Đặc san, họp mặt, tiệc tùng là "thực đơn" của các hội đoàn
mang chữ "cựu" mà trong đó hình như các hội "cựu"
của các trường Trung Học là làm ăn rôm rả nhất. Họp mặt, tiệc tùng
là chuyện của mỗi địa phương, tôi chẳng thể biết nơi nào xôm hơn nơi
nào. Nhưng ở nơi tôi cư ngụ, Montréal, vừa dự, vừa nghe, vừa thấy,
tôi bấm đốt ngón tay cũng đã có La San, Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn
An, Gia Long, Trưng Vương, Pétrus Ký.... Đặc san, có tính "quốc
tế" hơn, các “cựu” từ nhiều nơi trên khắp thế giới mỗi người
góp một tay vào việc nhớ trường, nhớ thầy, nhớ bạn và nhớ những cái
dễ thương của thời cắp sách. Quốc Học, Khải Định, Cường Để, Võ Tánh,
Nữ Trung Học Nha Trang, La San, Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long,
Pétrus Ký, Nguyễn Đình Chiểu.... có đủ mặt.
Tại sao lại có sự mãn khai của các hội cựu học sinh các trường Trung
Học như vậy? Tôi nghĩ có lẽ vì Tiểu Học thì còn ngơ quá, Đại Học thì
không có cái không khí thân mật của một lớp, một trường. Chỉ có Trung
Học là chặng thời gian dễ lưu luyến nhất của thời mài đũng quần trên
ghế nhà trường. Cái thời mà nhiệt thành còn nóng bỏng, hăm hở còn
trùm lấp, thân xác vừa chín tới và mộng mơ mới trở mình.
Tôi theo học hai trường Trung Học: Dũng Lạc Hà Nội và Chu Văn An
Saigon. Khoảng giữa hai trường là một mùa hè kéo dài bị bắt buộc đổi
dời theo vận nước luân lạc từ Bắc vô Nam. Những ngày đầu Chu Văn An
là những ngày ở nhờ trường Pétrus Ký. Chủ nhà học buổi sáng, di cư
học buổi chiều. Rồi cũng có một nơi chốn riêng. Đó là tòa nhà hai
tầng lầu phía sau trường Pétrus Ký. Chật hẹp, dĩ nhiên, nên thầy trò
gói ghém với nhau chia thành hai khối lớp học. Khối buổi sáng và khối
buổi chiều. Cũng xong. Khi tôi rời trường thì thầy Hiệu Trưởng Trần
Văn Việt vẫn chăn dắt đám học sinh họ Chu tại ngôi trường này. Trường
đổi qua ngôi trường mới tinh, rộng rãi gần nhà thờ Ngã Sáu lúc nào
thì tôi chẳng hay. Thế là trường cũ của tôi mất tăm mất tích. Lâu
lâu, nổi cơn mơ mộng, muốn ghé thăm trường xưa, đành chịu. Kỷ niệm
với Chu Văn An của tôi bị rơi vào một khoảng trống như người đi xe
đạp vô ý bị rơi vào một ổ gà tổ chảng trên đường phố Saigon. Điếng
người!
Không còn trường cho mình treo những kỷ niệm thì cố vớt vát bằng
những cái bên ngoài vậy. Như con đường tới trường chẳng hạn. Tôi chuyên
trị học buổi chiều, bắt đầu lúc 1 giờ trưa. Vội vàng cơm trưa xong,
xách cái xe đạp ra khỏi cửa gặp ngay anh mặt trời lỗ mãng. Nắng quáng
mặt quáng mày nào có thấy cái chi. Leo lên xe đạp, áo quần rịn mồ
hôi, mặt mũi no đủ bụi Saigon, xe hơi, xe gắn máy, xích lô máy, xe
lam nà phía sau, ép phía phải phía trái, nội cái tránh né cũng đủ
phờ râu ( cũng đã lún phún tí râu! ). Đường tới trường còn chi mộng
với mơ mà nhớ!
