Ông Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius vừa có cuộc tiếp xúc với các dân cử, đoàn thể và cộng đồng Việt Nam tại Nam và Bắc Cali. Đó là chuyện chính trị. Nhưng vì ông này là dân đồng tính công khai nên việc này đã được báo chí nhắc tới. Đối với dân Việt ta, dù trong hay ngoài nước, chuyện đồng tính là chuyện mới mẻ nên chưa quen lắm. Khi qua nhậm chức tại Hà Nội, ông đã giới thiệu cả chồng và con với báo chí và dân chúng. Chồng thì OK nhưng làm sao có con? Dĩ nhiên là con nuôi chứ đồ nghề đâu mà vợ chồng này cho ra được thằng con.
Cuộc tiếp xúc với dân Việt của ông Ted Osius tại Cali đã có một side effect, phản ứng phụ, không liên quan chi tới chính trị. Ông Thị Trưởng Garden Grove Bảo Nguyễn, người Việt 72 phần dầu, đã hứng khởi nói trước các ống kính truyền hình, vào ngày Chủ Nhật 12 tháng 7, tại phòng họp Le-Jao của Coastline Community College: “Là một thị trưởng đồng tính luyến ái công khai, tôi hoan nghênh ông, một đại sứ đồng tính luyến ái công khai, và cảm ơn ông về những ảnh hưởng của ông đối với người đồng tính tại Hà Nội”.
Ông Bảo Nguyễn là người Việt Nam đầu tiên giữ chức Thị Trưởng Garden Grove sau cuộc bầu cử hết sức “đau tim” vào ngày 4 tháng 11 năm 2014. Ông hơn đối thủ là ông Bruce Broadwater, Thị Trưởng đương nhiệm lúc đó, chỉ có 15 phiếu! Ông Bảo được sinh ra trong một trại tị nạn ở Thái Lan khi gia đình ông vượt biển tìm tự do vào năm 1980. Sau buổi…tự thú, ông đã cho post trên Facebook cá nhân một poster công nhận ông là đồng tính. Trong vòng 18 tiếng đồng hồ sau đó, đã có 500 người thích và bày tỏ sự ủng hộ ông. Được hỏi tại sao lại chọn thời điểm này để công khai chuyện riêng, ông Bảo Nguyễn cho biết: “Tôi chưa bao giờ giấu giếm điều đó, nhưng hôm đó gặp ông đại sứ, tôi thấy được tạo nhiều hứng khởi, và tự nhiên muốn làm như thế…Tôi rất hãnh diện về sự thành công của Đại Sứ như một người đồng tính công khai….Sau ngày Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết công nhận hôn nhân đồng tính, trang nhà của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội cho đăng lá cờ Hoa Kỳ bên cạnh lá cờ cầu vồng, tôi thấy đó là một hình ảnh thật đẹp, một biểu tượng của tự do”. Lá cờ cầu vồng là…đảng kỳ của giới đồng tính.
Phán quyết mà ông Bảo Nguyễn nhắc tới được Tối Cao Pháp Viện Mỹ tuyên bố vào ngày 26 tháng 6 vừa qua, chỉ hai tuần trước khi ông công khai chuyện đồng tính của ông, được tonton Obama mô tả là “chiến thắng của nước Mỹ”. Từ nay, các cặp đồng tính tại Mỹ đã được bình đẳng trong việc làm thủ tục kết hôn và được hưởng mọi quyền lợi về hôn nhân. Phán quyết này đã lập tức tạo ra những chuyện vui vui. Trên Facebook đã dấy lên phong trào cho thêm lá cờ lục sắc của giới đồng tính vào hình cá nhân (avatar) để ủng hộ giới đồng tính. Facebook cho ra ngay một ứng dụng mới mang tên Celebrate Price. Dân chơi chỉ cần bấm vào ứng dụng này là hình của mình được…lục sắc cầu vồng quấn quanh liền.Hình của ông chủ facebook Mark Zuckerberg là một trong những hình đầu tiên được…cầu vồng. Dân ủng hộ đồng tính ở Trung Quốc và Việt Nam cũng vui mừng ăn theo, làm như giới tính thứ ba lấn át hai giới tính truyền thống trước đây.
