Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

TIM

Tim là một cơ phận nằm sâu trong lồng ngực, thường thì chỉ có bác sĩ giải phẫu mới lôi ra ngoài được, nhưng lại là thứ được người ta lôi ra ngoài lia chia để chứng tỏ tấm lòng của mình, tuy lòng là một thứ nằm tuốt bên dưới không được thanh nhã như tim. Bởi vì được bày hàng lung tung chỗ này chỗ khác nên tim là thứ hay bị bỏ quên nhất. Chỗ để người ta bỏ quên con tim thường là cặp mắt, nụ cười, hột nốt ruồi duyên, đồng tiền trên má..v..v.. Toàn những thứ nhỏ hơn con tim cả! Kể từ ngày ông nhạc sĩ Đức Huy bỏ quên con tim ở kinh thành ánh sáng Paris thì tim mới tìm được chỗ rộng rãi hơn để bị bỏ quên. Và có lẽ vì có chỗ rộng rãi nên cũng kể từ ngày đó tim bị bỏ quên nhiều hơn. Không bỏ quên người ta cũng cứ ong ỏng hát lên là đã bỏ quên. Vì đó là thời thượng. Không biết bỏ quên là quê một cục!

Nhưng trầm trọng hơn là tim…vỡ. Nghe thì có vẻ…bế mạc cuộc đời nhưng từ ngày T.T.Kh vỡ tim đến nay, cũng đã già nửa thế kỷ, những người vỡ tim vẫn cứ thổn thức:

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, 
Thở dài trong lúc thấy tôi vui. 
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ, 
Anh sợ tình ta cũng thế thôi.

Bỏ quên con tim hay tim vỡ đều là những thứ lẩm cẩm của những người đang yêu. Yêu dính vào với trái tim. Để gửi một thông điệp tình yêu, người ta chỉ cần vẽ một con tim, thế là hiểu nhau liền tức khắc. Để chấp nhận một tình yêu, người ta trao cho quả tim, tuy người được trao cùng lắm chỉ sờ được cái bao che trái tim. Để báo một tin vui hai trái tim từ nay gắn bó với nhau, người ta vẽ tùm lum đủ loại trái tim cách điệu trên tấm thiệp báo hỷ. Và người ta có riêng hẳn một ngày trong năm, ngày Valentine, để có dịp vẽ trái tim thả cửa trên mọi xó xỉnh.

Ai nghĩ ra trò cột cái cục thịt bằng nắm tay lúc nào cũng nhúc nhích này vào với thứ chẳng ai thấy được là tình yêu? Không ai rõ được dung nhan của cái người nhiều tưởng tượng này nhưng người ta tin rằng sự liên kết giữa trái tim và tình yêu chỉ bắt đầu từ thời Trung Cổ khi các nhà thơ thi vị hóa con tim bằng tình yêu. Trước đó trái tim được nối kết vào những thứ cao hơn nhiều. Thời cổ Ai Cập người ta tin rằng thần Ptah đã thai nghén thế giới trong trái tim trước khi tạo dựng ra bằng lời phán. Trái tim là cái lõi của đời sống, ý chí và thông minh. Sách sử thời đó còn được ghi lại những câu như: “ Trái tim là suối nguồn của mọi trí tuệ” hoặc “Những gì tay làm, nơi nào chân dẫn chúng ta tới, làm sao mọi phần trong cơ thể chúng ta chuyển động – tất cả do lệnh của trái tim”. Trái tim thời đó đóng vai trò của trí não ngày nay. Nó là…kinh đô của các bậc thần linh trong tôn giáo. Trong Kinh Thánh trái tim là nhân cách nội tại: “Thiên Chúa nhìn sự vật không giống như con ngưòi; bởi vì con người nhìn vào cái vẻ bên ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn vào trái tim” ( Samuel 16:7 ). Ấn Giáo nhắc đi nhắc lại trái tim là nơi trú ngụ của Atman. Hồi Giáo cho trái tim là chỗ xác thịt của tinh thần và suy tưởng.

