Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

HOA

 

Chẳng phải tự nhiên tôi viết về hoa mặc dầu tôi rất thích viết về hoa. Thường thì hoa đi với mùa xuân. Mùa xuân mà không được trang trí hoa lá cành là mùa xuân… dỏm. Bây giờ là mùa hè, sáng dậy đã có nắng chui vào tận giường ngủ đánh thức. Cùng với mặt trời tôi nghĩ là mùa hè mới là mùa rực rỡ nhất của hoa. Nắng và hoa dường như không đi với nhau vì nắng thường hay chơi trò bắt nạt dùng sức nóng thiêu đốt hoa. Nhưng hoa lại cần ánh nắng rực rỡ để khoe hết vẻ diễm lệ của màu sắc. Hoa với nắng như tình vợ chồng: khắc nhau đó mà hợp nhau đó. Cái khắc và cái hợp quyện vào nhau, biết chìm nổi với nhau, biết chơi trò hình và bóng với nhau. Lúc nào là hình lúc nào là bóng, hai con người phối hợp với nhau bằng định mệnh như biết tung biết hứng đúng lúc. Tình vợ chồng lặng lẽ núp bóng cuộc sống. Nó có đó mà như không có đó. Chỉ khi nào nó bỏ đi, người ta mới hốt hoảng trong trống vắng.

Nay kệ bơ vơ mùa xuân tới
Ra vườn ta ngắm lan làm vui
Ơn em khi nhớ bùi ngùi đó
Nhưng tận trời cao vói khó rồi
(Nguyễn Nam An)

Ơ hay, hình như tôi đang nói chuyện hoa và nắng thì phải! Mình tiếp tục câu chuyện nhé. Chớm hè, nơi thủ đô Ottawa của Canada, có hội hoa uất kim hương. Hàng chục ngàn bông hoa  nằm trải ra thành những vạt màu rực rỡ. Dân chúng và du khách từ khắp nơi đổ vể trảy hội. Lần đầu dự hội, tôi ngơ ngẩn với những thảm hoa, chỗ thì đỏ, chỗ thì vàng, chỗ hồng chỗ tím, chỗ trắng chỗ đen… Uất kim hương có bao nhiêu màu sắc thì nơi đây những sắc màu đó tụ hội lại đủ. Cứ như là đang ở Hòa Lan, quê hương của uất kim hương vậy. Thì uất kim hương này là tình nghĩa Hòa Lan đối với Canada chứ gì nữa! Chuyện như thế này. Trong Thế Chiến Thứ Hai, khi Hòa Lan bị chiếm đóng, hoàng gia Hòa Lan chạy qua tá túc ở thủ đô Canada. Khi chiến tranh chấm dứt, các ông hoàng bà chúa trở về nước trong lòng mang theo sự biết ơn đất nước đã cho họ tá túc trong lúc nguy nan. Để tạ cái ơn lớn lao đó, mỗi năm, vào lúc chớm hè, hoàng gia Hòa Lan lại gửi từng chuyến bay chở uất kim hương qua thủ đô Canada. Năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm chấm dứt Thế Chiến Hai, họ còn gửi thêm cô công chúa Margriet qua dự hội. Cô công chúa này đáng lẽ là người Canada nếu năm 1944, Canada không làm một cử chỉ đặc biệt cho hoàng gia. Cô được sanh ra trong một bệnh viện ở Ottawa nên, theo thông lệ quốc tế, cô sinh trên đất Canada thì là một thần dân Canada. Nhưng đúng ngày cô ra đời, chính phủ Canada đã công bố là căn phòng bệnh viện nơi cô được sinh ra là thuộc đất nước Hòa Lan. Như vậy, cô vẫn mang quốc tịch Hòa Lan!
Cám ơn bằng hoa, chuyện mọi người vẫn thường làm. Nhưng không phải bằng nhiều chục ngàn cây hoa. Thường thì chỉ một bó. Với hoa, chúng ta đã nhờ những sứ giả kiều diễm này nói dùm chúng ta những điều dấu yêu. Mừng một đứa trẻ chào đời, chung vui trong một dịp lễ, tỏ tình với người yêu, đón ngày hạnh phúc của hôn nhân, biểu tỏ một lời xin lỗi hay thương tiếc một người ra đi, chúng ta đều nói bằng hoa. Người ta gán cho mỗi loài hoa, mỗi sắc hoa một tiếng nói riêng. Tiếng nói của tình yêu thương, nhất là tình yêu nam nữ, là loài hoa hồng. Ngày biểu tỏ tình yêu là ngày Valentine, 14 tháng 2 mỗi năm. Đây là một ngày lễ của cả thế giới. Năm nay, theo Hiệp Hội Trồng Hoa và Cây cảnh Hoa Kỳ, dân chúng Mỹ đã tặng nhau tới trên 175 triệu bông hoa. Hoa hồng là hoa của ngày Valentine. Mà hoa hồng đỏ là thông dụng nhất. 66% tổng số hoa hồng được tiêu thụ là hoa hồng đỏ. Màu đỏ, nhìn vào đã thấy thắm thiết! Cuộc thăm dò cũng cho thấy là có 39% tặng nguyên một bó hoa và 23% chỉ tặng một bông hoa. Mua một bó hoa mà chỉ tặng mỗi người một bông thì người ta tặng được nhiều người hơn. Lối tặng… xé lẻ này có lợi về kinh tế nhưng không có nghĩa là xé lẻ tình yêu. Tình yêu không phải là thứ để chia nên dù là một bó hay một bông hoa tình vẫn đầy như nhau. Có lẽ vì vậy nên, vẫn theo cuộc thăm dò này, 82% số người mua bông tặng là cánh mày râu!

