Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

LÂN

Tôi không thấy múa lân cho tới năm di cư vào Sài Gòn. Tuổi thơ của tôi chỉ có múa sư tử. Múa sư tử giản dị hơn múa lân nhiều. Một cái trống nho nhỏ, một cái phèng la, một cái đầu sư tử, một mặt nạ ông Địa. Vậy là thành một đám múa sư tử. Sư tử không múa vào dịp tết nguyên đán như múa lân mà vào một cái tết khác: tết trung thu.  Khi những gánh hàng bán đầu sư tử và các thứ phụ tùng xuất hiện trên đường phố cùng với những gánh cốm vòng và những mẹt hồng chín au là lòng chúng tôi mở hội. Tết trung thu là tết của trẻ em. Màn múa biểu diễn của lũ nhóc chúng tôi dưới ánh trăng rằm, trước mâm cỗ và những người lớn trong gia đình là cái đinh của tết con nít. Bàn cỗ có ông tiến sĩ giấy oai phong ngồi giữa nhắc nhở lũ con nít chúng tôi về bổn phận học hành cho vui lòng mẹ cha. Vui mà cũng có…giáo huấn! Vậy mà chúng tôi không chán. Bởi vì bên cạnh ông tiến sĩ là đám hồng mơn mởn, lũ con giống hình gà vịt chim cá xanh đỏ, những trái bưởi có cùi được tỉa thành hoa cái đỏ cái trắng, đám bánh nướng bánh dẻo thơm phức và những chiếc đèn xếp lung linh ánh nến. Bên cạnh bàn cỗ không thể thiếu chiếc đèn kéo quân nhìn mãi không chán mắt.

Tuổi thơ của lứa tuổi tôi cũng chẳng khác chi tuổi thơ của Tô Hoài. Ngày đó thời gian rất từ tốn và yên bình. Những tháng ngày lững thững trôi như những đám mây không hề biết ưu phiền. “Trước nhất là cái trống. Không phải trống cái, trống đình mà cái trống chỉ nhỉnh hơn cái đấu, cái thưng. Mặt trống mới, da bò ngửi còn mùi khét thú vị, lại có miếng da làm quai xách, tang trống bôi phẩm vàng nghệ. Cái dùi trống vót lấy chỉ to hơn chiếc đũa. Trống được mẹ mua từ phiên chợ trước. Hầu như nhà nào cũng có trẻ nhất là có con trai đều có cái trống. Tiếng gõ long tong khắp xóm, rộn rã vui tai suốt ngày đến tận tối. Rồi con sư tử. Không phải sư tử to như cái xảo đại, cái thúng đại có người chui vào múa, có người cầm vạt đuôi, có người múa ngọc như đám rước sư tử, đêm rằm giật giải ở chợ. Mà đây là cái đầu sư tử giấy bồi, chụp lên đầu như úp cái rổ. Ấy vậy mà cũng nhấp nhoáng trang kim, hai mắt lồi long lanh với bộ râu trắng không biết bằng rễ cây gì. Chặp tối, tụ tập đầu xóm, những đứa có sư tử đem ra múa vờn nhau trong tiếng trống đánh giục giã”.

Múa sư tử của thời Tô Hoài cũng y chang như múa sư tử thế hệ của tôi tại Hà Nội. Có lẽ khác chăng là bộ râu của sư tử. Thời tôi râu đã được làm bằng sợi tơ mềm chứ không phải là rễ cây nữa. Những bài múa sư tử thời thơ ấu đó là những bài tự phát. Chẳng có bài bản gì cả. Tùy hứng. Đứa đội đầu sư tử nhảy loạn xạ loi choi. Muốn nhảy kiểu gì thì nhảy miễn là vui mắt. Vậy mà đám rước sư tử hồi đó lại vui, cái vui ngây thơ trong trắng, sao cho thích thì thôi.