Đường đi học trường Dũng Lạc của tôi quả có khác. Nó vẫn bám víu
vào ký ức tôi một cách dễ chịu. Nhà tôi ở đường Trần Xuân Soạn, phía
sau chợ Hôm. Trường Dũng Lạc nằm bên hông nhà thờ Lớn Hà Nội. Từ nhà,
tôi theo phố Huế, đụng Hồ Hoàn Kiếm, rẽ trái trên đường Tràng Tiền,
rẽ phải theo ven Hồ Hoàn Kiếm, thêm một cái rẽ trái nữa là đã thấy
Nhà Thờ Lớn. Chặng dài nhất là phố Huế, khi tôi đi bộ, khi tôi leo
xe điện. Hứng cách nào theo cách ấy. Đi bộ là thích đi bộ chứ không
phải không có tiền đi xe điện. Đi xe điện là thích đi xe điện chứ
không phải có tiền đi xe điện. Bởi vì tôi đi xe điện có bao giờ trả
tiền đâu! Chút mánh mung thời nhỏ nghe ra như chẳng có chút gì gian
dối ngày nay nghĩ lại phải đỏ mặt. Không, lũ bạn tôi và tôi gian dối
một cách vô tội. Lại còn hãnh diện về sự gian dối của mình nữa chứ!
Xe điện Hà Nội có nhiều toa, mỗi toa có nhiều cửa, muốn lên cửa nào,
xuống cửa nào cũng được. Người soát vé, trên tay cầm một cái bìa da
cứng cỡ cuốn sách, có gắn những cọc vé nhỏ bằng hai ngón tay chụm
lại, mỗi cọc là một mầu riêng, giá tiền khác nhau tùy theo chặng đường
đi ngắn dài. Mỗi toa có một ông. Ông rảo đi từ đầu toa tới cuối toa,
soát vé từng hành khách, ai chưa có vé, xé vé bán ngay tại chỗ. Ông
soát vé là người chúng tôi ngại gặp nhất nhưng lại là người được chúng
tôi tìm tòi nhất. Thấy ông ở đầu toa thì leo lên cuối toa. Tới trạm
ngừng kế, nhẩy xuống, leo lại lên đầu toa lúc ông đang léng phéng
ở cuối toa. Tới trạm kế nữa lại đổi qua toa khác. Chơi trò cút bắt
vài lần là tàu tới ga Bờ Hồ, nhảy xuống, ngoái nhìn lại mấy ông soát
vé, cười tươi vì đã qua mặt được cái vù. Bữa nào xe điện đông, ngại
đổi toa, thì lượm đại một cái vé vất ngổn ngang dưới sàn tầu, đứng
trên bực thang bước lên tầu, hai tay níu ngang hai thanh sắt cầm tay,
miệng ngậm chiếc vé bay lập bập theo gió như một cánh bướm bị tù túng.
Chẳng có ông soát vé nào nhìn thấy chiếc vé trên miệng mà lại còn
hăm hở chen lấn hành khách để ra hỏi vé mấy thằng oắt đang lắt lẻo
ngoài thềm cửa. Lương thiện nhất là xin chiếc vé còn giá trị của những
khách xuống xe, leo lên xe đi tiếp. Những bữa đó, vênh mặt chen vô
trong, ngồi ghế đàng hoàng, nói chuyện như pháo rang, nhìn ông soát
vé bằng nửa con mắt!
Đi bộ có cái thú đi bộ. Từ nhà ra vừa đụng phố Huế đã gặp ngay rạp
xi nê chuyên chiếu phim kiếm hiệp Tàu loại Hỏa Thiêu Hồng Liên Tự
có các kiếm sĩ đằng vân bay vù vù, mặt gân lên, mây giăng tứ phía,
áo bay lập phập nhưng vì mấy ông cameraman dí máy xuống hơi thấp nên
thấy rõ đôi chân đứng trên một bức tường vững chắc! Mà cần quái chi
mấy cái chuyện vặt đó. Vào rạp là tới quầy bán vé, xuống mặt nhu mì,
nhỏ nhẹ hỏi xin tờ chương trình có in sơ lược truyện phim để thêm
vào bộ sưu tầm programme.
