Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

TÁNG

Cuối năm, mấy anh em có máu viết lách gặp nhau tại một nhà hàng để ăn nhậu, mừng thành tích tiễn đưa thêm một năm của cuộc đời vào dĩ vãng. Thường thì mấy ông làm thơ hay đọc những vần thơ mới tinh cho anh em nghe. Anh em thì hầu như tất cả đã qua tuổi hưu trí nên rất gần đất. Có ông tếu táo là đã có chuyến bay, bay mà khỏi cần phải ra phi trường lúc nào không biết. Tâm trạng…thua như vậy nên thơ cũng thuộc loại thơ thua. Rặt một giọng ỉ ôi từ giã. Có ông mang tâm trạng đẫm lệ quá nên xin không đọc để khỏi phải làm phiền tới sự mủi lòng của bè bạn. Thôi thì đang được hưởng những hơi thở loại bonus có nghĩ tới lúc xuôi tay thì cũng phải. Mà dám có ông đã thửa sẵn chiếc sơ mi gỗ trong nhà rồi không chừng!

Nói cho vui vậy thôi chứ chuyện lo thủ chiếc quan tài sẵn trong nhà là chuyện ngày xưa. Trong trí nhớ của tôi ngày nhỏ, tôi đã có thấy chiếc áo quan để dành này. Không hiểu ở đâu, nhưng phải là ở một nhà nào đó trong họ hàng nhà tôi mà tôi hay lui tới. Ngày xưa các cụ, khi đã thấy sống đủ, thì sửa soạn cho tương lai bằng cách sắm một cỗ áo quan đặt sẵn trong nhà. Thường để nằm trong một góc khuất nẻo hoặc sang hơn thì dành cả một phòng cho cỗ hậu sự. Thường thì khi chọn được một cây gỗ tốt các cụ thuê thợ xẻ ra đóng. Khi chưa dùng tới thì đó là một cái tủ có vị trí nằm trong đó có thể chứa đựng được nhiều thứ như gạo, đồ thờ. Khi cụ nằm xuống thì thân xác đã sẵn sàng chui vào chiếc hộp quen thuộc. Không có một đứa trẻ nào nhìn thấy chiếc áo quan này mà không sợ. Sợ lâu ngày thành quen, khi đi trốn tìm có thể mở nắp chui vào trốn. Có trời kiếm thấy. Tôi không thuộc loại bạo gan nên chưa bao giờ chui vào thử.

Ngày nay, ở bên đây, chẳng ai lại trữ sẵn áo quan trong nhà. Nếu có tính cẩn thận như các cụ xưa thì cứ liên lạc với các hãng mai táng, đóng tiền trước cho dịch vụ sau cùng. Tại nhiều nơi, các hội đồng hương hay các hội già cũng có dịch vụ đóng góp định kỳ để tới khi nằm xuống là…bingo. Lo xa như thế đã nhằm nhò chi. Cụ Varin Voinicu còn chơi bạo hơn nhiều. Ông cụ người Romania mới 73 tuổi này đã tổ chức nguyên cả đám tang để chắc chắn khi nằm xuống mọi sự sẽ…hanh thông! Cụ hãnh diện cho biết: “Tôi làm mọi sự đúng như trong sách vở. Thậm chí, tôi còn đào huyệt cho mình ở nghĩa trang và nằm vào đó để xem cảm giác như thế nào. Tôi cũng yêu cầu mọi người khóc than trước mộ y như thật và hoàn toàn hài lòng với tang lễ của mình”. Thực ra cụ không được hưởng những tiếng than khóc từ con cháu. Họ cứ trơ trơ ra chẳng chịu khóc cho lâm ly bi đát để cụ hài lòng. Một tên hậu sinh còn giễu: “Đáng lẽ ra mọi người sẽ khóc lóc thảm thiết nhưng ở đây không ai khóc cả. Chúng tôi đều thấy vui vẻ và nó giống như một đám cưới hơn là một đám ma!” Vậy là hỏng. Ai bảo cụ Varin tham lam làm chi. Chẳng ai có thể chết hai lần được cả ngoại trừ trong nhạc của ông Trịnh Công Sơn!