Khi vào Nam, cái trò chơi lùng tùng xòe này thay đổi hẳn. Tết Trung Thu thì êm ru nhưng Tết Nguyên Đán thì rộn rã những đoàn múa lân chiêng trống inh ỏi trên đường phố. Chú sư tử nho nhỏ của chúng tôi biến thành những con lân rực rỡ. Sư tử có khác lân không? Khác quá đi chứ. Sư tử là con vật có thật còn lân là con vật trong huyền thoại. Muốn coi sư tử cứ vào sở thú ắt có nhưng muốn coi lân thì coi ở đâu? Chẳng có ở đâu cả. Nó nằm trong bộ tứ linh: long, lân, quy, phụng. Lân cũng như rồng chỉ là một con vật tưởng tượng ghép lại bằng đầu sư tử và thân ngựa, biểu thị cho ước vọng thái bình. Sư tử biểu tượng cho sức mạnh. Vậy trong ngày tết mang lân ra múa là hợp với mong ước thanh bình của dân gian. Múa lân có hai dạng. Dạng dân gian chỉ múa đầu lân, thân mình được cách điệu bằng một dải vải lớn và dài, nhiều màu sắc. Đầu lân thì cũng xêm xêm như đầu sư tử nên múa lân dạng dân gian và múa sư tử coi bộ là anh em chú bác với nhau.

Những ngày ở ngoài Bắc, cái đầu sư tử của chúng tôi cũng trần xì có cái đầu. Thứ thường thường của trẻ con thì có một miếng vải đỏ ngắn cũn cỡn khoảng hơn gang tay. Thứ xịn mới có cái đuôi dài bằng vải đỏ để một người múa đầu, một người chui vào làm mình và đuôi. Dĩ nhiên múa như vậy thì lòi ra bốn cái chân…người. Dạng thứ hai là múa kỳ lân với nguyên hình của nó gồm đủ cả đầu, mình và tứ chi. Một…chuyên gia múa sư tử ở ngoài Bắc đã tách bạch lân và sư tử như sau: “Múa sư tử thì đầu sư phải có tai, còn múa lân thì đầu lân phải có sừng. Ngoài ra hoa văn và họa tiết trang trí trên đầu lân, đầu sư tử cũng phải khác nhau và khi múa phải mô phỏng thật sinh động được động tác của từng loài linh vật này”.

Ôi! Tôi thật xấu hổ về những ngày múa sư tử hồi nhỏ. Cứ tranh dành đội được cái đầu sư tử lên đầu là mừng hết lớn. Thằng đánh trống cứ đánh, thằng gõ chiêng cứ gõ, tôi múa cứ loạn cào cào tùy theo đam mê và tùy theo…sức khỏe trong người! Nếu hồi đó mà biết múa sư tử lại phải có bài bản thì chắc tôi chẳng dám múa. Nhưng sao tôi và lũ nhóc bạn tôi vẫn vui. Chắc chắn vui hơn những ông mồ hôi mồ kê nhễ nhại múa ăn tiền ngày nay.

Nhưng thời thế thay đổi thì cái tôi cũng phải đổi thay. Chạy từ Bắc vào Nam thì cũng nên để chú sư tử thời nhỏ dại lại nơi quê nhà. Ngay cái tết đầu tiên tại Sài Gòn, tôi đã mải mê theo những đoàn múa lân trên các đường phố. Phải công nhận những cái đầu lân nhà nghề đẹp thật. Chúng lộng lẫy trong cái nắng của tết miền Nam. Cái lộng lẫy đó tạo nên bởi những đầu lân có hình tướng khác nhau. Lúc đó chỉ thấy chúng đẹp nhưng chú nhỏ di cư là tôi chẳng ngờ là những cái đầu lân đó lại có…qui tắc hẳn hoi. Lân trong quan niệm truyền thống của dân gian có thân hươu, đuôi trâu, móng ngựa, sừng là u thịt cứng. Lân trong múa lân đã biến dạng, có thêm hai cái vòi, râu dài, dáng vẻ dữ dằn, răng nanh nhọn, khác với quan niệm lân là nhân thú hiền lành.

