Cứ gì mình

Thơ xuân

Một mùa hè Montréal

Thế hệ X

Trà dư tửu hậu

Chuyện tầm phào

Chớm thu

Sống và chết

Chuyện chó

Ta đã làm chi đời ta

Bên ngoài sân cỏ

Cho

Đồng

Hanoi

Lồng

Mới

Tiếc

Trăm

Trầu

Nhớ

Oan

Giấy vệ sinh

Từ chuyện Cô vi

Lại chuyện Cô vi

Sẹo BCG

Tonton Mỹ

Tuyến đầu

Cám ơn

Mũ áo xênh xang

Anh thư

Cắt tóc mùa dịch

Xi-nê ngoài trời

Nóng

Hứa

Câu

Bum

West Point

Cà Cuống

Chân dài

Harris ở Montréal

Karaoke

Các bà Phần Lan

Cabane à sucre

Xe lửa

Ông địa

Rượu đế

Tháng tư nghĩ về sách Sàigòn cũ

Tình Nguyện Viên

Phở Dậu

Tôm hùm

Dầu gió

Đô la đỏ

Lương khô

Đi gặp Nguyễn Trãi

Tiến sĩ giấy

Vịt

Cứ tưởng bở

Cu Tin

Mày - Tao

Răng khểnh

Bên lề tổ tôm

Khai bút

Tuyết ơi là tuyết

Nhạc chế

MỘT MÙA HÈ MONTRÉAL

Ông trời có vẻ như muốn ăn gian của dân Montreal mùa hè năm nay. Đã gần cuối tháng sáu rồi mà trời đất vẫn cứ cau có đen xậm đen xịt chẳng ra cái...hạ trắng gì cả. Việc của trời thôi kệ trời. Việc của người người cứ làm.

Mỗi năm khi hoa lilas nở là anh em văn nghệ lại kéo nhau về cái thành phố hiền hòa có nét đặc thù riêng của miền Bắc Mỹ này. Vừa được sống trong một bầu không khí rất “tây” vừa được gặp lại anh em văn nghệ mà con số được xếp hàng thứ nhì sau Quận Cam. Năm nay Từ Công Phụng “xông đất” Montreal. Tới để hát. Hát xong được anh em bốc về nhà Phạm Nhuận uống rượu thưởng trăng. Trăng lên, trăng xuống mà nỗi hàn huyên chưa đầy. Tiện thể ngồi ngắm mặt trời lên luôn. Sáng hôm đó, ở Montreal không chỉ có một mặt trời!

Đinh Cường cùng Bùi Bảo Trúc và Như Hạnh từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn lái xe sang sau đó. Lại hẹn hò. Quán 55 của Phùng Quốc Điền trên đường Ste Catherine – đường Tự Do của Montreal! Đinh Cường ngơ ngác khi bước vào quán. Sao bức tranh này lại nằm ở đây! Bức tranh vẽ thiếu nữ Huế đứng trước cảnh Huế. Đốt một điếu thuốc ngồi trầm ngâm nhìn tranh.anh củakỷ niệm. Một bức sơn mài. Đinh Cường vẽ esquisse, Dương Nghiễm Mậu thực hiện trên sơn mài ở Việt Nam. Tiếng môt nữ nhân trong bàn. Thiếu nữ mặc áo dài kín tới cổ thế kia thì vẽ ở Việt Nam là cái chắc, chứ ông Đinh Cường bây giờ lười lắm, vẽ người mà chẳng chịu khoác cho người ta cái áo! Đinh Cường khẽ mỉm cười. Hiền.

Bùi Bảo Trúc không thể hiền. Ông biên tập viên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ phát thanh không ngừng nghỉ. Một kho chuyện đông tây kim cổ được lựa ra một cách thông minh hóm hỉnh. Ngày này qua ngày khác Lá Thư Miền Đông cứ rỉ rả cho “bạn ta” đủ thứ chuyện duyên dáng thì ăn thua gì một buổi trò chuyện với anh em. ngoài trời mưa giăng giăng những vệt chéo đan nhau thành một tấm lưới mỏng. Chuyện qua chuyện lại thoắt cái đã nửa khuya. Đụng vào chuyện văn nghệ thì giờ giấc đâu có nhằm nhò gì!

Thái Tuấn từ Paris cất công lội qua Montreal. Thành phố đẹp thật! Người họa sĩ đã qua tuổi bẩy mươi hình như chưa mỏi mệt với cảnh với người. Mái tóc bồng bềnh phủ đầy tuyết như không thích hợp với đôi mắt trẻ trung vẫn ánh lên niềm đam mê khi đụng tới văn nghệ. Dalena hay tuyệt! Ý Lan cũng hay hay lắm! Hay hay đến nỗi người họa sĩ đã trên năm chục năm cầm cọ, rất thận trọng trong tạo hình đã phải vẽ lên tranh người ca sĩ khả ái này. Ông ấy nói ông ấy muốn trở lại thời ba mươi tuổi đấy. Chị Thái Tuần phụ vào một câu nghe đầy ắp gió máy.

