Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

TÚT

Đây là chuyện nghiêm trọng, chuyện môi trường. Chuyện mà các vị nguyên thủ các quốc gia đang xúm nhau vào giải quyết. Chuyện lớn như vậy tưởng là không liên quan chi đến những con bò. Hóa ra bò và người cũng có những trách nhiệm chung. Ông Bộ Trưởng bộ Môi Trường, Thực Phẩm và Nông Thôn của Anh vừa kêu gọi ngành thực phẩm tìm cách làm giảm khí thải methane của súc vật. Tập đoàn thức ăn nhanh McDonald’s hưởng ứng ngay. Anh đại gia này có tới 31 ngàn cửa hàng tại 119 quốc gia. Dự án nghiên cứu của McDonald’s nhắm vào bò, thứ mà họ tiêu thụ tới 350 ngàn con mỗi năm do 16 ngàn nông dân tại Anh và Ái Nhĩ Lan cung cấp. Theo ước lượng thì tại Anh lượng khí methane do bò nuôi thải ra chiếm 4% lượng khí thải của Anh. Tác động của khí methane đối với biến đổi khí hậu cao gấp 23 lần so với khí CO2. Nói tới khí thải người ta nghĩ ngay tới cửa ra của khí, thuộc miền dưới của súc vật cũng như người.

Bò là thứ súc vật được nuôi trong trang trại hoặc ngoài đồng cỏ, không có liên hệ mật thiết với người. Gia súc mới là thứ ở trong nhà quanh quẩn bên người. Các nhà chuyên môn cũng vừa hỏi thăm sức khỏe các anh cún trong nhà. Các anh này cũng là vua thải khí. Họ đề nghị nghiên cứu một thứ thức ăn cho chó khiến  có thể làm thất nghiệp bộ phận xì hơi của chúng. Điều này có lợi mà cũng có bất tiện. Lợi cho môi trường là điều thấy rõ nhưng bất tiện ở chỗ có thể làm mất chỗ dựa cho những người trong gia đình. Trong một căn phòng, khi có nhiều người hoặc, thường hơn, có hai người mà bỗng có cái mùi có hại cho môi trường xuất hiện. Người nọ nhìn người kia với ánh mắt có hình cái dấu hỏi to tướng. Nếu lúc đó có chú chó loanh quanh gần đấy thì tiện hết sức. Sự hiện diện của chú có thể hóa giải mọi nghi ngờ mất tình thân ái. Ánh mắt nghi ngờ sẽ tan biến nhường chỗ cho ánh mắt thương hại đổ vào chú cẩu trong khi chú cứ ngẩng mặt lên hít lấy hít để. Đó là trường hợp khí thải đi chui. Khi thứ khí này lên gân đi ra một cách dõng dạc thì có tiếng nổ phụ.

Tút là một từ nhái lại một tiếng kêu ở biên độ cao và sảng khoái. Nó diễn tả một cách nghèo nàn  những cung bậc phong phú mà con người có thể tạo ra. Trong một trang mạng, một blogger đã có công phân tích ra được tới 75 cách khí thải chui ra theo cung điệu khác nhau. Đường đường chính chính chiêng trống đi ra như vậy cần phải có can đảm hoặc có độ dầy nào đó của da mặt. Không phải ai cũng làm được. Thế nhân thường tình thì hay chơi trò đi chui vừa thâm độc vừa…hèn hạ. Một blogger đãdùng văn vần để diễn tả sự khác nhau này.

Bủm xịt là loại bủm hèn
Bủm mà quân tử tiếng kèn còn thua
Bủm xịt như vại dưa chua
Quân tử mà bủm như khua trống đồng
Bủm xịt không đáng đàn ông
Bủm mà quân tử, tiếng cồng oang oang
Bủm xịt, bủm không đàng hoàng
Bủm mà quân tử đoàng đoàng mới vui
Bủm xịt là kiểu bủm chui
Bủm kiểu quân tử như khui sấm – pành!
Bủm xịt không rách được mành
Bủm mà quân tử tanh bành quần jean!

