Không hiểu sao mấy ông bạn tôi lại thích ngồi tụ tập ở quán cà
phê này. Có lẽ vì cái chữ M nằm đỏ chót trên tấm bảng hiệu chăng?
Ôm M bao giờ mà chẳng gợi nên những êm đềm, lả lướt, mang mang một
vị ngọt ngào đằm thắm. Mà chẳng phải chỉ có một M đâu nhé. Tới ba
M lận. Một M nồng nàn đỏ chót nằm đầu, rồi tới một M tươi mát màu
da cam, một M kiêu sa vàng chói. Quanh bàn cà phê là những khuôn
mặt thường xuyên lui tới. Lưu Nguyễn chẳng bao giờ để quên nụ cười
ở chốn thiên thai, Lê Quang Xuân kính trắng trễ xuống mũi nhẩn nha
góp chuyện, Trang Châu dí dỏm ứng biến và Hồ Đình Nghiêm là người
bỏ rất nhiều gia vị vào câu nói. Thỉnh thoảng xẹt tới với "anh
em" là Luân Hoán tứ thời bát tiết không nhức đầu thì cũng sổ
mũi ho hen, Nguyễn Đông Ngạc trầm mặc chế tạo khói thơm cho chiếc
tẩu luôn luôn nóng ấm, Vũ Ngọc Hiến không vợ con mà lúc nào cũng
bận bịu như có cả chục đứa con nít nằm trong máy điện toán, Phạm
Nhuận ngất ngưởng duyên dáng và Nguyên Ngọc, bóng hồng duy nhất
mà chẳng lạc lõng một chút nào trong những câu chuyện khi đông khi
tây quanh bàn cà phê.
Chính trong một buổi trò chuyện lân mân này mà tôi đã đề nghị
với anh em mở mục Trà Dư Tửu Hậu này trên báo Nắng Mới như một góc
cho mọi người có dịp ném vào những suy nghĩ tản mạn bất chợt nảy
sinh từ những mảng sống của cuộc đời lưu vong nhiều ray rứt và lắm
phiền muộn này. Anh em đồng ý sẽ lần lượt viết và mời độc giả cùng
góp mặt phơi bày tâm sự trên giấy như một giải tỏa chung của những
con người đồng điệu đồng cảnh. Nói cho mình mà cũng là nói cho người.
Chuyện riêng nếu gói kín trong lòng thì muôn đời là chuyện riêng,
nhưng nếu được viết ra thì mỗi người đọc như cảm thấy đó là chuyện
riêng của chính mình. Cái riêng đã tách vỏ chui ra tìm bạn kết hợp
thành cái chung của những người Việt xa quê mà vẫn nặng ôm tấm lòng
u hoài với miền đất nước rách rưới tơi tả dưới bàn tay của một lũ
con rối què quặt độc ác.
Vạn dặm xa quê mà cái đầu lúc nào cũng như bị treo vào những mảng
sống ngày xưa khi còn ở bên nhà. Một buổi sáng thứ bảy lạnh căm
căm, tuyết rơi trắng xóa, hàng cây bên đường chơ vơ đứng ngậm tuyết
đẹp như vừa chui từ trong thiệp Giáng Sinh ra, tôi đưa con gái đi
thi. Cuộc đời học sinh ở bên đây hình như không có thi cử nên ôm
giấy bút đi thi ở một trường khác có chia phòng ốc, có số báo danh
là một biến cố quan trọng. Con gái tôi đang học năm chót tiểu học
thi vào lớp "enrichie" của một trường trung học. Ngồi
trong xe cháu hồi hộp lo lắng luôn miệng bảo tôi là lo quá không
biết có làm bài nổi không. Tôi phải lựa lời trấn an cháu là những
gì mình đã học, đã biết thì chắc chắn mình làm được, không có gì
phải lo hết. Cháu vẫn bứt rứt ngồi không yên, thở dài thườn thượt
và luôn miệng nói sợ quá.
Nhìn con hồi hộp tôi nghĩ lại ngày tôi đi thi tiểu học, cuộc thi
đầu đời học trò. Đêm trước ngày thi tôi trằn trọc không ngủ được,
sáng hôm sau dậy sớm đứng ngồi không yên, chữ nghĩa nhảy lộn xộn
trong đầu. Ba tôi cũng lựa lời trấn an tôi, pha nước trà đường nóng
cho uống để lấy lại bình tĩnh. Rồi tôi lủi thủi leo lên ngồi trên
poóc-ba-ga xe đạp của ba tôi, lòng ngao ngán như một tử tội lên
đoạn đầu đài. Tới trường thi, tôi lếch thếch theo ba tôi đi tìm
phòng, tìm chỗ ngồi. Ba tôi đứng trước cửa phòng nhìn vô, ánh mắt
nửa như xót xa nửa như khuyến khích đứa con lần đầu ra tranh đua
với đời. Khi tiếng trống báo hiệu giờ thi bắt đầu, ba tôi ra về
mà chân như không đành bước đi trước đôi mắt "cầu cứu"
của tôi. Tôi ngồi lặng người nhìn con số báo danh viết bằng phấn
trắng trên mặt bàn thần trí bảng lảng như đang dật dờ trên những
cụm mây trắng lãng đãng gần xa.
