Ba mươi tết, tết lại ba mươi
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
Một tay cô cầm cái dù rách
Một tay cô xách cái chăn bông
Cô ra bờ sông
Cô trông ra nước người
Ới chú Chệt ơi là chú Chệt ơi!
Một tay cô cầm quan tiền
Một tay cô cầm thằng bù nhìn
Cô ném xuống sông
Quan tiền nặng, quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ, bù nhìn nổi
Ới ai ơi của nặng hơn người!
Sáng ba mươi tết ra xe đi làm mà bài thơ thuộc lòng từ hồi còn lê
đũng quần ở trường tiểu học bỗng nhiên trở lại trong đầu. ba mươi
tết bao giờ cũng có cái bùi ngùi của ngày năm cùng tháng tận. Một
chút tiếc nuối. Một chút xót xa. Ba mươi tết đốt vàng hương vọng về
phương Bắc cúng ông chồng khác nòi giống thấy mà thảm thương. Nhưng
ba mươi tết lang thang nơi xứ người vọng tưởng về quê hương còn thảm
thương hơn nữa. Cái đầu nặng chĩu. cái bụng xót xa. Cái lòng nhừ nát.
Đúng ngọ, tiếng chuông báo giờ nghỉ ăn cơm trưa là lúc giao mùa ở
quê hương. Giao thừa tới như một vết bầm tím đớn đau. Nỗi tha hương
giờ này mới thấm thía ruột gan. Chừng nào xô được mấy tên bù nhìn
đang múa may quay cuồngở quê nhà xuống sông để mọi người có thể trở
về hưởng một giao thừa giữa mái ấm gia đình trên đất tổ thân yêu?
Sáng thứ bẩy, mồng một tết, mở cửa xuất hành đã thấy xuân nằm trước
cửa. Không hiểu nhà thơ Luân Hoán tới cửa nhà đề thơ xuân vào lúc
nào. Bài thơ được dán chênh vênh trên vuông cửa xanh. Thơ rằng:
Chúa xuân đang thở khò khè
Nên đành phải đứng đầu hè tặng thơ.
Bèn phôn hỏi sự tình. Đầu dây bên kia có tiếng cười hề hề. Năm giờ
sáng mồng một tết, cả nhà còn ngủ, nhà thơ pha trà ngồi thưởng xuân
một mình. Bên ngoài từng cụm tuyết lớn như những cánh hoa mai rơi
ngổn ngang trắng xóa cả bàu trời. Thi sĩ tính lấy giấy khai bút đầu
năm nhưng cảnh đẹp kéo nhà thơ ra khỏi nhà xuất hành khai bút giữa
trời. Cứ nhà bạn bè trực chỉ lái xe tới. Vừa lái xe trên những con
lộ vắng người sáng thứ bảy vừa làm thơ. Thú vị vô cùng. Chỉ có trời
đất và ta. Xuân trong lòng thấm vào những vần thơ. Thơ đượm tình bè
bạn. Tới từng địa chỉ thân quen, chép thơ lên giấy, dán vào cửa rồi
lẳng lặng ra đi. Một mình chịu rét mướt mang cả mùa xuân ấm áp tới
cho bạn bè. Thơ nằm trên cửa nhà Lưu Nguyễn, Hồ Đình Nghiêm, Lê Quang
Xuân, Nguyễn Đông Ngạc, Song Thao. Tới nhà Phạm Nhuận loanh quanh
tìm không có chỗ đậu xe đành tiếp tục ra đi. Định tới nhà Hoàng Xuân
Sơn, Trang Châu, Đỗ Quí Toàn, Lê Tấn Lộc... nhưng bị nhiễm lạnh nên
phải lái xe về. Xuân trong lòng chẳng át được đông ngoài trời khiến
thơ xuân đành cam dang dở. những câu thơ tặng bạn bè Luân Hoán cũng
chẳng còn nhớ. Muốn ghi lại đây những vần thơ trên cửa tôi phải điện
thoại hỏi từng người được tặng thơ. Thơ trên cửa nhà:
- Nguyễn Đông Ngạc & Nguyên Ngọc:
Chúa xuân đến thưởng giọng ca
Gõ vào cửa, ngại bạn già hưởng xuân
- Lưu Nguyễn:
Không ra đón chúa xuân vào
Phạt bạn uống cốc rượu đào phần ta
- Lê Quang Xuân:
Chúa xuân mang nặng thơ xuân
Bạn bận soạn máy chụp lưng mắt đời
- Hồ Đình Nghiêm:
Chúa xuân đến trước cửa nhà
Làm tình kỹ quá không ra rước vào
Thơ xuân Luân Hoán dắt tôi trở về nét xuân một tuần trước đó trong
Hội Tết của Cộng Đồng Người Việt ở Montreal.ên lầu hai của Hội Tết,
báo Tết của sinh viên nằm la liệt trên một chiếc bàn dài. Dễ thường
có tới gần chục tờ.. Ngoài báo của Liên Hội Sinh Viên Vùng Montreal
còn có báo của sinh viên Việt Nam của hầu hết các trường Đại Học ở
Montreal. Đã mười tám năm ly hương mà giới trẻ còn hăng say viết báo
tiếng Việt thì quả thật là một điều đáng mừng. Gần chục tờ báo nằm
bên nhau trông thật mát mắt. Báo không chỉ nằm trên bàn mà còn được
các sinh viên nam nữ ôm bên mình len lỏi khắp khuôn viên Hội Tết mời
đồng bào mua báo. Giá báo năm đồng một số ngang ngửa với giá tiền
của các báo xuân chuyên nghiệp. Vậy mà người người đều vui vẻ móc
hầu bao mua báo với nụ cười khuyến khích. Xuân thật xuân!
