Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

ỐM

 

Mùa này, lễ lạc dắt díu nhau: Giáng Sinh, Tết Tây, Tết Ta. Ăn lễ mệt nghỉ. Ăn lễ là một từ ngữ rất chính xác. Lễ nào cũng ăn hết. Ăn đón trước, ăn tiễn sau. Hết tất niên lại tân niên. Ăn mệt nghỉ. Ăn nhà này, ăn nhà kia, ăn nhóm này, ăn nhóm khác, ăn hội này, ăn hội nọ. Tới lúc... mãn ăn, cái đầu mới làm việc. Lo. Ngại bước lên bàn cân, ngại đo vòng eo, ngại nắn cái bụng. Chúng ta đang sống trong một nơi nguy hiểm. Cứ nhóp nhép cái miệng là cân kéo trong người cũng nhấp nhổm theo. Số cân không mời mà tới này đã phá vỡ sự cân đối, thon thả của cơ thể. Muốn thân thể chỗ phồng chỗ xẹp theo ý muốn, phải dậy cái miệng. Chuyện không phải dễ.

Một cậu trai đi học xa nhà, dịp nghỉ lễ tết trở về với cha mẹ. Cậu mở tủ lạnh và nhìn thấy ở mặt sau cánh cửa có dán tấm poster cắt từ một tạp chí có hình một cô gái thân thể tuyệt mỹ. Cậu hỏi mẹ:

“Mẹ ơi, tại sao lại dán bức hình này trong tủ lạnh vậy?”
“Mẹ dán nó để mỗi khi mở tủ lạnh, nhìn thấy bức hình, mẹ sẽ tự chế. Muốn có một thân hình đẹp như cô gái, mẹ sẽ tự bắt mình kiêng khem để có được một thân hình đẹp như vậy.”

Cậu con trai hiểu ra:

“Mẹ làm như vậy có hiệu quả gì không hả mẹ?”
“Cũng có mà cũng không! Mẹ thì giảm được năm ký, còn bố con thì tăng hai chục ký!”

Đúng như suy nghĩ của bà mẹ, dinh dưỡng là phương cách chính yếu để tránh lên cân. Nhưng nó cũng là cách khó thi hành nhất. Miệng là một trong hai cơ quan hư nhất của con người. Ở đây chúng ta đang nói về cái miệng và chỉ nên nói về cái miệng. Mà cái miệng, giữ được cho nó khỏi hư, nhất là trong dịp... ăn lễ này, không phải dễ. Chúng ta có khuynh hướng tặc lưỡi, ăn cái đã, những cái khác hạ hồi phân giải. Muốn cho cái miệng đi vào kỷ luật, cần phải mời anh lý trí tới làm cảnh sát. Mà lý trí lại thường bỏ đi chơi trong các dịp lễ lậy. Thời buổi máy móc, không nhờ vả gì vào được anh lý trí, người ta trông cậy vào máy. Giới khoa học đang trên đường hoàn thành một chiếc máy giảm sự thèm ăn. Đó là một dụng cụ nhỏ có thể đặt vào phía trong da bụng được gọi bằng tên tắt là IGS. Máy có hai dây điện gửi tín hiệu tới bao tử với tốc độ đều đặn. Nhịp điệu tín hiệu kích thích sự tiết dịch thèm ăn và tạo cảm giác đầy bao tử. Tín hiệu này được báo lên não cho não biết là bao tử đã đầy, chẳng nên thèm ăn nữa.

Nhưng hạn chế dinh dưỡng chỉ là một phương cách thụ động, vận động mới là phương cách chủ động. Lên xe xuống ngựa, lười đi lười chạy là đặc tính của con người ngày nay. Chúng ta ngại từng cử động. Như ngồi xem TV chẳng hạn, nhúc nhích cái tay để nhón đồ ăn bỏ vào miệng thì được, nhưng  phải cất công bước tới cái TV để đổi đài hoặc điều chỉnh âm thanh thì ngại quá đi. Cứ ngồi chễm chệ bấm cái remote control xem ra dễ chịu hơn nhiều! Bước ra tới cửa là leo lên xe. Đi bộ một chút, ngại! Một cuộc nghiên cứu trên 11 ngàn người tại Atlanta mới đây cho thấy là những người ở trong khu thị tứ gần chợ búa ít bị lên cân hơn những người ở trong những vùng không có sẵn những cơ sở thương mại. Lý do là gần chợ búa, người ta thường đi bộ ra chợ, còn ở xa người ta thường dùng xe để đi mua bán. Cuộc nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí American Journal of Preventive Medicine còn cho biết thêm là mỗi giờ ngồi trên xe hơi làm con người dễ mập phì hơn 6% và mỗi nửa dặm đi bộ mỗi ngày đã làm giảm bớt ký khoảng 5%.

