Bia
Buông

Cali
Cẳng
Chả
Chim
Chữ
Coi

Dưỡng
Fred
Giáng
Giỏi
Gốc
Ham
Khám
Lân
Lạnh
Lùn
Mắt
Ngồi
Nguồn
Nguyên
Nữ
Ớt
Phê
Táng
Tội
Tút

GIÁNG

Giáng, theo Hán Việt từ điển, là “hạ thấp xuống” hay “rơi xuống”. Giáng Sinh là “nói về thần tiên đầu thai xuống làm người”. Chúng ta không phải là thần tiên nên khi chui từ trong bụng mẹ ra, chúng ta chỉ được sinh ra chứ không rơi xuống. Trường hợp đẻ rơi lại khác. Rơi có chút đỉnh chứ không rơi từ trời xuống nên…huề! Chúa là một thần linh nên ngày Chúa sanh ra mới được gọi là “Giáng Sinh”. Hàng năm cứ ngày 25 tháng chạp tây là chúng ta mừng lễ Giáng Sinh. Đúng 25 tháng chạp chứ không sớm được một ngày nào cả. Vậy mà hầu như cứ mỗi năm, mấy anh nhi nhoe là các ông già Noel lại đến sớm hơn để báo cho chúng ta biết ngày Chúa ra đời. Năm nay mới vào những ngày đầu của tháng 11 các anh đã ló mặt ra rồi! Tại sao mấy anh già áo đỏ lông trắng này lại sốt ruột như vậy? Bởi vì các anh đã bán linh hồn cho giới con buôn. Lễ Giáng sinh đối với các con buôn chỉ có nghĩa là một dịp hốt tiền thiên hạ. Càng cho các anh già tới sớm thì càng có thời gian rộng rãi để nhét tiền vô túi.

Thực ra gốc gác của mấy anh già này thánh thiện hơn nhiều. Hình ảnh của họ chính là hình ảnh của thánh Nicolas mang quà đi phát cho con nít và những người nghèo khó. Phát free chứ không bán buôn chi. Chỉ từ khi mấy anh cà chớn này đầu quân dưới trướng của giới bán buôn chỉ biết lợi nhuận, các anh mới làm ô uế hình ảnh của thánh Nicolas bằng những hành động dị hợm. Mấy anh ngồi đồng tại các shopping center xoa đầu con nít, tặng cho cái kẹo đáng giá vài xu nhưng bỏ túi bạc chục bằng thương vụ chụp hình là chuyện xưa tích cũ rồi, chẳng cần nhắc lại làm chi. Nhưng càng ngày các anh càng lố lăng. Như một trăm anh thi chạy trong thời tiết giá lạnh tại thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi trong quần tắm và chiếc mũ đỏ. Mang hình ảnh thánh Nicolas mà chỉ mặc độc một chiếc quần tắm thì ai mà chịu nổi. Lại còn bày đặt ra các bà Noel mặc bikini chạy chung thì còn trời đất nào nữa. Bà già Noel là một quái chiêu ngày nay. Nó chẳng dính dáng chi tới truyền thống mà chỉ cốt vui và ăn khách trong thời đại vụ vào tính dục bây giờ. Thực ra các Santa Claus Girl hoặc Christmas Girl đã xuất hiện từ năm 1908 lận. Mẹ đẻ của sáng kiến này là cô Arianna VanDoom, một người giúp việc cho vị mục sư của nhà thờ  Park Congregational tại Grand Rapids thuộc tiểu bang Michigan. Hồi đó những Girl này còn rất thánh thiện. Họ đi quyên tiền mua quà Giáng Sinh cho những em bé mà cha mẹ không có khả năng mua quà cho chúng. Họ mang quà tới tận nhà từng em, hát thánh ca và kể chuyện cho các em nghe. Ngày nay, các Girl này cũng hư đốn như các anh già áo đỏ. Họ cũng bán mình cho giới con buôn. Không phải bằng cách ngồi dụ con nít trong các shopping center nhưng bằng cách quảng cáo thời trang cho các hãng buôn. Năm nay họ còn chơi bạo bằng cách quảng cáo đồ lót màu trắng đỏ truyền thống. Trang mạng của Yandy.com đưa hình các Girl này trong những bộ đồ ngủ hết sức sexy kèm theo lời quảng cáo: đây là những món quà tặng hoàn hảo mà người vợ dành cho người chồng khi mặc chúng, hoặc ngược lại: để người chồng gây bất ngờ với vợ khi mua chúng về làm quà tặng trong dịp lễ Giáng Sinh năm nay. Vậy là bắt cá cả hai tay: tay bên chồng cũng như tay bên vợ! Cô con dòng cháu giống trong gia đình tỷ phú khách sạn, Paris Hilton, một tay quậy, cũng đã ăn theo. Cũng áo đỏ trắng, cũng nghề sexy vốn dĩ đã thuần thục, để quảng cáo một loại nước hoa mới mang tên Siren tại Glendale, California vào ngày 3 tháng chạp vừa qua.

