Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

CHẢ & NEM

 

Hồi nhỏ, ở Hà Nội, nhà tôi được cắt một khoảng phía trước cho một bà người Ước Lễ thuê làm cửa hàng giò chả. Ước Lễ là một làng thuộc Thanh Oai, Hà Đông, chuyên làm giò chả, bánh chưng, bánh giò. Chả Ước Lễ ngon khủng khiếp lắm. Đó là những miếng hình tròn, dẹt, lớn bằng lòng bàn tay, được chiên ngập mỡ trong chảo nên vàng ươm đều khắp, trông rất hấp dẫn, thấy là muốn cắn liền. Nem là tiếng Bắc, trong Nam gọi là chả giò. Chả giò hình thù ra sao bà con thiên hạ chắc biết hết rồi, chẳng cần phải tả ra đây cho tốn chữ. Chỉ cần biết đó là một cái bánh hình trụ, dài cỡ ngón tay. Ở hải ngoại, trong trào lưu lớn mạnh chung, nem cũng vươn mạnh lớn không kể kích thước, tùy theo sự cạnh tranh của các tiệm. Để chỉ hành vi ngoại tình, các cụ phán: Ông ăn chả, bà ăn nem. Tại sao không ngược lại? Ông ăn nem, bà ăn chả! Không được. Nghe không thuận. À, thế ra các cụ cũng...phiếm gớm. Các cụ đã đi một đường tượng hình!

Nem và chả, ở ngoài Bắc ngày xưa, là hai món ăn thuộc loại quý phái. Nem công chả phượng. Nghe... hoàng tộc dễ sợ! Ăn chả, không dễ lắm đâu. Riêng tôi hồi nhỏ, cửa hàng giò chả ngay trước nhà, vậy mà phải đau ốm, cơm đưa tới là lắc đầu quầy quậy, bấy giờ mới được một miếng giò cắt thành từng miếng nhỏ hạt lựu trộn đều trong cơm, chan thêm một muỗng nước mắm nhĩ mằn mặn. Mới tới giò thôi chứ chưa tới chả! Chả, nó ngồi cao lắm, dễ gì mà với tới. Còn nem, ba ngày tết mới thấy mặt. Không có chả giò quanh năm như khi tôi di cư vào Nam đâu. Như vậy chả và nem là hai món không dễ gì được ăn, mà khi được ăn thì... điên lên!

Ngày xưa hình như chỉ có các ông ăn chả. Ăn một cách... vô tư chẳng cần giấu giếm gì. Nếu lỡ cái chả chiên có phồng bụng lên thì cho ra công khai, xếp vào bộ sưu tập, đánh số thứ tự Dì Hai, Dì Ba, Dì Tư... đàng hoàng. Còn các bà, cấm có được ăn nem. Lỡ ăn nem thì truân chuyên lắm. Đóng gông, gọt đầu bôi vôi. Cứ như là vướng vào bệnh cùi bệnh hủi. Mọi người xa lánh hết.

Trong Thánh Kinh có kể chuyện Chúa tới một nơi người ta đang sửa soạn ném đá người đàn bà ngoại tình. Đám đông hung hăng trước đống đá sẵn sàng trở thành đạn thù của cả xóm làng vào người đàn bà lỡ ăn nem. Chúa vội vàng can thiệp. Nếu ai trong các ngươi thấy mình không tội lỗi thì hãy nhặt đá ném vào người đàn bà này!  Đám đông lặng câm rồi lảng dần đi hết. Anh nào chẳng có tịt!
Ngày nay cái tịt coi bộ lớn mạnh hơn. Theo thống kê năm 1993, chỉ riêng ở Mỹ đã có 25% đàn ông ăn chả. Quy ra thành con số là 19 triệu trự! Còn các bà, có 12 triệu bà đã đớp nem, tức 17% các bà. Như vậy bên nem bên chả cũng khá ngang ngửa. Phe mày râu đã mất đi cái độc quyền thưởng thức chả. Cánh đàn ông bây giờ cũng phải vất vả loay hoay với cặp sừng vướng víu trên đầu.
Một anh chồng đi công tác xa về chợt bắt gặp một gã đàn ông mặc quần áo của mình, đi giầy của mình, đang nằm trên giường với vợ mình. Anh chàng liền cầm dao xông đến, vợ anh ta van xin dừng tay để giải thích.

