Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

ỚT

Bạn tôi thiếu chi người miền Trung nước Việt. Vậy nên bà hàng xóm đêm đêm nằm cạnh tôi mới chính gốc dân Huế. Dân miền Trung ăn cay có tiếng. Có ông cứ mỗi miếng cơm là một trái ớt. Thiếu ớt trong bữa ăn là hỏng. Vậy thì cái danh xưng tôi vẫn gọi đùa các ông bạn là người Việt gốc…ớt có sai chút nào đâu!

Ớt cay là lẽ đương nhiên. Chẳng thế mà người ta vẫn ví việc ăn ớt với thi hỏng. Cái cay ở đây chắc là cay đắng.

Ngày mai tớ hỏng tớ đi ngay,
Cúng giỗ từ đây nhớ lấy ngày.
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,
Thi không ăn ớt thế mà cay!

Ông Tú Xương cay không biết bao nhiêu khóa thi. Ông thật có diễm phúc vì trong đời thi cử, nếu cứ khoa nào dính tên trên bảng vàng khoa đó thì chán chết. Không có vị…ớt của thời học trò. Phải có tí cay cay của thi trượt mới hưởng được hết cái thú vị của thời cắp sách tới trường. Cũng như phải có tí ớt thì miệng mồm mới cảm thấy cái ngon của miếng ăn.

Ớt còn được người đời cho đi đôi với ghen. Ớt nào là ớt chẳng cay / Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng. Huyền thoại còn đi xa hơn: bà nào càng ghen dữ thì trồng ớt càng cay. Vậy nên các bà thường ngại ngùng khi trồng ớt. Nếu ớt trồng không cay thì chồng dễ giỡn mặt đi theo anh Tiger Woods, nếu ớt cay thì mang tiếng ghen thứ thiệt. Có tươi cười cách mấy cũng vẫn…tiếng tăm. Thân em như ớt chín cây / Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng.

Ớt cứ dính vào ghen. Từ thời có ca dao tới chừ. Gái ngại không trồng ớt thì để các chàng trai nước Việt trồng vậy. Đàn ông trồng ớt là đúng chỉ số. Nhưng trồng cả ruộng ớt thì quá đáng. Người làm quá này là anh Văn Quang ở Đức Huệ, tỉnh Long An. Anh này vốn dân khố rách áo ôm. Năm 2007 anh trồng ớt thay lúa trên đồng ruộng. Vậy mà trúng. Ớt đã đổi đời gia đình anh từ khố rách áo ôm trở thành có đồng ra đồng vào thoải mái. Anh Quang cũng đổi đời. Anh dùng tiền bán ớt để thử cái ghen của cô vợ Thu Ba. Anh có bồ, có vợ nhỏ. Chị Thu Ba không trồng ớt nhưng cũng cay. Chị dọa đòi ly hôn và bỏ về nhà cha mẹ cho đã nư. Nằm ở nhà cha mẹ chán mà không thấy chồng tới năn nỉ ỉ ôi đón về, chị…cay. Ớt của anh cay thì ghen của chị cay hơn. Đêm 5 tháng 12 năm 2008, chờ cho anh chồng ngủ say, chị lẻn về nhà, bỏ thuốc khai quang vào các bình thuốc tưới cây của chồng. Các người làm công cho anh Quang đâu có biết trong nhà có kẻ nội thù nên cứ tưới ớt như thường ngày. Tưới được hai lần thì cả ruộng ớt thối rữa nằm chèo queo xuống đất. Anh Quang đi thưa. Nhà chức trách điều tra sự việc. Cuối cùng lòi ra thủ phạm là…hiền thê của chủ nhân. Chị bị buộc phải đền bù 40 triệu đồng. Thật cay hơn ớt!

