Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

NGÁY

Ngáy là một tiết mục rộn ràng của ngủ. Ngủ mà không ngáy thì làm gì cho hết một đêm dài? Bởi vậy dân chúng ngáy búa xua. Trong câu chuyện ở bàn ăn giữa chừng chục người, chuyện ngáy đã thành chuyện thường ngày ở huyện! Một bà chưa tới sáu chục niên kỷ đã tâm sự là ngồi máy bay về Việt Nam lâu và mệt quá, buồn ngủ muốn chết. Sao không ngả ghế xuống làm một giấc? Nhưng khổ nỗi cứ thiu thiu là ngáy rồi, dị chết! Một bà phổ biến kỹ thuật chống ngáy khi ông chồng kéo đàn trong đêm khuya: cứ thẳng tay bóp chặt cặp…môi anh chàng là hết đường cò cưa! Bà khác…tự thú trước hoàng hôn: mình ngủ mê quá đến nỗi tự mình nghe thấy tiếng ngáy của mình mới chết chứ!

Ngáy như vậy là thượng thừa, ít người đạt được tầm mức này. Nó cũng nghiêng ngả với những kỹ thuật khó dàn trời cỡ vừa đánh răng vừa huýt sáo (nhưng đối với những vị mang hai hàm răng giả thì dễ ợt!) hoặc vừa phùng miệng vừa há miệng (chuyện này chỉ có cô đào cải lương Phùng Há làm được!).

Ngáy không phải chuyện giỡn chơi khơi khơi như vậy. Nó nguy hiểm lắm! Ở Canada chúng tôi ngáy to làm người phối ngẫu mất ngủ là một trong những lý do có thể đưa ra tòa xin ly dị như không! Trung Quốc vừa đưa ra một quy định mới là không tuyển những người nằm ngủ mà ngáy lớn vào quân đội. Cứ tưởng tượng một tập thể đông tới trên hai triệu người mà không có người ngáy, nghe ra một sự im lặng rợn tóc gáy đến thế nào!

Tôi không tin có chuyện đó! Kinh nghiệm cá nhân trong quân trường và trong các trại gọi là học tập cải tạo không cho phép tôi nhẹ dạ đến thế. Vả lại, cũng theo kinh nghiệm, đêm đêm trong cải tạo mà không có tiếng ngáy thì…chết đi được! Sự im lặng là đồng minh của nỗi buồn. Mà chúng tôi lúc đó có quá nhiều chuyện buồn. Buồn vì xa nhà, buồn vì không biết vợ con sống ra sao, buồn vì cuộc sống đầy bất trắc và tủi nhục trong lao lý, buồn vì bóng tối đậm đặc của tương lai… Vạn nỗi buồn đó trong cái im lặng nghẹt thở thì sống thế nào được! May mà có những tiếng ngáy của những đồng…cảnh xung quanh!

Một hãng bảo hiểm sức khỏe của Đức, hãng TKK, đã làm một cuộc điều tra đưa tới kết luận là 30% các ông và 20% các bà Đức đã…hát hò trong khi ngủ! Dân Đức cũng là người như chúng ta nên chắc chúng ta cũng…kèn trống cỡ đó! Một cuộc khảo sát khác, lần này của Anh, cho thấy là nếu chúng ta có người bạn đời ngáy thì tiêu hai năm ngủ trong cuộc đời. Họ tính như thế này: mỗi đêm chúng ta mất trung bình 2 tiếng đồng hồ vì tiếng ngáy của anh hay chị hàng xóm chung giường. Tính trung bình 24 năm cho mỗi cuộc hôn nhân thì tổng cộng sẽ mất tiêu hai năm ngủ! Có khoảng hai phần ba dân chúng Anh, tính ra số là 15 triệu người, bị chồng hay vợ oanh tạc giấc ngủ, mỗi người mất hai năm ngủ trong cuộc đời, thì tổng số giờ ngủ bị mất là 30 triệu năm!