Cái đáng quý nơi Thái Tuấn là tấm lòng đối với tương lai nghệ thuật Việt Nam. Người làm văn nghệ đã thành danh có bổn phận nâng đỡ, dìu dắt những người mới dù sáng tác của họ chưa chín, chưa được lắm. Văn nghệ chỉ là chuyện đùa vui chứ có chi quan trọng. Lè phè với cuộc đời, rong chơi với bằng hữu, trân quí với nghệ thuật mới là cái thú của người nghệ sĩ. Chiếc tẩu thuốc tuôn ra một cuộn khói ngất ngưởng bay lên cao. Và một nụ cười đến là rộng lượng.

Lè phè như Nghiêu Đề là một loại lè phè có hạng. tranh tự nó sẽ ra, chẳng đi đâu mà vội. Mỗi năm một bức cũng chẳng sao. Điện thoại viễn liên từ San Diego qua Montreal có ông Bell ngồi rình tính phút ăn tiền mà vẫn cứ nhẩn nha chậm rãi. Bay từ miền tây qua miền đông Hoa Kỳ, nằm ở hoa hịnh Đốn, nằm ở Toronto, thế mà toan tính ghé Montreal không thành. Nhớ các ông quá đi, muốn ghé lắm mà không biết tính sao. Đành thôi! Montreal thêm một lần lỡ hẹn. Cứ nhẩn nha. Rồi sẽ gặp nhau mấy hồi.

*
* *

Không biết có bạn đọc nào để ý tới những “áng văn “ chạy nhung nhăng ngoài đường không nhỉ? Thì những câu văn cũn cỡn ngắn ngủi nhưng ý tứ nhiều khi rất hàm súc dán đằng sau xe hơi chẳng phải là có dính dáng tới văn hóa sao? Tôi có cái tật thích đọc những câu văn đó. Thực ra cái tật này tôi đã mắc phải từ lâu lắm rồi. Hai mươi sáu năm trước, có dịp sang Mỹ tôi đã thú vị đọc chăm chú những hàng chữ viết trên những chiếc nút đủ màu gắn trên mũ hoặc trên ngực áo của người dân Hoa Kỳ ngược xuôi trên đường phố Nữu Ước. Nhiều trước nút ghi những câu khá bất ngờ. Một thí dụ. Hồi đó phong trào phản chiến đang bùng nổ dữ dội ở Mỹ. Thanh niên tụ tập biểu tình đốt thẻ trưng binh chống đối việc đi quân dịch. Đức Hồng Y Spellman, cai quản địa phận Nữu Ước, là một nhân vật nhiệt thành ủng hộ việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Trên một chiếc nút màu đỏ, tôi thấy hàng chữ: “Gọi Hồng y Spellman đi quân dịch!”. Một thí dụ khác. Tôi được mời tới tham dự một buổi tiệc trà họp mặt. Ngay cửa vào phòng họp người ta kê một chiếc bàn lớn xếp đặc kín những chiếc nút lật úp mặt xuống bàn để dấu hàng chữ ghi trên nút. Khách vào mỗi người chọn một chiếc nút theo kiểu hên xui may rủi rồi đưa cho cô gái đứng ở đầu bàn đeo lên ngực mình mà không biết trên nút ghi những gì. Khách được yêu cầu đeo những chiếc nút trong suốt buổi họp mặt. Một cô khách trẻ măng có cặp ngực tròn lẳn thật đẹp đã tình cờ đeo chiếc nút có hàng chữ: “ Thượng Đế không dính dáng gì đến cái này!” Hồi đó tôi đã thú vị với những chiếc nút ranh mãnh này đến nỗi bỏ cả một buổi chiều đẹp trời ngồi trong một tiệm cà phê viết một mạch bài “Những Chiếc Nút Nhiều Lời” gửi về cho báo Văn Học của Phan Kim Thịnh.