Ba tôi giờ đã gần tám chục tuổi. Một ông bạn hàng xóm cũ bên Việt
Nam, mới về thăm nhà qua kể lại là ba tôi nay đã già yếu, đi xa
phải chống gậy, nói năng chậm chạp và hay lầm lẫn. Cụ vừa bị vấp
té, mặt mày trày trụa, may là không bị gãy xương. Ông bạn tôi chép
miệng thêm: "Đường xá bên nhà bây giờ tệ lắm!".
Cái tệ không phải chỉ ở đường xá. Mà cùng khắp mọi nơi. Ông bạn
tôi bùi ngùi nói tới sự tệ mạt của một lũ người cầm quyền mà không
biết tiên liệu có thể đưa dân tộc tới chỗ diệt vong. Đó là việc
tổ chức cả một hệ thống đĩ điếm cho du khách ngoại quốc. Đứng đầu
về "kỹ nghệ" này trước đây là Thái Lan. Nay Thái Lan đã
tham đòn. Nửa triệu người bị bệng AIDS đã làm chính phủ Thái Lan
phải cương quyết dẹp các sex tour để lo bài trừ và ngăn ngừa căn
bệnh hiểm nghèo này. Bị cấm cửa ở Thái Lan, sex tour “di tản” qua
Việt Nam bằng bàn tay phù thủy của các chú con trời. Các nhà "kinh
doanh" này bỏ vốn xây khách sạn, lập những sân golf và các
tiện nghi giải trí khác để kéo du khách qua. Cách giải trí lôi kéo
du khách hữu hiệu nhất là... thân xác đàn bà. Cái gọi là nhà cầm
quyền tại quê hương ta ngày nay tầm nhìn không qua được đầu mũi
đã mở rộng vòng tay đón các nhà "đầu tư" này vào. Họ không
màng gì tới việc những đồng tiền nhơ nhuốc này sẽ là những siêu
vi khuẩn phá nát thân xác từng người Việt đưa tới hậu quả vô cùng
tai hại cho nòi giống. Các công ty du lịch, các khách sạn quốc doanh
cùng những chân rết của chúng thực chất chỉ là một bọn ma cô dẫn
mối.
Ông bạn tôi cư ngụ gần một biệt thự được "cải biên"
thành một nhà khách đã có dịp chứng kiến những điều đau lòng. Một
chiếc xe van chở bảy tên "du khách" chạy vô cửa đổ khách
xuống liền quay đầu trở ra. Chỉ nửa tiếng đồng hồ sau quay lại cũng
chở bảy hành khách nhưng lần này là bảy cô gái bán dâm. Có những
em mới chỉ là lần đầu. Mua trinh lấy hên là "phong tục"
của những anh ba tàu nhiều dị đoan và đông bạc trong túi. Theo thống
kê chính thức nhưng không lấy gì làm tin tưởng lắm của Việt Nam
thì tại Saigon hiện có khoảng 50 ngàn gái mãi dâm, hơn phân nửa
là các em vị thành niên. Thực tế không biết phải thêm vào bao nhiêu
phần trăm nữa mới đúng.
Cái nghèo do chính sách kinh tế lạc hậu, ngu xuẩn và vô trách nhiệm
đẩy những em gái vị thành niên ra hứng chịu những hậu quả khốc liệt
của căn bệnh chết người. Chắc chắn số du khách tấp nập ra vào Việt
Nam sẽ ban phát vô số những siêu vi khuẩn của bệnh AIDS.
Cũng ông bạn tôi đã nóng mặt vì một hoạt cảnh xảy ra tại một quán
lá ven biển miền Trung. Một xe chở khoảng một chục du khách nghỉ
chân vô quán uống nước dừa giải khát. Thiếu nữ bán quán chỉ chừng
mười lăm, mưoi sáu tuổi. Một tên du khách nổi hứng bảo em cởi áo
ra cho coi ngực. Em bé miền quê còn giữ nguyên được tính cả thẹn
của một thiếu nữ mới lớn dĩ nhiên không chịu. Tên du khách lẳng
lặng móc túi rút ra hai chục ngàn đồng, vứt lên bàn bảo em chỉ cởi
một khuy áo thôi. Em bé bán quán lưỡng lự trước số tiền lớn lao
nhưng cuối cùng đã đỏ mặt cởi khuy áo trên cùng lấy hai chục ngàn
đồng. Những sấp tiền vứt ra liên tiếp sau đó đã mua được những chiếc
khuy áo tiếp theo cho tới khi cặp ngực trinh nguyên nằm tô hô trước
những đôi mắt dâm đãng của bày du khách háo sắc. Màn hoạt cảnh nhục
nhã này sau đó không biết đi xa tới đâu vì ông bạn tôi không chịu
nổi phải bỏ quán đi trước.
