Ăn
Chân
Chả & Nem
Chơi
Chôm
Cỏ
Cưới
Đêm
Đổi
Gia vị
Hạc
Hăng
Hoa
Ng...
Nghe
Nhìn
Nhí
Nhức
Ốm
Quà
Quên
Sách
Sanh
Số
Sợ
Sữa
Súng
Ta
Thọ
Thư
Trái
Trầm cảm
Trà
Truồng
Tượng

Về
Vi
Xâm
Xin

 

NHÌN

 

Bia lên ta thấy thân người
Thấy ta thấy địch thấy đời lãng du
Thấy tay dư thấy chân thừa
Thấy tai nghễnh ngãng mắt mù óc không
Một đời phơ phất hình nhân
Thấy còn thấy hết sau cùng thấy đau
Bia lên thấy mẹ u sầu
Giấy bồi tơi tả cúi đầu trong ta
Trời cao ngó xuống thịt da
Bia lên mây cũng vật vờ cỏ xanh
Bia lên tìm chỗ ta nằm
Non cao duỗi cẳng em còn thấy đâu
Hầm bia buồn đến mộ sâu
Nghìn cây nến thắp trên đầu đạn bay.

Những ai đã từng đổ mồ hôi trong quân trường, nếu không trốn giờ thực hành tác xạ, chắc không thể quên được những tấm bia lên. Đó là những hình nhân bằng giấy bồi, được gắn trên một khúc cây dài, được những khóa sinh núp dưới hầm bia giơ lên cho những khóa sinh ghì súng ở phía trên bắn tập. Mỗi lần có tiếng hô “Bia Lên”, những hình nhân được giơ lên ngang tầm súng hứng những viên đạn bay vèo vèo trên không trung. Mỗi vị trí bắn được đánh số tương đồng với số của hình nhân. Bắn xong, cứ đếm lỗ đạn trên hình nhân để tính điểm. Đếm xong, những vết đạn được dán kín lại để toán sau tiếp tục bắn. Khóa sinh trên xạ trường khi nhìn thấy bia lên chỉ nhìn thấy đó là mục tiêu phải nhả đạn tới cho thật chính xác. Nhưng thi sĩ Nguyên Sa, nhìn bia lên, đã thấy được rất nhiều hình ảnh. Đó không phải chỉ là cái nhìn bằng mắt nhưng còn nhìn bằng ký ức, tâm tưởng, tình cảm, suy tư...

Không phải là thi sĩ, không có một tâm hồn thơ, phần lớn chúng ta chỉ nhìn thấy những gì hiển hiện trước mắt. Đó là hình thể, chuyển động, ánh sáng, màu sắc... Cái nhìn bằng mắt như vậy nặng về phần cơ học. Nhưng ánh mắt nhìn lại khác, nó... gửi gấm lắm. Nhìn ánh mắt, người ta nhìn được lòng dạ nhau. Con mắt bỗng có đuôi.

Hai mươi bốn năm sau
Tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc
Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.
(Phan Khôi)

Con mắt sa đà vào lòng dạ có nhiều chuyện đáng nói. Mỗi chúng ta hầu như đều có kinh nghiệm về chuyện này. Hãy giữ riêng những con mắt có đuôi đó cho mình. Cái nhìn tôi muốn... phiếm ở đây, nó chỉ là cái nhìn. Trơ trụi có vậy thôi.