Giới tính thứ ba chẳng phải bây giờ mới có mà có từ xưa, nhưng bây giờ mới được cởi trói. Trong văn giới, chuyện giới tính gây nhiều tranh cãi nhất phải kể tới chuyện giới tính của nhà thơ Xuân Diệu. Bài thơ làm người ta nghi ngờ về giới tính của “ông hoàng thơ tình” này là bài “Tình Trai”. Xuân Diệu đã lấy chuyện tình đồng tính của Rimbaud và Verlaine bên trời tây để bày tỏ nỗi niềm u uẩn của ông.
Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.
Nhưng có lẽ vì dư luận khe khắt thời đó nên Xuân Diệu không thể hành động công khai được như hai chàng thi sĩ bên trời Tây. Tình trai của Xuân Diệu khởi đầu với Huy Cận. Hai người quen nhau từ thập niên 1930 và gắn bó với nhau gần như tất cả cuộc đời. Huy Cận từng có thời kỳ trở thành em rể của Xuân Diệu khi lấy cô Ngô Xuân Như, em gái Ngô Xuân Diệu, làm vợ. Hai nhà thơ đã sống gắn bó với nhau trong suốt nửa thế kỷ cho tới khi Xuân Diệu mất vào năm 1985. Chính Huy Cận đã viết:
Hai đứa rồi ra nghĩ cũng kỳ
Thương nhau hơn ruột thịt dường ni
Mà đàn mỗi đứa riêng âm sắc
Cuộc sống muôn màu lập lại chi.
Tình trai của Xuân Diệu không chỉ có Huy Cận mà còn với Tô Hoài, Hoàng Cát, ông Tiến Sĩ Dầu Khí Đặng Của. Có lẽ đây mới chỉ là những người có dấu vết trong thơ Xuân Diệu.
Giáo Sư Nguyễn Đăng Mạnh đã kể lại trong cuốn hồi ký của ông: “Anh Xuân Tửu một lần cùng Xuân Diệu ở trong một đoàn văn nghệ sĩ đi thăm đảo Cô Tô. Chiều hôm trước, họ nghỉ lại ở Móng Cái để hôm sau đáp tàu ra đảo. Xuân Tửu muốn tắm truồng nên một mình lang thang ra biển tìm chỗ vắng người. Nhưng rất phiền là cứ thấy Xuân Diệu lẽo đẽo đi đằng sau. Đi một chập, Xuân Diệu biết ý Xuân Tửu, nói: “Muốn tắm truồng phải không? Thì cùng tắm”. Xuân Tửu mừng quá, không phải vì cùng được tắm, mà vì nhân dịp này biết đích xác Xuân Diệu có ái nam ái nữ hay không. Anh giương mục kỉnh để nhìn cho rõ. Té ra rất đẹp! Xuân Tửu nói với tôi như vậy”.
Chẳng biết có phải vì đầu hàng dư luận không mà Xuân Diệu đã lấy vợ. Trong bài “Giải Mã Giới Tính của Ông Hoàng Thơ Tình Xuân Diệu”, tác giả Lã Xưa cho biết Xuân Diệu đã cưới bà đạo diễn nổi tiếng Bạch Diệp. Sau này, tác giả Lã Xưa đã gặp bà Bạch Diệp trong căn nhà của bà ở ngõ Đội Cấn và được bà kể lại khá cặn kẽ. Bà nói: “"Từ nhỏ tôi đã bị cấm đọc tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết tình yêu, lại học ở trường dòng nên gần như tôi không biết gì nhiều về tình yêu nhục dục, quan hệ vợ chồng. Lấy nhau nhưng đêm tân hôn và cả những ngày sau nữa không có chuyện quan hệ chăn gối nhưng tôi cũng không thắc mắc nhiều đến chuyện đó. Đến khi lấy nhau được 3 tháng thì bố tôi phát hiện chúng tôi chưa ăn ở với nhau. Đó là do một lần chúng tôi đi Quảng Ninh chơi về thì mẹ lôi tôi vào phòng hỏi: Thế nào? Thì tôi ngạc nhiên hỏi thế nào là thế nào ạ. Thế là mẹ tôi hỏi thẳng chuyện chăn gối của hai vợ chồng. Tôi liền bảo: con tưởng phải một năm sau mới ngủ với nhau chứ, mới mấy tháng đã ngủ gì".
