Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

CHÂN

 

Làng Cây Phong là một làng thiền ở cách Montréal khoảng một giờ lái xe. Một số bạn viết lách của chúng tôi có tên trong những người sáng lập làng như anh chị Đỗ Quý Toàn, anh Hoàng Chiều Nhân... Vậy mà chúng tôi ít khi lên làng, có lẽ chưa có cơ duyên bằng cơ duyên sẵn có với những buổi đấu láo trong tiệm cà phê hoặc trong những trận nhậu. Nhưng có một lần bỗng chúng tôi có mặt đông đủ trong làng. Đó là một dịp kỷ niệm gì đó của làng. Những dân làng đều có pháp danh bắt đầu bằng chữ Chân, như chị Đỗ Quý Toàn là Chân Huyền, anh Đỗ Quý Toàn là Chân Văn, nhạc sĩ Hoàng Phúc là Chân Sinh... Phàm tục như lũ chúng tôi dĩ nhiên chẳng pháp chẳng danh gì. Nhưng người ta có thì mình cũng thử có với người ta. Nhà thơ Lưu Nguyễn, suốt ngày suốt đêm ở ngoài đường, chẳng mấy khi ở yên trong nhà, được chúng tôi ban cho pháp danh Chân Chạy. Nhà thơ Luân Hoán, chẳng chờ người ta ban pháp danh cho đã tự đặt là Chân Giả. Cái tên nghe... thiền hết biết. Chân chân giả giả, cuộc đời biết khi nào chân khi nào giả! Nhưng cái tên tự đặt của Luân Hoán thì đúng thật là... chân giả. Anh đã bỏ lại chân trái trên chiến trường Quảng Ngãi và dùng chân giả bằng gỗ từ năm 28 tuổi tới nay. Một nhà thơ khác, anh Phan Xuân Sinh, hiện sinh sống tại Boston, cũng cúng cho chiến tranh một cái chân tại mặt trận Quảng Nam, nhưng là chân phải, ngược lại với Luân Hoán. Vậy nên ngài Chân Giả Luân Hoán đã tặng ngài Chân Giả Phan Xuân Sinh bài thơ sau:

hai người cộng đủ hai chân
trải thơ dán cái phong trần đãi nhau
còn mưa còn nắng đội đầu
chân tình còn đỡ gốc sầu trổ thơ

Ngày mất chân, nhà thơ Luân Hoán và bạn bè đã xuất bản một tập thơ kỷ niệm. Tập thơ mang tên “Nén Hương Cho Bàn Chân Trái”. Nhiều năm sau, tại hải ngoại, anh lại xuất bản thơ, chẳng hiểu cuốn thứ bao nhiêu (ai mà đếm được những tác phẩm của người làm thơ giầu có này!), cuốn “Cỏ Hoa Gối Đầu”. Anh làm khó tôi bằng cách muốn có một phụ bản thơ của một người chưa làm thơ bao giờ là tôi. Tôi toát mồ hôi. Có bao giờ tôi dám mon men chân cẳng tới chỗ vi diệu của ngôn ngữ thơ đâu! Nhưng rồi tôi cũng liều, đứng vững trên chân mình để liều. Bài gọi là thơ của tôi như sau:

một chân chống chỏi cuộc đời
còn chân nào giữ cái nòi thẩn thơ?
cái tim cái ruột lơ mơ
cái hồn nghe nặng ơ hờ cỏ hoa