Ớt cay đến thế nào tôi không rõ bởi vì tôi rất yếu…cay. Tôi chỉ đụng tới ớt khi ăn phở. Thường là ăn thứ ớt trâu trái lớn màu xanh xắt lát. Ớt trâu nên thơm mùi ớt là chính, cay là phụ, rất hợp với tài ăn cay của tôi. Nếu nhà hàng không có ớt trâu, chỉ bày ra những trái ớt chỉ thiên nhỏ xíu mà cay chết người thì tôi cũng ăn nhưng ăn theo kiểu mèo. Thỉnh thoảng cắn một chút. Miếng cắn được tính bằng milimét! Cả một tô phở to đùng chỉ tốn chừng một phần mười trái ớt chỉ thiên bé chút xíu. Tài ăn cay của tôi siêu việt như vậy nên tôi rất ngại ngùng khi ngồi ăn với các ông bạn có gốc ớt của tôi. Thấy các ông ấy chơi ớt mà choáng váng. Mỗi miếng cơm là tiêu đời một trái ớt nguyên con chỉ bỏ cuống!

Phục tài ngốn ớt của bạn bè, tôi nghĩ là trên thế gian này các ông ấy là nhất. Nhưng không phải. Một ông gốc ớt khác mới là…siêu cường. Đó là anh Bùi Ngọc Vinh ngụ tại nhà số 101 đường Lê Ngô Cát, xã Thủy Xuân ở Thừa Thiên – Huế. Anh này mới đúng là dân gốc ớt. Anh chơi ngay một vốc ớt cỡ chục trái bỏ vào miệng nhai ngau ngáu. Chỉ có ớt mình ên. Không cơm không phở. Mà đâu có phải loại ớt trâu như món khoái khẩu của tôi mà là ớt sim chỉ cần ngửi mùi đã thấy cay. Để cho cuộc ăn ớt thêm phần lâm ly rùng rợn, anh Vinh còn bẻ đôi trái ớt, chà lên mặt, lên cổ, lên bắp tay. Vậy mà những vùng nhạy cảm này vẫn bình thường, không có chút phản ứng nào dù chỉ ửng đỏ lên một chút làm thuốc. Anh ký giả mục kích trận biểu diễn ớt thử cắn một tí ớt đã thấy cay thấu trời, nước mắt nước mũi tuôn ra, miệng cay xè. Một người khác thử bẻ trái ớt chà lên tay thì không đầy một phút sau da đỏ ửng và nóng ran tới 15 phút sau mới bớt. Ông thần ớt này tỉnh rụi cho biết: “Thật sự tôi cũng không có khả năng kỳ lạ gì đâu. Tôi có thể ăn ớt như ăn…trái cây, ăn đến no thì thôi vì tôi không hề thấy cay!” Ăn ớt cốt cho cay mà không thèm cay thì chán chết. Bởi vậy nên ăn cơm anh Vinh chẳng bao giờ thèm ăn ớt. Ăn làm chi cho tốn ớt! Ông trời công bằng vô cùng. Cho anh Vinh coi ớt như pha nhưng lại bắt anh Vinh chịu khuất phục tỏi. Tỏi cũng cay nhưng cái cay mềm mỏng hơn ớt nhiều. Vậy mà ông thần ớt này chịu thua. Chỉ cắn một tép tỏi nhỏ là mắt mũi ông thần ớt này rưng rưng liền. Anh cũng ngạc nhiên: “Thật sự tôi cũng rất ngạc nhiên về chính mình. Ăn ớt dù có cay đến đâu tôi cũng không hề có cảm giác, vậy mà ăn tiêu hay ăn tỏi là tôi thấy cay liền, đặc biệt là tỏi!”

Làm sao anh Vinh có thể khinh mạn cái cay của ớt như vậy? Các nhà khoa học của khoa Sinh Đại Học Khoa Học Huế và các nhà chuyên môn của Đại Học Y Khoa Huế lắc đầu hết biết. Họ thú nhận là chưa gặp trường hợp nào như vậy! Theo sự suy đoán của một số người thì có thể đây là một trường hợp do các thụ cảm không tiếp nhận được thông tin vì một trục trặc nào đó trong khu phản xạ bị liệt.

