Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

LÁI

Trên một chiếc xe đang chạy đố mọi người biết có bao nhiêu người lái xe? Thường thì là hai người. Giỡn hoài cha nội! Một ông chỉ tin vào mắt mình cãi lại. Vô lăng rõ ràng chỉ có một cái nhưng miệng thì người nào cũng có riêng một cái. Sao anh lại đi đường này? Đi đường mọi khi có phải nhanh hơn không?/ Anh làm ơn đi vào lane giữa đi. / Quẹo! Sao anh không quẹo?/ Sao tự nhiên anh lái chậm rì vậy? Mải nhìn con nhỏ bên chiếc xe đỏ kia phải không? Đàn ông trăm ông như một, thấy gái thì mắt cứ tít lại!/ Sao anh nhường cho xe đó vậy? À, thì ra một người đẹp lái!/ Sao anh phóng nhanh quá vậy? Đuổi theo con nhỏ tóc vàng trước mặt phải không?/ Anh làm ơn đi chậm lại dùm một chút được không? Nhà ở đường này đẹp quá! / Chạy nhanh dùm một chút, cứ ạch đụi như vậy thì đến nơi để dọn bàn cho người ta à?

Trên xe có hai người lái. Một người lái xe và một người lái tài xế! Đó là chuyện bình thường. Ta cũng vậy mà Mỹ cũng vậy. Nếu không tại sao Mỹ nó cũng có chữ backseat driver! Tài xế ghế sau! Trên máy bay thì lại khác, tùy theo kích cỡ lớn nhỏ mà có ít hay nhiều…tài xế. Tài xế máy bay là cách gọi lục tục của mấy ông bạn Không Quân của tôi. Chính thức thì phải gọi là phi công. Nghe…câng câng hơn. Chuyện! Một đằng phải cần có đường mới lái được, một đằng thì cứ phom phom đằng vân giá vũ, đằng nào hơn?

Phụ là để giúp chính, con nít cũng biết như vậy. Nhưng khi phụ đòi lấn lướt chính thì cái gì cũng có thể xảy ra. Ô tô cũng vậy mà máy bay cũng vậy. Một ông vốn là tài xế máy bay nhà binh hồi còn ở bên nhà, nay không còn máy bay, chỉ có mỗi cái xe hơi cà tàng để lái ở bên Cali, đã thổ lộ tấm lòng. Lái máy bay dễ hơn lái xe hơi toa ạ! Bây giờ moa lái cái xe…khốn lịn này cũng không yên. Bả ngồi bên cạnh cứ phán hết lệnh này đến lệnh khác. Một bữa moa bực mình, giữa xa lộ, moa ngừng lại, kèn xe tụi nó la inh ỏi, moa mời bả qua ngồi trước vô lăng, muốn làm vương làm tướng gì thì làm. Từ đó, moa giao quách cái vòng tròn tròn này cho bả là xong. Moa ngủ!

Chuyện trên máy bay thì lại khác. Không có cái vụ một người lái bằng tay, một người lái bằng miệng. Cả hai phải lái bằng cái đầu. Không vậy thì máu đổ thịt rơi. Như chuyến bay của một chiếc Boeing 737-400 của hãng Hàng Không Garuda Airline của Indonesia ngày 7 tháng ba vừa qua. Anh phi công chính có kinh nghiệm với 15 ngàn giờ bay trong khi anh phi công phụ mới chỉ có 2 ngàn giờ bay. Hai anh cãi nhau cật lực khi cho phi cơ đáp xuống tại phi trường Yogyakarta. Họ cãi nhau về góc độ của bộ phận cánh lái, về tốc độ của máy bay. Anh phụ bảo anh chính phải ngưng hạ cánh để điều chỉnh lại độ xuống của máy bay với đường phi đạo. Anh chính thì cho là mình tính đúng nên cứ hạ cánh. Anh phụ dùng dằng chưa mở kịp một số phần cánh để hạ tốc độ máy bay trên đường băng nên phi cơ lao tuốt qua ruộng lúa bên cạnh phi đạo và bốc cháy dữ dội. Kết quả có 21 hành khách tử nạn.