Ngày nay yêu nhau thì cứ phải có tí ti tim. Chứ chẳng lẽ chỉ yêu ở đầu môi chót lưỡi? Nghĩ ra thì cũng hợp lý. Trái tim là cơ phận đầu tiên được hình thành trong bụng mẹ và cũng là cơ phận chỉ ngừng hoạt động khi cơ thể chết. Thế nên “yêu bằng cả trái tim” là yêu ra rít không để đâu cho hết. Nếu tính tình yêu theo nhịp đập của con tim thì hết xảy! Trong 24 tiếng đồng hồ, tim đập gần 100 ngàn nhịp, bơm 2000 gallon máu giầu oxy đi khắp 96 ngàn cây số các mạch máu liên kết tế bào của các cơ quan nội tạng và bộ phận của cơ thể. Cứ nhân lên với một tháng, một năm, mười năm, một đời người thì tình yêu cứ thủ thỉ nhắc đi nhắc lại biết bao nhiêu lần?

mỗi nhánh chữ đều có tôi phục kích 
nằm lăm le tình mộng trong tim 
em lấp ló, tức thì tôi nhận diện 
yêu hay không chuyện của trái tim 
( Lê Hân )

Chuyện của trái tim thì nhiều lắm. Cứ như lẽ thông thường, yêu nhau xuôi rót thì hai trái tim bận so nhịp nên chẳng thèm biết đến ai, nhưng khi hai trái tim lệch nhịp nhau, tình yêu bị bệnh, trái tim…không ngủ yên, thì người ta la làng lên. Nói cho vui vậy thôi chứ sức đâu mà la. Khi đã dính bệnh thì mình chẳng là mình nữa, ngơ ngơ ngáo ngáo, râu ria phát khiếp, ra đường chẳng nhìn thấy thế nhân, chẳng la người ta cũng biết bệnh! Đó là tâm bệnh. Bệnh của những người yêu nhau và của các ông bà thi sĩ. Gió mưa là bệnh của trời / Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Còn bệnh tim là một thực thể khác kém thơ mộng hơn nhiều, chẳng dính dáng gì tới mưa với nắng cả.

Chắc ai cũng biết phóng viên truyền hình Larry King nổi tiếng của đài tin tức CNN. Ông…trời con này là đất lành cho bệnh tim đậu. Này nhé: ông hít 3 bao thuốc mỗi ngày; bị bệnh mạch vành; ăn rất ít rau nhưng nhiều thịt và chất béo; có bố chết sớm vì bệnh tim. Đó là…tình hình sinh hoạt của ông cách đây 17 năm. Ông cứ tỉnh bơ sống như vậy cho tới một đêm ông bị đau nhức vai phải và cảm thấy như kiệt sức. Trên đường tới bệnh viện, ông thần này vẫn cố hút một điếu thuốc, và khi cơn đau đã được các bác sĩ chữa cho hơi giảm bớt, ông đòi về. Nếu ông về thì đài CNN chẳng còn ông tới ngày nay! May mà ông cũng biết sợ và nghe lời bác sĩ ở lại bệnh viện, con tim bệnh hoạn của ông qua được cơn hiểm nghèo. Có điều từ ngày đó ông phải dùng tim nhân tạo và thay đổi cách sinh hoạt!

Ai cũng có thể bị những cơn đau tim không hẹn mà tới. Nó như anh Thần Chết. Rất bất lịch sự, tới là tới ngay cửa nhà, chẳng có phôn phiếc hò hẹn gì cả. Dấu hiệu đau như Larry King đã trải qua, nhiều người cảm thấy nhưng cho qua, nghĩ là nó tự đến rồi hết, có chi mà thắc mắc. Vậy khi có những triệu chứng như: đau ngực hoặc tức ngực; khó chịu ở phần trên (một bên cánh tay, lưng, cổ , hàm, dạ dày); thở gấp; toát mồ hôi lạnh; buồn nôn; đột nhiên mệt mỏi khác thường dù không thiếu ngủ, thì hãy đi check ngay. Với một phần ba số người bị đau tim, triệu chứng đầu tiên cũng là cuối cùng, và một nửa trong số họ bái bai cuộc đời khi chưa kịp tới bệnh viện! Trên thế giới có 1 tỷ người mắc bệnh tim, có bạn trong con số khá lớn này không? Ai mà biết được! Trái tim của chúng ta tự nó không thấy đau bao giờ bởi vì nó không có bộ phận chuyên biệt cho cảm giác đau. Nó đau nhờ ở những chỗ khác! Thế mới rắc rối tơ vò! Khi tim có vấn đề, các dây thần kinh nối với tim cũng mất ổn định.