Cứ đi theo mấy anh già với mấy chị Girl này chúng ta sẽ lạc đường. Giáng Sinh không phải là những trò bán buôn nhố nhăng như vậy. Đó là dịp để mọi người tỏ tình thân với nhau và sống an bình với mọi người. Mang lại tinh thần bình an Giáng Sinh cho người khác không đòi hỏi tiền bạc hay quà tặng. Chúng ta có thể chúc bình an cho nhau bằng những tấm thiệp, có thể mua, có thể làm lấy. Tập tục này hình như đang mai một dần. Với e-mail người ta rất ngại viết thiệp và gửi bưu điện. Ngày trước cứ mỗi lần Giáng Sinh tôi gửi thiệp cho bạn bè thân thuộc ở khắp nơi trên thế giới một cách hăng say. Ngày nay hình như chỉ cần gõ một cái e-mail chung cho mọi người là đủ. Dù sao đó cũng là cách nhớ tới nhau trong ngày lễ. Một cách nhớ rất…văn minh và ít tốn thời giờ. Bà bầu Sophia Prendergast, năm nay 36 tuổi, còn văn minh hơn nữa. Bà nhờ nghệ sĩ Glyn Goodwin vẽ hình lên trên cái bụng…trống của bà rồi chụp hình gửi cho mọi người thân quen như thiệp Giáng sinh. Tôi nghĩ bà này chắc thâm lắm. Gửi cái bụng bầu cũng như gửi một hài nhi trong dịp chúng ta đón tiếp Chúa Hài Đồng, ý nghĩa chi đâu!

Món quà của một người vô danh ở Birmingham bên Anh thì vừa ý nghĩa vừa cụ thể. Nhà hảo tâm này đã gửi hàng núi quà trị giá tới 9 triệu bảng Anh cho các em tại các bệnh viện nhi đồng. Quà của ông cứ rơi từ phi trường này qua phi trường khác. Ông Tracy Marsh, Chủ tịch một hội thiện ở Birmingham đã thay mặt các nhi đồng gửi lời cám ơn. “Chúng tôi cám ơn sự hào phóng của vị ân nhân bí mật trên. Đồ chơi sẽ mang đến những giờ phút thật sự tuyệt vời cho lũ trẻ. Giáng sinh dường như đến sớm hơn với chúng tôi”. Tôi chịu ông này quá. Một bảng Anh, theo giá ngày hôm nay ăn 1,6576 đô Mỹ. Chín triệu là gần 15 triệu đô Mỹ! Cho đi một số tiền khổng lồ như vậy mà…vô danh. Cái danh thường vẫn nằm sau những cử chỉ từ thiện. Cho ít chục, ít trăm người ta thường đòi tên tuổi phải lên báo. Cho khơi khơi 15 triệu đô mà dấu tên là một nghĩa cử đáng phục lăn.

