Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

COI

1

Phôn reo. Tiếng ông Luân Hoán. Anh đang làm chi vậy? Mắt tôi không rời màn hình. Đang coi đá banh. Giọng ông Luân  Hoán trùng xuống. Tôi cũng đang coi, coi một mình buồn quá anh ạ! Buồn thật! Bóng đá là môn thể thao đồng đội, coi bóng đá cũng phải đồng…coi mới thú vị. Vậy mà chúng tôi mỗi người một cái ti vi chỉ có hai con mắt trên cùng một khuôn mặt dán vào. Thế có chán không! Chán vậy nên ông Luân Hoán mới mời mọc.

còn hai bữa đến ngày World Cup
chẳng có bạn nào đá miệng cho vui
lật cuốn sổ ghi danh điện thoại
đọc từng tên cẩn thận chọn người
chàng Lưu Nguyễn coi mòi bận bịu
những con cờ lấp lánh domino
ngài Song Thao mải mê viết phiếm
đâu dễ ngừng tay để tán tào lao
nhà tiên tri Võ Kỳ Điền khó bỏ
cái mu rùa tưởng tượng thanh xuân
Hồ Đình Nghiêm, ông văn sĩ trẻ
chạy máy in đâu dễ chi ngừng

Vậy là ta lại mình ta. Tôi ngồi trân mình trước màn ảnh mặt phẳng 42 inches, ông Luân Hoán ngồi buồn trước khung màn ảnh 50 inches. Nỗi buồn của ông Luân Hoán hơn tôi đến 8 inches. Bởi vậy nên ông mới quơ quào lung tung. Thấy không ăn thua chi với bạn bè cùng thành phố, ông ới vọng đi…quốc tế!

chẳng lẽ gọi thầy Nam Dao Québec,
tay vẽ mỹ nhân hiển hách Đinh Cường
hay gọi tuốt Sao Mai, Vĩnh Điện,
Phan Xuân Sinh, Phan Ni Tấn, Khánh Trường…
bỗng dưng nhớ đến những Hồ Thành Đức,
Phạm Ngọc Niên, Trần Gia Phụng, Châu văn Tường,
những hảo hớn mê bóng hơn mê gái
mỗi thằng mỗi nơi sắp chống mắt nhìn cùng

Tôi hiểu nỗi lẻ bạn của ông Luân Hoán bởi vì trước kia chúng tôi đâu có vậy. Trái bóng World Cup lăn là chúng tôi lăn vào nhau. Những buổi tối cà phê hào hứng anh nào cũng tranh nói về những pha bóng của các cầu vương quốc tế vừa diễn ra trong ngày. Những buổi tụ họp nhau cùng la hét vang trời, khi nhà này khi nhà khác. Nhớ nhất là mùa World Cup năm 1994. Năm đó, chúng tôi bỗng nổi hứng làm một số báo đặc biệt về World Cup trên tờ Nắng Mới của ông Lưu Nguyễn. Bỏ thơ, bỏ văn, chúng tôi tất cả trở thành…Huyền Vũ. Trận chung kết, chúng tôi chúi đầu vào chiếc ti vi chỉ có 20 inches mặt cong trong nhà một anh bạn ở khu có đông người Việt Côte des Neiges. Nếu có ti vi màn hình rộng như cái ti vi to tổ chảng ở nhà ông Luân Hoán không biết tiếng la hét của chúng tôi lớn thêm gấp bao nhiêu…inch nữa! Tôi nhớ có Lưu Nguyễn, Lê Quang Xuân, Luân Hoán, Hồ Đình Nghiêm, tôi và nhiều thân hữu khác. Có cả một bóng hồng là Liên Chi, bà bác sĩ mê thể thao hơn mê kim chích. Coi xong là tất cả phải nộp bài cho số báo đặc biệt để báo kịp ra mắt sớm. Một số báo không giống ai. Toàn những tay từ trước tới giờ chỉ biết viết thơ viết truyện bỗng nổi hứng viết về bóng đá! Bài viết của tôi trong báo Nắng Mới đặc biệt, số 35, phát hành vào tháng 8/1994 là bài “Bên Lề Sân Cỏ”. Thử trích một đoạn coi xem người viết tay ngang múa bút ra sao. “Khi trái banh lăn trên sân cỏ là chuyện may rủi khóc cười bắt đầu nổi trôi. Chỗ tôi làm hình như tụ tập toàn những dân nghiền bóng tròn. Khổ một nỗi là họ không cùng một dòng giống. Ngày khai mạc World Cup chỗ làm việc biến thành chợ trời. Mỗi nơi mỗi chỗ đều có một lá cờ. Mỗi chiếc áo thung trên người là một...lá phiếu. Và mỗi cái mũ trên đầu là một....lập trường. Hy Lạp, Ba Tây, Á Căn Đình, Đức, Nigeria, Mễ Tây Cơ, Ái Nhĩ Lan, Ý.... Cờ xí bay loạn xạ. Anh nọ nghênh anh kia. Cứ như là không phải tranh đua thể thao mà là...đại chiến thế giới! Mỗi ngày tranh đua qua đi trận chiến càng sôi nổi. Anh thua nhận được một ngón tay cái chỉ ngược xuống đất, mặt cúi gầm xuống hẹn... trận sau. Anh thắng mặt vênh lên, cánh tay đưa thẳng lên trời với hai ngón giữa và ngón trỏ vênh váo đan thành hình chữ V. Rồi lời qua tiếng lại. Đấu khẩu kịch liệt. Tay chân múa vung vẩy. Tiếng nói cuối cùng là... chiếc ví tiền. Lòng yêu nước cho phép người ta coi đồng tiền như cỏ rác. Biết là đội tuyển nước mình dưới chân nước người ta mà vẫn cứ vung tiền ra bắt cá. Tình yêu quê hương bị tổn thương bằng những đồng tiền thua lỗ. Thua thì thua quyết níu lấy...tự hào dân tộc. Rồi đâu có để các đội bóng nước mình tranh đua đơn độc được. Phải ủng hộ chứ măc dù có gào thét mấy đi chăng nữa thì các cầu thủ trên màn ảnh TV cũng chẳng nghe thấy. Đội Ý đá thì mấy anh Ý nghỉ làm ra về đi...chữa răng hết. Đội Đức đá thì mấy anh Đức răng cũng ê ẩm phải đi nha sĩ. Rồi Ba Tây, Ái Nhĩ Lan, Á Căn Đình, Nigeria, Cameroon, Hy Lạp... Cứ nước nào có trận đá là dân nước đó bấm thẻ ra về có hẹn với mấy ông chuyên bẻ răng. Mấy ông nha sĩ trở thành mấy cái bung xung cho người ta đi...yêu nước. Nước được yêu nhiều nhất có lẽ là nước Ý. Bởi vì dân Ý lềnh khênh khắp nơi. Cái dân gì mà không biết tới hạn chế sinh sản! Mỗi lần Ý thắng là xe cộ mang cờ Ý chạy nhung nhăng khắp phố phường. Trông mà phát mệt. Tôi có một anh bạn ở nhằm vào một khu Ý. Một tháng đá banh anh mất toi đi gần 5 kí lô. Lý do là tối ngày nhức đầu nhức óc với những tiếng còi xe, tiếng la hét, tiếng kèn tiếng trống và tiếng TV mở lớn hết cỡ oang oang chung quanh. Anh bị stress đến phát khùng phát điên. Mẹ chúng nó chứ! Mỗi một bàn thắng chứ không cần đến một trận thắng cũng làm mình vất vả như điên. Cầu trời cho chúng nó bị loại phứt đi cho khỏe!”

Năm nay, mùa cúp của 16 năm sau khi tôi viết những dòng trên, tôi lại được sống lại cái không khí quốc tế đó. Lần này ở tuốt bên Cuba! Ba ngày sau khi trái banh bắt đầu lăn trên sân cỏ xứ Nam Phi, tôi có mặt ở Varadero của anh râu xồm nay đã…rụng râu Fidel Castro. Khách sạn tôi ở có dành riêng một phòng máy lạnh trang bị một chiếc ti vi mặt phẳng thuộc loại đã…quá cố nặng như cái cối đá lỗ, loại ti vi bây giờ ít thấy ở Canada. Cũng mặt phẳng đó nhưng dày cộm chứ không mảnh mai thanh cảnh như thứ chúng tôi đang dùng bây giờ. Trong phòng là vài chục chiếc ghế, khi thì kín người, khi thì trống vắng tùy trận đấu. Trận nào có đội Ý thì khán giả đứng vòng trong vòng ngoài, khuôn mặt căng thẳng, hơi thở bị treo theo những bước chân của các cầu thủ áo xanh. Dân Ý vẫn…bầy đàn như tôi đã biết 16 năm về trước. Thường những trận có anh Ý chơi, tôi không thể chịu nổi mùi của đám đông vừa chạy vội từ bãi biển lên, mình trần trùng trục, nước còn nhỏ giọt trên người, nên lỉnh về phòng coi một mình. Chiếc ti vi trên phòng nhỏ xíu, nhỏ ngang cỡ chiếc ti vi chúng tôi tụ tập coi trước đây tại nhà anh bạn trong khu Côte des Neiges. Coi chán ngắt! Vậy mà hồi đó sao coi cũng thú vị tình thâm ra phết. Có lẽ qua 16 năm già đi, mắt mũi kém cỏi hẳn, nên bây giờ phải cần những màn hình lớn coi mới đã!

Phòng bóng đá khách sạn có không khí hơn ngồi chóc ngóc một mình trên phòng riêng. Dân tứ xứ đổ về đây tắm biển nghỉ hè nên quốc tế dễ sợ. Thường là dân Canada, dân Nam Mỹ và khắp các nước bên Âu Châu. Chỉ thiếu dân Mỹ vì ông Obama vẫn còn không thèm nhìn mặt ông Raoul Castro. Mỗi trái bóng lọt lưới là một lần bất đồng cử chỉ. Anh thì nhẩy cẫng lên, anh thì mặt mày thiểu não, anh thì ngơ ngác ngó quanh. Tôi hiểu ngay anh nào thuộc nước nào, anh nào trung dung. Các bậc nữ lưu vỏn vẹn trên người hai mảnh bikini cũng nhẩy cẫng lên múa may làm rung rinh những trái banh nặng nhọc. Banh này banh kia, biết coi bên nào!

Trái banh như có quốc tịch. Nó lang bang khi dạt vào nước này, khi đậu ở nước kia. Một buổi tối trời có trăng, tôi ngồi chơi trên bãi biển. Khi trở lên phòng, tôi bỗng nghe thấy điệu nhạc hùng tráng của bài quốc ca Pháp La Marseillaise. Bài này tôi thuộc từ nhỏ, với lời Việt rất khôi hài. Thầy đồ ngày xưa quen thói nuôi móng tay dài, quần trễ tai hồng đỏ đen mực son... Nhờ thứ lời Việt mang vẻ nhạo báng của người dân thuộc địa này tôi mới thuộc phần nhạc của bài hát. Tôi vội bước vào tiền sảnh khách sạn. Một bầy thanh niên thiếu nữ đang gân cổ hát hăng say giữa sự cổ võ của mọi người. Tôi hiểu họ là dân Tây! Yêu nước xa quê nhà hàng chục ngàn cây số quả có thêm phần nồng nàn. Nhưng sao họ...yêu nước khơi khơi giữa bá quan thiên hạ...quốc tế như vậy? Vì ngày hôm sau Pháp sẽ đá trận thứ hai với Mexico sau khi hòa với Uruguay ở trận đầu. Dù các cô cậu Pháp có gân cổ tới đâu chăng nữa, ngày hôm sau Pháp cũng phơi áo với tỷ sổ 2-0!

Banh đang là thứ ám ảnh, đúng hơn là một thứ bệnh dịch, trên khắp thế giới. Trên đường ra phi trường ở Montreal, anh tài xế taxi người Haiti đen trùi trũi cùng tôi bàn bạc về bóng đá khiến đoạn đường bỗng ngắn đi một cách bất thường. Phòng đợi ở phi trường ngổn ngang những tấm áo đầy màu sắc mách lẻo người mang nó là dân nước nào. Chiếc ti vi treo tuốt trên cao thu hút mọi cặp mắt. Điệu này có anh sẽ lỡ chuyến bay vì không nghe tiếng máy phóng thanh gọi!

Tôi có thâm niên coi đá bóng từ ngày còn học tiểu học. Những ngày Hà nội với các sân Hàng Đẫy, sân Mangin còn có cái tên nôm na là sân Cột Cờ vì nằm cạnh cột cờ Hà Nội. Ngày đó những cái tên Ứng Kều, Khê Thăng Long Xích Thố, Thọ Ve...chúng tôi thuộc hơn thuộc bài. Cách vào sân của chúng tôi ngày đó rất thoải mái. Hợp pháp thì xin nắm tay một ông nào đó đi kèm vào sân vì lúc đó khán giả có quyền dắt con em nhỏ tuổi vào. Nhỏ thì chúng tôi không còn nhỏ, đã quá tuổi đi kèm, nhưng co người xuống cho kích thước bớt đi một chút thường lọt qua cổng. Rủi ra không lọt thì loanh quanh lách theo bóng đám đông đang chen chúc tuôn vào cổng, tránh được cặp mắt của các nhân viên soát vé. Không hợp pháp được thì bất hợp pháp. Leo rào! Nguy hiểm nhưng thường thường có quí nhân phù trợ. Quí nhân đây là những người lớn, thông cảm cái ghiền của đám trẻ, cho mượn bờ vai làm điểm tựa để phóng qua hàng rào cao. Sau 1954, di cư vô Sài Gòn là sân Tao Đàn thời kỳ đầu, sân Thống Nhất sau đó. Đã là học sinh sắp thi Tú Tài, là người...tổ quốc mong cho mai sau, nên không còn những trò ma giáo. Có tiền thì mua vé, không tiền thì chờ tới khi gần vãn trận đấu, cửa mở thí cô hồn cho những dân ghiền mà không có tiền nhào vô. Chúng tôi đường hoàng vào sân sau khi “coi” bằng tai, đứng ngoài hàng rào nghe tiếng hét hò, tiếng vỗ tay của những khán giả trong sân để sống với trận đấu.

Ông Luân Hoán cũng có “lịch sử” coi đá banh dài không kém tôi. Đất của ông ấy là sân banh Đà Nẵng. Xem đá banh ngày nay mà vẫn lơ mơ những ngày bóng đá xưa.