Đi thêm một quãng nữa tới tiệm kem Cẩm Bình. Chỉ nguyên cái hơi lạnh
của dàn máy kem nằm kín cả cửa tiệm phả ra cũng đủ đã rồi. Cây kem
được kéo ra khỏi khuôn còn bốc khói mờ mịt là cả một hạnh phúc. Kem
dừa trắng nõn có những sợi dừa nằm ngang dọc, kem đậu xanh vàng sậm
bùi miệng, kem dâu hồng hồng mát rượi, kem chocolate nâu thẫm đăng
đắng ngọt ngọt. Que kem dài cắn quanh cũng qua được khúc đường tới
tiệm sách có cô bán hàng dịu dàng dễ mến. Tiệm sách ( bậy quá, quên
hẳn cái tên! ) gọn gàng, mát mắt là nỗi hồi hộp của tôi khi giở những
trang báo Cậu Ấm Cô Chiêu, Khỏe hoặc những tập truyện ra mỗi ngày
16 trang mỏng dính còn thơm mùi giấy mực.
Hết phố Huế là tới đường Tràng Tiền. Phố tây, rộng rãi, sạch sẽ,
sang trọng. Tôi rẽ trái, nhà ông Nguyên Sa ở phía phải. Tréo giò như
vậy nên cả đời tôi chẳng biết làm thơ. Cái thú của lũ chúng tôi trên
con đường vương giả này là dí mũi vào tủ kính những cửa tiệm sang
trọng để mơ ước vẩn vơ. Hồ Gươm ở phía bên kia đường. Ven hồ là thế
giới thần tiên. Không phải là hàng liễu rủ đâu. Tuổi đó thì liễu liếc
gì! Mà là ông tàu bán lạc rang có hàm răng lúc nào cũng nhe ra mà
không phải là cười. Chiếc bị vải ông kẹp trước mặt nóng hổi những
viên đậu phọng rang huống lìu thơm phức. Ông rút ra một chéo giấy
báo cắt sẵn, cuộn lại thành tổ sâu kèn, thò tay vào túi vải bốc ra
một cách mạnh bạo nhưng chỉ có vài hạt lạc cài hờ trên những ngón
tay lỏng lẻo. Nghệ thuật bốc của ông làm ông trở thành triệu phú (
nghe nói thì biết vậy, nhưng triệu là bao nhiêu tiền, nhóc con đâu
thèm biết! ). Lòng vòng quanh hồ còn những anh bán kem cốc. Đôi tay
thoăn thoắt vén khéo từng muỗng kem thơm mùi va ni ăn vào thấu tới
ruột tới gan. Chân anh cũng thoăn thoắt chẳng kém đạp lấy đạp để chiếc
cần phía dưới để giữ cho kem khỏi chảy. Rồi anh bánh mì ba tê. Xẻ
bánh, phết một lớp ba tê mỏng dính chẳng thấm vào đâu, xọc xọc rắc
vào chút muối tiêu. Vậy mà sao ăn vào thấy ngon lạ ngon lùng như vậy.
Tới cửa trường thì thịt bò khô, bánh tôm dàn hàng. Thịt bò khô thì
nhất định phải nài thêm một gắp đu đủ mới đáng đồng tiền bát gạo,
bánh tôm thì tợn vào cả đĩa lớn rau muống chẻ mới thỏa mãn.
Cái tuổi mới lên Trung Học chỉ thích ăn, và chơi.