Tuổi xuân, tuổi xanh, tuổi xuân xanh. Có ranh giới nào qui định
những loại tuổi không tính bằng con số này không? Tám tuổi thì chắc
chưa được là tuổi xuân, chưa hẳn là tuổi xuân xanh, nhưng chắc là
tuổi xanh, cái tuổi có nhiều điều ngộ nghĩnh. Tôi vừa đọc được một
bài báo viết bằng tiếng Pháp khá duyên dáng. bái báo viết về người
bà dưới cặp mắt của các em bé tám tuổi. Tôi nhặt được trong bài báo
những câu bất ngờ như sau:
- Bà là một người không có con. Vì vậy bà phải
yêu thương con của người khác.
- Bà không làm gì cả. Bà chỉ hiện diện thôi.
- Bà không yếu đuối như bà thường than thở đâu tuy rằng các bà thường
hay chết hơn chúng ta.
- Thường thường thì các bà mập mạp nhưng không quá mập đến nỗi không
có thể cột dây giầy cho chúng ta.
- Bà mang kính lão và thỉnh thoảng còn có thể lấy được cả hàm răng
ra khỏi miệng.
- Bà biết giả bộ điếc đúng lúc để không làm cho chúng ta mắc cở khi
chúng ta nói điều gì vụng về.
- Bà luôn luôn biết là chúng ta muốn ăn thêm một miếng bánh nữa và
lúc nào cũng cho chúng ta miếng bánh lớn nhất.
- Khi kể chuyện cho chúng ta nghe bà không bao giờ bỏ sót một chi
tiết nào cả và nếu chúng ta đòi bà kể đi kể lại nhiều lần một chuyện
bà chẳng bao giờ từ chối cả.
- Tất cả mọi người đều nên thử có một người bà, nhất là những người
không có ti vi trong nhà.
Đó là hình ảnh ngộ nghĩnh của những người bà Pháp dưới những đôi
mắt nai của các em bé Pháp. Còn hình ảnh người bà Việt Nam “ di tản”
ra sao?
Cũng tại Hội Tết tôi bắt gặp hai bà cháu dắt nhau đi ăn quà vặt
trong khu bán đồ ăn. Bà mặc chiếc áo dài thêu thật nhã, cháu mặc áo
dài gấm đỏ điểm những bông mai vàng. Cô cháu chừng bảy, tám tuổi líu
lo nói chuyện bằng tiếng Việt thật rành rẽ, giọng dẻo quẹo dễ thương.
Cô bé lanh chanh chạy trước, cụ bà hối hả theo sau như sợ lạc mất
đứa cháu cưng. Thỉnh thoảng bà lại cầm tay cháu kéo lại, khẽ mắng
yêu rồi lại vội vàng nhoài mình theo cái kéo tay của cô bé đang nhậm
lẹ len lỏi giữa đám đông. Và bà chỉ được dừng chân khi cô cháu đã
có ly chè trên tay. Hai bà cháu lại tiếp tục chen lấn khi ly chè đã
chui hết vào bụng cô bé, và mất hút trong rừng người.