Chỉ nguyên việc nhìn được, đó đã là một hạnh phúc. Chúng ta có được đôi mắt nhìn rõ được thế giới quanh ta, chúng ta cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên, ai cũng vậy. Nhưng nhan nhản quanh chúng ta có thiếu gì người không còn đôi mắt để nhìn. Họ sống trong một thế giới khác, thế giới chỉ có một tấm màn đen. Trong một lần gặp gỡ Đại Úy Giám Đốc trường Khiếm Thị ở Saigon trước đây, ông đã chua xót nói bằng một giọng vừa ngậm ngùi vừa oán than. “Trên đời chỉ có hai hạng người: những người mắt sáng và những người mù!” Nhiều năm sau, khi bị dồn vào cái gọi là trại Cải Tạo Long Thành, tôi thấy lại ông. Ông đã từ Đại Úy leo lên tới Đại Tá nhưng mắt ông vẫn tối thui như cũ. Trong trại, ngày ngày ông cõng một ông Đại Tá khác bị cụt chân tham gia những sinh hoạt trong trại. Một người có mắt, một người có chân, họ dựa vào nhau để sống!

Trong những xã hội chúng ta đang sống, người khiếm thị dựa vào chó. Đó là những con chó đã được huấn luyện để dắt người mù. Những con chó dễ thương này lại không hoàn toàn dựa vào đôi mắt của chúng. Theo một cuộc khảo sát ở Tân Tây Lan thì cứ mười chú khuyển này thì có ít nhất một chú bị cận thị khá nặng. Nếu là người thì chú đã phải sắm một cặp kính trắng, nhưng là chó, không có khả năng đeo kính, chú dựa vào tài đánh hơi và khả năng ngửi của mình để hành hiệp. Hai cái khả năng trời cho này của loài khuyển lại không đủ để “nhìn” thấy một chiếc xe hơi đang phóng tới. Như vậy các nhà nghiên cứu đã ngửi thấy sự nguy hiểm, họ nghĩ ra là một dụng cụ điện tử để dẫn dắt người mù sẽ chắc ăn và đỡ phiền toái hơn nhiều. Những chú khuyển nghĩa hiệp chắc sẽ có ngày phải sắp hàng đi xin trợ cấp thất nghiệp!

Đôi mắt, cái bộ phận để nhìn của chúng ta, thường vẫn được ví von một cách thơ mộng là cái cửa sổ của tâm hồn. Nghe đẹp như vậy mà chúng ta hình như chưa o bế chúng một cách phải phép. Khi con người đạt tới cái tuổi 40 thì mắt đã có thể có vấn đề. Nó lụi đi không còn nhìn được rõ ràng nữa. Nó cần có một anh bạn: cái mục kỉnh. Vậy mà, theo một cuộc thăm dò của hãng Léger Marketing với 755 người Canada trong tháng 8 vừa qua, thì dân Canada ở cái tuổi cần thăm hỏi đôi mắt đã chú trọng tới răng và tóc nhiều hơn. Hớt tóc, săn sóc tóc, xịt thuốc tóc, gel chải tóc thì OK nhưng mắt thì... hạ hồi phân giải. Họ không cần biết là, với tuổi tác, mắt nhìn không rõ nữa là chuyện đương nhiên, chẳng ai tránh được. Cũng vẫn theo cuộc thăm dò trên thì 76% người trên 40 tuổi nhìn không rõ và lên tới tuổi 45 thì 82% công nhận là mắt cặp bờ lời. Vậy mà 27% số người này không thèm đi khám mắt và 24% có đeo kính nhưng là thứ kính làm sẵn bán trong các cửa tiệm tạp hóa!

Tuổi càng cao, cái nhìn càng... lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Không có cặp kính lão dễ gây ra những sự lầm lẫn tai hại. Nhưng không có cặp kính lão nhiều khi lại dễ chịu hơn. Vì cứ lờ mờ mà còn thấy mình dễ thương, lắp cặp kính vào thấy rõ những nét nhăn trên da, những vết thời gian trên người, những chân chim quanh mắt, những đồi mồi trên mặt, những tóc bạc trên đầu, mất vui đi! Đời có được bao lăm, trốn chạy được cái anh thời gian vô duyên lúc nào hay lúc đó. Cứ làm như thời gian bị hóa đá từ lúc anh và em, chúng ta e ấp dắt nhau vào cuộc sống lứa đôi.