Chết là chết, không thử thiếc chi cả. Đó là một kinh nghiệm không thể truyền lại cho người khác được. Muốn nếm thử, chỉ nếm thôi, thì phải…mua! Đây là một dịch vụ ở Đại Hàn. Cứ bỏ ra 25 đô Mỹ là có thể nếm cái chết. Với số tiền trên, khách hàng sẽ phải ngồi sám hối trong mấy tiếng đồng hồ, viết di chúc, đề bia mộ và thử kích thước quan tài. Sau đó mới bước vào một căn phòng chập chờn ánh đèn cầy, chui vào quan tài nằm tay bắt chéo trước ngực, mắt nhắm lại. Khi nằm trong cái hộp gỗ ma quái này, người ta sẽ phải chịu đựng cảm giác cô độc, hối hận, khổ đau trong sự yên tĩnh rợn người. Bỏ tiền ra chịu đựng sự rùng rợn như vậy để làm chi? Để sau vài tiếng chết đi trong quan tài tăm tối, khi chui ra, người ta sẽ cảm thấy như được tái sinh, sống một cuộc đời mới và quý trọng cuộc sống hơn!

Trò chơi Hitchcock này không có tôi. Các ông bạn tôi cũng lắc đầu. Đang sống những ngày bonus hiếm hoi này dại chi mà chơi trò chết thử. Sống còn chưa đủ lại đưa đầu vào cõi chết. Mấy anh Đại Hàn chúa là vẽ chuyện. Nếu sáng kiến của các anh có chút lợi ích nào thì đó là việc thử kích thước quan tài. Không thì phải chết một cách khốn khổ như ông James Hines ở Allendale, tiểu bang South Carolina. Ông là một nhà giảng đạo kiêm nhạc sĩ đàn tây ban cầm có chiều cao 2 thước. Khi ông mất vào giữa năm ngoái ở tuổi 60 thì bà vợ đặt dịch vụ chôn cất tại nhà quàn Cave. Quan tài của ông có kích cỡ thông thường. Khi xác ông được đặt trong nhà quàn cho mọi người thăm viếng, thi thể chỉ lộ ra từ ngực trở lên,  thì một người con của ông thấy chiếc quan tài có vẻ ngắn so với chiều cao của ông. Tuy nhiên vì chỉ được nhìn thấy ông từ ngực trở lên nên bà vợ Ann Hines cũng chỉ có thể hỏi ông Giám đốc nhà quàn Michael Cave xem mọi chuyện có ổn thỏa không. Ông Giám đốc xác nhận mọi việc diễn ra rất tốt đẹp không có trục trặc chi. Trước sự xầm xì thắc mắc của khách viếng thăm, cuối cùng tang gia yêu cầu cảnh sát điều tra. Họ mở nắp quan tài ra và thấy chân ông Hines đã bị cắt bớt một phần từ mắt cá đến bắp chân nhưng để lại bàn chân. Hai khúc chân bị cắt được để nằm ngay trong quan tài. Nhà quàn bị rút giấy phép hoạt động và phạt 500 đô cộng với 1500 đô chi phí điều tra. Theo luật của tiểu bang thì tội hủy hoại thi thể người quá cố có thể bị phạt 10 năm tù.

Một chiếc quan tài, một mộ huyệt và một đám tang là tiêu chuẩn cho một cuộc tiễn đưa người thân về cõi  chết. Chúng ta đã quen với lối táng như vậy. Nhưng thực ra tống táng người chết có nhiều kiểu khác nhau tùy theo tập tục, nghi lễ của từng xã hội. Ngoài địa táng và hỏa táng như chúng ta từng thực hành, có nhiều lối tống táng khác nhau. Tín đồ Hỏa Giáo Ba Tư, một tôn giáo cổ đã bị Hồi Giáo tiêu diệt vào thế kỷ thứ 10, tin rằng cơ thể con người là thứ thuần khiết. Vì vậy, hỏa táng hay địa táng được tín đồ đạo này coi là làm vấy bẩn xác. Họ đưa thi thể người chết lên tháp cao xây cất trên đồi núi. Xác không được bảo vệ nên muôn thú và chim chóc có thể tới ăn thịt. Cũng thuộc…trường phái mang xác lên cao, nhiều bộ lạc ở Úc, Canada, Mỹ và vùng Tây Bá Lợi Á đã cột xác lên cây cao. Xác được bọc bằng vải liệm và đặt trên cành cây hoặc các chạc cây để tự phân hủy.

