Ngày 5 tháng 11 năm 2018, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã gửi “Đơn Kiến Nghị Khẩn Cấp” do Hồng Y Nguyễn văn Nhơn và Giám Mục Chu văn Minh ký, yêu cầu thành phố Hà Nội đình chỉ việc ngang nhiên xây dựng trên đất của tòa Tổng Giám mục. Khu đất này chính là khu trường Dũng Lạc trước kia.
Tin xấu này làm nhiều người bất bình. Tôi là học sinh trường Dũng Lạc trong bốn niên khóa từ năm 1950 đến 1954, từ Đệ Thất đến Đệ Tứ, nên xót xa cho mái trường xưa, mái trường mà ít ngày trước đây tôi thẫn thờ nhớ khi cô cháu tôi từ Việt Nam qua chơi, đã mang qua cho tôi cuốn học bạ bốn năm tại trường Dũng Lạc. Cuốn sổ mỏng, vàng ố, chỉ có 16 trang, ghi lại thành tích học tập của tôi trong bốn năm học Trung Học Đệ Nhất Cấp này. Học bạ được in tại nhà in Tiến Long, 25 phố Nhà Chung, Hà Nội. Phố Nhà Chung, con phố ngắn nhưng rất thân thuộc với học trò Dũng Lạc. Từ cổng trường ra, quẹo phải, là đã nhập vào bóng mát của phố, nơi có một trường của các sơ, có ca sĩ Tâm Vấn theo học, con gái túa ra từng đàn trong giờ ra về trùng với giờ tan trường của chúng tôi. Chúng tôi thường dùng con đường này để tới đường Tràng Tiền, quẹo trái ra Bờ Hồ đón tàu điện về nhà. Nhưng trước khi ra tới phố Nhà Chung, chúng tôi còn phải vấn vương với vỉa hè rộng lớn trước cửa trường. Nơi đây là thiên đàng nhỏ của học sinh Dũng Lạc. Có thịt bò khô, bánh tôm, kem cây. Lại có ngôi quán nhỏ của anh chàng Đại Quấy, bán đủ thứ hầm bà lằng, thứ nào trông cũng quyến rũ. Có bánh mì thịt ngon ơi là ngon của chàng Lý Toét. Đại Quấy và Lý Toét là những xước danh chúng tôi đặt cho hai anh chàng vui tính bán hàng trước cửa trường.
Có lẽ ít người biết trường Dũng Lạc ở Hà Nội. Đây là một trường tư thục công giáo, nằm sát bên hông nhà thờ Lớn Hà Nội, nhưng học sinh không hẳn toàn là công giáo. Rất nhiều bạn học của tôi không phải là dân Chúa. Họ theo học vì đây là một tư thục có rất nhiều giáo sư danh tiếng giảng dậy. Tôi đã được học các giáo sư Lê văn Hòe, Nguyễn Uyển Diễm môn Việt văn, giáo sư Bùi Phượng Chì, Nguyễn Đôn Dương môn lý hóa, giáo sư Nguyễn Gia Tường môn vạn vật, hai anh em giáo sư Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh môn Anh văn, giáo sư Lê Xuân Bản môn Pháp văn, giáo sư Chung Quân môn Âm Nhạc.
Cổng trường Dũng Lạc đã bị đổi tên.
Trong cuốn học bạ vừa tìm thấy lại của tôi, chữ ký của Hiệu Trưởng là cha Nguyễn Huy Mai. Cha là một khuôn mặt trí thức khả kính của Hà Nội. Tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương và Cử Nhân Thần Học tại Đại học Sorbonne, Paris, cha hồi hương về Hà nội vào năm 1947, lúc 34 tuổi. Được bổ nhiệm Phó Xứ nhà thờ chính tòa Hà Nội, cha hoạt động hăng say trong giới thanh niên học sinh và trong lãnh vực giáo dục. Cha thành lập trường Dũng Lạc và giữ chức Hiệu Trưởng đầu tiên. Năm 1952, cha được bổ nhiệm Chánh Xứ nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Giám Đốc tiểu chủng viện Pio XII, và Tuyên Úy phong trào Thanh Sinh Công. Năm 1954, cha cùng bổn đạo di cư vào Nam, gia nhập giáo phận Kontum. Năm 1967, Vatican thiết lập tân giáo phận Buôn Mê Thuột và cha được vinh thăng Giám Mục tiên khởi của giáo xứ này. Cha qua đời vào ngày 4/8/1990, thọ 77 tuổi.
Giám Mục Nguyễn Huy Mai.
Học bạ trường Dũng Lạc.
Chữ ký cha Hiệu Trưởng Nguyễn Huy Mai trên học bạ.
