Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

QUÊN

 

Quên là một điều ích lợi. Đầu óc chúng ta như cái hộp, chuyện nọ chuyện kia theo năm tháng bị dồn vào đầy hộp, chỗ đâu để nhớ những chuyện mới? Nhưng đầu óc chúng ta không giống như cái hộp thư trên internet. Khi hộp thư đã đầy thì những bức thư cũ tự động bị delete cho những bức thư mới có chỗ tá túc. Đầu óc chúng ta delete có điều kiện. Những gì đáng nhớ, chúng ta nhớ. Những gì đáng quên, chúng ta quên. Rắc rối xẩy ra là cái nào đáng nhớ, cái nào đáng quên. Những cái chúng ta muốn các bà xã quên đi thì các bả lại nhớ đời. Những cái các bà muốn các ông phải nhớ thì các ông... delete cái một!

Muốn khỏi quên, trí óc chúng ta cần được nhắc lại. Muốn học bài cho thuộc phải ôn đi ôn lại. Mỗi lần ôn là bài học thấm vào đầu chúng ta thêm một chút. Cứ lai rai như vậy là khó quên. Cũng khó quên là ngày sinh nhật của người yêu. Ngày N còn xa mà bụng đã bàn với cái túi tiền chọn quà chọn cáp. Khi đã rước được nàng về dinh rồi thì sinh nhật nàng trở thành ngày khó nhớ. Đó là một trong những điều khó hiểu của bộ nhớ trong đầu chúng ta.

có khi tưởng đất ngậm ngùi
những sáng sương khói chào đời sống lên
có khi anh tưởng tình yên
mà câu hát cũ chợt quên chợt hoài
(Nguyễn Nam An)

Quên hay nhớ là bệnh của người. Cái bệnh khôn vặt. Nhưng quên hung là bệnh của người già. Bệnh thật chứ không phải bệnh giỡn. Bệnh nó nằm ngay trong đầu, đúng ra là trong bộ não. Cứ tưởng tượng não của chúng ta như bộ máy của chiếc xe Mercedes chẳng hạn. Máy xịn, khỏe, chạy re re ngon lành. Nhưng chạy mãi thì cũng có ngày nó oải. Đề máy thì cứ ậm à ậm ực không chịu... ca vui gì cả. Máy oải sớm hay muộn tùy người chủ xe. Nếu xe được ăn dầu nhớt đàng hoàng, máy móc được kiểm soát đúng hạn kỳ, hư đâu sửa đấy cái rụp thì máy không phản ta. Tuổi già cũng dĩ nhiên phải... lão. Những giao điểm thần kinh có nhiệm vụ báo động những trạm trung chuyển thần kinh trong đầu chúng ta cũng rỉ sét với thời gian. Não chúng ta ít bén nhậy hơn. Vào khoảng 25 tuổi, não của chúng ta trong tình trạng... xịn nhất. Những tế bào thần kinh trong não của chúng ta được thay thế hoài. Mỗi tế bào cũng có tử có sinh. Cái sinh thay thế cái tử. Cái không được dùng hay ít được dùng cũng bị loại đi. Sự tử sinh này diễn ra ngay cả khi con người chưa chui ra khỏi bụng mẹ, còn là cái bào thai.

Khi có tuổi, chúng ta trở nên chậm chạp hơn. Nhìn dáng người đi đứng, chúng ta có thể thấy được tuổi già. Nó nặng nề lắm. Nhìn bề ngoài đã vậy, bề trong cũng rứa. Đầu óc chúng ta cũng... già. Già thì chậm nhưng già cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trội về kiến thức tổng quát và thái độ ứng xử. Trẻ thì nhanh hơn già, điều đó khỏi phải ngôn. Nhà tâm lý thần kinh Gabriel Léonard đã thử làm thí nghiệm với hai lớp tuổi: lớp tuổi 16 và lớp tuổi 77. Qua những câu trắc nghiệm thử trí thông minh và tài ứng xử, ông nhận thấy những người già hơn những người trẻ về khả năng đọc hiểu, giầu ngữ vựng. Trong một câu trắc nghiệm về đánh đồng những con số và một chuỗi những biểu tượng, cả hai nhóm đều làm được nhưng nhóm trẻ làm nhanh hơn. Nhóm già chậm vì phải tốn nhiều thời gian hơn khi mở những ngăn kéo của trí nhớ để tìm một chữ, một cái tên hay một ngày tháng nào đó.