Chiếc máy bay Cessna do anh chàng Eric Johnson, 47 tuổi, lái không có phi công phụ, chỉ có cô con gái 8 tuổi của anh tên Emily ngồi chơi. Thế mà cũng tai nạn. Vì anh Eric lái với cái đầu sân si! Phi cơ vừa cất cánh là có vẻ như muốn hạ cánh liền. Đột nhiên, thân máy bay quay một góc 90 độ và nhào xuống ngôi nhà một tầng của bà Vivian Pace. Bà này là mẹ vợ cũ của anh phi công Eric. Vậy là anh Eric lái rất giỏi: phi cơ đã nhào xuống đúng mục tiêu là bà mẹ vợ cũ! Giới chức điều tra sơ khởi tai nạn đã kết luận anh Eric “hành động có chủ đích”. Không biết anh có lấy hứng từ vụ 911 không?

Phi công có nhiều cấp bậc. Mỗi lần đi máy bay, tôi thường nhìn phi hành đoàn. Thấy phi công mang nhiều vạch vàng trên tay áo là yên tâm. Càng nhiều vạch chứng tỏ càng nhiều kinh nghiệm. Không Quân Việt Nam chúng ta ngày trước thì cứ lon lá làm chuẩn. Mũ mãng thì trong khi các binh chủng khác chỉ có sĩ quan mới đội mũ cát két, binh chủng Không Quân thì cát két tuốt, dù chỉ là hạ sĩ quan. Dĩ nhiên mũ của các sĩ quan (tài xế máy bay bắt buộc phải là sĩ quan) có khác một điểm: vành dây phía trước mũ màu kim nhũ trong khi hạ sĩ quan là dây da đen. Trong một quán cà phê, một anh hạ sĩ Không Quân bốc phét với cô bồ về tài lái máy bay tưởng tượng của mình. Anh để chiếc mũ trên bàn. Cô bồ ngây thơ hỏi: “Sao em thấy mũ của các anh bàn bên kia có dây màu vàng, còn mũ của anh dây màu đen vậy?” Anh chàng nói phét nhanh trí chống chế ngay: “Tại vì các anh ấy bay ban ngày, còn anh bay ban đêm!”

Bay là bay, ngày hay đêm cũng rứa. Có lẽ các vị đội mũ cát két lái máy bay hào hoa phong nhã được các em mê như điếu đổ là những phi công đầu tiên người Việt. Ngành bay dân sự lúc đó người Việt chắc chưa được sờ tới tay lái. Phi công đầu tiên người Việt là ai, tôi cũng không biết chắc. Chỉ nhớ hình như là ông Đỗ Hữu Vị, một Đại Úy trong quân đội Pháp thì phải. Trong các ông phi công hào hoa sau này, có lẽ Đại Tá Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh là nổi nhất. Không phải nổi vì… nhan sắc và vóc dáng. Về điểm này tôi đã có dịp chứng nghiệm khi ông tới dậy học tại trường Chu Văn An, Sài Gòn. Ngày ông tới dậy, chúng tôi đã cố nghía cho được dung nhan của người hùng. Nhưng một ngày đẹp trời khá lâu sau đó, trên xe hơi của ông có…Phượng thì chúng tôi mới thật sự tụm năm tụm bẩy nhìn cho được một nhân vật tiểu thuyết bỗng bước ra ngoài đời đứng sát ngay bên cạnh mình. Chúng tôi cứ mặc nhiên cho cái cô Phượng, người em bé nhỏ của anh chàng phi công trong “Đời Phi Công”, chính là người thiếu phụ đi bên cạnh Toàn Phong. Người con gái mang tên Cung Thị Toan, ái nữ của nhà ái quốc Cung Đình Vận, người bị Việt Minh sát hại vào tháng 9 năm 1946, mới là…nhan sắc! Ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, vai mang ba bông mai bạc, nổi danh vì môn toán, chỉ thực sự làm chúng tôi mến mộ với cuốn “Đời Phi Công” đã gây nên trong mỗi chúng tôi giấc mộng bay trong không gian để gửi những tình thư về cho người em hậu phương hiền thục, trong trắng và xinh như mộng. Về sau, thiếu chi những bạn tôi đã gia nhập Không quân chỉ vì hình ảnh diễm mộng này. Con người không phải chim để muốn bay là cất cánh. Muốn bay phải học. Thời đó, khoảng năm 1952, những phi công đầu tiên người Việt trong quân lực Pháp đã học bay ở Marrakech, Ma Rốc. “Sang tới trường phi hành (école de pilotage) ở Marrakech chúng tôi được nhập chung với một nhóm khóa sinh, vừa sĩ quan, vừa dân chính được tuyển sang để theo học những lớp trở thành phi công sau này lái những phi cơ vận tải và khu trục quân đội Pháp sẽ chuyển giao lại. Trong số những sĩ quan chúng tôi gặp ở đây có những Thiếu Úy Nguyễn Cao Kỳ, Đinh Văn Chung và Phan Phụng Tiên ở khóa I Nam Định và những Thiếu Úy Huỳnh Hữu Hiền, Phạm Ngọc Sang, Trịnh Hảo Tâm, Huỳnh Minh Bôn, Võ Công Thống và Huỳnh Bá Tính ở Khóa I Thủ Đức. Sau chín tháng được huấn luyện bay trên cùng một loại phi cơ T6, hai nhóm chúng tôi lại chia tay. Nhóm của anh Nguyễn Cao Kỳ được chuyển đến căn cứ Avord, cách Paris về phía Nam chừng hai giờ đi xe lửa để học bay trời mù trên phi cơ hai động cơ Marcel Dassault 315 và sau đó còn đi Blida ở Algérie để được huấn luyện tác xạ. Còn chúng tôi nhận được giấy tới Salon de Provence để nhập học Khóa Sĩ Quan Không Quân 1953… Trước ngày khai trường tôi còn được nghỉ hai tháng hè nên lợi dụng thời gian này tôi tới Nice để học thi chứng chỉ Toán Vi Phân và Tích Phân mà tôi đã ghi tên học từ đầu năm ở Đại Học Marseille”. ( Mộng Viễn Phương, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh). Sau này, nhờ năng khiếu về toán, ông…bay tới địa vị một khoa học gia nổi tiếng về không gian.

