Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

BUÔNG

Không hiểu có bạn nào còn nhớ tới ca sĩ Bảo Yến không? Cô ca sĩ mới nổi lên vào những ngày chộn rộn trước tháng 4 năm 1975 và đã ở lại Việt Nam tiếp tục hát. Cô lập gia đình với nhạc sĩ Quốc Dũng nhưng cuộc hôn nhân của hai tâm hồn văn nghệ cũng rất…văn nghệ. Tuy có với nhau hai con nhưng hình như cơm không còn lành, canh không còn ngọt. Những cắng đắng của buổi ban đầu  rồi cũng tan đi. Tan để đi tới cái dấu chấm than. Bảo Yến đã buông: “Tôi và anh Dũng đã có một “hợp đồng” thỏa thuận để trả tự do cho nhau. Vì có “hợp đồng” như vậy tôi đã tìm một chỗ dựa tinh thần khác. Ngày xưa tôi ghen lắm! Gần 10 năm trở lại đây, tôi không ghen nữa. Tôi như con chim tự bay, không tự khóa mình trong lồng nữa. Bởi khi mình ở trong lồng mình cũng muốn bắt người ta ở trong đó. Một ngày người ta có thể chỉ ăn một chén cơm nhưng con tim phải có chỗ dựa mới có thể sống. Đặc biệt là người nghệ sĩ, nếu tôi không yêu tôi không thể trình bày hay những khúc tình ca. Và tôi hiểu anh Dũng cũng phải có chỗ dựa khác để yêu đời mà sáng tác”. Biết buông trong cuộc sống tình cảm, Bảo Yến mới ngộ ra là đời sống cũng có những lúc phải buông, chẳng nên khó khăn quá. “Ngày xưa, bước vào đời tôi mang tất cả hy vọng, ước mơ theo mình nên mới bị thất vọng. Khi tôi bươn trải vào cuộc sống quá nhiều, tôi ít có thời gian chăm sóc gia đình khiến chồng lang bạt kỳ hồ và cuộc sống gia đình mất hạnh phúc. Ngày đó, khi hát trên sân khấu, chỉ cần một trục trặc nhỏ như trống chậm, âm thanh lớn... tôi khó chịu ngay. Là nghệ sĩ, dư luận có người thương, người ghét. Có nhiều đánh giá chưa đúng về tôi như nghĩ tôi là người ham tiền, ham chạy sô, ăn mặc hở hang. Cơ quan quản lý lại phạt liên tục. Tôi cảm thấy mình “làm dâu” nhiều người quá, chịu không nổi, tôi đã buông...”.

Tuổi trẻ nói tới buông nghe ra nghịch lý. Đó là cái tuổi được khuyến khích để hùng hục tranh sống với đời. Phải nhanh chân nhanh tay, bắn chậm thì chết! Có nhiều người trẻ đã không chịu được một cuộc sống tranh dành như vậy. Họ buông. Như những hippy đực cũng như cái một thời hoa hoét đầy người chống đối xã hội. Như những người bỏ cuộc sống vụ vào vật chất thường ngày để lên núi, vào rừng sống cuộc đời hòa nhập với thiên nhiên. Như những người bỏ bằng cấp, bỏ chức vụ để chọn cuộc sống lang thang trên đường phố, không nhà không cửa, không vợ không con.

