Cứ gì mình

Thơ xuân

Một mùa hè Montréal

Thế hệ X

Trà dư tửu hậu

Chuyện tầm phào

Chớm thu

Sống và chết

Chuyện chó

Ta đã làm chi đời ta

Bên ngoài sân cỏ

Cho

Đồng

Hanoi

Lồng

Mới

Tiếc

Trăm

Trầu

Nhớ

Oan

Giấy vệ sinh

Từ chuyện Cô vi

Tuyến đầu

Cám ơn

Mũ áo xênh xang

Anh thư

Cắt tóc mùa dịch

Xi-nê ngoài trời

Nóng

Hứa

Câu

Bum

West Point

Cà Cuống

Harris ở Montréal

Karaoke

Các bà Phần Lan

Cabane à sucre

Xe lửa

Ông địa

Rượu đế

Tháng tư nghĩ về sách Sàigòn cũ

Tình Nguyện Viên

Phở Dậu

Tôm hùm

Dầu gió

Đô la đỏ

Lương khô

Đi gặp Nguyễn Trãi

Tiến sĩ giấy

Vịt

Cứ tưởng bở

Cu Tin

Mày - Tao

Răng khểnh

Bên lề tổ tôm

Khai bút

Tuyết ơi là tuyết

Nhạc chế

Ve sầu

Chuồn chuồn

BÊN NGOÀI SÂN CỎ

Ngay sát bên lề sân cỏ là bóng dáng những ông cảnh sát, những người không giống ai. Cả trăm ngàn người bỏ cả đống tiền ra mua vé chen vai thích cánh nhau cuồng nhiệt theo dõi các cầu thủ trên sân. Mà nhiều khi ngồi tít tận trên cao nhìn xuống thấy những chiếc áo màu chạy ngang chạy dọc trên sân nhỏ xíu như những người tới từ xứ chim chích. Có rõ gì đâu. Thế mà mấy ông cảnh sát đứng sát ngay cạnh sân, nhìn rõ ơi là rõ lại quay lưng lại sân cỏ mắt đăm đăm nhìn về phía khán giả. Thật dễ giận! Đứng suốt hai tiếng đồng hồ làm lơ với những màn hấp dẫn trên sân cỏ đâu có phải dễ. Phải tập dượt đàng hoàng trong nhiều ngày trước. Rồi lại còn khi có biến nữa chứ. Tình thế nào thì phải phản ứng làm sao. Có bài bản tất cả. Đâu có phải chuyện dễ ợt! Một sĩ quan cảnh sát trừ bị của Sở Cảnh Sát Palo Alto (California) tên Théodore Brassinger, 33 tuổi, đã tử thương trong khi tập dượt giữ an ninh cho World Cup USA 94. Đó là nạn nhân tử thương đầu tiên của trò chơi đã được dân Việt Nam mình gọi là môn thể thao vua.

Trong số những ông cảnh sát quay lưng lại với sân cỏ có bao nhiêu ông thuộc vào số 50% dân Mỹ không thích bóng tròn một chút xíu nào? Theo cuộc thăm dò của báo USA Today, đài truyền hình CNN và Viện Gallup thì có 50% dân Mỹ không thích bóng tròn tí nào, 20% thích chút đỉnh và 9% rất thích thú. Cuộc thăm dò lấy mẫu từ 1001 người khắp nước Mỹ được thực hiện từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 6 năm 1994, nghĩa là chỉ đúng hai tuần trước ngày khai mạc cuộc tranh hùng của các cầu vương khắp thế giới đổ về Hoa Kỳ. Vậy mà, cũng theo cuộc thăm dò này thì chỉ có 31% dân Mỹ biết là giải bóng tròn thế giới 1994 được tổ chức tại Hoa Kỳ, 66% không biết được tổ chức ở đâu, và tệ hơn nữa 3% lại trả lời tên một nước khác!

Giải Vô địch bóng tròn năm nay được tổ chức tại một nước không mặn mòi với trái banh lắm. Trong khi có khoảng 32 tỉ lượt người trên khắp thế giới dán mắt vào màn ảnh truyền hình thì có tới 61 % dân Mỹ không thèm ghé mắt một chút xíu nào vào những trận đá banh được trực tiếp truyền hình trên hai đài chính là ABC và ESPN. Chỉ có 27% cho biết sẽ xem vài trận và chỉ có 11% cho biết sẽ xem càng nhiếu càng tốt.

