Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

LẠNH

Chứng lạnh cẳng thường kèm theo việc đổ mồ hôi, nói nôm na ra là…rét! Rét với lạnh khác nhau chi đâu, khéo bày vẽ. Không, lạnh hay rét nói đây, lại nói nôm na ra, là sợ. Nhưng là sợ thuộc loại cao. Sợ tuốt trên trời lận. Tôi đã có lần lạnh cẳng. Tôi vừa mua vé máy bay về Việt Nam thăm ông bà cụ thì bỗng bị mấy tên khủng bố phá thối bằng vụ 9/11. Cứ nghĩ bây giờ leo lên máy bay cho mấy anh râu dài thích về trời lấy vài chục cô trinh nữ dùng mình làm…bom thì lạnh cẳng là cái chắc. Nhưng chẳng cứ gì tôi. Hình như hồi đó mọi người đều rét máy bay. Các hãng máy bay cũng thông cảm cho chứng rét trái mùa này nên để cho hành khách đã trót mua vé được chọn lựa. Muốn tiếp tục cũng OK mà muốn rút lui cũng OK. Tôi tiếp tục mà chân không phải thoa dầu cù là. Nhằm nhò chi cái mạng mình!

Nhiều người không được anh hùng như tôi. Tôi có ông bạn người Hoa, sanh đẻ tại Mỹ, chưa bao giờ bước chân lên máy bay. Nói tới máy bay là ông rùng mình, lắc đầu lia lịa. Khi không treo người lên trời không biết rơi lúc nào! Một bà Mỹ tôi gặp mấy chục năm trước, nghe thấy tôi ngự máy bay gần hết một ngày để bay từ Việt Nam sang Mỹ, bà làm dấu thánh giá, lắc đầu nhìn tôi như tôi vừa được…sống lại, phán: “Tôi thì chẳng dại!”. Bà này không can đảm bằng một bà cụ Việt Nam được con cháu bảo lãnh qua Canada. Đặt chân tới nơi, ngay khi còn ở phi trường đã thề sẽ không bao giờ bước lên máy bay một lần nữa. Bà cụ đã giữ lời thề mặc dầu cuộc sống bên này chán quá, muốn về Việt Nam thăm nhà hết sức. Chỉ khi bà trở về Việt Nam trong chiếc bình tro cốt, mất hết chân cẳng, bà mới…lỗi thề!

Đó là thời mà máy bay còn hết sức hiền lành. Cứ việc leo lên, có ngưòi đẹp cơm bưng nước rót, ăn ngủ thoải mái, cứ như ông hoàng. Thời nay, máy bay có thêm nhiều tiết mục oái oăm hơn. Như khủng bố, bệnh SARS, và nay thêm anh chàng cúm heo. Lên máy bay là tự nguyện làm bia cho vi khuẩn chúng dày vò. Chúng ta có một trường hợp cụ thể: ông Nguyễn Hưng Quốc. Ông Quốc là nhà phê bình văn học có tiếng. Ngòi bút của ông viết ra toàn những chuyện to lớn, nghiêm trọng. Nhưng từ ngày ông phụ trách một trang blog trên website của đài VOA, ông lại viết về những chuyện thường ngày trong cuộc sống. Độc giả thấy ông gần gũi hơn nhiều. Trong một bài viết mang tên “Toàn Cầu Hóa Sự Sợ Hãi”, ông kể về một chuyến…lạnh cẳng mà ông mới trải qua cách đây năm tháng, vào tháng 6 năm 2009. Trên chuyến bay từ Melbourne đi Singapore, ông ngồi cạnh một thanh niên người Hoa. “Suốt chuyến bay, anh ta cứ ngồi ủ rũ, lâu lâu lại ho khan. Mỗi lần anh ho, tôi lại thấy lạnh mình. Có cảm giác như có hàng triệu con vi trùng lọt vào mũi mình, miệng mình, chạy khắp cơ thể mình. Một lúc nào đó, tình cờ tôi cũng nổi cơn ho. Ho ngắn thôi. Nhưng cũng có cảm tưởng là mình đã bị lây bệnh, mình bị…cúm heo.

Gần tám tiếng đồng hồ bay từ Melbourne đến Singapore quả là một cực hình”. Hai ngày sau, ông Quốc nhận được một bức thư của Bộ Y Tế Singapore báo cho biết anh thanh niên  người Hoa ngồi bên cạnh ông bị cúm heo thiệt! May mà ông không có số…cúm heo nên vẫn vững như đồng, tuy là một thứ đồng…lạnh vì trong hai tuần lễ có thể ủ bệnh ông cũng mất ăn mất ngủ.