Nói chuyện chân mà cứ quanh quẩn ở chỗ thiếu chân nghe ra chẳng thuận ý trời. Chân, cũng như tay, tai, mắt, là thứ có cặp. Bao giờ cũng đi đủ đôi. Hai chân nối với thân bằng một ngã ba. Cái ngã ba này lắm chuyện lắm. Bởi vì nó có quyền bảo bạn là thứ này hoặc thứ khác. Thứ thuộc về động vật biết bay và thứ thuộc về động vật dưới nước. Muốn tránh lắm chuyện, chúng ta hãy quên đi cái chỗ nối này để đi từ đùi trở xuống. Từ Bắc xuôi Nam, chúng ta có đùi trong đó có một phần được gọi là đùi non (mà không thấy có đùi già)! Dưới nữa là đầu gối, nơi để người ta nói chuyện với khi không còn biết nói chuyện với ai. Dưới nữa là ống chân, rồi mắt cá (không hiểu sao lại có con cá bỏ lại đôi mắt ở đây?), cuối cùng là bàn chân năm ngón (đôi khi sáu ngón cũng không sao!). Chân dùng để đi nhưng cũng có khi dùng để gác, để đá. Lúc thân mật thì gác, lúc không thân mật thì đá. Muốn gác hay muốn đá thì chân càng dài càng tốt. Chân dài còn một lợi ích kinh tế nữa là làm người mẫu. Muốn có chân dài thì phải chọn bố mẹ có chân dài. Bởi vì chân dài hay ngắn đều có yếu tố di truyền nằm ở trong.

Theo các nhà khoa học thì sự phát triển của trẻ em được chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn lớn đều được tính từ thời bào thai đến 10 tuổi đối với trẻ nữ và 12 tuổi đối với trẻ nam. Trong giai đoạn này, bộ xương dài ra đều khắp người nếu được nuôi dưỡng đúng cách. Nếu suy dinh dưỡng trong giai đoạn này thì không bảo đảm được chiều cao khi lớn. Vào cuối giai đoạn này thì chiều cao thân thể của trẻ sẽ gấp 3 lần lúc mới sanh. Giai đoạn sau đó là giai đoạn tăng cao bất thường gồm 3 thời kỳ. Thời kỳ trước dậy thì (11 đến 13 tuổi nơi trẻ nữ và 13 đến 15 tuổi nơi trẻ nam), chiều cao như tăng vọt lên, trung bình mỗi năm 7 phân, chủ yếu ở phần tay chân. Thời kỳ dậy thì (13 đến 15 tuổi ở trẻ nữ và 15 đến 17 tuổi ở trẻ nam), sức lớn phát triển theo chiều ngang và bề dầy, chân cao thêm vài phân ở những năm đầu, sau chậm dần. Thời kỳ sau dậy thì (tiếp tục cho tới năm 25 tuổi) chiều cao không thêm lên được bao nhiêu nữa. Riêng trẻ nữ, sau 18 tuổi, chiều cao kể như dừng lại, thân hình trở nên cân đối và nở nang.
Như vậy muốn có thân hình cao (dĩ nhiên là chân dài) thì trong thời kỳ phát triển nên ăn đủ các thứ thực phẩm nhất là những thực phẩm có nhiều chất đạm và chất vôi. Tập luyện thể dục thể thao cũng là phương cách quan trọng để tăng hết chiều cao di truyền sẵn có.

Không xét đến các yếu tố ảnh hưởng khác, chiều cao tối hậu của một đứa trẻ dựa vào yếu tố di truyền của cha mẹ nằm trong công thức sau: đối với trẻ nam là chiều cao của cha + 1,08 chiều cao của mẹ chia hai; đối với trẻ nữ là chiều cao của mẹ + 0,923 chiều cao của cha chia hai. Thí dụ cha cao 1,66 thước ; mẹ cao 1,56 thước thì con trai sẽ cao: 1,66m + (1,08 x 1,56m) : 2 = 1,67m; con gái sẽ cao: 1,56 + (0,923 x 1,66) : 2 = 1,55m.

Nếu gặp phải bố mẹ thuộc loại thiếu thước tấc mà con, nhất là con gái, lại muốn nhập vào hàng ngũ các cô gái chân dài thì phải kéo dài chân ra. Một người nắm đùi, một người nắm bàn chân, lấy sức kéo về hai phía chăng? Giỡn hoài! Chân có thể mịn màng trắng muốt như bột, nhưng chân không phải là một khối bột mà muốn nắn muốn kéo thế nào thì nắn. Phải có bài bản đàng hoàng. Thoạt kỳ thủy, phương pháp kéo dài chân ra là một phẫu thuật xuất phát từ bên Nga có mục đích sửa chữa khiếm khuyết cho những người bị dị tật bẩm sinh hai chân so le. Ngày nay, tại Trung Quốc, với trào lưu chung là các cơ quan tuyển dụng chỉ thích tuyển những người cao ráo, chân dài (để làm chi chẳng biết!), kéo dài chân trở thành một hạng mục trong ngành giải phẫu thẩm mỹ.

