Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

 

Nhiều tháng trước tháng tư năm 1975 có một khóa huấn luyện nhiều ngày về cải cách hành chánh cho các cấp chỉ huy các Bộ Sở Trung ương tại Trung Tâm Chí Linh, Vũng Tàu. Trong một buổi tối trước khi ngủ, chúng tôi nằm trên những chiếc giường cá nhân tán chuyện gẫu với nhau. Một anh bỗng cầm tay tôi, nhìn sơ qua, rồi kéo tôi ra chỗ ánh đèn sáng nhất săm soi nhìn bàn tay tôi. Anh không nói gì. Anh xem chỉ tay tiếp cho một số người khác. Mỗi lần coi xong, anh vẫn ngậm miệng rồi vội vàng chụp một bàn tay khác. Anh nằm vật ra giường, mặt đần ra. Mọi người xúm vào gặng hỏi mãi, anh mới dè dặt nói. Lạ quá! Sao lạ vậy cà? Tôi coi số ông nào cũng đi tù cả là làm sao? Chúng tôi phá ra cười. Rồi tranh nhau bình… loạn. Xem nào, chắc mắt ông có chữ tù dính vào rồi chứ gì! Giải nghệ đi cho rồi ông thày ơi! Một giọng nói từ góc phòng bắn ra. Thì tù cha nó hết cả chứ còn gì nữa! Tụi mình đang xổng tù đây này. Tôi cá với các ông là những bà cai tù ở nhà giờ này đang tưởng tượng đủ thứ cho lũ tù xổng chuồng này đấy! Câu chuyện qua đi. Coi như một chuyện vui. Tới khi gặp nhau lại trong cái gọi là trại học tập cải tạo, chúng tôi mới phục tài ông bạn xem chỉ tay. Thì tù cả nút chứ còn gì nữa!

Không bao giờ nghĩ là mình đi tù nên khi vào tù người cứ bàng hoàng ngơ ngẩn. Chúng tôi bị đẩy vào một hoàn cảnh không ngờ một cách chóng vánh nên người như chết trân, chẳng còn phản ứng gì được. Người có tính lo xa, chán nản, buồn khổ thì rơi vào tình trạng rầu rĩ quá mức. Người có tính bất cần, mặc mẹ nó, tới đâu hay tới đó, chết là cùng chứ gì thì tỉnh bơ ngồi xổm lên trên hoàn cảnh. Chúng tôi ở thái cực này hoặc thái cực khác. Khi con người đã lâm vào ngõ cụt, chẳng toan tính gì được nữa thì coi mọi sự như pha. Chúng tôi vẫn nghịch ngợm với nhau. Những con người cùng một tâm trạng tìm tới với nhau.

Một bữa, tôi tìm tới chỗ nằm của anh tu bíp bất cần có biệt danh là Bác sĩ Django. Này ông, ở trong này được cái tiện là đi bác sĩ dễ dàng quá , cứ quần xà lỏn áo may ô là xong ngay! Anh Dzango trợn mắt quát. Ăn nói đúng quá nhỉ! Bệnh gì, khai ra? Tôi cười cười. Bệnh đau bụng! Lại quát. Ăn uống có cái đếch gì đâu mà đau bụng! Quái nhỉ! Kể lể. Chẳng là sáng nay có thằng bạn  đi ngoại giao đâu được cái bánh giò bằng nắm tay, nó chia cho một miếng nhỏ, ăn vào là thấy đau bụng! Nạt nộ. Bánh có nhân thịt không? Gật đầu. Có! Nhưng chỉ một chút bằng đầu ngón tay út! Thở phào. Đấy! Bệnh là ở đấy đấy. Cậu lâu ngày không được ăn thịt, bao tử nó quen  rồi. Bây giờ tự nhiên (nuốt nước miếng) nhét thịt vô đau là cái chắc. Cho đáng kiếp! Ôm bụng. Làm sao bây giờ? Lên giọng. Lần sau, nếu bạn bè có cho bánh giò thì cậu cứ đưa tớ ăn cho là xong!