Nhà văn Lý Lan, trong cuốn “Sài Gòn Chợ Lớn Rong Chơi”, cho chúng ta biết lân ngày tết có cái phức tạp riêng. “Một con lân để múa vào ngày Tết phải hội đủ bốn quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa. Ngoài ra gần mép có gai như vây cá, vì ngư tượng trưng cho thành đạt, thăng tiến (cá vượt vũ môn, cá hóa long). Râu lân là bộ phận quan trọng nhất trên đầu lân. Theo quan niệm từ xưa, lân râu bạc hay râu đen là dựa theo tuổi tác của đoàn lân. Đoàn lân phải ba mươi tuổi trở lên mới có lân râu bạc. Lân múa cúng trước chùa Ông của người Hoa ở Chợ Lớn có đủ râu bạc, râu đỏ và râu đen: Lân râu bạc tượng trưng cho Lưu Bị, lâu râu đỏ là Quan Công, lân râu đen là Trương Phi. (Chùa Ông thờ Quan Công). Ngày nay các đoàn lân có đủ các loại lân và vô số màu râu khác nhau tùy theo yêu cầu của nơi rước lân đến múa. Để khai trương người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc. Ngày Tết, để mừng năm mới tốt lành, gia đình an khang, công việc phát đạt, đất nước thịnh vượng, thiên hạ thái bình, các đoàn lân chia nhau đi khắp thành phố biểu diễn với từng bộ năm lân, bảy lân, hoặc chín lân, mỗi lân một màu sắc tươi tắn khác nhau, nhưng ý nghĩa màu sắc các lân không rõ ràng lắm. Có người cho là năm lân tượng trưng cho ngũ hành, bảy lân là bảy sắc cầu vồng, cả hai đều tượng trưng cho thiên địa hài hòa, mưa thuận gió xuôi, còn chín lân là biểu tượng của sự thiêng liêng và tốt đẹp. Tuy nhiên có nhiều người không đồng ý cách giải thích đó, cho là bày ra lắm lân là để cạnh tranh nhau, biểu thị trẻ con thích màu mè, chứ không có ý nghĩa nào hết. Chỉ có trắng đen đỏ là ba màu truyền thống của lân”. Vậy thì nghề chơi quả cũng lắm công phu.

Nhưng ai bày ra cái trò múa lân? Dĩ nhiên là mấy ông Tầu! Theo truyền thuyết, cách đây hơn 2500 năm, vào đời vua Chu Linh Vương thời Chiến Quốc bên Tầu, kỳ lân xuất hiện rất hung dữ, giết hại dân lành. Nhưng rất may là Đức Phật đã thuần hóa những con kỳ lân này bằng cỏ Linh chi khiến chúng biến đổi tâm tính và trở thành linh vật phù trợ người đời. Kỳ lân trở thành một biểu tượng của đức từ bi và lòng nhân ái. Vì vậy người đời mới có huyền thoại “kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình”. Trong đời Đức Khổng Phu Tử, người ta ghi nhận có hai lần kỳ lân xuất hiện. Lần thứ nhất, kỳ lân xuất hiện tại nước Lỗ khi bà Nhan Thị hạ sanh Khổng Phu Tử. Lần thứ hai, hai năm trước khi Đức Khổng tạ thế. Khi đó Ngài đang viết kinh Xuân Thu, bỗng có tin một tiều phu bắt được một con kỳ lân bị thương một chân, Khổng Phu Tử bèn gác bút không viết tiếp nữa. Trong dân gian, người ta tin rằng khi kỳ lân xuất thế là thiên hạ thái bình, hạnh phúc. Vì vậy nên tới ngày Tết Nguyên Đán, thiên hạ múa lân để chúc nhau thái bình và phúc lộc.