Cuộc thăm dò của hãng Harris Poll trên mẫu 1252 người lớn từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 2 năm 1994, nghĩa là hơn bốn tháng trước ngày tranh tài cũng có kết quả y chang như vậy. Điều này chứng tỏ là mặc dù Ban Tổ chức và những nhà kinh doanh các món hàng liên hệ tới giải World Cup 1994 đã nỗ lực quảng cáo mà dân Mỹ vẫn chẳng thèm nhìn nhõi gì tới môn thể thao mà họ chẳng hề thích thú. Riêng các tay buôn thì sức mấy mà làm lơ. Họ đã tung ra thị trường khắp thế giới đủ các món hàng kỷ niệm từ mũ, áo T-shirt, áo khoác, cờ kỷ niệm tới các trái banh in huy hiệu các nước tham dự, mẫu cúp đủ cỡ lớn nhỏ... Thương vụ “bên lề” này được dự trù khoảng một tỉ Mỹ kim, gấp đôi tiền bán hàng kỷ niệm trong những kỳ tranh giải trước. Hai phần ba số hàng này sẽ được bán trên khắp thế giới, chỉ có 1 phần 3 là được bán trên đất Mỹ. Bán trên đất Mỹ không có nghĩa là bán cho người Mỹ mà là bán cho dân Mỹ gốc Nam Mỹ, Âu Châu, Phi Châu, Á Châu cùng các du khách kéo nhau tới Mỹ để thưởng lãm các cuộc tranh tài. Chỉ riêng tại Quận Cam, chiếc nôi của dân Mỹ gốc Việt, ngành du lịch đã hân hoan thu thêm gần 5 tỉ đô la nhờ trái banh tròn tròn nhỏ xíu lăn trên sân cỏ này.

Khi trái banh lăn trên sân cỏ là chuyện may rủi khóc cười bắt đầu nổi trôi. Chỗ tôi làm hình như tụ tập toàn những dân nghiền bóng tròn. Khổ một nỗi là họ không cùng một dòng giống. Ngày khai mạc World Cup chỗ làm việc biến thành chợ trời. Mỗi nơi mỗi chỗ đều có một lá cờ. Mỗi chiếc áo thung trên người là một...lá phiếu. Và mỗi cái mũ trên đầu là một....lập trường. Hy Lạp, Ba Tây, Á Căn Đình, Đức, Nigeria, Mễ Tây Cơ, Ái Nhĩ Lan, Ý.... Cờ xí bay loạn xạ. Anh nọ nghênh anh kia. Cứ như là không phải tranh đua thể thao mà là...đại chiến thế giới!

Mỗi ngày tranh đua qua đi trận chiến càng sôi nổi. Anh thua nhận được một ngón tay cái chỉ ngược xuống đất, mặt cúi gầm xuống hẹn... trận sau. Anh thắng mặt vênh lên, cánh tay đưa thẳng lên trời với hai ngón giữa và ngón trỏ vênh váo đan thành hình chữ V. Rồi lời qua tiếng lại. Đấu khẩu kịch liệt. Tay chân múa vung vẩy. Tiếng nói cuối cùng là... chiếc ví tiền. Lòng yêu nước cho phép người ta coi đồng tiền như cỏ rác. Biết là đội tuyển nước mình dưới chân nước người ta mà vẫn cứ vung tiền ra bắt cá. Tình yêu quê hương bị tổn thương bằng những đồng tiền thua lỗ. Thua thì thua quyết níu lấy...tự hào dân tộc.

Rồi đâu có để các đội bóng nước mình tranh đua đơn độc được. Phải ủng hộ chứ măc dù có gào thét mấy đi chăng nữa thì các cầu thủ trên màn ảnh TV cũng chẳng nghe thấy. Đội Ý đá thì mấy anh Ý nghỉ làm ra về đi...chữa răng hết. Đội Đức đá thì mấy anh Đức răng cũng ê ẩm phải đi nha sĩ. Rồi Ba Tây, Ái Nhĩ Lan, Á Căn Đình, Nigeria, Cameroon, Hy Lạp... Cứ nước nào có trận đá là dân nước đó bấm thẻ ra về có hẹn với mấy ông chuyên bẻ răng. Mấy ông nha sĩ trở thành mấy cái bung xung cho người ta đi...yêu nước.