Ông bạn đồng liêu xưa và đồng tù nay một bữa kéo tôi ra một góc sân, ghé vào tai nói như nói thầm. Đố cậu biết Hiệp Định Ba Lê có bao nhiêu điều? Ông này bỗng nhiên dở chứng. Vừa lên lớp nghe nói ra rả về cái hiệp định bị xé toang hoang ra chưa chán hay sao mà còn bày đặt vấn. Bực mình. Nó có bao nhiêu điều thì kệ mẹ nó! Vẫn nụ cười trên môi, ông bạn tự trả lời. Nổi nóng chi vậy? Hiệp Định Ba Lê chỉ có một điều: Điều 21! Tôi phá ra cười. Chẳng là giảng viên chính trị sáng nay cứ thao thao mắng Đế Quốc Mỹ không chịu thi hành điều 21 của hiệp định là bồi thường chiến tranh cho Việt Nam! Những điều khác lơ đi hết.

Ông tù nằm bên cạnh tôi là một ông Giám Đốc già. Già là trông thấy ông già chứ tuổi ông chưa quá năm mươi. Vợ con moa đi hết rồi. Moa muốn đi thì đã đi từ trước ngày 25 rồi! Hỏi móc. Sao bố không đi? Cười trừ. Thế mới nói! Ông bạn đồng sự với ông Giám Đốc cười xoạc ra tới mang tai. Thế mới vào tù. Bố mày mê em út nên dính chân dính cẳng. Bây giờ bố ở tù chắc em kiếm kép khác chứ chờ gì được bố!  Bố già hực lên, cười nhạt. Tối hôm đó, trằn trọc chẳng ngủ được, tôi… đặt lời nhạc. Bài ca chúng tôi bị bắt hát ra rả ngày nọ qua ngày kia là bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây được tôi cải biên. Sáng hôm sau, tôi kêu anh bạn đồng sự với bố già ra rỉ tai hát cho nghe. Anh cười sằng sặc, kêu bố ra. Thằng này nó giễu bố đấy bố ơi! Bố có muốn nghe không? Cười. Sợ đếch gì mà không nghe! Tôi hát nho nhỏ đủ cho hai người nghe. Cùng đứng ngắm chung một vầng trăng/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm./ Đường ra về mùa này đẹp lắm./ Người bên Đông nhớ người bên Tây/ Ở bên Đông anh ăn, anh ăn khoai sắn hơi nhiều/ Con đường cải tạo khó khăn gập ghềnh cho đời anh nát/ Hết rắn rồi anh bắt cóc anh ăn!/ Còn bên Tây em sống vẫn phây phây/ Hết ăn rồi lái xe đi tìm kép/ Biết rằng em bắt được kép lạ/ Chắc em quên đời có anh rồi!/ Em lên xe trời đổ cơn mưa/ Chiếc quạt nước xua đi nỗi nhớ/ Anh gánh nước, nắng về rực rỡ, chiếc đòn ngang nặng chĩu thân khom./ Từ bên anh đưa sang bên em/ Những cơn dài nhớ nhung hàng vạn kiếp… Bố cười. Nụ cười trông khá xộc xệch!

Tìm vui trong tù, khó lắm. Nhưng hình như chúng tôi tìm vui hơi trễ. Ông Cao Xuân Huy bày cuộc vui sớm hơn nhiều. Trong cuốn hồi ký “Tháng Ba Gãy Súng”, nhà văn nhiều máu tếu này đã kể lại lúc bị bắt làm tù binh. Khi đoàn quân Thủy Quân Lục Chiến di tản bị kẹt lại đã hết phương chống đỡ, bị Việt Cộng bắt, họ… giỡn ngay tức thời.