Nhưng tới khi già, tưởng là phài buông mà nhiều người vẫn chưa chịu buông. Lại test bạn hiền. Bạn còn nhớ cô tài tử xi nê Jane Fonda, con gái của tài tử Henry Fonda không? Chắc trong chúng ta ít ai quên được người mà các quân nhân Mỹ gọi là bitch traitor (tên phản bội) đâm sau lưng chiến sĩ vì trong thời chiến tranh cô nàng đã qua Hà Nội vào tháng 7 năm 1972 và làm con rối cho Cộng sản: đội mũ  sắt chụp hình trên giàn súng cao sạ bắn máy bay Mỹ và gặp các tù binh Mỹ tại Hỏa Lò để…tuyên truyền phản chiến! Năm nay “nàng” đã bước vào tuổi 72 nhưng vẫn chưa biết buông là gì. Thời trẻ thì cởi quần áo ra cho thiên hạ chiêm ngưỡng, nay về già, hàng họ đã lỏng lẻo bèo nhèo, vẫn không ngừng yêu. “Có lúc tôi cảm thấy không được khỏe mỗi khi bị một cơn đau kiểu của người già. Nhưng ở tuổi này tôi lại thấy hạnh phúc hơn, “yêu” mãnh liệt hơn…Tôi muốn được như thế này mãi”. Để chứng tỏ sự mãnh liệt, Jane trù tính kết hôn lần thứ tư vào dịp Giáng Sinh vừa qua với nhà sản xuất phim ảnh Richard Perry, 67 tuổi. Hôn lễ sẽ rất…đoàn kết. Hai ông chồng cũ là chính trị gia Tom Hayden và nhà truyền thông Ted Turner dự trù có mặt để “lên xe tiễn em đi”! Ông chồng đầu tiên Roger Vadim không thể tiễn em được vì ông đã ra người thiên cổ từ khuya. Dự trù như vậy nhưng tới phút chót, hôn lễ đã bị hoãn lại vì chàng rể Richard Perry cho là hai người chưa tìm hiểu kỹ và cuộc hôn nhân là quá vội vàng!

Cụ ông Mohammed Bello Abubakar ở miền bắc Nigeria đã 84 tuổi nhưng cũng chẳng vội vàng chi. Cụ cứ nhẩn nha cưới vợ. Tới nay thì số vợ của cụ đã nhiều hơn số tuổi trời cho. Tới 86 bà lận. Cụ cũng bảo là số vợ này là do trời cho chứ sức cụ thì chẳng làm được. “Một người bình thường với chục bà vợ đã có thể suy sụp và ra đi, nhưng tôi được thánh Allah ban sức mạnh. Đó là lý do vì sao tôi có thể điều khiển được hết thảy 86 bà vợ”. Thánh Allah quả là rộng lượng. Luật Hồi giáo cho phép một người đàn ông có thể cưới 4 vợ. Cụ Akubakar nhất định phải biết đếm. Vậy mà cụ đã đếm lộn. Nhưng cụ cãi là cụ không lộn. Cụ lý giải là trong kinh Koran không hề có qui định hình phạt nào cho người lấy hơn 4 vợ. Vậy là cụ vẫn…hồi giáo như thường! Bảo cụ buông thì nhất định là làm khó cụ. Buông một lúc 86 bà vợ thì làm sao mà buông. Bạn tôi có những ông chỉ buông một bồ nhí mà cũng trầy vi tróc vẩy chịu không làm được. Đành…buông! Buông kiểu bắt không được tha làm phúc.

Cụ Nguyễn Công Trứ xưa kia đã luận về chữ tình.

Cái tình là cái chi chi?
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình
Đa tình là dở, đã mắc vào đố gỡ cho ra!
Khéo quấy người một cái tinh ma
Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy!

Trói buộc thì làm sao mà buông. Đây là một màn trói điển hình của giới bạc tóc. Điển hình vì mối tình tay ba là một mô hình cho các ông bà viết văn tha hồ tung hoành. Chuyện xảy ra ở bên Mỹ, không biết ở tiểu bang nào vì tài liệu không thấy nói tới. Ba nhân vật thì chỉ có một người có tên là cụ bà Edith Mitchell năm nay đã 78 tuổi, hai người kia là một cụ ông 72 tuổi và một cụ bà 73 tuổi. Nghĩa là toàn những nhân vật ở vào tuổi có thể buông và nên buông. Vậy mà họ…trói nhau. Bà Edith Mitchell đang ngồi trong xe với người tình là cụ ông 72 tuổi, nhỏ hơn bà 6 tuổi, thì thình lình một cụ bà 73 tuổi, lớn hơn cụ ông 1 tuổi, xông vào xe lôi cụ Mitchell ra và chửi : “Ông này là của tôi! Đồ đàng điếm, cút ra khỏi xe mau!”. Khi bà Mitchell quyết níu lấy người tình thì tình địch của bà đã đấm vào mặt bà mấy cú. Tức khí, cụ bà Mitchell quay về nhà lấy súng để cho nó nói chuyện phải trái với tình địch. Súng nổ, may mà viên đạn đi chệch hướng. Không có ai bị thương tích chi cả. Nhưng ai bắn? Có hai lời khai. Cụ Mitchell thì bảo là bà kia đã giật súng trên tay bà và bóp cò. Cụ bà 73 tuổi thì khai trước cảnh sát là chính cụ Mitchell bóp cò súng. Hai cụ bà đều già, chắc không biết bóp cò sao cho hữu hiệu! Nói có sai đâu! Chính cụ bà Mitchell sau đó đã than thở : “Thực sự tôi quá già với những chuyện như thế này!”. Biết vậy sao không buông?