Dân đi biển Viking sống vào thời đồ đá muộn ở Bắc Âu đã gắn liền đời sống với biển cả. Khi chết, những người giầu có thường được đặt trên một chiếc tàu cùng thực phẩm, đồ trang sức, vũ khí, nô lệ và động vật để hưởng cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Những chiếc tàu này có thể được chôn dưới đất, hỏa thiêu hay thả ra biển. Dân Tây Tạng sống trên miền núi nên chôn người chết trong những khu vực có nhiều đá trên cao. Hoặc họ không chôn trong đá nhưng chưng bày tử thi trên đỉnh núi, rắc bột ngủ cốc và sữa lên tử thi cho kên kên rỉa thịt. Nhờ đó mà thân xác người thân sẽ được lên trời!

Tất cả những lối táng trên đều lạ hoắc với chúng ta. Chúng ta cứ phải sống có cái nhà chết có nấm mồ mới được. Nhà thì có nhà tranh vách đất, nhà gạch nhà lầu thì mộ cũng có cái sè sè một nấm bên đường, có những lăng tẩm nguy nga. Nghĩa là có thứ có hạng cả. Sống cũng như chết, bình đẳng khó lắm. Ngày xưa tôi có cái thú vào nghĩa trang để thăm thú những ngôi mộ. Nghĩa trang tôi hay tới là nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Có những ngày tôi lang thang suốt một buổi chiều chỉ để đọc tên trên những bia mộ. Mộ lớn thì tên…lớn. Mộ loàng xoàng thì tên cũng thường thường. Có những tên người khi còn sống hét ra lửa, mửa ra khói. Có những tên người đã từng nhiều lần ồn ào trên mặt báo. Cuối cùng tất cả cũng vào đây, nằm bên nhau, hết gây hấn, hết ồn ào, hết dọa nạt.

Đường đời như khúc nhạc
Nghĩa trang nốt cuối cùng
Đời người khi thôi hát
Về nằm một góc chung

Sống nhà cao cửa rộng
Chết nằm dưới đất cằn
Sống kẻ khinh người trọng
Chết đất hóa công bằng
(Lam Phụng)

Mộ không chỉ là nơi chôn cất xác mà còn là chốn thiêng liêng chi phối cả một dân tộc hay một dòng họ. Bởi vậy nên các vua chúa hay những nhà gia thế thường chọn những cuộc đất quý hiếm để an táng hầu mang lại phước lộc sang giàu cho con cháu. Những ngôi mộ…câu danh vọng hay tiền tài này không nằm trong nghĩa trang mà nằm trong những thế đất được các ông thầy địa lý nhọc công chọn lựa. Ngày xưa đã đành, ngày nay cũng vậy. Một đại gia tên Đức ở tỉnh Hòa Bình đã bỏ ra bạc tỷ chỉ để xây mộ cho mình và cho vợ. Nguyên tiền công trả cho ba ông thầy địa lý, một Trung Quốc, hai Việt Nam, cũng đã ngốn hết bạc tỷ của ông đại gia này rồi. Ông Đức cho biết: “Một tháng sau khi gặp nhau, tớ gọi điện mời thầy Voòng A Sao, một trong những thầy địa lý nổi tiếng Trung quốc sang. Sau khi sống ở trang trại của tớ một tuần, hàng ngày thầy thực địa khắp khuôn viên trang trại, cuối cùng đến ngày thứ tám thầy mới chọn được hướng đất là chỗ tớ xây mộ bây giờ. Theo ông thầy Voòng A Sao này thì dãy núi trùng điệp nơi trang trại của tớ tựa lưng có hình thù như một con rùa, và theo thuật phong thủy thì ngôi mộ chỉ nhìn về hướng tây bắc, nơi có ánh mặt trời lặn xuống sau những dãy núi của huyện Lương Sơn thì mới bền vững và yên ổn được. Với ông thầy này tớ phải trả công và chi phí đi lại hết 600 triệu đồng”. Thuê thầy xịn từ bên Tàu qua chọn cuộc đất xây mộ, ông Đức vẫn chưa an tâm. Ông muốn check lại. Ông lang thang hàng tháng trời tìm kiếm các thầy địa lý giỏi từ Nam ra Bắc. Cuối cùng ông mời được một thầy tên Ơm ở Yên Bái và một thầy tên Cỏn ở Quảng Ninh về lấy hướng. Hai ông này cũng chọn hướng giống như ông thầy Tàu. Vậy là…đồng thuận! Ông đại gia thuê thợ khoét núi xây mộ. Ông dùng tới 30 người thợ khoét thủ công chứ không dùng mìn phá vì sợ bị động mạch. Phải mất đúng 3 năm, 5 tháng, 12 ngày mới hoàn thành phần thô của hai ngôi mộ có chiều dài 7 thước cho mỗi ngôi và phần chìm dưới đất là 5 thước. Cũng nhờ làm bằng phương pháp thủ công mà nhóm thợ đã phát hiện được một hang động lớn phải đi mất 8 tiếng đồng hồ mới hết hang! Hỏi hai thầy Ơm và Cỏn thì hai thầy tán: đây là long mạch tốt không chỉ giúp cho hai ngôi mộ bền vững mà bản mệnh của gia chủ cũng tốt hơn. Ông Đức dựa vào lời thầy bốc thêm: “Không biết có phải nhờ thế không mà từ ngày tớ làm xong được hai hầm mộ tự nhiên thấy người khỏe ra, bệnh tật tiêu tán hết, cuộc sống yên bình hẳn!” Như vậy chắc hai ngôi mộ này sẽ còn lâu mới có người dọn vào! Trong thời gian đó ông đại gia tha hồ mà vẽ vời rồng phượng để nằm cho sang!