Có lẽ tôi đã nhầm lẫn khi nói anh Vinh thuộc loại người Việt gốc ớt. Thực ra phải liệt anh vào loại người Việt gốc…chim mới đúng. Bởi vì chỉ có chim mới không hề thấy vị cay trong ớt. Chất làm cho ớt có vị cay là chất capsaicin. Chất này kích thích các vùng da và lưỡi vốn là những vùng rất nhạy cảm với nóng và đau. Chất capsaicin trong ớt không phải để cho con người làm gia vị cho nồng miếng ăn. Con tạo chẳng cưng con người đến như vậy. Chất này được tạo ra để cho các loài thú tránh xa không làm hại tới cây ớt. Trong các loài thú đó có loài người. Nhưng người vốn là một loại thú tiến hóa nên tương kế tựu kế dùng ngay chất cay đó làm gia vị để tăng thêm vị cho miếng ăn. Riêng loài chim không cảm thấy vị cay trong ớt. Tại  sao loài có cánh này lại được miễn nhiễm  chất capsaicin như vậy? Đó là một mẹo tiến hóa vì có như vậy chim mới ăn ớt ngon lành, bay đi khắp bốn phương, bài tiết ra hạt ớt khiến ớt nảy sinh ra khắp nơi.

Như vậy kiếp trước anh chàng Vinh của miền Trung nước ta dám là chim lắm! Nhưng cả nhân loại này chẳng lẽ chỉ có mỗi anh chàng Vinh được làm chim? Không. Có nhiều người gốc chim lắm. Nổi nhất là chàng Richard LeFevre, người đã đoạt giải quán quân về ăn ớt của toàn nước Mỹ hồi năm ngoái với chiến tích xực 247 trái ớt trong vòng 8 phút. Nhưng người giữ kỷ lục Guinness là một bà người Ấn tên Anandita Dutta Tamuly với thành tích lụm 60 trái ớt Bhut Jolokia trong 2 phút trên đài truyền hình quốc gia.

Ớt Bhut Jolokia là loại ớt được ghi trong sách kỷ lục Guinness vào tháng 2 năm 2007 là giống ớt cay nhất thế giới, đánh gục kỷ lục do ớt Red Savina giữ từ năm 1994 đến nay. Loại ớt kỷ lục mới này cay gấp đôi ớt giữ kỷ lục cũ. Nói một cách sách vở hơn thì ớt Bhut Jolokia có độ cay 1.041.000 đơn vị Scoville trong khi ớt Red Savina chỉ có 577.000 Scoville. Đừng hỏi tôi cay như vậy là cay tới mức nào vì tôi không muốn rụng mất lưỡi!

Ngành an ninh Ấn Độ, quê hương của ớt cay Bhut Jolokia, đã ngửi ngay thấy mùi cay của loại ớt nhà này. Họ muốn tặng chất cay này cho những người mà họ ghét bỏ dưới hình thức những trái lựu đạn cay. Đó là thành tựu mới đây của Tổ Chức Nghiên Cứu và Phát Triển Kỹ Nghệ Quốc Phòng Ấn Độ, gọi tắt là DRDO. Họ nhồi bột ớt Bhut Jolokia vào lựu đạn cay dùng trong việc trấn áp những phần tử bạo loạn và khủng bố.

Đó là một sáng kiến khá chậm trễ. Ngành…ghen của nước ta đã áp dụng chiêu này từ lâu. Trước năm 1975, một vụ đánh ghen bằng muối ớt đã xảy ra tại Sài Gòn. Một bà vợ ghen đã dùng chén muối ớt của một bà bán trái cây, xông vào một rạp hát, xoa muối ớt lên mắt tình địch đang du dương ngồi xem phim với ông chồng đi hoang của bà.