Trước hết người ta giữ chắc xương ống chân bằng bộ nẹp kim loại, cắt xương phía dưới đầu gối, vặn vít trên bộ nẹp đó để kéo dài thêm một phân khoảng cách ở chỗ bị cắt. Xương sẽ tái sinh trám vào khoảng cách đó. Cơ, dây thần kinh và mạch máu cũng phát triển theo. Người ta làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi đạt được đủ độ dài thêm. Bao nhiêu là đủ? Tối đa chỉ kéo dài được thêm 9 phân là hết kéo. Mỗi lần kéo dài 1 phân phải mất cả tháng để xương cứng lại, rồi tập luyện, hồi phục. Muốn có 9 phân chân dài, phải mất cả năm trời. Và tốn ít ra cũng khoảng chừng 3 ngàn đô Mỹ!

Kéo dài chân kiểu máu chảy thịt rơi xương rời như vậy chỉ nghe đã thấy rợn xương sống. Chẳng thà chịu lùn một chút cho an toàn trên xa lộ. Cao như vậy nhọc nhằn quá. Nếu bạn thuộc loại nhát đau và lười móc tiền ra khỏi túi mà vẫn muốn cao thì dễ ợt: mang giầy cao gót! Thứ này coi bộ dễ chơi hơn. Mà chơi trội là khác. Bởi vì, theo một cuộc khảo sát của báo Daily Telegraph ở bên Anh thì phụ nữ từ tuổi teen đến tuổi 70 đều gắn liền giầy cao gót với tình dục, địa vị và quyền lực. Cứ 5 phụ nữ thì có một người loạng choạng trên những đôi giầy cao gót bất tiện để tỏ ra mình sexy với bạn trai, ông chồng hoặc ông xếp. Mặc dầu chỉ có khoảng 33% thực sự thích giầy cao gót nhưng có tới 80% nhất định không buông giầy mặc dù giầy cao gót làm hại đôi chân của họ.

Mang giầy cao gót, OK, nhưng cao tới bao nhiêu? Ra đường chúng ta chẳng mất công tìm kiếm vẫn thấy những bà những cô lênh khênh trên đôi giầy như những người đi cà khêu làm xiếc. Đi như vậy thì còn gì là chân cẳng! Xót xa cho những cặp giò lắm chứ! Một chuyên gia vật lý người Anh, chắc cũng thuộc loại thương hoa tiếc ngọc như bạn và tôi, đã bỏ công ra nghiên cứu về độ cao của giầy cao gót. Đó là nhà vật lý Paul Stevenson của Đại Học Surrey. Và ông đã mầy mò tìm ra được một công thức cho giầy cao gót. Công thức đó như sau:

H = Q x [12 + (3 x S/8)]
H là chiều cao tối đa của gót giầy, tính bằng phân. Q là chỉ số xã hội học (muốn biết nó là cái chi chi, đọc ở dưới sẽ rõ ). S là cỡ giầy.
Chỉ số xã hội học Q được tính một cách khá rắc rối cũng bằng một công thức. Mà công thức này còn nhức đầu hơn cái công thức chính trên.

Q = [ P x L x (Y + 9)]/ [( T + 1) x ( A + 1) x ( Y + 10 ) x ( L + 20 )]
P là khả năng đôi giầy mang đến sự hấp dẫn. L là giá giầy tính bằng bảng Anh. T là thời gian tính từ thời điểm đôi giầy thịnh hành nhất. A là lượng chất cồn trong rượu tiêu thụ khi mang giầy. Y là số năm thường xuyên đi giầy cao gót.

