Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

PHÊ

Kris Line, 31 tuổi, Giảng viên của Đại Học Stafforedshire chơi nguyên một màn say sưa trên chuyến bay của Air Canada từ phi trường Heathrow ở Luân Đôn về tới phi trường Vancouver ở Canada. Máy bay hạ cánh, tốp lại hẳn hoi, hành khách lục tục đi xuống, chàng trung niên vẫn say sưa giấc điệp. Các chàng và nàng tiếp viên không biết vì một lý do gì không nhìn thấy nguyên một người đàn ông to tổ chảng còn đang nằm ngủ ngon lành trên máy bay. Chàng giảng viên này chỉ tỉnh giấc nồng khi có một bàn tay vỗ lên vai đánh thức. Đó là bàn tay của một nhân viên bảo trì máy bay! Chàng hốt hoảng nhỏm dậy, chạy đi lấy hành lý vì sợ không kịp tới một hội nghị quốc tế để đọc tham luận! Nhân viên bảo trì, chắc cũng có máu phiếm, nói giỡn: “Đừng lo, hãy tiếp tục ngủ tới khi nào anh muốn. Chuyến bay đã hạ cánh cách đây hơn một giờ rồi!”. Ngủ no nê nên máu cà khịa trong người khoan khoái trỗi dậy, chàng giảng viên thắc mắc tại sao các tiếp viên không đánh thức chàng? Chàng khiếu nại với Air Canada. Chiều khách, hãng máy bay xin lỗi và để tạ lỗi một cách cụ thể, họ hứa sẽ giảm vé máy bay cho chàng tới 20% trong chuyến bay tới. Nhưng họ cũng kèm theo một câu: “Chuyện này chưa từng xảy ra trước đây!”

Vừa phê lại vừa được đền bù, chẳng ai…phê bằng anh chàng 31 tuổi này! Phê hay không phê, khi tiếng gọi của ông thần mắt nhắm cất lên thì mi mắt bỗng ngàn cân, chẳng chống đỡ gì nổi. Ông Thị Trưởng Noel Atkins của thành phố Worthing ở bên Anh, đường đường một đấng quan to, cũng chịu lép. Mới đầu tháng 4 năm nay, ông tới chủ tọa một buổi diễn kịch của học sinh trường trung tiểu học Vale trong thành phố. Ngồi coi được chừng 20 phút là ông nhắm mắt đi vào mộng. Phu nhân của ông ngồi kế bên cũng thiu thiu gật gù. Hai vị khách quý triền miên trong giấc mộng khiến các kịch sĩ tí hon tức đến phát khóc. Các em gái cho rằng mình diễn xuất quá dở nên mới xảy ra tình trạng đáng…gật này. Cháu bé Ashley Knowlson buồn bực nói: “Cháu không thể tin là bác ấy ngủ trong buổi biểu diễn. Chúng cháu rất thất vọng. Chúng cháu đã tập luyện rất vất vả và thực sự rất thích thú với vở nhạc kịch đó!”. Bà mẹ của em Ashley cũng tức dùm cho con: “Đó là một buổi tối quan trọng đối với lũ trẻ, bởi các cháu được biểu diễn trước mặt ngài Thị Trưởng, một nhân vật rất quan trọng. Điều tối thiểu nhất mà ông ấy và vợ nên làm là duy trì trạng thái tỉnh táo trong suốt buổi biểu diễn. Ông ấy đã hủy hoại một buổi tối đặc biệt của các học sinh”. Ngài Thị Trưởng và phu nhân rất hối hận vì phê không đúng chỗ nhưng là một chính khách, ông cũng khôn khéo như một chính khách. Ông nói là ông bị cảm và những viên thuốc đã làm ông buồn ngủ. Không thấy ông đỡ đòn cho bà vợ. Có lẽ bả cũng bị cảm! Người phát ngôn của Hội đồng Thành phố thì tuyên bố là trước khi tới coi kịch, ông Thị Trưởng đã hội họp nhiều buổi họp rất căng thẳng nên mới…thẳng cẳng ra như vậy. Chẳng lẽ bà vợ của ông cũng…căng thẳng!