“Có tiếng nói từ trong đám tù binh.
- Yêu cầu cho nước uống
Nhiều tiếng khác vang lên, lúc đầu còn rời rạc, càng lúc càng ăn nhịp dần, cuối cùng có cả tiếng vỗ tay bắt nhịp.
- Nước! Nước! Nước!
Cứ như vậy cho đến khi nước uống được hai ả du kích cái mang ra.
Nhiều người bu lại uống nước, lúc đầu còn uống tử tế, đến thùng thứ ba được mang ra, cũng vẫn nhiều người bu lại, nhưng chỉ một số người uống nước, số khác giả vờ chen lấn giành nước để bóp vú hai ả du kích.
Nhiều tiếng chí chóe vang lên. Tên Việt Cộng đứng ngoài hắng giọng hỏi.
- Cái gì ồn ào thế?
Thùng nước được hất đổ kèm theo nhiều tiếng nói.
- Hết nước rồi, yêu cầu cho thêm.
Tên Việt Cộng đứng ngoài ra lệnh.
- Đề nghị hai đồng chí mang thêm nước.
Khi thùng nước kế tiếp được mang ra, màn bóp vú lại tái diễn, và khi hai nữ đồng chí được đề nghị mang thêm nước lần nữa thì trốn luôn.
Không còn nước, không còn đàn bà, mọi người ngồi trở lại trong hàng. Một người lính vừa ngồi xuống bên cạnh quay sang nhìn tôi cười.
- Đụ mẹ, bị bắt mà còn được bóp vú Việt cộng, đã quá!”

Sống trong tù là sống trong sự bấp bênh. Người ta phó mặc cho số mạng. Nếu Chí Phèo lâm vào bước đường cùng  nằm lăn ra ăn vạ thì  dân tù chúng tôi khi bất lực với cuộc đời mình coi đời như pha. Đời trôi thì mặc xác nó trôi.

Về đây nắng buốt cả ngày,
Trưa không buồn ngủ ngồi say thuốc lào.
Saigon gần biết là bao
Mà xa như cả vì sao trên trời.
Ngoài sân chiếc lá vàng rơi
Khoanh tay ngồi để sự đời trôi qua.
(Tạ Ký)

Sự đời trong tù nhiều khi khá bi hài. Trong hồi ký tù “Đại Học Máu”, nhà văn Hà Thúc Sinh vẽ lại một trong những hoạt cảnh bi hài đó.

“Một đám tù đương đứng tắm “chuổng cời” cạnh giếng. Bỗng nhiên quản giáo Dương xuất hiện, nhanh quá không ai kịp mặc quần áo. Những người nhanh chân nhảy ngay đến những cái phuy đặt rải rác quanh giếng để giấu đi một phần thân thể. Bùi Vịnh, chậm chạp, khi ngó lại thì không còn cái phuy nào cả, anh đành đứng yên tại chỗ và giơ tay bụm lấy “chim”… Quản giáo Dương bỗng mỉm cười ác độc. Hắn hét bảo Bùi Vịnh: “Mày bỏ tay ra và giơ cao lên cho tao coi”. Thân tù, Bùi Vịnh không thể nào làm được cái gì khác hơn là tuân lệnh. Anh đứng giữa sân, hai tay giơ cao, tồng ngồng như một con vượn. Tên Dương lừ một ánh mắt khinh bỉ rồi chửi: “Mày có thấy mày dơ dáng dại hình không? Mày phải nhớ rằng mày thua một con vật xét trên mặt tư cách.Vì con vật nó còn có cái đuôi, nó biết dùng cái đuôi để che giấu đi những cái không đáng khoe ra. Mày nhìn lại mày coi…” Trong khi quản giáo Dương đang chửi mắng thậm tệ thì quản giáo Hồng từ nhà 2 bước ra phía giếng, không cần để ý đến sự có mặt của Dương, hắn hét mấy thằng tù đang lâm nạn: “Mặc quần áo đi vào trong nhà tôi nói chuyện”. Quản giáo Dương nhìn Hồng uất ức ra mặt, nhưng có lẽ đã quá rõ tính Hồng nóng nẩy, lại mang quân hàm Trung Úy trong khi hắn chỉ là Chuẩn Úy, hắn đành hậm hực bỏ đi một nước. Khi thấy Dương bỏ đi, Hồng quay lại đám tù cười cười nói nói một câu không ai ngờ: “Muốn tắm nữa thì cứ tắm đi. Nhưng đừng tắm truồng trước mặt nó. Thằng ấy nó mất vợ về tay ngụy các anh đấy. Cứ giơ b… ra trước mặt nó, nó thấy lẫm liệt, nó lại liên tưởng đến chuyện xưa và đâm uất lên”.

