Cứ gì mình

Thơ xuân

Một mùa hè Montréal

Thế hệ X

Trà dư tửu hậu

Chuyện tầm phào

Chớm thu

Sống và chết

Chuyện chó

Ta đã làm chi đời ta

Bên ngoài sân cỏ

Cho

Đồng

Hanoi

Lồng

Mới

Tiếc

Trăm

Trầu

Nhớ

Oan

Giấy vệ sinh

Từ chuyện Cô vi

Lại chuyện Cô vi

Sẹo BCG

Tonton Mỹ

Tuyến đầu

Cám ơn

Mũ áo xênh xang

Anh thư

Cắt tóc mùa dịch

Xi-nê ngoài trời

Nóng

Hứa

Câu

Bum

West Point

Cà Cuống

Chân dài

Harris ở Montréal

Karaoke

Các bà Phần Lan

Cabane à sucre

Xe lửa

Ông địa

Rượu đế

Tháng tư nghĩ về sách Sàigòn cũ

Tình Nguyện Viên

Phở Dậu

Tôm hùm

Dầu gió

Đô la đỏ

Lương khô

Đi gặp Nguyễn Trãi

Tiến sĩ giấy

Vịt

Cứ tưởng bở

Cu Tin

Mày - Tao

Răng khểnh

Bên lề tổ tôm

Khai bút

Tuyết ơi là tuyết

Nhạc chế

TÔM HÙM CANADA

Tháng 5 là tháng tôm hùm của dân Canada chúng tôi. Không hiểu tại những thành phố của các tỉnh bang khác ra sao chứ Montreal chúng tôi là…hội. Chợ búa thi nhau hạ giá, nhà nhà đua nhau dẫn tôm hùm về nhà, không phải để nuôi, mà là để nhậu. Ông Luân Hoán thường chậm chạp, chuyện chi cũng vậy, nhưng chuyện tôm hùm là ổng xoải chân chạy trước. Khi ông chưng hình những chú tôm hùm đỏ hồng trên đĩa vào một ngày tháng 5 thì tôi mới giật mình. Tôm nằm đã thấy mát mắt, ông còn đính kèm thơ nữa. Tôi đã nhiều lần tiết lộ là ông này rất kén ăn. Không thịt gà, không cá, không mực và không ngay cả với nước mắm. Vậy nhưng tôm hùm thì hợp khẩu.

quanh đi quẩn lại thủy chung
heo, bò, rau, quả... hợp cùng ngọt chua
con trong đồng, toàn bộ thua
con dưới biển, tôm vừa miệng, ngon
toàn bộ có tám loại tôm:
đất, sắt, sú, thẻ, he, hùm, càng-xanh
tôm-tích thứ tám, không lành
bỏ khỏi khoái khẩu, vẫn thành “tôm gia”.

Nhả “tôm học” này chỉ rành một thứ cong cong. Chỉ một thứ cũng làm ông Hồ Đình Nghiêm nhìn với đôi mắt liếc xéo. Ông ngứa tay comment: “Chàng không khoái đồ hải sản, tôm thì xa-va. Mới đi nghễ ngoài chợ về, thấy giá ghi 15.99$ một lbs. (Sáng ăn khoai cho nó lành)”.

Thưởng thức món tôm hùm canada giàu chất dinh dưỡng nhất thế giới

Thấy chuyện tôm om sòm như vậy, tôi không im ắng chi được. Kể cũng lạ. Ông Hồ Đình Nghiêm là người biết nhiều chuyện đông tây kim cổ, mỗi ngày ông nhảy vào Facebook vài lần vung vít đủ thứ chuyện trong đó có chuyện chợ búa ông rành như chuyện ông lận trong lưng, vậy mà chuyện giá cả tôm hùm thì ông lại thua. Đang tháng 5, tôm hùm lềnh khênh ngoài chợ, làm chi có cái giá trên trời như rứa. Các chợ tiếp nối nhau sale tùm lum, chỉ nửa giá, sao ông này không biết chi mô. Tuần đó, chợ IGA đang sale tôm hùm chỉ có 7,77$ một lbs. Thứ năm, ngày bắt đầu giá mới trong tuần của các chợ, tôi đã tới IGA khênh về vài chú. Tôi vốn không phải là đệ tử của tôm hùm, chỉ một con là khựng lại. Ông Luân Hoán khoe có thể ăn một lúc tới hai ba con. Nhưng dân Montreal mà tháng 5 không ăn tôm hùm là dân nhà quê nên tôi cũng phải ăn cho đúng trào lưu. Tội nghiệp ông Hồ Đình Nghiêm, tôi vào mách ông là tôm tại chợ IGA chỉ 7,77$ một lbs. Lúc đó chỉ còn hai ngày nữa là hết sale. Ông người Huế Hồ Đình Nghiêm ít khi nhanh nhưng chuyện tôm tiếc thì ông nhảy phong phóc. Ông ra IGA bắt về ba chú. Ăn xong, vừa bụng, ông thơ:

