Cứ gì mình

Thơ xuân

Một mùa hè Montréal

Thế hệ X

Trà dư tửu hậu

Chuyện tầm phào

Chớm thu

Sống và chết

Chuyện chó

Ta đã làm chi đời ta

Bên ngoài sân cỏ

Cho

Đồng

Hanoi

Lồng

Mới

Tiếc

Trăm

Trầu

Nhớ

Oan

Giấy vệ sinh

Từ chuyện Cô vi

Lại chuyện Cô vi

Sẹo BCG

Tonton Mỹ

Tuyến đầu

Cám ơn

Mũ áo xênh xang

Anh thư

Cắt tóc mùa dịch

Xi-nê ngoài trời

Nóng

Hứa

Câu

Bum

West Point

Cà Cuống

Chân dài

Harris ở Montréal

Karaoke

Các bà Phần Lan

Cabane à sucre

Xe lửa

Ông địa

Rượu đế

Tháng tư nghĩ về sách Sàigòn cũ

Tình Nguyện Viên

Phở Dậu

Tôm hùm

Dầu gió

Đô la đỏ

Lương khô

Đi gặp Nguyễn Trãi

Tiến sĩ giấy

Vịt

Cứ tưởng bở

Cu Tin

Mày - Tao

Răng khểnh

Bên lề tổ tôm

Khai bút

Tuyết ơi là tuyết

Nhạc chế

Ve sầu

Việt Nam tại Paris 2024

Chuồn chuồn

Đom đóm

BÊN LỀ TỔ TÔM

Tổ tôm là một thú chơi phổ biến trong dịp Tết. Nhưng tới thế hệ tôi, tổ tôm đã đi vào suy tàn. Bạn bè tôi có ai biết tổ tôm là cái chi chi đâu. Vậy nên chúng tôi không còn dịp “làm trai” như ca dao đã đánh giá. Làm trai biết đánh tổ tôm / Uống trà Mạn Hảo, xem Nôm Thúy Kiều.

Nếu ra đời sớm hơn, chúng tôi đã có thể đánh bạn với cụ Tú Xương, ngồi chiếu tổ tôm với nhau. “Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ / Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm”.

Bài chi cũng vậy, có ăn có thua. Lúc thiếu thời Nguyễn Công Trứ ham mê tổ tôm thuộc loại có cỡ. Có một lần ông thua đậm phải mang nợ. Chủ nợ là một cụ già tới đòi năm lần bảy lượt mà họ Nguyễn vẫn không có tiền trả. Cậu học trò đan mê cờ bạc lục tìm khắp mọi thứ trong nhà coi có chi đáng giá đem bán để trả nợ. Nhưng nhà anh học trò nghèo có chi đáng giá, túng thế Nguyễn Công Trứ làm một bài thơ khất nợ.

Thân "bát văn" tôi đã xác vờ.
Trong nhà còn biết "bán chi" giờ?
Của trời cũng muốn "không thang" bắc,
Lộc thánh còn mong "lục sách" chờ.
Thiên tử "nhất văn" rồi chẳng thiếu.
Nhân sinh "tam vạn" hãy còn thừa
Đã không "nhất sách" kêu chi nữa?
"Ông lão" tha cho cũng được nhờ!

Mỗi câu trong bài thơ đều có tên một quân bài trong bộ bài tổ tôm. Nội dung lại nói lên được cái nghèo kiết xác của một anh học trò không có tiền trả nợ. Ông lão chủ nợ cảm phục và bằng lòng cho khất nợ.

Bộ bài tổ tôm có 120 lá bài tất cả, cụ Nguyễn Công Trứ chỉ mới nêu ra được tên tám lá. Còn thiếu nhiều. Bài tổ tôm gồm ba hàng: Vạn, Văn và Sách. Mỗi hàng có 9 lá đánh số từ nhất tới cửu. Vạn, văn, sách được viết bằng chữ Nho. Để ai cũng có thể nhận ra nên ba chữ Nho này được ghi nhớ một cách chân phương: Vạn vuông, Văn chéo, Sách loằng ngoằng. Nhìn chữ Nho có hình vuông, chéo hay loằng ngoằng là biết quân bài thuộc hàng nào. Ngoài ba hàng trên, bài tổ tôm còn có hàng “Yêu” gồm ba loại: ông cụ, thang thang và chi chi.

