Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

NỮ

Đàn bà là gì? Ông bạn tôi lắc đầu quầy quậy: thôi ông nội ơi, nhờ ông tí, đừng làm khó nhau chứ! Thực ra tôi không có ý định làm khó ông bạn, chỉ là ảnh hưởng của ngoại cảnh thôi. Khi tôi viết bài này thì mọi người đang ăn mừng ngày lễ Mẹ. Ai cũng tới tấp cám ơn những người mang nặng đẻ đau để cho mình cuộc sống. Từ cả tuần trước, mấy đứa con tôi đã rộn ràng chọn nhà hàng để mời mẹ của chúng đi mừng lễ. Tôi cũng được tháp tùng theo. Chẳng gì mình cũng có tí công trong việc tạo dựng ra chúng. Tính tôi vẫn thường giúp bà xã những công việc lặt vặt! Rồi nào quà cáp, hoa hoét ôm về cho thú vị tình mẹ con. Đi lễ chùa, lễ nhà thờ, các bậc tu hành cũng tỏ bày lòng biết ơn các bà mẹ và tặng mỗi bà một đóa hoa tạ ơn.

Mấy ông bạn tôi là những người sắc mắc. Ừ thì tạ ơn mẹ. Cả thế giới tỏ lòng biết ơn mẹ. Cũng phải thôi! Có lẽ để cho công bằng nên cũng có ngày tạ ơn cha. Đó là ngày lễ Cha. Nhưng ngày này đìu hiu hơn nhiều. Mấy ông có vẻ suy bì. Tôi thấy các ông này hỏng. Thời buổi bây giờ là thời…kinh tế. Cái gì cũng có giá của nó. Tiền nào của đó. The Price Is Right như tên của một show truyền hình. Công lao tạo ra một sinh linh của các ông được bao nhiêu phần trăm công lao của các bà. Cứ nghĩ mà coi. Chẳng nên so sánh cho thêm phần mắc cở. Nhưng ông bạn sắc mắc của tôi không chịu tính như vậy. Ông lại mang các cụ ra mà lý luận: của chồng công vợ hay của vợ công chồng cũng rứa. Nói vậy là ông không hiểu gì các bà mặc dầu bên cạnh ông luôn luôn có một người đàn bà. Hiểu được các bà là một chuyện mơ tưởng. Tôi nhắc lại câu…ranh ngôn để mấy ông bạn tôi hiểu được vị trí của mình: phụ nữ do Chúa sáng tạo ra nhưng chính Người cũng không hiểu được chủ đề tác phẩm của mình! Các ông thì ăn thua chi!