Trong thời gian làm Hiệu trưởng trường Dũng Lạc, cha Mai còn kiêm nhiệm nhiều chức khác nên cha rất bận, ít có mặt tại trường. Công việc tại trường được giao cho cha Hiệu Phó Trịnh văn Căn. Cha Căn là “bạn” tôi nên tôi hay vào chơi với cha trong văn phòng nhà trường. Nói là bạn cho oai chứ thực ra tôi là đầu sai của cha khi cha còn làm Phó Xứ nhà thờ Hàm Long. Trong khuôn viên nhà thờ Hàm Long có trường tiểu học Trần văn Thưởng mà tôi theo học. Thầy giáo dạy lớp Nhất của tôi là thầy Phạm Việt Tuyền, lúc đó còn là sinh viên Văn Khoa. Tôi vừa là học sinh của trường nhà thờ, vừa giúp lễ, vừa hát trong ca đoàn. Ngày đó giờ của tôi ở nhà thờ nhiều hơn ở nhà, tôi không đi tu kể cũng lạ. Thực ra ngày đó tôi chẳng bao giờ có tư tưởng đi tu trong đầu. Có tên bạn cùng lớp đi tu, tôi còn cản không cho. Ngoài đời vui vậy, sao lại tự nhốt mình trong chủng viện cho phí đời trai! Cha Trịnh văn Căn là con trai duy nhất trong gia đình, tưởng là ở đời, lấy vợ, giữ việc nối dõi tông đường, vậy mà lại đi tu.
Lễ nhận mũ Hồng y của Tổng giám mục Trịnh Văn Căn tại Rôma
Hồi đó học sinh được nghỉ học ngày thứ năm. Đó là ngày tôi cùng vài tên bạn được cha Căn chọn tới phòng cha ngồi chép sách cha viết ra thành nhiều bản. Cha là người thích dịch và viết sách. Tình thân giữa cha con của cha và tôi chỉ kéo dài được một năm. Năm 1951, cha chính xứ Hàm Long là linh mục Trịnh Như Khuê được thụ phong Giám Mục, cai quản địa phận Hà Nội. Cha Phó xứ Hàm Long Trịnh văn Căn đi theo cha xứ Trịnh Như Khuê để làm thư ký của tòa Giám Mục, kiêm nhiệm Phó xứ Nhà thờ Lớn, Hiệu Phó trường Dũng Lạc. Vậy là cha con tôi “đoàn tụ” tại trường Dũng Lạc.
Năm 1952, cha Căn làm chánh xứ nhà thờ Chính Tòa Hà Nội thay thế cha Nguyễn Huy Mai khi cha Mai được bổ nhiệm chức Giám Đốc tiểu chủng viện Pio XII. Năm 1959, cha Căn còn kiêm nhiệm Chánh Xứ Kẻ Sét. Xứ Kẻ Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, là đất tổ của gia đình tôi. Sao đất tổ tiên của tôi lại lắm tên đến thế! Ngoài Kẻ Sét, Thịnh Liệt, còn có tên Giáp Bát hay nôm na là Làng Tám. Làng tổ của tôi trước kia thuộc tỉnh Hà Đông, sau thuộc ngoại thành Hà Nội, nay là thuộc Hà Nội. Cái tên Kẻ Sét đã đi vào dân gian. Chắc dân Bắc kỳ đều biết câu: “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Đầm Sét nằm ở Kẻ Sét làng tôi. Vậy là “tình thân” giữa tôi và cha Căn được thắt thêm một nút, tuy tôi đã di cư vào Nam từ năm 1954.
Nhà thờ xứ Kẻ Sét.
Năm 1954, hiệp định Geneve được ký kết, giáo dân ùn ùn di cư vào Nam. Khoảng 100 linh mục trong tổng số 180 linh mục của địa phận Hà nội theo giáo dân vào Nam. Cha Căn ở lại. Và cha trở thành một khuôn mặt lớn trong tình thế mới khi quan hệ giữa Vatican và nhà cầm quyền mới ở miền Bắc bị rạn nứt trầm trọng. Năm 1959, cha Căn được bổ nhiệm giữ chức Chánh Xứ nhà thờ Chánh Tòa Hà Nội. Giáo dân ngày đó coi cha như một người dẫn dắt giáo hội công giáo ở miền Bắc Việt Nam và giúp giáo dân vượt qua những khó khăn trong những ngày miền Bắc đổi chủ.