Hoa là biểu tượng của niềm vui. Vui nhất là… vui như tết! Tết Việt Nam là của hoa mai.

Xuân này em có về không
Nhành mai cố quận nở bông dịu dàng
Nhu mì kiều diễm thu trang
Nhành mai phố cũ dịu dàng nở bông
(Bùi Giáng)

Những ngày chợ hoa tết Saigon, mai làm vương giả cả con đường Nguyễn Huệ. Những cụm màu vàng chói lên dưới nắng xuân. Người ta lũ lượt du xuân trong chợ hoa ngày tết. Những cành mai được săm soi, đánh giá trên từng cánh hoa, từng búp hoa, từng dáng cành, từng thế đứng. Quan trọng hơn cả là hoa có mãn khai vào đúng giao thừa và ba ngày tết không. Mai ẻo lả nên mai thường vắn số. Mai chưng tết thường chỉ được 3 hay 4 ngày, có loại chỉ được một ngày. Kiếp phù du của mai đã được một nông dân cải đổi. Tên ông nông dân cứu mai này là Phạm Văn Hiếu, người làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ, đã có đúng nửa thế kỷ gắn bó với mai. Năm 1993, ông nghiên cứu thành công cách làm cho mai kéo dài ngày thọ. Mai của ông Hiếu sống được khoảng 10 đến 15 ngày, giữ nguyên được sắc màu mà cánh hoa lại to, bung đều rất đẹp mắt. Nhiều khi cành đã khô, cây đã héo mà cánh hoa vẫn không chịu lìa cành, thà chết khô, quyện chặt. Ông Hiếu, có biệt danh là Năm Hiếu, có tài chi mà làm mai cãi lại ý trời được như vậy? Hỏi ông thì ông ỡm ờ : “Đó là tổng hợp các chế phẩm dinh dưỡng và đo mây, đoán gió, hiểu trời…” Gặng hỏi mãi thì ông hé lộ thêm chút đỉnh : “Cũng phải mất năm sáu năm lao tâm khổ tứ. Sáng ra Đại Học Cần Thơ làm quen, học hỏi, xin tài liệu các thày rồi về nhà mầy mò đọc lại. Chế phẩm nào có tác dụng cho lá, cho cành; hóa chất nào kềm chế trái… Nông sản thì mênh mông nên tôi chỉ nhắm vào cây mai”.

Chỉ nhắm vào cây mai cũng đủ cho ông hốt bạc. Sau khi giữ được cánh hoa, ông lại làm cho lá mai tự rụng!

Muốn mai nở đúng vào ngày tết, nhà vườn phải tuốt lá vào khoảng giữa tháng chạp âm lịch. Đây là một công việc khá phiền phức và tốn kém. Thường thì mỗi nhà vườn phải thuê hàng chục người tuốt lá trong hai ngày mới xong. Ông Năm Hiếu không mất công như vậy. Đúng ngày tuốt lá, ông một mình đủng đỉnh ra vườn phun đều lên lá một loại hỗn hợp chế phẩm dinh dưỡng. Ba ngày sau, lá mai chuyển mầu rồi từ từ rụng!