Người nữ được tôn lên chín tầng mây, nhất là trong ngày Mother’s Day. Nhưng có một người nhất định không mừng không vui chi cả, lại còn sợ là đằng khác. Đó là một đứa trẻ mồ côi trong một câu chuyện của Đài Loan không rõ tên tác giả “Ngày Lễ Của Mẹ Với Cuộc Đời Tôi”, do Trang Hạ chuyển ngữ sang tiếng Việt. “Tôi sợ ngày lễ của Mẹ, Mother’s Day, từ khi tôi còn nhỏ, vì tôi chào đời chưa bao lâu đã bị mẹ tôi vứt bỏ. Mỗi năm tới Mother’s Day, tôi lại thấy ngại ngần. Trước và sau dịp lễ Mẹ, ti-vi thường chỉ phát những ca khúc ca ngợi tình yêu thương của mẹ. Đài phát thanh cũng thế, có quảng cáo bánh quy đi chăng nữa, thì cũng cố lồng vào khúc nhạc ca ngợi tình mẹ, mà đối với tôi, mỗi khúc ca lại gợi lại nỗi buồn”. Cậu bé này bị mẹ bỏ nằm tại ga xe lửa Tân Trúc và được cảnh sát đưa tới cho một cô nhi viện. Cậu được các bà sơ nuôi nấng, được ăn học, được dậy chơi đàn, và có rất nhiều người mẹ mặc áo choàng đen nhưng không phải là người sanh ra cậu. Rồi cậu tốt nghiệp đại học. Trong ngày lễ tốt nghiệp, cậu không có một người thân tới dự và chụp hình như những sinh viên tốt nghiệp khác. Chỉ có bà sơ Tôn của viện mồ côi Đức Lan. “Bà Tôn bỗng đột ngột trở nên nghiêm trang, bà gọi tôi ra, lấy từ ngăn kéo một phong bì, bảo tôi hãy xem bên trong có gì. Trong phong bì có hai chiếc vé. Bà Tôn cho tôi biết, khi cảnh sát ẵm tôi đến, trong áo tôi có nhét hai vé tầu này. Rõ ràng mẹ tôi đã dùng hai chiếc vé này để đi từ nhà tới ga Tân Trúc, một vé là đi từ phía Nam lên Bình Đông, tấm vé tầu còn lại là đi từ Bình Đông lên Tân Trúc. Đó là một tấm vé tầu chợ, tôi bỗng hiểu ra mẹ tôi là một phụ nữ nghèo”. Cậu thanh niên vừa thành danh, có một cô người yêu xinh đẹp, không muốn tìm về quá khứ nhưng bà sơ Tôn khích lệ cậu nên đi tìm mẹ vì đã có một tương lai xán lạn cậu chẳng nên để một bí ẩn của cuộc đời trở thành một bóng đen u tối phủ lên tâm hồn cậu. Nghe lời, cậu tìm về nơi mẹ cậu đã ra đi. Sau nhiều gian truân, cậu đã tìm ra gia đình. Cha mẹ cậu đều đã ra người thiên cổ, người anh trai đã bỏ quê đi từ lâu không có tin tức. Dò hỏi cậu được biết là cha cậu quanh năm ăn bám vào mẹ cậu, buồn chán vì không có việc làm nên sanh tật rượu chè, đánh đập vợ con. Mẹ cậu khổ sở cả đời vì chồng. Anh cậu không chịu nổi nên đã phẫn chí bỏ đi từ năm lớp bảy. Dò thêm nữa thì cậu được biết mẹ cậu đã phục vụ tại trường tiểu học trong thị trấn. Cậu tìm tới bà Hiệu Trưởng. “Bà Hiệu Trưởng hỏi tôi mọi chuyện, tôi tình thực kể hết. Khi bà biết tôi được lớn lên trong một cô nhi viện ở miền Bắc, bà bỗng xúc động lấy ra từ ngăn kéo một phong bì. Đây là phong bì bà tìm thấy sau khi mẹ tôi mất, giấu dưới gối mẹ tôi. Bà cho rằng những thứ trong đó chắc chắn phải có ý nghĩa rất quan trọng, nên bà quyết định giữ lại, đợi người thân của mẹ tôi tới nhận. Tôi run rẩy mở ra, thấy bên trong có rất nhiều vé tàu, từng tập vé tàu khứ hồi đi từ thị trấn miền Nam này tới Tân Trúc, tất cả được giữ gìn cẩn thận. Bà hiệu trưởng cho tôi biết, nửa năm một lần mẹ tôi xin nghỉ đi miền Bắc thăm họ hàng, chả ai biết họ hàng nào, chỉ thấy mỗi khi về bà vui lắm. Cuối đời mẹ tôi theo đạo Phật, điều bà hạnh phúc nhất là đã quyên góp các tín đồ Phật giáo được một triệu Đài tệ để tặng cho cô nhi viện của đạo Thiên Chúa. Ngày trao tiền bà cũng đích thân đi. Tôi nhớ lại, có lần một chiếc xe bus lớn đưa một đoàn thiện nam tín nữ từ phía Nam lên cô nhi viện. Họ trao tấm séc trị giá một triệu Đài tệ, quyên góp cho Trung tâm Đức Lan chúng tôi. Các bà sơ cảm động vô cùng, bắt tất cả bọn trẻ mồ côi phải đứng vào chụp ảnh kỷ niệm, tôi đang đánh bóng rổ cũng bị gọi vào chụp với mọi người một tấm ảnh. Giờ đây tôi bỗng dưng tìm thấy tấm ảnh ấy trong chiếc phong bì của mẹ. Tôi hỏi mọi người mẹ tôi là ai, họ chỉ vào người đứng cách tôi không xa. Nhưng làm tôi cảm động hơn là cuốn sổ lưu niệm ngày tốt nghiệp của lớp tôi, có một trang được photocopy lưu lại trong phong bì này. Đó là trang chúng tôi đội mũ áo tốt nghiệp, có hình tôi ở trong đó. Mẹ tôi, người mẹ đã vứt bỏ tôi, đã vẫn cứ đến thăm tôi, thậm chí có thể bà đã từng tham dự lễ tốt nghiệp của tôi. Giọng hiệu trưởng nhẹ nhàng: “ Anh nên cảm ơn mẹ anh, bà đã vứt bỏ anh, là để anh được sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu anh vẫn ở đây, cùng lắm là hết phổ thông anh lên thành phố làm thuê, ở đây hầu như rất ít người đỗ được vào Trung học. Mà nếu không may, không chịu nổi đòn roi của người cha, biết đâu anh cũng đã sớm bỏ nhà đi phiêu bạt như người anh trai, ra đi mãi mãi chả biết lưu lạc phương nào nữa.”