Tháng 2 năm 1963, cha Căn được thụ phong Giám Mục, làm phó cho cha Khuê, với quyền kế vị. Năm đó cha mới 42 tuổi. Năm 1975, Giám Mục Trịnh Như Khuê được Vatican phong tước hiệu Hồng Y. Năm 1978, Hồng Y Trịnh Như Khuê qua Roma bầu tân Giáo Hoàng kế vị Giáo Hoàng Paul VI mới qua đời. Chuyến đi phải kéo dài vì vị tân Giáo Hoàng được bầu là Giáo Hoàng Jean Paul I đã bất ngờ từ trần chỉ 33 ngày sau khi lên ngôi. Hồng Y Khuê phải ở lại Roma để bầu lần thứ hai. Đó là Giáo Hoàng Jean Paul II. Bầu xong, Hồng Y Khuê về nước. Sáng hôm sau Ngài vẫn dâng lễ bình thường, nhưng đến tối bị nhồi máu cơ tim và đột ngột qua đời. Giám Mục Căn lên kế vị. Chỉ một năm sau, Giám Mục Căn được vinh thăng Hồng Y và trở thành vị Hồng Y thứ hai của Việt Nam khi ông chỉ mới 58 tuổi. Nhân đây, có lẽ tôi phải nhắc tới vị Hồng Y thứ ba. Đó là Hồng Y Phạm Đình Tụng được phong tước Hồng Y năm 1994. Khi Cha chính xứ Hàm Long Trịnh Như Khuê được thăng Giám Mục thì linh mục kế vị ông trong chức Chánh Xứ Hàm Long chính là cha Phạm Đình Tụng. Vậy là ba Hồng y đầu tiên của Việt Nam đều trải qua những ngày phục vụ tại nhà thờ Hàm Long. Có lẽ ba vị chỉ giống nhau có vậy. Về vóc dáng họ hoàn toàn khác nhau. Cha Khuê trắng trẻo, mập mạp, trông rất uy nghi bệ vệ. Ngày đó, thấy cha là tôi kính nhi viễn chi. Chúng tôi không gần cha như gần cha phó Trịnh văn Căn. Cha Căn cao lớn, da ngăm ngăm đen, luôn có nụ cười hiền hậu trên môi và đặc biệt rất yêu thích lũ con nít chúng tôi. Phòng cha lúc nào cũng có bánh kẹo. Lũ nhóc chúng tôi bám theo cha, chẳng phải chỉ vì bánh kẹo, mà còn vì cha dễ chơi. Khi cha bỏ xứ Hàm Long, theo cha Khuê, chúng tôi như hụt hẫng. Cha Phạm Đình Tụng có chiều cao khiêm nhường, bộ vó rất tỉnh lẻ, da đen hơn cha Căn. Cha rất đạo mạo và khá biệt lập với chúng tôi. Ngồi nhớ lại, tôi không thấy có kỷ niệm đáng nhớ nào với cha Tụng. Tuy Hồng Y Phạm Đình Tụng không ăn nhậu chi tới trường Dũng Lạc nhưng tôi vẫn mới Ngài vô đây vì tôi muốn khoe là tôi là chỗ thân tình với cả ba vị Hồng y tiên khởi của Việt Nam từ khi các Ngài còn…hàn vi! Hồng y Phạm Đình Tụng trao quyền cai quản giáo phận Hà Nội cho Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt vào ngày 7/5/2003 vì già yếu. Ông lâm bệnh nặng từ năm 2006 và từ trần vào ngày 2/2/2009.
Trong ba vị Hồng Y quen biết, tôi khoái nhất Hồng Y Trịnh văn Căn. Tuy tính tình khả ái nhưng ngài rất cương quyết. Những ngày lãnh trách nhiệm dẫn dắt giáo hội miền Bắc trong hoàn cảnh khó khăn, ngài đã nhiều lần cứng rắn đối đầu với chế độ. Lớn nhất có lẽ là vụ phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam.