Tôi viết lại tin tức đã đọc được mà không có dụng ý chọc quê ông Thị Trưởng, cũng như không có ý bỡn cợt ông Giảng Viên Đại Học. Trong thâm tâm tôi chỉ muốn nhem thèm các ông bà bạn tôi, những người luôn than phiền vì sự ngủ nghê chẳng ra làm sao của họ. Ông thì bảo là già rồi nên khó ngủ, bà thì than đêm đêm chỉ nhắm mắt để đấy chứ có ngủ nghê chi đâu. Ông bạn thân của tôi là ông Luân Hoán thì  suốt đêm lục đục, mắt cứ thao láo ra. Có một đêm ông ngủ được năm tiếng là hớn hở khoe ngay.

1 giờ lên giường ngủ đêm mùng Chín
6 giờ thức dậy sống cho ngày Mười
tính ra được gần hơn năm tiếng mộng
soi gương đánh răng thấy mặt vẫn tươi

Cái đêm…lịch sử đó là đêm mùng 9 tháng 4 vừa qua. Sở dĩ tôi tường tận như vậy là vì vào trong website của ông, thấy ông mới bày ra một mục mới. Đó là mục “Nhật Ký Vớ Vẩn”. Từ đầu năm tây tới giờ, ông làm gì, nghĩ gì, ăn uống chi, ngủ ngáy ra sao, ông…thơ tuốt, ghi giờ ghi ngày lại ghi thêm cả trời mưa trời nắng và hàng ngày post lên cho mọi người coi chơi. Ngày nào cũng làm thơ, có ngày làm hai ba cữ, ông thành khẩn khai báo hết. Thành khẩn thật vì đêm sinh nhật 69 tuổi, bonus một cái cũng khai ra rõ ràng.

bài trả đêm qua không phải quà
định kỳ không tính đó em à
hôm nay sinh nhật cần bonus
để chứng tỏ mình trẻ khỏe ra

Bạn nào muốn biết giờ nào, ngày nào, nhà thơ của chúng ta làm gì cứ vào www.luanhoan.netlà rõ ràng hết.

Không ngủ được, nhà thơ làm…ấy. Kể cũng khó khỏe ra. Hại ngang hại dọc, hại trên hại dưới. Nhưng nòi tình biết mần răng! Thật khác với những ông bà bạn tôi, những người đã tới tuổi một mình một giường. Không ngủ được là không ngủ được. Bởi vậy tôi mới nhem thèm bằng câu chuyện ngủ trên máy bay, ngủ trong rạp hát của những hậu duệ của đồng dao Việt Nam. Tôi nghĩ hai ông, một bà ngủ túi bụi trên, tuy giống dòng Hồng Mao nhưng là con cháu của ông thợ cưa quá! Ông thợ cưa này tôi quen từ ngày còn nằm nôi nghe mẹ ru. Kéo cưa kéo kít / Ăn ít ăn nhiều / Nằm đâu ngủ đấy / Nó lấy mất cưa / Lấy gì mà kéo / Lấy kẹo mà ăn!