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/8/87/%E8%81%9A%E4%B8%89%E7%89%8C.png/220px-%E8%81%9A%E4%B8%89%E7%89%8C.png
Một phần bộ bài tổ tôm.

Bài tổ tôm là thứ chỉ có người Việt chơi, vậy ghi lằng nhằng chữ Hán vào chi cho rắc rối. Dân Trung Hoa không biết tới tổ tôm. Dân Nhật cũng không biết tổ tôm là gì nhưng hình vẽ trên mỗi quân bài đều mang phong cách tranh mộc bản mokuhan của Nhật. Nói mà mắc cỡ, dân ta hình như có máu vay mượn. Vì sao nên nỗi đáng mắc cỡ như vậy? Vì…lười. Bộ bài tổ tôm được công ty A.Camoin & Cie của Pháp in ra dưới thời Pháp thuộc. Có lẽ vì lười nên họ bê nguyên bộ tranh mộc bản của Nhật vào để khỏi phải thuê họa sĩ vẽ. Tất cả tranh trên bài tổ tôm đều có trang phục của người Nhật thời Edo, khoảng trước cuộc cải cách của Nhật Hoàng Minh Trị vào năm 1868. Trong 120 lá bài có tới 18 lá vẽ hình người đàn ông trong đó có 8 người chân quấn xà-cạp kyahan. Bốn hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình khác đều là những hình thông dụng trong hội họa Nhật như: cá chép, trái đào, vọng lâu, tàu thuyền.

1

2

Cụ Tú Xương, cụ Nguyễn Công Trứ đã có thơ tổ tôm thì cụ Nguyễn Khuyến cũng phải có cho xứng đáng “làm trai”.

Mở miệng nói ra gàn bát sách
Mềm môi chén mãi tít cung thang
Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ
Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng

“Bát sách” là tên lá bài thuộc hàng “sách” mang số 8. Nhưng tại sao lại gài thêm chữ “gàn” vào? Lá “bát sách” có hình vẽ một phụ nữ ngồi hút thuốc, mặt vênh lên coi đời như pha. Người xưa quan niệm phụ nữ hút thuốc lá là khó coi. Hút với dáng điệu nghênh ngang lại càng khó coi hơn nên người phụ nữ trong lá bài được coi như một người gàn dở. Hình ảnh gàn dở này đã được đồng hóa với “sự gàn dở” nên “gàn bát sách” trở thành một thành ngữ ở cửa miệng mọi người.

http://soi.today/wp-content/images/2015/04/bat-sach.jpg
Bát sách

Gàn là cái tính khác người, đúng hơn là tự coi như trên chân người khác, luôn khăng khăng cho mình là đúng, không chịu nghe lời người khác. Họ thích lý sự, cãi chày cãi cối, nhất nhất chỉ làm theo ý mình, bất chấp lẽ thông thường. Ca dao mô tả: “Anh chàng ấy thật lạ đời / Tính gàn bát sách chẳng người nào ưa”. Tôi đã có bài viết về Tuân Nguyễn, một trí thức sống với cộng sản ngoài Bắc, đi tù vì cái tính mà người ta cho là gàn. Sau năm 1975 vài năm, anh được đổi vào Nam dạy học tại trường cấp ba Thanh Đa. Khi đó tôi cũng đang dạy học tại đây và được biết anh. Trong bài viết về anh, tôi có ghi lại một tình huống gàn của anh: “Đừng mong Tuân Nguyễn có được những xử thế đời thường. Anh là người từ trên trời bước xuống trần gian, chưa nhả hết tính nhà trời. Sau 1975, vợ chồng anh dọn nhà vào Sài Gòn theo lời khuyên của bạn bè và học trò, anh bán căn phòng nhỏ bé ở Hà Nội. Căn phòng này anh mua trước đó khoảng chục năm với giá 600 đồng. Thời giá khi anh bán để vào Nam là khoảng từ 800 đồng đến 1.000 đồng. Vậy mà anh nhất định chỉ bán 600 đồng, bằng giá khi mua. Anh lý luận như thế này: “Mình mua của người ta 600, mình có quyền gì được bán lại một ngàn?”. Người “gàn bát sách” là người cô đơn giữa mọi người. Ít ai muốn thân cận. Nhưng cái gàn của Tuân Nguyễn là cái gàn đáng yêu của người thật thà và ngơ ngáo giữa thói đời vốn vụ vào cái mà người ta cho là khôn ngoan.