Chậm chạp nhiều hay ít tùy thuộc vào tuổi tác, dĩ nhiên, nhưng cũng do sức khỏe tinh thần của chúng ta. Bà bác tôi, hiện sống ở Saigon, chỉ thiếu có 3 năm nữa là đầy trăm tuổi. Vậy mà trí nhớ vẫn minh mẫn lạ thường. Bộ nhớ của bà hết xẩy! Bà vẫn nhớ vanh vách ngày sinh tháng đẻ của gần hết người trong họ hàng gần xa. Những sự kiện xẩy ra trong quá khứ vẫn được bà kể lại từng chi tiết lại còn phụ họa thêm ngày tháng chính xác như thường. Những người trẻ hơn bà, thua xa! Phải chăng, như bộ máy của chiếc Mercedes, bà chịu khó châm dầu nhớt đều đều? Dầu nhớt đó là gì? Ăn uống kiêng cữ? Thể dục? Chơi ô chữ?

Tới tuổi lão là chúng ta hay quên. Đang nói chuyện ngon trớn, bỗng khựng lại, quên bẵng hẳn một cái tên rất quen thuộc rõ ràng mới nhớ đây. Phải nghiệm một hồi, cầu viện tới những liên tưởng, trí óc chúng ta mới bật ra được cái tên đó, một cách muộn màng. “Tôi vừa định nói với anh cái gì mà tự nhiên quên hẳn mất!” Đó là câu than thở quen thuộc của các... quên sĩ. Cái quên nó như một bàn tay ma, dí vào một cái là làm trắng xóa đầu óc. Thua! Kinh nghiệm đau thương này, cứ nhai được cơm hơn nửa thế kỷ, hầu như mọi người đều có, tuy nhiều ít khác nhau. Nó là chứng cớ đáng ghét của việc sa sút trí nhớ. Muốn khỏi sa sút, cần luyện tập. Tôi có cách luyện tập riêng, chẳng khó khăn gì, chắc nhiều người cũng đã làm như vậy. Mỗi khi ngồi rảnh rỗi, tôi cố nhớ lại những sự kiện xảy ra trong quá khứ, càng xa càng tốt. Chẳng hạn như ngày này tuần trước mình làm gì, ngày này tháng trước mình có chuyện gì, khoảng thời gian này năm ngoái mình đang ở đâu? Việc này xẩy ra trước hay sau việc kia? Sinh nhật năm ngoái tổ chức ở đâu, có những ai tham dự, ăn món gì? Lối “thể dục” này bắt óc não làm việc, tạo được một trí nhớ tốt.

Kém trí nhớ, vô cùng phiền hà. Cứ hở với hả làm con cháu phát chán! Mất trí nhớ đúng là một cái tội. Nó... Alzheimer’s! Bệnh Alzheimer’s chuyên chơi những người già. Càng già càng Alzheimer’s dữ! Tại Canada, theo tuổi tác, số người mắc bệnh tăng theo cấp số cộng cho mỗi 5 năm tuổi. Tuổi 60, 1%; 65, 2%; 70, 4%; 75, 8%; 80, 16%; 85, 32%; 90, 64%! Nói cho cụ thể thì tới tuổi 90, cứ 3 cụ thì có 2 cụ chơi với anh Alzheimer’s! Vậy mà ở Canada hiện nay có hơn 4 ngàn cụ trên trăm tuổi. Những tiến bộ về y học sẽ đẩy con số các... Bành Tổ này tăng lên nữa trong tương lai. Người ta ước lượng 15 năm nữa, con số các cụ trăm tuổi sẽ tăng gấp đôi!

Alzheimer’s, “chân dung” hắn ra sao? Aglia Zavliaris có một bà mẹ rất mê shopping. Cửa hàng nào tọa lạc tại chỗ nào, cụ chẳng bao giờ quên. Bước chân vào một shopping center, cần tới tiệm nào, cụ tới cái một, chẳng cần bản đồ bản điếc gì cả. Rồi có một ngày, Aglia nhận thấy ở mẹ có những điều hơi lạ trong cách cư xử, khả năng ứng phó, khả năng hồi nhớ. Nhưng Anglia nghĩ rằng chẳng có gì quan trọng. Già cả, ai cũng vậy! Một buổi tối ngồi coi TV ở nhà, trên màn ảnh là một phim quen thuộc cụ đã coi đi coi lại nhiều lần. Tới một cảnh đánh nhau, cụ bỗng sợ một cách lạ lùng, sợ đến chết được. Rồi dần dần những con số, thời gian, ngày tháng ra khỏi trí nhớ của cụ. Cho tới một ngày, cụ ra mua đồ ở một tiệm tạp hóa gần nhà, cụ bỗng quên đường về! Gia đình đưa cụ đi bệnh viện, thay nhau săn sóc, nhưng cụ càng ngày càng quên dữ. Cho tới ngày cụ quên không nhớ... đi. Đành phải gửi cụ vào nhà săn sóc đặc biệt. Cụ mất vào năm 1997.