Đó là chứng lạnh cẳng mới toanh. Cứ thông thường bước chân lên máy bay là chúng ta phó mặc cho trời. Đi một cái xe hơi, nó có dở chứng không thèm chạy nữa, chúng ta có thể kêu anh xe câu thỉnh hắn về garage. Cũng rắc rối đấy nhưng chẳng nhằm nhò chi. Đang thượng máy bay, nó làm khó không muốn bay nữa thì gần như trăm phần trăm linh hồn chúng ta sẽ phải bay thế! Nói vậy thì ai còn dám cả gan leo lên con chim sắt. Khi chúng ta phó thác cái mạng cùi của mình cho những cánh chim bằng thì trong chúng ta đã có một niềm tin. Tin vào độ tiêu chuẩn an toàn của các hãng hàng không. Tin vậy cũng phải vì mỗi cái tầu khổng lồ biết bay này là một núi tiền, đâu có thể khơi khơi thả chúng lên không trung như chúng ta thả diều ngày nhỏ. Nói như vậy là nói kiểu…tiền. An toàn là để bảo vệ cho hành khách. Mạng sống con người quý hơn cái máy bay mặc dầu tạo nên một con người không phức tạp như chế một cái máy bay. Tổ chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế, viết tắt là ICAO (International Civil Aviation Organization) được thành lập vào năm 1947, có trụ sở tại thành phố Montreal của tôi, là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc cầm trịch cho sự an toàn của hàng không dân dụng. Thường khi đi máy bay, chúng ta có khuynh hướng chọn lựa theo hãng máy bay. Nhưng chọn lựa theo tiêu chuẩn nào là một chuyện khác. Có người chọn vì sự an toàn trong quá khứ của hãng nhưng cũng có người chọn vì giá vé rẻ!

Chọn gì thì chọn nhưng đừng chọn những hãng máy bay mà Liên minh Châu Âu đã cấm hoạt động trong không phận của họ. Có đúng chục hãng trong đó có bốn hãng châu Á và sáu hãng châu Phi. Đó là các hãng: Hewa Bora AirwaysAfrica One của Cộng Hòa Congo, Air Koryo của Bắc Hàn, Ariana của Afghanistan, Garuda và Merpati Nusantara của Indonesia, Air West của Sudan, Itek Air của Kyrgyzstan, Ukrainian Mediterranean của Ukraina và sau cùng là One-Two-Go của Thái Lan. Đừng có Một-Hai-Ba chúng ta nhào lên máy bay mà bỏ mạng!

Bỏ mạng vì máy bay rớt không phải là chuyện thường ngày. Lâu lâu mới có tin máy bay rớt một lần. Rớt hoài có mà…vỡ nợ. Máy bay đâu có phải là những chiếc quan tài biết bay như báo chí Sài Gòn ngày xưa vẫn độc mồm độc miệng mỗi khi có máy bay rớt. Chế tạo nên một chiếc máy bay đâu có phải rẻ. Những chiếc máy bay loại sang ngày nay là cả một đống tiền biết bay. Đừng nghe những ông phét lác tán cho sướng miệng như trong câu chuyện sau. Trong giờ giải lao tại một hội nghị hàng không quốc tế, ba ông cầm ba ly bia tụ lại nói chuyện với nhau. Ông người Mỹ dõng dạc nói: “Cứ đưa cho tôi một cục sắt, tôi sẽ làm ra một chiếc Boeing 767 cho mà coi!”. Ông Nhật đứng bên thấy ông Mỹ nổ cũng nổ theo: “Hãy đưa cho tôi một cái transistor, tôi sẽ trang bị cả hệ thống thông tin liên lạc trên chiếc máy bay của ông trong nháy mắt”. Ông Việt Nam thấy hai ông bạn tài ba như vậy, tức khí nói: “Cứ đưa cho tôi một nữ tiếp viên hàng không, tôi có thể cho ra đời nguyên một phi hành đoàn của chiếc Boeing của hai ông!”