Kêu hay không kêu, vậy mà phân biệt được quân tử tiểu nhân. Thứ tiếng động gây ra là một điều quan trọng. Người thẳng thắn luôn nghĩ thẳng thắn. Thấy mình không nghe được tiếng…sấm tưởng là tai có vấn đề. Bèn đi bác sĩ. Vào phòng khám, một ông liệt mình vào hạng quân tử  dõng dạc hỏi : « Thưa bác sĩ, hình như tai của tôi có vấn đề. Tôi không nghe được tiếng trung tiện của tôi nữa ». Bác sĩ lẳng lặng khám tai, lẳng lặng kê toa. Nhìn cái toa thuốc dài thoòng những tên thuốc, nghĩ mình bệnh nặng, ông toát mồ hôi hỏi : “Bộ bệnh tôi nặng lắm sao mà bác sĩ kê cái toa dài như vậy? Liệu tai tôi có bình thường lại khi uống hết thuốc không bác sĩ?” Ông bác sĩ nhẩn nha trả lời: “Không hẳn! Nhưng tôi bảo đảm là tiếng trung tiện của ông sẽ lớn  hơn gấp năm lần, nghe rất rõ!”.

Tiếng kêu trong sa mạc có rõ hay không, nguồn sáng tạo của con người vẫn phong phú vì tút là hoạt động bắt buộc thường ngày của toàn dân toàn quân không phân biệt già trẻ trai gái. Giáo sư Phạm Toàn trong bài viết “Triết Lý Cái Trung Tiện” trên trang mạng Talawas đã nêu ra một kinh nghiệm cá nhân cũng rất phong phú. “Tác giả có ba kỷ niệm khiến mình rất tôn trọng cái trung tiện. Kỷ niệm thứ nhất: năm đó tác giả đi chiến dịch Cao Lạng về, nghỉ chơi vài ngày ở nhà bác họ tản cư tại huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Một hôm đi chơi, ngang đường rẽ vào bụi rậm đi toa-lét. Trong bụi thì nhìn rõ bên ngoài, nhưng ở ngoài thì không rõ bên trong. Vì thế mà tác giả chứng kiến một chị nhà quê gánh rau đi ngang. Qua chỗ lội, chị vén cao váy và cho ra một tràng trung tiện. Kỷ niệm thứ hai: ba chục năm sau, trong chuyến đi cùng học sinh lên huyện Ba Vì, cũng tại một quả đồi nơi tiến hành công việc như lần trước. Lần này khi tác giả ngồi như tượng Người Tư Duy của Rodin, thì thủ trưởng của tác giả đi ngang. Ông này có học vị và học hàm gấp bốn năm lần tác giả, rõ là người khả kính. Nhưng bữa đó ông cũng tặng sẵn cho tư duy triết học hôm nay của tác giả hẳn một tràng trung tiện. Còn lần thứ ba, thì đó là vợ của tác giả, công dung ngôn hạnh, học vị chẳng thua lại hơn đứt thủ trưởng của tác giả một cái nhan sắc đàn bà. Lần này, tác giả đi đâu về, khẽ mở khóa cửa bước vào định “tình cảm” vợ một cái, thì trong phòng vang ra cũng một hồi trung tiện, và xin thề là nó to hơn, vang hơn, kéo dài hơn của ông tiến sĩ và bà nhà quê đã kể bên trên (có lẽ vì lý do môi trường phát nổ là phòng kín, không ở trên ngọn đồi lộng gió, nên âm vang khác đi, chứ tài năng thì cũng như nhau thôi)”.

Ông giáo sư Phạm Toàn đã anh dũng nêu ra những kinh  nghiệm hứng chịu oanh tạc của ông kể cả chuyện tối kị không nên tiết lộ là tràng oanh tạc dũng mãnh của bà vợ. Đụng tới cửa tử này ông vẫn không ngán, kể ông xứng đáng là giáo sư! Tôi dám bình luận như vậy là vì tôi cũng đã có kinh nghiệm về sự từ chối quyền tác giả của các bà các cô khi lỡ sản xuất ra cái thứ mà cụ Nguyễn Du vô tình bị kéo vào khi cụ hạ bút viết hai câu Kiều: trông theo nào thấy đâu nào / hương thừa dường hãy ra vào đâu đây. Lần thứ nhất: bà cô tôi khi đang ngồi đánh chắn lỡ tung ra một chưởng lí nhí không lấy gì làm rộn ràng cho lắm. Vậy mà tuy tuổi đã ngoài sáu chục, cuộc đời đã từng trải nhiều vinh nhục, bà cô tôi vẫn đỏ mặt, bỏ bàn chắn tuy đây là thú vui mà bà thích thú nhất. Lần thứ hai: thê thảm hơn. Cô bạn chưa chồng, tuổi mới ngoài đôi mươi, trong một bàn tiệc có trai có gái, bỗng phóng ra một tiếng tút. Dĩ nhiên cái tiếng kêu vô duyên xuất hiện trái khoáy như vậy đã nhuộm hồng đôi má rất mịn màng trắng trẻo của cô. Nhưng chuyện chưa chấm dứt khi tiếng kêu đã đứt đoạn. Tên cô là Tươi. Chữ “tươi” thường đi với chữ “tốt”. Mấy tên bạn trời đánh đã tương kế tựu kế lờ đi chữ “tốt” và thế vào chữ “tút”. Cô mang chết cái tên không mấy thơm tho này từ ngày…lịch sử đó. Và tuy nhan sắc rất mặn mòi, không có đấng nam nhi nào hỏi xin bàn tay cô! Bà cô tôi và cô bạn tên tốt lành không được nhanh trí bằng một bà đồng. Câu chuyện đã đi vào huyền thoại! Bà này đang nhảy…tuýt thì bỗng từ trong người bà rơi ra một tiếng lạ. Bà nhanh trí lấp liếm liền bằng câu hát thêm thắt vào một tiếng nổ: bà bắn súng lục, bà đi thuyền rồng!