Khi đi tới cột sống, chúng có thể làm chạm mạch các các dây thần kinh khác như dây nối tới tay hay ngực chẳng hạn. Vì vậy chúng ta sẽ cảm thấy đau ở tay ngực, hay hàm hay bất kỳ nơi nào khác ngoài tim. Não cũng tham gia bằng cách kích thích thần kinh phế vị làm chúng ta đau bụng hay đổ mồ hôi lạnh. Nhưng nếu các dây thần kinh không chạm nhau thì chẳng có chuyện gì xảy ra, chẳng đau đớn chi ở bất cứ đâu trong khi tim vẫn bệnh! Thế mới phiền phức. Vậy thì chúng ta phải làm sao? Nếu chúng ta ở trong trường hợp của ông Larry King nói trên, nghĩa là có rất nhiều…triển vọng đau tim, thì tốt nhất là nên đi khám bác sĩ thường xuyên và chắc chắn sẽ được khuyên thay đổi lối sống. Nhiều người ngại đi tới các quan tu bíp. Kể cũng ngại thật!

Một cô bé đi khám bác sĩ về tâm sự với mẹ: “ Ông bác sĩ này vô tâm quá mẹ ạ! Ai đời đi khám bệnh mà quên mang theo ống nghe. Thế là ông ấy phải áp sát tai vào ngực con để nghe tim!”. Bà mẹ giật mình, nhìn con dò xét, phán: “ May cho mày là nó không để quên kim chích ở nhà đấy!”

Con đi khám bệnh mà mẹ đau tim! Nói đau tim là nói chung chung. Tim có nhiều thứ trong đó, cấu trúc rất phức tạp. Nào là cơ tim, van tim. Nào là mạch máu nuôi dưỡng tim, thần kinh tim. Cảm giác đau ở vùng ngực cũng rất chung chung. Có thể đau nơi các cơ ở ngoài lồng ngực, đau các xương sườn hay cũng có khi đau các cơ và thần kinh liên sườn, màng phổi, cơ tim, các mạch máu lớn. Muốn biết chính xác phải được chẩn bệnh cụ thể, chụp tia X, đo tâm điện và các xét nghiệm khác.

Tim rất…thần kỳ! Khi hoạt động trơn tru, tim là một cỗ máy phi thường bơm máu tới từng ngõ ngách nhỏ hẹp trong cơ thể. Bạn thử xòe bàn tay ra rồi nắm lại liên tục khoảng 60 tới 70 lần trong một phút. Tim cũng co bóp như vậy. Và không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời bạn! Máu được tim bơm tới não thì chúng ta suy nghĩ được, tới cơ bắp thì chúng ta có thể xách đồ cho người đẹp được, tới chú nhỏ thì chú nhỏ có thể giương buồm ra khơi cho biết mặt trùng dương! Tim lại còn biết lượng định chỗ nào đang cần nhiều máu thì bơm máu ồ ạt tới chỗ đó, thường thì 5 lít máu mỗi phút nhưng khi cần thì tăng tốc tới 20 lít mỗi phút. Hệ tuần hoàn được ví như một hệ thống hỏa xa, trái tim là sân ga chính, nơi tất cả các chuyến tàu đều phải ghé qua. Động mạch, tĩnh mạch là các đường ray xe lửa đưa tàu đi khắp hệ thống cơ thể, giúp máu là hành khách đi tới bất cứ ngõ ngách nào. Chỗ nào cần nhiều máu thì toa xe sẽ chở đầy nhóc hành khách tới. Chỗ nào sinh hoạt bình thường thì toa xe sẽ có số hành khách lưa thưa hơn. Nếu đường ray bị hư hỏng một chỗ nào hoặc có những chướng ngại vật cản tàu đi qua, hành khách không tới được nơi hẹn sẽ sốt ruột chửi thề inh ỏi. Nếu tàu bị ngừng lại quá lâu, gây cản trở lưu thông, một số sân ga sẽ ngừng hoạt động và dần dần ảnh hưởng sẽ tràn lan sang các sân ga kế cận. Thế là…bệnh. Không thông không chữa, cả hệ thống hỏa xa sẽ bị tê liệt. Có khi dẫn tới phá sản. Máu không lưu thông được, cơ thể sẽ…chuyển sang từ trần!

Những ai hay bị bệnh tim? Đó là những người ăn uống ẩu tả không chịu kiêng cữ, không tập luyện thể dục thể thao hay những người hút thuốc. Vì vậy nam giới có khả năng bị bệnh tim lớn hơn nữ giới. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh tim: dùng thuốc, phẫu thuật, ghép tim và thay tim nhân tạo. Ca phẫu thuật ghép tim đầu tiên được thực hiện bởi một bác sĩ Nam Phi tên Christian Barnard vào năm 1967. Theo như báo cáo của Cơ Quan Y Tế Thế Giới WHO năm 2004 thì bệnh tim là bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm tỷ lệ 30%!