Đôi vợ chồng trở lại nhà hàng nơi họ từng hưởng đêm tân hôn 50 năm trước. Ông chồng nhớ lại:

“Mình còn nhớ tiết mục tạp kỹ có thằng cha đập vỡ được ba quả hạt dẻ trong tiệc cưới của chúng mình không?”
“Em nhớ chứ! Quên làm sao được hở mình!”
“Bây giờ vẫn còn tiết mục trình diễn đó, đêm nay mình lại được sống lại cái đêm thần tiên của chúng mình hồi đó.”

Buổi diễn đêm đó, vẫn anh nghệ sĩ cũ trình diễn tiết mục cũ, nhưng hai vợ chồng thấy anh đã thay ba hạt dẻ bằng ba trái dừa. Ông chồng lấy làm ngạc nhiên hỏi:

“Lão nghệ sĩ này! Tôi thấy tiết mục trình diễn của ông đã thay đổi lớn hơn, vượt xa những gì chúng tôi được xem cách đây 50 năm!”

Lão nghệ sĩ gật đầu:

“Cũng đành phải thế thôi, ông bạn. Với tuổi tác, mắt tôi nhìn càng ngày càng kém!”

Mắt kém, mắt đau cứ tìm tới mấy ông bác sĩ chuyên môn về mắt. Y học ngày nay đã tiến rất xa trong tất cả các ngành, trong đó có ngành nhãn khoa. Nhưng đem thiền vào nhãn khoa thì mới chỉ là một thử nghiệm đơn độc. Người mặn mà với công trình độc đáo này là một bác sĩ nhãn khoa Việt Nam, Bác Sĩ Nguyễn Hùng trong tổ hợp United Eye Care. Bác Sĩ Hùng năm nay mới 30 tuổi, là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp cùng một lúc hai văn bằng Tiến Sĩ về Nhãn Khoa và Cao Học Y Tế Công Cộng (Master of Public Health) của Đại Học Nova Southeastern University. Ông cũng đã tốt nghiệp Cử Nhân Sinh Hóa của Đại Học UCLA từ năm 1997.

Do đâu mà vị Bác Sĩ trẻ tuổi này lại nghĩ tới thiền và áp dụng thiền vào ngành chuyên môn của mình? Ngay từ thuở nhỏ, Bác Sĩ Hùng đã có những phút ngồi cầu nguyện do tự nhiên không từ một ảnh hưởng của tôn giáo hay nền giáo dục nào cả. Ông cho đó là một “cơ duyên”. Những phút cầu nguyện này không phải là muốn cầu xin một ơn huệ nào cả mà chỉ là những phút tĩnh tâm cho tâm trí thư thả. Sau những phút tĩnh tâm như thế, ông đều cảm thấy có điều gì như sáng hơn trong trí óc. Sau khi tìm hiểu thêm về Thiền ở Nhật Bản và Ấn Độ để nắm bắt được cái vi diệu của Thiền, ông đã tĩnh tâm đưa sự suy tưởng vào việc chữa trị trong nhãn khoa. Ông nhận thấy sau một thời gian chữa trị cho các bệnh nhân, các bệnh về mắt thường ít nhiều do từ nhãn áp mà ra. Cũng theo Bác Sĩ  Hùng thì trong việc điều trị các bệnh về mắt, người ta chỉ chữa ngọn mà bỏ quên gốc. Ông chú trọng vào việc chữa trị từ gốc. Việc định ra được ảnh hưởng của nhãn áp trên các bệnh về mắt là một điểm mới vì chính nhãn áp là nguyên nhân của những trường hợp bị mù mà người bệnh thường không biết. Đó là sự chết từ từ của mắt. Theo nghiên cứu của ông thì nguyên nhân đưa đến mù lòa do tự nhiên chỉ có khoảng tứ 14% đến 15% do di truyền, một phần do tiểu đường và một phần do hút thuốc, còn hầu hết là do nhãn áp, do những điều hành sinh học không tự nhiên trong mắt khiến thần kinh mắt bị ảnh hưởng tạo nên áp nhãn gây mù.