Tại sao cân kéo lại kéo nhau lên? Đó là tùy thuộc vào sự đốt calories trong thân thể con người. Số calories càng được đốt nhiều thì càng giảm được nhiều nguy cơ lên cân. Bình thường khi chúng ta duy trì những hoạt động căn  bản như thở hay giữ cho nhịp tim đập chúng ta đã đốt đi được một số calories. Nhưng muốn đốt calories cho ngon lành, không gì bằng vận động cơ thể. Mà loại vận động nặng ký như thể dục thể thao là mau chóng có kết quả nhất. Nhưng ngay cả những cử động... phù phiếm cũng không phải là không mang lại lợi ích. Chẳng hạn như có những người luôn luôn nhúc nhích lúc nào cũng loay hoay như rung đùi, nhịp chân, nhảy nhót, ra bộ điệu theo nhịp hát hoặc ngồi mà người không yên. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con nhúc nhích không yên như thế lại mắng và bắt chúng ngồi yên. Như vậy là... phản vận động! Sai! Vì chính những cử chỉ làm xàm đó đã đốt bớt calories trong người chúng. Cách đây bốn năm, những nhà nghiên cứu trong Mayo Clinic đã thử làm một thí nghiệm với 16 người tình nguyện. Những người này được cho ăn những thực phẩm chứa khoảng 1000 calories mỗi ngày và họ được yêu cầu không tập thể dục. Sau 8 tuần lễ, trung bình mỗi người lên 10 pounds nhưng cũng có những người không lên pound nào cả. Vì răng? Những người hay năng động suốt ngày, cử động lung tung là những người không lên cân. Chính những cử động làm xàm của họ giúp họ đốt bớt số calories trong người, có người chỉ nhờ quay cuồng khơi khơi như vậy mà cũng đốt được 600 calories mỗi ngày!

Vận động khơi khơi như vậy đã tốt thì vận động có bài bản, liên tục như tập thể dục dĩ nhiên sẽ tốt hơn. Một phụ nữ trên 20 tuổi trung bình mất 5 pounds bắp thịt trong thời gian 10 năm. Hậu quả của việc hao hụt bắp thịt là việc tăng 15 pounds mỡ trong người. Muốn tránh sự tích tụ mỡ trong thân thể cần phải giữ và làm gia tăng trọng lượng của bắp thịt bằng cách tập thể dục để luyện bắp thịt. Trung bình cứ một pound bắp thịt có được sẽ có thể đốt cháy từ 35 đến 45 calories mỗi ngày. Như vậy cứ khoảng 18 ngày thì giảm được một pound mỡ, một năm giảm được 20 pounds. Trong một cuộc thí nghiệm tại Đại Học Missouri, Columbia, các tham dự viên phải chạy mỗi ngày một tiếng và chỉ hai ngày sau cơ thể họ đã đốt thêm được 15 calories mỗi ngày.

Ăn uống điều độ, có kiêng khem là tốt, nhưng kiêng đến mức nhịn ăn sáng để mong giảm cân lại là một sự sai lầm. Sao vậy? Bởi vì khi ngủ nhịp sinh hóa của chúng ta chậm lại, khi thức dậy, nếu không ăn thì cơ thể sẽ lâm vào trạng thái ù lì. Nó sẽ có khuynh hướng giữ chất béo lại để sử dụng về sau. Nếu chúng ta bỏ ăn sáng thì nhịp sinh hóa lại càng chậm hơn nữa, nghĩa là số calories bị đốt cháy sẽ ít hơn. Nhưng ăn sáng chỉ nên ăn nhẹ, giản dị để giúp chúng ta có thêm năng lượng thôi. Đừng cố ăn cho nhiều.

Ăn cay cũng là một cách đốt calories nhanh hơn. Dân Việt gốc... ớt chắc sẽ vỗ tay nhiệt tình cho khám phá này. Trong ớt có chất capsaicin giúp đẩy mạnh việc tiết ra hormones căng thẳng (stress hormones), giống như adrenaline và làm tăng sự sinh hóa. Tại Nhật Bản, người ta cũng đã nghiên cứu và thấy những người hay cho thêm ớt đỏ vào thức ăn thường có lượng calories bị đốt nhiều hơn là những người không ăn cay. Dĩ nhiên là việc gì cũng có giới hạn. Tưởng ớt tốt mà lua tới bỏng miệng thì chỉ khổ cho cái bụng và làm nhọc mệt cái toa lét! Uống trà xanh cũng giúp cho cơ thể đốt được nhiều calories vì trà xanh sinh nhiệt.

