Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

MŨI

Mũi chiếm vị trí trung tâm của khuôn mặt. Đó là cái mặt tiền ai nhìn vào cũng thấy trừ chính chủ nhân của chiếc mũi! Muốn nhìn được mũi mình thì phải nhờ tới cái gương soi. Vì là mặt tiền nên ai cũng muốn mũi bắt mắt người đối diện. Khổ nỗi là hóa công không đồng đều khi cho con người cái mũi. Có cái trông bắt mắt, có cái trông…rớt mắt! Mũi lõ, mũi hếch, mũi sư tử, mũi cà chua, mũi khoặm, mũi nhòm mồm, mũi ống khói, mũi ếch, mũi gỗ…Mỗi mũi phá khuôn mặt một vẻ. Duy có mũi dọc dừa là thuộc vào loại mũi ngon lành. Nó làm chết mê chết mệt đôi mắt.

Sắm chi sóng mũi dọc dừa 
Để tôi chợt té trên bờ môi em 
Đọng nơi tiềm ức trăm năm 
Màu môi em tím dấu buồn tịch liêu 
(Quan Dương)

Như vậy phải chăng mũi dùng để ngắm? Không phải, mũi dùng để đeo kính! Không có mũi thì mắt chịu mù. Chỗ đâu mà gác gọng kính! Sóng mũi, thứ mà ông Quan Dương vô ý trợt té, thì đúng là dùng để đeo kính, còn lỗ mũi thì dùng để ngửi. Lỗ mũi không có nắp đậy nên mùi vị ra vào thong thả, muốn ngăn cũng chẳng được. Bởi vậy nên có hai cái lỗ mũi nhiều khi cũng là cái tội. Tội cho thân mà cũng tội cho…lính cứu hỏa. Đầu đuôi câu chuyện nó như thế này. Bà Nancy Nguyễn có một ngôi trường thẩm mỹ mang tên Redondo Beach Beauty College tọa lạc tại Redondo Beach ở Cali. Chiều ngày 17 tháng 11 năm 2006 bà thấy cảnh sát và lính cứu hỏa ò e mang tới 2 xe cảnh sát và một xe chữa lửa trong tình trạng khẩn cấp, đỗ xịch trước trường. Họ nhào xuống làm việc. Trông họ rất hoảng hốt. Họ đi dò tìm mùi ga bị xì . Mùi ga rất nặng nên họ ước đoán là xì nặng như vậy bình ga sẽ phải nổ. Họ di tản tất cả mọi người ra khỏi trường. Họ dò theo các đường dẫn ga để tìm chỗ xì. Không thấy cái chỗ hở quái ác ấy đâu cả. Cuối cùng, một lính cứu hỏa mới tìm ra được chỗ phát ra cái mùi nguy hiểm này. Đó là trong thùng rác! Mở thùng rác ra họ thấy một đống…vỏ sầu riêng! Hóa ra cái mùi quốc hồn quốc túy mà dân Việt chúng ta ngửi thấy là hớn hở chạy tới. Nếu sắc mùi vui như vậy thì ai lại đi a lô 911? Đó là cô gái quê mùa không biết giá trị của cái mùi thơm tho đó: cô gái người Mexico tên Carmen Garcia. Cảnh sát bèn điều tra hỏi xem cái thứ sần sùi gai góc này là trái chi chi. Một cô Mít quýnh quáng diễn nghĩa đó là trái…Sad Alone!

Một thứ có cái mùi đôi khi tương tự như mùi…Sad Alone này được cũng được sản xuất lia chia. Vậy nên thông thường tác giả của mùi vị thường đi ra xa để…set alone. Nhưng nếu lỡ không giữ được tác phẩm một cách riêng tư thì gây ra rất nhiều chuyện dở khóc dở cười, nhiều khi mất bồ mất bịch, mất chị mất em, tạo ra một tình trạng ngờ vực lẫn nhau rất khó giải tỏa.