Nước được yêu hiều nhất có lẽ là nước Ý. Bởi vì dân Ý lềnh khênh khắp nơi. Cái dân gì mà không biết tới hạn chế sinh sản! Mỗi lần Ý thắng là xe cộ mang cờ Ý chạy nhung nhăng khắp phố phường. Trông mà phát mệt. Tôi có một anh bạn ở nhằm vào một khu Ý. Một tháng đá banh anh mất toi đi gần 5 kí lô. Lý do là tối ngày nhức đầu nhức óc với những tiếng còi xe, tiếng la hét, tiếng kèn tiếng trống và tiếng TV mở lớn hết cỡ oang oang chung quanh. Anh bị stress đến phát khùng phát điên. Mẹ chúng nó chứ! Mỗi một bàn thắng chứ không cần đến một trận thắng cũng làm mình vất vả như điên.Cầu trời cho chúng nó bị loại phứt đi cho khỏe!

Ông trời hình như là dân... Ý và Chúa đúng là có hộ khẩu ở...Vatican nên đội Ý được nâng đỡ khá bộn! Vòng loại đội Ý ở bảng E chung với Mễ Tây Cơ, Ái Nhĩ Lan và Na Uy. Trận đầu ra quân gặp Ái Nhĩ Lan đội Ý xìu. Thua 1-0. Mặt mấy anh Ý như bánh tráng nhúng nước. Tưởng ăn tươi nuốt sống thiên hạ ai ngờ vừa mới ra tay đã gẫy kiếm. Sau trận đấu, anh phóng viên TV ở Nữu Ước trông thấy một anh mang lá cờ Ý trên ve áo bèn xà tới hỏi. Anh nghĩ sao về trận đấu vừa rồi? Khuôn mặt anh Ý đỏ bừng lên. Tên huấn luyện viên Sacchi là một ...tội phạm, khi hắn đặt chân về tới Ý phải xử tử hắn liền! May cho Sacchi là trận thứ hai Ý thắng Na Uy 1-0 và trận thứ ba hòa với Mễ Tây Cơ 1-1. Điều trớ trêu là 4 đội trong bảng E đều thắng 1 trận, hòa 1 trận, thua 1 trận và đều được 4 điểm. Người ta phải tính tới tỷ lệ bàn thắng bại để sắp hạng trên dưới. Cả 4 đội đều có tỷ lệ bàn thắng bại bằng nhau! Tỷ lệ là 0. Đều nhau tăm tắp. Cuối cùng phải chọn đội nào đá vào gôn người ta nhiều bàn hơn để sắp trên. Kết quả: Mễ Tây Cơ có số bàn thắng bại 3-3 được sắp hạng nhất. Hai đội kế tiếp là Ý và Ái Nhĩ Lan đều có số bàn thắng bại 2-2. Biết sắp ai trên ai? Lại phải tính là trong trận trực tiếp gặp nhau Ái Nhĩ Lan thắng Ý nên Ái Nhĩ lan được sắp hạng nhì và Ý hạng ba. Điều trớ trêu kế tiếp là người ta chỉ lấy 2 đội đầu bảng vào vòng trong nên Ý đành phải đứng chờ. Chờ xem có được vớt hay không.

Tất cả có 6 bảng, như vậy có 6 đội đứng hạng 3. Mà người ta chỉ vớt 4 đội cao điểm nhất, còn 2 đội đành lên máy bay về nước. Một đội hạng ba điểm rất yếu, chỉ có 2 điểm, chắc chắn bị loại là Đại Hàn. Còn con dê tế thần thứ hai là ai? Ý chỉ có 4 điểm đứng run như cầy sấy. Hai anh hạng ba khác là Bỉ và Á Căn Đình đều có 6 điểm chắc chắn được vớt vào vòng trong. Chỉ có anh hạng ba Hoa Kỳ 4 điểm bằng với Ý nhưng số bàn thắng bại là 3-3 cũng hơn Ý. Cuối cùng Ý nín thở chờ trận Nga và Cameroon của bảng B định đoạt số phận mình.

Nga đã thua hai trận, nếu thắng thì đứng hạng ba nhưng chỉ được 3 điểm. Ý sẽ được vào vòng trong. Cameroon đã hòa 1 trận có 1 điểm, nếu thắng Nga sẽ được thêm 3 điểm, tổng cộng là 4 điểm, bằng Ý. Lại phải chờ xem tỷ số trận đấu để tính bàn thắng bại xem ai hơn ai. Kết quả là một màn ngựa về ngược. Nga đã đè bẹp Cameroon tới 6-1 dành hạng ba để...lên máy bay về nước. Ý được vào vòng trong bằng cánh cửa hẹp. Rất hẹp. Chẳng còn thanh danh một đội đã ba lần đoạt chức vô địch thế giới.