“Ông này vốn là một người ăn mày đến nhà ta xin ăn, em cho ông ấy một ít đồ ăn mà anh chê không ăn. Sau đó thấy trong tủ còn một ít quần áo của anh đã lâu không dùng đến em cho ông ấy một bộ, anh xem có được không?”
“Được!”
“Em lại cho ông ấy một đôi giầy dưới gầm giường đã lâu anh không đi, anh thấy có được không?”
“Được!”
“Và thế là ông ấy đi ra, ra đến cửa ông ấy mới quay lại hỏi: ‘Còn cái gì chồng bà đã lâu ngày không dùng tới không?’ ”

Tại sao người ta ăn chả ăn nem? Tại anh tại ả hay tại cả đôi bên? Ngoại tình thường xảy ra khi có sự khập khiễng trong cuộc sống chồng vợ. Sự khập khiễng này có nhiều nguyên do.

Trong phim Heartburn của đạo diễn Nora Ephron, nữ tài tử Mary Streep vào vai một người vợ có anh chồng đi theo một bóng hồng khác. Cô về than thở với ông bố ruột. Ông bố chắc cũng thuộc loại nòi tình, an ủi cô con gái bằng một câu lảng nhách: “Nếu con muốn chồng con chỉ biết có con thì tốt nhất con hãy lấy một...con thiên nga!” Câu trả lời đã ban phép lành cho cái miệng ăn chả. Đàn ông, cứ xổ ra khỏi chiếc cùm là như chim xổ lồng. Họ ăn chả xong, chùi mép, tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Cô bạn tôi đã có lúc vừa cười vừa ngôn: “Ông già tôi mà có bồ được thì ai cũng có bồ được hết!” Đấng sinh thành của cô, một luật sư đạo mạo, nghiêm túc, trong những lần đi công tác ở các tỉnh đã cứ chả cắn tì tì. Một ông khác, công chức mẫu mực, hiền lành, nhỏ nhẹ, thế mà lúc vỡ lở ra đã có tí nhau bên ngoài gia đình. Chồng một nơi, vợ một nẻo, rất dễ chao đảo con tim.

Trong những xã hội Tây phương chúng ta sống hiện nay, ngoại tình là một thứ hiển nhiên và phổ biến đến mức mọi người coi như chuyện vặt thường ngày. Có gì đâu mà phải care? Người ta đã công khai thành lập và khai thác thương mại, quảng cáo đầy rẫy trên truyền hình và báo chí những câu lạc bộ trao đổi vợ chồng. Họ coi chuyện trao đổi người phối ngẫu với nhau trong một đêm hay một chuyến du lịch là việc thay đổi... khẩu vị! Xong hợp đồng thì lại vợ vợ chồng chồng, có chết con... thiên nga nào đâu? Quan niệm quá cấp tiến này chắc chắn sẽ không thích hợp với quan niệm về cuộc sống lứa đôi của đa số người Việt chúng ta.