Bà Hiệu Trưởng nói đúng. Cả thị trấn từ trước tới nay chưa có một người nào đậu trong kỳ thi nhập học trường Đại học quốc lập, nói chi tới tốt nghiệp trường Đại học danh tiếng này! Cậu mượn cây đàncủa nhà trường, ngước nhìn lên trời, đàn bản nhạc người ta thường hát trong ngày lễ Mẹ. Nhưng hôm nay đâu có phải là ngày Mother’s Day! Mặc kệ! “Vì hôm nay với tôi là ngày lễ của Mẹ. Chiếc phong bì đựng những tấm vé tàu cũ này làm tôi từ hôm nay không còn là một đứa trẻ mồ côi sợ hãi ngày lễ của Mẹ nữa!”.

Người nữ, nhất là người nữ đã làm mẹ, là những người tuyệt diệu. Từ tấm lòng thương con của trái tim người mẹ, họ đã có những hành động quả cảm. Tất cả chỉ vì con. Người ta thường nói tới giác quan nhậy bén của người đàn bà. Họ linh cảm được những điều người đàn ông không hề biết tới. Trong xã hội, sự thành công thường choàng lên cổ người đàn ông, nhưng người ta vẫn nói: đằng sau sự thành công của ngưòi đàn ông luôn có hình bóng của người đàn bà. Từ trước tới nay ai cũng mặc nhiên chấp nhận như vậy, trừ ông bạn gàn dở của tôi. Ông ấy cũng nói như vậy nhưng nói khác đi một chút: đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có hình bóng của một người đàn bà, và đằng sau sự thất bại của một người đàn ông là một người đàn bà thật sự! Có lẽ ông bạn tôi cũng không sai vì ông ấy là một người đàn ông thất bại!

Người đàn ông thất bại này không bao giờ bỏ lỡ cơ hội hích nhẹ đàn bà. Tôi đã từng khổ tai về những chuyện tếu của ông bạn ham cà khịa này. Như chuyện về hai ông chồng ngồi kể khổ với nhau về chuyện vợ con. Một ông nói: “Nhiều lúc tôi muốn chết quách cho rồi. Không biết trên thiên đàng có đàn bà không nhỉ?”. Ông kia trợn mắt quát lại: “Ông này thật là vớ vẩn! Có đàn bà sao còn gọi là thiên đàng được!”. Đối với ông già khó khăn này, đàn bà là một sinh vật khó hiểu. Không biết trong đầu óc họ có cái chi. Muốn khen họ một tiếng cũng khó. Lại chuyện của ông già Ba Tri này. Một cặp vợ chồng đứng ngắm pho tượng khỏa thân Thần Vệ Nữ nổi tiếng đẹp trong bảo tàng viện Louvre ở Paris. Ông chồng di chuyển ngắm khắp các góc cạnh của bức tượng rồi nói với vợ: “Này em yêu! Anh thấy bức tượng có nét gì đó giống em!”. Cô vợ trà lời ngay: “À! Bây giờ anh mới nhận thấy em chẳng có giầy dép tử tế để đi, cũng chẳng có váy áo tử tế để mặc!”

