Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

TRẦM CẢM

 

Viết báo là một cái nghề hồi hộp dễ sợ. Báo ra càng dồn dập, sự hồi hộp càng lên cao. Làm báo ngày là dễ stress nhất. Nhưng làm báo tuần, báo nửa tháng, báo tháng cũng không phải là một con đường... thảnh thơi nằm đâu. Lý do là vì những anh viết lách, dù viết gì, thường là những lực sĩ điền kinh tất cả. Cứ nước tới chân mới nhẩy! Nhẩy toát mồ hôi hột và luôn luôn ngầm hứa hẹn một tương lai nhẩy tiếp. Viết phiếm cũng nằm trong... hội nhẩy. Hạn chót nộp bài đã tới, anh chủ bút mail thúc bài lia lịa mà cứ phải làm ngơ, đúng lúc đến hẹn lại lên mà không lên nổi, nổi da gà lắm chứ. Vậy mà đến chết cũng không bỏ được cái tật đe dọa sẽ ướt át cái đũng quần!

Yêu đương nó cũng hồi hộp chẳng kém. Khởi đầu một cuộc tình nó cũng stress cách gì đâu. Lần đầu tới gặp ông via bà via em, thường là vào dịp tết nhất cho có lý do, cũng bở hơi tai vì khớp.

nhớ hồi xông đất nhà em
hai chân lính quính bước lên thềm nhà
trái tim chỉ chực vọt ra
cái miệng ấp úng như là cà lăm
cái đầu cái óc tối tăm
cũng may nhờ cái hết lòng yêu em
(Luân Hoán)

Những trường hợp cứ bình tĩnh mà run như trên không phải là bệnh. Nó tới đó rồi đi đó. Phiếm mà gõ tới chữ cuối cùng, save vào máy, mail một phát là thấy cái mặt anh chủ bút dễ thương ngay. Báo mà chạy tới nhà in là anh em có thể kéo nhau đi la-de tưng bừng tức khắc. Yêu mà xin được bàn tay người yêu là quýnh quáng đi chỗ khác chơi liền một khi. Dân chì coi những cái căng thẳng kiểu đó là... ba cái chuyện lẻ tẻ. Hồi hộp có cái thú của hồi hộp chứ!

Nhưng có nhiều người mỗi khi gặp những chuyện căng thẳng là... thẳng căng luôn không chống đỡ được. Họ cứ từ từ tiến bước vào một diện khác: diện u sầu. U sầu là một thứ bệnh, còn được gọi là trầm uất hay trầm cảm. Bệnh...rầu rĩ này có nhiều nguyên do. Bị căng thẳng, chịu một cái tang quá buồn, bị cho nghỉ việc, nợ nần nhiều hay bị bứng khỏi quê hương như trường hợp của chúng ta. Có khi bệnh phát do bệnh tật như các bệnh suy tim, bại liệt, bệnh lú, bệnh yếu tuyến giáp trạng chẳng hạn. Lại có khi vì dùng thuốc lâu dài như một vài thứ thuốc trị bệnh cao huyết áp, thuốc bao tử, thuốc ngừa thai... Nhưng cũng có khi do di truyền. Rượu, thuốc lá, ma túy tưởng là để cho quên sầu nhưng thực ra chúng cũng góp phần làm tăng thêm cái sầu. Ngược lại, có những người ăn chay quá độ nên thiếu các chất folate và sinh tố B-12 cũng vướng vào vòng... sầu lụy! Lại còn cái anh trầm cảm mùa đông! Nguyên nhân đích thực của cái anh trầm cảm thời vụ này chưa được biết rõ nhưng theo các nhà nghiên cứu thì có lẽ là do thay đổi ánh sáng mặt trời. Mùa đông, anh mặt trời dở chứng lười biếng chỉ lo ngủ chứ không lo thức dậy sớm đánh thức con người. Con người bỗng... buồn. Vì sao vậy? Về mùa đông, ít ánh mặt trời nên cơ thể tiết ra nhiều chất melatonin. Melatonin là một chất nội tiết do óc sinh ra, mức độ nhiều hay ít thay đổi tùy theo ngày đêm. Có nhiều melatonin thì dễ ngủ nhưng cũng dễ làm cho con người cảm thấy u buồn. Trường hợp bà Luann Hughes là một trường hợp điển hình. Vào mùa đông, bà thay quần áo cho các con đi học vào lúc mặt trời chưa dậy. Bà tắm rửa, ăn sáng, nhâm nhi cà phê xong xuôi mà anh mặt trời vẫn cứ lè phè chưa tới. Tình trạng thiếu ánh sáng làm bà cảm thấy buồn phiền và bực bội với con cái. Thuốc chẳng xua đuổi được anh buồn phiền khiến bà tìm tới bác sĩ chuyên môn. Bác sĩ Michael Terman, Giám Đốc Chương Trình Trầm Cảm Mùa Đông và Viện Tâm Lý Tiểu bang New York, cho biết là dùng liệu pháp ánh sáng giả có thể chữa trị được 80% trường hợp này. Đây là thứ ánh sáng nhân tạo gần giống với ánh sáng mặt trời mà, trong trường hợp bà Hughes, dùng trong nửa tiếng mỗi buổi sáng để dẹp đi cái anh trầm cảm ăn theo mùa này.