Tình trạng này là một tình trạng đã được toàn cầu hóa. Nghĩa là con dân nước nào, màu sắc ra sao, bất kể giàu nghèo, không phân biệt nam nữ, già trẻ lớn bé đều có thể là tác giả của những tác phẩm không hình dáng, không sắc màu mà chỉ có mùi vị này. Nó phát xuất từ một địa điểm rất xa lỗ mũi nhưng đường xa hóa thành gần, nó vụt nhanh bằng tốc độ của ánh sáng để xâm nhập một cách sỗ sàng vào chỗ dùng để ngửi của chúng ta. Cái thứ chuyên đánh du kích này là thứ gì vậy?. Đó là cái thứ làm một người lỡ bụng đỏ mặt và quần chúng chung quanh bịt mũi này từ nay sẽ không tự tung tự tác được nữa. Hãng Mỹ Under-Tec (Kỹ Thuật Vùng Dưới?) vừa tung ra sản phẩm quần lót Under-Ease (Dễ Chịu Vùng Dưới?) để chống lại thứ hương gây ngạt mũi này không cho lan tỏa ra cho quần chúng thưởng thức được. Loại quần lót này được gắn một bộ phận lọc có than chì và dùng loại vải kín có thể co giãn xung quanh cạp quần và bắp đùi để…nhốt gió một cách toàn hảo. Tuy có bộ lọc nhưng loại quần này mặc rất thoải mái, dùng được khi di chuyển, lúc ngồi làm, đi du lịch và ngay cả khi ngủ trên giường. Nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cứ tự do tác xạ một cách âm thầm bằng súng hãm thanh mà không bị phát giác bởi hàng xóm. Ông chủ hãng kiêm tác giả của chiếc quần lót… lịch sự này, Buck Weimer, đã hãnh diện quảng cáo: “Under Ease là loại quần lót bảo vệ chống lại những mùi khó chịu của con người. Chúng tôi thường có những câu chuyện đùa thú vị nhưng trong trường hợp này chúng tôi không hề nghi ngờ về sự nghiêm túc của sản phẩm này. Chúng sẽ được sử dụng đúng mục đích!” Bạn nào thuộc loại hay tác xạ không…mục đích muốn an toàn trên xa lộ có thể vào website www.under-tec.com để tậu vật phòng thân. Giá từ 24 đến 30 đô một chiếc.

Cơ thể chúng ta là một nhà máy sản xuất ra mùi. Ngoài cái thứ đi từ trong ra ngoài như cái thứ phải cần tới loại quần lót Under-Ease, cơ thể còn tự phát ra các thứ khó ngửi từ các vùng khuất lấp mà nách là quán quân sản xuất ra cái mùi đặc trưng này. Nói là đặc trưng bởi vì cái mùi này nó biến hóa lạ lùng. Cùng chính là nó mà có người thấy không chịu được, nhưng cũng có người nghiện hít thở. Tại sao lại yêu ghét bất phân minh như vậy? Đó là vì chúng ta đã đặt tình cảm vào lỗ mũi. Nếu nó phát ra từ người ta thương ta quý thì rất chi là mê ly. Như vợ nặng mùi mà chồng nhớ khi đi xa, như chồng nặng mùi mà vợ giữ chiếc áo không giặt để…ngửi dần. Như người ông yêu cháu nên mỗi khi đi xa lại thủ theo cái quần đái dầm hôi khai của cháu để trên đầu giường mới yên giấc được. Cái loại mũi thiên vị này các cụ xưa đã đưa ra định luật chính xác như một định luật toán học: “ C… ai vừa mũi người đó!”

Nhân vật Philippe trong tiểu thuyết “Mẫu Thượng Ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh đã bắt được cái mùi yêu dấu nơi Mùi, người vợ Việt Nam vừa mới cưới. “Trên giường ngủ, Philippe rất hãnh diện khoe rằng hắn đã học tập được nhiều cung cách Á Đông. Nhất là sử dụng khứu giác…Thứ giác quan nguyên thủy ấy đã từng bị những thứ như nước hoa, dầu xức của văn minh làm thui chột, cùn nhụt đi, nay bỗng được hương vị tự nhiên trên da thịt Mùi làm cho sống lại. Qua đi lại với Mùi, dần dần hắn phân biệt được nhiều điều rất tinh vi. Philippe đầu tiên nhắm mắt lại để khoan khoái hít hà tiếp nhận cái mùi hăng hắc ngầy ngậy từ trên người Mùi tỏa ra. Da thịt Mùi thì thơm. Mớ tóc dài thì ngan ngát hắc. Hố nách Mùi thì ngầy ngậy. Vú của Mùi lại thơm và ngọt. Bụng của Mùi là tổng hợp những mùi vị đó, thêm vào cái ngái ngái nồng nàn, mời gọi âu yếm. Hắn lim dim mắt để cái ngai ngái ấy bò dần trong mũi, kích thích những vùng não bộ tối mò nhất trong hắn, gọi chúng thức dậy.”