Ai cũng tưởng già rồi mà còn chi chi với tình là một điều đáng hổ thẹn. Thực ra không phải vậy. Tạo hóa chúa là éo le. Cái chuyện…chi chi đó cứ ban phát lung tung chẳng có hệ thống chi cả. Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung của trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng ở Hà Nội thì nhiều người cứ nghĩ rằng lớn tuổi thì cơ quan sinh dục cũng già theo, cho nên «chuyện ấy» kể như cũng thôi. Nhưng điều này hoàn toàn sai, tình dục là một bản năng của cơ thể. Ở mỗi người chuyện này lại hoàn toàn khác nhau. Có người đến 50 tuổi là tắt dục, có ngưởi tới 80 vẫn còn muốn cưới thêm vợ khác. Có bà mãn kinh là xếp hết mọi chuyện lại nhưng có bà vẫn cứ thèm thuồng…thực phẩm trần gian!

Thèm cỡ bà Anna Jurgela cư ngụ tại thành phố Vilnius ở xứ Lithuania thì thầy chạy! Bà đã 73 tuổi nhưng vẫn thòm thèm kinh khủng. Mà thèm toàn trái non. Trái non nào mà thèm tòm tem với thứ mõm mòm mom như bà. Vậy là bà dùng bạo lực. Bà thường mang súng ra một công viên ngồi rình rập. Súng bà dấu trong xách tay, trên người bà chỉ có chiếc áo khoác ngoài, không nội y nội iếc chi cho phiền phức. Thấy có chàng trai nào lớ ngớ đi qua công viên là bà chụp. Mà toàn thứ dưới 30 tuổi thôi, trên tuổi đó bà chê…già! Bà khoái nhất các con mồi mắt xanh tóc vàng, bắp thịt vạm vỡ. Những chàng trai chạy bộ hay đạp xe đạp thể dục chạy ngang qua, nếu vừa mắt bà, sẽ bị bà dí súng vào người bắt tù ti với bà. Xong việc, bà có sở thích tịch thu hết quần áo của nạn nhân mang đi để các chàng thanh niên trần như nhộng ở lại hiện trường. Bà đã tóm được 46 nạn nhân. Cảnh sát chỉ được biết chuyện khi một cậu thanh niên 16 tuổi tới cớ bóp. Theo lời thuật lại của chú bé nạn nhân thì bà từ bụi rậm xông ra, tuột áo choàng phơi ra thân hình trần như nhộng, da nhăn nheo và mốc cời, rút súng ra uy hiếp. Bà bắt nạn nhân cởi bỏ quần áo để bà thi hành chuyện mây mưa.Vậy là cảnh sát giăng bẫy. Đúng ngày đầu năm 2000, khi thế giới bước qua thiên niên kỷ mới, một cảnh sát chìm đẹp trai, vạm vỡ, được đưa ra làm…chim mồi. Anh này giả bộ chạy bộ trong công viên. Bà già bị sập bẫy liền một khi. Bà xông ra nhưng với nghề trong tay, anh chim mồi này dễ dàng đoạt súng, còng tay dẫn bà về bót chờ ngày ra tòa. Bắt bà buông thì bà chịu chứ bảo bà buông thì sức mấy!