Kể cũng ngược ngạo, dân Hồng Mao ngủ như ông thợ cưa khò khò tới mất cưa trong khi ông Việt Nam thì đối lập cật lực với…tiền nhân. Anh chàng hỗn hào đó tên Đinh Sỹ Cảng ở Hà Tĩnh. Anh năm nay 46 tuổi nhưng có thành tích 18 năm thức trắng không ngủ một chút xíu nào. Tại sao sự tình lại…tỉnh như vậy? Tại vì vợ anh sanh! Mà đâu có phải con so để anh lo lắng hoặc vui mừng đến quên ngủ luôn. Đó là đứa con gái thứ ba của hai vợ chồng. Đêm đêm vợ con ngủ thì anh thức. Phải thức vậy thôi chứ có phải canh gác chi đâu. Bác sĩ nói anh bị suy nhược thần kinh và cho thuốc uống. Đâu có ăn nhằm chi, con mắt vẫn thao láo hàng đêm. Tăng thêm số lượng thuốc cũng chẳng ăn thua chi. Anh tìm tới các bệnh viện lớn ở Hà Nội lẫn Sài Gòn nhưng vẫn chẳng ngủ được. Bí quá anh quay qua thuốc dân gian. Vẫn bù trất. Anh đi tới giải pháp chót: uống rượu! Thời gian đầu thì sau khi uống anh chợp mắt được một chút. Riết rồi rượu cũng bó tay. Anh uống tới xỉn luôn mà cũng chằng ngủ nghê gì được. Hết thuốc chữa, anh phiếm: “Mình phải sống cả đời với ban ngày nên thức cho người khác ngủ cũng là một niềm vui!”. Nghe phê hết biết! Có điều lạ là dù không ngủ trong 18 năm, nhịp sinh học hoàn toàn thay đổi, nhưng sức khỏe anh vẫn bình thường chỉ có trí nhớ hơi suy giảm. Anh cao 1 thước 70, nặng 67 kí!

Anh Marco Mureno không được oai hùng như anh Đinh Sỹ Cảng của chúng ta. Anh cũng mất ngủ kinh niên. Chuyện bắt đầu vào tháng 4 năm 2002. Bữa đó anh tới trường Đại học Greenwich học cả ngày, buổi tối anh làm bồi bàn tại một tiệm ăn, về nhà mệt lử, anh nghĩ rằng sẽ ngủ ngon lành. Vậy mà anh chẳng thể…phê được. Anh lăn lộn, xoay trở ngược xuôi mà mắt vẫn thao láo. “Tôi đã không thức giấc vào sáng hôm sau bởi vì tôi chưa hề ngủ! Tôi thực sự kiệt sức nhưng vẫn cố gượng để sống sót qua ngày hôm đó. Tối đó, tôi đổ gục xuống giường nhưng vẫn không thể nhắm mắt được. Tôi không thể ngủ!”. Tình trạng kéo tới ba ngày thì anh mất tinh thần, da xám lại, mắt thâm quầng, mệt rã rời. “Sang ngày thứ tư, trông tôi không khác gì một thây ma sống. Tôi không thể tập trung, tỏ ra cộc cằn và dễ cáu kỉnh. Giây phút duy nhất mà tôi ngủ được là trong giờ học. Tôi đang nghe giảng thì thiu thiu ngủ. Nhưng chỉ chừng một phút, đầu gục xuống bàn là tôi lại thức giấc.” Cuối cùng anh lại tìm tới rượu như anh Cảng ở Hà Tĩnh nhưng cái chất cay này cũng bất lực. Ba tháng sau, vẫn thao láo mỗi đêm, anh quyết định tạm ngưng việc học sau khi tinh thần quá căng thẳng. “Mắt tôi nặng trĩu và không ngừng gật gù suốt ngày. Gật gù nhưng chỉ vài phút tôi lại tỉnh như thường. Trước kia tôi là một người vui vẻ, giờ đây tôi trở nên cáu kỉnh, mất việc, mất bạn gái và thậm chí đã có lúc tôi nghĩ tôi đã mất tất cả chỉ vì giấc ngủ”. Sau một năm chống mắt, anh đến Trung Tâm Innersound ở Luân Đôn và được chữa trị bằng cách làm giảm stress. Kết quả khả quan: anh đã có thể nhắm mắt ngủ. “Tôi có cảm giác cuộc sống đã quay trở lại với mình. Tôi ghi tên ngay vào một khóa học của Trung Tâm, đi chơi cùng bạn bè và kiếm việc làm. Hiện tôi đang giúp đỡ những người không thể ngủ được giống mình”.

