Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

TƯỢNG

 

Tôi mê tượng. Đi đâu thấy có tượng là tôi sa đà nhấc chân đi không nổi. Nếu tượng không vừa với túi tiền thì ngắm chán chê tôi đi. Nếu vừa với túi tiền thì tôi thỉnh về. Một lần trở về Đà Lạt, xe du khách đổ tôi xuống Thung Lũng Tình Yêu, một nơi tôi có nhiều kỷ niệm cũ. Tình Yêu bây giờ khác với Tình Yêu xưa nhiều. Nó thu gọn trong một trái tim bằng sắt rỗng ruột, ghé hai cái mặt vào, bấm máy hình, thế là xong. Tình Yêu… dại khờ như vậy không có tôi. Tôi loanh quanh xuống khu bán đồ kỷ niệm. Cơ man nào là tượng. Tượng gỗ có, tượng đá có, tượng thạch cao có, tượng plastic cũng có luôn! Mẫu mã cứ na ná nhau. Toàn một thứ hàng thương mại! To tượng thì to tiền, nhỏ tượng thì nhỏ tiền. Tôi đảo mắt qua từng gian hàng. Để giết thời gian. Bỗng mắt tôi chăm chú vào một tượng Phật nhỏ nằm trong góc của một gian hàng. Cô gái bán hàng bắt được ánh mắt tôi liền. Cô mời. Tôi lặng yên chăm chú ngắm. Rồi tôi hỏi xem bức tượng. Bức tượng trông qua cũng giống như tượng ở các cửa hàng khác. Nhưng nhìn kỹ, tôi thấy cái thần của tượng trên khuôn mặt Phật. Tôi hỏi giá. Cô bán hàng cho một cái giá cao gấp đôi một bức tượng tương tự trong các gian hàng bên. Tôi hỏi tại sao, cô cho biết đây là tượng do người anh của cô tự khắc lấy. Quả có khác. Tôi trả giá. Trả qua trả lại tới khi bị dục lên xe, tôi bỏ đi. Cô bán hàng chẳng thèm gọi lại. Đi được một quãng khá xa, sắp sửa trèo dốc lên trên đường, tôi vội chạy lại, rút tiền ra trả. Tôi biết, nếu không mua được bức tượng này, tôi sẽ không ngủ yên!

Một lần khác, lần này ở Saigon, tôi tới nhà sách Hòa Bình cũ bên hông Nhà Thờ Đức Bà. Nhà sách đã trở thành một cửa hàng bán đồ đạo. Tượng tràn đầy phòng. Tới khu bán tượng gỗ, tôi đảo mắt sơ qua một vòng. Bức tượng Đức Mẹ giữ tôi lại. Tượng chỉ cao cỡ hai gang tay, bằng gỗ mộc, không véc-ni, không sơn siếc chi cả. Khuôn mặt thì cũng được thôi, nhưng chiếc áo choàng mới thu hồn tôi. Cả tượng là một khúc cây còn nguyên vỏ. Người tạc tượng đã dùng cái dáng của miếng vỏ cây như dáng một tà áo bay theo gió. Trên vỏ cây mộc lại có những đường chạy như những nét gấp của áo. Cuối vạt áo là những đường bẻ gẫy tự nhiên khiến mép áo có đường lồi ra lõm vào như một tà áo no gió. Cái khéo và thông minh của nghệ nhân là đã lợi dụng được nét đẹp của cây để biến thành nét tự nhiên của tượng. Tôi cầm tượng tới quầy tính tiền mà chẳng cần biết giá. Cái giá họ tính quá rẻ. Tôi thấy mình mang tội bất công nếu chỉ trả theo cái giá đó. Tôi hỏi lai lịch bức tượng và được biết do người ta gửi bán. Tôi ngỏ ý muốn gửi thêm tiền cho người khắc tượng, họ không nhận vì qua nhiều trung gian rất bất tiện. Tôi ôm tượng về mà nghĩ rằng mình… trúng số!