Tình và tiền là một cặp bài trùng thường khi dính nhau. Buông tình không dễ, buông tiền còn thập phần khó khăn hơn. Hơn hai chục năm trước, tôi có một cụ hàng xóm người Việt. Cụ ở với con cháu. Tôi lúc đó còn thuộc vào loại…thanh xuân nên khi gặp cụ thơ thẩn trong công viên trước nhà thường không tiếp chuyện với cụ nhiều. Thảng hoặc có những lúc cụ giữ lại thì cụ luôn bảo là người già ở bên này quý lắm, nào là giữ cháu cho con cái đi làm, nào là dạy cháu luân lý và văn hóa truyền thống nước nhà. Coi bộ cụ chưa muốn buông. Anh con trai ở cùng với cụ cũng hay nói chuyện với tôi. Anh cho biết là cụ…quá lắm! Tiền già của cụ và cả của cụ bà cụ giữ rịt trong túi không ly ra một cắc. Cụ bà khi gặp tôi vẫn than thở về sự…bóc lột này. Bà lắc đầu thổ lộ : “Ông ấy bảo là đồng tiền liền khúc ruột, tôi giữ tiêu phí phạm đi. Tiền là ông ấy phải giữ, không tin cậy một ai được. Giữ cho tới chết chứ nhất định không bao giờ buông ra”. Ông ấy chết thật! Vẫn không buông thứ của cải trần gian. Khi tẩm liệm mới cậy được tiền của ông ra khỏi đôi tay xuôi xị chứ nhất định còn hơi thở là ông ấy không buông!

Ông hàng xóm già của tôi cũng chỉ giống phần lớn nhân loại trên thế gian này. Tiền là thứ thiết thân, cứ cột chặt trong người cho chắc ăn. Có một muốn hai, có trăm muốn ngàn, có triệu muốn bạc tỷ, lòng khao khát thứ có thể mang lại phúc lộc trần gian hình như không bao giờ được thỏa mãn. Nhiều người trong chúng ta đã dùng đủ phương tiện, dù tội lỗi, dù bất hợp pháp, để vơ được tiền bạc. Vậy thì dại gì mà buông!

Hiếm người biết buông như vợ chồng người đông bạc nhất thế giới Bill Gates. Noi gương Bill Gates, hầu như chúng ta chỉ chú trọng tới cách làm sao ông ta lại có thể thu về được lắm bạc nhiều tiền đến thế. Sướng tới đời con đời cháu! Nhưng con của Bill Gates có sướng bằng con của các đại gia ở Việt Nam sắm cả chục xe xịn, chơi không sót một chân dài nào, đốt tiền như đốt giấy lộn trong các cuộc vui không? Bà Melinda Gates đã trả lời rõ ràng : “Bất cứ lúc nào gia đình tôi nói tới chuyện tài sản, chúng tôi đều nói đến trách nhiệm phải trao tặng nó cho thế giới. Các con của chúng tôi đã có tài khoản riêng của chúng. Không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được nấy mà phải đợi đến những dịp như sinh nhật mới được tặng hay đợi cho đến khi chúng tự để dành đủ tiền. Vậy thì tiền để làm chi? Để vứt vào những cửa hàng thời trang như các bà đại gia  chăng? Bà vợ của người giàu nhất hành tinh này không mấy chú ý tới những cửa hàng thời trang sang trọng, những loại mỹ phẩm đắt tiền hay những tiện nghi sang trọng cho cuộc sống. Bà chỉ chú ý tới những con người đau khổ, đói khát, thất học trên khắp năm châu bốn biển. Hai vợ chồng đã lập ra quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates từ năm 2000 và cam kết trao tặng hết 95% tài sản của họ ước tính khoảng 46 tỉ vào quỹ.  Họ đã buông. Mà buông hầu như hoàn toàn số tiền họ có. Học đòi như Bill Gates, có ai biết học chữ buông của họ không?

Hỏi tức trả lời. Tôi phải thú thực là không thể buông một cách…phí của trời như vậy nếu mình có tiền. Nhiều người còn cho rằng cặp vợ chồng đông bạc nhất thế giới này là những người không khùng điên thì cũng mát dây, không nóng đầu thì người cũng hâm hấp! Của trời cho không biết buộc vào người mà dại dột buông!