Chiêu đánh ghen bằng ớt này lại vừa được tái diễn tại thị trấn Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tác giả vụ này là một bà tên Trinh. Chồng bà đã có ba cô con gái với bà nhưng gần đây bỗng nổi cơn thèm phở. Phở của ông là cô Huỳnh Thị Hồng Vy, 28 tuổi. Cô này có thai và mới sanh được một mống con trai khoảng hơn hai tháng. Cả hai mẹ con đang tá túc tại nhà bác sĩ Nguyễn Thị Đề Anh. Vụ đánh ghen có tổ chức gồm một nhóm người bịt mặt xông vào phòng mạch của bác sĩ Anh, tới thẳng căn phòng hai mẹ con chị Vy đang trú ngụ. Thấy đứa con trai sơ sinh của chị Vy đang nằm trên võng, họ lao vào đứa nhỏ. Bác sĩ Ánh hoảng sợ giằng lấy đứa trẻ. Một phụ nữ trong toán người đánh ghen vội lấy bịch ớt tươi đã nghiền nát pha với nước đổ lên người và xát lên mặt bà bác sĩ. Vài người khác túm tóc chị Vy, vật xuống nền nhà, rạch mặt và xát ớt lên cơ thể chị Vy. Sau đó bà Trinh đã tới công an huyện Đức Phổ đầu thú.
Trái ớt vô tội. Người dùng ớt mới có tội. Bởi vì ớt cũng có lợi ích cho sức khỏe. Các nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Y Khoa Cedars-Sinai ở Los Angeles đã chứng minh là chất capsaicin trong ớt có thể giết chết các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Họ đã thí nghiệm trên chuột với hàm lượng chất cay này tương đương với một người đàn ông nặng 90 kí ăn từ 3 đến 8 trái ớt habanero ba lần mỗi tuần.

Số lượng ớt như vậy có nhiều không? Tùy người. Cỡ như tôi thì là quá nhiều. Nhưng con người, trừ các ông thần ớt như anh Vinh và bằng hữu của anh, ăn quá nhiều ớt có thể dẫn đến con đường về chầu ông bà  ông vải không? Thực ra chưa ai thấy thảm trạng bi đát như vậy. Các nhà khoa học cũng đã từng thí nghiệm để tìm câu trả lời. Như các nhà nghiên cứu của Đại Học Y Khoa Niigata ở Nhật. Họ cho các chú chuột xơi capsaicin nguyên chất. Kết quả các chú lăn quay ra chết vì phổi bị tổn thương. Vậy thì con người cũng có thể lăn quay ra như chuột được chứ. Trên lý thuyết thì được nhưng trên thực tế việc này khó xảy ra. Vì muốn quay cu lơ như chuột ăn capsaicin thì con người phải chén một lúc hàng trăm ngàn trái ớt. Thường thì chỉ mới chục trái họ đã giơ tay đầu hàng rồi. Chết thì không chết nhưng chục trái ớt có thể gây ra phản ứng phụ làm phiền cái bàn cầu!

Chơi ớt nguyên trái không phải ai cũng thích và ai cũng làm được. Nhưng có tí chất cay thực phẩm trần gian có ý nhị hẳn lên. Để dung hòa người ta đã chế ra tương ớt. Bạn thử nhìn vào trong tủ lạnh hoặc trong ngăn bếp trong nhà có phần chắc là bạn sẽ thấy một chai tương ớt mang nhãn hiệu Huy Fong nằm chình ình trong đó. Không là một hũ tương ớt tỏi thì cũng là một chai tương ớt phở mang nhãn hiệu Sriracha. Hầu như các đồng hương của chúng ta đều đã nhúng đũa vào thứ tương ớt đỏ au này. Vậy mà trong gần ba chục năm hoạt động, vị chủ nhân David Trần của thứ tương ớt phổ biến này chưa hề mất một xu quảng cáo nào. Cứ miệng mách miệng mà “đế quốc” tương ớt Huy Fong chẳng ai không biết. Chủ nhân ông David Trần cứ lẳng lặng nhặt bạc cắc.