Thuở còn là sinh viên, tôi mê bức tượng The Thinker của Rodin. Mê lắm. Tôi chỉ được nhìn tượng trong một tờ báo nghệ thuật của Mỹ cũng đã mê rồi. Sang bên đây, tượng The Thinker giả thiếu giống chi. Nhưng tôi không mua mặc dù giá rẻ rề. Giả có khác thật. Khi có dịp tới Bảo Tàng Viện Louvre ở Paris, tôi đứng sắp hàng mua vé vào chỉ với mục đích một lần diện kiến Người Suy Tưởng thực thụ. Vậy mà vì hàng người quá dài và thời gian lưu lại Kinh Đô Ánh Sáng không nhiều, tôi đành phải bỏ The Thinker một mình đi lang thang qua nhiều nơi chốn đã nằm trong tim tôi từ những ngày thanh niên. Tôi tới vườn Luxembourg. Trời nắng nhạt. Vườn thưa người vào giấc trưa của một ngày trong tuần. Tôi ngồi trên một chiếc ghế gỗ ngắm những pho tượng trắng in hình trên những tàng cây xanh. Trưa đó tôi no tượng đến quên ăn!

Paris là thành phố của tượng. Nhà thơ Đỗ Khiêm cũng đồng ý như vậy trong cuốn Ký Sự Đi Tây: “Paris lắm tượng, ai chẳng biết, từ những tượng hiền lành bờ vai trắng có lá vàng rơi vườn Lục Xâm đến tượng đàn bà tròn trịa nằm hớ hênh trên cỏ mướt vườn Tuileries nhưng không có tượng Robespierre.” Robespierre là ông nào, tôi chỉ biết lơ mơ mà cũng chẳng buồn tìm hiểu. Nhưng ông thần Apollo mặc có mỗi cái lá nho thì tôi biết. Không biết ông này còn khuya mới có bồ bịch! Tượng Apollo là một bức tượng đẹp. Đẹp đến ông Bùi Giáng cũng phải tỉ tê.

Ông là rất mực đàn ông
Nếp nền vi diệu chơn không vi huyền
Ông từ Hy Lạp uyên nguyên
Thần công thái thậm uy quyền thái sơ
Ông từ bờ cõi bơ vơ
Trút về gò đống tóc tơ địa cầu
Một con mái đậu bồ câu
Một con gái một hương màu một con
Đăm chiêu con mắt trông mòn
Nghìn xa vẳng gọi vuông tròn đầy tay.

Tượng là đẹp. Chẳng thế mà các nhà văn, nhà thơ khi nói tới vẻ đẹp chỉ cần hạ bút “đẹp như tượng” là độc giả biết ngay là đẹp! Thí dụ như nhà văn Vũ Quỳnh Hương viết trong truyện Miền Vĩnh Phúc: “Dáng nó nhỏ nhẹ buồn buồn, mái tóc vàng không cuốn chải thả hết về sau lưng, khuôn mặt nhìn nghiêng đẹp như một pho tượng trắng.” Đẹp nhưng tùy theo tâm trạng người ngắm, tượng buồn vui với người. Buồn cũng có thể đứng bất động như tượng được chứ!
Thân bị giam giữ trong cái gọi là trại Cải Tạo, sức nào mà không buồn.

Ở đây có phố sương mù
Có người như tượng đứng thu bóng chiều
Ở đây có núi đìu hiu
Đá mòn mỏi thở nhịp theo hơi nguồn.
(Trịnh Cung)