Tặng quà vào dịp lễ Giáng sinh là trao tặng nhau sự ân cần chăm chút cho nhau. Giá trị của quà không nằm trong trị giá món quà mà nằm trong cách cho quà. Nghĩ tới người khác, mang niềm vui tới cho người khác, món quà như một kết nối óng ánh như những dây kim tuyến trên cây Giáng sinh. Trong truyện ngắn “An Exchange of Gifts” của tác giả Diane Rayner, bản dịch của Hải Ngữ, chúng ta sẽ gặp ý nghĩa của những món quà Giáng sinh. “Tôi lớn lên với một niềm tin rằng những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời thường xảy ra trong ngày lễ Giáng Sinh, khi những nhà thông thái từ phương Đông đến, khi gia súc thì thầm với nhau trong chuồng vào lúc nửa đêm, và khi ánh sáng từ ngôi sao lạ trên bầu trời cao báo hiệu Con Thiên Chúa đã sinh xuống trần. Giáng Sinh trong tôi lúc nào cũng là một dịp reo mừng, vui hưởng hạnh phúc, và chưa bao giờ tôi hạnh phúc cho bằng lễ Giáng Sinh năm đó, năm mà đứa con trai của tôi, Mẫn, vừa tròn tám tuổi.”. Mẫn bị điếc bên tai trái từ bẩm sinh, có một đứa bạn thân tên Kha. Hai trẻ thường cùng nhau rong chơi trên cánh đồng cỏ bên nhà có con suối róc rách chảy ngang. Cuộc sống của hai mẹ con Mẫn khá vất vả cực nhọc nhưng cuộc sống của gia đình Kha còn nghèo khổ hơn bội phần. Giữa hai nhà có một hàng rào điện ngăn cách hai khu nhà ở. Giáng sinh năm đó, Mẫn để dành tiền để mua cho Kha một món quà mà Kha ao ước từ lâu: một chiếc la bàn. Gia đình Kha quá nghèo để mua quà tặng nhau và mẹ Kha là một người rất tự trọng. Nếu Mẫn tặng Kha quà thì Kha sẽ không có chi tặng lại và chắc chắn mẹ Kha sẽ không cho con nhận món quà như vậy. Nhưng Mẫn đã có cách: không để cho Kha biết người tặng quà. Như vậy Kha sẽ phải nhận món quà mà không cần nghĩ tới chuyện trả nợ lại. Đêm Giáng sinh, trời mưa tầm tã. “Khi xoay người lại nhìn nồi thịt heo hầm và khay bánh nướng trong lò, tôi thấy Mẫn mở cửa biến mình vào màn đêm. Thằng bé chỉ khoác vội chiếc áo mưa, bên trong phong phanh một bộ đồ ngủ và nó nắm chặt hộp quà trong tay. Mẫn băng qua cánh đồng cỏ sũng nước, trườn mình qua dãy hàng rào điện và tiến dần về phía nhà Kha. Căn nhà Kha kia rồi, Mẫn nhủ thầm. Nó nhón chân đi thật nhẹ đến trước cửa, nín thở mở cánh cửa lưới, đặt nhẹ hộp quà ngay ngưỡng cửa, rồi nhấn mạnh chuông. Và nhanh như một con sóc, Mẫn quay người, chạy phăng xuống những bậc thềm, cúi đầu, cắm cổ chạy biến vào màn đêm để không ai thấy nó. Bằng bất cứ giá nào Mẫn phải chạy khỏi khu đồng cỏ nhà Kha để không một ai biết nó lảng vảng trước nhà thằng bạn. Trong đầu óc của nó chỉ còn tiếng thúc dục chạy, chạy nhanh lên… Mẫn mải miết chạy băng qua cánh đồng và thình lình nó đâm người vào dãy hàng rào điện. Cường độ dòng điện đủ mạnh đẩy Mẫn bật ngược về phía sau, ghim cắm thân hình nó xuống mặt đất. Mẫn nằm chết cứng trên thảm cỏ ướt. Cả người Mẫn run lẩy bẩy và nó đang ôm lấy ngực, cong người để cố hớp lấy chút dưỡng khí. Nằm chết rũ một lúc khá lâu, Mẫn mới gắng gượng ngồi dậy, khuôn mặt nó vẫn còn tái mét vì sợ hãi, cố chống tay đứng lên và chậm chạp lê bước chân yếu ớt đi về nhà”. Bà mẹ đưa Mẫn vào nhà và tự hỏi tại sao một thằng bé hết lòng vì bạn, tìm cách san sẻ niềm vui Giáng sinh đến cho đứa bạn kém may mắn hơn, đúng như lời Chúa đã dạy là tay phải làm phúc không cho tay trái biết, mà lại lâm vào một tai nạn như vậy? Chúa có lầm không? Bà hầu như tuyệt vọng về ý nghĩa truyền thống về sự an hòa, và tình thương của lễ Giáng sinh. Sáng hôm sau, mưa tạnh và ánh nắng trở về chan hòa trên khắp vạn vật, Kha chạy sang nhà bạn khoe chiếc la bàn và kể lại câu chuyện bí ẩn đêm qua khi nó nghe tiếng chuông chạy ra mở cửa và thấy chiếc la bàn nó hằng mong ước nằm ngay trước cửa nhà. “Và tôi để ý thấy khi hai thằng bé khoe quà với nhau - gật đầu, ra hiệu, chuyện trò, Mẫn không còn nghiêng đầu về một bên nữa. Lúc Kha nói chuyện, hình như Mẫn đang nghe bằng tai trái, bên tai bị điếc. Vài tuần sau, cô y tá ở trường báo cho tôi một chuyện mà tôi đã biết trước là Mẫn đã nghe rõ bằng cả hai tai. Làm thế nào mà Mẫn nghe được bên tai trái vẫn là điều bí ẩn. Các bác sĩ cho rằng, khi Mẫn bị điện giật, cường độ của dòng điện đã khai thông hệ thống thính giác bị tắc nghẽn. Có thể lắm chứ! Nhưng cho dù giải thích thế nào đi nữa, tôi chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã trao đổi quà và tặng cho con tôi một món quà Giáng Sinh vô giá vào đêm hôm đó”.