Đầu năm 1985, trong một chuyến tới Roma, Hồng Y Trịnh văn Căn hỏi ý Đức Ông Trần văn Thụ, yêu cầu Đức Ông nhận trách nhiệm làm cáo thỉnh viên trong việc xin phong thánh cho 117 vị chân phước tử đạo ở Việt Nam. Đức Ông nhận lời. Hồng Y Căn trao ngay cho Đức Ông Thụ giấy ủy nhiệm. Về lại Việt Nam, Ngài báo cáo với chính quyền. Chính quyền yêu cầu nộp hồ sơ cá nhân của 117 vị này. Trong khi đó, một số tu sĩ và giáo dân cho rằng Hồng Y Căn không khôn ngoan và thận trọng trong việc xin phong thánh. Ngài bị chính anh em cô lập. Chính quyền yêu cầu Hồng Y Căn lập ra một hội đồng để chính quyền tiện tiếp xúc trong việc xin phong thánh này. Trong một cuộc thuyết trình của nhà nước trước hội đồng, thuyết trình viên đã bôi nhọ các chân phước tử đạo Việt Nam là những người bán nước, đầu trộm đuôi cướp, gian thương. Nghe các chân phước tử đạo bị hạ nhục, Hồng Y Căn quỳ xuống ôm mặt khóc và van nài: “Xin thôi, xin thôi! Ông không có quyền thóa mạ, bôi nhọ cha ông chúng tôi là những người chúng tôi yêu mến và kính trọng”. Hồng Y Căn tiếp tục khóc. Các giám mục lẳng lặng rút lui. Cuộc họp kết thúc. Sau này, Giám Mục Nguyễn văn Sang, khi đã về hưu, kể lại: vị đại diện chính quyền bữa đó bị trách cứ là “suýt nữa cụ Căn ngã xuống thì lúc đó con số phong hiển thánh sẽ là 118 vị chứ không phải 117 vị!”. Theo Giám mục Chu văn Minh thì vị đó chính là Mai Chí Thọ! Ngoài ra, các ông Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khắc Viện và nhiều thành viên của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam, một phong trào do chính quyền thành lập, viết nhiều bài báo chống đối việc phong thánh. Ông Viện cho việc phong thánh là một đòn hiểm cho sự đoàn kết dân tộc của Việt Nam. Báo “Công Giáo và Dân Tộc” của các cha thân với nhà cầm quyền cộng sản định phổ biến một thỉnh nguyện thư xin hoãn việc phong thánh để xin chữ ký của giáo dân nhưng Hồng Y Căn và hàng giáo phẩm chân chính đã phản đối.
Ngày 22 tháng 6 năm 1987, Tòa Thánh thông báo tới Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chấp thuận việc phong thánh. Lễ phong thánh sẽ được tổ chức vào ngày 19/6/1988. Chính phủ Việt Nam phản đối quyết định này vì, theo họ, chính sử Việt Nam ghi lại các vị tử đạo Việt Nam là tay sai cho chủ nghĩa thực dân. Họ lo ngại nhân dịp này, giáo dân sẽ biểu tình lớn. Hồng Y Căn phản bác lại, cho rằng việc phong thánh không có ý nghĩa chính trị. Ông viết tiếp: “Đây không chỉ là một vinh dự cho Giáo hội Việt Nam, đó là một vinh dự cho tất cả người dân Việt Nam”.
Vì bị giam lỏng tại tòa Tòa Tổng Giám Mục từ năm 1987, Hồng y Căn không hy vọng chính phủ Việt Nam cho ông qua Roma tham dự lễ phong thánh. Tuy nhiên Ngài cũng thành lập một phái đoàn và xin chính phủ cho phép xuất ngoại. Ngài cũng cảnh báo là không chấp nhận phái đoàn do chính phủ Việt Nam thành lập và cử đi. Cuối cùng không có phái đoàn Việt Nam nào được chính phủ cho phép qua Roma tham dự. Đây là lễ phong thánh lớn nhất trong lịch sử giáo hội công giáo La Mã với 117 vị được thụ phong, vượt con số 103 vị ở Hàn quốc được phong vào năm 1984. Cha Andre Trần An Dũng Lạc mà ngôi trường chúng tôi học mang tên Ngài, là một trong các vị thánh tử đạo được phong vào dịp này. Cha sanh ra trong một gia đình ngoại giáo ở Bắc Ninh vào năm 1795, theo cha mẹ vào Kẻ Chợ, nay là Hà Nội. Cha Dũng Lạc chịu chức linh mục năm 1823, bị xử trảm tại Ô Cầu Giấy ngày 21/12/1839, dưới thời vua Minh Mạng.
Với công đầu trong việc vận động phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam, Hồng Y Căn cho gia đình tôi được một niềm vui khôn cùng. Trong số 117 vị này có thánh Martino Tạ Đức Thịnh, tiền bối của dòng họ tôi.