Mùi vấn vương trong vật dụng còn phải nói tới cái thứ mùi…chuột chết phát ra từ những chiếc tất dùng lâu ngày không giặt. Công dụng của những chiếc tất mùi vị này là dùng để đánh thức kẻ ngủ mê. Giấc điệp có sâu nồng tới đâu, cứ phe phẩy tất trước mũi thì cam đoan nạn nhân sẽ chồm dậy tức thời. Nghe đâu các nhà khoa học đang tính tới việc dùng tất để đánh thức những người bị hôn mê trong phòng hồi sinh! Một số nhà khoa học khác thuộc lãnh vực vải vóc lại hại các nhà khoa học thuộc lãnh vực y tế này bằng cách triệt tiêu những mùi vị trong vải vóc, nhất là sợi vải may tất. Đó là nhà khoa học John Pierce, thuộc Đại Học Philadelphia, Hoa Kỳ. Thường thì vải trong thị trường hiện nay được ướp thơm trong lúc sản xuất bằng cách gài những viên nhộng chứa hương thơm trên những sợi chỉ sau khi đã được dệt thành vải. Điều bất tiện của phương cách này là những viên nhộng thường bị bể trước khi sản phẩm được đưa lên giá bày hàng và bể thêm nữa khi chúng ta mang quần áo, khăn tất về nhà. Kết quả là mùi thơm không giữ được lâu dài khi chúng ta sử dụng trang phục. Nỗ lực của giáo sư John Pierce và các cộng sự viên là tạo ra được thứ sợi dệt giữ được hương thơm vĩnh viễn để không bao giờ có những tấm áo manh quần hay những chiếc khăn, đôi tất bốc mùi. Họ nghĩ tới giải pháp ướp hương thơm vào sợi vải ngay khi được sản xuất. Sợi chỉ vải sẽ là lõi chứa các tuyến mùi. Như vậy dù có giặt sợi chỉ vẫn giữ được mùi thơm, đánh bạt các thứ hôi hám đi. Theo kỹ sư Cheryl Gomes của công ty kỹ thuật và công nghệ Foster Miller ở Mỹ thì họ đã tạo ra được một trăm chiếc khăn có mùi cam và oải hương lâu bền.

Mùi trong mỗi chúng ta là một thứ… hương gây mùi nhớ rất đặc trưng. Nó là một thứ body-made riêng biệt ít lẫn lộn được với mùi của người khác. Không tin cứ hỏi những chú thính mũi như loài chó chẳng hạn là biết liền. Cho những chú khuyển mà chúng ta nuôi trong nhà hay những chú loại chuyên nghiệp như chó cảnh sát chẳng hạn ngửi một vật dụng chúng ta đã dùng trên người rồi sai đi tìm chủ nhân của thứ mùi đó, chúng tìm ra ngay một cách dễ dàng. Hoặc là hỏi những bé sơ sinh đã bén mùi mẹ xem chúng có nhầm được hơi mẹ với hơi bà hàng xóm không. Không bao giờ có sự nhầm lẫn.

Bằng vào những nhận xét trên, các nhà khoa học tìm hiểu mùi của cơ thể của chúng ta riêng tư như thế nào. Nhà nghiên cứu Dustin Penn ở thủ đô Vienna của Áo đã tìm hiểu các mẫu mùi hôi ở nách, nước tiểu và nước miếng của 197 người trưởng thành. Mỗi người được lấy mẫu 5 lần trong vòng 10 tuần lễ. Sau đó họ chiết tách ra hàng ngàn hóa chất dễ bay hơi từ các mẫu này và nhận diện chúng bằng phương pháp ghi sắc và phép đo phổ. Hỗn hợp mùi cơ thể của mỗi người thay đổi theo thời gian nhưng các nhà nghiên cứu tìm thấy gần 400 hợp chất thường có trong mồ hôi trong các thời điểm khác nhau. So sánh sự có mặt hay không có mặt của 400 hợp chất này giữa bất cứ hai người khác nhau nào, nghiên cứu cho thấy có thể phân biệt được rất rõ người này với người kia dù rằng trong trường hợp cả hai người có họ hàng với nhau hoặc sống chung trong một mái nhà. Cái thứ nghiên cứu lẩm cẩm này có đẻ ra được những kết luận ích lợi nào không? Có chứ! Nếu tất cả con người trên hành tinh này đều có một thứ…hương vị riêng thì chúng ta có thể nhận diện được từng người giống như hiện nay người ta nhận diện được mỗi người bằng dấu vân tay. Tới lúc đó anh chàng mũi lên…mặt phải biết!