Hết trận bóng nằm lơ mơ ngủ thiếp
Thấy lại Trung lùn, thấy Chức, thấy Quang...
Thấy sân Tự Do, thấy đèo...chạng vạng
Thấy trạm xá ngày xe ngã máu loang

Ông Luân Hoán và tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Dân ta vẫn coi bóng đá là môn thể thao vua. Ai cũng thích coi...vua dù dân ta ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Trong một bài viết, ông Nguyễn Hưng Quốc đã có lần kể lại: “Năm sau, cũng dịp cuối năm, tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam du khảo. Cũng ở Hà Nội. Nhưng đến phi trường Sài Gòn thì tôi được biết tôi không được phép nhập cảnh. Các sinh viên của tôi vẫn tiếp tục chuyến đi đã định. Sau bốn tuần du khảo không có thầy hướng dẫn, các sinh viên gặp khá nhiều chuyện bực mình, nhưng nói chung, ấn tượng của họ về Việt Nam, đất nước cũng như con người khá đẹp. Hỏi: họ thích điều gì nhất? Không ít sinh viên đáp: sự say mê bóng đá của người Việt Nam! Họ kể: trong những ngày đầu tiên họ đến Hà Nội, một giải bóng đá được tổ chức đâu đó (tôi không chắc có phải ở Việt Nam hay không). Lần ấy, Việt Nam thắng. Các sinh viên Úc ngạc nhiên thấy cả hàng chục ngàn người đổ xô ra đường, kẻ đi bộ, người lái xe gắn máy. Cờ vẫy, còi bóp inh ỏi, tiếng cười dòn dã khắp nơi. Không biết tiếng Việt và không hiểu gì cả, nhưng cũng bị lây cái không khí nồng nhiệt và náo nhiệt ấy, các sinh viên của tôi, nam cũng như nữ, lao xuống đường và nhập vào đám đông, cũng huơ tay múa chân hò hét và cười nói hỉ hả đến tận gần sáng. Nhớ lại, với họ,đó là một trong những kỷ niệm đẹp: họ được nhập vào một cơn say. Hay một cuộc lên đồng. Ngây ngất”.

Cuộc lên đồng tập thể của dân Việt Nam đang ngây ngất hết cường độ trong giải bóng đá thế giới này. Việt Nam không có mặt. Và còn phải rất lâu trước khi Việt Nam có thể chen vào được một chỗ trong vòng chung kết bóng đá toàn cầu. Nhưng cần chi! Thể thao là thể thao. Có Việt Nam càng hay nhưng không có cũng không sao. Từ trong nước đến các cộng đồng người Việt ở ngoài nước, toàn dân ta...đá. Dĩ nhiên là đá miệng!

Cả nước sôi sục vì...Uốc Cúp. Dân Việt Nam người nào cũng biết ít nhất hai chữ Hồng Mao: World Cup. Các quán xá từ nhỏ tới lớn quán nào cũng tân trang, sắm ti vi mới mặt phẳng, màn hình lớn để câu khách. Các quán ăn, quán cà phê đã đành. Đến các tiệm chỉ chuyên bán ốc cũng giăng bảng, treo cờ, quảng cáo có màn hình cho khách vừa ăn ốc vừa...nói mò! Xem đá banh phải quần tụ lời ra tiếng vào, la hét cho thỏa thích. Quán xá mùa này lôi kéo các ông ra khỏi nhà. Ngồi nhà xem một mình chán chết. Các bà cũng giở chiêu lôi kéo các ông ngồi nhà. Khi các bà đã ra chiêu thì biến thái vô lường. Như chị Huệ ở Hà Đông. Chị vốn chẳng thích thể thao, môn nào cũng vậy kể cả môn bóng đá là môn chồng chị chết mê chết mệt. Trước đây, khi chồng dán mắt vào màn ảnh truyền hình thì chị dẫn con đi chơi hoặc tìm cách đi ngủ sớm. Thậm chí chị còn bắt anh phải đeo máy nghe tai để khỏi ầm ĩ cho người ta...ngáy. Lần World Cup bốn năm trước, chị đã giận dỗi bỏ về nhà cha mẹ ruột gần một tuần lễ vì anh say mê trái bóng, bỏ bê vợ và công việc. Ai đời vợ chồng mới cưới có 3 tháng mà bỏ vợ chạy theo trái banh có chút xíu, thua xa trái banh...vợ. Tệ hơn nữa còn bỏ nhà ra đi quần tụ với các...chiến hữu để hò hét cho đã cái miệng. Chiến thuật...dỗi của chị không thành công. Trái banh vẫn hơn cô vợ mới cưới 3 tháng. Năm nay chị đổi chiến thuật. Trước ngày trái bóng lăn chị mua tờ lịch thi đấu treo ngay cạnh ti vi. “Mình biết thừa ngày nào anh ấy cũng dán mắt vào mấy tờ bóng đá hay các trang thể thao trên mạng nên đã rõ tỏng tòng tong lịch đá, nhưng vẫn cứ mua để thể hiện “thiện chí”. Sống với nhau mấy năm, mình biết chồng thích bóng đá thế nào, có ngăn cũng chẳng được, nên tốt nhất là cứ vui vẻ chấp nhận, lại còn được tiếng là quan tâm đến chồng!” Chị Xuân ở Từ Liêm, Hà Nội lại có chiêu khác. Chị tìm đọc các tin tức thể thao để có thể...đàm thoại với chồng về bóng đá. Biết chồng kết đội Argentine, chị tìm hiểu sâu hơn về đội này để chiều chồng. “Tự dưng thấy vợ bàn luận về đội này đội kia, ông xã mình cũng choáng. Nhưng mình thấy cách này rất hiệu quả. Khi bày tỏ sự đồng cảm với chồng về sở thích của anh ấy, tự dưng mình thấy đỡ “thù địch” với những phiền toái do nó gây ra. Vợ chồng cũng gần gũi, dễ chia sẻ các việc khác với nhau hơn”. Trên một diễn đàn trên mạng, các thành viên còn truyền nhau kinh nghiệm nấu ăn sao để tẩm bổ cho chồng những đêm thức trắng coi có mỗi trái bóng lăn qua lăn lại. Một bà truyền kinh nghiệm làm những món vừa nhanh, vừa bổ, vừa ngon miệng. Như các món: tôm sú hấp, hột vịt lộn, đậu phọng luộc hay rang, nui xào bò, cháo tim. Có bà mách các chị em một cách tiện lợi hơn: vào siêu thị rinh một đống snack về nhà, vừa coi vừa ăn, chẳng mất công nấu nướng chi.

Nhưng chiêu kéo chồng ở nhà không ra quán xá tụ tập với các đệ tử bóng đá khác của chị Thu ở Phúc Thọ, Hà Nội mới là tuyệt chiêu. Chị liên lạc với các chị em họ hàng và các bà bạn, chọn một nhà rộng rãi nhất, có chiếc ti vi màn hình lớn nhất, lùa tất cả các đấng phu quân vào một...rọ. Trong khi các ông tha hồ hò hét, bàn luận, cổ võ, các bà cũng tụ tập buôn chuyện nhưng không quên thay nhau nấu các món nhậu khoái khẩu cho các ông mê tơi. “Mấy ông cùng xem ở một chỗ mình đã biết, vừa vui vẻ, vừa hào hứng, lại...lành mạnh, còn hơn để chồng bị mấy ông bạn có máu cá độ hay có tính lăng nhăng rủ đi ham hố!”

Ở hải ngoại, mấy tên viết lách chúng tôi vẫn mỗi tên một...đống! Hết ông Luân Hoán phôn than coi một mình chán quá đến ông Nguyễn Xuân Hoàng mail cũng một mình một bóng trước cái màn hình rộng thênh thang. Trận Mễ thua Á Căn Đình vừa dứt, mail của Hoàng bay tới tôi tức khắc. Có coi đá banh không? Mexico thua thê thảm quá nhỉ? Chưa kịp trả lời, vài phút sau Hoàng lại mail. Mày thấy thằng Mexico thua thê thảm quá phải không? Tao ủng hộ thằng Mỹ mà nó cũng xách va ly về nước rồi! Mễ thua là cái chắc, có chi mà bạn tôi than thở. Bèn mail lại. Tao thấy Argentine chơi hay hơn chứ! Mày có em nào người Mễ hay sao mà thương dữ vậy? Lại mail trả lời. Đúng! Argentine trên cơ thằng Mexico rõ quá. Thua là phải. Tao thích Brazil hơn. Chiều nay Brazil mới ra quân. Chắc bạn tôi lại một mình ôm ti vi coi mấy anh Brazil múa may trên sân. Tôi cũng vậy. Nhiều năm về trước, tôi đã từng có một cô bạn người Brazil. Ngày đó tôi quên không hỏi em có biết đá banh không!

2

Ông Nguyễn Xuân Hoàng ngụ ở San Jose. Ông coi đá banh một mình và mail cho bạn bè để tìm tri kỷ. Nhưng đồng hương của ông lại coi…hội đồng. Tôi mới tới San Jose chơi với ông Nguyễn Xuân Hoàng vào dịp Tết vừa qua, quá sớm để coi World Cup với bạn, và cũng quá sớm để coi đồng bào người Việt của chúng ta ở Thung Lũng Điện Tử này tiếp bóng đá ra sao. Đành phải nghe hóng chuyện kể của ký giả Trương Thị Hàm Yên. “Sáng nay, nhiều người ở thành phố chúng tôi, San Jose, thức dậy sớm lắm. Không phải để đi làm mà đi ra quán cà phê để xem bóng đá. Cái truyền thống San Jose là vậy, cứ kéo nhau ra quán cà phê xem bóng đá, từ World Cup, đến Euro, và cả Super Bowl. Hàm Yên  đến quán Xíu Café, một tên mới của Miss Café trước đây, để tìm một góc riêng cho mình bên ly cà phê sữa nóng để đánh thức những giác quan còn đang ngái ngủ. San José 6:30 sáng, quán đã đông người. Nhiều cô tiếp viên mặc chiếc áo đồng phục, có số sau lưng như những cầu thủ đang ra quân. Trông là có không khí bóng đá rồi. Năm nay, các quán cà phê ở San José đều mở cửa sớm để đón khách mê bóng đá. Các quán như M Café, M Quyên, Lang Thang, Chợt Nhớ đều mở cửa sớm. Riêng tại M Café có hàng trăm cổ động viên ngồi chật ních cả quán, nhất là trong trận Pháp-Uruguay”.

Thành phố hàng xóm với San José là San Francisco. Nhắc tới cái tên San Francisco là bao giờ tôi cũng cười một mình vì nhớ lại câu chuyện tếu khi còn học tiểu học. Trong một cuộc thi vấn đáp thời Pháp thuộc, giám khảo người Pháp hỏi cô học trò: “Trò hãy nói tên thành phố có chiếc cầu Golden Gate”. Cô học trò ngậm viết ngồi…bí. Một cậu ngồi dưới thấy tội nghiệp muốn nhắc nhưng sợ vị giám khảo Tây biết nên cậu dịch tên thành phố sang tiếng Việt để đánh lừa ông Tây: “Trăm quan tiền sáu cô!” Nghe ra, cô thí sinh mừng rỡ trả lời ngay: “Cent francs six…mademoiselles!”. San Francisco cũng có đông người Việt định cư. Có người Việt là có bóng đá. Lại hóng chuyện người Việt coi bóng đá nơi thành phố này qua bài viết của ký giả Bùi Văn Phú. “Sáng nay tôi ghé một quán phở quen ở Oakland. Quán khá đông. Chừng dăm chục khách như nhiều trưa Chủ nhật khác chứ chẳng phải vì có World Cup. Những lần trước ghé đây tôi thấy màn hình là ca nhạc Paris by Night, hôm nay là World Cup. Nhiều khách chú ý đến màn hình, râm ran bàn tán, thỉnh thoảng vang lên những tiếng ồ khi có đường banh đẹp sắp lọt khung thành hay những tiếng vỗ tay khi banh lọt lưới. Gặp một người quen, qua Mỹ cũng đã hơn 20 năm, tôi hỏi anh có theo dõi World Cup không? Anh ấy trả lời không nhiều. Vậy chứ môn thể thao nào anh thích nhất bây giờ? Football và bóng rổ. Lâu lâu còn ăn thua cá độ chút đỉnh. Anh bạn trả lời như thế. Cũng như một người em của tôi, ngày mới qua Mỹ có tham gia đội bóng đá của trường trung học. Nhưng đến nay các trận bóng cà-na, bóng rổ, bóng chầy em tôi mê xem cả tuần mà không chán. Bóng đá giờ chỉ còn là kỉ niệm của ngày xa xưa”. Quả có thế. Thành phố Montreal của tôi không tôn môn bóng đá là môn thể thao vua mà “vua” là môn hockey. Sống lâu năm nơi đây, tôi cũng đã đổi…vua. Thích coi hockey hơn bóng tròn. Coi hockey nhanh nhẹn quen nên khi coi lại bóng đá thấy chậm rì nhiều khi phát chán. Có thể nói hockey như một chàng trai đầy sức sống, còn bóng đá như một ông già chậm chạp từng đường đi nước bước. Nói như vậy nhiều vị mê bóng đá chắc muốn…chửi thề. Một đằng là nghệ thuật, một đằng là…đánh lộn. Hay ho gì cái trò vũ phu!

Bởi vậy nên tôi cũng không tới quận Cam vào những ngày World Cup. Bởi vì nơi đây phần lớn dân ta vẫn còn…bảo hoàng. Bóng đá vẫn là vua. Đọc trên mạng, tôi thấy vị vua có khuôn mặt tròn này được hai tờ báo mở cửa tiếp đón. Đó là nhật báo Người Việt và nhật báo Việt Herald.