Thánh Martino Tạ Đức Thịnh sanh năm 1760 tại làng Kẻ Sét, lúc đó thuộc huyện Thanh Trì, Hà Đông. Năm ngài 18 tuổi, gia đình đi hỏi cho ngài một thiếu nữ thùy mị, duyên dáng và đạo hạnh, nhưng ngài xin hoãn lại. Cuối cùng, sau khi suy nghĩ kỹ càng, ngài quyết định đi tu. Ngài được thụ phong linh mục trong thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo, được bổ nhiệm làm bí thư cho Đức Cha Jacob Longer, đã từng tháp tùng Đức Cha tới yết kiến vua Gia Long khi nhà vua về Thăng Long vào năm 1803. Năm 1840, có Tổng đốc Trịnh Quang Khanh là một cộng tác viên đắc lực của vua Minh Mạng trong việc bách hại đạo công giáo. Nghe tin tại Kẻ Báng có ba vị linh mục, ông mang một ngàn quân tới vây bắt. Hai cha trốn trong vách nhà là các cha Nguyễn Đình Nghi và Nguyễn Ngân bị vây bắt trong khi cha Thịnh già cả, nằm trên võng giả dạng là một ông già tai điếc đặc, lại không bị lộ diện. Nghe tin hai cha bạn bị bắt, cha Thịnh hiên ngang ra trình diện. Tồng Đốc Khanh bắt các ngài bước qua thánh giá nhưng không ai chịu bước. Họ bị đánh roi, giam cầm khổ cực, cuối cùng bị hành hình bằng cách chém đầu vào ngày 8/11/1840 tại pháp trường Bảy Mẫu. Khi đó linh mục Martino Tạ Đức Thịnh vừa chẵn 80 tuổi. Thi thể của Ngài được mai táng tại xứ Vũ Điện, sau được đưa về quê quán là Kẻ Sét. Giáo Hoàng Leo XIII suy tôn ba linh mục Giuse Nguyễn Đình Nghi, Phaolô Nguyễn Ngân và Martino Tạ Đức Thịnh lên bậc Chân Phước vào ngày 27/5/1900, trước khi ba vị hiển thánh vào năm 1988.
Tượng thánh Martino Tạ Đức Thịnh.
Trước khi gia đình tôi tản cư khỏi Hà Nội vào năm 1948, tại nhà vẫn có bàn thờ rất lộng lẫy với xương cụ thánh Thịnh. Vài tháng sau, khi hồi cư về, bàn thờ bị phá, xương thánh bị mất. Năm 2003, tôi có về lại làng Giáp Bát, tới nhà thờ làng, thấy có bàn thờ cụ thánh Thịnh bên cung thánh.
Cũng trong lần duy nhất trở về Hà Nội sau 49 năm rời xa này, tôi trở lại trường xưa. Tôi chỉ đứng bên ngoài nhìn vào trường Dũng Lạc. Cánh cửa sắt lớn, nơi ngày xưa chúng tôi đứng bên trong chìa tiền ra mua kem trong giờ ra chơi, vẫn còn đó. Tấm bảng lớn bên trên nay mang dòng chữ: “Trường PTCS Hoàn Kiếm – Tân Trào”. Trường đã mất tên. Cuộc bể dâu nào đã giết chết ngôi trường xưa của chúng tôi sau khi chúng tôi di cư vào Nam?
*
* *
Cha Hiệu Trưởng Nguyễn Huy Mai theo giáo dân di cư vào Nam, cha Gioan Lasan Nguyễn văn Vinh thế cha Mai cai quản trường Dũng Lạc. Cha Vinh cũng du học từ Pháp về như cha Mai. Cha du học với tư cách một tu sĩ vào năm 1928, khi mới 16 tuổi. Cha thụ phong linh mục tại Limoges, Pháp, vào năm 1940, khi chiến tranh thế giới thứ hai đang tới hồi quyết liệt. Cha ở lại Pháp tiếp tục học và đậu Cử Nhân Triết Học tại Đại Học Sorbonne và học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc Gia Pháp. Cha chơi violon rất hay. Có lần tham dự cuộc thi kéo violon toàn nước Pháp, cha đã đoạt giải nhì. Đáng lẽ với tài nghệ của cha, cha phải đoạt giải nhất, nhưng vì thể diện quốc gia, ai lại để một anh da vàng mũi tẹt ẵm giải nhất của toàn nước Pháp nên họ phải trao giải nhất cho một cô đầm!
Năm 1947, linh mục Nguyễn văn Vinh hồi hương sau 17 năm xa quê và được Giám Mục Francois Chaize, tên Việt là Thịnh, bổ nhiệm làm Chánh Xứ nhà thờ Lớn Hà Nội. Cha Vinh là một linh mục yêu nước và cứng rắn. Năm 1951, Trung Úy Bernard, con trai của tướng De Lattre de Tassigny, Tư Lệnh quân Đội Pháp tại Việt Nam, tử trận trên chiến trường Việt Nam. Lễ an táng được tổ chức ở nhà thờ Lớn Hà Nội. Tướng De Lattre đòi ngồi trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Thủ Tướng Trần văn Hữu xuống phía dưới lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc và danh dự quốc gia, linh mục Nguyễn văn Vinh không nhượng bộ. Hai bên tranh cãi rất gay gắt. Chỉ tới khi Thủ Tướng Trần văn Hữu tự nguyện rút lui, sự việc mới xong. Bữa sau, tướng De Lattre vời cha Vinh tới dinh của ông ta, tức giận đập bàn đe dọa, cha Vinh không chịu kém, cũng đập bàn to tiếng lại. Giám mục Trịnh Như Khuê chịu áp lực phải cất chức chánh xứ của linh mục Vinh, thuyên chuyển ông qua giảng dậy Anh văn, Pháp văn, Triết và Nhạc tại Tiểu Chủng Viện Pio XII, đồng thời dạy Việt Văn và Triết Học tại trường Chu văn An Hà Nội.
