Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

LÙN

Cách đây ít ngày, ngày 13 tháng 3, tình cờ đi ngang chiếc ti-vi đang mở sẵn, tôi bỗng thấy hình chàng. Tên chàng tôi không nhớ nhưng khuôn mặt và nhất là thước tấc của chàng thì tôi không thể nào quên được. Nhìn kỹ trên màn hình, tên chàng hiện lên sau đó. He Pingping. Có chuyện gì xảy ra cho người thiếu thước tấc này? Chàng đã…thăng hà! Chữ thăng hà là chữ dùng cho vua khi ngài hui nhi tì. Thiên hạ cứ hay dùng nhầm là “băng hà”. Mỗi lần dùng chữ này thì cái dáng người mặc áo dài the đen với hàm răng cũng đen của thầy Thẩm Quỳnh lại trở về trong bộ nhớ của tôi. Tay sửa lại vành khăn đen trên đầu, thầy nhỏ nhẹ giải thích: “Thăng hà có nghĩa là “đi cõi xa”. Vua mất thì gọi là thăng hà. Ngày nay các ông các bà cứ dùng chữ “băng hà” chẳng có nghĩa chi!”. Trách nhẹ xong thầy cười. Chữ nghĩa bây giờ hư đốn thật! Nhưng anh chàng He Pingping là cái thá chi mà tôi dùng chữ “thăng hà”? Chàng là một thứ vua. Vua lùn! Chức vua của chàng đã được Kỷ Lục Guinness chứng nhận đàng hoàng từ năm 2008.

Với cái mác này, cuộc đời chàng rất vênh vang. Chàng đã…thăng hà khi đang đóng phim truyền hình “The Record Show” ở tận La Mã trong khi quê hương chàng ở tuốt bên Tầu. Chàng ra đi vào ngày 13 tháng 3 năm 2010, hưởng dương 21 tuổi. Chàng thấy đau ngực, đưa vào bệnh viện được hai tuần thì…đi cõi xa! Ông Craig Glenday, Tổng Biên Tập Kỷ Lục Guinness tỏ lời tiếc thương: “Với thân hình bé nhỏ như thế, anh Pingping đã gây được ảnh hưởng to lớn trên toàn thế giới”. Pingping bị chứng lùn bẩm sinh và chỉ cao có 73 phân rưỡi!

Pingping ra đi thật tiện. Vì “ngai vàng” của chàng đang có sự tranh chấp. Từ bốn năm nay, cậu bé Khagendra Thapa Magar, người Népal, đã được gia đình đề cử với Guinness để truất ngôi cậu Pingping nhưng ngai vàng vẫn chưa chuyển sang cho cậu được mặc dù cậu thiếu thước tấc nặng hơn cậu Pingping nhiều. Cậu cao chỉ có 56 phân. Thua đứt cái chiều cao 73 phân rưỡi của “vua” Pingping. Lý do được Guinness đưa ra là cậu bé này chưa được 18 tuổi, tuổi được coi là trưởng thành, nên hãy chờ đó. Lỡ ra cậu ta lớn vọt thì sao? Năm nay, Magar vừa tròn 18 tuổi, nặng có 4 kí rưỡi, nên trước sau gì Guinness cũng phải truất ngôi của Pingping để suy tôn Magar. Kể ra cũng đau lòng. Có lẽ vì vậy nên Pingping mới ra đi để tránh giây phút thảm não đó.

Mà làm vua lùn có chi hấp dẫn mà tranh nhau rối rít như vậy? Hấp dẫn lắm chứ! Không biết có ai được coi tấm hình chàng lùn Pingping gặp cô Svetlana Pankratova, người có đôi chân dài nhất thế giới chưa? Chàng chỉ cao có 73 phân rưỡi mà chân cô Svetlana dài tới  1 thước 32. Cô ngồi mặc chiếc váy ngắn khoe cặp chân trần dài vun vút. Chàng ngồi ngất nghểu trên cặp chân dài đó. Rất nhiều người điên tiết vì ghen khi nhìn thấy bức hình dễ ghét này. Dễ dầu chi! Chàng ngồi là phải. Cứ tưởng tượng nếu hai người đứng chụp hình. 73 phân từ đầu tới ngón chân đứng cạnh 1 thước 32 chỉ kể đùi với cẳng thì quả là bất tiện!