Giờ học chưa hết đã bắt đầu đóng kịch. Luồn chiếc vợt bóng bàn vào bên
trong áo len, vài phút trước khi mãn giờ lên bàn thầy khoanh tay xin
đi tiểu. Tới cửa cầu tiêu là phải quay lại tức thời, vừa chạy vừa nghe
chuông reo, nhào vào nhà chơi, chiếm bàn ping pong trước. Nhiều bữa
nôn nóng quá, ra sớm gặp cha Hiệu Trưởng là tàn đời. Đó là nói chung
chung vậy chứ riêng tôi thì khỏi lo. Cha Hiệu Trưởng, cha Trịnh Văn
Căn, là "bạn" tôi từ hồi cha còn làm cha xứ Hàm Long. Xứ Hàm
Long là cái nôi của các Hồng Y Việt Nam. Hồng Y tiên khởi Trịnh Như
Khuê, Hồng Y thứ nhì Trịnh Văn Căn và đương kim Hồng Y Phạm Đình Tụng
đều xuất thân là cha xứ Hàm Long. Tôi lại là loại lăng xăng ở xứ này.
Vừa giúp lễ, vừa hát trong ca đoàn, quan trọng một thời. Cô Ý Lan, cô
Dalena đều xuất thân từ các ca đoàn nhà thờ, tôi không trở thành ca
sĩ cũng là một điều đáng ân hận. Bù lại, tôi là đầu sai của các cha,
ra vào phòng cha như chốn không người, nên được cái vinh hạnh làm “bạn”
với cả ba Đức Hồng Y của Việt Nam!
Cuộc di cư đã làm đứt mất tình bạn lớn lao của tôi. Nhưng nếu ở lại,
lên Trung Học Đệ Nhị Cấp, chắc gì tôi còn thân với các vị tu hành
cỡ bự như vậy. Tuổi Trung Học Đệ Nhị Cấp của tôi ở Chu Văn An là tuổi
thích làm bạn với những người nhỏ hơn, xinh xắn hơn, có mái tóc dài
hơn. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cây cao bóng cả, mát rượi quanh năm là
nơi có Sở Thú và trường Trưng Vương. Tuổi Chu Văn An, nếu phải chọn,
thì đánh chết cũng phải chọn khúc sau. Quả quyết cho oai vậy thôi
chứ cỡ tôi hồi đó, sợ Trưng Vương hơn sợ cọp Sở Thú. Bạn bè tôi nhiều
đứa không vậy. Chúng thuộc loại chì, chọn cổng trường Trưng Vương
làm nơi trú chân trước giờ các em tan học. Từ Chu Văn An đến Trưng
Vương phải mất một giờ bác học. Phải có can đảm không sợ Tổng Giám
Thị gọi lên văn phòng mới thành tay chì. Can đảm như vậy chưa thấm
vào đâu với cái can đảm phơi mặt ra trước hàng hàng lớp lớp nữ nhi
tuôn ra khỏi cổng trường. Tôi chịu thua. Cả một đời Chu Văn An của
tôi chỉ có một lần trót dại theo dăm bảy tên bạn đi... ăn hàng. Chờ
cho đoàn áo trắng vơi bớt, chúng tôi mới phóc lên xe đạp đuổi theo
năm bảy tà áo đang giăng hàng đạp xe phía trước. Xe đạp không có kính
chiếu hậu mà sao đàn bướm trắng biết có một hàng đuôi theo sau. Quay
lại cười làm phỉ chí nam nhi đang cong người lao xe vun vút phía sau.
Tới khúc rẽ, chúng tôi đang mải miết theo hương nồng nào có để ý là
xe đang bị đàn bướm phía trước ép vô lề. Khi gần té lụi đụi cả lũ
mới gồng mình, lên gân mặt, cố giữ cho khỏi đo đường. Hồng nào hồng
chẳng có gai. Lớ ngớ nổ lốp xe như chơi!
Tôi chẳng phải là chiến sĩ can trường nên từ đó cạch, chẳng dám xông
pha chiến trận. Bạn bè tôi, toàn loại xịn, vậy mà đứa thương tích
cùng mình, đứa chết lên chết xuống, đứa bò lê bò càng, may lắm mới
có được một tên giải được nàng về... dinh!
Nhắc tới đoạn "lịch sử" bẽ bàng này lòng tôi còn ngổn ngang
trăm mối, mối nào cũng tắm đẫm xót xa. Từ đó trở đi, cứ mỗi lần đi
qua Sở Thú ( mà ngày nào đi học lại không đi ngang! ), tôi thấy bày
cọp ở phía trong thật hiền lành dễ thương!
