Cứ gì mình

Thơ xuân

Một mùa hè Montréal

Thế hệ X

Trà dư tửu hậu

Chuyện tầm phào

Chớm thu

Sống và chết

Chuyện chó

Ta đã làm chi đời ta

Bên ngoài sân cỏ

Cho

Đồng

Hanoi

Lồng

Mới

Tiếc

Trăm

Trầu

Nhớ

Oan

Giấy vệ sinh

Từ chuyện Cô vi

Lại chuyện Cô vi

Sẹo BCG

Tonton Mỹ

Tuyến đầu

Cám ơn

Mũ áo xênh xang

Anh thư

Cắt tóc mùa dịch

Xi-nê ngoài trời

Nóng

Hứa

Câu

Bum

West Point

Cà Cuống

Chân dài

Harris ở Montréal

Karaoke

Các bà Phần Lan

Cabane à sucre

Xe lửa

Ông địa

Rượu đế

Tháng tư nghĩ về sách Sàigòn cũ

Tình Nguyện Viên

Phở Dậu

Tôm hùm

Dầu gió

Đô la đỏ

Lương khô

Đi gặp Nguyễn Trãi

Tiến sĩ giấy

Vịt

Cứ tưởng bở

Cu Tin

Mày - Tao

Răng khểnh

Bên lề tổ tôm

Khai bút

Tuyết ơi là tuyết

Nhạc chế

Ve sầu

Việt Nam tại Paris 2024

Chuồn chuồn

Đom đóm

Bươm bướm

Nhạc Nhái

Ghé bến Montréal

Di động

TA ĐÃ LÀM CHI ĐỜI TA?

Trong truyện ngắn “ Thế Giới Bé “ nhà văn Hà Thúc Sinh đã đi một đường rất dí dỏm. Nhân vật chính trong truyện là ông Phước đã khổ sở vì cái tên “vô phước” của mình. Từ thuở mới đến Mỹ, đâu đâu ông cũng biến thành trò cười cho đám đông. Trong sở Di trú, trong Cơ Quan Thiện Nguyện, thậm chí trong Bưu Điện, trong lớp học và ngay ở phòng phát lương của sở làm, cứ hễ có người gióng tên ông, Mr Phấc, là y như rằng tiếng cười rộ lên. Khi sanh được đứa con trai, ông “trả thù” đời bằng cách đặt tên cho con là Tết. Người mình nghe cái tên thấy kỳ, nhưng ông Phước lại cho là chí lý... Đối với người đồng hương, trên tinh thần, con ông không đứng dưới ai. Chữ nhất còn chịu phép chữ Tết nữa là!

Tết đúng là chúa trùm thiên hạ. Ai mà làm ngơ được tết. Tết nhất, cái ngày làm xốn xang con người mỗi năm khi nó đến. Này, lại một năm nữa qua rồi đấy. Trong đầu óc nhanh chóng làm một con tính trừ. Lại mất béng thêm một năm. Ở bên đây bốn mùa tranh nhau chỗ đứng; mới vừa vạn vật trở mình qua xuân, cỏ cây hoa lá phởn phơ nhấp nhổm leo lên xanh mướt như tuổi dậy thì, vậy mà bỗng chốc trở qua hè với những ngày thừa mứa mặt trời, nóng cũng dữ mà vui cũng dữ, mặc sức rong chơi, mặc sức quần cụt áo ngắn nhởn nhơ phô bày thân thể. Chưa đã những ngày hè, cô nàng thu đã lanh chanh đòi ra mặt với đời, đanh đá nhuộm vàng nhuộm đỏ những phiến lá còn ngơ ngẩn tiếc nuối nhửng vạt nắng cuối hè buồn bã thưa thớt. Rồi cây trụi lá, rồi cành ngậm tuyết, rồi người co ro. Thế là hết bay đi một năm. Bóng câu qua cửa sổ đến vù một cái là toi mất một đơn vị trong cái mà chúng ta lạc quan tưởng tượng là trăm năm cuộc đời. Các cụ ngày xưa thích con số chẵn chòi chứ làm gì được trăm năm! Cứ hùng hục tới lúc sáu mươi lăm tuổi bắt được tí tiền già là cuộc đời đã trầy vi tróc vẩy rồi.

Tết nhất, khoảng thời gian làm con người bất chợt khựng lại quay đầu nhìn lui bước đường mới vượt qua lòng bâng khuâng tự hỏi như tên một cuốn hồi ký của thi hào Vũ Hoàng Chương: Ta đã làm chi đời ta?