Một vợ một chồng, cuộc sống hòa thuận vẫn được chúng ta cho điểm là một cuộc sống hạnh phúc. Bà vợ vẫn cứ luôn luôn dùng đủ mọi cách để anh chồng cứ cơm nhà quà vợ cho chắc bụng. Đừng có dở chứng chán cơm đi ăn phở. Ngon miệng đó nhưng bột ngọt nhiều hay khát nước, thịt thà ôi a dễ đau bụng. Ông chồng thì cũng muốn bà vợ cứ xài đồ nhà. Đồ nhà như đôi giầy cũ, cũ đó nhưng êm chân. Giầy mới nhiều khi làm phỏng chân phỏng cẳng, để lại sẹo, xí gái đi.
Muốn thì muốn vậy nhưng con người ngày nay nó cà chớn lắm. Sẩy chân một cái là té. Vững chân nhưng bị ngáng, bị kéo thì cũng tự ý té như thường. Trong nhà, ngoài đường, trong sở làm, ngoài cửa tiệm, đưa mắt tới đâu là thấy chước cám dỗ tới đó. Mở cái TV ra là thấy úp úp mở mở, liếc cái quảng cáo cũng thấy đồi thấy núi, thấy đinh thấy vít, ra đường là đụng xà quần xà nẹo. Riết rồi quen đi. Chúng ta sống trong cái không khí mà mọi chuyện đều là chuyện thường tình. Trái tai gai mắt riết rồi cũng thấy quen tai quen mắt. Chẳng có gì phải nghĩ ngợi cả. Một ngày nào đó, buồn anh chồng một tí, ức chị vợ một chút, buông lửng nhắm mắt một lần. Xong ngay. Chả một lần, nem một lần dễ dẫn tới chả nhiều lần, nem nhiều lần. Cứ như chuyện đùa. Cứ như đang chơi trò ú tim như ngày xưa còn bé.

Hai ông bạn gặp nhau. Một ông cười toe toét:

“Hôm qua tớ thoát hiểm trong gang tấc!”
“Chuyện gì vậy?”
“Đang ngồi chơi với mấy em trong quán karaoké, say quá không để ý, chuông điện thoại reng lên, tớ bấm máy liền, hóa ra là bà vợ gọi. Thoạt nhanh trí, tớ bịt mũi, nói tỉnh bơ: “Xin lỗi, bà gọi lộn số rồi!” Không nhanh như vậy thì chết với bà ấy rồi. Lúc đó, mấy em đang ríu rít, bả mà nghe được là biết tẩy liền! Một lúc sau, bả gọi nữa, may mà tớ ra khỏi quán rồi. Trả lời ‘em yêu’ khỏe ru!”
“Cậu may thiệt, còn tớ thì chịu chết!”
“Sao vậy?”
“Lúc đó tớ đang ở trong phòng mát-xa thì vợ tớ gọi. Bả hỏi là tớ đang ở đâu, tớ nói ngay là đang ngồi uống cà phê bàn chuyện làm ăn với mấy người bạn. Rồi cậu biết bả nói sao không?”
“Không, bả nói sao?”
“Bả ấy dõng dạc ra lệnh: ‘Ông làm liền theo tôi nói nghe! Cầm cái muỗng gõ vào cái ly cà phê một tiếng xem có đúng ông đang uống cà phê không?’(Thở dài!) Ở chỗ đó thì làm gì có muỗng với tách!”

Gia đình ngày nay khá chơi vơi. Con sóng xã hội như sóng thần dâng cao cả chục thước ào vào trong nhà mấy hồi. Vợ đi làm, chồng đi làm, chuyện lòng vòng trong sở không phải chỉ là chuyện trời ơi đất hỡi của người khác. Nó ngấm vào mình tất cả. Trí óc vô tình làm một cái so sánh nhỏ, so sánh chồng mình, vợ mình với những đồng nghiệp khác. Thấy chông chênh. Bên ngoài khung cửa là ánh sáng, bên trong khung cửa là ảm đạm. Cuộc sống thường nhật dễ sinh ra nhàm chán. Sức ép về tiền bạc, nợ nần, cơm áo, con cái, vui chơi, giải trí... làm nổ tung mái ấm gia đình lúc nào không hay. Mấy anh chủ thì trăm anh sẵn sàng thả dê gần đủ cả trăm anh. Đồng nghiệp thì thân cận lâu ngày dễ sàm sỡ. Chỉ một chớp mắt hớ hênh, cây cối ngã đổ lúc nào không biết.

