ bèn thú vị hỏi: “Em lượm đâu ra được chữ Ô Cấp đó vậy?”.

“ Thì trong tiểu thuyết của ông Mai Thảo đó!”.

Chữ nghĩa dễ đưa người ta quẩn quanh trở về những ngày cũ. Ô Cấp. Nghe tức cười nhưng thân thiết biết bao. Tội nghiệp! Nó đã bị Vũng Tàu xô vào quên lãng, chỉ còn nằm trong truyện của Mai Thảo khi bị lôi ra nghe lạc lõng làm sao.

Biển Wildwood phẳng lì nằm gối đầu lên những khách sạn giăng giăng như một bày trẻ nắm tay nhau chơi đùa nhộn nhịp. Bãi biển trông vô duyên như một người đàn bà không biết làm dáng. sánh sao được với Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dứa, Bãi Dâu, Bãi Ô Quắn phong cảnh hữu tình, có Núi Lớn, Núi Nhỏ, có những dáng đá đứng ngồi thách đố với đại dương.

*

Biển Houston sóng nổi cuồn cuộn xô giạt quanh chiếc phà qua lại giữa thành phố và một hòn đảo nhỏ khá thơ mộng. Tiếng còi phà kéo lên buồn thảm báo hiệu phà rời bến. Anh bạn gần hai mươi năm mới gặp lại, đứng cạnh tôi bỗng lên tiếng: “Chỉ thiếu mấy em bé bán mía ghim. ổi xá lị, bánh tét...chạy qua chạy lại mời chào!”. Tôi hững hờ đáp lại: “Ừ, giống thiệt!”. Im lặng. Không ai nói nhưng hai đứa đều có chiếc phà nơi Bắc Mỹ Thuận trong đầu.

Chúng tôi leo lên boong phà đứng nhìn xuống dưới. Mấy em bé đang tung những miếng bánh lên trời cho bầy chim hăm hở đuổi theo phà. Những cánh chim xoải rộng xếp theo hàng một rất trật tự. Từng con, từng con, lần lượt vào đón những mẩu bánh loăng quăng nghiêng ngửa theo gió. Vậy mà những chiếc mỏ chim nhanh nhẹn khéo léo kẹp bánh không hề hụt một mẩu nào làm những cặp mắt ngây thơ ngời sáng thích thú. Khung cảnh thanh bình quá! Anh bạn tôi trầm ngâm đứng nhìn rồi hỏi một câu lạc lõng: “Tầu này mà vượt biên chở ngàn người nổi không?”.

Câu hỏi hững hờ trôi theo gió. Một câu khác được phóng ra cũng lạc lõng không kém: “Trong tù cải tạo mà vớ được mấy chú chim này thì phải biết nhỉ!”. Tôi nhìn quanh. Mấy anh Mỹ chắc chẳng có anh nào hiểu tiếng Việt. Nếu họ hiểu được thì không biết họ nghĩ sao về hai anh di tản kỳ quái này. Những con người chân đứng chạm đất mà đầu cứ vơ vẩn ở một nơi chốn xa xăm nào đó.

*

Máy bay lấy xong cao độ. Mặt đất phía dưới dàn trải ra xinh xắn như một sa bàn trong lồng kiếng. Những con đường đen nhánh nhỏ bé lúc nằm thẳng, lúc uốn éo rối nùi. Những chiếc xe hơi tí hon đủ mầu chạy ngược xuôi dồn cục nhau lại. Tôi chẳng biết chiếc nào là Lexus, chiếc nào là Mercedes, chiếc nào là Cadillac, chiếc nào là BMW....Cái thế giới dưới chân sao mà vô nghĩa! Những căn nhà như những chiếc hộp huê dạng lớn không hơn một bàn tay. Cái nào giá bạc triệu, cái nào sang trọng tiện nghi, cái nào đẹp đẽ hào nhoáng làm khuôn mặt của chủ nhân vênh lên? Những vật nhỏ bằng lỗ mũi đó thì có gì quan trọng! Nói cho tới những vật nhỏ hơn nữa. Như con người, những sinh vật làm phiền nhiễu cuộc sống bằng những man trá, tị hiềm, tranh chấp, lừa đảo...Tôi chẳng nhìn thấy nổi những sinh vật lắm chuyện này. Phía ngoài cửa sổ máy bay chỉ thấy những đám mây vặn vẹo hợp tan trôi nổi.

Lên cao hơn nữa thì cái quả cầu chất chứa hàng tỷ con người trông như một trái banh nho nhỏ chỗ đậm chỗ nhạt. Màn ảnh khổ lớn Imax trong Trung Tâm Không Gian (Space Center) thuộc Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Hoa Kỳ (NASA) trước mặt tôi hiện ra trái cầu tội nghiệp đó nằm sâu hun hút dưới ống kính trên phi thuyền. Nhân loại trên đó chẳng được bằng một đám vi trùng nhỏ nhít!