Nghe tới số triệu là thấy rợn người. Trò chơi này không khá được! Nhà thơ Trần Mộng Tú, trong cuốn tạp văn “Mưa Sài Gòn Mưa Seattle”, cũng than phiền về tiếng ngáy của ông chồng. Ngộ một cái là ông người Mỹ nhưng ngáy theo kiểu… thơ Quang Dũng! “Bây giờ lòng cứ đầy ăm ắp về cuốn sách định viết làm tôi hay tỉnh dậy vào hai, ba giờ sáng, cố dỗ lại giấc ngủ mà không được vì ông chồng nằm bên cạnh đang đọc thơ Quang Dũng ‘ Sông Mã gầm lên khúc độc hành’, nên có nhét bông gòn vào tai cũng không có hiệu quả”.

Nhét bông gòn vào tai là kiểu phòng vệ, dập tắt tiếng… Sông Mã ngay từ nguồn sông mới là kiểu tấn công. Biết địch biết mình thì trăm trận cứ dòn dã thắng cả trăm. Đó là binh pháp Tôn Tử! Vậy thì tại sao đang đêm trường, trời quang mây tạnh mà Sông Mã cứ gầm lên từng đợt như vậy? Đó là vì hơi thở bị ngăn sông cách chợ. Khi chúng ta ngủ, phần mềm của hàm ếch và lưỡi nhỏ sẽ chùng xuống và rung lên mỗi lần không khí chạy qua, gây nên tiếng ngáy. Nguyên nhân của tiếng cưa gỗ này nhiều lắm. Có thể vì hút thuốc lá làm cho niêm mạc ở cuống họng sưng lên, gây nghẹt và làm hẹp đường thông khí. Có thể vì mũi bị nghẹt hay xoang bị viêm khiến bạn phải thở bằng miệng. Cũng có thể bạn uống rượu nhiều hoặc dùng nhiều thuốc ngủ. Còn có thể bạn có thân hình béo mập khiến các lớp mỡ nở nang hơn làm cuống họng cộm lên, thay đổi cấu trúc nguyên thủy của chúng, thu hẹp lại làm cản trở không khí ra vào! Hoặc cũng có thể vì di truyền, cả nhà cùng ngáy cho dễ thành lập ban đồng ca!

Ngáy cũng có cấp bậc. Ông bác sĩ người Mỹ Epworth đã lập bảng phân loại Epworth gồm 5 cấp để chỉ…trình độ ngáy.

Ngáy ở cấp độ 1 thỉ gần giống như người bình thường, người bệnh cũng không biết là mình đang…hành hiệp. Ở cấp độ 2, âm thanh ngáy nhỏ không làm ảnh hưởng tới người chung giường chiếu. Cấp 3 thì ngáy vừa, người nằm cạnh có quyền khó chịu. Cấp 4 thì hơi quá quắt, cả phòng đều được thưởng thức. Cuối cùng là…tiếng gầm sông Mã! Mọi người đều phải thức dậy mà nghe!

Ngáy thì vui thôi. Nhưng ngáy mà kèm thêm chứng ngưng thở thì hết vui! Người bị chứng này thường ngưng thở một thời gian khá lâu vì các phần mềm và niêm mạc của cuống họng làm nghẹt khí quản, phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Khi đó, não sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở cuống họng và khí quản để sự hô hấp trở lại bình thường. Nhưng thỉnh thoảng mới sinh ra cớ sự này thì được, làm hoài hoài thì giấc ngủ không ngon và thời kỳ ngủ say bị ngắt quãng. Hậu quả là bộ não không được nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động khiến người bệnh trở nên bần thần, mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn là sóng điện não bị xáo trộn làm người bệnh giảm trí nhớ, năng suất làm việc kém, mệt mỏi, khó tập trung và ngủ gật ban ngày.