Bạn thì bạn, tôi vẫn rất phiền khi nghe những chuyện của bạn. Nhưng chẳng lẽ bạn già như lá mùa thu, rụng dần, xa nhau thì còn ai mà chuyện trò mỗi ngày cho bớt cô đơn. Ăn diện là đặc tính của người phụ nữ…toàn diện với nghĩa của ông bạn tôi là: sáng diện, trưa diện, tối diện! Phụ nữ mà không diện thì…lại đực đứt đuôi chứ còn chi nữa. Tôi không thích những người phụ nữ thờ ơ với mốt miếc. Thế là…đối lập với bạn. Để chiêu hồi tôi, ông bạn lại chơi trò gậy ông đập lưng ông, giở…phiếm với tôi. Ông kể thế này. Một ông chồng lỡ cưới phải một cô vợ thích shopping, tuần nào không mua sắm được một món đồ mới là không chịu được. Khuyên răn mãi mà vợ vẫn chứng nào tật nấy, ông cậy tới Chúa. Ông tới nhà thờ, gặp cha xứ và xin một lễ cầu cho được như ý. Ý của ông thì ai mà chẳng biết: muốn cô vợ tốp chuyện mua sắm. Ông bình tĩnh chờ kết quả. Buồn thay, cô vợ đã không chừa thì chớ, lại còn đi shopping bạo hơn. Ông tức tối tới nhà thờ hỏi cha sở cho ra lẽ: “Thưa cha, con xin lễ như ý là để cho vợ con chừa đi mua sắm, vậy mà sao mấy ngày nay vợ con còn sắm nhiều hơn nữa. Cha có quên làm lễ không?”. Cha sở mỉm cười: “Chẳng nói giấu gì anh, anh xin có một lễ như ý, còn vợ anh xin tới ba lễ như ý lận!”. Kể xong, ông bạn tôi cười hô hố. Tôi cũng đành phải cười. Cái máu phiếm khiến tôi không thể làm chi khác hơn được. Được thể, ông bạn tôi trì chiết: “Ông có biết họ đi mua những gì không? Gọi là quần áo mà toàn những thứ không phải để che mà để phô ra”. Rồi để minh chứng, ông lại phiếm. Một đứa bé đi mua sắm với mẹ bị lạc, đứng khóc. Nhân viên trong mall tới hỏi sự tình rồi bảo chú bé: “Khi đi với mẹ trong chỗ đông người lúc nào cháu cũng phải nắm tay mẹ cháu chứ!”. Đứa bé mếu máo nói: “Cháu biết chứ nhưng tay mẹ cháu xách bao nhiêu là túi đựng quần áo mẹ cháu mới mua, cháu đâu có nắm được”. Ngần ngừ, cô nhân viên nói thêm: “Vậy thì ít nhất cháu cũng phải bám lấy váy của mẹ cháu chứ!”. Đứa bé lại mếu máo: “Cháu cũng muốn bám nhưng không với tới được!”.

Ông bạn tôi thật hết thuốc chữa. Chẳng lẽ tôi lại nhắc ông về thời xa xưa, khi chúng tôi còn là những người bạn trẻ. Thời đó, ông chạy theo những bóng hồng như thế nào. Hồ sơ của ông, tôi vẫn còn giữ trong đầu. Cứ thành thực như người thơ trẻ Hồ Chí Bửu có lẽ lại hay.

Tại sao ta khoái đàn bà?
Tại vì có một cái phà sang sông.
Tại sao ta chán đàn ông?
Tại vì có một khúc sông thiếu phà!

Hóa ra mọi chuyện gây chia rẽ rồi…đoàn tụ chỉ là chuyện chiếc phà! Để chế tạo một chiếc phà như vậy, con tạo đã phải mất bao nhiêu công trình? Chuyện Chúa mượn cái xương sườn của người nam để chế ra người nữ được kể trong Cựu Ước là chuyện ai cũng đã biết. Chuyện ít người biết là chuyện Prem Xagar (Biển Yêu Đương) của Ấn Độ đã được lưu truyền từ hơn ba ngàn năm. Trong chuyện có đoạn kể lại về việc tạo dựng nên người nữ. “ Thuở mới sinh ra trời đất, ông thợ Tạo hóa thấy đã đến lúc cần phải có người đàn bà, mới nhớ ra là bao nhiêu nguyên liệu đều đã dốc cả vào việc chế tạo ra đàn ông. Trong khi nan giải, tạo hóa suy nghĩ một hồi rồi thu góp các vật liệu để chế tạo ra đàn bà. Tạo hóa đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng, đường uốn cong của các loài dây leo, dáng run rẩy của loài hoa cỏ, nét mảnh khảnh của lau sậy, màu rực rỡ trên cánh bướm, sự nhẹ nhàng của chiếc lá rụng, sự tinh tế ở đầu vòi voi, cái nhìn ngây thơ của hươu nai, cảnh xúm xít của đàn ong mật, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, nét xa xăm của tầng mây, sự lay động của làn gió, lộng lẫy kiêu sa của chim công, chất cứng rắn của kim cương, vị ngọt ngào của trái chín, lòng tàn nhẫn của hùm beo, sức thiêu đốt của ngọn lửa, khí lạnh lẽo của băng tuyết, tiếng kêu khắc khoải của chim quyên, đức trung trinh của chim uyên ương, tánh dối trá của cò vạc… Thượng đế đem hết mấy thứ đó nhào nặn thành người đàn bà rồi đem người đàn bà ấy tặng cho đàn ông”.