Nghe con gái nói vậy, cha của bà Bạch Diệp gọi Xuân Diệu lên gác nói chuyện. Bà Bạch Diệp kể tiếp: "Bố tôi bảo Xuân Diệu bị bệnh tiên thiên, không thể quan hệ vợ chồng được. Nhưng Xuân Diệu mắc chứng bệnh đó là do bẩm sinh chứ không phải do chơi bời mà ra. Bố tôi bảo sẽ chữa cho Xuân Diệu. Ông cũng "giao chỉ tiêu" cho chàng rể trong 3 tháng nếu không khỏi bệnh, không làm tròn vai trò của người chồng "thì phải bỏ con Diệp". Từ đó, ngày nào Xuân Diệu cũng mải miết sắc thuốc uống mong chữa trị được chứng bệnh yếu sinh lý bẩm sinh. Bạch Diệp biết bệnh của chồng thì thêm phần thương xót, không kêu ca, than phiền một lời”.
Ba tháng sau, hạn kỳ qua, bệnh “tiên thiên” của Xuân Diệu không dứt. Nhà thơ nói với vợ: “Diệp ơi, ba tháng rồi mà anh không biến chuyển gì, chúng ta phải chia tay thôi, anh phải thực hiện lời hứa với bố”. Cả hai vợ chồng cùng khóc. Họ sống với nhau được đúng sáu tháng.
Tác giả Lã Xưa viết tiếp theo lời kể của bà Bạch Diệp: “Suốt 6 tháng làm vợ chồng, không những không có chuyện quan hệ chăn gối mà ngay cả ôm thôi, giữa chúng tôi cũng không có. Mỗi đêm, Bạch Diệp thường nằm sát về một mé, quay mặt vào trong, còn Xuân Diệu sau một hồi loay hoay với giấy bút và thơ thì cũng nằm cách xa vợ ở phía mé giường còn lại. Có lẽ, ngay chính cả "ông mai" Hoàng Tùng khi cố làm sợi dây gắn kết hai con người này lại cũng không thể ngờ cuộc hôn nhân của họ lại ngắn ngủi đến nhường ấy. Dù Hoàng Tùng là người rất cẩn thận, trước khi làm mai ông đã cử người đến tận nơi hỏi Huy Cận về Xuân Diệu thì Huy Cận bảo, Xuân Diệu là người bình thường. "Xuân Diệu không hiểu hết mình, ông ấy nghĩ là vì không quan hệ nên không quen, lấy vợ vào sẽ hết nên mới quyết định lấy tôi. Nhưng nào ngờ, sự tình cũng chẳng chuyển biến được. Có lần tôi hỏi một người em dâu của Xuân Diệu thì được biết một người em của Xuân Diệu cũng mắc chứng bệnh đó", người vợ cũ của "ông hoàng thơ tình" nói”.
Cho tới ngày nay, khi bà Bạch Diệp đã ở tuổi bát tuần, cuộc hôn nhân với Xuân Diệu vẫn được bà trân trọng: “"Cuộc hôn nhân ngắn ngủi với Xuân Diệu như một luồng gió mát đi qua cuộc đời tôi. Luồng gió đó dù ngắn nhưng đã để lại mãi ấn tượng trong tâm hồn. Chỉ là một luồng gió thoáng qua nhưng lại làm tôi giữ mãi niềm thương mến, bởi tôi thực lòng rất thương Xuân Diệu".