Sân chơi trên báo Người Việt đông nghẹt người ngay từ trận đấu đầu tiên. Đệ tử bóng đá người Việt chiếm hết các hàng ghế trong phòng chiếu trực tiếp lại còn chiếm hết chỗ đứng trong phòng cũng như ngoài hành lang. Chen chúc nhau coi bóng đá như vậy quả thật là phê. Phê như ông Trần Văn Xuân khoái chí phát biểu: “Tui mê bóng tròn lắm nên tôi đến đây từ lúc sáu giờ sáng. Tui chờ cả tiếng, hay nếu có chờ hai tiếng tui cũng không ngại, miễn là có chiếu đá bóng là tui khoái rồi. Ngày nào tui cũng sẽ đến hết!”. Phê như ông Anh Huỳnh cho biết: “Đây là lần đầu tui coi đá banh ở báo Người Việt. Tui chọn coi ở Người Việt vì vị trí ở đây rất rộng rãi, màn hình lớn, có đầy đủ tiện nghi, có ăn sáng, có cà phê, có đầy đủ mọi thứ, có tổ chức giải thưởng nhỏ cho từng trận nữa nên tui rất là thích”. Coi như vậy ai chẳng thích. Được chen vai thích cánh với các dân Việt ta, hét hò thả cửa, phê bình hoặc có thể chửi thề bằng tiếng Việt, lại còn được cà phê cà pháo, ăn sáng ăn trưa thả dàn nữa, thích là cái chắc. Cà phê sáng và trưa do Cafvina mang tới, bò kho ăn trưa của Quốc Việt Foods, sữa đậu nành của Đông Phương Tofu cung cấp. Rồi lại còn được thi đoán kết quả có giải thưởng cho mỗi trận. Vua quá cha! Chẳng thế mà ông Bảo Chung vui vẻ nói: “Ui giời ui! Buổi đầu tiên hôm nay tui cảm thấy rất sung sướng khi tới đây thấy rất nhiều người Việt mình tới xem đá banh. Vậy là tui thấy vui. Tui định coi full time luôn, coi hết các trận luôn mà!”. Anh Quốc Dân cũng khoái chí: “Đến đây coi có đông người Việt, mình cũng thấy hào hứng náo nhiệt hơn là coi ở nhà…Tôi chọn coi ở báo Người Việt vì tất cả đều miễn phí và có lẽ cũng đông vui hơn mọi chỗ khác”. Vui đến nỗi ông Nguyễn Chính Từ ngồi xe lăn cũng chịu khó…lăn tới nhập bọn. Ông này sống trong Buena Vista Nursing Home ở Fullerton, thú vị nói: “Thấy vui, rất là vui. Tôi ở trong nursing home buồn quá, cô em tôi biết ở đây có chiếu đá banh nên chở tôi đến xem”. Cái gì chứ có đông người cùng coi là vui. Nếu ông Luân Hoán ở quận Cam thì chắc ông cũng lết tới đây. Thân ông ở Montreal nhưng ông cũng chịu khó bắt satellite để coi truyền hình các cuộc tụ họp của dân Việt coi đá banh ở bên Cali. Ngoài việc ông tường thuật mỗi ngày các trận banh bằng thơ trong mục “Nhật Ký Vớ Vẩn” của ông trong trang website luanhoan.com, ông còn tả tình tả cảnh bằng điện thoại với tôi các diễn tiến của dân sâu banh Việt Nam chúng ta ở bên Cali. Ông Luân Hoán rất khoái những phát biểu của ông bầu Dũng Taylor trên “sân banh” Việt Herald. Ông này cùng ký giả Ngụy Vũ là các bình luận viên thường trực mà ông Luân Hoán rất thích. Ông Dũng Đen của ca sĩ Thu Phương còn chơi đẹp bằng cách mang xôi tới cho mọi người cùng vừa ăn vừa…đá.

Ngoài hai chốn coi đá banh và ăn uống free, dân Việt ta ở quận Cam còn tìm đến các quán cà phê để…đá. Đá ở đây có cái thú là có các người đẹp cơm bưng nước rót. Nhưng có cái không thú là phải móc hầu bao. Nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ, các quán cà phê nơi đây vẫn đông nghẹt dân ta coi người ta đá banh. Anh chủ quán Gipsy trong khu Catinat Plaza trên đường Bolsa toác miệng cười tươi: “Từ ngày có World Cup quán phải mở từ 4 giờ sáng, mệt hơn nhiều, nhưng vui là vì có khách đông hơn và bán ngon lành hơn. Dân Bolsa mê đá banh lắm, từ 4 giờ sáng, trời còn tối đen nhưng đã đến đông đủ”. Gớm, đi xem đá banh mà cứ như đi cày không bằng! Thế mới biết bọn tôi ở Montreal sướng hơn dân của thủ đô tị nạn. Giờ Montreal là giờ miền đông, đi trước giờ Cali 3 tiếng. Ngày có ba trận đấu khi diễn ra vòng đá luân lưu tính điểm thì dân xứ tôi cứ tà tà sáng ngủ dậy, khề khà cà phê cà pháo, ăn sáng ăn siếc đàng hoàng xong mới coi đá banh vào lúc 9 giờ sáng. Buổi trưa 12 giờ có một trận nữa. Buổi chiều 3 giờ có trận chót trong ngày. Coi xong dư giờ mà a lô tán nhảm với nhau. Sướng như tiên! Đâu có…nông dân như các ông bạn tôi bên Cali. Được cái là các ông bạn tôi ở xứ Little Saigon có tiên phục vụ, còn tụi tôi thì tiên còn ở trên trời.

Một trong các tiên bị đầy xuống hạ giới bưng cà phê cho dân ghiền bóng đá là cô Thy Lê của quán Eden. Quán có tới chẵn chục cái ti vi lớn cộng thêm một dàn…tiên trẻ đẹp nên khách kéo đến đông nghẹt. Bận bịu, ồn ào nhưng vui. Cô Thy Lê cho hay: “Em làm ở đây được một năm, những ngày đầu World Cup rất là đông. Chuyện đá banh công nhận là kinh khủng thật! Nó hấp dẫn đàn ông hơn cả tụi em. Trước đây khách quen vô thích ngồi nói chuyện tán dóc, còn bây giờ thì chẳng ai ngó ngàng gì tới tụi em!...Khi có đội banh nào ghi bàn thắng thì hò hét thật vui, nhất là đội Mỹ mà thắng, quán muốn nổ tung. Em cũng hét hò theo nên mấy bữa nay bị khan tiếng”.

Trái banh khi lăn như có ma lực. Chẳng gì so sánh được. Kể cả các bóng hồng. Mà các bóng hồng đã ăn thua chi. Trái banh không mắt không mũi không nhan sắc còn làm được nhiều chuyện động trời hơn. Như chuyện vợ chồng. Kể từ khi trái bóng lăn bên Nam Phi ông nào ông nấy như quên mình có vợ. Bài bản các ông cũng quên chẳng thèm trả. Chị Liễu ở Gia Lâm, Hà Nội, đã cố tình nhắc bằng cách mặc cái váy ngắn đi qua đi lại trưóc mặt chồng, vậy mà ông chồng lại gắt gỏng: “Đang chỗ gay cấn lại cứ diễu qua diễu lại, có để cho người ta xem không hả?”.Thế có tức cành hông không? Chị ấm ức cho cánh báo chí biết: “Kể từ ngày có World Cup, mình cứ như không còn tồn tại trong mắt chồng nữa!” Thường ngày anh chồng chị cũng yêu thương chăm sóc vợ dữ lắm. Vậy mà có trái bóng là đổ đốn. “Từ trận khai mạc Nam Phi-Mexico tới giờ “lão” chẳng thèm đụng vào người mình!” Không chỉ anh chồng chị Liễu đổi tính như vậy, chồng chị Hiền ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cũng rứa. Chị Hiền tâm sự: “Ngày nào cũng vắt hết sức dán mắt vào màn hình, rồi còn hò hét, còn hơi đâu mà ‘chiều’ vợ. Có đêm mình khều khều còn bị chồng quát ‘để yên cho người ta ngủ’. Chán thế!”. Cô bạn của chị Hiền cũng bị chồng…cấm vận từ ngày khai mạc World Cup tới nay. Nửa tháng trời rồi. “Thật ra mình không phải là người có nhu cầu cao trong chuyện chăn gối. Cả ngày đã không gặp nhau, đêm đến nhiều khi chỉ muốn được ông xã vỗ về hay ôm ấp một chút, để còn cảm thấy được quan tâm, nhưng cũng chẳng có, nên mới tủi thân thôi”. Chị Xoan, cũng dân Hà Nội đía thêm: “Thật ra mới đầu thấy chồng lạnh nhạt với vợ, mê ‘em’ World Cup hơn mình cũng tức, nhưng suy cho cùng, đi ghen với quả bóng và mấy anh chàng quần đùi áo cộc thì buồn cười quá!”

Buồn cười nhất là mấy ông chồng có vợ vào nhà hộ sanh vào đúng lúc dầu sôi lửa bỏng này. Người ta đá banh thì mấy bà làm ơn giữ nguyên trái banh trong bụng dùm. Thả ra làm chi cho cực…tui. Anh Hải, cũng ở Từ Liêm, Hà Nội than thở: “Cứ tưởng vợ còn mấy hôm nữa mới đến ngày, ấy thế mà đùng một cái cô ấy kêu đau bụng, sắp sinh đến nơi, vội vội vàng vàng đưa vào bệnh viện, thế là bỏ mất trận Hòa Lan đá, tiếc đứt ruột! Cũng may ngoài sảnh có ti vi, đưa vợ vào phòng xong là mình cùng mấy ông xuống dưới ngồi xem đá bóng”. Anh Hải có cái may là có bà mẹ vợ đi cùng. Khi vợ sanh, bà mẹ vợ a lô là anh chạy lên phòng sanh liền. Còn chồng chị Ngọc ở Phú Thọ mới…cực. Đưa vợ vào phòng sanh, anh tót xuống căng tin dán mắt vào màn hình liền chẳng biết trời trăng chi. Vợ sanh xong, bác sĩ a lô gọi loa phóng thanh tới mấy lần mà anh vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng bà ngoại phải chạy bổ đi tìm mới bắt được ông bố mới toang còn đang mải mê với trái banh. Mà chạy xuống căng tin như anh chồng chị Ngọc vẫn còn khá. Nhiều ông còn chạy tuốt ra quán xá ngoài bệnh viện để coi cho có không khí, tới khi vợ sanh cũng chẳng thèm biết. Khi vãn trận đấu mới mang cái thân nồng nặc mùi bia rượu vào thăm con. Nhiều khi bác sĩ phải ngăn không cho vào để bảo vệ đứa nhỏ!

Dân Việt dù ở trong hay ngoài nước mê man theo trái bóng đang lăn tuốt tận Nam Phi qua màn hình. Nếu có ai cắc cớ hỏi Nam Phi ở đâu, chắc nhiều ông chỉ cười trừ. Coi là coi trái banh chứ trái banh đó đang lăn vòng vòng ở đâu thì mặc xác nó, miễn là nó hiện trên màn ảnh ti vi. Cái đó kêu là coi trực tiếp một cách gián tiếp. Có ai được coi trực tiếp một cách trực tiếp không? Có ông Nguyễn văn Khanh. Ông là ký giả của đài Á Châu Tự Do và của nhật báo Người Việt bên Cali. Ông đi làm nhiệm vụ tường thuật cho bà con được tỏ tường ngay tại chỗ. Những tín đồ bóng đá tới coi tập thể tại nhật báo Người Việt trận Pháp đá với Uruguay đã được nghe ký giả Nguyễn văn Khanh nói trực tiếp từ Nam Phi về qua phương tiện internet. “Chưa bao giờ chúng tôi có một cảm giác tuyệt diệu, tuyệt vời đến như thế. Chúng tôi nhìn thấy có những người dân Nam Phi ôm nhau khóc, có người dân Nam Phi ôm nhau cười mừng rỡ. Đặc biệt nhất mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận banh nào trước đây là trước khi tiếng còi thổi lên và trước khi trái banh thực sự lăn tròn tôi nhìn thấy hàng chục ngàn người dân Nam Phi cúi đầu cầu nguyện”.

Từ trong nước có một…thường dân là anh Nguyễn văn Xin ở Sài Gòn đang sửa soạn lên đường tới Nam Phi coi trận chung kết. Người ta gọi anh là “tỷ phú bóng đá” bởi vì anh là người đoạt giải nhất trong cuộc thi “Tỷ Phú Bóng Đá” do tờ báo mạng trong nước VietnamNet tổ chức. Tỷ phú bóng đá nên anh chỉ giầu về kiến thức bóng đá chứ không giầu về tiền bạc. Anh được đài thọ mọi phí tổn ăn ở 4 ngày và cả tấm vé coi trận chung kết World Cup tại Nam Phi. Cuộc thi đòi hỏi người dự phải dự đoán kết quả các trận đấu. Tùy theo dự đoán đúng tới mức nào, người dự thi sẽ được một số điểm. Cộng tât cả các điểm đoạt được từ trận đấu đầu tiên cho tới trận cuối của vòng loại thứ hai, người nào được nhiều điểm nhất sẽ đoạt giải độc đắc đi Nam Phi. Ít điểm hơn thì đoạt các giải tiếp theo. Tổng số điểm anh Xin đoạt được là 35.200.000 điểm. Tôi thực sự không biết số điểm cho ra sao mà tích lũy được tới hàng triệu điểm như vậy. Dù sao anh Xin cũng là một trong những người Việt Nam hiếm hoi có mặt tại World Cup.

Một người nữa có mặt tại Nam Phi trong thời gian có World Cup là Trịnh Hội. Chàng trẻ tuổi đẹp trai có cặp chân dài chu du nhiều nơi trên thế giới này có mặt tại Nam Phi thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Có ngạc nhiên chăng là con người du lịch nhà nghề, luôn luôn chủ động trong các chuyến đi, lần này lại bị động. Anh chàng MC kiêm luật sư này “lỡ” phải tới Johannesburg! Anh kể lại trong bài blog có cái tên ngược ngạo “Lỡ Tới Nam Phi”. “Số là sau 9 ngày nghỉ phép ở Tây Ban Nha lẽ ra từ Barcelona tôi sẽ bắt máy bay trực tiếp của hãng British Airways về lại Uganda để tiếp tục công việc. Nhưng eo ôi đến ngày cuối cùng thì tôi được cho biết là hãng này sẽ có một cuộc tổng đình công trong vòng 3 tuần bắt đầu từ ngày tôi dự định bay trở về. Thế mới khổ. Không những chuyến bay hôm đó của tôi bị hủy mà hôm sau và hôm sau nữa hãng cũng sẽ không có chổ để cho tôi lấy vé bay về lại Uganda. Hơn nữa, tôi được cho biết qua điện thoại, là một khi có ghế trống thì tôi bắt buộc phải bay ngay. Bất kể là phải bay ghé qua đâu hoặc tốn bao nhiêu thời gian”. Phải nói cho rõ là Trịnh Hội đang làm việc cho một chương trình của Liên Hiệp Quốc ở Uganda bên Phi Châu. Anh được đi nghỉ hè tại Tây Ban Nha và đang trên đường trở về lại Uganda. Vì cuộc đình công nên chàng MC của chúng ta mới phải đi vòng vo tam quốc. Từ Barcelone, anh phải bay ngược về Madrid, rồi ghé Johannesburg, ngược lên nữa tới Nairobi và đáp máy bay ở Kampala. Thời gian ở thành phố lớn nhất Nam Phi Johannesburg là thời gian đang diễn ra World Cup tại đây. Tới tận nơi nhưng chắc anh chỉ ngửi được hơi World Cup vì anh chỉ lưu lại đây có 6 tiếng đồng hồ. Than ôi! “Nhưng than ôi! Nhìn lại itinerary mới vừa được in ra thì tôi thấy mình chỉ có khoảng độ 6 tiếng đồng hồ ngồi chờ đợi đổi máy bay ở Johannesburg. Thế thì làm được cái quái gì? Không chừng chưa kịp bước ra khỏi cổng phi trường thì lại phải đi vô ngay vì…hết giờ! Thật đúng là thời phải thế, thế thời phải thế. Nếu lỡ phải tới Nam Phi trong hoàn cảnh như thế thì cũng đành phải chịu thôi, có phải không?”.