Theo một bài viết trên tờ Lao Động ở Saigon, số ra ngày 1/12/2003, thì quấy rối tình dục nơi công sở ở Việt Nam đã lên tới mức báo động. Bà Nguyễn Vân Anh, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Về Giới Tính, Gia Đình, Phụ Nữ Và Vị Thành Niên, đã đưa ra con số thống kê cho năm 2002: 338 trường hợp tư vấn có nội dung liên quan đế quấy rối tình dục nơi công sở. Trong số này có tới 192 trường hợp bị cưỡng hiếp, đạt gần 60%, mà thủ phạm chính là những người quen biết.

Cái uy, cái quyền của cán bộ, nhất là cán bộ thủ trưởng, ở Việt Nam nó to đến thế nào, những người còn kẹt lại sau tháng 4/1975 đều đã biết. Vợ con của những người phải đi học tập cải tạo là những nạn nhân bị quấy rối tình dục nhọc nhằn nhất. Từ anh công an khu vực, anh phường trưởng lên tới những cấp cao hơn đều sẵn sàng thả dê. Người chống đỡ được cũng có, người xuôi tay cũng có. Những người vợ chỉ biết có gia đình, chồng con bỗng chốc bị xoáy vào cơn bão tố của đổi đời như bèo giạt hoa trôi phó mặc cho bão tố của cuộc đời đã lộn tùng phèo. Họ bị vứt ra ngoài xã hội, tranh sống với những con cáo già. Xã hội đảo điên đã chỉ dành cho họ những tủi nhục. Như nhân vật Loan trong truyện ngắn Vết Chàm của nhà văn Hoàng Du Thụy. Chồng đi học tập, nàng theo bè bạn ra buôn thuốc tây ở chợ trời kiếm tiền nuôi con và thăm nuôi chồng. Ngày thăm nuôi gần kề, hàng bị mất hết, Loan bối rối không biết làm sao. Ông Lân, một đầu nậu thuốc tây, người đã theo đuổi Loan từ lâu, đã tới đúng lúc. “Tôi đứng lên đi theo ông Lân như cái máy. Tôi không cần biết ông chở mình đi đâu. Cứ  nhắm mắt theo ông rồi ra sao thì ra. Tôi đuối sức lắm rồi. Một tương lai đen tối với hai bàn tay trắng đã làm tôi rợn người. Tôi chỉ còn cái phao bám víu là ông Lân. Có thể tôi phải mượn ông một số vốn để buôn bán chứ không còn cách nào khác. Ông Lân dẫn tôi vào một nhà hàng sang trọng trong Chợ Lớn. Ông hỏi ăn gì, uống gì tôi cứ lắc đầu. Tôi còn thiết tha gì đâu. Ông Lân gọi món gì cũng được. Bữa ăn thịnh soạn trong hoàn cảnh này không hấp dẫn được tôi chút nào. Ông Lân cứ gắp thức ăn bỏ vào chén cho tôi, thỉnh thoảng ông đút tôi một miếng thịt hay một miếng khoai tây chiên dòn tan. Hình như có cả rượu mạnh mà tôi không cần biết, cứ uống cho quên mối lo đang đè nặng trong đầu. Trong bữa ăn ông Lân nói gì nhỉ? Hình như anh yêu em thì phải. Ừ, yêu thì yêu có sao đâu. Miễn mình đừng yêu lại thì thôi. Không biết tôi có nói gì với ông không, có cười cợt gì với ông không mà ông có vẻ là một người tình chăm sóc một người tình....Khi chiếc xe dừng lại thì tôi hoàn toàn đi không vững nữa. Hình như ông Lân bế tôi vào nhà. Hình như ông đặt tôi trên một tấm nệm rất êm. Ủa mà giường tôi làm gì có nệm? Tôi ú ớ kêu má nhưng không nghe tiếng má trả lời. Có ai nằm kế bên tôi, không phải là Thiện, cũng không là má. Một hơi ấm đàn ông rất lạ mà rất gần gũi. Và tôi mê đi trong những con sóng bạc đầu đang cố dìm tôi xuống đáy biển đam mê.”