Không hiểu anh chàng người Anh Marco Mureno này giúp đỡ người khác bằng cách nào nhưng trường hợp của anh và của anh Đinh Sỹ Cảng là một an ủi cho mấy ông bà bạn của tôi. Mất ngủ như thế mới gọi là mất ngủ chứ một đêm vẫn phê được hai ba tiếng thì còn là hạnh phúc! Nói như vậy dễ mất lòng nhau vì tôi là người thuộc loại khò khò. Bạn đồng minh của tôi là ông bạn Trường Kỳ nay đã ra người thiên cổ. Ông này cũng là một cây phê. Chơi với nhau nhưng ban đêm ông ngủ ngáy ra sao, tôi nào có biết. Chị Thu Huyền cũng không bao giờ tiết lộ chuyện đêm hôm cả. Phải tới khi đọc trong cuốn “Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng” do bạn bè viết về anh nhân ngày giỗ đầu, tôi mới biết chuyện ngủ nghê của ông bạn. Người tiết lộ là nhạc sĩ Bảo Chấn, người đã lái xe ôm cho ông vua nhạc trẻ trong một kỳ ông vua Kỳ về chơi Sài Gòn. “Tức cười nhất, mỗi lần dừng xe vào quán cà phê, chuyện đang râm ran thì ảnh im bặt. Lúc để ý, hóa ra cha nội đang…ngáy! Anh Kỳ dễ ngủ vô cùng!”. Một lần khác, lần này ở Houston. “Duy Nghi giao cho bọn tôi một căn nhà bỏ trống, rộng mênh mông. Anh em tụi tôi thỏa sức đi ngang dọc khắp chốn, tận khuya mới mò về ngủ. Một hôm đang ngủ (mỗi người một phòng), tôi nghe tiếng tí tách từ nhà dưới. Tôi đoán có lẽ lúc về muộn quên đóng cửa phòng ăn thông ra hồ bơi nên mấy con “gặm nhắm” lẻn vào bếp rồi. Tôi len lén xuống cầu thang, vào bếp, với tay bật đèn. Hóa ra cậu Kỳ đang ngồi xơi bánh qui lép bép. Anh than bệnh tiểu đường cứ uống thuốc vào là đói ngấu nghiến….Tôi nấu hai tô mì đầy đủ nội dung cho cả hai người cùng ăn. Ăn xong, Kỳ leo ngay lên phòng. Năm phút sau đã ngáy ầm ĩ! Tôi liếc vào phòng thấy một “bé thơ” lớn tuổi đang say giấc nồng. Dễ thương vậy đó!”. Kéo ông Trường Kỳ vào làm đồng minh trong cái màn phê đã ăn thua chi. Bạn đồng minh của tôi cỡ lớn hơn nhiều. Lớn nhất là Nữ Hoàng nước Anh. Đã nhiều lần các nhiếp ảnh gia chụp được hình ngài và Thái Tử Charles đang…thiền trong khi chủ tọa các buổi lễ. Gần đây nhất, chuyện mới xảy ra vào giữa tháng 4 này, Đức Giáo Hoàng, trong một buổi lễ cử hành khi Ngài thăm viếng thủ đô Valletta của Malta, gật như điên trước hàng ngàn người khiến vị giúp lễ phải khều tay đánh thức.

Ăn, ngủ, thêm hai thứ khác của túi khôn của các cụ là thú vui của cuộc đời. Mất đi một thứ là  mất hẳn đi một phần tư cuộc đời. Tính toán sòng phẳng như vậy mới thấy thấm thía sự mất mát này. Vậy mà cứ khơi khơi mang nhau ra giễu. Vô duyên là cái cẳng! Nhưng cái máu phiếm là thứ máu nằm lềnh khênh trong người tôi. Cứ giễu được là giễu. Thử giễu một chút coi có dở không. Một ông đi bác sĩ vì thấy trong mình không được khỏe. Bác sĩ nghe tim phổi, đo máu đo nhịp thở rồi nói: “Bệnh của ông không lấy gì làm nặng, chỉ cần dưỡng sức. Để tôi cho ông một toa thuốc ngủ”. Ông bệnh nhân nghe thấy vậy liền hỏi lại: “Nhưng, thưa bác sĩ, tôi đâu có mất ngủ?” Bác sĩ gạt đi: “Không sao! Thuốc này dành cho bà nhà!”.

