Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

TÁN

Mùa xuân năm 1958, sau một thời gian tán bằng những lá thư qua lại giữa Sài Gòn và Huế, nhà thơ Trần Dạ Từ đáp tầu hỏa ra Huế để lần đầu tiên gặp Nhã Ca, lúc đó chưa là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà chỉ là một độc giả yêu thơ Trần Dạ Từ. Và có lẽ, yêu người thơ nữa, mặc dù lúc đó chỉ là một ngưòi tình…không chân dung. Trần Dạ Từ đã tán như thế nào? Nhưng khoan đã, chúng ta thử nhảy qua bên…đàng gái để xem tim cô nữ sinh xứ Huế Trần Thị Thu Vân đập ra làm sao. “Coi chừng. Tới giờ. Đó. Tiếng còi tầu. Con bé thật ngố. Đã biết trước, chờ sẵn, vậy mà vẫn giật mình, làm gẫy mất một bông thược dược. Tầu hỏa đang hú còi vào ga. Ghê quá. Anh ta tới rồi đấy. Tầu từ Đà Nẵng ra đúng sáng mồng một tết. Còn phải tìm đường, tìm nhà. Trước sau một giờ trưa, sẽ đi qua cổng. Bẩy giờ tối sẽ tới, sẽ gặp. Thư cuối năm, anh ta báo trước vậy. Buổi trưa, bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh ta. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh ta? Anh ta vậy hả? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh ta đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát. Tối đến. Con bé ra sao hỉ? Không nhớ. Bước vào nhà, chưa mời, anh ta đã ngồi. Ba đang loay hoay vặn cái radio bóng đèn tổ bố, đầy tiếng kêu rồ rồ. Anh ta vậy. Ông anh lớn trong nhà nhăn mặt bỏ sang phòng bên. Con bé ú ớ. Những lá thư xuôi ngược cả năm Huế-Sàigòn-Huế. Những bài thơ tình đầu. Anh ta ngồi đó. Ốm nhom. Mặt rỗ. Giọng Bắc kỳ dấm dẳng như ông thánh ông tướng. Được gì nhỉ? Cái miệng. May quá, anh ta còn biết cười.”

Đó là hồi hộp phía Huế. Phía Sài gòn, tán tỉnh ra sao? Chúng ta đọc tiếp bài “Mồng Một Tết, 1958” do chính Nhã Ca kể lại.

“ Đi dạo với anh một lát nhé. Được chứ?”

Anh ta nói khi đứng ở cổng.

“ Anh ra trước. Rẽ trái. Đợi ở góc đường.”

Con bé khoác cái áo vét nỉ màu vàng, buộc tóc. Có chút mưa bụi lất phất. Sợ cả tiếng guốc mình lê trên lề đường. Run dữ. Rứa mà dám đi với anh ta ra đường.

Một ngã ba.

“ Cái gì đây?”

“ Cây sầu đông.”

Không biết nói gì, anh con trai cứ dựa vào cây để học hỏi về…thực vật học. Hết cây này tới cây khác. Rồi hỏi về tên đường. Cuối cùng, thu hết can đảm, hẹn gặp lại trưa ngày hôm sau.

“ Ở mô?”

“ Anh ở khách sạn Đồng Lợi. Số 47, đường Gia Long, trên lầu, phòng số 4.”

Khách sạn? Con bé mà dám leo lên một khách sạn giữa thành phố Huế. Có mà muốn tự tử.

“ Anh chờ sẵn ở dưới. Trưa mai. Tới nhé.”

Con bé làm thinh.

“ Tùy em. Anh sẽ chờ từ một giờ trưa. Nếu em không đến, sáu giờ chiều có chuyến tầu rời Huế. Chúng ta sẽ không gặp nhau nữa. Lạnh rồi. Em vào đi. Từ biệt”.

Xong một cuộc tán. May nhờ có đoạn cuối hơi có ý nghĩa. Nếu không thì cây cỏ cũng mắc cở vì không làm xong được nhiệm vụ đưa đường. Chắc cũng nhờ vớt vát được tí chút ở đoạn cuối nên mới có đoạn thơ sau của Trần Dạ Từ.

Lần đầu ta ghé môi hôn 
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang 
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng 
Nghìn cây phượng vỹ huy hoàng trổ bông 
Trên môi ta, vạn đóa hồng 
Hôn em trời đất một lòng chứa chan 
Tiếng cười đâu đó ròn tan 
Nụ hôn ngày đó miên man một đời

Vậy là cũng nên chuyện. Chuyện vợ chồng. Bền chặt cho tới ngày hôm nay.