Món quà Giáng sinh mà cậu học trò lớp năm Teddy tặng cô giáo Thompson là một chai nước hoa đã dùng gần hết và một chiếc vòng kim cương giả đã sút mất vài cục đá được gói trong miếng giấy gói hàng màu nâu xỉn được dùng lại. Trong truyện ngắn “Tình Thầy Trò” không thấy có tên tác giả, cậu bé Teddy Stoddard là một đứa trẻ nhếch nhác, quần áo dơ dáy bẩn thỉu và không hòa hợp được với bạn cùng lớp. Cô giáo lớp 5 Thompson phải nhận cậu bé vào lớp năm nay. Ngay ngày đầu của niên học mới, cô đã nói với cả lớp là cô sẽ thương yêu và đối xử đồng đều với mọi người. Nhưng trong thâm tâm cô biết cô không thể đối đãi với Teddy như những trò khác. Cô đã nhét hồ sơ của Teddy xuống cuối và không ngần ngại phê một chữ F đầy khinh thị trên bìa hồ sơ. Cuối cùng, cô cũng phải đọc tập hồ sơ chót này.  Những lời phê của những giáo viên đã dạy Teddy từ lớp một làm cô chú ý. “Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan. Em là niềm vui cho mọi người chung quanh”. Lên tới lớp hai. Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em đau nặng và cuộc sống trong gia đình thật sự gian nan. Lên tới lớp ba. Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh tới Teddy. Em đã cố gắng học nhưng cha em không để ý tới con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng tới em nếu em không được giúp đỡ ”. Lớp bốn. Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra không thích thú trong chuyện học hành. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp. Và bây giờ Teddy ngồi đó, trong lớp năm của cô. Cô Thompson hiểu ra vấn đề. Cô phải chú ý chăm sóc và khuyến khích, giúp đỡ đứa học trò tội nghiệp này. Gói quà Giáng sinh nhếch nhác Teddy mang tặng cô giáo làm cả lớp cười rộ lên khi cô giáo mở ra. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười như những lát dao châm chọc này bằng cách đeo chiếc vòng, khen đẹp và xức một chút nước hoa lên cổ. Khi tan học, Teddy đã nán lại chỉ để nói với cô Thompson : Hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa! Cô đã khóc vùi! Từ đó cô hay tới chỗ Teddy ngồi, cười khuyến khích em. Teddy như thêm nghị lực và hứng thú trong việc học. Cuối năm đó em đứng nhất lớp. Một năm sau, khi Teddy đã học với cô giáo khác, cô Thompson thấy có một mẩu giấy nhét qua cửa lớp cô : Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em. Sáu năm sau, cô nhận được một bức thư ngắn của Teddy cho biết cậu đã tốt nghiệp trung học đứng hạng ba và ‘Cô vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em’. Bốn năm sau nữa, lại một lá thư báo tin tuy hoàn cảnh rất chật vật nhưng Teddy cũng đã tốt nghiệp Đại học với hạng xuất sắc nhất và ‘Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời’. Bốn năm sau nữa, lại một bức thư báo tin đã đậu Tiến sĩ nhưng ‘Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em’. Dưới bức thư, cái tên đã dài hơn : Theodore F. Stoddard, Giáo Sư Tiến Sĩ. “Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường dành cho mẹ chú rể… Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: “Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ”. Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: “Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô gặp được em.”