Cha Gioan Lasan Nguyễn văn Vinh.
Cha Vinh điều khiển ca đoàn.
Tính cương quyết của cha Vinh được lập lại lần nữa sau năm 1954, khi cộng sản thống trị miền Bắc. Nhà cầm quyền mới chỉ thị trường Dũng Lạc phải treo hình Hồ Chí Minh thay cho thánh giá trong các lớp học của trường, cha Vinh cương quyết không thi hành. Vì vậy trường bị đóng cửa vào năm 1957. Trước sau trường chỉ có hai Hiệu Trưởng là cha Mai và cha Vinh!
Nhà cầm quyền sau đó không tìm ra được người dạy tiếng La tinh cho trường Đại Học Y Khoa Hà Nội nên đề nghị Đức Cha Khuê cử linh mục Vinh qua dậy. Trong một lần Thủ Tướng Trung Cộng Chu Ân Lai tới viếng thăm trường, ông thấy trong ban giảng huấn có chiếc áo chùng thâm, nói kháy: “Đến giờ này mà còn có linh mục dậy ở Đại Học quốc gia sao?”. Linh mục Vinh nghỉ dậy sau đó.
Năm 1957, vào dịp lễ Giáng Sinh, nhà cầm quyền Hà Nội muốn tỏ cho dân chúng trong nước và thế giới thấy là đạo công giáo vẫn được tự do hành đạo, họ tự động cho người tới treo dây, kết đèn quanh nhà thờ Lớn. Sau đó họ đòi nhà thờ một khoản tiền lớn gồm tiền công và vật liệu. Hành động ngang nhiên của họ khiến giáo dân bất bình. Năm sau, 1958, họ tái diễn mửng làm tiền đó. Hai linh mục Trịnh văn Căn và Nguyễn văn Vinh phản ứng dữ dội. Họ cho kéo chuông nhà thờ để báo động cho giáo dân. Giáo dân ùn ùn kéo tới. Linh mục Vinh leo lên chiếc thang cao, bắt chéo tay thành hình chiếc còng, lớn tiếng la: “Tự do thế này này!”. Sau đó, họ đưa hai linh mục quả cảm ra tòa với tội danh “vô cớ tập họp quần chúng trái phép, phá rối trị an, cố tình vu khống, xuyên tạc chế độ, gây chia rẽ trong nhân dân”. Tòa kết án linh mục căn 12 tháng tù treo, linh mục Vinh 18 tháng tù giam.
Án là 18 tháng nhưng cuộc đời tù tội của linh mục Vinh kéo dài lê thê. Ông bị giam tại Hỏa Lò và lần lượt di chuyển qua các trại giam Chợ Ngọc rồi Yên Bái. Khi mới tới trại Yên Bái, linh mục Vinh còn được ở chung với các tù nhân khác. Nhiều người đến xin và được ông giải tội. Vì vậy ông bị kỷ luật phải biệt giam, bị cùm chân trong xà lim tối thui. Mấy tháng sau, ông được ra sống chung lại với các tù nhân khác. Ông lại làm phép giải tội. Cán bộ trại tức bực hỏi: “Tại sao đã bị cùm, bị kỷ luật, được ra, anh lại tiếp tục phạm nội quy?”. Cha đáp: “Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi, còn sống ngày nào, tôi phải làm bổn phận của mình!”. Cha đã làm quá bổn phận của mình khi sống với anh em bạn tù. Một lần, nhận được gói quà gồm lương khô và vài đồ dùng cá nhân, do cha Nguyễn Tùng Cương, quản lý nhà chung Hà Nội, gửi vào, cha mang ra chia hết cho mọi người không phân biệt lương giáo. Bạn tù rất quý mến cha. Họ gọi cha bằng bố! Có lần một bạn tù bị đánh, cha lên tiếng bênh vực, liền bị cán bộ xông tới giơ tay đánh. Cha đưa tay lên gạt, lập tức anh chàng cán bội ngã khuỵu xuống. Vậy là cả trại đồn cha có võ!