Ta đã làm chi đời ta? Người đàn bà trạc tứ tuần ngồi trước mặt tôi, đầu luôn luôn cúi xuống, ly coca trước mặt, ánh đèn vàng hắt ra từ chiếc chụp đèn treo thõng xuống gần sát đầu người tạo một vũng ánh sáng thân mật. Ánh sáng búng lên từng sợi tóc nâu nhạt óng ánh như một chất kim khí quý giá, ánh sáng làm nồng lên cặp kính gọng dầy nặng nề ép xuống sống mũi cao, ánh sáng làm tươi lên chất son trên đôi môi phát âm tiếng Việt giọng Bắc như một người Việt chính cống. Tôi nghĩ nếu nhắm mắt lại thì tôi không thể tưởng tượng được người ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ người Nga. Irina Zisman đó. Con người đang tích cực tranh đấu cho nền dân chủ tại Việt Nam qua đài phát thanh Hy Vọng đưa tiếng nói thẳng về quê hương chúng ta. Con người không những nói tiếng Việt lưu loát, phát âm tiếng Việt không một chút ngọng nghịu, mà còn viết sách tiếng Việt với cả tâm hồn Việt Nam. Chúng ta đã được đọc “ Bút Ký Irina I”. “ Bút Ký Irina II” cũng vừa ra mắt bạn đọc.

Tôi vẫn cứ ngỡ là người ngồi trước mặt tôi không thể không là người Việt. Tôi buột miệng hỏi:

- Irina là người Nga hay người Việt vậy?

Đôi môi đang đùa giỡn với chiếc ống hút nước, khuôn mặt nghếch lên tinh nghịch hỏi lại tôi:

- Anh thấy sao?

Tôi lúng túng:

- Mắt tôi bảo Irina là người Nga nhưng tai tôi lại bảo Irina là người Việt.

Irina cười khỏa lấp:

- Thì thế đó!

Thấy trước mặt Hồ Đình Nghiêm có tờ báo xuân, ánh mắt Irina sáng lên:

- Đã có báo tết rồi đấy à?

Y chang nỗi mừng của một người Việt say mê văn chương Việt. Tôi nghĩ tớ một khuôn mặt khác: Ỷ Lan. Dân Hồng Mao chính cống nhưng cũng nặng lòng với văn hóa Việt nam chẳng kém người đàn bà Nga La Tư ngồi trước mặt tôi. Chữ “Nga La Tư” là do Irina nói ra làm ngạc nhiên mọi người. Cũng như khi chị dùng chữ “ba trợn” khi nói về những người cầm quyền đương thời tại Việt Nam. Tôi hỏi người đàn bà này về người đàn bà kia.

- Irina có biết Ỷ Lan không?

- Biết chứ! Irina có gặp Ỷ Lan rồi.

Đầu tôi nẩy ra một câu hỏi ngộ nghĩnh:

- Hai người nói với nhau bằng tiếng gì?

Irina cúi đầu cười. Ỷ Lan là dân Anh. Irina trước đó đã cho biết là tiếng Pháp còn nói tạm được chứ tiếng Anh thì chịu. Cứ cho là họ nói với nhau bằng tiếng Việt đi. Nghĩ mà thấy thú vị!

Ta đã làm chi đời ta? Ta làm thời gian bất động đứng im cho nồng nỗi nhớ. Lê Quang Xuân đã bỏ cả đời đi tìm bắt cảnh đẹp quê hương, nay anh thu vén bẩy chục tấm hình quê hương đắc ý nhất hòa cùng thơ của bằng hữu làm thành một tác phẩm để đời mang tên Việt Nam Quê Hương tôi. Nhà Nguyễn Đông Ngạc & Nguyên Ngọc tấp nập anh em tới mừng sách Lê Quang Xuân. Rượu. Phải chứa chan. Mồi. Chị Nguyên Ngọc ra tay thì phải biết. Chục người ăn mà làm như trăm người ăn. Ăn không hết các ông các bà phải mang về đấy! Nguyên Ngọc răn đe nghe mà thấy...ham.

Chung quanh tôi mỗi người trầm ngâm trước mỗi khung ảnh. Nơi nào ta vui tuổi học trò, nơi nào ta nồng ấm thời yêu đương, nơi nào ta bỏ lại những kỷ niệm, nơi nào dấu chân hành quân vẫn còn đậm nét, nơi nào ta chôn vùi ngày tháng nổi trôi, nơi nào ta rong chơi tiêu hao cuộc đời...

Tôi ngồi lặng lẽ trước cảnh cũ, kỷ niệm dồn dập kéo về treo người lên bâng khuâng. Mỗi tấm hình như thở ra nỗi buồn, cào lên nỗi nhớ. Đất trời Đà lạt mở rộng trước mắt. Mỗi phân ảnh là mỗi kỷ niệm. Mỗi bài thơ bên ảnh là mỗi tâm sự.

Này thác Cam Ly với thơ Nguyễn Đông Ngạc:

Cam Ly cảnh cũ còn đây
Bâng khuâng chỉ thấy đá cây đất trời
Vẳng nghe khúc khích tiếng cười
Giật mình đối ảnh bồi hồi nhớ ai.

Này hồ Than Thở với thơ Thái Tú Hạp:

Hoàng hôn giữa bãi chiều im vắng
Ta đứng gần nhau tượng đá sầu
Ngàn thông khoác kín màu u thảm
Hơi thở nào tan dưới vực sâu.

Này hồ Xuân Hương với thơ Trần Thiện Hiệp:

Đà Lạt trong tôi nỗi nhớ đầy
Ba mươi năm đã gửi ngàn mây
Lệ đêm từ tạ còn nghe ấm
Mãi đọng hồn tôi em có hay!