Mai là hoa tết trong Nam, đào là hoa tết ngoài Bắc. Cành đào sắc hồng đỏ có nét đẹp khác mai sắc vàng. Cả hai đều là linh hồn của ngày tết cổ truyền Việt Nam. Cái nôi của hoa đào là vùng Nhật Tân nằm giáp ranh Hà Nội. Phần đất đuôi của dinh Lẫm xưa chuyên trồng đào tiến vua nay vẫn còn rộ lên màu hoa đào mỗi độ xuân về. Nhưng khung cảnh như trong truyện cổ tích này sẽ còn được bao lâu nữa? Người dân trồng đào đang lo cho số phận của khu đất nổi tiếng với loại đào bích tiến vua trước sự xâm lăng thô bạo của các tòa nhà lầu, các biệt thự lộng lẫy đang thi nhau mọc lên. Sẽ không còn đất cho hoa nữa. Xi măng cốt sắt sẽ vùi lấp những cành đào rộ hoa mỗi dịp xuân về. Còn đâu những cành đào đã e ấp đi vào truyền thuyết?
Truyền thuyết được kể lại rằng: Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung tiến quân vào Ngọc Hồi, giữa vườn bích đào, đã cho người mang một cành đẹp nhất vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân Công Chúa. Đó là một truyền thuyết đẹp trong lịch sử. Nhưng các nhà sử học thì lại bác bỏ câu chuyện thi vị này. Giáo Sư Trần Quốc Vượng cho là lịch sử nước ta thường pha trộn giữa truyền thuyết và hiện thực mà chuyện cành bích đào vua Quang Trung tặng Công Chúa Ngọc Hân là một ví dụ. Theo Giáo Sư Vượng thì mối tình sâu đậm giữa Công Chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung còn không có thì truyền thuyết cành hoa đào tặng người tình của vị vua xuất thân áo vải lại càng không thể có. Cái uyên bác của các nhà sử học vẫn không thể xóa được trong lòng người dân Nhật Tân sự kiêu hãnh của nơi sản sinh ra cành bích đào truyền thuyết. Ông Nguyễn Văn Sửu, một nghệ nhân đã có tới bốn đời trồng hoa đào nơi dinh Lẫm này vẫn lắc đầu quầy quậy : “Cụ nội tôi kể cho ông tôi nghe, ông tôi kể lại với bố tôi, rồi bố tôi kể cho tôi. Bốn đời người, tới nay tôi gần 70 tuổi, vậy mang tuổi tác của bốn đời người ra để so sánh với mốc lịch sử nửa đầu thế kỷ XVIII thì gần lắm! Tôi nghĩ, đôi khi các nhà sử học cũng quên những chi tiết khi ghi chép, và có thể câu chuyện này cũng là một sự quên lãng.”

Chuyện của 216 năm về trước đã thuộc về quá khứ. Cứ cho cành bích đào làm chứng nhân của một mối tình vương giả cho nó đẹp. Có hề chi! Chuyện cành đào của lịch sử cận đại thì chẳng có mối tình nào dính dáng vào. Nó là một cú bất ngờ xảy ra vào cái Tết năm 1962. Bốn chục năm sau, trong một cuộc mạn đàm với tuần báo Việt Tide, ông Cao Xuân Vỹ, cựu Tổng Giám Đốc Thanh Niên kiêm Thủ Lãnh Thanh Niên Cộng Hòa dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đã tiết lộ sự kiện bên lề lịch sử này. Đó là việc ông Hồ Chí Minh đã gửi tặng Tổng Thống Ngô Đình Diệm một cành đào vào dịp tết qua phái đoàn Ấn Độ trong Ủy Hội Quốc tế. “Dinh Độc Lập có nhận không? Được Việt Tide gặng hỏi về việc đó, cụ Cao Xuân Vỹ hồi tưởng lại câu chuyện của mùa Xuân 1963. Tổng Thống Diệm lúc đó rất ngạc nhiên và hỏi Chánh Sự Vụ Sở Nội Dịch Phủ Tổng Thống là ông Tôn Thất Thiết và yêu cầu Giám Đốc Nha Nghi Lễ Phủ Tổng Thống liên lạc với Bộ Ngoại Giao để tìm hiểu. Câu trả lời của Bộ là cũng không hay biết gì về việc này. Cụ Vỹ có nhớ là nhiều người đã bàn bạc với Tổng Thống Diệm, với ý chung là ‘người ta biếu thì mình nhận, còn dùng vào việc gì thì hạ hồi phân giải’. Cành đào đó sau được phía Ấn Độ chuyển tới, một cành đào rất đẹp và được trưng ở Phòng Khánh Tiết dinh Độc Lập”.