Thân thể được đúc kết bằng tất cả vẻ đài các của đất trời như vậy mà nhà thơ Hồ Chí Bửu giản lược lại thành một chiếc phà. Nghe có dễ giận không chứ? Tác giả Hoàng Thiếu Phủ xem ra cũng đồng tình với nhà thơ. Ông (bà) họ Hoàng này đã dùng kính hiển vi của khoa học để phân tích chi li một thân hình người nữ. “Dưới mắt các nhà khoa học thân thể người đàn bà là một cái túi da, bên trong chứa đến 80% là nước lõng bõng. Nghĩa là nếu một phụ nữ có thể trọng là 50 kg thì nước chiếm hết 40 kg, còn lõng bõng hơn một bát canh chua. Oxy dưới dạng hợp chất hiếm, hơn 30 kg, bằng lượng khí oxy mà những cây cối trong công viên Lục Xâm Bảo thải ra theo đường hô hấp mùa hè. Khí hydro trong thân thể phụ nữ nếu được phóng thích tự do, đủ bơm đầy hàng trăm ngàn bong bóng bay rợp trời. Chất chlore đủ dùng để pha vào nước sát trùng cỡ 5 hồ bơi công cộng. Chất béo ở một người đàn bà có 3 vòng lý tưởng đủ để sản xuất cỡ 5 kg xà phòng giặt áo quần. Carbon chiếm khoảng 10 kg, đủ cho các bà nấu cơm gia đình cả tuần lễ. Đàn bà cũng có chứa những chất độc hại, phosphor trích ly có thể làm được 400 bao diêm, lưu huỳnh có thể diệt sạch 3 thế hệ bọ chét trên mình một con chó xù. Glycerin có thể làm nổ tung một tòa nhà kiên cố. Sắt  nguyên chất có thể rèn được một con dao cắt thịt. Muối được hơn nửa lạng, đường glucose được gần hai lạng. Số lượng muối và đường này, hòa tan trong 40 lít nước, không đủ làm cho người đàn bà có vị mặn hay ngọt gì cả. Đàn bà có mùi gì không? Dĩ nhiên là có, nhưng hoàn toàn không phải là mùi thơm như ta tưởng, bởi vì không có một bộ phận nào trong quí bà, quí cô có cấu tạo của vòng nhân thơm phenole. Tất cả những cái gọi là mùi hương lan, hương trầm… đều là sản phẩm nhân tạo do xà phòng, nước hoa và đủ thứ hương liệu linh tinh mà họ ướp vào người như ướp trà. Nếu để 3 ngày không tắm, mọi người đẹp đều có mùi mỡ thúi, do những hạt mỡ chảy ra theo tuyến mồ hôi, bị oxy hóa. Thân nhiệt trung bình của người phụ nữ tương đối thấp, từ 36,2 độ – 36,8 độ so với đàn ông, từ  37 độ – 37,5 độ C. Vì vậy da thịt người đàn bà được tiếng là tươi mát”.

Tôi cực lực phản đối…khoa học! Bởi vì chúng tôi đã mất biết bao nhiêu giấy bút, biết bao nhiêu tim óc để ca tụng những người nữ. Người viết nào cũng vậy, từ ngàn xưa đến ngày nay. Không ai có quyền phân chất sự say mê của chúng tôi. Kể về người nữ một cách bình tĩnh nhưng thấm thía nhất có lẽ là nhà thơ nữ Xuân Quỳnh.

Nếu ví dụ không có chúng tôi đây
Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu biết hát…
Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học….hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên.

Mặc cho những ông bạn tôi khoái lên thiên đàng, nơi các ông tin rằng không có phụ nữ, tôi  vẫn muốn sống nơi trần thế này, nơi có những người nữ bình thường trong vai những người vợ, người mẹ. Rất nhạt nhòa nhưng cũng rất cần thiết.

05/2010