Đặc biệt là có khi bệnh phát sinh khi sanh con mà người ta gọi là chứng trầm cảm của sản phụ. Cái “chứng” khó chịu này có khi nhẹ khi nặng. Nhẹ thì sản phụ chỉ cảm thấy vương vấn buồn, tình trạng này có tên thông thường là baby blues. Nặng thì trở thành bệnh thực sự  có cái tên y học là post-partum depression.

Tôi đã gặp một sản phụ thực thụ trầm cảm. Chị sanh con đầu lòng và sau khi sanh thấy chán nản vô cùng. Chán cả chồng lẫn con. Sau vài ngày nghỉ, chồng chị đi làm trở lại, chị cảm thấy như người hụt hơi giữa biển cả. Chị hốt hoảng đến nước chỉ muốn chết. Tôi đã bê trường hợp này vào truyện “Rời Nơi Giấu Mặt” được viết vào cuối năm 2001. “Bây giờ mà trời cho tôi chết chắc tôi vui vẻ ra đi. Cuộc sống này chẳng còn ý nghĩa gì nữa với tôi. Tôi vật vờ như người đang bám hờ vào một bờ vực, có thể tuột tay rơi xuống bất cứ lúc nào. Thở dài chẳng còn giúp tôi đổ đi những chán nản buồn rầu. Tôi muốn lắc mạnh người rũ đi những hơi thở nhọc nhằn của tôi. Tôi chẳng thiết gì cả dù có tất cả, chồng tôi, mẹ tôi, mẹ của Thụy, à quên, còn bé Kim nữa chứ... Thương con thì thương nhưng chán vẫn chán. Nhất là từ khi Thụy đi làm lại sau một tuần nghỉ phép quấn quít bên đứa con ngộ nghĩnh. Ngày Thụy đi tôi thẫn thờ chẳng bắt lại được hồn mình. Tôi ngơ ngơ ngác ngác chẳng biết mình làm gì. Nhìn vào bé Kim tôi như thấy cả một gánh chán nản làm dập tim tôi. Phải tới cuối tuần Thụy mới về. Thời gian như một tên đểu giả. Nó vờn tôi như mèo vờn chuột. Tôi ngoi ngóp từng giờ , từng ngày. Như một xác thân đã mệt lả mà còn phải một mình nổi trôi trên mênh mông biển, bến bờ vẫn chẳng thấy đâu.” Gần bốn năm sau, chị sanh đứa con thứ hai, tình trạng chán nản lại xảy ra. May mắn là lần này chị có kinh nghiệm nên có thể dùng ý chí để thắng con ma u sầu!
Con ma này chân dung nó ra sao? Có hai triệu chứng nổi bật của bệnh trầm cảm. Một là không còn tha thiết đến chuyện gì nữa mà cũng chẳng muốn làm gì cả, mất hết lạc thú trên đời. Danh từ chuyên môn kêu là anhedonia. Triệu chứng thứ hai là tâm trạng rầu rĩ, buồn bã, cảm thấy vô vọng, có khi tự dưng khóc tức tưởi vô cớ. Theo bài bản y khoa thì các bác sĩ để ý tới những triệu chứng sau. Giấc ngủ bị xáo trộn, khi thì ngủ li bì, khi thì mất ngủ hoặc nửa đêm thức giấc rồi không ngủ lại được nữa. Đầu óc lang bang không tập trung tư tưởng được, không quyết định được gì, quên trước quên sau. Cân ký trong người lên xuống vô cớ, có người thấy không muốn ăn, có người lại ăn ào ào như chú Hợi. Tâm trạng phức tạp, có khi đứng ngồi không yên, người bứt rứt khó chịu, có khi ruồi bu chẳng muốn đuổi, tay chân như đá chẳng muốn nhấc lên, nói năng chậm chạp chán mớ đời. Người lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản, nhiều khi cảm thấy mình vô tích sự, chẳng giống con giáp nào, chuyện đánh cờ người cũng biếng nhác chẳng muốn bầy cuộc cờ. Nặng hơn nữa là bị cái chết ám ảnh, thấy cuộc đời đen tối mịt mù, chán đến muốn tự tử cho rồi đời! Trầm cảm còn tác động vào hệ thần kinh tự trị khiến cơ thể như ngứa ngáy, mắt nhìn không rõ, toát mồ hôi đầm đìa, miệng khô khốc, táo bón, tiêu chẩy, nhức đầu, đau lưng...