Một đám múa lânthường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có trống, thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân và quan trọng nhất không thể thiếu đó là ông địa. Thường đội lân đánh trống vang xóm và nhà nào có treo thưởng thì đội lân sẽ đến múa chúc vui, tiền thưởng thường treo trên cao, có khi buộc trên cành tre cao, đội lân sẽ đôn người lên cho lân há miệng ngoạm lấy (có khi làm thang là một cột thép dựng đứng để lân leo). Thường phần thưởng càng lớn thì treo càng cao, đội lân càng có nghề càng thích phần thưởng treo cao, xem như một thách thức các đội lân khác, đồng thời qua đó chứng tỏ tài nghệ của đội để thu hút các gia chủ khác. Nhưng trong nhà có người già thì phần thưởng lại được treo thấp dù có giá trị cao, chắc tránh cho lân gặp phải nguy hiểm xem như gia chủ để phước. Ông địa phải vào nhà vái chào người già, gia chủ, sau đến giỡn chơi hoặc làm hề cho trẻ em vui, nếu gia chủ tỏ ý muốn mời thì đoàn lân sẽ vào, sau khi lân ngậm được tiền, lân gục gặc đầu cảm tạ thì ông địa lại vái chào cảm ơn gia chủ trước khi đoàn lân qua nhà khác.

Múa lân có nhiều kiểu. Kiểu “độc chiếm ngao đầu” gồm một con lân biểu diễn, tả xung hữu đột, tiến thoái nhịp nhàng, bộ pháp hùng dũng, nhảy cao, trèo giỏi, tượng trưng cho cái uy, cái dũng của một mãnh tướng, một vị hảo hán hay một đấng hùng anh. Kiểu “song hỉ” gồm hai con lân cùng biểu diễn, thể hiện niềm hân hoan khoan khoái, tâm đầu ý hợp như loan với phụng, như vợ với chồng, như đất trời và âm dương tương hợp. Kiểu “tam tinh” có ba con lân hợp múa với ba màu vàng, đỏ, đen, thể hiện những điều cầu nguyện của mọi người đạt được điều lành, tốt. Đó là phúc, lộc, thọ. Kiểu “tam anh” gồm ba con lân cùng múa, tượng trưng cho ba ông Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi trong tích truyện Tam Quốc Chí, vừa hùng dũng, vừa có chí lớn, vừa thương yêu gắn bó với nhau hơn cả anh em ruột thịt. Kiểu “tứ quý hưng long” gồm bốn đầu lân trắng, vàng, đỏ, đen, tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương, bốn hiện tượng trong trời đất, diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc.