Sau đó, cha bị đầy đi trại Cổng Trời, ngôi trại tàn khốc nhất trong các trại tù của cộng sản. Một chánh giám thị trại tên Nguyễn Quang Sáng đã dằn mặt tù: “Hôm nay, tôi, Nguyễn quang Sáng, chánh giám thị mới của trại, thông báo để các anh rõ: Trại Cổng Trời, công trường 25A Hanoi này là một trại đặc biệt. Trại đã sàng lọc cẩn thận lũ các anh, bọn đầu trâu trán khỉ, bọn phản động chống phá cách mạng một cách điên cuồng. Ở các trại dưới các anh không chịu cải tạo, lại còn ra sức truyền đạo và kích động người khác. Chúng tôi đây, chúng tôi cũng được chọn lọc, những phần tử ưu tú nhất, dầy dạn nhất, kinh nghiệm nhất để lên đây trừng trị, trấn áp lũ các anh. Tôi thay mặt ban giám thị báo cho các anh biết: Ban Giám Thị trai trực tiếp được Bộ chính trị và Ủy ban thường vụ quốc hội trao cho quyền hành đặc biệt là trừng trị thẳng tay những kẻ nào còn dám chống lại đảng và nhà nước”.
Một bữa, một cán bộ cao cấp ở Hà Nội tới gặp tù nhân Vinh dụ dỗ: “Đảng và chính phủ muốn anh được tha về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn Thế Vịnh. Nếu anh đồng ý, anh có thể về Hà Nội ngay bây giờ với tôi”. Linh mục Nguyễn Thế Vịnh lúc đó là Chủ Tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo, một tổ chức của nhà nước. Linh mục Vinh khẳng khái trả lời: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh, tôi có đường lối của tôi!”. Vậy là mút mùa lệ thủy.
Bạn tù với cha Vinh là Tuân Nguyễn nhớ lại những ngày cùng bị giam cầm với linh mục Vinh. Ông kể lại với nhà thơ Phùng Quán: thời gian trong tù, linh mục Vinh được hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ sừng sỏ nhất, quý mến. Ông được giao nhiệm vụ khâm liệm những tù nhân chết. Ông là con người nhân ái, trí thức.
Con người nhân ái đó được các tù nhân trong trại Cổng Trời đặt cho hỗn danh là “thằng khùng”! Trong bài viết “Cái Thanh Ngang Trên Cây Thập Tự Đóng Đinh Chúa”, nhà thơ Phùng Quán kể lại lời của Tuân Nguyễn. “Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương. Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính”.
Hầu như không ai trong trại biết “thằng khùng” chính là một vị linh mục trí thức đã từng du học bên Pháp. Công việc khâm liệm xác chết là công việc không ai muốn làm, vậy mà “thằng khùng” xung phong nhận làm. Và làm với cả tấm lòng. Phùng Quán viết lại lời của Tuân Nguyễn: “Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc. Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy”.
Ai chứ Tuân Nguyễn thì tôi biết. Anh là một giáo viên của miền Bắc, sau này vào Nam tiếp tục dạy học tại trường Cấp Ba Thanh Đa, tọa lạc trong cư xá Thanh Đa. Thời gian này, tôi cũng dạy học tại đây nên biết khá rõ Tuân Nguyễn. Anh là một người chân chất, thật thà như đếm, được mọi người quý mến. Thường thì các giáo viên trong trường chơi với nhau thành từng nhóm. Nhóm giáo viên Sài Gòn chúng tôi ít khi thân mật với nhóm giáo viên ngoài Bắc vô, nhưng với Tuân Nguyễn thì khác hẳn. Chúng tôi chấp nhận anh vì tự anh chứng tỏ anh là một người ngoài kia vào nhưng không giống người ngoài kia. Anh hầu như chỉ chơi với các giáo viên Sài Gòn, thiếu thân mật với các giáo viên ngoài Bắc vào dạy. Tới khi tin cậy được nhau thì tôi nghỉ dậy để đi định cư tại Canada. Anh thường kể cho tôi nghe những chuyện thâm cung bí sử của giới lãnh đạo miền Bắc. Lúc đó tôi không biết anh đã từng bị tù tội ngoài Bắc nhưng chính cách tiếp xử của anh đã chiếm được lòng tin của tôi. Anh mất vào năm 1983 vì một tai nạn xe tại Sài Gòn.
Tuân Nguyễn.
Khi chôn kẻ chết, miệng cha Vinh mấp máy cái gì đó, Tuân Nguyễn không hiểu nhưng tôi hiểu. Cha Vinh đã cầu nguyện hoặc làm phép xác cho các bạn tù. Công việc không ai muốn làm, cha Vinh nhận làm vì nhiệm vụ linh mục của cha. “Chôn xác kẻ chết” là một trong 14 điều răn của đạo mà một người công giáo cần thực hành. Không ai hiểu được công việc tông đồ của vị linh mục này. Có lần giám thị thấy cha Vinh khóc thắm thiết khi chôn tù nhân, đã hỏi: “Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?”. Cha khúm núm thưa: “Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ luẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ cũng không xích được!”. Phùng Quán kể tiếp lời Tuân Nguyễn: “Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, “đầu chày, đít thớt, mặt bù loong” cũng phải rơm rớm nước mắt. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?”.