Theo Giáo Sư Nguyễn Đăng Mạnh thì ngày đó bà Bạch Diệp cũng đã rất cẩn thận. Trước khi nhận lời lấy Xuân Diệu, bà đã hỏi Tô Hoài về tình trạng của Xuân Diệu. Tô Hoài thoái thác, chỉ qua Huy Cận. Huy Cận nói không có chuyện gì. Nhưng bà Bạch Diệp vẫn ngờ ngợ. Vậy nên đám cưới được tổ chức rất lớn nhưng không đăng ký kết hôn. Khi hai người bỏ nhau không phải ra tòa ly dị lôi thôi.
Giáo Sư Mạnh kể tiếp: “Sau khi Bạch Diệp bỏ Xuân Diệu, anh Huỳnh Lý có một lần cùng ăn với Xuân Diệu ở khách sạn Phú Gia. Huỳnh Lý gạ chuyện: “Mình có học với cậu từ nhỏ ở Quy Nhơn, mình biết chứ. Người ta cứ nói cậu ái nam ái nữ, nhưng có phải đâu. Trẻ con thằng nào ái nam ái nữ nó vật ra khám ngay, giấu sao được”. Xuân Diệu im lặng một lúc rồi nói: “Cái con Bạch Diệp trắng trợn! Để rồi mình uống thuốc sẽ khá lên dần. Nó bỏ luôn”. Người làm mối Bạch Diệp cho Xuân Diệu là Nguyễn Đình Thi và Hằng Phương. Hôm cùng đi vào Đà Nẵng, Nguyễn Đình Thi nói với tôi: “Tôi cứ bị cô Bạch Diệp chửi mãi”.
Xuân Diệu mất vào lúc 7 giờ 40 phút ngày 18 tháng 12 năm 1985. Bà Bạch Diệp đã viếng một vòng hoa trắng.
Thời của Xuân Diệu khác với thời nay, thời mà chiếc cờ cầu vồng sáu sắc của giới đồng tính phơi phới tung bay trên khắp các thành phố. Những lễ hội, những cuộc diễn hành của giới đồng tính được công khai trên hầu hết các quốc gia. Trong môi trường đó, nhà văn Hồ Trường An đã ra công khai. Chuyện Hồ Trường An thuộc giới tính thứ ba là chuyện mà giới văn nghệ không lạ gì. Hầu như ai cũng biết mà ai cũng không chắc chắn. Vốn là nhà văn rất nổi tiếng và viết rất khỏe nên chuyện liên quan đến đời tư của Hồ Trường An được mọi người chú ý nhiều hơn. Trả lời cuộc phỏng vấn của nhà thơ Lưu Diệu Vân, nhà văn tên thật là Nguyễn Viết Quang đã mở đầu câu trả lời thứ nhất như sau: “Cô Vân, tôi chấp nhận cuộc phỏng vấn này là một lời tự thú trong buổi tàn thu cuộc đời. Tôi đã vào tuổi thất tuần rồi, cô ơi! Mỗi đêm, trước khi đi ngủ tôi luôn tự hỏi: sáng mai, mình có thức dậy được không đây? Hay là mình phải làm một chuyến đi tàu suốt vào giấc ngủ miên viễn? Vậy tại sao mình lại giấu diếm cái bí mật trong cuộc sống tình cảm lẫn tình dục của mình? Chấp nhận cuộc phỏng vấn của cô, tôi muốn cho lớp thế hệ bọn gay sau tôi một vài kiến thức hay một vài kinh nghiệm nhỏ nhoi nào chăng?”
Theo nhà văn thì “vào những năm đầu của thập niên 80, tiết lộ giới tính và khuynh hướng tình dục của mình mới là hành động can đảm. Hồi đầu thập niên 60, tôi chỉ tiết lộ thân phận mình cho chị Thụy Vũ của tôi cùng một số bạn thân. Bắt đầu năm 1980 tôi có người yêu là dân Pháp chánh gốc, tôi ngang nhiên sống chung với đương sự, tới nay kể ra cũng gần 30 năm..Từ đó, khi đi dự các cuộc tiếp tân nào trong giới văn nghệ sĩ kiều bào ở Paris, tôi cũng dắt người bạn lòng của tôi theo. Đương sự nhỏ hơn tôi 9 tuổi, nhưng cái tác của hắn lớn hơn tôi khá nhiều. Năm 1983, tôi tung ra quyển Hợp Lưu trong đó có nhân vật gay tên Quế, phản ảnh đôi chút tâm trạng của tôi”.