Vòng bán kết Ý hạ Nigeria 2-1 một cách vất vả: phải đá thêm giờ! Vòng tứ kết Ý loại Tây ban Nha vất vả không kém. Chỉ hơn một bàn mỏng manh ghi được vào phút cuối trận đấu! Vòng bán kết Ý gặp Bảo Gia Lợi. Cái anh bé hạt tiêu này lần đầu tiên trong lịch sử được vào sâu đến như vậy. Mà vào một cách oai phong lẫm liệt. Hạ hai anh cựu vô địch Á Căn Đình và Mễ Tây Cơ rồi tiện chân đốn ngã luôn đương kim vô địch Đức. Khí thế đang dương cao phần phật quyết đá gục thêm cựu vô địch Ý nữa để vào vòng chung kết với cựu vô địch Ba Tây. Và nếu thắng luôn thì lập thành tích vô tiền khoáng hậu là bước qua xác chết của 5 đội vô địch để ôm cúp vàng! Nhưng thần may mắn vẫn loanh quanh ở thành phố La Mã. Ý thắng khít khao 2-1 nhờ... trọng tài! Ông trọng tài nghiêng vai về phía Ý bỏ không thổi 2 quả phạt đền khá rõ rệt cho Bảo Gia Lợi. Nếu ông vua sân cỏ này đứng thẳng trên hai chân thì tình thế đã đổi khác.

May rủi trên cầu trường mong manh như một sợi tóc. Cười đấy. Khóc đấy. Đội cầu Ý gặp may thì hậu vệ Escobar của Colombia gặp rủi. Trong trận Colombia đấu với Mỹ, một đường banh của một cầu thủ Mỹ tạt một cách nguy hiểm ngang qua khung thành của Colombia cho một cầu thủ Mỹ đứng phía bên kia. Escobar chạy về xoải người cứu nguy. Chân anh hơi ngắn hơn đường banh nên mũi giầy chạm banh đẩy ngay vào khuôn thành đội nhà. Bàn phản thùng này sẽ không xảy ra nếu chân anh xoải dài thêm được chừng một tấc nữa để banh chạm vào má giầy và hất sang bên cạnh khung thành. Ngồi trước màn ảnh TV tôi bật cười cho bàn thắng lảng xẹt này. Đầu tôi nghĩ ngay chắc là dân Colombia sẽ rầy rà lắm. Nhất là nhờ cú phản thùng này mà đội Mỹ thắng Colombia 2-1, trận thắng duy nhất của Mỹ trong 4 trận đấu của giải. Nhưng trái banh đi không đúng hướng đã đưa hậu vệ Escobar hướng tới ngã rẽ cuối cùng của cuộc đời: lối đi vào nghĩa trang! Về nước, Escobar đi ăn tại một nhà hàng với 3 người đàn bà. Ăn xong ra bãi đậu xe thì có ba người tiến tới. Một người nói: “Cám ơn trái phản thùng của mày!” Và lập tức 12 viên đạn ghim vào người Escobar. Anh nhắm mắt lìa đời trước khi tới bệnh viện. Chuyện chơi mà thành chuyện thật! Gớm thay là mãnh lực của đam mê!

Dân da vàng đam mê đá banh tìm được chút an ủi nơi đội Đại Hàn, đội duy nhất đại diện cho vùng Châu Á. Đây không phải là lần đầu tiên Đại hàn vào vòng chung kết nhưng lần này Đại hàn làm được lắm trò ngoạn mục. Trận đầu ra quân gặp Tây Ban Nha, bị dẫn trước 2 trái Đại hàn vùng lên gỡ huề. Tuy hòa 2-2 nhưng phần cảm tình nghiêng về phía đội da vàng. Chín giờ rưỡi tối, sau trận đấu, Hồ Đình Nghiêm, Luân Hoán, Lưu Nguyễn, Nguyễn Minh Đức và tôi rủ nhau ra quán cà phê đá banh mồm với nhau. Một anh Tây tiến tới bàn chúng tôi hỏi: “Mấy anh có phải người Đại Hàn không?”. Mấy cái đầu cùng lắc, mấy cái miệng cùng cười: “Rất tiếc, không phải!” Anh Tây cũng cười: “Đại Hàn...number one!”
Trận thứ hai Đại Hàn oanh liệt cầm chân Bolivia. Ra quân 2 lần, hòa 2 trận, được 2 điểm. Quá khá!