Ông giải thích là theo nguyên lý âm dương, có đi thì phải có về mới hợp theo lẽ tự nhiên. Vậy mà, trong nhiều bệnh về mắt, nước tiết ra trong mắt thường không trở về đầy đủ khiến ảnh hưởng đến thần kinh mắt trên các phần giác mạc và võng mạc. Từ đó ông tạm kết luận là nhãn áp rất quan trọng và ông nghiên cứu theo hướng này. Ông thấy rõ sự khác biệt giữa những người có tập thiền và những người không tập thiền trong các bệnh về mắt. Sau nhiều trường hợp thử nghiệm bằng cách chỉ dẫn cho bệnh nhân tập thiền, ông thấy kết quả trong việc điều trị rất khả quan. Phương pháp thiền ông tập cho bệnh nhân rất giản dị. Chỉ cần ngồi kiết già, giữ thân cho thẳng, hai tay để thoải mái trên đầu gối, bàn tay ngửa và đôi mắt chỉ mở 1/3 rồi từ từ thở ra hít vô thật sâu. Mỗi nhịp thở là một lần dừng lại đếm. Cứ tập như thế trong khoảng 20 phút mỗi ngày.

Theo vị Bác Sĩ tuổi trẻ tài cao này thì đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về áp dụng thiền trong điều trị nhãn khoa. Tháng 6 năm 2005 tới đây, công trình nghiên cứu của ông sẽ được trình bầy trước Hàn Lâm Viện Nhãn Khoa Hoa Kỳ.

Khi chúng ta nhìn, màu sắc là cái đập vào mắt chúng ta trước tiên. Nhà thiết kế thời trang Lisa Fisher ở Cape Town, Nam Phi cho rằng màu sắc luôn ở quanh ta và là điều thiết yếu của cuộc sống, có ảnh hưởng tới tâm trạng và sức khỏe của mỗi chúng ta từ cơ thể tới đầu óc và tinh thần. Mầu sắc chẳng phải chỉ để nhìn cho vui mắt. Nó quan trọng hơn nhiều. Cũng vẫn theo Lisa Fisher thì mỗi mầu sắc có một sự tác động khác nhau tới hệ chakra. Hệ chakra, nó là cái chi chi? Chakra có nghĩa là vòng quay hoặc cơn xoáy, ám chỉ tới một trong bẩy loại năng lượng mà hệ ý thức và sức mạnh của cơ thể chúng ta được tạo nên. Nó hoạt động như một cái bơm hoặc van đễ điều chỉnh dòng chảy năng lượng trong cơ thể. Khi hệ chakra bị mất cân bằng, nó dẫn tới sự thiếu hoặc thừa năng lượng và ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi năng lượng khỏe mạnh, rộng mở và cân bằng, nó sẽ chảy dễ dàng qua hệ chakra. Khi chúng ta mặc quần áo, chúng ta cần phải hiểu được mỗi mầu có ý nghĩa gì và sử dụng nó thế nào để có thể hồi phục sức khỏe bằng cách cân bằng hệ chakra.

Chúng ta thử lấy một vài ví dụ. Nếu chúng ta cảm thấy thiếu tự tin hoặc mất tinh thần về một buổi họp quan trọng sắp tới chẳng hạn, chúng ta hãy mặc mầu đỏ. Mầu đỏ là mầu đầy sinh lực và mạnh mẽ, mang tới sự quyết đoán và năng động. Dưới mầu đỏ một nấc là mầu hồng, một mầu cũng mạnh mẽ nhưng không nhiều năng lượng như mầu đỏ.

Nếu chúng ta cảm thấy lo lắng trước một cuộc họp thì mầu vàng sẽ loại bớt được sự lo âu. Đó là mầu của ánh nắng và sự sống. Mầu đen là mầu của đất, sự che chở và nữ tính. Mầu trắng đầy tính thuần khiết và thanh tao.