Ngày nay người ta cho rằng bệnh trầm cảm là do hoàn cảnh ngoại lai tác động vào một con người vốn đã có tạng dễ u sầu làm xáo trộn những chất truyền tín hiệu thần kinh gồm serotonin, norepinephrindopamine. Thuốc trị bệnh vì vậy cứ đánh vào những chất này. Thuốc gồm có ba nhóm. Nhóm thứ nhất chủ yếu làm tăng thêm serotonin trong người gồm Prozac, Paxil, Zoloft, Celexa, Lexapro. Nhóm thứ hai tác dụng vào cả serotoninnorepinephrine bao gồm những thuốc Serzone, Desyrel, Effexor. Nhóm thứ ba ảnh hưởng vào chất dopamine có những loại thuốc có tên thương mại là Zyban hay Wellbutrin. Thuốc này cũng hay được dùng cho những người muốn cai thuốc lá.

Ngoài việc trị liệu bằng thuốc còn có  những cách trị liệu tâm lý. Với cách trị liệu này, người bệnh phải hợp tác bằng cách tin tưỏng và cảm thấy thoải mái với bác sĩ trị liệu cho mình. Thường thì người ta kết hợp cả trị liệu bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Trường hợp bệnh nặng có thể phải trị bằng điện bằng cách cho điện giật. Bệnh nhân được đánh thuốc mê nhẹ rồi được cho một luồng điện chạy rất nhanh qua óc trong vòng từ 1 tới 3 giây đồng hồ. Luồng điện này làm cho bệnh nhân lên cơn giật ngắn, từ 20 đến 90 giây. Chừng 10 phút thì bệnh nhân tỉnh dậy, nghỉ ngơi chừng nửa giờ là xong một xuất chạy điện. Thường là cần chạy từ 6 đến 10 xuất như vậy. Các chuyên gia cho rằng các cơn giật trong chạy điện làm thay đổi lượng các chất truyền tín hiệu thần kinh khiến cho bệnh giảm bớt. Dĩ nhiên cho điện chạy vào người thế nào cũng gây ra những phản ứng phụ. Có người bị hỗn loạn thần trí từ ít phút cho tới vài ba giờ, có người bị mất trí nhớ phần nào trong vài ngày cho tới vài tuần lễ. Vì vậy phương pháp điều trị này chỉ áp dụng cho những người bị trầm cảm nặng, thuốc men không ăn thua gì, hoặc là những người già, người có bệnh tim không dùng được thuốc.

Ngoài những cách trị liệu chính quy trên, người ta còn có những cách trị liệu... ngoài trường ốc khác. Như dùng dược thảo chẳng hạn. Thời Trung Cổ, dân theo đạo Thiên Chúa tin là cây thánh John chế thành dầu bôi vào người trừ được tà ma. Theo tin tưởng thì người ta hái phần ngọn cây và hoa vàng vào ngày lễ thánh John the Baptist 24 tháng 6, rồi chế thành thứ dầu màu đỏ rực được gọi là “Máu Thánh Chúa” để xức vào người. Ngày nay người ta nấu thành nước uống hay lấy tinh chất chế thành dầu hay làm thành viên thuốc uống. Kết quả cho thấy là thứ thuốc “tôn giáo” này có thể chữa được trầm cảm nhẹ.

Cái anh trầm cảm thường khoái giao du với các bà. Số các bà bị trầm cảm nhiều gấp đôi các ông. Tính ra con số thì ở Mỹ có khoảng 6 triệu bà bị u sầu hỏi thăm. Tỉ số người có ý muốn tự tử các bà cũng nhiều hơn các ông nhưng tỉ số những người thực sự tự tử thì các ông lại nhiều hơn các bà. Nam nhi chí vẫn hiên ngang đi tìm cái chết nhiều hơn!