Chức vua lùn còn mang chàng Pingping đi du lịch khắp thế giới, đóng phim vung vít, tiền vào thiếu chi. Thỉnh thoảng chàng còn đi show. Cứ như ca sĩ hạng nhất! Chàng Pingping vừa bay tới thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để gặp anh chàng cao nhất thế giới Sultan Kosen trong buổi ra mắt chương trình Guinness World Records Live. Hai anh chàng ở hai thái cực, một cao chỉ vỏn vẹn 73 phân rưỡi, một cao tới 2 thước 46, đứng cạnh nhau trong show diễn tại shopping center Forum Istanbul lớn nhất Âu Châu. Show này được trực tiếp truyền  hình. Thành phố Mardin của Thổ Nhĩ Kỳ là quê hương của anh chàng sếu vườn 27 tuổi Sultan Kosen. Chàng cao kều cho biết: “Tôi đã muốn gặp Pingping ngay từ khi được trao danh hiệu cao nhất thế giới. Tôi rất háo hức được dẫn cậu ấy đi thăm thành phố xinh đẹp của chúng tôi”. Sau chương trình ở thủ đô Istanbul, show nàycòn được diễn lưu động qua bảy thành phố khác của Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 tuần lễ. Kosen có chiều cao dễ nể như vậy vì có khối u bẩm sinh. Khối u này đã đẩy chiều cao của anh lên một cách khủng khiếp. Hai năm trước đây, năm 2008, người ta phải giải phẫu cắt bỏ khối u thì anh mới ngưng cao thêm! Trái lại, Pingping nằm gọn thon lỏn trong bàn tay của bà mẹ khi vừa được sinh ra do mắc một chứng bệnh kỳ lạ khiến anh chậm lớn.

Nhiều phần chắc là cậu bé sắp 18 tuổi Khagendra Thapa Magar, người Nepal, chiều cao 56 phân sẽ nối ngôi Pingping nhưng ngai vàng liệu có vững không khi có rất nhiều tí hon chực chờ tiếm đoạt. Như cậu Ngô Khang, dân Hồ Bắc, Trung Quốc, năm nay đã 22 tuổi nhưng chiều cao rất khiêm nhượng, chỉ có 68 phân. Khi sanh ra Ngô Khang cũng bình thường như các bé sơ sanh khác. Nặng 2 kí rưỡi, dài 50 phân. Vậy là OK. Như con tôi, con bạn tuy hơi nhẹ kí một chút. Mới được 9 tháng, bé Khang đã biết đi, hơn một năm sau đã biết nói. Vậy là bình thường. Nhưng càng lớn càng cứ choắt choeo. Khi 20 tuổi, chiều cao của chàng trai này không vượt quá 68 phân và cân nặng không hơn 9 kí! Vậy là không bình thường. Khi bé Khang được 2 tuổi, bố mẹ cậu cũng đã đưa cậu đi bác sĩ khám nghiệm. Họ bảo cậu bị suy dinh duỡng! Bồi bổ cho cậu, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn. Vẫn cứ nhẹ gánh như vậy. Trong khi đó, cậu em kém cậu 5 tuổi hiện đã cao tới 1 thước 78. Chắc phải có nguyên do gì, bố mẹ cậu đều nghĩ vậy nhưng vì gia đình khó khăn nên tới bây giờ họ cũng chưa đưa cậu đi thử nghiệm.

Tại Ấn Độ cũng có ứng viên có thể được tuyển vào…triều đình của vua lùn. Đó là cậu Jerly Lyngdoh, hiện sống ở Meghalaya ở phía bắc Ấn Độ, năm nay đã 26 tuổi nhưng chỉ cao có 84 phân, nặng 10 kí, tương đương với một hài nhi chưa được 2 tuổi. Cơ thể cậu bé có hai…hướng: các đặc điểm cơ thể và chu vi vòng đầu giống như của một bé hai tuổi trong khi bộ răng thì già cỡ 26 tuổi!