Trị bệnh một cách gián tiếp như vậy là nâng khả năng điều trị của thuốc ngủ. Một người uống, hai người ngủ. Cả hai cùng phê. Ông thầy này quả là thầy! Chắc thầy cũng biết là thuốc ngủ là một thứ thuốc có hại nên mới cho một người uống mà tới hai người ngủ như vậy. Vậy mà thuốc ngủ lại là thứ thuốc bán được nhiều nhất trên thế giới!

Con người càng ngày càng khó ngủ. Hình như đời sống ngày nay tất bật hơn, căng thẳng hơn, rộn ràng hơn, náo động hơn, điên cuồng hơn. Động như vậy nên khó ngủ. Khó ngủ là há miệng ra, thảy một viên thuốc ngủ vào. Có người ngủ được, có ngưòi vẫn không ngủ được. Không ngủ được thì hai viên. Không ngủ được nữa thì ném thêm vô. Thêm tới bao nhiêu thì tôi chịu dốt. Vì cả đời tôi chưa bao giờ mất một xu cho thuốc ngủ.

Vì cái hại của thuốc ngủ nên y giới đã có những cách trị khác thay thế cho thuốc ngủ. Chẳng hạn như chữa mất ngủ bằng phương pháp nhận thức (Cognitive Behavorial Therapy), viết tắt là CBT. Đây là phương pháp trước đây người ta dùng để chữa một số bệnh tâm thần như trầm cảm, sợ hãi, bồn chồn, rối loạn ăn uống và nghiện ma túy. Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của mất ngủ là những yếu tố tâm lý và cách cư xử của chúng ta. CBT có thể giúp chúng ta thay đổi những ý nghĩ và hành động để chúng ta rũ bỏ những vướng víu gây nên chứng mất ngủ. Nguyên tắc của CBT là: cách chúng ta nhận thức và hành động ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận. Thí dụ một bà cứ nghĩ là phải ngủ đủ 8 tiếng mới OK nhưng thực ra có thể ngủ 7 tiếng cũng là đủ rồi. Nhưng đã nghĩ như vậy là cảm nhận như vậy. Ít hơn 8 tiếng là thấy người mệt mỏi, làm biếng, rã rời. Hoặc khi nằm tơ lơ mơ chờ giấc ngủ tới, chúng ta nghĩ là chúng ta chưa ngủ nhưng thực sự chúng ta đã ngủ rồi. Có nhiều đêm, sau khi thức dậy giữa chừng, cố gắng nằm ngủ lại, tôi tưởng là mình chưa ngủ nhưng thực sự, khi thử mở mắt nhìn đồng hồ mới thấy là đã qua ba bốn tiếng phù du. Một ông bạn tôi đã có lần hỏi tôi: “Làm sao biết được mình ngủ hay không?” Chắc là cũng đồng bệnh với tôi. Các chuyên viên chữa trị bằng phương pháp CBT sẽ giúp bệnh nhân thay đổi phần óc chủ động chu kỳ ngủ thức của họ. Mỗi lần chữa là 30 phút và cần tới từ 4 tới 8 lần mới dứt.

Ông bác sĩ  Đỗ Hồng Ngọc cũng chê thuốc ngủ. Ông khuyên nên thay thế thuốc ngủ bằng…thiền để cứu rỗi cái thế giới quá vọng động của chúng ta ngày nay. “Thiền có thể thay cho ngủ, dù thiền không phải là ngủ, trái lại thiền là tỉnh giác. Thế nhưng, về mặt sinh học, thiền tiêu hao năng lượng rất ít, ít hơn cả giấc ngủ, nhờ đó tiết kiệm được năng lượng, không phải tiêu hao cho cái tâm náo động. Khi tâm được an, “an tịnh tâm hành” thực sự thì năng lượng tiêu hao giảm hơn một nửa. Nhưng không phải ai cũng thành công với thiền nên một nghệ thuật ngủ là cần thiết để giảm bớt…thuốc ngủ!”