Dù chi đi nữa chúng ta cũng đừng để anh stress tự tung tự tác, nhất là các bà mẹ đang cưu mang bào thai trong bụng. Các khoa học gia vừa khám phá ra là các thai nhi nào đang ở trong bụng các bà mẹ bị stress hay trầm uất sẽ có phản ứng khác với các thai nhi trong bụng các bà mẹ không bị xúc cảm. Khi chào đời các cháu bé này sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc phát triển học hỏi và phát triển hành vi và có thể chính chúng cũng sẽ bị stress hay trầm uất khi trưởng thành. Tiến sĩ Janet DiPiétro thuộc Đại Học John Hopkins khuyên các bà mẹ có thai không nên lo lắng thái quá trong lúc mang thai kẻo có hại cho con. Trong tương lai, việc khám thai cho các sản phụ có thể sẽ có thêm tiết mục khám sức khỏe tinh thần của bà mẹ để các bác sĩ  có thể can thiệp kịp thời nếu sản phụ có triệu chứng bị stress hay trầm uất. Bác sĩ Catherine Monk, Giáo Sư Phụ Tá môn Tâm Thần Học của Đại Học Y Khoa Columbia cho rằng từ trước tới nay người ta không chịu để ý đến sức khỏe tinh thần của thai nhi  để có thể can thiệp sớm hơn. Trong một cuộc khảo sát, người ta nhận thấy rằng các thai nhi của những sản phụ hay bị stress sẽ tăng nhịp đập tim trước các kích thích.  Bác sĩ Monk so sánh phản ứng của các thai nhi giống như phản ứng của nhiều người đang ngồi đợi trong một căn phòng. Bỗng nhiên có người nào đó vô ý xô cửa đánh rầm một cái. Người lớn thì giật nẩy mình, còn thai nhi trong bụng mẹ lãnh đủ một dòng điện kinh hồn do các hormones gây stress tràn tới.

Những nghiên cứu mới đây nhất còn tìm ra được là stress gây tổn hại tới cấp tế bào. Căng thẳng tâm lý có thể làm lão hóa nhiễm sắc thể của phái đẹp tới một thập kỷ. Điều này chúng ta vẫn thường nhận thấy. Con người càng lo lắng, căng thẳng thì càng mau già. Nhưng sự lão hóa này nằm tới tận tế bào thì người ta chưa biết. Theo nghiên cứu do bà Elissa Epel thuộc Đại Học California ở San Francisco cầm đầu nhóm thực hiện thì ở đầu các nhiễm sắc thể có một đoạn ADN gọi là mũ telomere, có nhiệm vụ bảo vệ những phần đầu này và thúc đẩy quá trình ổn định gene. Mỗi lần tế bào phân chia, các telomere lại ngắn đi một chút, vì thế tế bào của con gái có các telomere ngắn hơn của cha mẹ. Tuy nhiên ở những người trẻ tuổi, một enzyme có tên gọi telomerase sẽ chỉnh sửa lại quá trình này, giúp tái sinh phần đầu của nhiễm sắc thể. Song khi họ già đi, các telomere sẽ ngắn đi đáng kể và cuối cùng ngừng tái tạo. Epel và các cộng sự viên đã xem xét các nhiễm sắc thể trong tế bào bạch cầu của 58 bà mẹ, hai phần ba trong số này có con bị ốm kinh niên. Những bà mẹ khác có con khỏe mạnh bình thường nên được suy đoán là ít căng thẳng hơn. Kết quả phân tích cho thấy những bà mẹ căng thẳng nhất là những người có telomere ngắn nhất. Và hiệu ứng này lớn đến mức nó tương đương với từ 9 đến 17 năm tuổi của tế bào!

Theo một cuộc thăm dò của Léger Marketing với 1508 phụ nữ trên 18 tuổi đang đi làm trên khắp Canada thì cứ 5 bà thì có một bà bị stress hoặc trầm cảm. Nhiều nhất là các bà ở độ tuổi từ 35 đến 55, sống ở thành thị hay ngoại ô các thành phố lớn và có con cái. Có 75% các bà cảm thấy sự căng thẳng đã làm giảm chất lượng làm việc. 74% các bà cảm thấy ngán công việc, 59% thấy không hứng thú làm việc và 55% thấy đi làm là một việc khó khăn. Một phần tư cảm thấy những triệu chứng nặng đến nỗi cố thu mình trong sở làm hoặc trốn trong phòng vệ sinh để xa lánh các đồng nghiệp. Và cuối cùng, có 7% đã mất việc làm vì căng thẳng hoặc trầm cảm.

Ngồi tra cứu tài liệu để viết về trầm cảm, tôi cũng muốn lùng bùng cái đầu. Đụng đến chuyện căng thẳng tâm thần hình như con người mình cũng cứ giãn ra, ngón tay gõ trên phím computer nghe như cũng uể oải, văn phiếm nghe ra cũng nặng nề mất tiêu đôi cánh bay bổng nhẹ nhàng. Chỉ mong đánh được cái dấu chấm hết để dồn hết cái u sầu trầm cảm về cho anh chủ bút. Phần anh chủ bút, mặc anh ấy lo. Who cares!

02/2005