Con chim thì ta biết nó bay
Con cá thì ta biết nó lội
Nhưng lobster là con gì
Ta buộc phải tìm nó nhai chơi
Nhà văn Song Thao vừa mách
Chợ IGA đang sale 7 đô 77 xu một lbs

Lobster là tiếng Anh-Cát-Lợi, homard là tiếng Phá-Lang-Xa, đích thị để chỉ con tôm hùm. Mang danh là tôm…chúa sơn lâm nên tôm hùm là thứ to xác. Ông xứ Huế Hoàng Xuân Sơn, cảnh giác ông bạn đồng hương Hồ Đình Nghiêm:

Cụ mi dám vọc tôm hùm
Có khi trở chứng hắn cum thấy bà
Khà khà khà!

Cái thứ “hùm” mà ông nhà thơ họ Hoàng cảnh báo ông nhà văn họ Hồ coi chừng bị cum kích thước cỡ răng? Thứ cồ nô nhất là trên 6 ký, thứ tép riu cũng nửa ký. Homard bán tại các chợ là thứ tươi sống bò lổn ngổn trong các hồ nước. Dân ta khoái thứ ngọ nguậy này trong khi dân tây lại sợ. Vậy nên các chợ có bán thứ hấp chín bên cạnh thứ sống nhăn răng. Khi dân ta ra quầy tính tiền, tôm cựa quậy lạo xạo trong bao giấy khiến các em đầm giữ két sợ xanh mặt. Trong tình cảnh này, khách cũng như người tính tiền đều muốn đẩy tôm đi cho nhanh. Tôi đã nhiều lần định hỏi các em tóc vàng sợi nhỏ này nhưng ngại. Không biết vì họ sợ hay thương. Các em đầm có tình thương bao la lắm. Thương chó thương mèo là chuyện khỏi phải bàn. Các em thương cả rùa, rắn, trăn, chuột. Khi còn đi làm, tôi có cô đồng sự còn thương cả khỉ. Dĩ nhiên tôi chẳng dại chi mà hỏi giữa người và khỉ em thương con chi hơn. Vậy thì chuyện thương homard chẳng phải là chuyện không thể.

Tôm hùm canada

Cuối tháng 5 năm ni, trên báo chí tại Montreal, rộ lên chuyện thương tôm hùm. Bà Shahrzad Adle đi chợ Métro thấy tôm hùm được bỏ vào những bao nhựa, để trong tủ lạnh không nắp đậy chứ không cho chúng tung tăng trong những bồn nước nên thắc mắc. Bà đưa lên báo: “Có vài chợ không dùng những bao đặc biệt giữ tôm hùm nên tôm bị lèn chật trong bao. Thậm chí các bao này không có lỗ hở cho tôm thở nữa!”. Vậy là bà trưng hình lên báo và lập một kháng thư trên mạng để xin chữ ký của độc giả. Phát ngôn viên của chợ Metro, bà Geneviève Grégoire, phản ứng: “Vì dịch bệnh nên chúng tôi phải thay đổi cách trưng bày homard để thuận tiện cho khách hàng lấy. Để tôn trọng giãn cách xã hội và tránh việc xếp hàng mua tại các hồ chứa tôm, chúng tôi bỏ sẵn một số tôm vào bao. Các bao này có nhiều lỗ hổng để bảo đảm tôm có đủ dưỡng khí để thở”. Một khách hàng khác, bà Patricia Bittar, phản bác: “Bà phát ngôn viên của Métro nói những bao này có lỗ đủ cho tôm thở là không đúng. Không phải bao nào cũng có lỗ thở, và tôm bị ngạt”. Luật sư Alanna Devine, chuyên về luật an sinh cho thú vật, bày tỏ ý kiến về chuyện này: “Các nghiên cứu khoa học đã xác định tôm hùm là loại có tri giác; chúng biết đau đớn. Đó là điều không cần bàn cãi thêm tuy chúng ta thường quên chuyện này vì chúng không biết phản ứng trước sự đau đớn như chó, mèo và các loài khác”.  Chuyện tranh cãi lùm xùm khiến Bộ Canh Nông, Lâm Nghiệp và Thực Phẩm của tỉnh bang Québec chúng tôi phải lên tiếng. “Không có quy định rõ ràng phải tồn trữ tôm như thế nào trước khi tôm tới tay khách hàng tiêu thụ, nhưng cửa hàng phải bảo đảm giữ tôm còn sống trong hồ nước hay trong bao bì”. Có lẽ không thỏa mãn với lời giải thích này nên hai bà Shahrzad Adle và Patricia Bittar chung sức tổ chức một cuộc thắp nến cho tôm phía bên ngoài tiệm Métro Plus Domaine vào chiều tối ngày 4/6. Lời kêu gọi được post trên Facebook. Có 17 người cho biết sẽ tham dự, 31 người like. Nhưng chẳng hiểu vì sao, cuộc tập họp vì tôm hùm bị  hủy bỏ. Bộ tôm hùm Canada không đáng cho người ta cất bước chăng?