Tưởng là chịu, hóa ra không phải vậy. Chuyện thêm ly kì chỉ vì cái…nốt ruồi! “Trên chân trái tôi từ nhỏ đã có một cái nốt ruồi đen khá lớn. Và mỗi năm tôi càng cao thì nó lại càng to ra như thể nó cũng phải lớn theo cùng năm tháng với tôi. Ở nhà hoặc đối với những ai thấy được cái nốt ruồi này thì họ đều bảo bởi vậy chân tôi là chân đi. Ngay cả không muốn đi thì ông trời ổng cũng sẽ bắt phải đi”. Chẳng biết có phải vì cái nốt ruồi bí mật này không mà khi xuống máy bay tại Johannesburg chuyện bất ngờ đã xảy ra. “Vừa bước ra khỏi máy bay, chưa kịp đi đâu là tôi biết đã có chuyện. Vì cái tên cúng cơm “Hoi Trinh” của tôi đã có một nhân viên phi trường đang cầm trên tay tấm bảng đứng đợi từ bao giờ. “Yes, that’s me”. Tôi đã tự bước đến và giới thiệu mình với anh nhân viên người Nam Phi đang đứng cạnh cổng ra vào. Xin chào anh đã đến Nam Phi, anh nhân viên nói. Có chuyện gì thế? Tôi hỏi ngay. “Oh, I am sorry Sir but because your flight was delayed, there’s not enough time for you to get to your connecting flight”. À! Thì ra vì máy bay của tôi đáp trễ nên tôi không có đủ thời gian để đổi máy bay bay tiếp. Như vậy thì sao? Oh! Rất xin lỗi anh nhưng hôm nay chuyến bay mà anh vừa để trượt là chuyến duy nhất bay về lại Uganda và không biết ngày mai sẽ có chỗ cho anh không. Vì vậy chúng tôi đã sắp xếp cho anh ở một khách sạn cũng như coupon cho anh ăn sáng, trưa và tối. Chắc chắn hai ngày sau sẽ có chỗ cho anh về lại Uganda!”.

Vậy là hai ngày ngửi mùi bóng! Làm chi có vé để vào coi cho mãn nhãn sự kiện mỗi bốn năm mới diễn ra một lần. Dù Trịnh Hội kể là anh đã đi thăm được  nhiều nơi như khu downtown Johannesburg, khu township Soweto nghèo nàn mà cựu Tổng Thống Nelson Mandela và Giám Mục Desmond Tutu đã từng sống và viện bảo tàng Apartheid Museum về nạn kỳ thị chủng tộc, nơi có khắc câu nói bất hủ của nhà tranh đấu Mandela: “To be free is not merely to cast off one’s chains, but to live in a way that respects and enhances the freedom of others” (Được tự do không có nghĩa chỉ có chính ta thoát khỏi gông cùm, mà là sống một cuộc sống luôn tôn trọng và giúp cho những người khác được tự do hơn). Trịnh Hội kết luận bằng suy nghĩ: “Trong không khí nhộn nhịp sôi động của cả thành phố đang háo hức chuẩn bị tổ chức lễ khai mạc World Cup vào thứ năm tuần trước, nói thật tôi không cảm thấy hứng khởi bằng một câu nói rất đơn giản như trên”.

Nói gì thì nói, tôi vẫn thấy, trong trường hợp này, khi cả thế giới đang nín thở theo trái banh đang lăn ở Nam Phi, vô duyên là bước dừng chân của Trịnh Hội, thậm vô duyên!

3                      

Coi đá banh là một cái thú hồi hộp. Vừa coi vừa đoán trước kết quả. Trúng, mừng hết lớn. Sai, lẳng lặng một mình mình biết một mình mình hay. Cứ…một mình như vậy chán chết. Vậy là…nhiều mình. Đoán suông cũng lại chán chết. Vậy là có vụ cá. Ông bạn Luân Hoán ngồi coi một mình. Cá với ai? Chẳng lẽ cá với vợ? Vậy mà ông cá với vợ thiệt!

uống thuốc ngủ gấp đôi liều thường nhật
lại chập chờn vụ sút cận cầu môn
vẫn phải dậy xem Hà Lan đụng Nhật
đầu nặng như chì ngâm mặt nước trong
vợ đứng Hà Lan chấp hai, ta bắt
thắng thua gì rồi cũng lợi mà thôi
nhờ thứ bảy thêm một người thưởng thức
bắt độ xong, bà chị ngủ lại rồi!

Cá như vậy là cá khôn. Thắng thua gì cũng…ăn! Ông này vẫn khoe với tôi là ông đoán trúng phóc các kết quả trận đấu. Ổng nói vậy biết vậy. Khi ông công khai đoán trên…thơ, tôi thấy sai bét.

quả bóng chưa được đá
sân cỏ còn thảnh thơi
thử làm ông thầy bói
đoán bậy như vậy thôi:
Brazil thắng Holland
Á Căn Đình thắng Đức
Spain thắng Paraguay
Uruguay bỏ cuộc

Sai bét! Đoán bốn trận tứ kết chỉ đúng có một trận. Spain thắng Paraguay! Đoán như vậy còn thua con…bạch tuộc! Chú bạch tuộc này có tên là Paul, được nuôi trong công viên Sea Life tại thành phố Oberhausen ở Đức. Từ hồi có World Cup, chú Paul này có tài đoán trước kết quả các trận đấu có đội Đức tham dự. Người ta thả vào hồ hai hộp kính có chứa thức ăn của bạch tuộc. Một hộp mang cờ Đức, một hộp mang cờ của nước đối thủ của Đức. Chú Paul chui vào kiếm thức ăn trong hộp có cờ của nước nào là đoán nước đó sẽ thắng. Trong vòng loại tính điểm, chú đoán Đức sẽ thắng Ghana và Úc, thua Serbia. Kết quả y chang như vậy. Vào vòng 16, chú đoán đội Anh sẽ về nước sau trận gặp Đức vào ngày 27/6. Y chang! Đội Anh ra phi trường trực chỉ xứ sương mù. Trước trận Đức gặp Á Căn Đình trong vòng tứ kết, chú Paul lại bắt đội Đức. Lại đúng. Năm trận đoán, năm trận trúng. Trăm phần trăm! Trong giải bóng đá vô địch châu Âu năm 2008, chú bạch tuộc tên Paul này cũng đã đoán trúng đến 80% , chỉ sai duy nhất một trận là trận chung kết giữa Đức và Tây Ban Nha. Năm đó Tây Ban Nha thắng Đức để đăng quang chức vô địch. World Cup năm nay hai đội lại đụng nhau trong vòng bán kết. Bạch tuộc Paul tiên đoán Tây Ban Nha thắng Đức. Y Chang! Thừa thắng xông lên, Paul tiên đoán tiếp trận tranh hạng ba, Đức sẽ thắng Uruguay. Lại trúng. Bạch tuộc Paul chơi cú chót tiên đoán Tây Ban Nha sẽ thắng Hòa Lan trong trận chung kết.

Trưa ngày Chủ Nhật 11/7, một bà bạn hú vợ chồng tôi tới tập họp coi trận chung kết cho có khí thế. Bia Heineken và thịt nướng đưa cay. Ông bạn chủ nhà dựa theo hơi men dụ mọi người cá một chầu phở. Ông bắt Tây Ban Nha. Tiếp theo ai cũng bắt Tây Ban Nha. Vậy còn cá với tôm chi! Tôi định chơi trò đối lập bắt Hòa Lan. Nhưng thầy Paul bỗng kéo áo nhắc nhở. Khựng lại. Thôi, chẳng dám dại dột. Mất vài tô phở là chuyện nhỏ nhưng mất uy tín là chuyện không nhỏ. Thua thì hậu quả sẽ còn được nhắc dài dài làm trò cười cho các buổi họp mặt bạn bè trong suốt bốn năm. Cho tới mùa World Cup tới. Đành bái thầy Paul vậy. Y như rằng, thầy bạch tuộc lại đúng nữa. Tôi chẳng có can đảm cãi thầy như ông nhà thơ Luân Hoán. Trước trận Đức gặp Á Căn Đình, ông Luân Hoán đoán kết quả ngược với bạch tuộc và đã ra mặt dè bỉu. để xem chú bạch tuộc / chính xác lần này không / dù là trò tâm lý / trấn an cho yên lòng. Ông Luân Hoán đã phơi áo trước bạch tuộc!

Chú bạch tuộc Paul bỗng nổi tiếng rầm rầm. Cả thế giới chiêm ngưỡng dung nhan nhiều vòi của chú. Như đối với các nhân vật siêu sao khác, người ta hùng hục đi vào đời tư của chú. Nhân thân của Paul được moi móc kỹ càng. Chàng được đánh bắt ở Đại Tây Dương, có ba trái tim, chín bộ não và tám cánh tay trong đó có một cánh tay linh hoạt nhất. Cánh tay này được sử dụng vào những công việc cụ thể nhiều hơn 7 cánh tay còn lại. Từ khi bị nhốt trong lồng kính, chàng vẫn một mình một lồng không có bóng dáng một nàng bạch tuộc nào cả. Bởi vậy cho tới nay chàng vẫn còn trinh! Tờ báo Bild của Đức còn hài hước cho biết, đây có thể là kỳ World Cup cuối cùng mà Paul được “hành nghề” bởi con bạch tuộc này đã hai tuổi rưỡi: “Tại giải đấu tiếp theo năm 2014, có lẽ cậu ta cũng đang bơi cùng đồng loại trên thiên đường vì loài bạch tuộc thường không sống quá ba năm”. 

Dân chúng, nhất là phái đẹp, nườm nượp tới chiêm ngưỡng chàng trai tài hoa chưa vợ này. Người ta lo cho tính mạng của anh chàng Paul nổi tiếng. Rất nhiều fan của các nước bị Paul cho nằm trong cửa thua giở trò thù cá nhân. Khi đội tuyển Argentine phơi áo trước đội tuyển Đức trong trận tứ kết, các fan của đội tuyển Argentine dọa sẽ bắt cóc và làm thịt Paul. Ngay tại Đức, Paul được toàn dân ưu ái khi tiên đoán cho Đức vào tới bán kết. Vậy nhưng khi chàng chọn Tây Ban Nha thắng Đức trong trận bán kết thì chàng bỗng bị dân Đức căm thù. Họ đòi bắt cóc và xẻ thịt Paul ra nhậu với bia cho đáng đời tên phản bội! Fan của đội tuyển Đức Dolores Lusch đã công khai ra thực đơn: “Không gì ngon bằng món bạch tuộc nướng. Xắt nó ra thành từng miếng mỏng, nướng với chanh, dầu olive và tỏi!” Dân Tây Ban Nha nghe vậy bèn lo cho sinh mạng của chàng Paul đang nằm trong đất…địch. Chẳng gì chàng Paul cũng đã ưu ái ban phép lành cho Tây Ban Nha ẵm chiếc cúp mà họ mong đợi lần đầu tiên được vác về Madrid. Thủ Tướng Tây Ban Nha nửa đùa nửa thật phát biểu trên một đài phát thanh: “Tôi đang lo lắng cho Paul…Không biết chừng tôi sẽ phải gửi một đội quân sang Đức để bảo vệ Paul!” Bộ Trưởng bộ Môi Trường và Hải Sản Tây Ban Nha tiếp lời Thủ Tướng: “Sắp tới tôi sẽ có mặt tại  hội nghị các Bộ Trưởng châu Âu, tôi sẽ đề nghị một lệnh cấm người Đức không được ăn thịt Paul!” Trước tình hình xấu có thể đưa Paul lên bàn nhậu, các nhân viên của công viên Hải dương Sea Life, nơi Paul đang trú ngụ, đã cam kết là Paul sẽ được an toàn bởi vì hàng rào an ninh sẽ rất nghiêm ngặt quanh nơi cư trú của Paul. Luôn luôn có một vệ sĩ riêng canh gác Paul trong giờ mở cửa cho du khách vào thăm. Canh gác nghiêm ngặt như vậy cũng phải. Bởi vì một ký giả vô trang Google, đánh thử hàng chữ “kill octopus Paul” (giết bạch tuộc Paul), có tới 5.360.000 đường nối hiện lên!

Paul nổi tiếng khắp thế giới như một thần tượng. Tại Trung Quốc, xứ sở tin dị đoan nhất thế giới, các nhà hàng không dọn món bạch tuộc vì không khách nào dám đụng tới…thầy. Bạch tuộc Paul là ước mơ của nhiều con vật khác. Cũng như thế giới loài người, có danh vọng là có cạnh tranh, thế giới loài vật đua nhau làm lốc cốc tử. Thấy thầy Paul ăn nên làm ra, một lô loài hai chân và bốn chân nhảy vào cạnh tranh nghề lốc cốc tử. Trước trận chung kết, hàng ngũ gồm có thầy vẹt tên Mani ở Singapore, thầy tinh tinh ở Estonia và thầy voi ở Trung Quốc. Tất cả ba thầy này…đối lập với thầy bạch tuộc khi tiên đoán Hòa Lan sẽ ẵm cúp. Thật đúng luật cạnh tranh. Nếu tiên đoán giống thầy bạch tuộc thì sao nổi lên được! Kết quả tất cả đều trật lất. Tại sao khi không mà nẩy ra nhiều nhà…tiên tri không biết nói như vậy? Theo các nhà bình luận biết nói thì đây là một chiêu phản hồi của các nhà cá cược. Nếu dân cá cược đều bắt theo thầy bạch tuộc hết thì kẹt cho nhà cái. Thiên hạ đổ dồn về một phe thì nhà cái một là ăn cả hai là ngã về không. Ăn thì không nói chi, thua thì tiền đâu mà chung? Vậy nên mới cho ra lò một lô thầy mới toanh để cho dân cá chia phe hầu nhà cái đứng giữa hưởng lợi. Chiêu hóa giải này coi bộ khó thành công vì uy tín của bạch tuộc Paul đang lên dữ quá.