Mồ hôi là thứ…hôi hám, báu chi! Mồ hôi có nhiều…giai cấp. Ăn no vác nặng, mồ hôi dầu! Đó là thứ mồ hôi lao động cật lực. Ngửi chỉ thấy toàn mùi…cholesterol! Giai cấp quí tộc thì không có mồ hôi. Làm chi đâu mà có cái thứ biểu tượng của sức lực này! Nhưng cũng có lúc phải có chứ. Không có mồ hôi đâu phải là người! Giường chiếu có chăn êm nệm ấm thì mồ hôi vẫn cứ vã ra như thường. Thứ mồ hôi này, các nhà khoa học bảo là thứ đồng dạng với mùi tiết ra của chuột và một số loài côn trùng! Chúng có đặc tính là gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý của phe khác giới. Đó là kết luận một nghiên cứu của Giáo sư Claire Wyart thuộc Đại Học Berkeley, California. Ông lưu ý tới chất androstadienone trong mồ hôi đàn ông, chất có thể gây ra việc thay đổi tâm trạng, kích thích hưng phấn tình dục, đẩy mạnh chức năng sinh lý và kích hoạt não của phụ nữ. Thí nghiệm với 21 người, ông cho họ lần lượt ngửi androstadienone và một thứ men có mùi tương tự, mỗi thứ 20 lần. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đo các tín hiệu sinh lý như thân nhiệt, độ dẫn của da, nhịp đập ở tai, huyết áp, nhịp tim và nhịp hô hấp. Đồng thời họ cũng kiểm nghiệm sự kích thích tình dục và tâm trạng bằng cách đo hàm lượng hormone cortisol liên quan đến tâm trạng và sự hưng phấn trong mẫu nước miếng. Kết quả là khi ngửi mùi…đàn ông, các bà có sự kích thích tâm trạng và hưng phấn tình dục cao hơn, huyết áp, nhịp tim và hơi thở cũng tăng nhiều hơn hẳn khi được ngửi mùi men. Tạo hóa gây chi cuộc…hý trường. Dĩ nhiên là phải như vậy rồi. Cần chi phải nghiên với cứu. Hỏi con chuột nó cũng biết!

Con chuột nó biết thì đúng là cái chắc. Bởi vì tài ngửi của con người đứng hạng bét trong các loài động vật, dù là loài động vật cấp thấp. Đó là bản năng kiếm ăn, phát giác nguy hiểm, định vị được địch thủ của chúng. Nơi con người, vùng ngửi rất nhỏ, chỉ bằng kích thước một con tem, màu vàng, rất ẩm ướt và có nhiều chất nhờn béo. Vùng này nằm ở nóc của mỗi ổ mũi, ngay sau khoảng cách giữa hai mắt và có chừng 100 triệu tế bào thần kinh để ngửi. Trên đầu tế bào ngửi có nhiều sợi lông nhô ra khỏi lớp nhờn, tiếp xúc với không khí ra vào mũi và tiếp nhận mùi của sự vật. Lỗ mũi chỉ có thể tiếp nhận một lượng nhỏ không khí nên khi muốn ngửi cho kỹ một vật thể, người ta thường khịt khịt lỗ mũi để tiếp nạp thêm không khí. Như khi chúng ta…đánh hơi để ngửi cho kỹ một mùi rượu chẳng hạn. Nhà thơ thì hay tinh nghịch. Như ông Quan Dương chẳng hạn. Muốn ngửi hương người yêu, ông…leo trèo.

Trèo vô hốc mũi tôi tìm 
hương xưa còn đọng u niềm trong em? 
Thế gian đầy bụi hồng trần 
né sao tránh khỏi hít vương ít nhiều

Cái ông hiếu động này trèo vào hốc mũi nào? Phải hay trái? Thì cũng rứa! Rứa sao được! Nếu giống nhau thì việc chi phải tạo ra hai lỗ mũi làm chi cho phí…thịt? Hai cái lỗ này trông thì không có gì khác biệt nhưng thực ra chúng rất khác biệt nhau. Lỗ mũi phải ngửi thiếu chính xác hơn lỗ mũi trái. Khi ngửi rượu, nhất là những…hít nhân nhà nghề chuyên môn nếm rượu, thì thẩm định bằng lỗ mũi trái ngửi được mùi đúng với thực tế hơn khi ngửi bằng lỗ mũi phải. Bởi vì lỗ mũi phải bị chi phối bằng đại não phải và ngược lại. Mà bán cầu não phải điều khiển cảm tính nên lỗ mũi chịu sự pha trộn sắc thái cảm tính trong khi lỗ mũi bên trái bị chi phối bởi bán cầu não trái sẽ nghiêng theo lý tính và thực tế.