Trận thứ ba gặp đương kim vô địch Đức. Không ai mong Đại hàn làm chuyện phi thường. Đức đá lọt lưới một lèo 3 trái. Bị đội đương kim vô địch dẫn trước 3 trái thì cuộc đời coi như xong. Còn nước non gì nữa. Nhưng không phải vậy. Tôi dán mắt vào màn ảnh TV ở vào giây phút linh thiêng của trận đấu. Anh cầu thủ Đức to con được banh. Anh cầu thủ Đại Hàn vừa nhỏ vừa thấp nhào vào tranh banh ở sau lưng anh Đức. Hình ảnh tranh dành bất cân xứng đến tội nghiệp. Rồi cái đầu anh Đức quay lại, miệng nở ra một nụ cười khinh miệt. Như muốn nói: chú bay ăn nhằm gì mà dám tranh đua với ta. Mặt anh Đại Hàn nổi gân lên. Trái banh được anh Đức đá đi xa nhưng nỗi uất nghẹn trong anh Đại Hàn còn ở lại. Anh gọi một anh cầu thủ bạn nói gì đó. Họ truyền nhau nỗi phấn khích. Cả đội Đại Hàn như thêm công lực. Chỉ đúng một phút sau trái banh đã nằm gọn trong lưới của thủ môn Đức. Gần như suốt thời gian còn lại sau đó Đại Hàn đàn áp đội đương kim vô địch. Bàn thắng thứ hai làm ngạc nhiên khán giả và làm sững sờ đội Đức. Bàn thua mong manh tưởng có thể được san bằng bất cứ lúc nào. Đại Hàn chơi như một con hổ dữ. Họ bỏ lỡ mấy dịp làm bàn nữa. Nếu may mắn một chút không biết Đại Hàn sẽ vào sâu tới đâu. Không thành công nhưng hình ảnh của các cầu thủ da vàng còn nằm mãi trong trí nhớ của khách mộ điệu.

Hình ảnh nằm trong tôi là một mơ ước. Bóng tròn là môn thể thao mới ở Bắc Mỹ. Thua xa dã cầu, băng cầu, bóng bầu dục và cả bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt nữa. Người ta hy vọng là sau World Cup 94 được tổ chức ở Mỹ, dân chúng nơi đây sẽ bắt đầu thích chơi với quả banh tròn. Người Việt chúng ta di tản qua Bắc Mỹ đã được gần 20 năm. Những đứa trẻ sanh đẻ ở xứ người cũng đang ở tuổi “trăng tròn” với bóng tròn. Môn thể thao này cần chi? Năng khiếu. Dân Việt ta hình như là có khá nhiều năng khiếu đá banh. năng khiếu này chắc cũng là một thứ di truyền từ đời nọ qua đời kia chứ nhỉ? Sức vóc. Những đứa trẻ sinh tại Bắc Mỹ hoặc tới Bắc Mỹ khi năm ba tuổi, nhờ chế độ dinh dưỡng đầy đủ ở đây, đã sớm trở thành người Việt gốc...voi. Dư sức tranh đua chạy nhảy với dân bản xứ. Vậy thì cánh cửa mới mở là cánh cửa dễ dàng đi vào, tại sao cộng đồng chúng ta không khuyến khích, cổ võ, tạo điều kiện cho các em làm quen với trái banh da để mai đây trong đội tuyển Mỹ, Canada chúng ta có những cầu thủ Việt trong giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới.

Rồi một mai, khi đất nước hoàn toàn tự do, chúng ta dễ dàng có một đội banh hùng hậu dự tranh tuyển chọn vào vòng chung kết. Lúc đó anh Đại hàn mệt đa!

Và biết đâu, một ngày nào đó của thế kỷ 21, chúng tôi lại ngồi uống cà phê với nhau, lại có một anh Tây tới bàn hỏi: “Các anh có phải là người Việt Nam không?”. Lúc đó chắc chắn từng ấy cái đầu bạc sẽ giành nhau gật trước. Nghĩ mà sướng!

Nắng Mới, Montréal, số 35, tháng 8/1994