Ông ký giả hồi hưu Hoàng Thoại Châu của báo Tuổi Trẻ ở trong nước là chứng nhân trò ngưng thở cùng với tiếng ngáy. Trong bài viết “Gió qua cửa hẹp”, ông…đấm ngực: “Đã mười mấy, hai chục năm rồi chỉ nghĩ mình có tật xấu hễ ngủ là ngáy. Thế nhưng chừng vài ba năm trở lại đây tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Nhiều lần vợ tôi đã giật mình khi vừa nghe ngáy ngon lành bỗng im re. Và đã có lần cô ấy ngồi bật dậy, ôm chầm lấy tôi gọi…anh ơi!”. Thấy chuyện chết người như chơi, mà chết bất đắc kỳ tử trong tay vợ lúc tối trời thì kỳ quá, bạn bè thối mồm có thể nghĩ tới chuyện ngã ngựa thì mất mặt anh hùng, ông Châu đành phải đi khám. Chỉ cần nhẹ đặt cây đè lưỡi để nhìn vào họng, bác sĩ đã thấy ngay tổ con chuồn chuồn. Đó là tình trạng “gió lùa qua cánh cửa hẹp”. Cổ họng của ông Châu quá hẹp nên đêm đêm ông mới chơi trò đang ngáy rồi ngưng. Bác sĩ phán: “Với eo họng quá hẹp của anh, tiếng ngáy lớn là tất nhiên và còn ngáy là may mắn!” Ông quyết định phải mổ. Ca mổ được thực hiện trong 4 tiếng đồng hồ. Mổ xong, bác sĩ đã khuyên anh: giải phẫu đã làm công việc mở rộng…cánh cửa tới tối đa mà phương pháp này có thể làm được. Phần còn lại là anh phải cố tự làm giảm cân của mình. Bệnh của anh là bệnh nhiều ký quá khiến gió phải luồn lọt qua đường hẻm!

Ông Askew, 64 tuổi, ngụ tại Toronto, có tiếng ngáy to kỷ lục. Nếu tường nhà không nặng thì chắc chúng cũng đã bay rồi! Bà vợ nằm bên cạnh thì hai mắt thao láo suốt đêm là cái chắc. Để cho yên cửa yên nhà, ông đành phải đi khám bác sĩ. Thử nghiệm cho thấy mỗi đêm ông ngủ khoảng 6 tiếng rưỡi mà đã ngưng thở cả thảy 200 lần! Không ra đi là may! Để chữa ngáy và ngưng thở, mỗi khi đi ngủ ông phải…đóng hàm bằng một thiết bị đặc biệt có tác dụng dùng áp lực để hơi thở không bị gián đoạn do thiếu oxygen đưa vào khí quản.

Thiết bị dùng cho ông Askew ra sao, bản tin không thấy mô tả. Nhưng Đại Học Y Khoa Loyola tại Hoa Kỳ, vào cuối năm 2005, đã sáng chế ra một thiết bị rất hiệu quả. Thiết bị này đã được Cơ Quan Dược Phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn. Đó là bộ phận Pillar Palatal Implant , thiết bị chống vòm miệng! Bằng cách dùng một cái kim đặc biệt, 3 đoạn dây bằng polyester , mỗi đoạn dài cỡ 2 phân, chèn vào vòm miệng mềm, chỗ giáp ranh với vòm miệng cứng để chèn cứng vòm miệng…mềm!

Bác sĩ Peter Cistulli của Đại Học New South Wales, Úc Châu, lại trình làng một bộ phận chống ngáy và ngưng thở khác. Đó là một nẹp xương hàm gồm hai hàm giả khớp với nhau có thể giữ cho hàm dưới của người bệnh khỏi bị tuột xuống trong khi ngủ và giúp cho lưỡi không gây tắc đường thở. Dụng cụ này làm giảm khoảng 65% hiện tượng ngáy và làm giảm hẳn độ ồn tiếng ngáy và tần số xuất hiện các cơn ngừng thở khi ngủ.

Anh chàng ồn ào ban đêm thường trú đóng trong các ông các bà trên 50 tuổi. Các ông “thích” ngáy nhiều hơn các bà. Người thịt da phong phú ngáy nhiều hơn người chỉ có xương! Nhiều ông chơi thứ ngáy loại xịn rung cửa rung nhà như không! Cường độ của tiếng ngáy có thể lên tới 80 decibels. Tám chục… ben thì ồn tới mức nào? Đó là độ ồn ngang ngửa với độ ồn của một máy hút bụi! Ban đêm mà có tiếng máy hút bụi bên tai, bụi mù…tai là cái chắc!