Hà Nội kinh kỳ là thành phố của hoa. Hoa Hà Nội trong trí nhớ của tôi là những quán bán hoa bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Những quán muôn sắc này đã bị dẹp từ lâu. Hoa theo chân những đôi quang gánh len lỏi vào khắp hang cùng ngõ hẻm cùng cái dáng chạy lanh chanh của những nàng thôn nữ áo nâu non. Bây giờ hoa Hà Nội cưỡi xe đạp khoe hương khoe sắc trên khắp đường phố.

Cô gái Nghi Tàm thồ hoa vào thành phố
cô chở hoa hay hoa chở cô
chiếc xe đạp đi qua những con phố cổ
Hà Nội hơn 40 năm
hạt bụi cũ không bay
trên tán lá bàng con chim xưa
còn nằm nguyên trong tổ
hồn tôi cong
như một cánh cúc gầy.
(Trần Mộng Tú)

Hoa là tình yêu, là hòa bình. Giới hippy đã tôn vinh hoa trong phong trào phản chiến tại thành phố San Francisco, thánh địa của giới râu dài, áo hoa và những âm thanh cuồng loạn của một số tuổi trẻ Hoa kỳ. “Vào mùa hè năm 1968 được gọi là Mùa Hè Của Tình Yêu (Summer Of Love) đã có sự tập họp của khoảng 100 ngàn người có mặt tại khu Height và Ashbury. Đó là những ngày hội của hoa và của âm nhạc. Người tham dự đều gắn một cánh hoa trên tóc, đúng với lời ca: “If you’re going to San Francisco, be sure to wear some flowers in your hair…” của bài San Francisco. Cũng từ đó danh từ Flower Power ra đời để nói lên sức mạnh của hoa, tuợng trưng cho hòa bình. Hình ảnh của bông hoa do một thiếu nữ Hippy gắn vào mũi súng của một quân nhân trong lực lượng chống bạo động trong một cuộc biểu tình phản chiến tại Mỹ đã trở thành một hình ảnh khó phai mờ trong trí óc mọi người”. Trích đoạn trên là đoạn văn của người hiền khô được gắn… oan cái hỗn danh “Vua Hippy”, ký giả Trường Kỳ, trong cuốn hồi ký “Một Thời Nhạc Trẻ”.

Thông điệp tình yêu của hoa chính là sự dịu dàng làm nguôi ngoai đi những thúc phọc của cuộc đời vốn nhiều tranh đua và thúc hối. Cái mà chúng ta thường gặp ngày nay trong cuộc sống bon chen và nhộn nhịp là stress. Cái áp lực của cuộc sống với những người chung quanh đã làm buồn nản một số người. Ký giả An Duy của báo Thanh Niên đã kể lại chuyện trong gia đình có một bà mẹ nóng tính, hay la lối, gây gổ với chồng. Ông chồng khốn khổ này đã chống lại bằng một thứ vũ khí kỳ khôi: hoa lan! “Ba bố trí một khoảnh sân trước nhà để trồng hoa lan. Ba cho biết: ‘Lúc nào mẹ các con nổi nóng, ba sẽ ra tưới hoa để tránh cãi lại với mẹ’. Giải pháp của ba tôi quả thật rất có hiệu nghiệm. Khi mẹ tôi vừa chuẩn bị ‘Ông này…’ là ba vội bước ra vườn lan. Lúc nóng giận muốn nói cho thỏa lòng mà không có đối tượng nghe, mẹ bực mình lắm. Không tha cho ba, mẹ cũng ra vườn lan. Thế nhưng nghe mùi thơm của hoa ‘bạch ngọc điểm’, đồng thời nhìn thấy hoa được treo trên cao, rễ bám vào những cục than, mẹ tôi quên giận, nêu thắc mắc: ‘Hóa ra hoa lan không trồng bằng đất hay cát mà trồng bằng than hả ông?’. Cơn nóng giận của mẹ đã được hạ nhiệt. Khi tôi trở thành thiếu nữ, trong lần phụ ba tưới lan, ba đã căn dặn tôi: ‘Khi nào con lập gia đình, nhất định con phải trồng hoa trong nhà nghe không!’”

Nóng tính ai bằng nhà độc tài Saddam Hussein của Iraq. Nằm trong tù, ông cũng biết tìm tới hoa để ngẫm tới sự đời. Mỗi ngày, trong ba tiếng đồng hồ thư giãn và tập thể dục, ông đã chăm sóc mảnh vườn nhỏ của riêng ông, sống với hoa để làm đẹp cho cuộc sống. Dầu hết sức muộn màng!

05/2005