Ông Trần này, sanh năm 1945, là một nông dân chính hiệu bà lang trọc của miền Nam Việt Nam. Ông hình như có duyên với ớt. Từ ngày còn ở trong nước ông đã trồng ớt và sản xuất tương ớt. Năm 1977 ông vượt biên qua Hong Kong, nằm ở trại tị nạn ba năm, mãi tới tháng 1 năm 1980 ông mới đặt chân tới Mỹ và định cư tại Los Angeles. Trong một lần đi chợ tại khu Chinatown ở Los Angeles, ông mua một chai tương ớt về ăn. Thấy chai tương không hợp khẩu vị, ông nảy ra ý định làm tương ớt. Ông kể với báo New York Times là ông ra ngân hàng xin vay vốn để làm tương ớt. Ông trình bày dự án ước tính sẽ kiếm dễ dàng một triệu đô để xin vay 200 ngàn đô. Ngân hàng từ chối cùng phiêu lưu với ông. Không dễ dàng chịu thua, có nhiêu làm nhiêu, ông dốc hết tiền để dành của tất cả gia đình để thành lập hãng làm tương ớt Huy Fong Foods. Từ đâu có cái tên Huy Fong nghe như tiếng Tàu? Đúng là tên Tàu thiệt, hai thứ tàu lận. Đó là tên Tàu của chiếc tàu Đài Loan đã cứu vớt gia đình ông! Với vốn liếng vỏn vẹn 50 ngàn đô, ông thuê một căn nhà rộng 232 thước vuông ở ngay khu phố tàu của Los Angeles với giá 700 đô một tháng. Ông chở sản phẩm bằng chiếc xe hàng tới các chợ Tàu và Việt chào bán. Lúc đầu ông chỉ hy vọng bán được cho các tiệm phở và các nhà hàng ăn là ngon lành rồi. Ai ngờ các gia đình Việt Nam và ngay cả các sắc dân Á châu khác đều hảo với món tương ớt đặc sệt chất Việt này. Tương ớt cứ ùn ùn chở tiền vào két sắt của anh nông dân làm kinh tế giỏi hơn mấy ông ngân hàng này. Có tiền ông mở mang thêm cơ xưởng. Ông chuyển cơ sở sang một tòa nhà rộng tới 6.300 thước vuông ở Rosemead vào năm 1986 rồi mua nguyên một miếng đất ở San Diego để trồng ớt riêng. Đặc biệt là máy móc làm tương ớt đều do ông David Trần chế tạo lấy mặc dù kiến thức về cơ khí của ông chẳng được bao nhiêu.

Năm 1983 ông cho ra đời tương ăn phở mang nhãn hiệu Sriracha trong những chai trong suốt ánh lên màu đỏ của ớt với chiếc nắp nhựa màu xanh lá. Tại sao lại màu xanh lá? Đó là màu tượng trưng cho ớt tươi. Sản phẩm của ông toàn làm bằng ớt tươi do chính ông lựa giống và tự trồng. Trả lời báo Los Angeles, ông Trần cho biết là ông chọn giống ớt jalapeno không cay lắm và có màu đỏ tươi. Tương ớt hiệu con gà Sriracha là ớt nguyên chất không pha thêm phẩm màu hoặc nước. Vị thơm ngon của tương ớt do ông Trần chế tạo đã chinh phục được những cái miệng ăn cay của dân Mỹ và các sắc dân khác. Rất nhiều nhà hàng, siêu thị và các cửa hiệu tạp hóa Mỹ đã dùng và bán tương ớt Huy Fong. Chỉ nguyên tương ớt Sriracha đã bán được hơn 10 triệu chai mỗi năm khiến báo Mỹ Los Angeles đã tặng ông danh hiệu “The Emperor of Hot Sauce”. Nói với báo New York Times, anh William Trần, con trai cả của ông David Trần, người đảm nhiệm chức Giám đốc của Huy Fong Foods hiện nay cho biết: “Cả đời cha tôi mê mẩn với hương cay của ớt. Chính nó thôi thúc ông cố gắng không biết mệt mỏi cho sự thành công của Huy Fong Foods. Ông xứng đáng với danh hiệu ‘Ông vua tương ớt’ mà tạp chí Los Angeles tặng ông”.