Quả có sự khác biệt giữa các bậc nữ lưu nước ta và các phụ nữ Tây phương. Tôi đã được chỉ dẫn để vào xem một video rất vui vẻ. Video quay cảnh một phiên họp của hội đồng thành phố Media ở Ohio. Các ông bà nghị viên ngồi trên một bàn dài được kê cao trên bục. Các dự thính viên ngồi trên các hàng ghế phía dưới nhìn lên bàn của các nghị viên. Trước mặt mỗi nghị viên là một chiếc micro. Cuộc họp đang sôi nổi thì có tiếng…lạ phát ra. Mọi người ngơ ngẩn nhìn nhau. Ai là thủ phạm của những phát biểu ú ớ  này vậy? Rồi cả phòng cười một cách khiêm tốn. Tới lượt một bà nghị viên nhan sắc khá mặn mòi phát biểu, bà kéo micro lại gần miệng và bắt đầu nói. Loáng thoáng trong những lời nói có tiếng nổ phụ. Cái micro chết tiệt phóng đại lên. Vậy là thủ phạm bị chỉ danh. Bà nghị cố nói lớn cho tiếng người át tiếng bom nhưng càng nói lớn tiếng bom càng dồn dập. Cả phòng cười ồ lên. Bà nghị cũng cười. Cuộc họp đầy tiếng cười. Bà nghị cũng cười rung cả người. Tiếc là máy quay không zoom gần khuôn mặt bà nên không biết có sắc đỏ không. Nhưng rõ ràng phản ứng của bà nghị chững chạc hơn bà cô và cô bạn tôi nhiều. Bạn nào muốn tận mắt coi cho rõ đoạn video vui vẻ này xin liên lạc với tôi. Cam đoan không bị ô nhiễm mũi!

Sự xì hơi là một tiến trình tự nhiên của cơ thể con người nhưng tùy theo nơi xuất hiện mà nó được đón nhận khác nhau. Người phương Tây có khuynh hướng đối lập việc bài tiết với văn hóa. Họ xem văn hóa là cái cao sang còn bài tiết là dơ bẩn, xấu xa. Nhà nghiên cứu Donald Ritchie gọi đó là “thói duy tâm đạo đức giả”. Người Nhật có cái nhìn thoáng hơn. Trong tiếng Nhật chữ dùng để chỉ cái trung tiện là lẫn từ chỉ cái rắm đích danh là onara đều không bị coi là những từ bẩn thỉu. Người Nhật thoải mái dùng hai chữ này mà không ngượng miệng, khác với dân Anh và Mỹ phải né khi thay chữ fart một cách bóng bảy bằng chữ break wind (thoát gió) trong ngôn ngữ nói. Ngay trong nghệ thuật người Nhật cũng có bức tranh nổi tiếng Hé Gassen (trận chiến trung tiện) sáng tác vào thời Edo hay nhà văn nổi tiếng Akutagawa Ryonosuke có cuốn tiểu thuyết Kappa mà dân chúng Nhật vẫn thường nhắc tới trong thành ngữ “Kappasan no he” (phát trung tiện của Kappa) để chỉ một việc dễ ợt ai cũng làm được!