Sự hít thở của hai lỗ mũi cũng có ảnh hưởng khác nhau đến trạng thái của con người. Khi hít thở bằng lỗ mũi phải, đại não dễ hưng phấn và thần kinh ở vào trạng thái hồi hộp hơn. Còn hít thở bằng lỗ mũi trái khi con người ở trong trạng thái nhẹ nhàng và bình tĩnh.

Hai lỗ mũi luân lưu giúp đỡ cho nhau trong hít thở, cái mà y học gọi là tuần hoàn mũi. Chúng cứ luân phiên làm việc giúp cho con người cảm thấy quân bình cho sức khỏe. Chẳng hạn như khi cơ thể cảm thấy hồi hộp, hụt hẫng, lập tức lỗ mũi trái sẽ ra quân để giúp cho cơ thể trở lại trạng thái nhẹ nhàng, thanh thản.

Hai lỗ mũi hóa ra không phải chỉ tạo sự cân cái cho khuôn mặt mà chúng thực sự cần thiết cho cơ thể. Họa sĩ Thái Tuấn hình như không cần biết điều này. Khuôn mặt thì cần gì mũi! Hầu hết các thiếu nữ trong tranh Thái Tuấn đều không có mũi. Cái tài tình trong nét vẽ của ông là không vẽ mũi nhưng người xem không cảm thấy khuôn mặt người đẹp trong tranh thiếu mũi. Người đẹp không mũi vẫn cứ đẹp như thường! Mấy ngày nay tôi ngồi giở tập tranh anh Thái Tuấn đã gửi tặng từ những ngày anh còn ngụ cư ở Orleans, gần thủ đô Paris của Pháp, để chọn một bức làm bìa cho cuốn Phiếm 4 sắp sửa đưa đi in, tôi đã tìm ra được một bức rất…phiếm! Đó là bức mà anh đặt tên là “Hóa Thân” vẽ một người cầm một đóa hoa đưa lên ngửi. Vậy mà người này cũng không có mũi. Cuộc đời nó hề như vậy sao anh Thái Tuấn? Năm nay anh đã cửu tuần mà tâm hồn anh còn…phiếm như vậy sao? Hay đó là cảm nhận đích thực của anh sau từng ấy năm nhọc nhằn với cuộc sống?

Cuộc sống vốn là một trò hề. Ít nhất tôi đã một lần thấy như vậy trong cuộc biến động miền Trung năm 1966. Mới đây, đọc hồi ký của ông Võ Long Triều trên Người Việt Online, tôi đã ghi được đoạn nói về cuộc biến động này. Nó có liên quan tới cái mũi!

“Tình thế mỗi ngày một xấu đi, tín đồ Phật Giáo biểu tình liên tục. Từ Saigon lan ra Đà Nẵng, Huế. Cường độ chống chính phủ ngày càng tăng. Tình hình chính trị ở miền Trung trở nên nguy hiểm. Tướng Nguyễn Chánh Thi, tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật hình như làm ngơ, không bày tỏ một thái độ nào để giải quyết tình hình. Thái độ và hành động của Tướng Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I buộc chính phủ phải thay thế ông, nhưng nếu bứt sợi dây Nguyễn Chánh Thi sợ động khu rừng miền Trung đang cháy lớn. Vì vậy, Chủ Tịch Ủy ban Hành Pháp Trung Ương phải đánh lừa Tướng Thi bằng cách mời ông về Saigon họp Ủy ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất, Đại Tá Loan chờ sẵn và thông báo quyết định của chính phủ đưa ông đi Mỹ tị nạn với lý do là để chữa bệnh. Giấy thông hành và chiếu khán nhập cảnh có sẵn. Ông phải lựa chọn hoặc đi Mỹ hoặc vào quân lao. Dĩ nhiên ông chọn biệt xứ còn hơn đi tù. Trong khi chờ đợi và thương lượng tại phòng khách danh dự, báo chí hỏi ông đi Mỹ chữa căn bệnh gì? Ông trả lời một cách mỉa mai là “bệnh thúi mũi”!”

02/2007