Tuân Nguyễn chỉ biết “thằng khùng” là ai trong một dịp hai người đi chăn trâu của trại. Trời nóng như lửa đốt, bãi sông lại chỉ có độc nhất một cây mủng èo uột, hai người phải ngồi sát vào nhau cho có bóng mát. Bỗng “thằng khùng”, vốn ít nói, lại lên tiếng hỏi trước: “Anh Tuân này, sống ở đây anh thèm cái gì nhất?”. Tuân Nguyễn buột miệng trả lời ngay: “Thèm đọc sách!”. Nói xong anh mới thấy mình…khùng. Nói chuyện sách vở với tên này chắc cũng giống nói với mấy con trâu đang đầm nước dưới sông. Chắc cả đời tên này chưa bao giờ cầm tới cuốn sách. Nhưng “thằng khùng” lại hỏi tới: “Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai?”. Như không kềm nổi ước muốn trong lòng, anh lại buột miệng trả lời: “Voltaire!”. “Thằng khùng” nhìn mặt sông lóa nắng hỏi: “Trong các tác phẩm của Voltaire anh thích nhất tác phẩm nào?”. Tuân Nguyễn ngạc nhiên, trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: hay là một người nào khác đã ngồi thế vào chỗ tên này chăng? Anh ngập ngừng trả lời: “Tôi thích nhất là Candide”. Vẫn với giọng bơ bơ, một câu hỏi khác được đặt ra: “Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?”. Tuân Nguyễn còn bận ngây người ra nhìn, chưa kịp trả lời thì “tên khùng” nói tiếp: “Không phải đọc mà là nghe. Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ!”. Phùng Quán viết tiếp: “Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: “Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!”. Anh nói: “Chúng mình lùa trâu lên bờ đi!”. Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta: “Anh là ai vậy?”. Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời: “Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa”. Rồi anh ta tiếp: “ Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi”. Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn, ngu ngu đần độn như thường ngày”.
Mùa đông năm 1971, cha Vinh ngã bệnh. Tuân Nguyễn xin cán bộ cho tới thăm. “Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật. Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói: “Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình”. Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN. Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật. Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ “Nhẫn” ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu. Giám thị hỏi: “Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam”. Mình nói: “Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí”. Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán”. Cha Vinh về với Chúa ngày 8 tháng 2 năm 1971. Bản án 18 tháng đã thành 12 năm và người tù linh mục Nguyễn văn Vinh không bao giờ ra khỏi nhà tù!
Một năm sau, cái chết của cha mới được nhà nước xác nhận sau nhiều lần chất vấn của cha Quản Lý Nhà Chung Nguyễn Tùng Cương. Nhưng họ không cho phép tổ chức tang lễ!
Trước sau trường Dũng Lạc hoạt động được mười một năm, tám năm dưới chế độ tự do và ba năm dưới chế độ cộng sản. Với những vị Hiệu Trưởng như cha Vinh, cha Mai, với giàn giáo sư loại xịn nhất Hà Nội thời bấy giờ, học sinh Dũng Lạc chúng tôi đã tự hào được hun đúc thành những con người biết suy nghĩ và sống phải đạo làm người. Những ngày Dũng Lạc là những ngày rất đáng nhớ. Bọn chúng tôi nay nhiều người đã đi theo các cha, các thầy. Những người còn lại tứ tán khắp phương trời. Vài năm trước đây, trong dịp qua California chơi, tôi có tìm lại được một số bạn Dũng Lạc thời đó. Một bạn đã tổ chức một bữa ăn tại nhà. Trước khi mọi người cầm đũa, anh chủ nhà đã nói là bữa nay chúng ta trở về Dũng Lạc. Bàn ăn chỉ có hai món: thịt bò khô và bánh tôm, những thứ bán trước cửa trường khiến chúng tôi ăn quen đến thành nghiện. Quả thật bữa đó, với những món ăn gợi nhớ, hình ảnh của ngôi trường xưa đã thấp thoáng khi ẩn khi hiện trong tâm khảm tôi. Có lẽ các bạn bè đang cùng ngồi chung quanh cũng thấy vậy. Chúng tôi nhớ tới trường xưa qua hai món ăn đã mòn răng trước cửa trường Dũng Lạc. Xưa lắm rồi. Từ 64 năm trước. Nhưng nỗi nhớ hình như vẫn còn mưng mủ, nhức nhối!
11/2018
|