Thuở chúng tôi tới tuổi biết yêu, chuyện tán tỉnh lơ mơ lắm. Kết nhan sắc của một giai nhân, muốn thân cận, chẳng biết làm gì hơn là lượn xe đạp qua nhà người đẹp. Sáng, trưa, chiều, tối. Nhìn được mặt là sung sướng rồi. Nếu chẳng may không nhìn được mặt thì nhìn cái cổng cũng an bụng ra về được. Có tiến xa hơn được là nhờ trời. Trời không cho nàng có được một đứa em hay vẩn vơ chơi trên lề đường trước cửa, hay một ông anh tình cờ học chung trường chung lớp với kẻ si tình, hoặc nàng không chung lớp với cô em gái ở nhà, thì “mối tình” mười phần chắc tới chín phần bế mạc!

Tới tuổi cảm thấy cô đơn mà chưa có đối tượng thì làm một màn đứng chờ trước cửa các trường nữ. Trưng Vương. Gia Long. Marie Curie. Regina Pacis. Đứng như vậy có rất nhiều bạn không quen biết đứng chung. Cũng đỡ run nhưng lại nhiều đối thủ. Chấm được một nàng, đạp xe theo, thỉnh thoảng vượt lên, thoáng nhìn qua, mồm miệng tới khi đó nhất định không chịu…lao động. Nàng cười một phát thì đời nở hương. Nàng nghiêm mặt thì mưa gió âm u. Nếu còn tiếp tục lẵng nhẵng thì hội phụ nữ liên đới gồm các bạn nàng sẽ đan xe đạp chèn ép có khi bể đầu sứt trán. Cuộc “làm đuôi” sẽ kết thúc. Phần bại nghiêng về phía kẻ tình si.

Ít có anh chàng si tình nào bạo mồm bạo miệng như ông Luân Hoán. Ông ấy hỏi lia chia.

này em tóc kẹp đuôi gà 
đạp xe thong thả gặp ta mỗi ngày 
em làm gì hết hôm nay? 
giảng đường? thư viện? bóng cây? hiên nhà? 
em thay áo? tắm? ngắm hoa? 
em ăn me? ổi? thanh trà? hay dâu? 
soi gương lặng lẽ cúi đầu? 
mân mê mằn chí? lầu bầu mắng em? 
hay là mê mải ngồi xem 
chàng Vi Tiểu Bảo ẵm thêm ả nào? 
khóc cùng nhân vật Quỳnh Dao? 
cười vui theo chuyện tào lao bạn bè? 
say sưa, nũng nịu ngồi nghe 
kép em hí hố ngồi khoe khoang mình?

Tán gái kiểu theo đuôi xe đạp như vậy không phải là một kiểu tán đáng được đưa vào sách giáo khoa bộ môn…tán tỉnh. Nó vừa có vẻ ngây ngô vừa thiếu hiệu quả mà còn mang lại nhiều thương tích. Nhưng thời chúng tôi mà dám đạp xe theo mấy em cũng đã được bạn bè phong là can đảm rồi. Thường thì yêu chỉ để ở trong lòng, hẹn mai này, khi công thành danh toại, sẽ tìm cách đón nàng về dinh. Nhưng thuở xa xưa đó không phải là không có những anh hùng xuất chúng. Tán tỉnh một cách bạo dạn. Mồm miệng không có khẩu trang. Tía lia hót hươu hót vượn. Bạn bè tôi cũng có những…anh kiệt như vậy. Đó là những người được lũ cù lần chúng tôi thán phục. Có anh cũng đã gây ra được những liều thuốc chuột, những vết cắt tay, hoặc thậm chí những vụ phá thai nữa. Anh hùng hào kiệt thời nào mà chẳng có, nhưng đó là những tinh hoa rất hiếm hoi. Đám đông chúng tôi vẫn như những chú ngỗng đực chẳng nên cơm cháo gì. Cho tới bây giờ, nhìn lại, vẫn còn có thể đỏ mặt được.

Tiếc rằng thời đó chuyện tình của hai nhà văn Túy Hồng và Thanh Nam chưa được phổ biến rộng rãi. Nếu có, chúng tôi đã có một bài học nhãn tiền về chuyên đề “đánh mau đánh mạnh”. Hai nhà văn này xáp vào nhau một cách chóng vánh, gọn gàng. Không hiểu họ có mất thời giờ tán tỉnh nhau không. Tôi e chưa kịp tán đã thành…hôn! “ Tháng chạp năm 1966, tôi gặp Thanh Nam lần đầu và lấy chàng ngay trong ngày cuối tháng đó thì Thanh Nam đã là một lực sĩ đuối sức trên hai vòng đua tình và tiền. Khi một phụ nữ gặp gã đàn ông chưa quá vài lần mà đã ngủ với hắn ngay và lấy hắn làm chồng liền, đó là hỏa hoạn của tình dục, của hoang dâm bấy lâu đè nén đã thừa cơ bật dậy. Những cuộc hôn nhân vội vã như thế này thường xuyên có thể đưa đến đổ vỡ, nhưng Thanh Nam và tôi lì lợm chung sống với nhau hoài bên bầy con bốn đứa.” (Túy Hồng, Nghìn Trùng Thanh Nam, Thế Kỷ 21 số 218, tháng 6/2007).