Phi hành đoàn gồm phi công,  kỹ thuật viên là những người nắm vận mạng của máy bay và các tiếp viên là những người làm cho hành khách thấy thoải mái khi đang…phi. Tiếp xúc với hành khách như tiếp xúc với các bà mẹ chồng. Có một lúc cả trăm bà mẹ chồng là chuyện hãi hùng. Nhiều bà rất khó tính. Khó tính vì ỷ vào đồng tiền bỏ ra, khó tính cũng có khi vì…bệnh. Chuyên gia hàng không loại xịn của Mỹ Rick Seaney đã lựa ra được vài hành khách thuộc loại…kinh dị nhất từ trước tới nay. Đứng đầu sổ là một bà trên một chuyến máy bay của hãng United Airline. Bà này say rượu và dùng chất kích thích, nổi khùng tìm cách cắn chân một nữ tiếp viên. Bà còn vào phòng vệ sinh uống hết bình xà bông nước. Khai với cảnh sát khi xuống máy bay, bà giải thích: “Đôi khi tôi thích làm những điều điên khùng như vậy!”. Đứng kế tiếp là một hành khách trên một chuyến bay của hãng Delta. Ông này đã cố mở cửa máy bay khi đang bay, bị tiếp viên ngăn cản, ông đã đánh ngã tiếp viên xuống sàn và la: “Tôi có bom!”. Trên một chuyến bay cũng của hãng Delta, một hành khách đã xông vào buồng lái đập phá lung tung khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống Boston. Phá như vậy chưa vui. Trong chuyến bay vào ngày 1 tháng 7 vừa qua của hãng US Airway từ Charlotte về Los Angeles, ông hành khách Keith Wright, 50 tuổi, dân Nữu Ước, đã cởi hết quần áo ra. Chắc để khoe của tuy cái thứ đã có mặt trên cõi đời này được 50 năm thì còn ra cái gì nữa mà khoe. Nhưng ông này chắc thuộc típ người lạc quan nên cứ hồn nhiên khoe. Các tiếp viên mang chăn tới bắt ông đắp lại nhưng ông nhất định không che. Cuối cùng họ phải xúm lại còng tay ông. Chuyến bay đã phải đáp khẩn cấp xuống sân bay Albuquerque để trao ông này lại cho cảnh sát trước khi lại cất cánh bay đi Los Angeles theo đúng lộ trình!

Đi máy bay gặp những ông bà nội này sẽ rất vất vả. Đang treo người trên không, đầu óc đã căng thẳng, đụng một chút là…lạnh, vậy mà gặp những trò rối loạn như vậy thì mối lo sẽ được nhân lên gấp mấy lần. Nhưng lo nhất lúc ngồi trên máy bay là khi máy bay chẳng may vào vùng không khí nhiễu loạn. Ai sao không biết chứ tôi thì rét hết sức. Chân cứ co lên theo những cái nhồi của thân máy bay. Chắc là bị hội chứng lạnh cẳng! Nhìn sang chung quanh, thấy mặt nào mặt nấy cắt không còn hột máu. Mỗi cái nhồi lên nhồi xuống là lên ruột. Chỉ muốn bước xuống máy bay cho rồi. Lạnh quá thì nghĩ vậy chứ cứ cho ra ngoài vẫy vùng với mây xem! Đầu óc dằn vặt: tại sao mình lại có mặt trên máy bay này! Ấy là tôi mới chỉ gặp những thứ nhồi lên nhồi xuống thường tình chứ gặp những cú nhồi cỡ như các hành khách trên chuyến bay Northwest Airline từ Tennessee đi Michigan thì chắc đã níu chân tất cả các vị thần thánh có thể nhớ tên được để nhờ vả. Chiếc  máy bay này là  kiểu máy bay Bombardier CRJ200 được chế tạo tại Montreal. “Bạn” của tôi chứ ai vì tôi vẫn thường lui tới hãng chế tạo máy bay này. Không, tôi không có trách nhiệm chi về việc chế tạo máy bay của hãng Bombardier mà chỉ tới nhà con gái tôi. Nhà con gái tôi ở ngay trên sân bay của hãng! Chuyện thật chứ không phải chuyện phiếm. Số là trước đây, khi còn thịnh vượng, hãng Bombardier có một chiếc sân bay nhỏ cho máy bay lên xuống để bay thử hoặc sửa chữa chi đó ngay phía sau tòa nhà chính của hãng. Cách đây ít năm, chẳng hiểu vì sao, hãng bán cái sân bay này cho một nhà thầu địa ốc. Đất rộng, họ xây một khu nhà cả gần ngàn căn bán cho khách hàng. Vậy nên con gái tôi ở trên…sân bay! Sau khi bay được khoảng một tiếng, chuyến bay này khi đó đang ở cao độ 39 ngàn bộ, đã bay vào vùng không khí nhiễu loạn cách Louisville 35 cây số. Chịu không nổi, phi hành đoàn đã phải đáp khẩn cấp xuống Louisville.