Bạch tuộc, vẹt, tinh tinh, voi ở Đức, Singapore, Estonia và Trung Quốc xông vào đoán lung tung, chẳng lẽ Việt Nam ta, nước thiên tiên rồng, lại không có tiên tri? Đời nào! Vậy là chúng ta có một linh vật vào cuộc. Linh vật đó là chú chó Phú Quốc tên “Mr. Vàng”. Chú Vàng này rất thông minh, nhanh nhẹn và tình cảm. Tại sao chú lại có cái tên…vàng khè như vậy? Vì chủ nhân của chú yêu thích bài thơ “Sao không về vàng ơi” của nhà thơ Trần Đăng Khoa nên mới đặt cho chú cái tên…vương giả này. Chú Vàng đã tiên đoán trên báo mạng VietnamNet là hai đội tranh chung kết Hòa Lan và Tây Ban Nha sẽ hòa nhau với tỷ số 0-0 trong hai hiệp chính. Sau đó đội nào thắng chú không đoán tiếp! Chó…vương giả có khác. Cứ lửng lơ con cá vàng. Nhưng tiên đoán của chú đã đúng dù lời đoán này làm dân cá độ tức anh ách. Cũng tức cái mình là cho tới bây giờ chủ nhân cũng chưa tiết lộ cách chú đoán kết quả trên. Xứ sở của bí mật có khác. Chẳng lẽ đây là bí mật…quốc gia!

Các thứ vẹt, tinh tinh, voi hoặc chó làm sao sánh được với một giống thông minh và uy tín hơn nhiều. Đó là các nhà khoa học. Một số chuyên gia sinh vật cho là bạch tuộc Paul chẳng tài cán chi cả mà chỉ được học để nhận diện lá cờ Đức. Ông phát ngôn viên Tony LaCasse của Viện Hải Dương New England ở Mỹ…phát như sau: “Paul có một khả năng mà bất cứ tay cá cược nào cũng mơ ước. Nó liên tục dự đoán đúng một cách đáng kinh ngạc, nhưng tôi nghi ngờ khả năng ngoại cảm của nó”. Ông Mike Henley của Viện Smithsonian bồi thêm bằng cách cho biết bạch tuộc nằm trong số những sinh vật biển thông minh nhất thế giới. Chúng ham học hỏi và có khả năng ghi nhớ. Tiến sĩ Jean Boal, Giáo sư môn Sinh Vật Biển tại Đại học Millersville tại Pennsylvania, tin rằng những dự đoán đầu tiên của Paul có thể chỉ do may mắn và việc chú bạch tuộc này liên tục chọn cờ Đức từ giải Euro 2008 tới nay là vì chú được học để làm vậy. Bà nói: “Đó là một dạng tiếp thu nhận thức đơn giản. Bạch tuộc rất chăm chú học hỏi. Chúng ta có thể huấn luyện chúng, đôi khi theo một cách không chủ ý”.

Nhưng tại sao bạch tuộc Paul có hai lần không chọn cờ Đức mà vẫn đúng? Bà Giáo sư Boal giải thích: trong quá trình học hỏi thì có thể có đôi lần chúng vẫn chọn những cái không quen thuộc. Nhưng tại sao hai lần chọn “những cái không quen thuộc” khi chọn cờ của Serbia trong vòng loại và của Tây Ban Nha trong vòng bán kết, Paul vẫn đúng? Câu trả lời nghe ra rất huề vốn: gặp may! Thì cá cược bao giờ chẳng là trò may rủi, một thứ may rủi có tính toán!

Nói tới tính toán thì lại phải hỏi thăm các nhà toán học. Hai ông tiến sĩ toán ham mê bóng đá đã chịu khó phân tích để chứng minh là đội Tây Ban Nha sẽ thắng trong trận chung kết. Đó là các Tiến sĩ Javier López Pena và Tiến sĩ Hugo Touchette thuộc Đại Học London. Hai ông này đã sử dụng thuật toán học gọi là “lý thuyết đồ thị” để chứng minh tiên đoán Tây Ban Nha sẽ lên ngôi vô địch World Cup năm nay. Với mỗi đội tuyển vào chung kết là Hòa Lan và Tây Ban Nha, hai ông Tiến sĩ đã dựa vào những đường chuyền banh của họ trong suốt các trận đấu của giải để vẽ ra một mạng lưới cho mỗi đội. Tiến Sĩ Touchette giải thích: “Mỗi cầu thủ trong mạng lưới được cho một điểm số gọi là điểm vai trò then chốt (centrality), điểm số này đánh giá tầm quan trọng của mỗi cầu thủ trong mạng lưới. Điểm số cao thì hậu quả sẽ càng lớn khi cầu thủ không có mặt tại vị trí của mình. Phương pháp này thường được dùng để giúp internet nhanh mạnh hơn, nhưng nó cũng được dùng để vạch ra chiến lược trong bóng đá”. Những mạng lưới này cho thấy cầu thủ Tây Ban Nha tạo ra số đường chuyền đáng nể trong giải World Cup năm nay, nhiều hơn Đức gần 40% và gấp đôi Hoà Lan. Tiến Sĩ López Pena cho biết: “Đội tuyển Tây Ban Nha dựa vào những đường chuyền lẹ làng được phân bố tốt giữa tất cả các cầu thủ, đặc biệt giữa những cầu thủ chơi ở khu vực giữa sân”. Cẩu thủ David Villa của Tây Ban Nha, người ghi nhiều bàn thắng nhất của giải, đã nhận được trung bình 37 đường chuyền cho mỗi trận đấu, nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào của tất cả các đội tuyển. Trong khi đó, đối thủ chính của David Villa là Fernando Torres của Hòa Lan chỉ nhận được trung bình 13 đường chuyền trong một trận cầu. Hai ông tiến sĩ toán kết luận: Tây Ban Nha sẽ thắng. Loanh quanh một cách hết sức trí thức, cuối cùng hai ông tiến sĩ cũng đưa ra kết luận giống y chang như chú bạch tuộc Paul! Vậy mới thấy uy tín của bạch tuộc!

Ngồi coi trận chung kết giữa Tây Ban Nha và Hòa Lan, lòng tôi hồi hộp dễ sợ. Có lẽ lo cho uy tín của chú bạch tuộc. Nhưng xét kỹ lại lòng mới biết thực ra khoái Tây Ban Nha thắng là vì cô em Larissa Riquelme. Cô nổi tiếng cùng với World Cup. Thực ra cô đã nổi tiếng từ trước là một người mẫu kiêm diễn viên có vòng số một hấp dẫn nhất Paraguay. Năm nay 25 tuổi, còn soan chán, cô xuất hiện trong các tụ điểm xem tường thuật trực tiếp bóng đá tại thủ đô Assuncion với các bộ đồ bốc lửa. Thường là một chiếc T-shirt mang hình cờ Paraguay rộng cổ. Rộng không thể rộng hơn được. Giữa đôi gò bồng đảo núi của, cô nhét chiếc điện thoại di động gọn lỏn. Tiếng tăm (hay tăm tiếng?) cô nổi như cồn thêm nữa khi cô tuyên bố sẽ tô hô nếu đội nhà đoạt cúp vô địch. “Tôi hứa nếu Paraguay vô địch World Cup 2010, tôi sẽ không mặc gì mà chỉ vẽ màu cờ tổ quốc lên mình để ghi dấu sự kiện này”. Lúc đó tôi cũng có ý ngầm ủng hộ đội Paraguay nhưng lý lẽ của con tim  trong trường hợp này chắc không khá. Làm sao mà Paraguay ẵm cúp được! Có lẽ cũng nghĩ như vậy nên cô bé này mới mạnh miệng tuyên bố chứ dễ chi mà được chiêm ngưỡng trăm phần trăm mà chẳng tốn xu teng nào. Nhưng oan cho cô Larissa Riquelme quá. Cô có ý định cởi thiệt. Bởi vì khi đội Paraguay bị Tây Ban Nha loại thì cô Larissa này…phản quốc! Cô theo địch! Trên báo El Comercio, cô tuyên bố là cô đã chuyển tình cảm sang cho đội Tây Ban Nha là đội đã cho Paraguay nếm mùi thất bại. Cô lại hứa: nếu đội Tây Ban Nha thắng Đức trong trận bán kết và đoạt chức vô địch sau đó, cô sẽ thoát y ở một nơi công cộng tại thủ đô Assuncion. Vì vậy nên tôi mới hồi hộp khi coi trận bán kết này và quả con tim có vui trở lại khi Tây Ban Nha thắng! Như tôi đã trình bày ở trên, tôi đã theo thầy bạch tuộc trong trận chung kết. Nói là nói vậy chứ trong thâm tâm tôi có ý đồ riêng. Tây Ban Nha thắng thì mới có đường mắt sáng lên vì được cô bé Larissa Riquelme rửa cho chứ!

Tôi thuộc loại dân cá…lòng tong. Có tô phở mà cũng không dám cá! Nói ra sợ dân cá cược chuyên môn cười cho thối mũi. Cá cược có nhiều cấp độ.  Các báo thường tổ chức những cuộc thi đoán có thưởng cho độc giả. Giải thưởng khá hấp dẫn. Như anh Nguyễn văn Xin trúng chuyến đi Nam Phi coi trận chung kết của báo VietnamNet. Báo Người Việt bên Cali tổ chức hai đợt đố vui có thưởng. Đợt một giải thưởng số dách là một chiếc ti vi mặt phẳng 42 inches.  Người trúng giải là cô Fatima H.M. đã đoán trúng bốn hội vào bán kết và trả lời đúng phóc câu hỏi phụ, có 15 người đoán trúng câu hỏi chính. Đợt hai, người trúng giải nhất là anh Antony C. Phan, đã đoán trúng đội vô địch là Tây Ban Nha và đoán trúng tỷ số trận chung kết là 1-0. Anh cũng ẵm ngon lành một chiếc ti vi, nhưng lần này lớn hơn cái ti vi của cô Fatima H. M., lớn tới 50 inches lận! Lớn vậy cũng chỉ bằng cái ti vi của ông Luân Hoán!

Đố vui có thưởng là một hình thức cá cược loại nhẹ và hợp pháp.  Cũng thuộc loại cá…dễ thương là cá một chầu cà phê hoặc một chầu nhậu. Ở thôn quê cá còn văn nghệ hơn nữa. Đây là một hoạt cảnh xảy ra ở huyện Thanh Oai, Hà Nội được báo VietnamNet ghi lại: “Anh Thành cho biết: “Chú cứ xuống đây khoảng 12h đêm là kiểu gì cũng có tiệc. Bọn anh hầu như trận nào cũng bắt độ với nhau, làm con gà hay két bia uống cho vui. Chẳng mấy khi, 4 năm mới có một lần!”. Trong trận giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Đức, chưa bao giờ giới mộ điệu nông thôn lại hào hứng như trận đấu này… Tại nhà anh Lê Bá Tùng có 15 người đến xem. Khi bóng chưa lăn, mọi người đã chia đội để bắt độ với nhau: 1 trận bia và 2 con vịt cỏ. Tuy nhiên, cả hội gần như chẳng ai muốn nhận đội tuyển Đức vì quá yêu Rooney, Gerrard, Lampard. Là chủ nhà nên anh Tùng chiều khách nên một mình cầm đội tuyển Đức. Anh Tùng sung sướng kể: “Đúng là bóng đá! Tôi nghĩ Đức chết sẵn, nhưng vì chiều khách nên một mình tôi cầm Đức. Coi như mình mời khách một bữa nhậu. Không ngờ đâu mà tôi lại được ăn ngon”. Cá một bữa ăn kể ra cũng là một loại cá bình thường. Cá một bữa…làm mới đậm tính quê. “Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, đang mùa thu hoạch trái vải, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xem World Cup của người dân…Anh Đức Hiệp, một ngưòi hâm mộ, nói: “Độ này trên em bận lắm, vặt vải bán nếu chậm thối hết. Tuy thế nhưng em vẫn không thể bỏ World Cup được. Trận Hàn Quốc gặp Uruguay em cầm Hàn Quốc “đá” với ông bên hàng xóm. Nếu em thắng ông ý phải sang nhà em vặt vải hai ngày cho nhà em, còn em thua thì ngược lại”.

4

Cá ăn thua nhau đủ là một loại cờ bịch thứ thiệt. Và là cờ bạc nên xảy ra nhiều tình huống…casino. Trái banh không còn mang tính thể thao nhưng đã trở thành hòn bi lăn trên bàn bạc. Đây là một hoạt cảnh xảy ra vào đêm 20 tháng 6 tại một quán nhậu bên cầu Điện Biên Phủ, dọc theo kênh Thị Nghè. Hoạt cảnh loại này có thể xảy ra ở bất cứ quán nhậu nào trong mùa World Cup nhưng tôi chọn vùng kênh Nhiêu Lộc vì đó là nơi tôi ở ngày xưa. Cách chọn nặng về tình cảm này cũng giống như cách nhiều người đánh cá. Chọn đội mình thích mà đặt cược dù biết đội mình yêu thích dưới cơ địch thủ. Loại đánh cá kiểu tình cảm đó không nhiều và chỉ xảy ra trong gia đình, chòm xóm hay một nhóm bạn bè chứ không hề có trong các vụ đánh cá giữa những người lạ hoắc trong quán xá. Đêm 20 tháng 6 đó có trận Ý và Tân Tây Lan. Một anh khổng lồ về bóng đá và một anh tên tuổi chưa có chi là hấp dẫn. Dân cá độ bắt đội Ý phải chấp hai trái. Vậy mà “không khí như vỡ òa khi tiền đạo đội bóng nhỏ bé Tân Tây Lan sút tung lưới “gã khổng lồ” Ý ngay từ những phút đầu tiên…’Thế này thì còn làm ăn đếch gì nữa! Dzô, dzô đi…’, một ông khách phốp pháp gào lên sau một đường lên bóng của các cầu thủ mang áo mầu thiên thanh. Người đàn ông này hy vọng đội bóng lớn đến từ châu Âu sớm ghi bàn gỡ hòa và tiếp tục có thêm nhiều bàn thắng nữa. Càng nhiều càng tốt bởi ông ta bắt “kèo trên” Ý chấp đội bóng bé hạt tiêu tỷ số chênh lệch đến hai bàn thắng. Tương tự, xung quanh, hàng trăm người khác cũng căng thẳng dõi mắt lên màn hình. Tuy nhiên, trong ánh sáng nhập nhòe của quán, tâm trạng mỗi người mỗi khác. Kẻ đập bàn đá ghế, vò đầu bứt tai, nhưng cũng có người ngồi yên lặng một góc lạnh lùng nghiền ngẫm không để lộ một tí cảm xúc nào. Người bắt kèo trên thì toát mồ hôi hột, kẻ nắm kèo dưới thì đang thầm khấp khởi trong lòng. ‘Những tay này cáp độ cả vài chục chai (triệu đồng), có khi còn hơn nữa đấy, làm ăn chứ chẳng phải đùa chơi đâu’, một ông lớn tuổi vừa xem vừa quan sát chung quanh nói. Vị khách tóc hoa râm này cho biết thêm ‘hầu hết những cảm xúc vui buồn, giận dữ trong quán này không chỉ là vì bóng đá mà là đang ăn thua’”.