Mầu sắc, như vậy, nó ảnh hưỏng tới tâm trạng của chúng ta. Lựa đúng mầu vào đúng lúc, đúng nơi, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái và an tâm. Mầu sắc cũng ảnh hưởng tới việc yêu đương. Điều này thật ra chẳng mới mẻ gì. Ngay từ thời cổ, các vương triều ở Trung Hoa và Ai Cập đã biết điều này từ khuya. Họ đã biết lựa mầu sắc cho cung điện và nhất là những nơi vua ngự giá tới ban ơn mưa móc cho các cung tần mỹ nữ. Theo sự phân tích của các nhà khoa học  thì mầu sắc ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý và sinh lý của con người. Riêng về tình dục, mầu sắc còn có khả năng làm hưng phấn hay giảm thiểu sự kích thích trong ham muốn và sự hăng hái trong hoạt động tình dục. Mầu xanh tạo sự thanh thản, mát mẻ, nhẹ nhàng, khêu gợi. Mầu đỏ gây kích thích mạnh, tạo sự ấm cúng, hăng say, nhiệt tình, mạnh dạn. Những người hay lơ là trong việc chăn gối nên dùng đèn mầu đỏ trong phòng để tạo thêm hứng thú và hăng say. Các khách sạn tại Hong Kong lại ưa dùng vải sa tanh đen làm khăn trải giường. Mầu đen thực ra không có tác dụng gì nhiều trong việc chăn gối nhưng nó làm cho cơ thể con người nổi lên khiến khoái cảm tăng thêm.

Ánh sáng cũng là một yếu tố quan trọng. Trong một căn phòng tối thui, nhà tranh cũng như nhà gạch, mắt rất ít việc làm. Mà hình ảnh của người tình được ánh sáng soi sáng thường làm tăng thêm kích thích cho việc... đánh cờ. Các nhà tình dục học khuyên các cặp vợ chồng muốn đạt được khoái cảm thực sự trong ái ân nên dùng mầu hồng cho phòng ngủ, khăn trải giường mầu sậm và dùng đèn ngủ mầu đỏ hay mầu hồng. Chẳng nên không nhìn thấy nhau trong bóng tối.

Các nhà giáo dục tại các trường trung học và một số các trường tiểu học tại Montréal đang điên đầu về trò chơi mầu sắc của học sinh. Chúng đua nhau đeo những chiếc vòng nhựa có mầu trên tay. Ngặt một nỗi, những chiếc vòng này là những chiếc vòng biết nói. Chúng nói những điều mà các thầy cô nổi da gà! Khi một học sinh nhìn mầu sắc chiếc vòng trên tay một học sinh khác phái, chúng đọc được ý nghĩa trên mầu sắc chiếc vòng. Mầu cam: một cái hôn. Mầu vàng: một cái ôm. Mầu đỏ: hôn lưỡi. Mầu tím: hôn, nắm tay. Mầu hồng: sẵn sàng. Mầu xanh: dùng mồm miệng. Mầu lá cây: sex bên ngoài. Mầu đen: làm tình! Mầu sắc và cái nhìn đã sa đà vào chốn tối đen. Lối nhìn sống sượng nặng về tình dục trong chốn trường ốc đã lấy đi sự hồn nhiên của lớp tuổi học trò.

Tôi muốn thoát khỏi cái nhìn vướng víu đó để nghía vào một cái nhìn khác. Thơ hơn nhiều!

Em bơi nằm ngửa trong hồ
Nước trong thấy rõ ý đồ của anh
Ngày xưa đi học dốt văn
Nên giờ không biết tả tiên thế nào
Nước ôm hai mảnh xôn xao
Hồn nhiên hôn đại ngay vào chân lông

Anh đưa con mắt trời trồng
Ngó lơ chỗ khác như không thấy gì
(Quan Dương)

01/2005