Người như tượng nhưng tượng cũng có thể như người. Chuyện bức tượng Tiếc Thương nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa xuống đường tha thẩn như người là một câu chuyện khá thương tâm. Chuyện tượng của nhà văn Y Uyên tình tiết hơn. Nhà văn Y Uyên đã bỏ mình trong một trận phục kích, bên dòng suối, dưới chân núi Tà Lơn, Phan Thiết từ ngày còn rất trẻ, chỉ mới 26 tuổi. Vậy mà anh cũng đã để kịp cho đời được 6 tập truyện và một truyện dài. Sau khi anh mất, bạn bè đã hợp sức nhau lại làm cho anh một bức tượng bán thân bằng đồng cao lớn bằng người thật, nặng khoảng 50 kí. Tượng được điêu khắc gia Đỗ Toàn thực hiện ở Quy Nhơn. Nhà thơ Mang Viên Long mang bức tượng này về Tuy Hòa chờ ngày mang vào Saigon đặt nơi mộ nhà văn Y Uyên ở Nghĩa Trang Gò Vấp. “Tôi đặt tượng Y Uyên trong phòng trọ của tôi mấy hôm. Đêm thứ hai, tôi ngủ mơ bỗng thấy Y Uyên về, cười nói, chuyện trò như ngày nào. Tuy vậy, trông nét mặt và dáng vẻ có đượm nét buồn. Đêm thứ  ba, gặp lại Y Uyên. Tôi hơi lo. Và cũng hơi sợ, vì tôi sống riêng một mình trong căn phòng vắng vẻ nằm sâu trong một con hẻm. Tôi mua một  thước vải vuông màu đỏ, phủ lên bức tượng.”

Năm 1984, gần 15 năm sau ngày Y Uyên mất, nhà thơ Mang Viên Long mới có dịp trở lại Xóm Mới thăm gia đình Y Uyên. Bức tượng đã được đặt sau vườn nhà. Chuyến đi của bức tượng từ mộ phần về với gia đình cũng là một chuyến đi… tâm linh. “Chú Vượng đặt một bàn tay nơi lỗ tai bị cưa đứt của bức tượng, kể cho tôi nghe lại đầu đuôi của câu chuyện mà chú cho là “rất kỳ lạ”. Sau 75, một đêm ông cụ nằm mơ thấy Uy (tên thật của Y Uyên) trở về bảo hãy mang anh về nhà, anh đang bị lạnh lẽo, buồn bã. Sáng ra ông cụ nói chuyện với cả nhà, vì lâu nay ông cụ ít khi thấy lại Uy. Đêm sau cũng lại thấy anh về. Chiều hôm ấy một người bạn quen với Uy lúc xưa đến báo cho gia đình biết, trong lúc dắt xe đi bán giò chéo quảy, tạt qua trụ sở Công an phường thì thấy bức tượng đồng Y Uyên đang “ nằm” ở đó. Anh cho biết trong buổi đi tuần tra công an đã bắt được một người vác bao tải khả nghi. Kiểm soát bắt gặp tượng đồng chưa rõ của ai. Kẻ trộm khai đã cưa mất một bên tai để xem thử  có phải là đồng thật hay không. Và mờ sáng hôm ấy đã đục bệ để lấy đem đi bán đồng vụn. Được tin, gia đình đến trụ sở công an phường viết giấy báo cáo và xin nhận lại bức tượng mang về đặt bên cạnh bàn thờ của Y Uyên như hôm nay.” (Thư Quán Bản Thảo, tập 18, tháng 2 năm 2005).