Đâu có phải là nem! Đó là cái nhục nhã của một sinh vật vất vưởng trong một xã hội mà con người bị đối xử như một thứ không phải là công dân!

Không cho ăn chả có được không? Được chứ. Nói cho các bà mừng là các nhà khoa học đang nghiên cứu để bịt đi cái tật ăn chả của các ông. Họ đã làm thí nghiệm với chuột. Trong tự nhiên, giống chuột đồng cỏ (Microtus ochrogaster) là một giống chung tình. Sau khi giao phối, chuột đực gắn kết trọn đời với cô nàng mà chúng đã chọn, bảo vệ nàng bằng cách ghen tuông với những anh chuột đa tình khác, và cùng nàng chăm sóc con cái. Trái lại, một loại chuột đồng khác, chuột Microtus pennsylvanicus, phong tình hơn nhiều. Chúng kết đôi với nhiều chuột cái và chẳng mấy khi quan tâm đến các con. Vì răng mà có sự khác biệt này? Các nhà nghiên cứu đã tìm ra chính hormone vasopressin đã thúc đẩy hành vi chung thủy ở chuột đồng cỏ. Để xác nhận giả thuyết trên, nhà nghiên cứu Miranda Lim của Đại Học Emory ở Atlanta, tiểu bang Georgia đã cấy một gene vào não của chuột đồng Microtus pennsylvanicus đực. Gene này mã hóa tạo ra các cảm thụ quan vasopressin. Vài ngày sau, ở vùng giữa não trước của chuột đa tình đã tích tụ một lượng lớn cảm thụ quan vasopressin, và chúng bỏ hẳn ham muốn tìm của lạ. Anh chàng đa tình bị khoa học làm trở thành một anh chàng chung tình chỉ biết có một nàng duy nhất, và nhất quyết chung thủy ngay cả khi bị các nàng khác tán tỉnh. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng: sự chung thủy của chuột đồng cỏ là hệ quả của một chuỗi mắt xích. Khi giao phối, cơ thể chúng giải phóng hormone vasopressin. Hormone này bám vào cảm thụ quan vasopressin ở vùng giữa não trước, kích hoạt cho hệ thống thần kinh “nhận phần thưởng”. Hệ thống này gây cho chúng cảm giác hạnh phúc - thứ cảm giác đi kèm với bạn tình mà chúng vừa giao phối. Do vậy, chúng có xu hướng mãi mãi gắn bó với nhau, và từ đó chúng chỉ cảm thấy thích thú khi gần gũi với chỉ người bạn tình đó thôi.

Chắc các bà nôn nóng hỏi: có áp dụng được vào với ông chồng của tôi không? Theo các nhà khoa học thì hành vi của con người dường như cũng được dẫn dắt theo lộ trình và các hormone tương tự. Vasopressin cũng được giải phóng khi con  người ái ân. Nếu điều này là đúng, các bà chỉ cần đè ông chồng hám của lạ ra, chích cho một liều gene cảm thụ quan vasopressin là tình hình miền tây yên tĩnh như không!

Cái yên tĩnh của khoa học sao bằng cái yên tĩnh của tâm hồn. Tự nguyện bao giờ cũng đáng quý hơn là bị bắt buộc. Đồ sơn thì mặc kệ nó ở Đồ Sơn, có chi mà háo hức!

Bên em
và, xa nhau
giữa lưng chừng
cách trở
mỏi mong mòn mắt
muối mặn gừng cay
xác quyết lòng sâu, cạn.
(Đức Phổ)

01/2005