Thời thế đổi thay, mỗi ngày mỗi tiến bộ. Tán tỉnh cũng tiến bộ. Cái thứ ú a ú ớ mồm miệng như bị thóc, gan mật như thỏ đế như lũ chúng tôi hồi đó đã bị đào thải. Giả thử cỡ tôi sống vào thời buổi bây giờ, tán tỉnh lơ phơ như vậy chắc suốt đời không kiếm được người đàn bà trong đời mình. Vậy thì tôi biết gì chuyện tán tỉnh yêu đương nhau bây giờ mà nói! Quả có vậy. Tôi đành dựa vào thống kê mà nói. Theo một cuộc thăm dò có 4001 chàng trai trả lời do báo mạng VnExpress ở Việt Nam tổ chức vào đầu năm 2006 thì đối tượng tán tỉnh ngày nay là những cô gái gợi cảm. Có tới 24,5% người trả lời đồng ý như vậy. Thế nào là gợi cảm? Anh Trung, một chuyên gia máy tính thẳng thắn phát biểu: “ Phụ nữ đẹp, trước hết phải sexy. Đàn ông tụi tôi luôn ngưỡng mộ các đường cong vì đó là sự khác biệt lớn nhất giữa nam và nữ. Những cô gái, những thiếu phụ có khuôn ngực nảy nở luôn làm tôi hoa mắt, chóng mặt”. Có thế thật chăng? Vậy nếu tôi tán tỉnh vào thời nay thì tôi tán nhầm đối tượng mất. Thời chúng tôi, duyên dáng và hiền dịu mới là cái làm chúng tôi…hoa mắt! Cũng may, duyên dáng và hiền dịu vẫn có chỗ đứng trong thang bậc những đối tượng đáng tán tỉnh với 20,2% cho hiền dịu và 21,2% cho duyên dáng. Anh Ngọc Hưng, một giáo viên cấp 3, đã cho điểm hiền dịu: “ Sự hiền dịu của phụ nữ làm mềm trái tim đàn ông”. Ông Quang, một kỹ sư, lại kết sự duyên dáng: “ Xét theo nét thì bà nhà tôi không đẹp, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ bị nàng cuốn hút đến tận bây giờ; chắc đó là cái mà các cụ gọi là duyên”. Duyên là cái chi chi? Người thì gán cho cái hũm trên má, người thì gán cho cái nốt ruồi xinh xinh. Duyên thường không cụ thể như vậy. Nó mông lung nhưng hấp dẫn. Các cụ thì phán: Vô duyên chưa nói đã cười / Có duyên hỏi chín mười lời không thưa.

Đứng về phía bên kia sân cỏ, phụ nữ thích cỡ đàn ông nào tán tỉnh? Đẹp trai không được nhiều điểm. Thời chúng tôi cũng vậy, nhan sắc bậc nam nhi đứng sau sự trì chí tán tỉnh. Đẹp trai không bằng chai mặt! Sự thành đạt mới là mục tiêu nhắm tới của các nàng. Trong một cuộc thăm dò song song với cuộc thăm dò phái nam, cũng của tờ báo mạng VnExpress, đã có 28,9% trong số 3550 các cô tham gia đồng ý như vậy. Nàng Hương, nhân viên ngân hàng luận như sau về sự thành đạt: “Không phải là tôi tham tiền, nhưng sự thành đạt mang lại cho nam giới một tác phong rất đường hoàng đĩnh đạc, rất đàn ông, rất đẹp. Mà họ thành đạt chứng tỏ họ tài giỏi. Gái ham tài mà!” Đàn ông con trai phải có những nét đẹp nào? Không phải là đẹp trai đâu. Bô trai đâu có mài ra mà ăn được! Các nàng bây giờ tìm chỗ dựa nơi những chàng có các tính cách như sự điềm đạm (21%), tính hài hước (16), lòng nhân hậu (13%). Cô sinh viên Thu Hương của Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Viện Đại Học Hà Nội, diễn tả: “ Vẻ đẹp của người đàn ông không phải ở dáng người cao ráo hay cái mũi thẳng, cặp mày rậm, mà ở tính cách của anh ta. Nhiều người đàn ông vóc dáng bé nhỏ nhưng tính cách rộng rãi, độ lượng nên tôi thấy họ rất đẹp”. Chỉ có 13% để ý tới vẻ đẹp bên ngoài của phái nam. Nhưng không phải cái đẹp kiểu tu mi nam tử xưa rích xưa rang đâu, mà là cái đẹp nằm trong sự cường tráng. Cô sinh viên Thu Hương kết luận: “ Đàn ông mạnh mẽ hay không là ở trái tim, không nhất thiết phải nhìn vào cơ bắp của anh ta”.