Tôi không có dịp nắm áo cô bé dễ thương lại hỏi xem cô nghĩ về bà
như thế nào. Nhưng hình ảnh hai bà cháu trước mắt tôi đã nói được
nhiều điều. Cuộc sống tất bật ở bên đây đã lấy hầu hết thời gian của
cả cha lẫn mẹ. Con cái đành phải thả cho nhà trẻ, trường học. Nhưng
nếu trong gia đình có một người bà thì sự thể sẽ lại khác lắm. Bà
luôn luôn ở bên cạnh các cháu, dạy cháu nói tiếng Việt, giữ gìn lễ
phép theo khuôn thước Việt Nam, ôm ấp cháu trong tình cảm Việt Nam,
nhắc nhở tới phong tục, tập quán Việt Nam, kể cho các cháu nghe cuộc
sống ở quê nhà, nấu nướng cho các cháu những món ăn nồng đượm hương
vị quê hương... Người bà chính là quê hương theo gót các em trên bước
đường lưu lạc.
Từ quê hương, thư xuân của một người bạn văn còn ở lại đến tay tôi
vào một chiều đông tuyết rơi tráng xóa ngoài trời. Trong thư anh cho
biết là ở Việt Nam các báo đều trả nhuận bút cho thơ. Khoảng năm chục
ngàn đồng mỗi bài. Nếu là thơ dài thì từ một trăm đến một trăm năm
chục ngàn đồng một bài, ngang tiền nhuận bút của một truyện ngắn.
Đây quả là một chuyện lạ. Tôi nhớ trước kia báo chí miền Nam không
có lệ trả nhuận bút cho thơ. Ở hải ngoại bây giờ cũng vậy, trừ một
biệt lệ là thơ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Các nhà thơ của chúng
ta thường chỉ nhận được một số báo biếu nếu có thơ được đăng.
Cái đầu tôi có cái tật cơ khổ là cứ hay thắc mắc lôi thôi. Chẳng
lẽ mấy anh Cộng Sản lại “ đánh giá “ thơ cao hơn chúng ta hay sao?
Chắc phải có lý do gì chứ? Vắt tay lên trán một hồi tôi mới “ngộ”
được một điều khá lý thú. Khi tôi còn ở Việt Nam, trong trại tù cũng
như ngoài xã hội, tháng tháng nhà nước thường bán cho ít đồ tiêu thụ
vặt vãnh gọi là nhu yếu phẩm. Lúc đầu còn vét trong kho cũ của “ngụy”
nên số` lượng hàng bán ra còn kha khá. càng ngày nhu yếu phẩm càng
teo lại đến thảm hại. Nhưng có một thứ lúc nào cũng có mặt là thuốc
lá. Hút hay không hút, nhà nước không cần biết, cứ bình quân phân
phối hết, Người người ôm thuốc lá, nhà nhà ôm thuốc lá. Khó khăn tới
đâu nhà nước cũng lo cho dân có thuốc lá hút dù chỉ là thứ thuốc lá
khét lẹt, hôi rình, phải mồi lửa mỏi tay mới hút hết điếu thuốc. Tại
sao như vậy? Khói thuốc lá có làm đầy được cái bao tử lép kẹp đâu?
Mấy tên bạn cùng ở tù với tôi nghĩ tới rụng râu mới phát hiện ra chân
lý. Tại vì “bác” nghiện thuốc lá hạng nặng. “Bác” đã hút thuốc lá
thì cả nước được hút theo.
“Bác” cũng khoái làm thơ dù chỉ là thứ thơ khẩu hiệu, thơ vè và
thơ... thuổng của người khác. Thế là sinh ra cái mốt làm thơ theo
“bác”. “Bác” Tôn mỗi dịp xuân về ghép đôi ba khẩu hiệu thành mấy câu
vè lễ mễ ôm lên ti vi run rẩy đọc cho cả nước nghe. Các “đồng chí”
Trường Chinh, Lê Duẩn, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ... thành “thi sĩ” tuốt
luốt hết. Mấy chú tép riu nhà báo sức nào mà chẳng hồ hởi quý trọng
thơ, cụ thể là trả tiền nhuận bút đàng hoàng. Cái gì lãnh tụ đã sờ
tới thì cái đó đã được “thánh hóa”. Siêu việt là ở chỗ đó!
Nếu cứ theo cung cách này thì dưới “triều đại” Clinton, toàn dân
Mỹ chắc phải đua nhau thổi kèn saxophone hết!
Song Thao
Nắng Mới, Montréal, số 18, tháng 3 năm 1993
|