Mẹ tôi mất vào đúng ngày lễ Giáng Sinh năm 2002. Cũng Alzheimer’s! Năm 1995, sau mười năm xa nhà, tôi trở về. Mẹ tôi rạng rỡ nắm lấy tay tôi giọng lạc đi. Thằng S. nó về thật đây này! Mười năm trước, tôi ra đi, không bao giờ nghĩ là lại có ngày trở về thăm gia đình được. Ngày tôi đi, mẹ tôi trốn vào trong phòng, không dám nhìn tôi dắt díu vợ con rời khỏi nhà. Bà là người cả nghĩ. Con cái từng đứa cứ rời bà ra đi tìm đất sống. Bà vẫn thường nói: đó là do cái chế độ đang cai trị đất nước đẩy chúng ra đi. Đi được đứa nào, mừng cho đứa đó. Nhưng trong thâm tâm, bà vẫn luôn luôn mang lòng oán hận chế độ. Thời buổi nhố nhăng làm gia đình tan tác! Bà nuốt nỗi buồn vào trong. Những ngày tôi trở về, quanh quẩn bên bà, mẹ tôi hay kể chuyện đời xưa. Có những chuyện bà kể đi kể lại mà lúc nào cũng tưởng như đang kể lần đầu. Có những chuyện bà lẫn chi tiết từ chuyện này qua chuyện khác. Bà đã lẫn! Cũng tròm trèm tám chục tuổi rồi! Đối với người già, lẫn lộn là chuyện thường. Tôi ra đi lại.

Sáu năm sau, tôi trở về lần thứ hai. Lần này thấy rõ ràng bà bị Alzheimer’s. Cách xử sự, lối nói chuyện của bà vẫn như có vẻ tỉnh táo. Tôi mang về những sấp vải may áo dài có màu sắc nhu mì và những nét vẽ đơn sơ, thứ mà từ xưa tới giờ bà vẫn thích, bà hớn hở ôm vào lòng. Khi tôi đưa bà một tấm áo len màu hơi tươi, bà không thích, trả lại, nhất định không lấy. Đưa cho bà bao nhiêu kẹo chocolat, bà cười vui vơ hết. Bà vốn thích loại kẹo này. Có điều, biết là có người thân từ ngoại quốc về, biết những món quà này là... hàng ngoại, thứ bà vốn ưa, nhưng bà không nhận ra tôi là ai. Em tôi hỏi, bà chỉ bảo thấy quen quen! Trong những ngày gần bà, tôi cố nhắc lại những chuyện xưa, nhấn mạnh tới những chi tiết bà thích, bà vui vẻ bắt chuyện. Tôi gợi lại những kỷ niệm cũ giữa hai mẹ con mong dắt được bà tới chỗ nhận ra tôi là con. Vậy mà vô ích. Có điều là khi tôi đi chơi bao giờ bà cũng ra đứng ở cửa như có ý chờ tôi về. Khi tôi về, bà mừng. Tôi nghĩ là trong một góc ký ức nào đó, bà vẫn biết tôi là người thân, rất thân thuộc, nhưng quên không biết tôi là ai. Chị tôi, em tôi, các cháu tôi, những người quanh quẩn bên bà hàng ngày thì bà vẫn biết. Bà cô tôi, thường hay chơi bài với bà ngày trước, dù ở mãi tận Ban Mê Thuột, thỉnh thoảng mới về thăm bà, bà cũng vẫn biết. Thấy tình cảnh như vậy, bà cô tôi đã thử làm một cuộc trắc nghiệm. Bà kéo tôi lại ngồi gần, hỏi mẹ tôi:

“Chị có biết thằng S. không?”
“Biết chứ sao không?”
“Thằng S. bây giờ ở đâu?”
“Nó ở bên Mỹ!”
“Thằng S. con ai chị có nhớ không?”
“ Con tôi chứ con ai!”

Bà cô tôi, chỉ vào tôi.

“Thằng S. nó đây này.”

Mẹ tôi, mặt rầu rầu, buông một câu:

“Cô này chỉ nói giỡn!”