Cũng tại vùng thượng du đất Bắc, khu mộ tháp của các thiền sư trong chùa Tiêu thuộc xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh, qua bao nhiêu biển dâu là nơi hoang phế. Đây là ngôi chùa cổ vốn có tên là chùa Thiện Tâm được dựng từ thời Tiền Lê, là nơi mà thiền sư Vạn Hạnh tu thiền, giảng đạo và dậy dỗ vị vua đầy huyền thoại Lý Công Uẩn. Cách nay 60 năm, khi sư bà Đàm Chính dọn cỏ ở tháp Viên Tuệ thì một viên gạch rơi ra. Sư bà Đàm Chính nay đã 80 tuổi, tu tại chùa được 70 năm, kể lại: “Nhà chùa cầm viên gạch ghép lại chỗ cũ thì phát hiện thấy dòng chữ in trên viên gạch: “Hòa Thượng Như Trí, viên tịch năm 1723 (Bảo Thái năm thứ tư triều Lê Dục Tông)”. Sư bà Đàm Chính, khi đó còn là ni sư khoảng hai chục tuổi, tò mò nhìn qua khe hở do viên gạch rơi ra, giật mình suýt ngã khi thấy rõ ràng một người đang ngồi kiết già trong tháp. Hoảng quá, ni sư cầm viên gạch bịt kín lại và chôn chặt chuyện này trong lòng, không kể với bất kỳ ai. Theo các tài liệu còn lưu lại ở chùa thì thiền sư Như Trí là đệ tử nối pháp của thiền sư Chân Nguyên. Chính thiền sư là người đã khắc in lại bộ “Thiền Uyển Tập Anh”, một bộ sách có giá trị đặc biệt không những về lịch sử Phật giáo mà còn là một tác phẩm truyền kỳ có giá trị về văn học, triết học và văn hóa dân gian.

Sư bà Đàm Chính nguyện sẽ không tiết lộ chuyện này trong suốt đời bà. Nhưng  mới đây, một người chăn trâu đã mò lên tháp Viên Tuệ với ý định tìm vàng và các đồ quý báu trong tháp. Ông này gỡ mấy viên gạch ra và nhìn thấy một pho tượng giống hệt một người còm nhom đang ngồi trong tháp. Sống dưới chế độ vô thần, ông chẳng sợ thần thánh chi nên nổi tính tò mò, kiếm một cây gậy chọc thử vào pho tượng. Ông đã chọc thủng mặt vị thiền sư đã an tọa được gần 300 năm trong tháp! Sau này ông mục đồng này lâm trọng bệnh. Lời đồn thổi về một nhục thân ngồi trong tháp bay ra khắp các thôn xóm lân cận. Sư bà Đàm Chính thấy không thể giấu được sự kiện bà đã nhìn thấy 60 năm trước nên đành phải trình lên vị trụ trì. Nhục thân được rước về chùa để tu bổ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, người phụ trách việc tu bổ cho biết là thiền sư Như Trí viên tịch trong tư thế ngồi thiền và được các đệ tử phết bên ngoài bằng một lớp bồi gồm đất tổ mối, sơn ta và mùn cưa. Trong lớp bồi có những miếng đồng mỏng có tác dụng đỡ cho nhục thân không bị gục xuống. Tiến sĩ Cường nói thêm là khi mở am tháp ông rất đau lòng khi thấy nhục thân ngồi trong môi trường ẩm mốc. Với sự xâm hại nghiêm trọng của thời tiết, vi khuần, côn trùng hàng mấy trăm năm, lẽ ra toàn thể nhục thân của thiền sư đã phải về với cát bụi. Vậy mà nhục thân vẫn còn nguyên vẹn là một điều lạ chưa giải thích được.