Đó là khung cảnh học lái của những người lái máy bay được coi như đầu tiên của Việt Nam chúng ta, sau đó chúng ta đã có biết bao nhiêu người nối gót. Người trong hàng ngũ gần đây nhất tại Canada là một cô gái Việt rất trẻ, sanh năm 1983 tại Canada, tên Marie Hiền Nguyễn. Ngay từ hồi còn bé tí xíu, Hiền đã thích lái phi cơ. Không phải thứ cắc ké nhỏ xíu như Cessna đâu mà là thứ Boeing, Airbus to như những tòa nhà biết bay. Là con gái duy nhất trong một gia đình mà các anh trai chẳng có anh nào thích lái máy bay, Hiền đã không được mẹ chuẩn y cho đi học lái. Sau nhiều năm năn nỉ, tới năm 2003 cô mới có giấy phép của…mẹ! Cô gia nhập một trung tâm đào tạo phi hành gia của Québec ở Chicoutimi, một thành phố nhỏ nằm về phía đông bắc của thủ đô Québec. Trong kỳ thi tuyển nhập học, cô đã cùng 400 thí sinh dự thi viết, toán, kiến thức về hàng không. Chỉ có 100 người qua được cửa ải đầu tiên này. Sau kỳ khám sức khỏe, thử mắt, thi trong phòng máy, chỉ có 40 người được chấp thuận theo học. Cô là phụ nữ duy nhất được nhập khóa học này! Họ nhìn cô như một phụ nữ Việt Nam yếu đuối chọn nhầm nghề. Nhưng riêng cô, cô biết mình muốn gì, nên cô đã kiên nhẫn vượt qua ba năm học đầy gian lao và thử thách. Năm thứ nhất học lý thuyết và chịu sự huấn luyện gian khổ như trong quân đội: học giải quyết các tình huống rủi ro, bất ngờ trong khi bay. Năm thứ hai, Hiền được lái máy bay cỡ nhỏ, chỉ có 4 chỗ ngồi, bay trên bầu trời Montreal và Toronto. Mỗi sinh viên phải bay ít nhất 200 giờ. Lần đầu tiên được ngồi vào tay lái, tôi có cảm giác lâng lâng, thật kỳ lạ, như đại bàng một mình được xoải cánh trên bầu trời rộng mở, Hiền đã nói như vậy sau những giờ…trên mây. Năm thứ ba Hiền được lái máy bay lớn và học đối phó với những tình huống khẩn cấp, giông bão, sấm sét… Ngày Hiền tốt nghiệp là ngày cha mẹ cô được ngồi trên chiếc máy bay do chính cô lái. Và cô đã trở thành người nữ phi công gốc Việt đầu tiên tại tỉnh bang Québec chúng tôi! Bay trên trời nhưng Hiền vẫn giữ nguyên mình là một cô gái gốc Việt dưới đất. Cô biết nấu các món ăn thuần túy Việt như phở, bánh xèo, bánh cuốn, đàn dương cầm rất hay, đánh quần vợt và badminton rất giỏi!