Tôi ở trong nhà, đi ra đi vào, bà cứ nhìn theo. Đôi lúc bà nói đùa, như ngày xưa bà vẫn thường hay khôi hài. Cái ông này cứ ở đây hoài! “Cái ông này” là ai, bà không biết. Ngày lại phải ra đi, tôi nói với bà.

“Tối nay con phải đi rồi mẹ ạ.”
“Ông đi đâu?”
“Con về lại Mỹ.”

Bà cười vang lên.

“Mỹ nào nó thèm lấy ông mà về!”

Có lẽ, trong đầu óc bà, vẫn là thời gian ngày xưa. Đi Mỹ, chỉ có những người lấy chồng Mỹ! Đúng một năm sau, tôi trở về lại, để ôm tấm hình bà dẫn đầu đám tang!

Ở Canada có 238 ngàn người bị Alzheimer’s. Mỗi năm chính phủ phải chi ra gần 4 tỷ đô cho căn bệnh này. Người bị Alzheimer’s trải qua từng giai đoạn: nhẹ, trung bình và nặng. Có khi giai đoạn này chồng lên giai đoạn kia. Việc chữa trị không nhắm vào việc chữa dứt căn bệnh mà cố giữ sao cho bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ lâu chừng nào tốt chừng ấy. Những thứ thuốc trị bệnh ngày nay như Aricept, ExelonReminyl, tuy có tác dụng hơi khác nhau, nhưng cùng nhắm vào việc tăng thêm lượng acetycholine trong não. Những nghiên cứu cho biết là thứ hóa chất cần cho trí nhớ này có rất thấp nơi những người bệnh Alzheimer’s. Một thứ thuốc mới, Memantine, giúp giữ glutamate, một hóa chất khác cần cho não, đã được dùng để trị bệnh mất trí nhớ từ nhiều năm nay tại Âu Châu, nay mới được chấp thuận dùng ở Mỹ.  Tuy vậy, Canada vẫn chưa gật đầu công nhận. Memantine giúp làm giảm “tiếng động” trong hệ thống não, xóa đi “sương mù” trong đó. Người ta chưa chắc nó có thay đổi được sự sống còn của các tế bào não không nhưng nó tỏ ra hữu hiệu trong các giai đoạn Alzheimer’s từ trung bình tới nặng. Những loại thuốc này làm người ta tin tưởng hơn vào việc làm giảm được bệnh Alzheimer’s. Những người già, nhờ sự tin tưởng này, đã chịu khó đi khám bệnh thường xuyên hơn. Thường thì bệnh đã nằm vùng từ ba đến năm năm trước khi được phát hiện ra. Sự mù mờ của thời kỳ tiềm ẩn bệnh này làm người chung quanh không hiểu được người bệnh. Hậu quả thật thảm thương. Cách cư xử thay đổi khác thường của người bệnh mà chưa biết là bệnh có khi đã dẫn tới ly dị, xa lánh và làm người bệnh bị trầm cảm. Bà Hilda, một thương gia rất xông xáo, đã nhuốm Alzheimer’s. Bà rất phẫn uất khi bị thu bằng lái xe, một biểu trưng cho sự độc lập của bà. Nhưng điều làm bà đau khổ hơn là không ai hiểu bà. “Tôi ước được biết cách làm sao giải nghĩa cho những người thân và bạn bè của tôi để họ hiểu được là sự mất trí trong những khoảng thời gian ngắn của tôi làm tôi cảm thấy như thế nào. Đừng bảo tôi phải làm thế này thế kia, nhưng hãy cầm lấy tay tôi!”

Quên đi nhớ lại tức cười,
Một con cá lội mấy người buông câu.
(Ca dao)

Đời sống chẳng bao giờ hứa hẹn một sự phẳng lặng. Con người luôn ở trong tư thế trừng mắt nhìn nhau. Tranh dành, xô đẩy, kèn cựa, lừa lọc... Đó là những thực phẩm trần gian! Quên là một cách tạm lách ra khỏi những nhọc nhằn để tìm cho mình một khoảng trời xanh. Nhưng có những điều chẳng thể quên, mà cũng chẳng muốn quên. Những thân phận bềnh bồng ngoài xứ sở có bao giờ nguôi được tấc lòng vọng về cố hương?

ta lạ đất trời, thương cố thổ
trăng buồn đâu thể giữ màu xưa
có khi xót đắng không vì rượu
lòng cứ trầm mê điệu tiễn đưa...
(Hoàng Lộc)

11/2004