Ở Việt Nam bây giờ đang là mùa thi. World Cup cũng là một cuộc thi. Hai cuộc thi này đối chọi nhau. Bên là đam mê, bên là tương lai. Tình thế cứ như bên tình bên hiếu, biết sao cho vẹn đôi đường! Thôi thì đành theo…tình vậy. Theo chân ký giả Cẩm Trang, chúng ta đi vào thế giới cá độ của sinh viên. “Tùng, sinh viên ngoại tỉnh, cho biết, cậu đang phải ôn thi cuối kỳ tuy nhiên vẫn không bỏ sót một trận cầu nào, và đến trận Cameroon - Đan Mạch thì đã “tuột mất 2 chai”. “Không xem thì không được, mà đã xem thì phải chiến. Mà chiến thì chiến tới cùng…”, mặt phờ phạc vì thức đêm và người không còn một đồng xu dính túi nhưng Tùng vẫn tỏ ra không hề nản chí với “cuộc chơi”. Cậu sinh viên cho hay, để tiếp tục hết mình với World Cup và nhằm gỡ gạc nên tất nhiên cậu phải trổ tài xoay sở, cầm cắm đồ đạc, vay mượn bạn bè hoặc xin thêm ông bà già một ít tiền ứng trước để học thêm. ‘Không sợ bị tiêu đâu, em là thằng từng nhờ M.U. mà sống, nhờ giải ngoại hạng để có tiền tán người yêu mà’, cậu sinh viên năm thứ 3 trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên tỏ ra sõi đời. Không riêng Tùng, rất nhiều sinh viên khác cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy ma lực của cá độ. Đúng như lời cậu, hàng đêm, khắp các quán cà phê ở khu vực Đại học quốc gia Thủ Đức, hàng trăm cặp mắt sinh viên dõi lên màn hình, không hẳn là ham mê quả bóng tròn mà họ đang cá độ. Hồi hộp ‘không biết có gỡ lại được để chuộc lại cái xe máy, cái laptop vừa đem cầm ở tiệm cầm đồ chiều nay’”

Cá độ sơ sơ như vậy mà đã là khách hàng thân quen của các tiệm cầm đồ, nhiều sinh viên còn chơi bạo hơn nữa bằng cách cá độ…quốc tế. Chàng sinh viên tên Việt của Đại học Xây Dựng là tay cá độ loại sang này. Trận mở màn làm Việt mất đứt 500 đô Mỹ. Đối với dân sinh viên, số tiền này là cả  một gia tài nhưng Việt thản nhiên nói: “Thắng thua là chuyện bình thường, năm trăm đô đã là gì đâu. Mới chỉ là trận mở màn thôi!”. Trên mạng có nhiều website chuyên về cá độ. Việt tham gia vào một trong những trang mạng cờ bịch đó. Anh thành thạo nói: “Muốn cá độ bao nhiêu và với hình thức nào thì đều phải thông qua một người trung gian ở Việt Nam. Người này sẽ chịu trách nhiệm ghi số tiền cá độ, họ tên và địa chỉ của mình. Tất cả đều được thực hiện qua mạng, họ sẽ có cách để xác minh lời khai của mình, sau đó mới đồng ý cho mình cá cược. Số tiền cá sẽ phải quy đổi ra đô la và đều được thanh toán qua thẻ tín dụng’. Chàng sinh viên mê cá độ này khoe sự can đảm của mình: “Người cá độ như người rà phá bom mìn, không bao giờ có cơ hội sửa chữa sai lầm”. Trang cá độ quốc tế  “man…88” hoạt động rất mạnh ở Việt Nam. Họ đã có hẳn một trang tiếng Việt để dân cờ bạc ở Việt Nam dễ dàng tìm hiểu luật chơi cũng như việc giao dịch tiền bạc sau khi cá cược. Các trang cá cược có xuất xứ từ châu Á khác, phần lớn ở Macao, như sbo…com, ibet…, bet…188 lại chọn cách thành lập các mạng lưới đa cấp để mở rộng chân rết tại Việt Nam.

Trong số dân cá độ ra…biển lớn này, sinh viên chỉ là số nhỏ. Các đại gia có máu mê cờ bạc mới là những con mồi ngon. Nhưng khách hàng của những tiệm cầm đồ lại gồm phần lớn là sinh viên. Sinh viên quanh đi quẩn lại muốn có tiền cá độ thì chỉ có những chiêu quịt tiền  học, nói dối xin gia đình tiền học thêm hoặc bị tai nạn. Chiêu thường dùng nhất là “cắm” đồ tại các tiệm cầm đồ. Điện thoại di động, ti vi, xe gắn máy…là những thứ nằm trong danh sách cho đi ở trọ dễ nhất. Trấn lột tiền của người khác, mấy anh…đồ này coi bộ ít dám. Đó là việc của những tay chơi liều mạng.

Ba tay cá độ là Trần Thế Duy, 19 tuổi, ngụ tại Bến Tre, Thạch Giang, 20 tuổi ở Trà Vinh và Nguyễn Hoàng Bảo Trang, 26 tuổi ở Sóc Trăng  đã thua khoảng 20 triệu đồng cá độ sau hai tuần sống chết với World Cup. Hết tiền, ba tên hè nhau ăn cướp chiếc xe gắn máy của anh Bùi Thành Đ. Anh Đ đang đứng tán chuyện với bạn gái là chị Nguyễn Thị Ngọc D. tại phường Phú Hữu, quận 9, Sài Gòn vào 11 giờ khuya ngày 26/6 vừa qua thì bị ba con cá bóng đá hỏi thăm. Ba ông thần cá độ này đã bị tóm cổ trên đường tẩu thoát. Hai ông thần khác tên Nguyễn Quang Sơn, 38 tuổi và Nguyễn Ngọc Quyền, 30 tuổi, dân Sài Gòn, không cướp mà trộm. Chúng đi chung một xe máy tới một nhà tại phường Thới An, quận 12, dùng thanh sắt phá ổ khóa cổ của chiếc xe gắn máy dựng trước nhà. Bị dân chúng bắt, trong khi bị áp giải về công an, tên Sơn năn nỉ: “ Làm ơn tha cho em đi, do kèo trên mấy hôm nay xụi dữ quá nên em mới làm liều. Ông anh lấy chiếc xe máy của tụi em xài chứ đừng giao em cho công an!”. Hai tên Nguyễn Tân Tạo, 23 tuổi và Trần Bình Minh, 19 tuổi, thức đêm cá trận Pháp-Uruguay ngày 12/6 bị phơi áo. Sáng ra, không ngủ được, chúng chở nhau bằng xe gắn máy cướp giật chiếc túi treo trên tay lái xe của chị Nguyễn Thị Ngọc Châu. Chúng bị bắt tại trận không có dịp coi tiếp bóng đá!

Ngoài những chiêu cướp giật, trấn lột trên đường phố, những…bại tướng của trái bóng da làm việc tại các cơ quan công cũng như tư liều lĩnh giở trò thụt két, biển thủ. Phương tiện nào đối với dân cá cược cũng tốt miễn là có tiền để bắt kèo trên kèo dưới. Không có tiền thì vay nợ. Không có tiền trả nợ thì…hy sinh. Như anh Trần Tuấn, nhân viên ngân hàng BIDV ở Bảo Lộc bị Nguyễn Huy Trân, bảo vệ ngân hàng MHB đánh chết vì không có tiền trả nợ cá cược bóng đá. Thi hành xong thủ đoạn, tên Trân đã gói xác anh Tuấn bỏ vào thùng các tông, vứt ở rãnh nước cạnh ngân hàng BIDV.

Cá mà đến thế thời thôi! Quăng mình vào trò chơi may rủi hình như là cái cốt của dân Việt. Không cứ dân Việt mà toàn dân Á Châu. Thành phố tôi ở có một sòng bạc khá lớn. Dân tứ xứ đổ về đây giam tiền cho nhà cái. Tôi ít khi lai vãng vào nơi này vì lòng tin vào vận may của mình chỉ mấp mé tới trò xổ số là cùng. Ông bạn nhà báo Hà Túc Đạo của tôi lại khác. Ông là người của casino. Một lần ông tới chơi với tôi một tuần lễ là tôi phải đưa ông tới sòng bài đủ một tuần lễ. Ông này hình hài trông cũng không có chi bắt mắt, vậy mà ông thần may mắn chẳng biết nghĩ sao lại kết ông ấy. Tôi đã từng chứng kiến ông bạn tôi trúng số độc đắc mua xế hộp chạy tung tăng khắp Sài Gòn nay lại chứng kiến ông ôm bạc từ sòng bài về. Ngộ một cái là ông ngồi đánh một mình thì thắng, có tôi ngồi ám bên cạnh thì thua, thua tới cháy túi. Ông ấy phải đuổi tôi đi. Tôi có dịp la cà khắp sòng bài, ngắm thiên hạ căng mắt căng mặt chơi trò đỏ đen. Và tôi nhận ra là những chiếc đầu đen vượt trội hơn hẳn những chiếc đầu có màu khác. Hóa ra việc dân Á châu mê bài bạc là đúng thật. Tôi đã kiểm chứng đàng hoàng. Vậy nên sau khi World Cup hạ màn, tôi không ngạc nhiên mấy về bài báo của Victoria Bryan của hãng tin Reuters.

Bài báo viết từ Paris cho biết là Cảnh Sát Quốc Tế Interpol đặt trụ sở tại Lyon, Pháp, đã bắt giữ hơn năm ngàn người và tịch thu khoảng mười triệu đô Mỹ trong một chiến dịch càn quét dân cá độ bóng đá trên khắp Á châu. Chiến dịch này mang tên SOGA III và diễn ra trong khoảng thời gian một tháng tranh giải. Có tất cả 800 đường dây cá độ bất hợp pháp có liên quan tới các băng đảng ở Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Hương Cảng, Macao và Trung Quốc. Trung Quốc cũng triệt hạ một tổ chức cá độ trên mạng có số tiền cá lên tới 17 tỷ 760 triệu đô!

Ở ngay đất…thánh, nơi đang diễn ra những trận đấu, nhà báo Nguyễn văn Khanh kể về chuyện cá độ kiểu…Phi châu: “Ít giờ đồng hồ nữa sẽ có khối đứa chết,” cô Anna Corella của Tây Ban Nha bảo với tôi khi đang ngồi ăn trưa. Cô nói World Cup “là mùa cờ bạc lớn nhất” của xứ bò tót, và của cả Âu Châu. Hỏi chuyện “bán vợ đợ con” có xảy ra không, cô nhà báo đại diện cho tờ nhật báo lớn nhất Madrid trả lời: “Bán vợ thì không nghe nói, nhưng bán nhà, bán cửa hay bán xe hơi giá rẻ là chuyện bình thường,” chua thêm câu “không phải chỉ ở Tây Ban Nha không thôi mà ở cả Âu Châu.”. “Bán vợ đợ con chắc chỉ xảy ra ở những xứ nghèo như Châu Phi thôi,” theo lời anh thông dịch Manase, người bạn thân nhất của tôi trong suốt 4 tuần lễ vừa qua. Khuôn mặt không được vui, anh bảo Nam Phi không may lãnh liền 2 quả búa tạ, “mới đây là Confederation Cup, bây giờ là World Cup.” Anh bạn trẻ người địa phương cho hay “cứ có trận banh lớn là mọi người đổ xô vào đánh cá, chính phủ còn có cả văn phòng chuyên ghi đề nên ‘người càng nghèo lại càng nghèo thêm’. Chuyện thua cá độ thể thao xong về nhà ‘đánh vợ chửi con là chuyện rất thường, ở xóm nào trong khu nghèo nàn Soweto mà chẳng có’. Bốn tuần rồi toàn thua thôi, bây giờ cái gì cũng bán để dồn vào trận chót hy vọng gỡ lại vốn.”

Cá cược ở những xứ nghèo thật thê thảm. Chỉ với một số tiền thua không nhiều so với các nước tiên tiến mà hậu quả khôn lường. Ở các nước “văn minh” người ta sát phạt nhau một cách tốn tiền hơn nhiều. Theo tiết lộ của tờ The Sun số tiển cá cược lớn nhất thế giới trong mùa World Cup năm nay của một người giấu tên cá Đức thắng Tây Ban Nha trong trận bán kết với hãng cá cược William Hill là 417 ngàn bảng Anh, tương đương 626.871 đô Mỹ. Nhà cờ bịch giấu tên đã đặt nhầm cửa: Đức thua. Cá như vậy mới là cá chứ!

Nhà tỷ phú Warren Buffett chắc sẽ bĩu môi khinh bỉ. Vậy mà là cá sao? Một cơ sở làm ăn của ông là hãng bảo hiểm Berkshire Hathaway, trụ sở tại Omaha, Mỹ, đã ký hợp đồng bảo hiểm với một khách hàng theo đó hãng sẽ phải trả vị khách này 30 triệu đô nếu Pháp đoạt chức vô địch World Cup 2010. Trong quá khứ đội Pháp đã vô địch năm 1998 và á quân kỳ World Cup bốn năm trước đây. Ngược lại nếu Pháp không đoạt được chức vô địch, tỷ phú Warren Buffett sẽ bỏ túi 30 triệu. Con cáo già trên thương trường bắt liền. Kết quả, ngày 22/6, Pháp phải nói lời chia tay sớm sủa với World Cup một cách nhục nhã khi đứng chót bảng trong vòng loại. Nhà tỷ phú bỏ túi 30 triệu ngon ơ. Anh chàng nào cá cược một cách dại dột như vậy? Tên của vị khách này không được tiết lộ. Gerald Martin, giảng viên tài chánh trường Kinh Doanh Kogod, đã bình luận chuyện ăn thua này như sau: “Thực ra xác suất để mỗi đội banh trong tổng số 32 đội tranh nhau chức vô địch không lớn. Quan trọng là bạn phải định lượng được tỷ lệ đó và tính toán mức tiền chi trả. Đứng trên quan điểm số học mà nói, rất có thể ông ấy cá cược vụ này dựa trên sở thích cá nhân. Tôi dám chắc ông ấy mỉm cười khi biết kết quả trận đấu”. Nếu bạn thua một cú 30 triệu đô, bạn có cười được không? Cười chi nổi. Mếu là cái chắc! Nhưng chuyện cá cược bạc triệu này là chuyện của thương trường, người ta nghĩ như vậy. Không ai tiêu cho sở thích cá nhân số tiền 30 triệu như nhà tài chánh Gerard Martin đoán già đoán non đâu. Dư luận cho là đây là một cách bảo hiểm rủi ro. Có thể một công ty nào đó mua hợp đồng nói trên để phòng ngừa rủi ro cho các khoản chi liên quan đến chiến thắng của đội tuyển Pháp. Một công ty ở Pháp, Carrefour SA, chuyên bán ti vi đã chiêu hàng bằng cách sẽ hoàn 100% tiền nếu đội Pháp vô địch, 50% nếu đội Pháp vào chung kết. Người ta nghi chính hãng này đã bảo hiểm thiệt hại nếu đội Pháp ca khúc chiến thắng trở về Paris. Phát ngôn viên của hãng không bình luận gì khi được hỏi về vụ bảo hiểm này.