Một chuẩn ứng viên nữa là cô bé Brooke Greenberg ở Baltimore, năm nay mới 16 tuổi, chưa đủ tuổi trưởng thành để Guinness tới…đo đạc. Đã 16 tuổi nhưng Brooke chỉ cao có 76 phân và nặng 7 kí 2. Gọi là cao thì hơi gượng ép, phải gọi là dài 76 phân mới chính xác, vì cô bé chỉ nằm. Mỗi lần gia đình đưa cô bé ra ngoài chơi, họ phải để cô nằm trên xe con nít. Nhiều người thấy cô bé dễ thương thường hỏi một câu thông thường: “Cháu mấy tháng rồi bà?”. Bà mẹ Melanie Greenberg chẳng biết nói sao. Bà tâm sự: “ Cách tính tuổi của tôi thường biến năm thành tháng. Vì thế nếu có ai hỏi, tôi nói con bé 16 tháng!”. Câu nói sai rõ ràng nhưng người qua đường chẳng ai biết vì cô bé trông chỉ như một em bé 6 tháng! Trên người cô chỉ có ba thứ già đúng tuổi thật là răng, tóc và móng chân móng tay. Còn mọi thứ khác đều cứ hồn nhiên như mới 6 tháng. Ông bố Howard Greenberg thường vẫn hỏi: “Tại sao con bé không già đi? Nó có phải là cội nguồn của tuổi trẻ không?”. Thắc mắc của ông cũng là thắc mắc của các bác sĩ trong bệnh viện John Hopkins ở Baltimore. Trong số nhiều trường hợp trẻ không lớn hoặc không phát triển theo nhiều cách khác nhau, trường hợp của Brooke là duy nhất. Cô bé không già đi theo quan niệm truyền thống. Cơ thể của Brooke không phát triển như một thực thể thống nhất mà mỗi phần là một mẩu độc lập, phát triển cọc cạch nhau. Chẳng hạn như răng đã đủ 16 tuổi trong khi bộ xương chỉ như xương một đứa trẻ lên mười. Đặc biệt là cô bé không biết nói. Ba chị em gái của Brooke, Emily 22 tuổi, Caitlin 19 tuổi và Carly 13 tuổi, đều phát triển bình thường như những thiếu nữ dậy thì xinh đẹp. Sự “trẻ mãi không già” của cô bé Brooke khiến các bác sĩ hy vọng có thể làm sáng tỏ sự bí ẩn của gene làm con người già đi, từ đó biết đâu chẳng có những phương hướng mới về thuốc trường sinh! Họ đang dự định lấy mẫu ADN của cô bé để khảo cứu về một đột biến nào đó chưa từng gặp, điều đã khiến cô bé Brooke không già đi theo năm tháng.

Thiếu thước tấc là sự thường. Quanh chúng ta thiếu chi. Họ sinh hoạt như một người bình thường theo số tuổi của họ. Chỉ có điều thân xác họ thu nhỏ lại. Hồi ở Sài gòn, ông bác tôi có cửa tiệm sát bên cạnh một tiệm may nổi tiếng trên đường Lê Thánh Tôn, sau lưng chợ Bến Thành. Trong tiệm may này có một người lùn, khoảng ba chục tuổi, nhưng chiều cao không tới một thước. Vì qua lại với nhau thường xuyên nên chúng tôi thường nói chuyện rất tự nhiên. Lúc đó tôi cũng đã nhiều lần tò mò về sinh hoạt của anh này. Anh có vợ, có con và, nếu tin được anh, thì đời sống nam tử của anh cũng rất xôm tụ. Anh nói chuyện bồ bịch thoải mái. Có lẽ vì anh có tiền. Anh ăn mặc khá sang trọng. Có những lúc chuyện trò bù khú với anh, hỏi anh về chuyện trai gái, anh dõng dạc phán: sông bao nhiêu nước cho vừa! Nghe đã con ráy!

Cô Karina White, người Anh, năm nay đã 33 tuổi, nhưng thân hình chỉ cao bằng một em bé 6 tuổi. Cô có một nhân sinh quan rất đặc biệt: “Mọi người đều khác nhau và tôi không nghĩ thấp là một khuyết tật. Mặc dù tôi bị bạn bè trêu chọc ở trường, nhưng tôi vẫn luôn yêu cuộc sống, vẫn có một công việc và không có lý do gì để phàn nàn”. Cô có lý do yêu đời hơn khi có chồng và có con. Các bác sĩ không muốn cô sanh nở vì cho rằng thân hình cô không cưu mang nổi một thai nhi. Nhưng cô bất cần. Cô muốn có con. Bằng mọi giá. Và cô đã đánh cuộc với mạng sống của chính mình khi quyết định mang thai. “Tôi thấy hạnh phúc vì có bé gái Freya và bé thực sự khỏe mạnh. Dù lúc mới sanh bé tôi cũng rất lo lắng là liệu bé sẽ phát triển như bao trẻ bình thường khác hay lại nhỏ bé như mẹ”. Điều cô lo lắng đang thành sự thực. Tới khi thôi nôi, bé Freya trông vẫn giống như một em bé mới sanh. Các bác sĩ cho rằng bé sẽ thừa hưởng gene của mẹ!