Tổ tôm chỉ thịnh hành ngoài Bắc, dân Nam và Trung không biết tới lối chơi bài này. Tổ tôm phổ biến ở ngoài Bắc sinh ra một tục lệ. Họ bỏ cỗ bài tổ tôm vào quan tài người chết để bọn quân bài theo hầu hạ người trong quan tài. Nhưng trước khi bỏ cỗ bài vào quan tài, người ta phải loại lá bát sách ra vì sợ quân bát sách gàn dở, nói năng những điều càn rỡ làm người chết khó chịu. Trong bài viết “Nhũn Như Con Chi Chi”, nhà văn Hoàng Hải Thủy viết: “Hình như người Bắc chỉ cho những lá bài Tổ Tôm vào quan tài những người chết đàn ông. Khi ông thân tôi qua đời, bà mẹ tôi cho cỗ bài vào quan tài của ông, tôi hỏi để làm gì thế, bà mẹ tôi nói “Để bọn này chúng nó hầu ông cụ.” Tôi không nói gì, tôi nghĩ thời gia đình tôi có nhiều người hầu nhất là những năm 1940 ở thị xã Hà Đông, những năm ấy ông thân tôi là thông phán Dinh Tổng Đốc, ông có nhà lầu, có xe tay nhà, thường thì trong nhà có hai người làm: một anh đàn ông vừa kéo xe đưa đón ông thân tôi đi làm, vừa gánh nước ở máy nước công cộng, vừa làm bếp nấu ăn, một vú già hay một chị sen đi chợ, giặt quần áo, phụ gánh nước. Nay ông thân tôi mất, cho những 119 quân bài theo hầu ông, ông lấy gì nuôi ăn đám hơn một trăm người hầu ấy?”.

“Gàn bát sách” là lá bài đi từ bàn tổ tôm ra thành một thành ngữ. Đó là thành ngữ phổ biến nhất. Người ta không nói gọn gàng “gàn” mà phải vần điệu “gàn bát sách”. Tổ tôm không chỉ cung cấp cho thành ngữ tiếng Việt chữ “gàn bát sách” mà còn vài ba thành ngữ khác. “Lì không thang” là một thành ngữ khác ít phổ biến hơn. Lá “thang thang” trong bộ bài tổ tôm có hình một phụ nữ đang trâng tráo vạch vú cho con bú. Hành động này bị coi như lì lợm. Người mẹ cho con bú thường tìm chỗ khuất nẻo hoặc tìm cách che ngực chứ không vạch tí ra cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng. Chuyện này xưa cấm kỵ, nay cũng còn gây ra tranh cãi. Ngay tại Montreal hiện nay chuyện các bà mẹ cho con bú tại các shopping center còn có khi bị bảo vệ ngăn cản khiến gây ồn ào trên báo chí một thời gian. Thực ra khi cho con bú nơi công cộng, các bà mẹ đã che chắn cẩn thận để không lộ bình sữa trước con mắt của bá tánh.  Tôi mới đọc được một bài báo về việc người mẹ cho con bú trên metro. “Trước hành động của người mẹ, hầu hết hành khách đều bày tỏ sự thông cảm, nhưng có một số hành khách không thể chịu đựng được điều đó nên đã lên tiếng: “Tôi thấy phụ nữ không nên để ngực trần nơi công cộng. Điều này rất phản cảm!”. Trước câu nói đó, bà mẹ trẻ đỏ mặt, chỉ biết xin lỗi về hành động của mình. Nhưng vị hành khách này càng nói gay gắt hơn: “Việc chị cho con bú nơi công cộng rất không văn minh và thiếu đứng đắn”. Lúc này bà mẹ trẻ mới lên tiếng: “Nếu là mẹ của bạn trong hoàn cảnh như tôi, bà ấy cũng sẽ làm như vậy! Các bà mẹ có thể từ bỏ mọi thứ, kể cả sĩ diện của mình cho con!”. Ngày nay, chuyện vạch vú cho con bú nơi công cộng còn hot như vậy, huống chi thời của các cụ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến.