Khi ngồi trên một chiếc máy bay biết nhào lộn như vậy, độ lạnh cẳng ra sao, các hành khách trên chuyến máy bay Airbus của hãng hàng không Qantas từ Hương Cảng về Úc đã kể lại. Màn lượn lờ diễn ra chớp nhoáng nhưng thật kinh khủng, cú lao xuống giống như bị rơi từ tòa nhà 30 tầng xuống đất. Một hành khách khác kể lại sự kinh hoàng khi thấy mọi người trong máy bay bị hất tung lên, đập đầu vào trần máy bay rồi rơi bịch xuống ghế hoặc sàn máy bay. Bà Michelle Knight thuật lại chi tiết hơn: “Ai cũng thất kinh! Mọi thứ bay tứ tung khắp nơi. Vừa ngoảnh mặt đi thì đã thấy mọi thứ rơi cùng khắp trên sàn. Chúng tôi nhìn thấy những người ngồi phía trước cùng bị hất tung lên không trung rồi cùng bị rơi xuống. Tất cả đều lắc lư nghiêng ngả!”. Lối biểu diễn thể dục nhịp nhàng này không có tôi. Nói là nói vậy chứ đã mang thân phó thác cho trời mây thì chạy đâu cho thoát. Nhất là lúc máy bay gặp tai nạn, bên ngoài trời tối như mực. Lúc đó là hai giờ rưỡi sáng trên không phận đảo Borneo và máy bay đang ở trên cao độ 38 ngàn bộ!

Cứ tưởng tượng mình có mặt trong những giờ phút hoảng loạn đó. Thôi, máy bay, xin chào mi! Chào nhau chi được. Tôi tin chắc là qua cơn lạnh cẳng, các hành khách này sẽ lại bước lên máy bay khi cần di chuyển. Cứ theo kinh nghiệm của tôi thì có rét thì rét trước khi lên máy bay. Tưởng tượng thế này thế khác, lạnh! Nhưng đã bước chân lên máy bay, tìm được ghế của mình, gieo cái thân xuống chiếc ghế êm ái, nhìn quanh, thấy mọi người tỉnh bơ, bụng dạ đã vững ngay. Cứ như các bà vào nhà hộ sinh, khi lâm bồn thì lấy quyết tâm nhất định không…dại nữa, khi thời gian qua đi, thấy nguôi ngoai, lại dại tiếp.

Không cái dại nào như  cái dại nào. Có biết trước chi mô mà tránh. Nhất là gặp chuyện hi hữu ngàn năm mới có. Chuyến bay từ thủ đô Brussels của Bỉ về Newark thuộc tiểu bang New Jersey của hãng Continental gồm 247 hành khách. Tất cả các hành khách không biết chi hết trừ Bác sĩ Julien Stuyven năm nay đã 72 tuổi. Các tiếp viên vẫn dọn thức ăn cho khách. Hành khách vẫn nghe nhạc, xem chiếu bóng, đọc sách báo, chơi game, làm việc trên computer. Chẳng ai biết viên phi công chính đã bay về trời một mình. Chỉ có một điều bất thường là máy phóng thanh hỏi có hành khách nào là bác sĩ không! Và ông bác sĩ Julien Stuyven giơ tay, đứng dậy và đi vào phòng lái. Ông này đúng là người cần có mặt lúc này. Ông là bác sĩ chuyên khoa về tim. Viên phi công chính 60 tuổi đã gục ngã vì bị nhồi máu cơ tim! Ông đã cố cứu viên phi công chính nhưng quá trễ. Hai viên phi công phụ đã thay thế. Máy bay vẫn êm rơ. Hành khách chỉ giật mình khi phi cơ hạ cánh giữa một rừng xe cứu thương chờ sẵn trên phi đạo. Lạnh cẳng không? Cô bé Stephanie Mallis, 18 tuổi, lắc đầu: “Tôi không hoảng sợ. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện nghiêm trọng như thế này. Chúng tôi thoải mái”. Có biết chi đâu mà rét. Đúng là điếc không sợ súng!