Chuyện tắm táp luôn luôn là một chuyện khôi hài. Nó giúp vui cho những tháng ngày thiếu chuyện vui của chúng tôi. Thường thì tù đàn ông với nhau cả, cứ… thiên nhiên như đang ở bãi tắm tiên! Tại trại Long Thành chúng tôi có quây được một khoảnh đất rộng chừng 4 thước mỗi bề. Đi lao động về là ùa nhau xách nước ra tắm. Người đông, chỗ tắm chật hẹp, dân làng tếu không phải là ít, mỗi người một câu, mua cho nhau được tiếng cười. Nhưng nhiều khi câu tếu nặng  quá, nhất là cái tếu nhắm vào cái đàn ông nhất trong các món đàn ông, mất vui đã đành, còn gây thêm những trận khẩu chiến khi nhỏ khi lớn. Nhìn các bạn đồng tù cãi lộn nhau , đôi khi vì những lời nói rất trẻ con, tôi chẳng thể nghĩ được là chỉ mới mấy tháng trước đây, họ đều là những bậc mẫu nghi thiên hạ, đi đứng nói năng rất là… cấp lớn!

Chuyện tiện nhỏ cũng là chuyện dài. Nhà tiểu tiện là một đường mương chảy xuống một cái hố đào. Thứ nước gọi là nước thải không được coi như là nước thải. Nó cũng có… nhiệm vụ đàng hoàng. Mỗi đội đều ra hố múc lên để tưới vườn rau cải thiện của đội. Nhu cầu thì nhiều mà các nhà máy lọc làm việc không đủ chỉ tiêu nên thường thường phải tranh nhau vơ vét. Một buổi sáng sớm, khi anh em ra giải thủy đón ánh mặt trời, bỗng thấy nhà tiểu được tân trang. Nơi một góc có một cái phễu lớn nối tiếp bằng một ống máng dẫn ra một cái thùng phuy đặt ở phía ngoài. Một anh đội trưởng đã có sáng kiến đặt hệ thống… dẫn thủy nhập điền này để tranh nước thải về đội mình. Nhiều anh không thích cái trò phỗng tay trên này nên cương quyết không phóng tia nước vào phễu. Anh đội trưởng có sáng kiến bèn phải nỉ non năn nỉ. Một cây tếu đã lớn giọng mắng mỏ rất… cách mạng: “Các ông là thứ bóc lột tinh vi nhất. Biết rằng chúng tôi chẳng còn cóc gì để bóc lột, các ông bóc lột cả cái thứ mà chúng tôi chẳng thể giữ trong người được! Biết không?”

Cứ bóc lột nhau những niềm vui, chúng tôi sống qua ngày. Niềm vui thanh tao nhất là làm thơ. Thơ tâm sự thì giữ kín trong đầu. Hé ra “ăng ten” chúng nghe được lên mách bu thì bị gọi lên làm việc phát mệt. Cứ thơ… thẩn cho nó vui cửa vui nhà. Trại Long Thành có một khu nhà nữ biệt lập giam giữ các nữ dân biểu, công chức và cả bà Bí thư của Tổng thống. Đó là khu vườn hoa của đám tù nam. Những đóa hoa này cao sang lắm. Nhìn các chị tay vo giấy đi ra nhà số một, thế mà cũng ra thơ. Tay tiên cầm giấy lụa  đào… Nhưng thú vị nhất là làm thơ đối đáp. Một anh giả danh các chị ra thơ.