Tượng linh thiêng dẫn tới tượng thờ phượng. Thường thì tượng thờ không đi đôi với tượng mỹ thuật mà lại còn có xu hướng thủ cựu. Nhưng tượng trong nhà thờ kính Crystal Cathedral ở Garden Grove thì lại khác. Mỗi bức tượng là một công trình nghệ thuật dễ cho tín đồ hòa nhập vào không khí thánh thiện hơn. Còn tượng ở phần lớn những nơi thờ phượng là tượng… thờ. Tượng để tín đồ cầu xin hơn là ngắm nghía. Mà nếu có ngắm thì cũng là ngắm bằng con mắt sùng mộ hơn là con mắt nghệ thuật. Lòng sùng mộ hình như tăng theo kích thước của tượng. Tượng càng lớn càng dễ làm người ta kính sợ hơn. Trước kích thước của tượng con người dễ bị dìm xuống cảm thấy mình nhỏ nhoi thấp hèn hơn. Tại Thiền Viện Vạn Hạnh ở Đà Lạt, một bức tượng Thích Ca cao 24 thước, đài sen có đường kính 20 thước vừa được khánh thành vào ngày 18 tháng 3 vừa qua. Tượng được đặt trên một ngọn đồi và là bức tượng Phật lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Bước chân vào một nơi thờ phượng, chúng ta cứ hoa cả mắt. Tượng lớn tượng nhỏ được bày la liệt khắp nơi khắp chỗ. Có nhiều tượng thánh chúng ta không thể biết được hết. Chúa thì mỗi tượng một tư thế: Chúa chịu chết, Chúa phục sinh, Chúa lên trời, Chúa làm vua, Chúa hài đồng, Chúa Ba Ngôi… Đức Mẹ thì cũng Mẹ lên trời, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ Chúa Hài Đồng, Mẹ La Vang, Mẹ Lộ Đức, Mẹ Fatima… Phật thì cũng phong phú vô cùng. Trong tài liệu “Giải Thích Về Hệ Thống Tượng Phật Trong Chùa” của tác giả Nguyễn Đức Can, ông đã chỉ rõ : “Ở trong chánh điện thờ Phật, chỉ có cái ý thờ Phật mà thôi, nhưng Phật có tam thân là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân. Cách bài trí các tượng Phật ở chánh điện theo đúng ý nghĩa ấy cho nên ở lớp trên cùng là thờ Pháp thân Phật, tức là thờ thường trụ Phật ở trong vũ trụ. Ở lớp thứ hai thờ Báo thân Phật, tức là thờ Thụ-Dụng trí-tuệ Phật ở cõi cực lạc. Ở lớp thứ ba là thờ Ứng thân Phật, tức là thờ Phật đã hóa hiện ra xác thân ở trần thế. Từ lớp thứ tư trở xuống bày những cảnh quan hệ đến đến lúc sơ sinh của Đức Thích Ca Mâu ni Phật và những tượng của các vị thần khác.”

Tín đồ cần nhìn thấy tượng để được nhắc nhở tới các đấng thần linh chứ các đấng thần linh đâu có cần náu mình vào gỗ đá hay thạch cao để ngự trong lòng chúng sinh. Nhưng nếu chúng sinh chỉ vụ vào tượng, đồng hóa tượng với Đấng Linh Thiêng thì còn chấp lắm. Nhà văn Lâm Chương, trong truyện ngắn Uống Trà Đi , đã cho nhân vật Bi , tu tại một cái am, buông bỏ mọi chấp để chỉ biết tới căn cốt của Đấng Từ Bi. “Tôi đến lần trước, anh Bi đã tu trong cái am này hơn mười bảy năm. Anh nói, mười bảy năm không nghĩa lý gì so với một vòng chín mươi chín ngàn năm mặt trời xoay quanh dãy thiên hà. Con số thời gian dài chóng mặt, trí ngắn con người không đo nổi. Tôi hỏi, sao anh không vào chùa? Anh bảo, Phật ở trong tâm. Tôi tự hỏi, Phật ở trong tâm mà sao tâm địa người đời thể hiện ra toàn là những ác ôn dao búa?... Trong am bài trí đơn sơ gọn gàng. Phía trước thờ Phật. Phía sau, ngăn cách bởi bức vách, kê một chiếc giường nhỏ làm chỗ ngủ. Anh Bi nấu nước pha trà. Tôi thắp nhang lễ Phật. Tượng gỗ thì ngồi đây, mà Phật thì xa muôn trùng. Lòng tôi không nghĩ thấu điều gì xa hơn một đời sống vụn vặt hàng ngày.”