According to the Quebec Ministry of Agriculture, Fisheries and Food, live beings for sale must remain alive until they are delivered to the customer, but the rule doesn't specify in what conditions they must be kept.
Tôm hùm trong bao tại tiệm Metro ở Montreal.

Lobster Canada là thứ vang danh thế giới. Nói tới tôm hùm là phải tôm hùm Canada mới được. Chúng có chi đặc biệt? Chúng sống dưới những bãi đá ngầm ở vùng biển sâu, nước trong và lạnh giá. Vì vậy chúng rất ngọt thịt và có vị thơm riêng. Mỗi miếng thịt tôm hùm như chứa cả tinh hoa của biển cả được ướp bằng vị mặn của thiên nhiên. Thịt homard chứa 17,62% protein, 0,29% lipid, 77,2% axitamine.

Cách chọn tôm hùm ngon nhất định bạn nên biết
Kích cở tôm hùm Canada.

Tôm là tổ sư cholesterone, ai cũng biết vậy. Nhưng lobster lại có hàm lượng cholesterone thấp, vậy mới đáng ăn. Suy ra thì thứ nhỏ mới đáng sợ, còn thứ...hùm lại hiền khô. Đây là một sự thật ít ai biết. Ông ký giả Vương Trùng Dương comment vào post của ông Luân Hoán : “Ngon nhưng cao mỡ”. Vậy là ông này chưa thông chuyện mỡ miếc của tôm hùm Canada! Nói chi chuyện lobster và chính trị.

Chuyện chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng vào năm 2018 chắc ai cũng biết. Năm 2017, Trung Cộng mua tới 217 triệu đô tôm hùm của Mỹ. Tháng 7 năm 2018, khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ Trung Cộng thì Trung Công trả đũa, cũng tăng thuế nhập khẩu 25% hàng nhập cảng từ Mỹ trong đó có tôm hùm. Trung Cộng chuyển sang mua lobster Canada. Số bán tăng vọt, từ 12 triệu lên 21 triệu đô. Khoảng 98% tôm hùm Canada xuất cảng qua Trung Cộng được đánh bắt tại tỉnh bang Nova Scotia. Công nhân đánh bắt tôm hùm ở Nova Scotia phải làm việc cật lực 14 tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần mới đủ lượng hàng xuất khẩu.

Tỉnh bang Nova Scotia nằm bên bờ đông của Canada không xa với tỉnh bang Québec của chúng tôi. Vậy nên chuyện du lịch qua Nova Scotia hầu như người dân Montreal chúng tôi đều rành rẽ. Nova Scotia là một trong ba tỉnh bang miền biển gọi là vùng maritime. Hai tỉnh bang kia là New Brunswick và Prince Edward Island. Các tỉnh bang này chung một biển nên chung tài nguyên homard. Bốn năm trước đây, tôi tới cả ba tỉnh bang này. Cái chính là thăm quê hương của tôm hùm. Tới hang hùm phải thời tôm hùm, đó là điều bắt buộc. Tôi thời một chàng (hay một nàng?) tại Halifax, thủ đô của Nova Scotia và một nàng (hay một chàng?) tại Charlotttown, thủ đô của Prince Edward Island. Lobster tươi rói vừa vớt từ biển sâu lên ngọt lịm. Nhà hàng nằm ngay bên bờ biển không có tường che chắn, gió biển ào ào thổi. Có thể có tiếng oan hồn nỉ non của homard bị kéo lên từ tuốt dưới biển sâu. Chú (hay cô?) giờ nằm trần trụi trên chiếc đĩa trắng, bên cạnh nhúm khoai tây chiên và vài lá rau xanh ngắt. Tôm hùm đánh ngay tại chỗ, chẳng tốn tiền chuyên chở, nhưng giá đắt gấp đôi nếu ăn ở nhà hàng tại Montreal. Còn nếu mua tôm còn sống hùng sống mạnh vào tháng 5 tại Montreal, về nhà tự biên tự diễn, thì đắt gấp bốn lần. Trải qua bao dặm trường, cũng chỉ tôm hùm, mà túi tiền ngẩn ngơ. Chỉ tại vì đây là chốn quê hương của tôm hùm. Quê hương! Vin vào chữ “quê hương” người ta có thể bá vai xin thêm bạn chút tiền…thân thương.