Thiếp ở bên này có máy may
Cớ sao quân tử lại may tay?
Hôm nào rỗi rảnh qua chơi thiếp
Đôi ta khẩn trương máy tối ngày!
Một… thi sĩ khác bèn trả lời.
Biết rằng nương tử có máy may
Bên này chúng tớ vẫn may tay
Cơm ngày hai bữa ăn như thế
Sức đâu mà rủ máy tối ngày!

Chuyện muôn thuở vẫn là chuyện ông Adam và bà Eva. Những anh Adam bị giam giữ nơi nhà tù lâu ngày chẳng tránh được những phút ngơ ngẩn. Sau này, khi thời gian ở tù đã lâu mà ngày về vẫn thăm thẳm mù mịt, cách mạng bầy ra trò cho vợ lên thăm nuôi 24 tiếng. Không phải ai cũng được… đặc ân này. Phải có điều kiện này kia. Đó là một thứ phần thưởng mà người treo giải chẳng mất gì nhưng người thi đua tiến bộ vẫn cứ phải thi đua. Biết là bất nhẫn nhưng phần thưởng lớn lao quá nhắm mắt sao đành. Khi tù được lệnh dựng những chiếc lều tranh nơi khu thăm nuôi được đặt tên là “Nhà Hạnh Phúc” thì dân tù đã nao nức lắm. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, trong hồi ký “Một Khoảnh Việt Nam Cộng Hòa Nối Dài” đã kể lại.

“Một đơn vị ở Kà Tum (Tây Ninh) nghĩ ra một cách thăm nuôi đặc biệt: cho phép vợ chồng những người “cải tạo tiến bộ” được gặp mặt nhau trong 24 tiếng đồng hồ. Một dãy nhà lá được dựng lên trong rừng, ngăn riêng từng phòng cho các cặp vợ chồng nghỉ đêm. Ta có thể hình dung ra sự hỗn loạn vồ vập của bọn thanh niên sung sức bất ngờ bị ngăn cấm lâu ngày. Các cô vợ sáng ra bơ phờ phải để các bà già đi thăm con dìu về… Nhưng cũng có người đàn bà thật cứng cỏi: “Anh biết họ quan niệm như thế nào khi cho tổ chức cuộc gặp gỡ như thế này. Dưới mắt họ, bọn ngụy đều là những kẻ chỉ biết sống bằng nhục dục, như súc vật. Em hiểu tình trạng anh bây giờ, nhưng anh hãy nghĩ lại coi, anh có thể chịu đựng sự khinh miệt ấy không. Em cho rằng dù là trường hợp riêng lẻ, chúng ta cũng phải chứng tỏ chúng ta không như họ nghĩ. Nếu trời thương anh được trở về thì chúng ta còn được dịp sum họp. Anh hãy an lòng, em vẫn đợi và không làm điều gì đắc tội với anh…” Đêm hôm đó, hai vợ chồng kéo tấm vải ra ngoài sân nhìn trời sao, chờ sáng. Anh chồng vui nói với bạn bè: “Nó nói phải, tao phục lăn, mà ấm ức quá!”

Niềm vui chẳng bao giờ được trọn vẹn, kể cả những niềm vui hiếm hoi trong hoàn cảnh ngặt nghèo!

Đọc tới đây chắc có nhiều bạn sẽ théc méc. Tù vui nhỉ? Tù vui tại vì đây là tù… phiếm!  Những niềm vui cố tìm kiếm của chúng tôi trong những năm tháng tù đầy chỉ như những khoảnh khắc chúng tôi trồi lên khỏi mặt nước để thở. Những đầy ải phải chịu khi bị dìm sâu xuống dòng nước, chúng tôi ít muốn nhớ tới, và nhắc tới. Tủi nhục không phải là một thứ dễ mà quên được.

05/2005