Thuốc giảm mập, có chăng? Có, nhưng không phải cho mọi người. Thường thì chỉ những người bị phì mập mới dùng thuốc. Mức mập phì được đo bằng chỉ số khối cơ thể BMI. Thuốc chỉ được dùng cho những người có chỉ số BMI từ 30 trở lên hoặc có mức BMI từ 27 trở lên đi kèm với một căn bệnh có họ hàng với mập phì như tiểu đường hoặc cao huyết áp. Có hai loại thuốc thông dụng trên thị trường hiện nay: MeridiaXenical. Meridia tác động lên não theo cách của nhiều thuốc chống trầm cảm. Thuốc này tạo ra cho chúng ta cảm giác kiềm chế được bản năng thèm ăn của mình. Đây là loại thuốc lý tưởng cho những người lúc nào cũng cảm thấy đói và chỉ nghĩ đến việc ăn uống. Xenical có tác dụng ngăn cản sự hấp thu của 1/3 trọng lượng chất béo ăn vào. Số lượng chất béo không được hấp thu này sẽ bị tống xuất theo phân ra ngoài và gây ra những tác dụng phụ về đường tiêu hóa. Ngoài hai thứ thuốc thông dụng trên, thị trường Bắc Mỹ còn có Dexatrim, Metabolife  và Stacker 2. Đa số các thứ thuốc này kích thích hệ thần kinh trung ương khiến mất đi cảm giác thèm ăn.

Dinh dưỡng, vận động, thể dục, thuốc, còn cách nào khác để trút đi số mỡ dư thừa trong cơ thể không? Một anh thợ máy tên Sylvain Didier ở Longueil, ngoại vi của Montréal, có một trung tâm làm ốm người tên Centre Santé Minceur, đã chế ra một chiếc máy làm ốm tên Slimtronic, được xử dụng trong cơ sở này. Chiếc máy được chạy một luồng điện qua những miếng cao su được dán vào chỗ mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương ví von là cái quạt của các bà. Tháng 3/2003, anh áp dụng máy cho một bà khách hàng. Trong khi đặt máy, tay anh lại... táy máy. Chắc anh là một người ưa du lịch nên lòng vòng hơi kỹ. Bà khách phải hô ngưng anh mới chịu ngưng, vậy mà bà không chịu ngưng việc đưa anh ra tòa về tội  thám hiểm không đúng chỗ. Tòa xử anh có tội và hẹn tới cuối tháng hai năm 2005 sẽ... ra giá cho cái tội có máy không chịu dùng máy mà lại dùng tay!

Tôi cũng mắc cái tật lòng vòng. Đầu muốn viết về ốm mà cứ loanh quanh mãi về mập! Mà vòng quanh cái mập thì biết đi tới bao giờ cho hết đường? Chắc phải nhờ nhà thơ Quan Dương dắt ra khỏi cái mê lộ bộn bề này.

em nằm phơi nắng trên boong
hớ hênh phơi những đường, cong
           Vuông. Tròn
nắng bò ngụp xuống trồi lên
mon men ghì chiếc eo thon tuyệt vời
           Chơi vơi
           Rạo rực.
           Chơi vơi
Phập phồng nắng thở vào nơi chứa tình

Phơi nắng trông cho được phải giã từ sự mỡ màng. Nhưng thân thể bày ra đủ cả một cửa hàng xương, phơi nắng cũng ngại. Xương hay mỡ, miệng lưỡi con người chê tuốt!

Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
Cao chê ngỏng thấp chê lùn;
Béo, chê béo trục béo tròn;
Gầy, chê xương sống, xương sườn phơi ra.

Phải giơ ra bao nhiêu xương mới gọi là ốm? Hơi khó nói. Chúng ta chẳng có một tiêu chuẩn rõ rệt nào về ốm hay mập. Các nhận xét về người khác phần lớn chỉ dựa trên sự cảm nhận mà thôi. Theo sách Nội Tiết của Giáo Sư Mai Thế Trạch ở trong nước thì tình trạng ốm xảy ra khi lượng mỡ dự trữ của cơ thể quá ít, đó chính là sự thiếu cân so với chiều cao của cơ thể, tức là khi cân nặng của người bệnh thấp hơn 15% số cân nặng lý tưởng. Mà số cân nặng lý tưởng này cũng rất khác nhau tùy theo tiêu chuẩn của mỗi quốc gia và từng chủng tộc. Như vậy, lại phải dùng tới chỉ số quốc tế BMI để nói chuyện. Muốn có chỉ số này, người ta lấy sức nặng của cơ thể chia cho bình phương của chiều cao. Nếu chỉ số này dưới 19 đối với nữ và dưới 20 đối với nam thì được liệt vào thành phần ốm.