Đụng tới các tay tổ trên thương trường, chẳng sao mà lường trước được. Vậy thì vụ này có cá cược chi đâu! Chỉ là chuyện bảo hiểm. Dư luận của những người biết quá nhiều cho là như vậy. Phần tôi xin kính nhi viễn chi. Cả đời có biết buôn bán là cái chi chi đâu!

5

Vụ cá của ông đông bạc này có được coi là một chuyện đáng nhớ trong mùa World Cup 2010 không? Dĩ nhiên là không! Đâu cứ phải nhiều tiền là ngon. Người ta đã hỏi 320 nhà ngữ học tại 60 quốc gia trên khắp các châu lục xem họ chọn danh từ nào được coi là đáng ghi nhớ nhất trong cuộc tranh tài bóng tròn năm nay. Không thấy ai nhắc tới chữ “cá” dù có vụ cá cược ba chục triệu này. Ngay những thứ sờ sờ trước mắt như trái banh đặc biệt do hãng Adidas thực hiện có tên là Jabulani, biểu tượng của World Cup năm nay Zakumi hay cái tên thân mật của đội bóng nước chủ nhà Bafana Bafana đều chỉ là những thứ mờ nhạt. Mỗi cái tên tưởng là phải gây nhiều ấn tượng trên, mỗi tên chỉ được có 4% số phiếu. Vậy cái chi mới được các nhà ngữ học trên khắp thế giới coi là sẽ được ghi nhớ lâu dài? Thưa cái được 75% các nhà ngữ học chấm là chiếc kèn vuvuzela! Gọi cáí thứ rì rào khó chịu như tiếng ong vò vẽ trong suốt các trận đấu là kèn thì quả là oan cho các loại kèn khác. Kèn phải trầm bổng khi lên cao khi xuống thấp chứ cái thứ gọi là kèn này chỉ có thể là cái tù và. Rền rền một âm buồn nản. Và nhức tai. Ngồi coi ti vi trực tiếp truyền hình từ Nam Phi, có nhiều lúc tôi nghĩ mình may mắn đã không có mặt ngay tại cầu trường. Xa cả ngàn dặm đã khổ vì vuvuzela ngồi ngay tại chỗ có mà chết. Nhưng khán giả trong sân chẳng có ai chết cả. Không chết người nghe nhưng chết người thổi. Nghe ra như chuyện lộn tùng phèo, vậy mà có. Cậu bé người Nam Phi mới 14 tuổi tên Asanda Cele là một cổ động viên cuồng nhiệt của đội nhà Nam Phi. Đã là cổ động viên thì phải có cái vuvuzela trong tay, cậu bé Asanda không ra ngoài thông lệ đó. Cậu không những thổi ở sân banh mà còn thổi liên tục ở nhà nữa. Cậu còn vác kèn qua thổi bên sân nhà hàng xóm. Ông hàng xóm này mới dọn tới. Nghe cậu bé thổi kèn liên tục, ông tức khí vác súng ra bắn cậu bé chết thẳng cẳng tại chỗ. Khi bị bắt, ông hàng xóm này đã khai là ông tưởng Asanda là một tên cướp đột nhập vô sân nhà ông nên ông bắn. Cha của cậu bé phản bác lại: “Asanda luôn luôn thổi chiếc kèn vuvuzela của nó cho dù đội tuyển nhà có thắng hay thua. Hàng xóm của tôi mới chuyển tới khu này và không thích tiếng ồn của kèn vuvuzela. Tôi nghĩ đó là lý do ông ta giết con trai tôi…Trời lúc đó không tối và con trai tôi không hề che mặt. Nếu ông ta nghĩ đó là cướp đi chăng nữa thì cũng chỉ cần bắn cảnh cáo, không cần bắn đến ba lần”.Cây kèn khó chịu này còn là nguyên nhân của những vụ tranh chấp khác. Một người đàn ông ở Bulawayo thuộc xứ Zimbabwe đã bị mất một mắt trong khi đánh nhau để tranh giành một chiếc kèn vuvuzela. Một bà ở Cape Town, Nam Phi đã bị vỡ cổ họng trong một cuộc thi thổi vuvuzela!

Ký giả Nguyễn Văn Khanh có mặt tại Johannesburg khổ là cái chắc. Ai làm cho chàng ký giả người Việt hải ngoại độc nhất tại World Cup khổ? “Cả thế giới đang bắt đầu khổ chỉ vì ông Sepp Blatter. Vài tháng trước đây các cầu thủ đã gửi kiến nghị xin ông sếp FIFA đừng cho khán giả mang kèn vào sân thổi nhưng ông nhất định lắc đầu. Câu nói mang nặng tính bênh vực nước chủ nhà Nam Phi của ông là “tiếng hát, điệu trống và tiếng kèn thổi chính là biểu tượng của quốc gia này, đồng thời cũng là một phần văn hóa bóng tròn của Phi Châu”. Không ngừng ở đó, ông Chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới bảo thêm: “World Cup là thời gian cả thế giới hân hoan, mà đã nói đến hân hoan là phải có ăn mừng. Phải để cho người dân Nam Phi có cơ hội ăn mừng chứ!”.

Nói ngon như vậy nhưng trước tiếng ồn ào quá đáng của vuvuzela, FIFA đã phải xét lại vấn đề. Lần này ông Danny Jordaan, Trưởng Ban Tổ Chức World Cup 2010, vào cuộc, có lẽ để gỡ rối cho ông Chủ Tịch Sepp Blatter. Ông Danny Jordaan cho biết sẽ xét lại việc cấm mang vuvuzela vào sân banh vì báo giới cũng như cầu thủ và huấn luyện viên một số đội bóng phàn nàn. Nhưng ngày 14/6, chỉ ba ngày sau ngày khai mạc, trong một cuộc họp báo, một ông khác, lần này là ông Phát Ngôn Viên  của FIFA tên Schaffner Stan khẳng định: “Kèn vuvuzela sẽ không bị cấm tại các sân vận động”. Vậy là đường chuyền banh ngoạn mục từ ông Chủ Tịch qua ông Trưởng Ban Tổ Chức tới ông Phát Ngôn Viên là một đường banh ảo. Trái banh vẫn còn nguyên. Kèn vuvuzela vẫn như đàn ong vỡ tổ, chẳng mất một cái móng chân!

Vuvuzela làm rộn giới mộ điệu túc cầu từ bao giờ? Lại phải nhờ người có mặt tại chỗ Nguyễn Văn Khanh cho biết. “Thế giới bóng tròn biết và bực mình với vuvuzela từ những ngày gần cuối năm 2009, khi Nam Phi được FIFA chọn tổ chức giải Confederations Cup. Cảnh người dân nước chủ nhà lũ lượt kéo nhau vào sân, mỗi người trên tay cầm theo một chiếc kèn nhựa dài cả thước và cùng nhau đưa lên miệng thổi tạo ngay sự chú ý vì quá sức ồn ào. Ngay tức khắc cầu thủ và huấn luyện viên lên tiếng than phiền, cho rằng tiếng kèn thổi điếc tai nhức óc này khiến họ chia trí, các ký giả truyền thanh và truyền hình cũng than thở, bảo tiếng u-u khiến họ nhức đầu khó làm việc. Chỉ mỗi một người thấy vui là ông Chủ Tịch FIFA Sepp Blatter và hình như luật bất thành văn của FIFA đã quy định rõ: Khi ông Chủ Tịch vui thì mọi người không ai được quyền... buồn, phải chấp nhận mọi quyết định ông đưa ra”.

Ông Chủ Tịch FIFA là người vui hơi lâu. Đã bị phản đối rồi mà ông vẫn cứ kiên cường để vuvuzela xuất hiện búa xua trong kỳ World Cup 2010 này. Nói vậy cũng oan cho ông. Ông cũng có cấm khán giả trên sân không được thổi kèn trong hai trường hợp: khi hát quốc ca và khi các nhân vật đọc diễn văn và giới thiệu quan khách. Trong số những người đọc diễn văn dĩ nhiên có ông Chủ Tịch!

Nhiều cầu thủ than phiền vuvuzela làm họ phân tâm và mệt mỏi. Khi thi đấu trên sân họ phải hét lên mới trao đổi, bàn bạc được với đồng đội. Nhưng cũng có người như tiền đạo Robin Van Persia của Hòa Lan hưởng lợi vì tiếng ồn của kèn vuvuzela. Anh bị trọng tài phạt một thẻ vàng vì không tuân theo tiếng còi của trọng tài. Anh cãi bay cãi biến là anh không nghe thấy tiếng còi vì tiếng kèn vuvuzela quá ồn. Vậy là thoát một thẻ vàng!

Vuvuzela ồn như thế nào? Lại phải nghe chính nạn nhân Nguyễn Văn Khanh diễn tả: “Rõ ràng tiếng vuvuzela nghe như tiếng ong kêu. Ngồi ở sân có cảm giác như thế, ngồi ở khách sạn xem truyền hình cũng có cảm tưởng tương tự. Tiếng kêu này mới đầu nghe cũng thấy lạ tai, nhưng phải nghe liên tục gần hai tiếng đồng hồ thì chắc chắn…phát mệt. Chữ “mệt” nghe có vẻ dịu dàng quá, phải nói đúng hơn là phát điên!!!”. Điên thật chứ không phải là một cách nói. Theo thống kê của báo The Sun thì tiếng kèn vuvuzela đạt tới cường độ âm thanh là 144 decibel. Nghe vậy biết vậy chứ con số 144 decibel chẳng nói lên được cái chi chi. Nhưng nếu so sánh với các thứ tiếng ồn khác như tiếng máy bay chở khách là 140 decibel, tiếng ồn trong một buổi biểu diễn nhạc rock là 120 decibel, tiếng còi xe hơi là 110 decibel, tiếng máy cắt cỏ là 90 decibel, tiếng nói chuyện thông thường là 60 decibel, tiếng thì thầm là 15 decibel thì con số 144 decibel quả đáng tội. Theo các chuyên gia thì con người không nên tiếp xúc với âm thanh vượt quá cường độ 137 decibel. Vậy mà ngày nào cũng sống cùng 144 decibel, có tai…voi mới chịu nổi. Nhiều khán giả đã cảm thấy bị đau tai, cảm thấy có tiếng ù ù khi phải ngồi giữa những âm thanh quái đản này. Nếu uống rượu vào thì còn nguy hại hơn nữa. Tiến sĩ người Đức Olaf Hoffman cho biết: “Rượu khiến các cơ quan bảo vệ của tai trở nên nhạy cảm hơn với tiếng động lớn”. Mà coi đá banh thì bia bọt là một cái thú hầu như không thể thiếu được với cánh mày râu.

Nhức tai nhức óc, mấy ông bà bạn tôi vừa dán mắt vào màn hình vừa cằn nhằn. Chẳng thà ồn một chút cho rõ lớn rồi yên lặng cho người ta coi giò coi cẳng trên ti vi. Cứ âm ỉ như tiếng kèn đưa ma thật khó chịu. Ông bạn Luân Hoán của tôi khó chịu thành thơ.

tiếng kèn vuvuzela
ngôn ngữ của quỉ ma
mượn hơi thở ruồi nhặng
chen vào cõi người ta
u, u, u, oa. oa...
đúng là giọng thở ra
từ âm ti địa phủ
rờn rợn nổi da gà

Không biết có còn ai nổi da gà nữa không, tôi đi tìm đồng minh. Tìm về đất nước ta, bạn Phương Nguyễn ở Hà Nội nói những lời mát ruột mát gan. “Tôi không thể chấp nhận tiếng ồn của loại kèn này, nó át hết tiếng hát, tiếng trống cổ vũ của cổ động viên trên sân bóng. Tiếng kèn như tiếng ruồi, nhặng kêu suốt trận đấu. Không hiểu tiếng kèn cổ vũ cho đội thắng hay đội thua nên không biết được trạng thái của khán giả trên sân và chẳng có vai trò gì để cổ vũ cho cầu thủ trên sân đấu…Tôi từng xem hàng nghìn trận bóng đá nhưng chưa trận nào tôi phải tắt tiếng tivi xem bóng đá câm như tại World Cup lần này. Đề nghị FIFA quan tâm đến khán giả xem bóng đá qua truyền hình và trên sân đấu, cấm ngay việc cổ vũ bằng kèn vuvuzela”.