Trong tác phẩm “Ngọc Kiều Lê” của Lý văn Phức, ra đời vào thế kỷ 19, tác giả đã dùng hai thành ngữ “gàn bát sách” và “lì không thang” để mô tả nhân vật Dĩnh Lang: “Dĩnh Lang tên ấy ngu si / Tính gàn bát sách, mặt lì không thang”.

Chúng ta thường nói “đểu cáng”  để chỉ những người sống không đạo đức, lừa lọc người khác. Truy từ nguyên của hai chữ này có thể làm chúng ta ngạc nhiên. “Đểu” có nghĩa là người gánh thuê. “Cáng” là loại võng có mui che, mắc vào hai đòn do hai người khiêng. Ngày xưa “đểu cáng” có nghĩa là người phu khiêng cáng. Tại sao từ một chữ hiền lành, “đểu cáng” biến thành nghĩa dữ dội như vậy? Có thuyết cho rằng những người phu khiêng cáng ít học, thường giành khách, ăn chia không đều, dẫn đến tình trạng  đánh nhau, chửi nhau, lừa nhau khiến “đểu cáng”, theo “Giúp Đọc Nôm và Hán Việt” của Trần văn Kiệm, có nghĩa là “bọn vô lại”. Ngày nay “đểu cáng” được hiểu là “gian dối, phản phúc, lừa lọc”. “Đểu cáng” mất hoàn toàn ý nghĩa ban đầu và ngày nay cũng chẳng còn cái nghề khiêng cáng. Chỉ còn những người khiêng vác mướn mà ngoài Bắc gọi là “cửu vạn”. Tại sao gọi là “cửu vạn”, cứ nhìn vào quân bài “cửu vạn” trong cỗ bài tổ tôm khắc biết. Quân bài “cửu vạn” có hình một anh chàng có dáng khỏe mạnh vác trên vai một thùng đồ. Hai chân như lên gân cốt chứng tỏ thùng đồ khá nặng. Khiêng vác mướn là nghề được coi là mạt hạng trong xã hội. Không có tài cán chi, không cần tay nghề, chỉ mang sức ra khuân vác thuê kiếm chút tiền công thường là rẻ mạt. Hạng người mà ca dao rẻ rúng: Vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu / Lông nách một nạm, chè Tàu một hơi.

https://images2.thanhnien.vn/Uploaded/ngocthanh/2021_11_21/anh-4-quan-bai-cuu-van-anh-chanannam-9892.jpg
Cửu vạn.

Từ lá bài tổ tôm đi vào thành ngữ còn có câu “nhũn như con chi chi”. Bộ bài tổ tôm ngoài ba hàng văn, vạn và sách còn có hàng “yêu” gồm các lá bài ông cụ, thang thang và chi chi. Con chi chi giá trị vào hạng bét trong bộ bài, quân nào cũng có thể đè được nên…nhũn như con chi chi. Nhũn đây là nhũn nhặn chứ không phải mềm nhũn.

https://dangnho.com/tre_assets/uploads/2020/06/tapchidangnho-quan-chi-chi.jpg
Chi chi

Nhưng nhiều người không chịu nghĩa “nhũn nhặn”. Họ cho nhũn như con chi chi là mềm nhũn. Có hai giả thuyết để biện minh cho sự mềm nhũn này. Thứ nhất, đó là tên một loài cá có tên là chi chi. Chi chi là một loài cá nhỏ, thân mềm yếu. Khi bị vớt lên khỏi mặt nước, chỉ một lát sau, thân cá sẽ nhũn nát. Trên thực tế, người ta chưa bao giờ thấy loài cá này. Giả thuyết này coi như viển vông.