Dễ làm nhất có lẽ là các bậc tuổi tác. Để chỉ một người thuộc vào loại đã ăn tiền già, một tên nghịch ngợm và bất kính đã chế ra câu: “Bạc đầy đầu / Vàng đầy răng / Đá trong thận / Đường trong máu / Chì trong chân / Sắt trong gân / Và không ngừng sản xuất khí thải thiên nhiên!” Việc sản xuất khí thải thiên nhiên là nghề của các bậc lão thành. Đứng đâu, ngồi đâu, các cụ cũng có thể vãi ra được. Không biết tại sao. Ông bạn già của tôi lý giải: :”Có gì đâu! Sống lâu van bị lờn nên không kiểm soát được ấy mà!”. Có lẽ thế thật, cái gì xài lâu mà không bị mòn. Tầm bậy! Cả tôi lẫn ông bạn đều bé cái nhầm. Muốn đi cho tới ngọn ngành phải đi từ đầu. Tại sao trong bụng chúng ta có khí để chúng đòi ra? Khi chúng ta ăn cơm, uống nước, không khí lẫn trong thức ăn thức uống đi xuống dạ dày và ruột. Ngoài ra, hàng trăm hàng triệu loại vi khuẩn sống trong đường ruột cũng phân giải thức ăn sản sinh ra chất khí. Một phần chất khí thoát ra ngoài theo đường miệng, một phần qua thành ruột khuếch tán vào máu rồi thoát ra theo đường hô hấp. Hai lối thoát này chỉ giải tỏa một phần nhỏ. Phần lớn chất khí còn lại được đưa dần xuống phía dưới. Tại đây, đoàn quân khí hơi này bị van hậu môn giữ lại. Vậy là có thùng thuốc súng trong tình trạng khẩn trương. Thứ khí này nằm mãi cũng phải kiếm đường ra. Nếu đường ra bị bịt hẳn thì nó sẽ phá vỡ thành tiếng, nếu mở ra từ từ thì nó sẽ lách qua một cách yên ắng như tên đạo chích. Rất may là 99% chất khí đào thải qua cửa hậu không phải là khí thối. Vì thói quen và cách ăn uống của mỗi người khác nhau nên khí thải ra cũng khác nhau. Có những thức ăn làm cho mùi vị thoát ra nặng hơn. Người quen thở bằng miệng, hay nuốt nước miếng, nhai kẹo cao su thường nuốt vào nhiều khí hơn nên tần suất thả khí nhiều hơn. Người già cũng vậy nhưng lý do là vì răng yếu, ăn uống trệu trạo nên nuốt chất khí nhiều hơn. Không biết tôi có đúng không khi nghĩ đến vấn đề tâm lý. Già rồi, coi cuộc đời như pha, chẳng có chi quan trọng, lại chai rồi không cần mắc cỡ nên muốn làm chi thì làm, oanh tạc liên miên, làm như đang ở Iraq không bằng!

Theo một bài viết vào đầu năm nay, 2010, của ông Hà Sỹ Liêm được phổ biến trên net thì mới đây, tờ báo The Guardian xuất bản ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, đã đưa tin là ông Henri Fox, 77 tuổi, người Mỹ gốc Việt đã bị một câu lạc bộ người già ở Paignton thuộc tây nam nước Anh tống cho một bức thư. Trong thư họ cảnh cáo ông già đã cho nổ quá lớn khi sản xuất khí thải thiên nhiên làm phiền các cụ khác nhiều lần. Họ đề nghị cụ mỗi lần muốn thử bom hơi ngạt thì nên ra ngoài trời và lưu lại đó đủ lâu để…rũ áo phong sương xong xuôi rồi hãy trở vào phòng. Cụ nhìn nhận với phóng viên báo The Guardian quả là cụ có…to tiếng. Nguyên văn câu nói của cụ là “I am a loud farter”.  Nhưng cụ nghĩ là cụ có trường hợp giảm khinh: cụ mới đổi qua uống bia Bass nên cú sấm ồn ào của cụ rất trong lành, không có mùi chi nữa. Mà không có mùi thì có chi phiền phức. Phiền phức chăng là cái tiếng động nhưng những khi cụ đi tầu ngầm thì làm chi mà hàng xóm phát hiện ra được. Cụ cũng tâm tình hết sức cảm động với nhà báo: cụ bà bỏ cụ ra đi đã bảy năm, cụ cu ky một mình nên có thể đã mất đi sự tế nhị trong đời sống!