Nhưng chú tôm hùm tại Shediac, một vùng thuộc tỉnh bang New Brunswick, thì lại rẻ. Rẻ đến không ngờ. Nặng 90 tấn, dài tới 11 thước, cao 5 thước, đây là chú tôm hùm lớn nhất thế giới. Bạn có thể tới ngắm nghía cho mãn nhãn, chụp tới mòn máy hình, xong hân hoan phơi phới ra về mà chẳng có chú tôm hùm nào nắm áo đòi tiển cả. Vì đây là một bức tượng tôm hùm đặt tại một nơi được xưng danh là “Thủ Đô Tôm Hùm của Thế Giới”. Mỗi năm có khoảng 500 ngàn du khách khắp thế giới túa đến nuốt nước miếng nhìn chú tôm hùm không bao giờ sứt sẹo một cái móng chân này. Tôm hùm có móng chân không, tôi không làm nail nên không rõ tuy đã gặm không biết bao nhiêu chân tôm trong đời.

1
Tượng tôm hùm khổng lồ tại Shediac, vùng biển Maritime.

Tôm hùm làm chi cho ngon, bá nhân bá dạ dày. Giản dị nhất là hấp lên, chẳng chiên xào nướng đốt chi, dọn lên bàn, chấm muối tiêu chanh, kèm với bia hoặc rượu vang trắng. Ăn cách này ít tốn công nhưng ngon vì thưởng thức được hương vị tinh tuyền của tôm. Nhưng tại các nhà hàng, homard được cho giao du với đủ thứ: hành, gừng, bơ, tỏi, trứng muối. Ông Hồ Đình Nghiêm chẳng lạ chi chuyện bếp núc nhưng nghe tôi xúi mua homard giá sale về, lại chẳng biết mần sao. Ông vào mạng tham khảo.

Chui vào mạng treo tìm cách mần thịt
Một cô người Nam truyền đạt giọng ngọt mía lùi
Mình làm như vầy nè, nha anh
Nghe em bày từ a tới z
Lửa lò ga khoan bùng lớn ngọn
Vừa phải thôi, bơ tỏi thơm nồng
Chiện dzì cũng dzậy hết ráo á
Em hong ưa làm sớm nghỉ sớm đâu nhen !
Ai chi bổi ? Mà em tận tình "dễ ghét"
(ngày xưa cha mẹ làm ri
em thì làm rứa anh thì làm răng)

Tôm cũng như người, có đực có cái. Người phân biệt đực cái để làm chi thì chẳng cần bàn tới nhưng tôm thì phải nói đi nói lại cho ra lẽ. Thịt tôm đực và cái đều ngon như nhau, sách vở nói vậy. Nhưng ông nhà văn họ Hồ không chịu lối đánh đồng như vậy. Theo ông thì “giang hồ bảo thịt con cái thơm hơn thịt đực”. Ông này ma ma phật phật, chẳng biết ông đọc sách nào hay ông rút tỉa kinh nghiệm cá nhân.

Nhưng khi mua, chúng ta thường dặn anh chị bán hải sản chọn cho tôm đực hay cái. Tôm cái có trứng, tôm đực chỉ có gạch. Mấy anh chị này rất tài. Chỉ cần túm đầu tôm, nhấc lên, nhìn cách tôm cong biết đực hay cái liền một khi. Con nào cong hơn, tôi chưa bao giờ bán tôm nên bù trất. Tôi chỉ biết nhìn vào bụng tôm, quan sát đôi vi đầu tiên, nếu đôi vi nhỏ, mềm mại thì là tôm cái. Đôi vi to, dài, cứng thì đích thị là một chàng. Nghe ra thì cũng dễ nhớ. Người sao tôm vậy.

Cách chọn tôm hùm ngon nhất định bạn nên biết
Tôm đực tôm cái.

Nhưng mắc mớ chi phải nhớ. Chuyện đực cái là chuyện của tôm, đâu phải chuyện của người!

06/2021