Bệnh nhân tim mạch nam thường thắc mắc: chăn gối có cần kiêng cữ không ta? Thắc mắc này khá phổ biến vì chúng ta vẫn thường được dậy dỗ là ba bát cơm mới được một giọt máu, ba bát máu mới được một giọt tinh, vậy thì chăn gối là một việc rất tốn…cơm! Bệnh tật thì kham chi nổi. Một ông bạn tôi bị té gãy chân, bác sĩ bảo là tạm thời nên ngưng việc âu yếm vợ. Ông vốn là người cẩn thận nên ngưng ngay. Một năm sau, chân đã lành từ lâu tuy vẫn còn khập khiễng chút đỉnh, không thấy ông bác sĩ bảo ban gì, ông thu hết can đảm hỏi là bây giờ ông hành sự việc nam nhi được chưa? Bác sĩ giơ tay ngạc nhiên: vậy là hơn năm nay ông vẫn kiêng cữ sao? Ông gật đầu. Bác sĩ chỉ biết lắc đầu. Có cái chân mà còn vậy, quả tim thì biết sao? Phát ngôn viên hội Tim Mạch Anh đưa ra khuyến cáo: “ Có nhiều bằng chứng cho thấy luyện tập đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của bệnh nhân tim mạch và quan hệ tình dục là một cách luyện tập tốt.” Vậy là yên chí lớn. Cứ luyện tập! Nhưng cũng nên tự lượng sức. Lượng như thế nào? Nếu bạn đi bộ trên một đoạn đường bằng phẳng dài 270 thước mà không thấy đau ngực hoặc khó thở thì có thể…luyện tập được!

Ông Gérard Langevin ở thành phố Montréal chúng tôi thì chẳng bao giờ đau ngực cả. Ngay cả nhịp đập của con tim ông cũng chẳng có! Chẳng là ông đang mang tim nhân tạo. Thay tim là một phương cách để chữa những người bị đau tim có con tim đáng phế thải. Thường thì người ta phải chờ có người cho tim thì mới thay. Mà người hiến tim thì đâu có nhiều. Trên toàn Canada chỉ thay tim được cho khoảng 200 người mỗi năm và tỉnh bang Québec chúng tôi chỉ có khoảng từ 30 đến 40 bệnh nhân nhận được tim mới mỗi năm. Thay tim rồi lại còn phải dùng thuốc chống phản ứng rất tốn kém. Chi bằng chế ra tim nhân tạo. Một máy tim nhân tạo mới có tên HeartMate II vừa được nhà chế tạo Thoratec hoàn tất và đang trong vòng thí nghiệm tại một số bệnh viện chọn lọc ở Canada và Mỹ. Tháng 12 năm 2006, ông Langevin là người Canada đầu tiên được mang tim nhân tạo mới HeartMate II trị giá 100 ngàn đô này. Sở dĩ ông không có nhịp tim là vì máy hoạt động bằng cách liên tục chuyển máu đi thay vì bơm máu như tim thường. Máy được đeo trên dây lưng chỉ lớn bằng cỡ một cục pin loại D, được nối vào mạch máu chính, chạy bằng hai cục pin trong 8 tiếng. Ông Langevin luôn có 6 cục pin dự trữ trong người và những pin này đều có thể sạc lại được. Cả cơ quan Y Tế Canada lẫn cơ quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ đều chưa công nhận máy HeartMate II này. Có lẽ họ phải chờ coi hiệu quả của máy trong vòng 2 năm nữa. Tuy nhiên giới khoa học rất hoan nghênh. Bác sĩ Nadia Giannetti của Đại Học McGill cho biết: “ Đây là một thành quả lớn. Chúng tôi chờ đợi chiếc máy này từ lâu lắm rồi!”. Ông Langevin thì mừng quá đỗi. Mọi người tưởng ông không qua khỏi mùa Giáng Sinh 2006, vậy mà nay ông khoan khoái cho biết: “Tôi cảm thấy là một con người hoàn toàn mới. Thật ra, tôi thấy mình như chỉ mới 3 tháng tuổi!” Ba tháng là thời gian ông đeo máy HeartMate II.