Mấy chục năm sau chứng nào vẫn tật nấy. Chỉ khác một chút là chuyển từ những chiếc nút trên người sang những mẩu giấy dán trên xe. Thời gian quả có làm thay đổi con người! Lái xe trên đường phố, nhác thấy chiếc xe chạy trước mặt có dán chữ là đuổi theo đọc cho bằng được. Nhiều hàng chữ khá duyên dáng kể cũng đáng công đuổi theo lắm. “Đừng theo tôi, tôi cũng đang đi lạc đây!”. “Nếu bạn giầu thì tôi độc thân”. “Chiếc xe khác của tôi là một chiếc Volvo”. Đó là vài thí dụ. Một lần thấy hàng chữ hơi nhỏ trên chiếc xe chạy phía trước, tôi rú ga theo sát để đọc. Khi đến thật gần, đúng tầm đọc được, hàng chữ đập vào mắt tôi một cách phũ phàng. “Nếu bạn đọc được hàng chữ này thì bạn đã chạy sát tôi quá rồi đấy!”. Mũi xe tôi quả thật sắp toan tính làm một cử chỉ khả ái với xe phía trước.

Tôi ít khi tin vào tài lái xe của các bà các cô nhưng chiếc xe đỏ kiểu thể thao mui trần chạy phía trước có một dải tóc vàng tung bay như một lá cờ nơi ghế lái sao mà chạy dữ dội đến thế. Tôi theo muốn bở hơi tai vì miếng giấy dán phía sau. “Gái ngoan sẽ lên thiên đàng, gái hư sẽ tự do tung tăng khắp chốn”.

“Có trẻ em trên xe”. Đó là một cách nhắc nhở vì lý do an toàn. “Trẻ em sanh đôi trên xe”. Hơi cẩn thận. “Vợ trên xe”. Bắt đầu tếu rồi đấy. “Mẹ vợ trong thùng xe!”. Thật quá đáng! Nhưng sao lại mẹ vợ? Bên mình mẹ chồng mới là nhân vật chịu lắm điều tai tiếng chứ. Thì Đông và Tây nó tréo ngoe như vậy chứ sao nữa!

*
* *

Báo Saigon Nhỏ số ra ngày 11 tháng 6 vừa qua có một mẩu tin đáng suy nghĩ. Một “thảm kịch Hy Lạp” đã xẩy ra tại Hamilton, thuộc tỉnh bang Ontario, Canada. Người cha Andreas Mouskos, 47 tuổi, đã âm mưu thuê người giết chàng rể tương lai chỉ vì muốn khỏi mất mặt với cộng đồng Hy Lạp.. Khi ông Mouskos khám phá ra rằng cô con gái yêu quí Helen Mouskos, 24 tuổi, mà ông đã chi ra 150 ngàn Gia Kim cho đi học Đại Học đã giao tiếp với một anh chàng bạn học da đen tên Lawrence Martineau , ông cảm thấy khó lòng chấp nhận sự thực phũ phàng này. Ông bèn thuê người giết Martineau. Xui cho ông là ông đã thuê đúng ngay một nhân viên an ninh thường phục. Thế là sau khi thương lượng trả 10 ngàn đô để anh chàng này giết vị hôn phu của con, sự việc bị vỡ lở. Ông Mouskos bị truy tố ra tòa. Tòa xử ông 5 năm tù.

Hôn nhân dị chủng vốn là một vấn đề làm nhức đầu các bậc phụ huynh. Hai con người khác biệt mầu da, văn hóa, phong tục, tập quán, phong cách sống, ngôn ngữ...lại hy vọng san bằng tất cả những khác biệt đó bằng một cuộc hôn nhân, dĩ nhiên phải làm cho các bậc cha mẹ ngại ngùng ít tin tưởng. Nhiều khi giữa những người đồng chủng chỉ có những khác biệt nho nhỏ như tôn giáo, địa phương, trình độ văn hóa...mà đời sống hôn nhân cũng chênh vênh chỉ chực sụp đổ thì những khác biệt về chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa...quả là những trái núi đầy đe dọa. Nếu ví hôn nhân như một cuộc chạy đua thì hôn nhân bình thường giữa hai người cùng nòi giống khởi hành ở mức số không trong khi hôn nhân dị chủng khởi hành ở mức số âm. Thêm khác biệt là thêm khó khăn cho sự hòa hợp của đời sống vợ chồng. Mấy ai dám lạc quan.

Ông bạn tôi thì không lạc quan một chút xíu nào. Ực một hớp rượu, khà một cái, ông phát ngôn thẳng thừng như chém đinh chặt sắt: “ Trời đã sinh ra những giống người khác biệt nhau, không cùng một mầu da, không chung một tiếng nói, không đồng một lối sống, tại sao lại cố làm trái ý trời mà chung đụng với nhau chẳng có thứ tự gì hết vậy? Trời sinh sao cứ vậy mà theo, đúng tuồng tích, đúng lớp lang là đúng ý trời. Đừng có lộn xộn”.

Nói xong ông “thứ tự” mặt nghiêm như thần, không cười lấy một tiếng!

Nắng Mới, Montreal, số 23, tháng 8/ 1993