Trong một bài viết cho một Đặc San Chu Văn An ở Montréal, tôi đã
cho rằng lớp người Chu Văn An cùng với tôi là một lớp người hẩm hiu
chẳng còn trường lớp để mà treo những kỷ niệm. Vì vậy bao nhiêu tâm
tình Chu Văn An tôi máng lên vai bạn bè. Mỗi người vác một mảnh. Gặp
nhau nhắc lại chuyện cũ, mỗi người gợi ra mỗi chuyện, tâm tình được
hâm nóng lại ấm áp. Chất Chu Văn An của tôi theo chân bạn bè tản mạn
bốn phương tám hướng. Nhấc cái điện thoại, quay vài con số, là đày
ắp Chu Văn An. Gặp lại nhau như trở lại thuở mười tám đôi mươi. Nơi
phố lạ, nhìn thấy người nào có chất Chu Văn An trên mặt, chẳng phải
bạn, chẳng thấy quen, hỏi nhẹ nhau một câu. Chu Văn An phải không?
Thế là tay bắt mặt mừng sau cái gật đầu, chuyện nổ như pháo rang,
moi mãi cũng có những kỷ niệm chung. Đã cách gì đâu!
Vậy mà rồi cũng không xong. Mất trường, mất lớp đã đành, đến những
mảnh Chu Văn An lưu lạc cũng rụng dần. Nhiều bạn tôi có tính lười,
thích hưởng nhàn, tự dưng vô sáu tấm nằm ngửi hoa chơi. Chôn bạn là
chôn sống đi một mảnh Chu Văn An. Cứ thế, kỷ niệm rã rời. Mảnh nọ
chẳng dựa được vào mảnh kia, chông chênh đến lạnh người.
Muốn tìm về kỷ niệm cứ ngồi sững sờ như một anh mất trí. Nghĩ chuyện
này, nghĩ chuyện kia. Chuyện nào cũng pha đẫm tiếc nuối. Rất nhiều
lần trí óc bâng khuâng chuyện trở về nhìn lại những chốn xưa. Chu
Văn An của tôi còn tung tích gì đâu ở Saigon. Họa chăng chỉ còn Dũng
Lạc Hà Nội. Tôi nhớ quay nhớ quắt con đường tới trường xưa. Có còn
chăng rạp xi nê phố Huế, tiệm kem Cẩm Bình, cửa hàng sách, ông tàu
bán lạc rang, xe kem cốc, thùng bánh mì ba tê... Đi lại con đường
cũ có gợi lại chăng hạnh phúc một thời? Ngôi trường xưa, gánh bánh
tôm, thịt bò khô, sân trường lá vàng, nhà chơi rộng rãi, có còn nhắc
nhở được một thời thơ ấu? Và nếu được vào yết kiến Hồng Y Phạm Đình
Tụng, cha có còn nhận ra cậu bé thân cận xưa? Tôi sợ quá lớp lớp phế
hưng!
Những ý nghĩ quắt quay này bám cứng trong đầu óc làm tôi buột miệng
thở than với vợ. Sao anh muốn về thăm lại chốn cũ quá. Vợ cười, nụ
cười tươi đồng cảm nhưng nghe sao như có chút giễu cợt. Thì tại anh
già rồi chứ sao nữa!
Ông bạn tôi, loại chì, người đã rủ rê tôi tới cổng trường Trưng Vương
thuở xưa, có lần được bạn bè rủ đi dự một cuộc họp mặt Trưng Vương,
đã lắc đầu quầy quậy. Tại sao? Ông nhất định ngậm chặt miệng. Nghĩ
tới ông bạn, nhìn ánh mắt giễu cợt của vợ, tôi bật cười thoải mái.
Cứ gì mình!
SONG THAO
Đặc san Trưng Vương - Chu Văn An, Toronto, 2001 |