Ông Đỗ Hồng Ngọc nói đúng. Các ông bạn tôi, tuổi đáng lẽ phải tĩnh thì lại không chịu tĩnh. Cứ động đậy lia chia. Cỡ ông Luân Hoán. Mất ngủ là phải. Nhưng bảo các ông ấy thiền thì cầm bằng như huề! Thiền chi nổi. Quên đi chuyện thiền cho tiện việc sổ sách. “Nghệ thuật ngủ” thì may ra. Lại nghe ông Ngọc. “Có một “nghệ thuật ngủ” như sau: khi nào buồn ngủ thì đi ngủ ngay. Đừng ráng. Ráng thì khó mà dỗ lại giấc ngủ. Chưa buồn ngủ thì kệ nó, việc gì phải ngủ! Cơ thể sẽ biết cách tự điều chỉnh, nghĩa là biết cách ngủ bù. Tiếng Việt ta thiệt hay. Không nói “mắc ngủ” mà nói “buồn ngủ”. Vì buồn mới dễ ngủ. Vui khó ngủ. Vui là kích thích, là hào hứng, là rộn rã. Thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp tăng. Buồn, mọi thứ xìu xuống. Giảm kích thích. Thở chậm, tim đập chậm và huyết áp cũng giảm. Cho nên cách dỗ giấc ngủ tốt nhất là làm cho cơ thể rơi vào trạng thái “buồn”. Đó là cách tách “thân xác” ra khỏi “thân hơi”. Buông xả toàn bộ thân xác như rã nó ra, xì nó xuống, làm cho nó xẹp lép, hết căng. Đặt tay chân trong tư thế tự nhiên không gò ép, miễn dễ chịu. Khi “thân xác” đã xẹp lép, lửng lơ như vậy rồi thì tập trung chú ý tới “thân hơi”, tức là hơi thở của ta. Không cần phải cố gắng điều khiển hơi thở, ráng sức điều hòa hơi thở chi cả. Bởi còn ráng, còn cố gắng thì còn căng, không gọi là buông xả được! Cứ để “thân hơi” tự nhiên, nó sẽ biết lúc nào vào lúc nào ra, lúc nào nhiều lúc nào ít. Nó có cơ chế điều chỉnh tự động tùy nồng độ dưỡng khí và thán khí tác động lên trung khu hô hấp ở hành tủy. Vậy là ta rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay!”.

Nghe ông bác sĩ Ngọc nói thì  ngon như óc chó. Cứ thở hít là ngủ. Nói theo ông thì ai cũng có thể dùng cái “thân hơi” làm công cụ để dụ cái thân thể quên đi tất cả những chuyện khác, quên thì hết căng, hết căng thì xìu, xìu thì…buồn, buồn thì ngủ vậy!

Ngủ là một thứ phê. Phê quá đi chứ. Sau một giấc ngủ, con người cảm thấy lâng lâng như vừa làm một cối thuốc lào. Tôi cũng nói đại đi chứ thuốc lào phê ra sao tôi bù trất. Phê thuốc lào hay phê ngủ, phê nào cũng là phê. Ngủ phê nên mới mơ. Mơ như nhà thơ Hồ Chí Bửu.

Trong mơ ta cứ thấy em
Thấy trên thấy dưới thấy thèm nọ kia
Nghĩa trang trăm vạn hàng bia
Có ai chết cái vụ kia không nè?

Mơ như nhà thơ trẻ Hồ Chí Bửu là phê. Chơi cối thuốc lào cũng là phê. Ngủ như anh bạn quá cố Trường Kỳ của tôi cũng là phê. Không ngủ như nhà thơ ăn tiền già Luân Hoán cũng là phê. Không chừng chỉ việc phè ra sống trên cõi đời này cũng đã đủ phê!

05/2010