Múa lân ai ngờ lại…trí thức như vậy. Khi bày con của tôi tới tuổi biết rung động với tiếng trống lân, tôi thường chở chúng vào trong Chợ Lớn coi múa lân ngày tết. Bốn bố con chen nhau trên chiếc xe vespa đuổi theo những đoàn lân. Cứ nghe tiếng trống lân ở phía nào là phóng tới phía đó. Nhìn từng đội lân chia nhau đi múa khắp các khu phố, tôi chỉ thấy rực rỡ, mang lại vui tươi trong những ngày tết, chứ chẳng hiểu mô tê gì những qui luật và ý nghĩa của từng con lân. Chỉ thấy lân càng trèo cao càng hứng thú. Hình như theo một qui luật bất thành văn, giải thưởng càng lớn thì treo càng cao. Có những nhà gia chủ chỉ đứng ở cửa, cầm một cây tre dài vài thước, trên đầu tre có cột một cây rau diếp và một bao lì xì đỏ. Chỉ cần hai ba người chồng lên nhau để cho lân leo lên là có thể ngúc ngắc cái đầu đớp giải thưởng một cách ngon lành. Nhưng cũng có những nhà treo cây rau diếp trên cả chục tầng lầu cao vút. Nhìn là thấy tiền không. Nhưng đi ngó lân múa miễn phí như bố con tôi thì hồi hộp khôn cùng. Càng cao…rau diếp càng đông người chờ. Trong khi lân còn đang múa biểu diễn, mọi người đã bàn tán coi làm sao lân có thể leo lên lấy thưởng được. Nhưng rồi những võ sĩ trong đoàn lân cũng đã dùng tài bay nhảy, dùng người chồng lên nhau và dùng cột cao để lân leo tuốt lên đầu cột giật giải. Thú thật, nhiều khi nhìn lân lên lấy giải, hồi hộp thì có hồi hộp, thích thú thì có thích thú, nhưng những người đứng xem đều có tâm trạng lo lắng cho những thân người đánh cuộc với hiểm nguy để kiếm được những đồng tiền của những nhà  giầu tung ra cho vui cái tết của gia đình họ. Để làm được những cú giật giải ngoạn mục như vậy, những đoàn viên, thường là những người có nghề võ, phải khổ công tập luyện. Khi lân ăn giải, tiếng trống nhanh, mạnh, liên hồi làm nhức tim người đứng coi. Nghệ nhân đánh trống cũng vất vả với nghề không kém gì những người múa lân. Khi lân múa nhịp trống phải nhanh, khi lân quỳ nhịp trống chậm lại. Khi lân ngủ, nhịp trống thưa và nhẹ. Khi lân tỉnh giấc, nhịp trống rộn ràng. Khi lân vượt chướng ngại tiếng trống như thúc hối. Nghệ nhân múa lân, nhịp theo tiếng trống, diễn tả cái hồn của lân. Múa sao cho hiện ra được cái hồn của lân mới là đạt.

Để làm một con vật giả
Cần mấy người thật hẳn hoi
Nào trống nào chiêng nào mõ
Bao người mê mẩn đứng coi!
(Lâm Quang Mỹ)

Những con người thật trong một con vật giả có những nỗi niềm riêng của họ. Nghệ nhân núp dưới bóng lân bao giờ cũng là những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn và biết chịu cực chịu nhọc. Thành viên nữ trong đoàn múa lân chỉ giữ những vai phụ, thăng tiến nhất trong nghề có lẽ chỉ được khua trống khua chiêng. Chúng ta đã từng thấy những thành viên nữ này có khi là người ngoại quốc, mắt xanh da trắng, tóc nâu. Tại sao họ có mặt trong một trò chơi không thịnh hành trong xã hội của họ. Tôi nghĩ mà thấy mình không tưởng tượng quá đáng tới những mối tình của những cô gái này với những thân thể cường tráng của những chàng trai tung lân theo nhịp chiêng trống. Chuyện tình…lân chắc không hiếm. Cũng như bao chuyện tình khác, có vui xum họp có buồn chia ly. Tác giả Đào Văn Đạt với truyện “Mùa Múa Lân” lại đưa ra một kiểu tình khác, rất xa lạ ngày xưa nhưng rất quen thuộc ngày nay. Nhân vật chính, Cường,  là một nghệ nhân múa lân rất nhuần nhuyễn. Anh vướng vào một cái “như tình yêu”. Không phải với người con gái mà gia đình đã sắp xếp cho anh. Mà với một người con trai. Người con trai đó tên Minh, một bạn múa trẻ tuổi của Cường. Cường đã bao phen muốn chối bỏ thứ tình mà anh biết là không thể được gia đình và xã hội dung thứ. Nhưng, dưới lốt con lân rực rỡ, anh cố thoát ra khỏi mình. “Minh đưa đôi tay rắn chắc của mình cẩn thận ôm vào hông anh rồi nâng cả người anh lên cao để đầu lân chạm vào quả châu. Rồi từ trên cao, đôi chân anh bám vào ngực của Minh phía dưới, bộ ngực to bè của Minh bao giờ cũng là điểm tựa vững chắc cho anh tung hứng những màn thật điêu luyện. Những động tác này thật bình thường so với anh trước đây. Nhưng từ đêm hôm qua, sau khi nghe những lời tỏ tình của Minh, tự nhiên các động tác trở nên luống cuống. Hơi thở âm ấm phía sau của Minh phả vào gáy anh làm cho khắp cơ thể của anh nóng ran, tim đập loạn xạ. Đôi chân anh chao đảo mất thăng bằng. Bên ngoài tiếng trống vẫn thúc giục, tiếng vỗ tay reo hò của khán giả làm cho anh càng bối rối. Bên trong lớp áo con lân, Minh ôm anh thỏ thẻ: “ Anh sao vậy? Cố gắng lên, em vẫn bên cạnh anh mà!”. Anh quay lại nhìn Minh, bắt gặp ánh mắt Minh nhìn anh đắm đuối, bên ngoài đầu con lân cũng theo động tác của anh quay lại nhìn phần đuôi của mình đang ngoe nguẩy như cổ vũ phần đầu hãy tung hứng những pha ngoạn mục mà ta đã từng biểu diễn. Tự nhiên ngay trong lúc này đây, anh như cảm nhận được những gì mà Minh từ lâu đã dành cho mình. Và ánh mắt trìu mến kia đã làm cho khối băng lạnh giá trong anh tan ra như nước lũ”.