Ta đã làm chi đời ta? Người đã bỏ cả đời rong chơi với thơ tụ họp anh em văn nghệ lại để mừng tác phẩm thứ 17 của anh. Trên tường, nhà thơ đã cầy cục làm một tấm bích chương thật đẹp: “Luân Hoán và các bạn văn cùng Mời Em Lên Ngựa”.

Các bạn văn đến với Luân Hoán để cùng mời em lên ngựa có Trang Châu, Lưu Nguyễn, Hồ Đình Nghiêm, Phạm Nhuận...

Mới tiễn ông Táo về trời mà không khí đã vui như tết. Mặt nào miệng nấy cười toe toét khi chị Luân Hoán bấm máy chụp hình. Hồ Đình nghiêm vớ được con ngựa nhồi bông trưng ở trong tủ, có yên cương đàng hoàng ôm khư khư trong tay. Mời Em Lên Ngựa phải có ngựa chứ! Phạm Nhuận thêm. Ngựa này trông giống ngựa trong đình trong chùa. Yếu xìu! Luân Hoán ngồi ký sách tặng mặt tươi rói. Đã nói cuốn chót là cuốn chót đấy nhé! Nhất định không làm thơ nữa! Luân Hoán nói tới đâu thì nghe tới đó, chứ thơ Luân Hoán là thứ thơ chảy từ trong người ra, không làm mà được à! Đã mang lấy nghiệp vào thân. Mà nghiệp thơ lại thường là nghiệp nặng nhất.

Cà phê, trà, bánh ngọt, lại thêm chè hột sen đánh do chị Luân Hoán làm. Ngọt như tình của chị với anh. Không có chị Luân Hoán liệu chúng ta có được một nhà thơ nòi tình như vậy không nhỉ? Chắc là không. Phải có một mối tình như vậy mới nảy ra được những câu thơ như thế.

Bấy nhiêu năm tình nhân, bấy nhiêu năm chồng vợ, đến nay con cái đã lớn bộn mà những chăm sóc, những lo toan, những trìu mến mà chị cho anh vẫn óng ả như xưa. Họ như đôi chim.Mà chim thì nhìn những cắp chim xinh xinh trong lồng treo đầy khắp trong nhà Luân Hoán thì biết. Suốt ngày líu la líu lo nhảy nhót reo cười.

Cảm ơn Trời Phật, cuộc tình của chúng tôi gần như không có chuyện buồn. Cái trở ngại lớn nhất là lúc khởi đầu. Tôi nhỏ hơn anh gần tròn một con giáp. Nói xấu hổ, phải tăng thên hai tuổi trong khai sanh để được về nhà chồng, hư thật! Vì không có chuyện buồn nên chúng tôi có quá nhiều chuyện vui. Chị Luân Hoán đã trả lời cuộc phỏng vấn của Hồ Đình Nghiêm trong cuốn Chân Dung Thơ Luân Hoán như vậy.

Nghe Luân Hoán than thở chắc cũng là một chuyện vui? Than thở là một bệnh ghiền của ít nhất hai ông “sĩ”. Cái bệnh ghiền này tôi có lần nghe Nghiêm nói rất giống họa sĩ Đinh Cường. Không biết anh Đinh Cường than thở ra răng, chứ cái ông nhà tôi thì mở miệng ra, không nhức chân quá thì đau đầu quá, không buồn quá thì cũng nản quá... Cứ thế gặp ai cũng than thở, làm như than thở thì hết buồn hết chán. Đặc biệt, đầu mỗi mùa đông anh thường phán một câu: “Chắc anh không qua khỏi mùa đông năm nay!” Lần đầu tôi nghe thấy hoảng hốt, lo sợ phập phồng, nhưng năm này đến năm khác, câu đó vẫn lập lại mà may là ảnh cũng còn là ảnh nên tôi thấy đã quen.

Ông Luân Hoán là cây than. Ông Đinh Cường là vua than. Khi hai cao thủ than gặp nhau thì sao? Trong Mời Em Lên Ngựa, bài Quấy bạn hè 93, có đoạn thơ ông Luân Hoán tới Virginia quấy ông Đinh Cường:

phu mỏ than vào đúng mỏ than
sóc theo chân chủ vội dọn bàn
chim, hoa, thục nữ... nằm quanh vách
cùng thở thơm lừng nỗi bi quan

Ta đã làm chi đời ta? Mới loanh quanh những ngày tết đó mà thoắt một cái đã đầu tháng tư. Mụ nặc nô tên tuyết quấy phá cho đã đời cũng đã phải cúi đầu ra đi. Những mầm cây nằm ngủ cho hết những tháng ngày lạnh lẽo đã bắt đầu nhú lên vẽ xanh đất trời. Một năm vừa thơn tháng giêng đã mẻ đi mất một góc. Ngồi thẫn thờ chẳng biết làm chi bèn nhấc phôn:

- Luân Hoán đó hả? Đang làm chi đó?

- Có làm chi đâu!

Nắng Mới, Montreal, số 31, tháng 4/1994