Nói chuyện trên trời rồi cũng tới lúc phải xuống đất. Như bà Đại Tá phi hành gia Hoa Kỳ Lisa Nowak, 43 tuổi, người đã từng bay lên không gian trên phi thuyền con thoi Discovery hồi tháng 7 năm 2006. Chỉ ít tháng sau khi đã ở trên…trời, bà đã gây dư luận dưới đất. Bà lập thành tích…lái bằng cách lái xe trên ngàn cây số từ Houston, Texas tới Orlando, Florida, không ngừng nghỉ. Làm chi mà bà Đại Tá này lái xe liền tù tì đến như vậy? Bà ghen cho một mối tình tay ba của các phi hành gia mà bà ở vào vị trí người thứ ba! Chuyện ghen tuông thì phải vội nhưng bà Đại Tá này vội quá đáng. Bà đã mang tã để khỏi phải tốp xe dọc đường làm màn giải thủy mất thời giờ.

Phi hành gia có khác, thận tốt thật! Tôi lái xe chẳng được như vậy. Vài tiếng là phải tắp vào trạm xăng. Xe thì đổ xăng, tài xế thì tháo xăng. Lại còn cái vụ làm ít phút la xiết cho tỉnh táo. Buồn ngủ trong khi lái xe không khá được. Cách đây 7 năm, vào tháng tư năm 2000, ông Tom Callaghy, 55 tuổi, lái xe từ Virginia về Pennsylvania. Bà vợ tên Jane ngồi ngủ bên cạnh. Trời mùa đông, lạnh và buồn. Ông Tom thấy buồn ngủ. Ông mở lớn radio, quay cửa kính xuống với hy vọng hết buồn ngủ. Vậy mà không hết. Ông định kêu vợ dậy để đổi người lái nhưng chưa kịp kêu thì ông ngủ lúc nào chẳng biết. Chiếc xe húc vào một gốc cây lớn. Bà vợ ngồi bên chết ngay. Ông chỉ bị thương nhẹ. Nhưng vết thương lòng của ông chẳng bao giờ hết. Ông ân hận suốt đời vì đã gây nên cái chết của vợ!

Tổ chức The National Sleep Foundation của Hoa Kỳ, năm 2005, đã làm một cuộc điều tra về ngủ trong lúc lái xe. Kết quả: 60% tài xế thú nhận hay lim dim trước tay lái, 37% cho biết đã ngủ gục trên xe! Theo Bác Sĩ Mark Mahowald, Giám Đốc Cơ Quan Minnesota Regional Sleep Disorders Center đồng thời là Giáo sư môn thần kinh học của trường Đại Học Minnesota, thì con người có hai giai đoạn buồn ngủ: giai đoạn chính từ 12 giờ đêm tới 6 giờ sáng và giai đoạn thứ hai từ trưa đến giữa chiều. Thường thì khi cảm thấy buồn ngủ, tài xế tin rằng mình có thể thoát ra khỏi cơn mê này bằng cách nghe nhạc, lau mặt, ăn kẹo chẳng hạn. Nhưng họ đã lầm. Khi thiếp vào cơn mê thì chỉ một phần trí não còn tỉnh táo, các phần khác đã…phẹc mê bu tích! Anh Nate Pickett, 23 tuổi, cầy hai job. Vào lúc 2 giờ trưa, anh lái xe từ thành phố Tooele ở Utah để đi cầy job thứ hai. Anh cảm thấy buồn ngủ, định ghé lại bên đường nằm nhắm mắt một chút. Nhưng anh nấn ná cho tới khi nghe thấy tiếng bánh xe chạm vào hàng đinh trên xa lộ. Anh chợt tỉnh, đạp thắng, ghì tay lái nhưng tất cả đã quá muộn. Chiếc xe văng ra khỏi xa lộ, lộn 5 vòng trước khi…hạ cánh xuống bên lề đường! May mà anh chỉ bị thương nặng chứ chưa toi mạng.