Ngai vàng tương ớt ông David Trần có được là nhờ tương ớt của ông hợp với miệng muôn dân. Đó là loại tương ớt hiền hòa, không…bạo động. Tương ớt cay loại khủng phải dành cho loại Snake Bite Sauce. Gớm! Nghe tên đã thấy cay xè. Đây là sản phẩm của anh chàng fan cuồng nhiệt của tương ớt McMullan, có độ cay gấp 300 lần các loại tương ớt thường. Chàng McMullan chế ra loại tương ớt này cho vui và chỉ định làm cỡ trăm chai tặng bạn bè. Ai ngờ trên thế giới, từ khắp các châu lục Âu, Úc, Mỹ tới các nước Nepal, Ba Tư, Mông Cổ đã hào hứng lên đồng với chất cay khi anh thử rao bán trên trang mạng thechileman.org. Bốn trăm chai đã hết ngay trong vỏn vẹn có 8 tiếng đồng hồ! Tương loại siêu cay này làm bằng loại ớt mang tên Ớt Rắn của Bangladesh cay khủng khiếp. Cay như thế nào, một khách hàng đã miêu tả: “Snake Bite Sauce khiến bạn liên tưởng tới việc đang uống một chút nọc rắn. Nó cũng biết đánh lừa cảm giác bạn, bởi mùi vị hương hoa quả thoạt tiên khá dễ chịu. Bạn thấy nó không khác gì mấy loại sốt cà chua mà mình thường dùng. Nhưng ngay sau đó, hương vị bắt đầu đốt cháy tim gan, bạn như bốc hoả trong xăng hay pháo hoa. Lúc này, Snake Bite Sauce khiến bạn liên tưởng tới việc mình đang nuốt một viên than đỏ rực. Tưởng rằng khi nó đã đi qua cổ họng là đã xong, nhưng không, miệng bạn vẫn xèo xèo như thể cháy mỡ, giá cho thêm bất cứ thứ gì vào, nó cũng có thể làm cháy luôn thức ăn trong miệng. Mười phút sau, khi miệng đã hạ hỏa, thì đôi mắt của bạn bắt đầu xè xè cay, cảm giác cháy bỏng đó sẽ còn tiếp tục hành hạ bạn trong 30 phút đến 1 tiếng nữa”.

Khiếp! Chuyện này không có tôi. Ớt là chuyện ăn chơi cho vui. Vui tới cháy mồm cháy miệng như vậy không vui chút nào. Vui họa chăng có ở một loại ớt khác. Ớt Peter Pepper còn có tên gọi là Penis Pepper. Nghe tên đã thấy hình hài! Ngày xưa các cụ chơi với thằng cháu thường gọi đùa cái vòi phun nước của cháu là trái ớt. Kể ra cũng giống trái ớt chỉ thiên nhỏ xíu dễ thương thiệt. Nhưng cái thứ Penis Pepper này thì lại khác. Nó xuất thân từ các tiểu bang Louisiana và Texas, dài khoảng từ 7 tới 10 centimetre, màu đỏ. Ớt này thuộc loại cay trung bình nhưng rất nổi tiếng nhờ vào hình dáng của nó. Dài ngoằng và có cái vòm như cái đầu rùa ở phần đầu. Y chang hình…thằng lớn! Đây là loại ớt Mỹ được Bộ Nông Nghiệp Mỹ (States Department of Agriculture) liệt vào loại hiếm và…quý! Tôi ngờ rằng loại ớt này do các ông nhà nông trồng. Bởi vì là nhà nông nên mấy ông nội này ít tưởng tượng và thiếu sáng kiến nên cứ nhìn thấy của mình ra sao là cắm xuống đất y chang như vậy! Thì cắm vào đâu chẳng là cắm!

01/2010