Nhưng ốm không phải cá mè một lứa đâu. Có thứ ốm vì thể tạng và có thứ ốm vì bệnh.

Ốm vì thể tạng thì chẳng có vấn đề gì cả. Có chăng là có vấn đề về thẩm mỹ! Thân thể khiêm nhường thường không bắt mắt, dễ bị người khác nhìn với vẻ thương hại, dè bỉu. Vì vậy nên những người có tạng người ốm thường có mặc cảm nhỏ nhoi. Vững tinh thần thì chẳng sao, yếu tinh thần thì có thể có ít nhiều rối loạn tâm lý như: hay lo âu, hoang tưởng về bệnh tật, thiếu tự tin trong công việc và cuộc sống.

Tại sao lại... cây sậy như vậy? Di truyền là một yếu tố chủ chốt. Điều chúng ta thường thấy là những người trong một gia đình hay một giòng họ ốm như nhau hoặc ốm truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Một nguyên nhân khác là bị suy dinh dưỡng lúc thơ ấu. Nguyên nhân này rất khó nắm cổ lôi đầu ra vì những người này chẳng có vấn đề gì về tiêu hóa. Thường thường họ còn ăn khỏe hơn những người khác. Các cụ xưa cũng nhận thấy như vậy nên mới phán: gầy là thầy cơm! Ngoài ra, ở những người ốm thể tạng, sự tiêu thụ năng lượng cao hơn bình thường, và khi quan sát các tế bào mỡ  thấy có hiện tượng giảm số lượng tế bào mỡ chứ không phải giảm kích thước của tế bào. Có một điều khá đặc biệt là những người ốm thể tạng thường có tuổi thọ cao hơn người bình thường.

Ốm bệnh lý lại khác. Đó là sự suy giảm khối lượng protide của cơ thể. Có nhiều loại bệnh là thủ phạm của sự thiếu cân lượng này. Bệnh rối loạn tiêu hóa là một. Bệnh này đưa đến tình trạng kém hấp thu của dạ dầy và ruột non. Bệnh về nội tiết  cũng là một nguyên nhân. Chẳng hạn như bệnh tiểu đường không được điều trị hay điều trị không đúng cách. Bệnh về tâm lý cũng là nguyên cớ đưa đến ốm yếu. Như bệnh chán ăn ở trẻ sơ sinh và trẻ em, chán ăn do rối loạn tâm thần, chán ăn ở người cao tuổi, chán ăn vì stress.

Tuổi thơ của tôi có một hình ảnh không bao giờ quên được vì những thân hình gầy guộc, khẳng khiu. Năm 1945, nạn đói năm Ất Dậu hoành hành tại nhiều tỉnh miền Bắc, nhà tôi nằm ngay trên đường dẫn đến trại Giáp Bát, nơi chính quyền thu gom và tập trung những người đói trên các đường phố Hà Nội về. Từng đoàn người nhớp nhúa, ốm trơ xương được giải về trại hàng ngày. Họ đi qua nhà tôi, mùi hôi nồng nặc bốc lên, nhiều người đói quá lết không nổi cũng bị xô đẩy theo đoàn. Một bữa, tôi tò mò đứng trước cửa, miệng gặm một trái bắp luộc, nhìn đoàn người đi qua. Cả trăm cặp mắt nhìn vào trái bắp một cách thèm thuồng. Khi tôi gặm xong, ném chiếc lõi xuống đường, họ xô nhau túi bụi để cướp cái lõi bắp. Người đụng được tới vội bỏ vào miệng, chưa kịp cắn thì đã bị người khác giật mất. Chiếc cùi bắp như một trái banh bị tranh giành qua hết bàn tay khẳng khiu này đến bàn tay khẳng khiu khác. Những người dẫn dắt đám dân đói nhìn tôi giận dữ. Tôi chạy vội vào nhà, khóc inh ỏi vì sợ.

Từ đó, mỗi khi nói tới gầy ốm, tôi chẳng bao giờ xóa được cái hình ảnh hãi hùng riêng của một đại nạn chung của dân tộc. Không vui khi phải nhắc lại nơi đây nhưng biết làm sao mà chôn chặt được ký ức, nhất là những ký ức buồn phiền.

12/2004