Tim là một thứ dễ nhức nhối. Anh bị bồ bỏ, em bị kép cho de, tim nào chẳng mang thương tích. Rồi cuộc sống có vạn chuyện buồn cũng làm méo mó con tim. Viện Đại Học London ở Anh vừa làm một cuộc khảo sát trên 8000 người và tìm ra là những người có cảm giác bị đối xử bất công trong gia đình cũng như ngoài xã hội có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn 55% so với những người không có cảm giác trên. Theo các nhà khoa học, cảm giác bất công tạo ra những xúc cảm tiêu cực có thể dẫn đến những thay đổi về hóa sinh trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ bị bệnh tim. Chúng ta có một trường hợp cụ thể: Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền, Tổng Giám Mục Giáo Phận Huế. Sau năm 1975, Ngài nổi tiếng là người chống đối chính quyền Cộng sản. Ngài là Giám Mục duy nhất đã phạt treo chén không cho thi hành nhiệm vụ một linh mục trong giáo phận vì linh mục này đã tích cực hoạt động cho nhà nước. Đường lối cứng rắn của Ngài khiến Ngài thường xuyên được công an canh chừng nghiêm ngặt. Ngài không được tham dự các phiên họp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, không được đi triều kiến Giáo Hoàng tại La Mã, không được ra khỏi thành phố Huế mà không có phép. Nhà cầm quyền Cộng sản đã gây khó dễ tối đa cho vị chủ chăn này. Công An thành phố Huế nhiều lần triệu tập Ngài tới Sở Công An và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh để “làm việc”. Mỗi lần như vậy có khi kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, mỗi ngày từ sáng đến chiều, buổi trưa được về ăn cơm rồi trở lại. Mục đích của họ là khủng bố tinh thần, làm cho con người mệt mỏi, khiếp sợ và khuất phục. Ngài bị đau tim vào năm 1983. Lần “làm việc” sau cùng của ngài tại trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh vào cuối năm 1987, đầu năm 1988 kéo dài liên tục trong 3 tháng cho tới một bữa Ngài bị mệt, công an cho mời bác sĩ tới tận nơi khám. Huyết áp của ngài lên quá cao họ mới chịu phép cho Ngài về nghỉ. Tháng 5 năm 1988, Ngài được đưa vào Sài gòn chữa bệnh và Ngài đã qua đời vào ngày 8 tháng 6 năm 1988 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc đó Ngài được 77 tuổi.

Loanh quanh với chuyện tim bị bệnh, chán chết. Con tim trong đôi mắt nhân gian là biểu tượng của tình yêu. Mọi loại tình yêu. Để lại tình yêu là để lại con tim. Pháp sư Viên Chiếu, trụ trì chùa Pháp Hoa, núi Quan Âm, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, rất thương yêu các đệ tử và chúng sinh của Ngài. Tháng 6 năm 1994, khi Ngài 93 tuổi, vị sư nữ này, trong một buổi giảng kinh tối, đã nói với mọi người: “ Ta sẽ để lại trái tim ta cho chúng sinh”. Sau đó Ngài ngồi kiết già và viên tịch. Theo đúng pháp quy của nhà chùa, các đệ tử đặt nhục thể của Ngài trên một phiến đá xanh, xếp củi chung quanh và hỏa hóa. Lửa cháy sáng suốt một ngày một đêm. Trong đống tro nguội sau đó, các đệ tử thu được trên 100 viên xá lợi to nhỏ khác nhau. Điều kỳ diệu hơn cả là trái tim của Ngài không hề bị thiêu cháy. Sau khi ngọn lửa tắt, trái tim vẫn còn mềm, nóng, sau đó mới nguội dần và cứng lại, biến thành một viên xá lợi lớn màu nâu thẫm. Khoảng 100 đệ tử có mặt trong lễ hỏa táng đã tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ lùng đó. Chùa Pháp Hoa đã cung thỉnh trái tim xá lợi của Ngài về Hội Phật Giáo tỉnh Thiểm Tây.

Ông bạn tôi, nhà thơ Đức Phổ, cũng có một trái tim biết yêu. Tình yêu của ông nhỏ hơn. Trái tim của ông cam chịu hơn.

Em trói tim ta 
trong lọn tóc xinh 
ta cựa quậy 
chỉ đụng nhằm hạnh phúc. 
Không do dự 
cũng không hề toan tính 
tuồng yêu mê 
đã nhốt cuộc ta rồi.

Tội nghiệp cho trái tim của nhà thơ. Hết bị trói lại bị nhốt. Vậy mà cũng hạnh phúc!

08/2007