Tôi nghe chuyện mà bàng hoàng khôn tả. Hai chục ngàn tính ra chỉ
có hai đô la Mỹ. Một chiếc áo giỏi lắm cũng chỉ có năm sáu chiếc
khuy. Giá một bộ ngực con gái ngót nghét chỉ chục đô la. Đối với
du khách thì mưoi đô la chỉ là món tiền lẻ vứt đi. Nhưng đó là số
tiền trong mộng của người dân quê. Cứ bỏ rẻ mười lần mười đô la
thì một tên du khách mua trinh chẳng khó khăn gì mà không đạt được
mục đích. Đằng sau những con số này là một thảm họa khôn lường.
Cuộc đời một thiếu nữ, trật tự một xã hội, đạo đức một dân tộc và
họa diệt vong một giống nòi. Mối đại họa này làm chúng ta tê tái
và rùng mình. Những con người cầm quyền ngu xuẩn và tham lam không
những đã làm ngơ mà còn hào hứng tiếp tay. Chúng ta, một phần dân
tộc lưu vong chưa quên đất tổ, sẽ làm được những gì cho dân tộc
ta? Câu hỏi to như một con bò mộng cứ lởn vởn trong đầu tôi từ lúc
nghe chuyện. Viết ra đây để chia xẻ cùng mọi người sự dày vò thao
thức khôn nguôi. Mong rằng sự báo động khiêm nhường của một ngòi
viết sẽ đánh động được những bàn tay hành động nào chăng?
Nỗi thao thức quá lớn lao làm tôi chùn tay khi định viết một chuyện
thú vị nho nhỏ. Một buổi sáng nghỉ lễ rảnh rỗi tôi vô tình mở ti
vi. Trên màn ảnh nhỏ hiện ra hình một chú heo mọi nằm êm am gọn
gàng trong chiếc mền đỏ chót trên một chiếc xe đẩy trẻ em. Anh bạn
này thì quá quen thuộc. Chẳng là ngày xưa khi còn bé tôi hay về
quê chơi và đã chót nô đùa chọc ghẹo may chú heo này. Chuồng heo
của bà nội tôi được quây ở một góc bếp bằng những tấm ván cáu bẩn
hôi hám. Trong chuồng những chú heo bụng ỏng thõng đất này lê la
kiếm ăn trên những đống phân, những bãi nước tiểu do các chú "sản
xuất" ra. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Lũ con nít chúng
tôi mỗi đứa cầm một chiếc que dài chọc mấy chú heo trong chuồng.
Các chú chỉ biết kêu eng éc chạy dạt qua dạt lại không chứng tỏ
một sự thông minh nào. Vậy mà trên màn ảnh nhỏ, bà chủ của chú heo
"danh giá" này đang được một xướng ngôn viên truyền hình
phỏng vấn đã không tiếc lời khen chú heo cưng đang nằm ghếch mõm
lên, đôi mắt lim dim thú vị dưới bàn tay ve vuốt nhẹ nhàng của bà
chủ, là thông minh, sạch sẽ, có kỷ luật. Tôi ngơ ngác như không
tin vào đôi mắt mình trước hoạt cảnh đang diễn ra trên truyền hình.
Một con người đã từng thấy những chú heo đen đủi nhớp nhúa trong
chuồng heo ở thôn quê Việt Nam chắc khó lòng bỏ được cái thành kiến
"lạc hậu" của mình. Vậy mà đó là sự thực. Sự thực đầu
tiên là những chú heo này đúng là "hậu duệ" của những
chú heo thời thơ ấu của tôi. Nhà thơ Luân Hoán, một chuyên viên
có thẩm quyền về sở thú, đã quả quyết là ở Sở Thú Granby người ta
đã ghi rõ ràng ngoài chuồng heo là "Cochon Vietnamien"
đàng hoàng. Sự thực thứ hai là các chú heo này hiện đang rất có
giá, nghe nói một chú trị giá hàng chục ngàn đôn. Sự thực thứ ba
là dân chúng Bắc Mỹ đã vô cùng thích thú, yêu mến và..."kính
trọng" các chú heo mọi này.
Tất cả những sự thực trên làm tôi nhận ra một sự thực tức anh
ách. Tôi chẳng đủ độ lượng để hãnh diện trước sự lên ngôi cao quí
của..."đồng hương".
Song Thao
Nắng Mới, Montréal, số 17, tháng 2 năm 1993 |