Giầy dép phươn phướn làm chi mà đau cái đầu đến thế này! Lại phải nhờ tác giả cho một ví dụ cho nó rõ ràng. Sau đây là ví dụ của ông thày Stevenson. Nếu bạn có một đôi giầy rất mốt trị giá 200 bảng Anh (khoảng 363 đô Mỹ), đã có thâm niên 10 năm quen đi giầy cao gót, và trong lúc mang giầy không uống một giọt rượu nào, thì giá trị Q của bạn sẽ là 0,65. Nếu cỡ giầy của bạn là 6 (tức cỡ 7 ½ theo số Bắc Mỹ) và ghép giá trị Q vào công thức chung ở trên thì chiều cao tối đa của gót giầy bạn nên mang sẽ là 9,26 cm! Yếu tố A, yếu tố uống rượu là quan trọng nhất. Chẳng hạn chỉ cần uống một ly thôi thì chiều cao đôi giầy sẽ bị giảm đi một nửa, nghĩa là chưa tới 5 cm. Đúng rồi! Vừa chơi rượu, vừa chơi giầy cao gót loại lênh khênh thì tênh hênh ra sàn nhà là cái cẳng!

Bà Kathleen Stone, thành viên của Hiệp Hội Y Thuật Các Bệnh Về Chân của Mỹ vỗ tay tán thưởng công thức này mặc dù, theo bà, nó không có tính khoa học lắm. Bà mặn với lối phân chia theo từng hoạt động để mang giầy cao cho thích hợp hơn. Theo bà, với hoạt động thường ngày thì nên đi giầy gót cao 3 phân. Khi tham dự dạ tiệc không phải đứng suốt buổi thì có thể mang giầy cao hơn nhưng không nên vượt quá 7 phân.

Giầy cho các bà, bàn đến như vậy là đủ, không nên ngôn thêm nữa kẻo gót giầy sẽ leo lên tới trán kẻ ba hoa. Có muốn bàn thêm về giầy dép thì nên bàn tới giầy của các ông  cho an toàn.

Quan niệm của các ông về giầy rất giản dị. Một đôi giầy tốt là đôi giầy đi vừa chân, bền bỉ và kiểu giầy mình thích. Thế là đủ rồi. Không gót ghiếc gì cả trừ những chàng thiếu thước tấc mà phải lên sân khấu cho giàn đèn chiếu vào. Muốn thời trang  điệu đàng thêm một chút thì mốt cho các ông thanh lịch năm nay, theo tạp chí Monsieur ở Pháp và tạp chí G.Q ở Anh, là những đôi bottine cao đến mắt cá chân với mũi giầy dài và nhọn. Cũng theo các tạp chí này tán rộng ra thì mũi nhọn nổi lên là thể hiện ý chí vươn lên của người mang chúng, còn mép giầy cao tới mắt cá chân vừa bao bọc bàn chân tốt hơn vừa mang cho người chủ đôi giầy nét thể thao và trẻ trung.

Giầy dép, chúng chẳng phải chỉ là giầy dép mà chúng còn mách cho người khác biết về cá tính của người mang chúng. Cứ lấy những ông tai to mặt lớn ra mà xét thì tức khắc biết.

Tai to số một là ngài Tổng Thống George W. Bush. Ông này thích đi một đôi giầy da nhẹ nhàng, kiểu cổ của hãng Allen-Edmonds, trụ sở ở tiểu bang Wisconsin. Ông Bush cũng thích đi loại giầy màu đen do hãng Ý Vito Artiolo sản xuất (nhắc nhỏ với các bạn, loại giầy này cũng là loại ưa thích của Saddam Hussein!). Nhưng giầy mà Tổng Thống Bush chịu hơn cả là loại ủng cao bồi! Ngay cả khi tiếp khách hay dự họp ông cũng vẫn khoái mang đôi ủng này! Năm ngoái, khi dự Đại Hội Đảng Cộng Hòa để đề cử ông ra tái ứng cử, ông diện một đôi ủng da nai màu đen của hãng Pokki Keppol, tiểu bang nhà Texas. Trên đôi ủng có thêu chữ đầu của tên ông và hình ảnh quốc kỳ Mỹ. Bà Meghan Kliary, người Mỹ, tác giả cuốn “Những Đôi Giầy Của Bạn Nói Lên Điều Gì Về Bạn?”, đã tán rằng: người thích mang ủng này được cậy nhờ rất nhiều vào đám bạn bè từ thời Trung Học!