Gia đình ông Lưu Quơn ở xã Quế Xuân, Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cũng rứa. Không biết tới bao nhiêu đời lùn rồi. Ông già thiếu thước tấc nay đã 78 tuổi thành thật kể: “Bố tôi - cụ Lưu Chấn - cũng bị lùn và chân bị “cà kheo”. Ngày xưa, bố tôi cũng đã có ý thức về chuyện này nên đã lấy một người cao. Mẹ tôi là Lê Thị Dần, cao trên 1,6 m. Bố mẹ tôi sinh được hai người con, chị gái tôi có chiều cao bình thường giống mẹ nhưng tôi thì mang hình hài như bố. Ông nội tui cũng lùn và ông cố tôi cũng thế thì phải, do bố tôi mất sớm nên tôi cũng không hỏi được rõ”.

Tới đời ông cái lùn vẫn còn đó. Ông có năm người con, người cao nhất chỉ đạt được chiều cao 1 thước 37 và thấp nhất chỉ cao một thước mốt! Biết có dòng lùn nên ông đã cố lấy vợ cao để hy vọng các con có nhỉnh hơn ông được chút nào không. Vợ ông là bà Phạm Thị Điển, nay đã 79 tuổi thuộc loại khá. Bà cao 1 thước 45! Thực ra thì hai ông bà sinh cả thảy đến 12 người con. “Buồn là hầu hết những đứa “dài đòn” thì chết hết, còn lại 5 đứa thì đứa nào cũng lùn” - ông Qươn thở dài. Chính vì thế cả ba anh con trai của ông Qươn đều cố gắng lấy vợ cao. Tuy nhiên, để thực hiện được khát vọng này không phải dễ dàng. Các anh cứ tới nhà bạn gái chơi thì chẳng có cô nào chịu tiếp. Thậm chí có bữa các…đối tượng còn xách dép chạy có cờ! Nhưng thực hiện đúng lời chỉ dậy của các bậc cao tay trong nghề tán tỉnh, đẹp trai không bằng chai mặt, nên cuộc tiến công của các anh cũng có tí kết quả. Kết quả tới cũng có lẽ vì mấy anh con trai ông Quơn đều bảnh trai, tính tình lại thật thà, trung thực, hay giúp người nên cái nết đánh chết cái…lùn. Anh Lưu Ngoạn, con đầu của ông Quơn, làm quen và cưới được cô vợ tương đối cao. Cũng trần ai lắm! Mỗi lần dẫn bạn gái đi chơi là sợ. Có lần cô bạn gái chở anh đi chơi bằng xe đạp đã bị hỏi: “Chị chở cháu đi đâu vậy?”

Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông, thứ gì cũng xinh xinh. Bàn ghế, giường, tủ thờ, tủ đựng ti-vi đều chỉ cao vài chục phân. Cứ như những đồ chơi của con nít trong nhà trẻ. Ông Quơn tự hào cho biết là tất cả những vật dụng này phần lớn đều do ông…sáng tác. Vật dụng nào ông không làm được thì phải thửa người ta làm riêng cho. Cái giếng sau nhà cũng là một thứ giếng…lùn. Người bình thường phải cúi tới gẫy lưng mới kéo nước lên được. Bà Điển thật thà nói: “ Nhà tui chừ có thứ chi cao là xài không được!”. Vì bị hạn chế thước tấc nên tất cả gia đình ông chỉ có thể làm những việc linh tinh, bấp bênh như quét chợ, khuân vác hàng cho các sập ngoài chợ hoặc cho các cửa hàng buôn bán linh tinh khác.

Như vậy cũng khác với công việc của những người lùn khác. Thường thì họ chỉ làm trò chơi cho người khác. Tại Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam bên Trung Quốc có một nơi được gọi là vườn bướm quy tụ khoảng trên một trăm người thấp bé. Điều kiện để gia nhập vườn bướm này là phải thấp dưới 1 thước 30. Họ được luyện tập để trình diễn các màn hài hước mỗi ngày hai xuất cho du khách tới coi. Sân khấu là những lâu đài nấm. Khi thì họ ăn mặc như những người sống trong một vương quốc giả tưởng, khi thì trình diễn sinh hoạt của một xã hội thường ngày. Họ ăn vận như chúng ta, chỉ có điều trông như những búp bê mang dáng người.