Một người trẻ khác lại nói ngược lại: “Vuvuzela là văn hóa của Nam Phi, chúng ta nên tôn trọng…Cũng giống như mắm tôm của chúng ta thôi…Đã là truyền thống, văn hóa của người ta, thì mình phải chấp nhận dù thích hay không thích!”. Cái truyền thống ồn ào ti tỉ ngày đêm trong suốt thời gian một tháng của giải Bóng Đá Thế Giới này có thực là của Nam Phi không? Chưa có một lý giải nào thỏa đáng. Lại phải nghe lời người có mặt tại chỗ, anh Nguyễn Văn Khanh. “Vuvuzela xuất phát từ đâu? Câu hỏi đơn giản vậy mà đi tìm câu trả lời lại không dễ. Ngay các nhà báo gốc Nam Phi cũng lắc đầu bảo không biết rõ xuất xứ của chiếc kèn quái ác này, trả lời chỉ nghe đồn đây là tiếng kèn thủa xa xưa các tù trưởng Zulu thường dùng để triệu tập dân trong bản thôn. Nhưng các nhà nhân chủng học Phi Châu không đồng ý với lời giải thích của báo giới, họ đưa ra dẫn chứng các bộ lạc thường duy trì phong tục tập quán của họ từ đời này sang đời khác, và chẳng có chứng cớ nào xác nhận dân Zulu từng sử dụng vuvuzela cả. Nếu thế thì vuvuzela xuất phát từ đâu? Ðương nhiên phải từ Châu Phi rồi, nhưng từ lúc nào thì chẳng ai rõ. Có người nói xuất phát vào thời điểm dân chúng Phi Châu đua nhau đem thùng thiếc, nồi niêu soong chảo ra làm trống gõ thành tiếng nhạc, nhưng cũng chẳng ai giải thích được tại sao lại có cái kèn quái dị này. Ðiều duy nhất được xác định: Từ những năm cuối thập niên 1990, dân đi xem đá banh ở Nam Phi bắt đầu đem vuvuzela vào sân thổi ủng hộ hội nhà. Thoạt đầu kèn làm bằng thiếc thật mỏng, nhưng từ năm 2000 đến giờ những chiếc kèn thiếc nguyên thủy đã nhường chỗ cho những chiếc kèn plastic “made in China”. Người dân Nam Phi hãnh diện về chiếc kèn vuvuzela của họ. Ông tài xế Thabo ưỡn ngực bảo “chỉ nghe tiếng kèn thôi là thế giới biết ngay xuất phát từ Nam Phi và dành riêng cho người Nam Phi” cho dù chính ông cũng không hiểu tiếng kèn nói lên điều gì. Bà bếp Shilellua của khách sạn Hilton thì ví von “tiếng kèn như tiếng gọi mọi người tập họp” vì “nghe những tiếng của đàn ong vỡ tổ, quấn quýt lấy nhau thành một âm điệu rất lạ lùng”. Lạ đến mức nào và lạ như thế nào thì bà cũng không giải thích”.

Thứ truyền thống này quả là lộn xộn. Lộn xộn như những gì chúng gây ra cho giới truyền thông. Công ty đặc quyền truyền hình cho giải bóng đá năm nay là Host Broadcast Services phải vất vả với công việc gửi những hình ảnh tranh tài đi khắp thế giới. Họ đã phải nâng gấp đôi công suất bộ lọc âm thanh để loại bỏ bớt âm thanh của kèn vuvuzela sau khi bị các khán giả truyền hình phản ứng. Nhưng nếu làm giảm tiếng ồn thì đồng thời cũng làm giảm bớt tiếng hò hét cổ vũ của các khán giả trên sân khiến trận đấu mất đi nhiều hào hứng. Đài truyền hình Pháp TF1 lại kiếm cách khác để tránh ảnh hưởng phần nào của anh chàng vuvuzela khó chịu. Ngay sau trận đấu mở màn, họ thay đổi vị trí đặt micro đồng thời tăng cường độ cho phần tiếng nói của các bình luận viên hòng làm giảm âm thanh của vuvuzela. Đài truyền hình BBC đã nhận được tới 545 lời phàn nàn của các khán giả nội trong một buổi sáng ngày 15/6 và họ đã phải phát ra hai phiên bản truyền hình. Một có tiếng động trung thực và một đã được làm giảm bớt tiếng hò hét cổ võ của khán giả. Nhân tâm tùy thích, ai muốn coi phiên bản nào thì coi, chỉ ấn một chiếc nút trên máy là xong.

Gây ra nhiều điều phiền toái như vậy nhưng chắc chắn các cổ động viên và ngay cả các cầu thủ sẽ có ít nhất là một chiếc kèn vuvuzela trong hành lý qui hồi cố quốc của họ. Vì đây là thứ kỷ niệm đặc biệt nhất mà chưa có kỳ World Cup nào có. Dù rằng những chiếc kèn Nam Phi này là thứ “made in China”. Cũng như trái bóng đặc biệt Jabulani của kỳ tranh tài thế giới này cũng do Trung Quốc lãnh phần chế tạo. Cái quái quỷ gì trên thế giới này chẳng “made in China”!

Mà đã “made in China” thì sớm muộn chi cũng tràn lan ra khắp thế giới. Chưa chi mà các fan bóng đá ở Sài Gòn đã quay quắt tìm mua vuvuzela. Dân chơi nào cũng muốn mình sở hữu được chiếc kèn đầu tiên để khẳng định tư cách. Ngay từ khi tiếng kèn rên rỉ trên màn ảnh thì trên mạng đã có những lời rao đại loại như: “Mình cần mua một cái kèn vuvuzela mà dân châu Phi hay thổi, các bạn xem bóng đá chắc có thấy. Ai có liên hệ mình nhé”. “Mình đang tìm và liên hệ những người dự định đi Nam Phi xem bóng đá, hy vọng sẽ có được kèn này”. “Nhu cầu cấp thiết mà không thấy người bán nhỉ?”.

Những lời rao gợi ý trên như rớt vào thinh không. Nhưng hy vọng vẫn còn đó. Một anh tên Huy ở Quận 10, Sài Gòn quả quyết: “Tôi đã tìm khắp nơi, cũng đã đăng thông tin lên mạng rồi. Hy vọng sẽ mua được nhanh”. Một fan khác, anh Trọng Hiền ở Quận 3 tỏ ra hứng thú: “Tôi muốn mua nó vì sở thích. Sau khi xong World Cup, những lần vào sân vận động Thống Nhất coi bóng đá, cầm theo cái kèn đi thổi chắc là đã lắm!”. Hai tay chơi xứ Tây Cống đều đã nhận được hồi âm từ các fan bóng đá đang có mặt tại Nam Phi. Giá của mỗi chiếc kèn là 20 đô Mỹ, gấp mười lần giá ở Nam Phi. Chiều ngày 23/6, lúc 16h30, tại quán cà phê Sông Mê, nằm trong khu Hòa Hưng, Sài Gòn, anh Trần Anh Huy đã nhận được chiếc kèn vuvuzela do một người từ Singapore về giao cho anh. Dĩ nhiên mặt anh Huy phải vác lên, không phải để thổi kèn mà để hãnh diện có được cây kèn vuvuzela đầu tiên tại Sài Gòn. Chiếc kèn này dĩ nhiên cũng “made in China”, được làm bằng nhựa, màu đỏ, dài 67 phân, giá 200 ngàn tiền Việt Nam. Theo anh Huy cho biết, anh là người mê nhạc, thấy chiếc kèn này hay hay nên muốn có một chiếc. Anh không phải là dân ngoại đạo âm nhạc. Anh đã học đàn dương cầm từ nhỏ và hiện nay đang học tây ban cầm. Khi cầm trên tay cây kèn, Huy cho biết: “Cảm giác khi được cầm cây kèn thấy là lạ, vui vui, nhất là lại có nhà báo đến phỏng vấn!”. Nhà báo là một nữ ký giả của VietnamNet, cô An Bang. Anh Huy đã thử thổi chiếc kèn anh ao ước có từ lúc nhìn thấy trên ti vi này. Lần đầu tiên chẳng thấy có âm thanh chi. Chẳng lẽ kèn Nam Phi không phát ra tiếng tại Việt Nam! Anh cố gắng thử tiếp nhưng vẫn chẳng ra sao: “Tối nay tôi sẽ phải tập cả đêm mất! Nó không dễ thổi như mình vẫn nghĩ!”. Theo anh Huy, muốn thổi cho ra tiếng phải bóp kèn vừa với miệng và thổi nhẹ, sau đó tăng hơi lên dần. Cô An Bang thấy hay hay nên cũng ghé miệng thổi thử. Lần đầu tiên cô phóng viên trẻ này dùng hết sức lực mà kèn vẫn im tiếng chẳng phát ra chút âm thanh nào. Cô gắng thổi tiếp. Những lần sau kèn có phát ra âm thanh nhưng vẫn còn đứt quãng. Nghe như tiếng…tù và! Thì tôi đã bảo vuvuzela trông giống cái tù và hơn là cái kèn mà!

Đội bóng Trung Quốc không được chơi tại Nam Phi nhưng Trung Quốc vẫn thắng lớn. Họ thắng bằng tiếng kèn truyền thống của dân Nam Phi. Trong nhiều lần đi du lịch, tới nơi đâu tôi vẫn có cái thích thú tìm mua những kỷ niệm của địa phương. Chiếc tháp Eiffel tại thủ đô Paris của Pháp, thằng bé tiểu tiện ở thủ đô Brussell của Bỉ, chiếc tháp nghiêng Pisa ở Ý hoặc ngay cả bức tượng Đền Thánh Phêrô ở Rome, lật ngược lên đều có hàng chữ “made in China” khép nép ghi ở phía dưới. Cái khép nép mang lại bạc tỷ cho các chú con trời. Chiếc kèn vuvuzela cũng không là ngoại lệ. Thấy có thị trường là anh Trung Quốc chẳng bao giờ bỏ qua. Biên giới Việt Hoa ngày nay như bỏ ngỏ, hàng Trung Quốc muốn tràn sang lúc nào mà chẳng được. Và kèn vuvuzela Trung Quốc đã tràn ngập Hà Nội. Sau gần một tháng nghỉ để tránh World Cup, giải vô địch bóng đá quốc gia đã trở lại trên sân vận động Hàng Đẫy vào chiều ngày 30/6 với những chiếc kèn vuvuzela được rao bán với giá 150 ngàn đồng. Các fan bóng đá không bỏ lỡ dịp được làm khán giả giống như khán giả của World Cup bên Nam Phi. Các túi kèn được vác đi bán rong vơi đi rất mau chóng. Hầu như ai cũng muốn mua một chiếc. Tiếng rì rào của đàn ong vỡ tổ đã di chuyển từ Nam Phi tới Hà Nội. Được làm anh láng giềng của Trung Quốc kể cũng sướng, tha hồ hứng những thứ…văn minh! Ít ra kèn vuvuzela cũng xâm nhập vào Việt Nam nhanh hơn những nơi khác.

Người ta đã lo ngại là kèn vuvuzela sẽ có mặt trong khắp các cuộc tranh tài thể thao trên thế giới. Chưa chi mà các liên đoàn bóng rổ, bóng chuyền và các thứ bóng khác đã răn đe sẽ không cho mang kèn vuvuzela vào các cuộc tranh tài của họ. Mặc kệ dư luận có lúc đã tức bực với chiếc kèn được coi là truyền thống của Nam Phi, ông Chủ Tịch FIFA Sepp Blatter, trong cuộc họp báo kết thúc World Cup 2010 , đã nói: “Chúng ta vẫn trải qua một kỳ World Cup với vuvuzela. Tất cả mọi người đều đã cùng cổ vũ với vuvuzela. Tôi không nghĩ rằng chúng ta phải loại bỏ nó. Chiếc kèn này không chỉ giành cho người châu Phi bởi tất cả những người đến với Nam Phi đều đã mua về những chiếc vuvuzela. Trong trận chung kết, không chỉ có người dân châu Phi mà tất cả chúng ta đã đến sân cổ vũ cùng vuvuzela!”.

Chẳng lẽ bảo ông Blatter là ông không nên kể tôi vào trong số những người ái vuvuzela. Có tôi hay không cũng chẳng là cái thá gì! Ưa hay không ưa vuvuzela, người ta vẫn cứ phải coi World Cup. Mười sáu năm trước, trong kỳ World Cup 1994 tổ chức lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. lúc đó không có vuvuzela, chúng tôi đã say mê tụ nhau lại hò hét. Năm nay, sau năm kỳ World Cup, biết bao thay đổi đã xảy ra trên cõi đời quay như chong chóng này, mỗi người chúng tôi cô đơn trước màn ảnh truyền hình.Tưởng tạo hóa đã an bài như vậy, nhưng không, con tạo đã nhìn lại. Nhà thơ Bắc Phong từ Toronto bỗng xuất hiện tại Montreal. Anh a lô kêu gọi hợp đàn. Tôi vội chạy tới nhà Hoàng Xuân Sơn coi trận bán kết giữa Hòa Lan và Brazil. Trước màn hình vỏn vẹn có ba nhân mạng. Chị Hoàng Xuân Sơn cũng là một fan nhưng chiếc bếp trong nhà đã giữ chị ở phía sau. Thôi thì ba…hòn đá chụm lại cũng còn hơn một khối cô đơn ngồi thẫn thờ trước một rừng người miệng thổi kèn vuvuzela. Buổi tối, thời giờ rảnh rỗi cho những người ban ngày còn phải trả nợ áo cơm, chúng tôi hú nhau tụ họp tại một tiệm ăn cho thêm khí thế. Tối, không có trận đá nào, chúng tôi đá miệng. Có thêm Lưu Nguyễn và Hồ Đình Nghiêm. Đáng lẽ có thêm ông Luân Hoán nữa nhưng ông nhà thơ dật dờ này đầu lúc nào cũng gật khi được hú nhưng ông có mặt hay không là nhờ trời. Đêm đó trời không mưa, không lạnh, không gió, vậy mà chẳng thấy bóng dáng ông đâu. Tôi bấm điện thoại cầm tay gọi. Chắc tôi không tới đâu! Ngày hôm sau, chàng post bài thơ tự tình trên mạng.

thi sĩ Bắc Phong về thăm phố cũ
nhắn gọi bạn xưa đi nhậu lai rai
ta mừng được bạn Song Thao hối
chân bước ra xe, lòng vấp mệt nhoài

bần thần kéo gót về phòng ngủ
nhắm mắt hình dung từng mặt người
nghe ra thật rõ từng hơi thở
lẫn nỗi lạc quan giọng nói cười

như thế đã là vô cùng quí
ta còn đủ cả bạn bè xưa
chẳng cần phải đến phơi mặt mốc
phá mồi của bạn dễ ai ưa?

Thơ kể ra cũng tiện thiệt. Cứ quẳng ra một vài câu thơ là mọi người đều mát ruột! Người tưởng tới không tới, người không hẹn lại tới. Bà bác sĩ Liên Chi, bóng hồng của những ngày hò hét 16 năm trước, tình cờ đi ăn với gia đình tại cùng tiệm chúng tôi đang ngồi đấu láo. Trông thấy nhau mà bàng hoàng! Trời xui đất khiến chi đây! Vậy là xáp nhau lại nói cười toàn chuyện quả bóng da. Trái bóng còn lăn tuốt bên trời Phi nên đêm “hội ngộ” của chúng tôi cũng lăn qua bên một tiệm cà phê vườn khá thơ mộng. Chúng tôi lại...đá cho tới nửa đêm giờ tý canh ba mới chịu ra về. Không biết có ai trong chúng tôi đá tiếp khi về nhà không? Tới giờ tôi vẫn chưa có tin tức chi về những vụ đá tại gia này!

07/2010