Cái hiển hiện trong thực tế để người ta vin vào đó mà giải thích thành ngữ “nhũn như con chi chi” là bộ phận sinh dục của người đàn ông khi ỉu xìu. Bộ phận sinh dục là một thứ bị coi là tục tĩu, không muốn nhắc tới nên các cụ nói tránh ra là “con chi chi”. Hiểu như vậy thì thành ngữ “nhũn như con chi chi” dùng để chỉ một người khiếp sợ, mềm yếu đến nhún nhường giống như là “cái chi chi” trong trạng thái chẳng vẻ vang chi!

Đang nói chuyện ảnh hưởng của tổ tôm vào thành ngữ của người Việt, dĩ nhiên tôi không khoái hai lối giải thích bá láp mang loài cá và loài...phải gió vào đây. Như đã thú nhận ở trên, tôi không biết đánh tổ tôm và cũng chẳng muốn “làm trai” như các cụ Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ. Theo chân các cụ chơi tổ tôm mệt lắm. Mỗi khi đánh một quân bài, các cụ thường lẩy Kiều. Tỷ như khi đánh ra quân ngũ sách có hình một chiếc thuyền buồm thì ngâm: “Thuyền tình vừa ghé tới nơi / Thì đà trâm gãy bình rơi mất rồi”.  Hoặc đánh ra quân nhị vạn có hình cành đào lại ngâm: “Dấn thân đến bước lạc loài / Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”.Khó khăn như vậy giới bình dân ít thơ thẩn đâu kham nổi. Thôi thì để các cụ văn hay chữ tốt chơi tổ tôm, chúng tôi dân bầu dục chấm mắm cáy chơi theo kiểu ăn theo tổ tôm. Đó là chơi bài chắn cạ.

Đánh chắn cũng dùng bộ bài tổ tôm nhưng bỏ bớt chỉ còn chẵn 100 quân bài. Cách đánh giản dị hơn tổ tôm. Vậy nên tôi mới biết bộ bài tổ tôm bị cắt xén này. Dân miền Bắc rất quen thuộc với trò đánh chắn. Ngày giỗ, ngày tết, khi họ hàng tụ tập nhau lại thế nào cũng có bàn chắn. Mỗi bàn chắn gồm 4 hoặc 5 tay chơi. Nhiều khi phải gầy tới ba bốn bàn mới đủ chỗ cho mọi người.

Gia đình tôi không bài bạc chi trong những ngày tết hay giỗ chạp. Cho tới khi được...giải phóng. Khi tôi đi tù về thấy ông bà cụ cùng mấy ông chú bà cô gầy bàn chắn tại nhà, tôi rất ngạc nhiên. Sao các cụ bỗng đổi tính như vậy? Cuộc đổi đời làm con người chán nản, tìm mọi cách để tiêu hao thời gian, khỏi phải nghĩ ngợi cho đau cái đầu.

Hai thành viên cuối cùng còn sống của bàn chắn quên đời tại nhà tôi là ông chú và bà cô út của tôi, nay định cư tại San Jose. Khi hai ông bà mấp mé tuổi trăm, họ vẫn đánh chắn tay đôi. Ông chú tôi đã ra đi hai năm trước. Bà cô tôi mới theo chân ông. Vậy là tất cả thành viên của bàn chắn quên đời tại nhà tôi trước đây đã bỏ cõi đời này. Bàn chắn xưa không có hậu duệ. Như tổ tôm, chắn cũng lặng lẽ đi vào quên lãng, ít nhất là đối với bàn chắn bất đắc dĩ vì thời thế tại nhà tôi một thời năm xưa. Thời chẳng ai muốn nhớ!

11/2023