Vậy ra tinh thần Giáng sinh tạo ra được nhiều điều vui ra phết. Đó là dịp con người trải lòng ra để giúp đỡ người khác hay ít ra cũng biết sống với tha nhân. Hình như đó cũng là điều mà đứa trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ muốn gửi đến như một thông điệp hồng cho loài người. Không biết có ai cảm thấy cõi lòng lâng lâng như tôi mỗi khi nghe những điệu nhạc thân quen trở lại với chúng ta khi ngoài trời những thân cây đã trụi lá giơ ra những cánh tay khẳng khiu như muốn vươn tới nắm tay nhau. Cái lạnh ngoài trời làm ấm thêm tình người bên ánh lửa sưởi trong đêm thánh. Vậy mà có những nơi trên đất nước thân yêu của chúng ta, Giáng sinh đã bị xua đuổi. Tác giả Phạm Ngọc Nhiệm đã kể lại một mùa giáng sinh tối tăm trong truyện ngắn “Một Kỷ Niệm Đặc Biệt về Lễ Giáng Sinh”. Truyện đã đoạt giải thưởng trong cuộc thi viết do tạp chí “Our Sunday Visitor” tổ chức vào năm 2008. Đây là một chuyện thật được kể trong 300 chữ là giới hạn của cuộc thi. Nguyên văn truyện như sau:

“Sau khi cánh cửa sắt của Nhà số 10  dành giam các Sĩ Quan cao cấp và bị coi là nguy hiểm của chế độ cũ  đã đóng lại và khóa cẩn thận, cha Ánh, cựu Trung Tá Giám Đốc Sở Tuyên Úy Công Giáo Quân Khu 2, Việt Nam Cộng Hòa, nói với tôi một cách bí mật, ngắn gọn : “Đêm nay chúng ta sẽ có một Lễ Giáng Sinh đặc biệt.” Tôi hỏi “Ở đâu ?”. Cha trả lời “Ở bên cạnh cầu tiêu, trong góc tối, chỗ nằm ngủ của mấy anh bạn : Thanh, Tâm, Vinh và Kính”. “Khi nào ?”, tôi hỏi vị Linh Mục già. Cha nói, “Sau cuộc họp thường lệ buổi tối”. Tôi không phải là người công giáo vào thời gian đó, nhưng với những nỗ lực lớn lao, Cha đã dần dần hướng dẫn tôi đến với Chúa Giêsu. Sau nhiều thử thách gian lao, khốn khổ, tôi đã hoàn toàn bị chinh phục bởi đức tin vào Chúa Giêsu, vị Cứu Tinh của những người cùng khổ như tôi lúc đó, kẻ đã bị giam cầm hơn 12 năm trời trong nhiều trại tù cải tạo, sau khi chính quyền nam Việt Nam bị sụp đổ vào năm 1975.

Trong góc tối của nhà giam số 10, cha Ánh đã tổ chức lễ mừng Chúa Giáng Sinh cho tôi cùng 4 anh bạn tù trong khung cảnh bí mật và đặc biệt tại nhà tù của cộng sản. Khi một người tù lần mò tìm lối vào cầu tiêu, tới gần thì một người trong bọn chúng tôi ra hiệu bằng cách hắng giọng để cùng nhau giả vờ lái sang câu chuyện lao động ngày hôm sau hay chuyến thăm nuôi sắp tới của gia đình. Khi yên lặng và an toàn đã trở lại, chúng tôi tiếp tục buổi lễ. Ngày nay, tôi đã là người công giáo, và tôi sẽ không bao giờ quên được câu chuyện đó”.

Lễ Giáng sinh chui bên cạnh cầu tiêu công cộng thối tha mà những người tù cải tạo cùng nhau dấm dúi dâng lễ, tôi nghĩ chắc Chúa rất vừa lòng. Nó tệ hơn cái máng cỏ nghèo hèn ở Bê Lem mà Chúa đã chọn khi ra đời. Chắc Chúa cũng tiếc lắm. Hai ngàn năm trước đâu có chỗ nào như chốn này để mà…giáng!

12/2009