Tu trong chùa, sống ở đó, chết cũng ở đó, thật tiện. Chuyện mồ mả là chuyện không có chi phải lo lắng. Những người di chuyển nơi này nơi kia mới có vấn đề. Một cặp vợ chồng Canada đi du lịch thăm thánh địa Jerusalem. Bất ngờ bà vợ qua đời. Ông chồng vội liên lạc với công ty mai táng. Họ cho ông biết là nếu muốn đưa xác bà về Canada thì tốn 5 ngàn đô. Còn nếu mai táng ngay tại vùng đất thánh này thì sẽ chỉ tốn 200 đô thôi. Ông chồng suy nghĩ một hồi rồi quyết định sẽ đưa xác bà về quê hương. Đại diện công ty mai táng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao ông phải bỏ ra 5 ngàn đô trong khi có thể chôn bà ngay tại thánh địa với số tiền rẻ hơn nhiều?” Ông chồng gật đầu trả lời: “Tôi biết! Nhưng cách đây hơn hai ngàn năm, ở Jerusalem này, có một người đã chết, được chôn cất cẩn thận, ba ngày sau đã sống lại!”

Lá rụng về cội, nhiều ông bạn tôi đã nói với con cái ước muốn khi chết, xác sẽ được trở về Việt Nam cho gần các cụ. Rồi các ông hỏi tôi như vậy có tốn kém lắm không. Có hai cách về. Cách thứ nhất là nằm trong quan tài. Theo ông Nguyễn Sắc, chuyên viên về tang lễ ở California, thì trước hết phải lo thủ tục như sau: “Tất cả khởi đầu với một tờ giấy ở Việt Nam, chỗ mà mình định đưa quan tài về. Gia đình bên Việt Nam phải xin giấy phép ở phường xã để chôn cất ở Việt Nam. Tiếp theo là giấy nhập cảnh do đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của Việt Nam tại Mỹ cấp. Thứ ba là giấy kiểm dịch của Bộ Y Tế Mỹ, xác nhận không có bệnh truyền nhiễm. Thứ tư là giấy kiểm dịch của Bộ Y Tế Việt Nam cho phép thông qua cửa khẩu.” Về mặt kỹ thuật, xác phải được ướp và liệm trong quan tài bọc kim loại và niêm phong kín. Phải có giấy của chuyên viên ướp xác chứng nhận đã đạt tiêu chuẩn có thể di chuyển trên đường bay quốc tế. Cũng cần nói qua về kỹ thuật ướp xác này một chút. Khi ướp xác, các chuyên viên thường dùng hóa chất có pha mầu để làm cho da trở nên hồng hào. Hóa chất này được hòa lẫn vào khoảng mười lít nước rồi bơm vào xác qua các động mạch ở đùi và cổ. Hóa chất sẽ đi qua tim và hệ thống tuần hoàn của máu, đẩy tất cả máu đã đông khô ra khỏi cơ thể  qua các tĩnh mạch được cắt từ bên ngoài da. Các chuyên viên cũng dùng nhiều dụng cụ khác nhau để khai thông các cục máu đông cứng. Phí tổn đưa quan tài từ San Francisco hoặc Los Angeles về Việt Nam vào khoảng từ 8.500 đô đến 9000 đô tùy theo về Tân Sơn Nhất hay Nội Bài. Cách thứ hai là thiêu rồi mang tro về nước. Cách này đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần có giấy phép của Mỹ cho phép chôn cất bên Việt Nam để mang tro rời khỏi phi trường Mỹ. Phía Mỹ không bắt buộc có giấy kiểm dịch nhưng bên Việt Nam thì đòi hỏi. Nhưng thường thì chẳng ai xin giấy này. Nếu người nhà ôm về được thì tốt, nếu không các nhà quàn có thể gửi về bằng bưu điện.

Dù về bằng cách nào, ung dung nguyên hình hài nằm phè ra qui cố hương hay xác thân đã biến thành tro nằm gọn trong chiếc bình, thì cũng như nhau. Chẳng phải lo đau lưng đau cổ mỏi chân mỏi cẳng!

02/2010