Cuốn Hợp Lưu, phản ảnh đôi chút tâm trạng của tác giả, là một hiện tượng gây nhiều tranh cãi khi được tung ra thị trường chữ nghĩa. Tác giả cuốn truyện này nhớ lại: “Tôi diễn tả chuyện giao hợp giữa cậu trai Việt và anh chàng gay quí tộc Pháp khá táo bạo và khá đậm đà. Chính nữ ca sĩ Quỳnh Giao thuở thập niên 80 bảo rằng đây là quyển sách mà Quỳnh Giao thích. Song song, cũng có rất nhiều độc giả chửi tôi khá nặng. Họ gọi điện thoại xài xể luôn anh Mai Thảo vốn là người chủ trương tờ tạp san văn chương Văn, tại sao có thể đăng từng kỳ những chương “dơ dáy nhớp nhúa” của quyển Hợp Lưu?”.
Hồ Trường An khẳng định “đồng tính luyến ái là do trời sanh ra, do cái ác nghiệp từ tiền kiếp hiện hành ở kiếp này”. Một nhà văn đồng tính có chi khác với những nhà văn khác khi cầm bút? Nhà văn của chúng ta cho biết: “Bao giờ cũng vậy, khi viết tiểu thuyết không bao giờ tôi dám giết những nhân vật đẹp trai dù các đương sự cùng hung cực ác đi nữa. Tôi chỉ dám giết những nhân vật già nua từ 80 tuổi trở lên (cho họ chết vì già yếu chớ không dám cho họ chết vì bịnh hoạn). Lại nữa, các nhân vật đẹp trai được tôi xe duyên chỉ thắm với những nữ nhân vật nếu không kiều diễm thì cũng duyên dáng mặn mòi. Nếu các cô lỡ có chửa với người chồng bô trai ngó hoài…vẫn thích ngó của họ, thì ở chương áp chót của quyển tiểu thuyết, tôi cho họ xổ bầu đập chum để họ có cái eo thon đẹp, để họ diện áo đẹp đi rước đèn, đi bát phố cùng chồng”.
Ước vọng của nhà văn khá đặc biệt trong văn học hải ngoại này là chi? “Chỉ cầu mong cho mọi người hiểu rằng đồng tính luyến ái là cái sở thích bẩm sinh, chứ không phải là cái căn bịnh do xã hội tạo ra. Có kẻ bảo rằng người đồng tính luyến ái là do trong người đương sự có những cái genes (mầm mống) tạo cho đương sự cái khuynh hướng yêu người đồng phái. Dù tôi không nắm vững vấn đề nầy, nhưng tôi không bao giờ để cho Ông Trời hay nhà khoa học hay nhà tâm lý học hoặc nhà phân tâm học nào chữa trị tôi trở thành người đàn ông bình thường. Tôi rất hạnh phúc được làm chàng gay”.
Chúng ta chẳng có thể làm gì hơn là tôn trọng cái hạnh phúc của những đồng hương Hồ Trường An và Bảo Nguyễn. Ít nhất tên tuổi của họ cũng đã làm chúng ta hãnh diện.
07/2015
Poster công bố mình đồng tính của Thị Trưởng Bảo Nguyễn trên trang Facebook của ông.
(Hình: Facebook của Bảo Nguyễn)
Nhà thơ Xuân Diệu.
Nhiều người vui mừng trước trụ sở Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sau khi phán quyết về đồng tính được phổ biến.
Bà Bạch Diệp ngày nay đã ngoài 80 tuổi.
Đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg trong avatar sắc cờ cầu vồng để ủng hộ người đồng tính.
Nhà văn Hồ Trường An