Từ trước tới giờ nhìn những phi thuyền được phóng đi trên giàn phóng ở Florida tôi cứ nghĩ là những phi thuyền này được điều khiển ngay tại đó. Tới Houston tôi mới biết trụ sở chính của Cơ Quan NASA nằm tại thành phố này. Chính nơi đây là bộ não điều khiển tất cả các cuộc phóng phi thuyền và theo dõi các hoạt động trên không gian. Những phi thuyền đã bay lượn trên không gian, chiếc xe đã tung tăng trên đất của chị Hằng, các bộ áo đã ôm ấp các phi hành gia đi bộ trong chân không... Tất cả đều đã được mang về trưng bầy ở đây. Mùi không gian phảng phất khắp nơi.

Tôi chú ý tới một chiếc lồng kính mỗi bề khoảng một thước, bên trong là các loại cây mọc xanh tốt. Đó là những cây được trồng thí nghiệm trên đất đem về từ mặt trăng, trong bầu khí giống như trên mặt trăng. Phải chi trong mớ cây nằm đó có vài cây rau quen thuộc nhỉ? Tự nhiên tôi nhớ tới thi sĩ Tản Đà. Nhà thơ của chúng ta đã từng than thở “văn chương hạ giới rẻ như bèo” nên chơi ngông dọa sẽ mang thơ văn lên bán ở trên chợ Trời. Cứ tưởng tượng nhà thơ đã nâng việc ăn uống lên thành một cái đạo này quảy gánh thơ lên non cao bán cho các tiên nữ xong rồi ngả rượu thịt ra nhậu mà lại ngắt được ít rau húng, rau thơm, rau tía tô... đệm vào thì sướng biết bao!

*

Nói tới đi thì không thể không nhắc tới Nguyễn Tuân, người không nhận mình là nhà văn mà chỉ nhún nhường in trên danh thiếp là “người làm công việc chữ nghĩa”. Đi, với Nguyễn Tuân, cũng là một cái đạo. Đạo của người mong mỏi khi chết sẽ được người ta lấy da của mình thuộc làm va-ly đi đó đi đây tung tăng khắp chốn.

Con người lúc nào cũng thèm đi đó vào cuối đời mang bệnh thấp khớp kinh niên hai chân nhấc không muốn nổi. Cái chân ham đi mà trơ trơ như hai khúc gỗ đó thì còn non nước gì nữa!

Trong cát Bụi Chân Ai, Tô Hoài kể lại nỗi thương tâm nặng chĩu đó như sau:

“Nguyễn Tuân gật gù:
- Việt Kiều ở Paris mời mình sang chơi.
- Thằng Buđa dậy ở Paris 7 nhỉ?
- Người ta bảo mình giảng ít buổi. Không, thằng Buđa kiết xác ở độc thân, có gì mà mời! Nhà trường và nhà Việt Nam của Việt Kiều có nhã ý.
- Ồ, đi đi chứ ông!
Nguyễn Tuân thong thả lắc đầu:
- Không, mình không đi. Mình muốn sòng phẳng đằng nào rõ đằng ấy. Đi chơi hay đi làm việc. Người ta có nói riêng: làm việc chỉ là cái cớ mà đi chơi là chính. làm việc khác với đi chơi chứ. Mình không thích lẫn lộn.
- Thế thì thế nào?
- Trả lời là không đi.
......................
Lời từ chối và câu cắt nghĩa không đi Paris của Nguyễn Tuân không thể đầy đủ. Cái tâm sự nát lòng người ta thì không một lời chữ nào thổ lộ cho hết được. hai cái chân đã rỗng cả ống của con người vốn khỏe đi ấy gây khó dễ cho cái sự ngại đi, xóa mờ cả tấm lòng sông hồ rồi”.

Hai cái chân rỗng ống ngại đi thì đúng nhưng tấm lòng sông hồ không còn nữa vị chắc đã đúng. Cái đam mê của cả một đời người dẽ gì mà nhòa đi được!

Tại Trung Tâm NASA có một chiếc hộp kính lớn được những ngọn đèn khéo léo rọi vào rực rỡ như một chiếc vương miện. Bốn cạnh của chiếc hộp có khoét bốn lỗ hình chữ nhật vừa một bàn tay đút vào. Giữa hộp là một mẫu đá lấy từ mặt trăng về. Từng hàng người đứng chờ tới lượt được tận tay sờ vào hòn đá của chị Hằng để thã mơ ước về một chốn tít tắp trên cao. Cứ tưởng tượng bê được cụ Nguyễn Tuân tới đây đẻ cụ đặt bàn tay lên hòn đá ôm ấp cả một không gian xa xôi kỳ bí đó thì chắc là tấm lòng sông hồ của cụ sẽ được đẩy lên tới tận cùng của chất ngất đam mê. Những chân trời mới lạ như hiển hiện trước mắt, thấm vào từng nhịp tim của một người suốt đời thèm đi. Sướng biết mấy!

*

Mấy ông bạn tôi nghe dứt câu chuyện đi đứng bèn bĩu môi bĩu mỏ phán: “Chuyện đi đứng của cái ông di tản này nghe mà nhức đầu nhức óc!”.

Rõ phiền! Chuyện dính tới cái thân di tản thì lúc nào mà chẳng nhức đầu. Mà nhức đầu dữ dội chứ không phải nhức đầu vừa phải đâu!

Nắng Mới, Montreal, số 24, tháng 9/1993