Cụ ông gốc Việt Henri Fox (sao tôi nghi sự hiện diện của cụ quá vì cái tên thuần Anh chẳng có tí vết tích Việt nào của cụ) việc gì phải đem tâm tình ra mà excuse như vậy. Nghe cảm động nhưng không được lẫm liệt. Cụ cứ mang ông bác sĩ Frédéric Saidmann ra làm lá chắn. Trong cuốn “Le Grand Ménage” ông này khuyên mọi người nên mạnh dạn tút vì hành động này là một quá trình tự nhiên loại bỏ 2 lít khí mỗi ngày. Nếu kiềm chế số khí này không cho giải tỏa thì sẽ gây tổn hại cho ruột. Giữ khí trong bụng sẽ dẫn tới ợ nóng và gia tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Đó, muốn tránh một sự bất tiện trong khoảnh khắc hay muốn tôi có nguy cơ bị ung thư, các ông muốn thứ nào? Cụ Henri Fox cứ dõng dạc hỏi như vậy xem kẻ viết cái thư quấy rối trên trả lời ra sao! Để tôi mách cụ thêm một chiêu hóa giải nữa. Cụ có thể dẫn chứng trường hợp  diễn viên hài người Pháp Joseph Pujol. Anh hề này chỉ có độc nhất một chiêu biểu diễn trên sân khấu, đó là chiêu phát hơi bằng cửa hậu. Anh có khả năng điều khiển các bắp thịt nơi vùng bụng để nắn nót luồng hơi chui ra bất cứ lúc nào anh muốn. Làn hơi có kiểm soát này có thể phát ra những âm thanh theo ý anh. Lúc thì anh cho ra tiếng đại bác, lúc thì tiếng sấm, lúc thì âm thanh các nhạc cụ khác nhau, lúc thì tiếng kêu của các loài động vật. Tha hồ nỉ non! Khán giả rất tán thưởng màn trình diễn độc đáo này. Dĩ nhiên anh kiếm bộn bạc cắc bằng những tiếng vọng từ…cõi dưới! Đấy, tiếng ồn ào mà người ta kết án ông cụ Henri Fox là tiền cả đấy. Cụ trình diễn miễn phí còn kêu ca nỗi gì!

Cái thứ có thể làm già trẻ trai gái, đông tây nam bắc đều cười được cả tưởng chỉ là công cụ giải trí. Nhưng không phải. Nó còn vươn lên thành một công cụ phản kháng! Ông Jose Cruz, 34 tuổi, ngụ tại Clarksburg ở tiểu bang West Virginia, bị cảnh sát chặn lại vì lái chiếc xe không có đèn. Khi kiểm soát mới thấy ông có mùi rượu. Ông cảnh sát tên T.E. Parsons dẫn ông về bót để thử độ cồn trong hơi thở. Ông Parsons đang loay hoay sửa soạn đồ nghề thì ông Jose kéo ghế lại gần, nhấc một bên đùi lên cao và tút một phát có tiếng động đàng hoàng. Xong ông này còn quạt hơi về phía ông cảnh sát. Theo biên bản mô tả lại thì “hơi này rất nặng mùi và hành động này có ý lăng mạ hoặc khiêu khích”. Ông Jose nhận là tác giả của một quả xì cỡ lớn nhưng phủ nhận việc cố ý khiêu khích hay phản đối cảnh sát. Sự việc xảy ra đơn giản chỉ vì ông bị nặng bụng mà cảnh sát không cho ông vào phòng vệ sinh. Tức nước phải vỡ bờ. Ai chẳng vậy! Ông còn kể lại là khi trái bom có mùi khủng khiếp nổ ra thì tất cả các ngài bạn dân trong phòng đều thấy khôi hài và cùng cười với ông. Tôi tin lời kể của ông Jose. Chuyện vui như thế thì các bạn dân cười là phải. Điều đó chứng tỏ họ có tính người. Nhưng ông Jose không nói gì về phản ứng của ông cảnh sát Parsons. Ông ta có cười được không? Hay là ông ta mắc bịt mũi nên không cười được? Hay là mặt ông ta vàng ra vì mùi vị và tức tối? Dù sao, cái trung tiện của ông Jose cũng đại náo được một nơi chốn trang nghiêm như bót cảnh sát. Nguyên đó đã là một kỳ tích!

Tôi đã nhắc tới bài “Triết Lý Cái Trung Tiện” của ông giáo sư Phạm Toàn. Tôi đã trích một đoạn trong bài. Một đoạn…tả cảnh ba trường hợp có tiếng nổ trong đời ông giáo sư, chẳng thấy có mùi vị triết lý chi cả. Vậy triết lý của thứ nằm giữa tiểu tiện và đại tiện là cái gì? Xin mời nghe: “Cứ mỗi lần nôn nóng xin bạn hãy nghĩ tới cái trung tiện. Tức bụng, muốn làm một tràng, nhưng không đủ điều kiện thì nó không ra cho. Đến khi có điều kiện thì nhịn cũng chẳng nổi. Một xã hội cũng như một cơ thể người, cần biết chờ đợi cho cái trung tiện thoát ra. Và nói cho ra vẻ lý thuyết, ta biết rằng trung tiện chỉ là tiên báo ắt có và chưa đủ của một hành động khác tống khứ đi những thứ cần tống khứ. Đó là điều tất yếu.”.

02/2010