Tượng là tượng. Đồng hóa tượng với Đấng mà con người tạc tượng để thờ nghe ra có điều không ổn. Gỗ đá có thể bị hủy diệt với năm tháng. Trong truyện  “Mọt Tượng” của nhà văn Ngô Nguyên Dũng, sư cụ chùa Mai Sơn, vì chiến tranh đã phải rời chùa cũ về chùa mới. Mối bận tâm không dứt của sư cụ là chưa thỉnh được bức tượng Quan Thế Âm về với mình. Trước khi chạy loạn, sư cụ đã cẩn thận chôn bức tượng bên gốc sứ sau chùa, dưới một tảng đá lớn. Khi tình thế đã tạm yên, sư cụ tuổi già sức yếu không thể về chùa Mai Sơn để thỉnh tượng, đã sai một chú tiểu đi. Đó là một bức tượng nhỏ nhưng sư cụ rất quý. Tượng có một xuất xứ riêng. “Vài năm trước ngày chia đôi đất  nước, lúc tình thế còn hỗn mang, một hôm có anh thanh niên ghé ngang Mai Sơn Tự xin tá túc một khoảng thời gian. Anh ta là thợ mộc, biết đẽo khắc tượng gỗ. Sư cụ không nhờ, nhưng ngày nọ, anh vào rừng vác về một khúc gỗ huỳnh đàn. Thế là suốt buổi anh ta cày cục nâng niu đẽo thành tượng Phật. Trước đó anh ta còn kỹ lưỡng ngâm gỗ trong nước bông sứ. Hỏi để làm gì thì anh bảo, có vậy gỗ mới dẻo dai bền vững với thời gian và lúc nào cũng thoảng hương hoa. Sau vài tuần, anh hoàn tất bức tượng. Sư cụ bảo rằng, chưa thấy tượng Phật nào có thần sắc từ bi nhân ái như thế. Tượng nhỏ thôi, chừng ba gang tay, vậy mà chỉ cần nhìn qua diện mạo, đã thấy cái tâm vô biên vô lượng hiện ra rành rành.”

Chú tiểu Bửu vượt đường xa, trải qua bao gian nan vất vả mới về đến chùa Mai Sơn, đào tượng. “Tiểu Bửu quì gối, tay cầm xẻng con, thận trọng xắn đất. Khí trời thoáng mát mà lưng áo tiểu Bửu rịn ướt mồ hôi. Tự dưng chú nghĩ tới thắc mắc ngây thơ của tiểu Hạnh: “Không biết sư cụ đòi đem bức tượng về làm gì?”Phải rồi, chi vậy? Không phải tất cả hình tượng đều là vọng tưởng sao? Tại sao không “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như kinh Kim Cang đã dạy? Tiểu Bửu còn đang lan man tự hỏi, chợt giật thốn người khi có cảm giác lưỡi xẻng chạm phải vật cứng. Chú nới tay, xới từng lớp mỏng. Mồ hôi chú lăn thành dòng xuống cổ áo. Tiểu Bửu tận dụng thị lực, soi chăm chăm vào hố đất con. Đoán thấy đủ độ sâu, chú vất xẻng, dùng tay không cẩn thận bới quanh vật thể được bọc trong nhiều lớp vải, miệng lâm râm niệm Phật. Chú mọp người, khuân khối vải đặt bên miệng hố, chỗ sáng trăng. Tim chú đập liên hồi. Chú phủi sạch đất cát, run tay tháo vải. Nước mắt chú tuôn ràn rụa khi nhận ra pho tượng vẫn còn bóng ngời chất gỗ quí. Chú lẩy bẩy nâng pho tượng lên, toan áp má vào mặt tượng thì… trời ơi, chú thấy từ lòng tượng rỉ ra từng dòng trắng đục như sữa. Hai mắt tiểu Bửu trợn ngược, miệng lắp bắp không tròn câu:
- Mô… mô… Phật, tượng ớ… mọt ăn!
Rồi chú buông tượng xuống đất, khóc nghẹn!”

03/2005