Đồng minh số một của ông Bush trong mặt trận Iraq, Thủ Tướng Anh Tony Blair lại thích mang loại nửa giầy nửa ủng của hãng John Lob, một hãng chuyên sản xuất giầy theo phong cách cũ vốn được giới giầu có ở Luân Đôn rất ưa thích. Bà Kliary tán như sau: Thủ Tướng Tony Blair là một dân Anh chính hiệu, quen nói thẳng và yêu lao động!

Đối thủ trong cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ vừa qua của ông Bush, Nghị Sĩ John Kerry cũng thích mang giầy của hãng Allen-Edmonds như đối thủ của mình. Ông còn thích mang một đôi nửa ủng nửa giầy của hãng John Lob như ông Blair. Bình loạn của bà Kliary: John Kerry là một con người khá năng động.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin luôn mang những đôi giầy đen bóng, mũi vuông. Điều này nói lên được là Tổng Thống Putin là người có nghị lực, muốn vươn tới một địa vị cao đồng thời muốn biểu lộ ý muốn trở về những căn cơ , gốc gác một cách khôn ngoan!

Tổng Thống Pháp Jacques Chirac thích mang giầy đen của nhà thời trang Jan Gocher. Giầy của ông thấp, tiện lợi trong việc đi lại. Bà Kliary tán: Tổng Thống là một người cư xử nhẹ nhàng, thích sự vui vẻ, thích ăn ngon, sắc sảo, tinh tường, dễ kết bạn!

Chuyện chân cẳng mà tuột xuống tới giầy dép thì coi như hạ màn được rồi. Nhưng chưa! Trong tạp chí Văn Học, California, số Tết Ất Dậu vừa phát hành, có truyện “Áng Mây Miền Núi” của Nguyễn Ý Thuần. Chuyện xảy ra trong một phòng bệnh của Bệnh Viện Hai Dã Chiến Kontum. Bốn bệnh binh, một cụt chân phải, một cưa chân trái, một cụt cánh tay phải, một cánh tay trái bị bó bột từ trên xuống dưới. Bốn cái mất mát cân cái là một trò đùa của ông thần chiến tranh. Ngày Tết, buồn, cô đơn, bốn anh  Sĩ  Quan trẻ vừa bắt đầu nếm thân phận tàn phế bày trò chơi. Hai anh cụt tay phải thi mở hộp thịt. Hai anh cụt chân phải chơi trò tập diễn hành ngày Quân Lực. “Thằng  Pháo Binh cắt lời hai thằng Lôi Hổ và bắt đầu đếm. Hai thằng cưa chân ôm nhau, hai cánh tay choàng qua vai, hai chân còn lại loạng choạng theo nhịp đếm. Một. Hai. Một hai. Hai cái đầu, bốn cái tay, hai thân mình, hai cái chân nhập thành một. Như con quái vật hai đầu trong thần thoại Hy Lạp. Mình với ta tuy hai mà một. Từ mép giuờng này sang mép giường khác, hai bàn chân nâng lên, đặt xuống khó khăn, vượt tầm điều khiển của thân thể như hai đứa trẻ đang tập đi. Qua khỏi mép giường, đến khoảng trống gần bàn ăn, thằng Lôi Hổ cưa chân phải khụm xuống, kéo thằng cưa chân trái ngã theo. Hai tấm thân cao lớn vẫn ôm nhau, nằm tênh hênh trên sàn. Chúng tôi phá ra cười. Trò tập diễn hành để chuẩn bị cho ngày Quân Lực Mười Chín Tháng Sáu được hai thằng què chân đảm trách. Cười chán, chúng tôi nhìn nhau thở dốc, không buồn đỡ hai thằng bị ngã dậy. Bốn cái miệng há ra. Tám con mắt nhìn nhau. Ta với mình tuy một mà hai. Tám khóe mắt ướt.”

Chỉ là chuyện giỡn chơi cho vui. Ai cười được thì cười!

02/2005