Dại hay không dại, cuối cùng ai cũng phải học chữ buông.  Con chữ cuối cùng của đời người mà dù có học hay không ai trong chúng ta cũng phải cúi đầu chấp nhận. Buông cuộc đời. Đây là cú buông khắt khe nhất. Ông bạn tôi chẳng may vướng vào căn bệnh hiểm nghèo, số phận như đã an bài, cuộc sống tính bằng ngày. Vậy mà, gặp tôi, ông vẫn chưa sẵn sàng buông. “Thôi thì tuổi mình cũng đã tròn hoa giáp, nhưng nếu trời cho sống thêm được ít năm nữa để lo cho các cháu thì tốt hơn. Thực ra các cháu đều đã có công ăn việc làm, có gia đình riêng. Nhưng đó là cái cớ để bạn tôi mè nheo trời đất cho hoãn cuộc chia lìa trần thế. Một vị tu hành, nghe hoài những mè nheo này, đã mở cánh cửa mê muội : “Công việc của thế gian, bác hãy để mặc thế gian cho họ tự giải quyết lấy. Bác nên hiểu rằng: giầu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người hay vật. Bất cứ ai, bất cứ vật gì, bất cứ ở đâu cũng không thể giữ mãi tình trạng nguyên thủy như lúc ban đầu được. Mọi người, mọi vật đều phải thay đổi khác đi theo một định luật: Sinh, Trụ, Hoại, Diệt mà không cách chi sửa đổi được. Điều mà bác có thể làm được là bác tự quán chiếu, soi rọi về thân xác và tâm thức của bác, để bác thấy tính “vô ngã” của vạn vật. Để không thấy có cái gì là “Tôi hoặc là của tôi”, mà chỉ là giả có, tạm có mà thôi. Ngay như nhà cửa, sự nghiệp, danh vọng, vợ, chồng, con cái của bác cũng chỉ là của bác trên danh nghĩa, chúng không thực sự thuộc về bác. Chúng thuộc về tự nhiên! Như lời bác vừa cầu mong, chẳng những không đạt được mà thân bác vẫn đau đớn như thường và cách suy nghĩ sai lầm của bác còn đau khổ hơn nhiều nữa. Vì cầu mong mà không được là khổ. Bởi vậy, bác phải nhìn mọi thứ đúng theo bản chất của nó và đừng níu kéo nó, đừng tiếc thương nó: “HÃY BUÔNG NÓ RA”. Bác hãy rũ sạch mọi thứ bên ngoài. Bác hãy buông ra. Bác đừng bám víu vợ, chồng, con cái, quyến thuộc, tài sản, công danh… Vì những thứ đó bác không thể mang theo được, hoặc bác không “buông”, thì nó cũng phải “buông” bác mà thôi. Cho nên bác “Hãy Buông Ra!”, bởi mọi thứ đều Vô Ngã: “Không tôi và Không của tôi”. Tất cả rồi sẽ biến mất; chẳng còn gì. Bác phải nhận biết cho bằng được điều này, và sau khi biết rồi thì bác hãy “buông” tất cả. Nếu bác “buông » ra được mọi thứ thì bác mới thấy được chân lý. Vậy bác đừng lo lắng và đừng ôm giữ bất cứ điều gì thì bác sẽ thanh thản trong mọi tình huống bác ạ! »

Buông ra, nói thì dễ nhưng chấp nhận được không phải dễ. Cứ như nhảy xuống một cái hố sâu hun hút chẳng biết có gì ở bên dưới. Toát mồ hôi chứ bộ! Những người có lòng tin vào tôn giáo có thể mường tượng ra được nơi sẽ đến. Ít nhất họ có một nơi mà họ tin là có để đặt chân tới sau khi buông cuộc sống này. Những người còn nghi ngờ về một cuộc sống bên kia cuộc sống sẽ toát mồ hôi hơn. Như gieo thân mình vào hư vô. Sinh ký tử qui. Sống gửi thác về. Nói về là có nơi đến ấm cúng. Cứ an ủi nhau như vậy cho cú buông rốt ráo đỡ…hitchcock!

Nhà văn Võ Phiến thỉnh thoảng cũng có làm thơ. Thơ của ông là thơ của nhân sinh. Không trăng thanh gió mát chút xíu nào cả. Rất thực tế và rất…đời. Buông ra rồi tới đâu, nhà văn tỏ ra ngỡ ngàng.

Mải miết ra đi, đâu tính đến
Đến nơi nào?
Bảy tám mươi năm, rồi cũng đến
Đến rồi sao?

01/2010