Người ta có thể dập tắt được một mối tình không? Đối với những nghệ nhân múa lân, gian lao nguy hiểm họ đã trải qua, họ thừa can đảm để làm những gì mà họ thấy phải làm, dù trái tim họ có tan nát đi chăng nữa. “Mùa múa lân năm sau, anh đưa cả đoàn lân về xóm múa lần cuối cùng ra mắt bà con và gia đình trước khi ra đi. Anh nguyện với lòng sẽ cùng Minh múa một bài thật hay chưa từng có trong đời múa lân của mình để tặng bà con. Anh tự tay thiết kế giàn mai hoa thung khá cao, nhiều nhịp đầy khúc khuỷu. Anh muốn giàn mai hoa thung này sẽ là nhân chứng cho mối tình đầy trắc trở của anh. Trước bàn thờ, trong lớp áo con lân, anh và Minh quỳ xuống lạy ba cái cảm tạ trời đất, rồi anh và Minh lui ra chào khán giả, bước ra sân biểu diễn. Những màn nhào lộn đầy ngoạn mục trên cao được anh và Minh tung ra tất cả. Dường như Minh không nhận ra những tuyệt chiêu cuối mà anh muốn tung hứng. Minh vẫn vô tư cảm nhận cái say đắm của cuộc tình mà họ đã từng biểu diễn bên nhau. Cảm ơn em rất nhiều Minh ơi. Anh tự nhủ, nếu có kiếp sau anh xin dành trọn đời cho em. Anh đưa con lân lên vị trí thật cao, quay mặt nhìn trời đất một lần nữa rồi buông tay lao xuống trong tiếng la thất thanh của Minh và khán giả. Đầu anh đập vào thanh sắt của giàn mai hoa thung bật máu. Từ trên cao Minh cũmg nhào đến ôm Cường gào thét: “Anh Cường ơi, vì sao vậy anh!”. Cường nắm tay Minh thật chặt thì thào trong hơi thở cuối cùng: “Hãy tha lỗi cho anh!”. Minh ôm Cường vào lòng khóc tức tưởi. Bà con đến xem ai cũng xót xa và nghĩ rằng Minh đang khóc thương cho một đồng nghiệp xấu số. Chứ có ai biết rằng trong những giọt nước mắt ấy Minh dành tất cả cho một tình yêu”.

Chúng ta chỉ rộn ràng với tiếng trống, tiếng thanh la và những bước múa kỳ ảo của lân. Mấy ai đã thấu được bụng lân. Trong bụng lân có cuộc sống của người!

11/2009