Ngủ trong khi lái xe là chuyện xảy ra lia chia. Có 24% tai nạn xe cộ là do buồn ngủ mà xảy ra. Ngày nay, các hãng chế tạo xe hơi đã cho gắn vào các loại xe lớn như xe SUV một bộ phận báo động buồn ngủ tên Auto Value Lane Departure Warning, viết tắt là LDW. Hệ thống báo động này gồm một máy thu hình và một computer phát ra tiếng kêu khi bánh xe cán đinh ngăn giữa các lane xe chạy.

Bạn có cần chiếc máy này không? Tôi nghĩ là tôi rất cần. Cứ trưa trưa lái xe là đôi mắt hết muốn mở. Nhiều người vừa lái xe vừa làm nhiều trò cho tỉnh ngủ. Tôi thì rống lên hát mặc dù biết giọng mình chẳng nên hát hò gì cả!

Nhưng không buồn ngủ mà làm nhiều trò trong lúc lái xe lại là chuyện khác. Chính những trò này cũng gây nên tai nạn xe hơi. Phổ thông nhất là trò vừa nói điện thoại cầm tay vừa lái. Đây là mối nguy thời đại vì các tài xế, nhất là những tay lái trẻ, coi đây như một cái mốt để chứng tỏ mình là người bận rộn, quan trọng hoặc chỉ để lấy le với đào. Say mê nghe nhạc, uốn éo thân mình, quên hết xe cộ chung quanh cũng là một bệnh thời đại. Trên xa lộ, tôi đã nhiều lần thấy những ông lái xe đi làm buổi sáng, mắt nhắm mắt mở để cuốn sổ tay trên tay lái vừa lái vừa đọc như trong thư viện! Cũng sáng sáng đi làm, nhiều nữ nhân vừa lái vừa tô son đánh phấn hoặc ăn sáng trên xe đầy đủ cà phê cà pháo, bánh mì bánh ngọt ngon lành! Hai tay thanh tra tán gẫu với nhau:

“Mấy bà lái xe thiệt ẩu, chẳng bao giờ chú ý vào tay lái cả!”

“Đúng vậy! Hôm qua tớ vượt một cô nàng chạy nhanh tới 80 cây số/giờ, thấy cô ta đang tô son môi qua gương chiếu hậu. Cảnh đó làm tớ giật mình đến nỗi suýt đánh rơi chiếc máy cạo râu vào tách cà phê!”

Tiến thêm một bước, lái xe mà bù khú với nhau thì hết thuốc chữa. Vậy mà tại Nga, rất nhiều người vừa lái xe vừa sex! Nhưng ngang nhiên ngừng xe giữa xa lộ đông đúc xe chạy tại Do Thái để tù ti với nhau như một cặp tình nhân đã làm vào ngày 18 tháng 2 vừa qua thì hết thuốc chữa. Hai người dừng xe, hành sự, khiến các xe chạy sau phải đổi lane để chạy tiếp. Dĩ nhiên là các xe khác chạy qua rất chậm vì các tài xế còn mải xem…xi nê làm rối loạn lưu thông. Cảnh sát tới mà cặp tình nhân vẫn cứ nhắm mắt du dương tự nhiên. Họ nhận giấy phạt. Bản tin không ghi giá tiền phạt nhưng tội này thì phạt bao nhiêu mới xứng?

Làm tình trên xe? Không sao, nếu xe không chạy. Như trên những bãi chiếu bóng chẳng hạn. Nơi đây, khán giả cứ yên vị trong xe, cũng có màn hình lớn, chiếu phim đàng hoàng, nhưng chỉ có chiếc xe coi phim, người trong xe thì…đóng phim! Tất nhiên không có tai nạn hoặc nếu có thì là thứ tai nạn…ăn theo chỉ thực sự xảy ra 9 tháng 10 ngày sau. Lái liếc gì đâu mà tai nạn! Nói chuyện lái mà lang bang sang tới chuyện không lái. Lạc đề đứt đuôi con nòng nọc là cái chắc! Viết chi nữa!

04/2007