Tim ngừng đập bất tử, chuyện xảy ra cho viên phi công có thể xảy ra cho hành khách không? Có là cái cẳng! Cô Emma C., mới 28 tuổi đã bị rồi. Cô này ngồi trên máy bay cỡ lớn Boeing 747 từ nơi cô  nghỉ hè là Sydney ở tuốt tận bên Úc về lại Frankfurt ở Đức. Cô cũng bị tim nghỉ chơi như ông phi công 60 tuổi. Máy bay vừa đáp xuống phi trường là người ta chuyển cô qua trực thăng cấp cứu vào thẳng bệnh viện. Nhưng số cô phải bay tiếp lên trời thì chẳng cãi được số. Lại trễ quá. Bệnh của cô: bị máu nhồi vào phổi (plumonary embolism). Theo Bác Sĩ Tôn Thất Hứa, thành viên cứu cấp máy bay tiểu bang Bayern của Đức, thì bệnh này chết chắc, gần như trăm phần trăm mặc dù trình độ phát triển y học  hiện đại. Thế là lại thêm một kiểu lạnh cẳng khi bước chân lên máy bay, nhất là trong các chuyến bay đường xa. Nghe thấy chuyện này, mấy ông bạn chuyên cần đi về Việt Nam của tôi rối rít hỏi phải làm sao để tránh. Tôi trả lời không cần suy nghĩ: “Thì đừng về nữa!”. Ông nào ông nấy nhìn tôi với đôi mắt khinh miệt ra mặt. Nói như vậy thì nói làm chó gì cho mất công. Thôi thì để cứu vớt tình bạn, tôi phải nói lại. Nói hách như vậy là nói cho oai chứ thực ra tôi chỉ nói theo đuôi bài viết rất hợp thời của Bác sĩ Tôn Thất Hứa. Trên một chuyến bay đường dài, hành khách phải ngồi bất động trong một tư thế trên chiếc ghế hạng “hà tiện” nhỏ bé chỉ vừa vặn ôm được cái bàn tọa thì có nhiều nguy cơ xảy ra sự đông máu ở phần hạ chi. Chưa có thống kê nào cho biết có bao nhiêu phần trăm hành khách bị đông máu tuy các phi trường quốc tế đều có những báo cáo y khoa thường xuyên. Lý do là vì các triệu chứng không xảy ra ngay khi máy bay đáp xuống mặt đất mà thường xảy ra khoảng hai tuần lễ sau đó. Chỉ có một điều rõ ràng mà các hành khách trước khi lên máy bay đều cần biết: trong những chuyến bay xa, thời gian dài là một yếu tố chắc chắn tạo nên sự đông máu mà chúng ta không có thể lường trước được. Nguyên do là vì thiếu cử động và ngồi trong tư thế hai cẳng chân xếp lại trong một bầu không khí rất khô. Bữa nào bay máy bay đường dài chúng ta cứ thử để một chén cơm nóng sẽ thấy trong vòng một tiếng chén cơm sẽ khô như cơm chiên. Không khí khô sẽ hút thêm nước từ cơ thể của hành khách làm cho máu cô lại và đó là nguyên nhân bắt đầu xuất hiện những cục máu đông nhỏ nằm ở phần hạ chi. Trên máy bay đường dài, các hãng hàng không thường cho hành khách uống rượu free. Nhiều ông tiếc của trời nên cứ tì tì giết thời gian bằng chất cay khiến cho mạch máu nở rộng thêm ra. Khi mạch máu rộng thì máu lưu thông chậm làm cho sự đông máu nhanh hơn. Nhưng không uống rượu cũng gặp nguy hiểm. Tuổi nào cũng vậy. Đã có trường hợp ba lực sĩ Anh bị hội chứng này khi bay qua Sydney dự Thế Vận Hội. Nhưng có những người dễ đông máu khi ngồi trên máy bay hơn những hành khách khác chứ. Dĩ nhiên! Đó là các người: mập, trên 50 tuổi, bị yếu tim sẵn, gia đình có người đã bị tai biến mạch máu, hút thuốc lá và các bà uống thuốc ngừa thai. Hành khách nào có càng nhiều món…ăn chơi kể trên thì càng dễ có nguy cơ. Muốn ít nguy cơ thì phải mần răng? Rất dễ. Nên đi lui tới càng nhiều càng tốt, khi ngồi thì nên nhúc nhích chân cẳng như đang lái xe hơi, khi nhả ga, khi đạp thắng, miễn là đừng đạp cẳng người ngồi bên cạnh! Không để hành lý dưới chân, không uống rượu miễn phí cho cố, nên uống nhiều nước trà, nước trái cây hoặc nước suối. Nếu không có vấn đề về y khoa thì nên uống một viên Aspirin 100mg trước khi lên máy bay.

Nghe tôi thác lời ông Bác sĩ Tôn Thất Hứa, chuyên viên về cấp cứu và hồi sinh, dặn dò, các ông bạn tôi mặt mày tươi rói. Vậy thì có chi mà…lạnh! Mùa đông này ta lại rủ nhau qui hồi cố hương tìm hơi ấm. Tôi nghĩ: có chết các ông ấy cũng lết về. Ba cái lạnh cẳng lẻ tẻ có chi mô mà care!

12/2009