Thông thường các người lùn được tuyển mộ làm trong các gánh xiếc. Chủ nhân của các gánh xiếc cần những cái lạ cho khán giả. Đây là một nghề có thể dễ kiếm ăn cho những người trời bắt thấp nhưng coi bộ kém nhân bản. Họ là những con người. Tuy thiếu may mắn trong vóc dáng nhưng vẫn là những con người cần được tôn trọng. Trường hợp cô Trương Thị Thương ở Quảng Nam thì ai cũng phải ngả mũ chào thua.

Năm nay đã 20 tuổi nhưng hình hài cô nhỏ thó. Cao 50 phân, nặng 13 kí. Cô bé theo nghĩa đen này hiện đang là học sinh xuất sắc của lớp 11 C5 trường trung học Chu Văn An. Theo lời mẹ cô, bà Lương Thị Huệ kể lại thì khi chào đời cô có một hình dáng làm nhiều người kinh hãi và không cất được một tiếng khóc. “Khi đó, mọi người khuyên tôi nên đem nó đặt ngoài đường, ai thương thì nhặt đem về nuôi. Tôi một mực không chịu vì đó là giọt máu mà tôi rứt ruột sinh ra”. Giọt máu tội nghiệp đó ngày nay đang làm được một việc mà những người có cơ thể bình thường trong vùng quê nghèo này không ai làm được: sửa soạn vào Đại học! Hồi nhỏ, mãi tới 6 tuổi chân cô Thương vẫn mểm nhũn không đi đứng được. Đúng 6 tuổi mới biết ngồi và biết nói. Vậy mà tới tuổi đi học, cô bé nhiều nghị lực này nằng nặc đòi tới trường. Thôi thì chiều đứa con tật nguyền, ngày ngày ông bố Trương Công Bảy cõng con đi học. Cô bé thích học nên lúc nào cũng vui cười khi đến trường. Nhưng chỉ được hai năm thì ông Bảy ngã bệnh nằm liệt giường. Hết…ngựa cô phải ở nhà trong ba năm. Sau đó ông Bảy đỡ bệnh lại làm ngựa cho cô con gái leo lên chiếc thang học vấn một cách nặng nhọc. Bà Huệ kể lại: “Lúc còn nhỏ, trong khi vui đùa, Thương bị gãy mất cánh tay trái. Gia đình quá khó khăn nên tôi chỉ bó tạm bằng lá thuốc tự kiếm nên cánh tay em bị tật nguyền vĩnh viễn. Giờ nó chỉ còn mỗi cánh tay phải hoạt động được còn toàn thân thì mềm nhũn”. Cơ thể em bị tật nguyền bẩm sinh nên em bị đau nhức triền miên. Thương cho biết: “Lúc trái gió trở trời là toàn thân em đau nhức. Những lúc đó em cảm thấy rất chán nản và muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nhìn thấy bố đau ốm liên miên, mẹ lại tất bật suốt ngày, em lại lao vào học tập để quên đi sự đau đớn ấy”. Ông Hiệu Trưởng Lê Phước Xưng của trường Chu Văn An nơi cô Thương theo học cho biết: “Không được bình thường như bạn bè nhưng Thương rất yêu đời, lạc quan và vui tính. Chúng tôi nhận thấy ở em một nỗ lực vươn lên rất lớn trong học tập”.

Em thích nhất môn vi tính và ước mơ sẽ trở thành kỹ sư tin học. Từ ước mơ đến sự thực là cả một đoạn đường dài. Với em là đoạn đường đầy chông gai và thử thách. Cơn bão số 9 quét qua các tỉnh miền Trung đã cuốn đi tất cả tài sản của gia đình em trong đó có chiếc computer cũ rích, người bạn thân thiết nhất của em, cũng đã trôi theo con nước lũ. Trong nghịch cảnh, cô bé tật nguyền tên Thương chỉ dám ước mơ những điều rất thường tình: “Em chỉ mong cho bố hết bệnh, mẹ đỡ vất vả hơn. Em mong mình ít bị đau ốm, đầu óc luôn minh mẫn để tiếp tục việc học hành, sau này có thể tự lo lắng cho bản thân!”.

Coi hình cô Thương ngồi dạy học cho cậu em, tôi thấy phục người con gái nhiều nghị lực này quá. Lo cho thân mình đã khó, còn lo cho người khác. Cô Thương tuy lùn nhưng là một con người…cao. Cao trong cái nhìn của đôi mắt tâm hồn. Của tôi. Và hy vọng là của mỗi chúng ta.

03/2010