Tán tỉnh kiểu Trần Dạ Từ - Nhã Ca đã bị bỏ xa rồi. Ngày nay tán tỉnh nó gấp rút, nhanh lẹ và chớp nhoáng hơn nhiều. Nhà văn Võ Phiến là người rất tinh mắt. Ông đã thấy loại ái tình này từ lâu: trước khi Thanh Nam Túy Hồng vồ vập nhau lận! Trong một bài viết trên tạp chí Bách Khoa số 211 & 212, tháng 10/1965, bài “Cách Yêu Mỗi Thời”, ông đã vạch mặt chỉ tên thứ tán tỉnh vũ bão: “ Yêu lối James Bond là bất thần vồ chớp nhoáng người con gái nào ở ngay tầm tay mình, không tỉ tê, không tâm sự gì hết, cứ đè xuống làm ái tình thật hung tợn, rồi bỏ đi tỉnh bơ; thế là người con gái kia đâm mê tít. Trong lối yêu đương ấy, giá trị người đàn bà chỉ còn là một thể xác, một phương tiện cung ứng khoái lạc. Còn người đàn ông, còn James Bond? Thì anh ta cũng không còn là một “nhân vị” trọn vẹn nữa, bất quá chỉ là một đối tượng để đàn bà chọn lựa, anh ta là một thứ máy yêu hảo hạng, xài tốt hơn các máy yêu khác, thế thôi”.

Có quá lắm không? Cái kiểu tán tỉnh bằng thân xác như vậy e rằng đã đi quá đà, chỉ thấy trên màn ảnh hay trong một phần nhỏ con người sống trong xã hội phương Tây. Phần lớn nam thanh nữ tú vẫn điềm đạm hơn nhiều. Họ cũng vẫn mở miệng trước khi mở áo quần người khác giống. Có điều họ không mở miệng trước mặt nhau mà trước cái ống liên hợp vô tri vô giác. Điện thoại, ngoài cái công dụng nhãn tiền là giúp những người ở xa nhau dễ nói chuyện với nhau, còn giúp hai kẻ khác phái tán tỉnh nhau mà không đỏ mặt bối rối. Thời thanh xuân của tôi, điện thoại đã có nhưng chưa phổ biến tới mức đi đâu cũng có cái điện thoại dính vào người như bây giờ. Các chuyên gia tâm lý khuyên các chàng trai trẻ một vài điều hữu ích khi dùng điện thoại. Không nên tán bằng điện thoại vì ít kết quả. Hãy dùng điện thoại để hẹn hò. Và chỉ tán khi ngồi trước mặt nhau. Tuy nhiên khi hẹn bằng điện thoại thì minh bạch ngay địa điểm và thời gian dứt khoát. Đừng kéo dài cuộc điện đàm. Cố tạo ra một cuộc đối thoại thật tươi vui và ngắn gọn. Làm sao khi dứt vẫn để lại trong lòng nàng chút vấn vương nghĩ ngợi.

Có xin nhau một nụ cười 
Qua đường điện thoại tiếng rồi cúp ngang 
Phố đêm đêm vẫn đèn vàng 
Nhìn nhau cột điện hai hàng trông sao. 
( Nguyễn Nam An )

Ngày nay điện thoại đang xuống hàng thứ yếu. Internet mới là cách tán tỉnh của trai thanh gái lịch thời @. Nào e-mail, nào chat, nào webcam. Xa mà gần. Hàng vạn cây số cách chia mà như ngồi nói cười thoải mái trước mặt nhau. Đây là phương tiện hiện đại nhất cho chuyện tán tỉnh. Rất nhiều nam thanh nữ tú xa cách nhau cả một, hai đại dương mà tán tỉnh làm quen, kết tình và nên vợ nên chồng.

Em là ai? Chiêm bao đầy nỗi nhớ 
Để bỗng nhiên anh trở chứng si tình 
Tay ghì níu thời gian gần tắt thở 
Gõ lên bàn 
keyboard gọi thanh xuân. 
( Quan Dương )

Đến nông nỗi tán nhau bằng @ thế này thì tôi chịu chết. Tôi quả không theo kịp thời đại. Các bạn cứ tự nhiên tán tỉnh nhau trên màn hình. Tôi quay lại. Tôi trở lại với tôi. Thủ phận. Tán tiếc chi nổi nữa. Có họa là tán kiểu tôi đang tán đây: tán hươu tán vượn!

06/2007