Ngáy bất tiện như vậy nhưng ngáy ngoài trận tiền thì không những bất tiện mà còn nguy hiểm là khác. Đó là một hoạt động có lợi cho…Việt Cộng! Anh chàng lính tên Việt của một đơn vị nhảy dù là một thí dụ. Đây là chuyện kể của tác giả Vũ Đình Hải trong truyện ngắn “Việt Ngủ Ngáy” đăng trên một đặc san của Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam. “Một hôm ngay vào lúc giữa trưa, địch bất ngờ bắn súng cối vào một loạt các vị trí của đại đội, quân ta cũng đem súng ra cối lại. Đứng trên mỏm núi cao, nhìn từ chốt trung đội xuống thấy đạn cối của địch nổ sát vào Bộ Chỉ Huy đại đội, và con gà tre của đại đội cũng đang gân cổ nhảy dựng lên. Cuộc đấu súng kéo dài khoảng chừng 20 phút thì ngừng hẳn, chưa có đổ máu, mới chỉ là một đòn nắn gân nhau mà thôi. Toàn bộ đơn vị được lệnh sửa sang hầm hố, giao thông hào, canh gác nghiêm ngặt hơn. Việt nhìn viên Trung sĩ càu nhàu:

-Sao Trung sĩ đì tôi dữ vậy? Anh em gác 3 chỉ, có mình tôi kéo tới 5 chỉ!

Trung sĩ Chi, tiểu đội trưởng gườm gườm:

-Đây là nhà binh chứ hổng phải là nhà bếp nghe mày, không được cãi lệnh.

-Nhà binh cũng phải công bằng như nhà bếp chứ bộ. Sao

bắt tui gác ca giữa không hà, mà gác tới 5 tiếng đồng hồ lận! Trung sĩ Chi bắt đầu nổi nóng:

-Đ.m. Vậy chứ tên mày là gì mày có biết không?

- Thì tên tui là Việt chớ gì nữa, Trung sĩ.

-Hổng phải.

-???

-Tên mày là Việt ngủ ngáy. Đêm ngủ mày ngáy còn hơn bò rống!

-Sao tui hổng nghe gì hết trơn?

-Mày mà nghe được tiếng mày ngáy thì mày đâu phải là người phàm nữa. Mày mà ngủ thì tụi tao teo, đếch thằng nào dám ngủ!

-!!!

-Việt Cộng nó ở cách xa hàng cây số cũng còn nghe thấy tiếng mày ngáy, tụi nó nhắm mắt cũng mò tới nơi. Mày chán đời thì thây kệ mày! Tụi tao còn yêu đời lắm Việt ơi. Mày gác càng lâu chừng nào tụi tao càng đỡ lo chừng nấy!”

Anh binh sĩ cứ ngủ là chỉ điểm cho Việt Cộng tới này làm sao mà đeo được thiết bị chống ngáy kể trên. Thứ nhất là vì không có tiền. Thứ nữa là ra trận mà gang mồm gang miệng thì không giống ai. Địch tới làm sao mà la? Phúc cho anh chàng Việt nếu nguyên nhân tiếng ngáy của anh là vì ngăn mũi bị lệch hay xương mũi dày. Trường hợp này thì anh chỉ cần mua ở hiệu thuốc băng dán hay dụng cụ nong hốc mũi là xong. Hoặc là anh mua thứ ống xịt “Douce Nuit”, bơm sâu vào miệng trước khi đi ngủ là có một…đêm an lành! Công ty dược phẩm Persee Medica của Pháp cũng mới cho ra mắt loại bình xịt chống ngáy mang tên Silence. Chỉ cần xịt vào trong họng 2 lần trước khi đi ngủ là bảo đảm sẽ…silence tức thì! Tuy tên là Im Lặng nhưng thứ thuốc xịt này không làm cho các nhà máy cưa im lặng hoàn toàn mà chỉ làm giảm tối đa cường độ âm thanh và tần suất của tiếng ngáy. Theo những người đã thử sử dụng bình xịt này thì đây là loại hiệu quả nhất trong các loại bình xịt. Tác dụng sẽ kéo dài trong 6 tiếng ngủ. Giá cả: 17,5 euro!

Nhưng số người bị nhẹ như vậy chỉ chiếm 20% số…ngáy sĩ. Tám chục phần trăm kia phải chữa rắc rối hơn. Đốt bằng tia laser chẳng hạn. Thủ thuật này có thể làm ngay tại phòng mạch, không phải đi bệnh viện lôi thôi. Bác sĩ chỉ cần gây tê là có thể đốt được rồi. Thường thì phải đốt ba bốn lần mới có kết quả, mỗi lần cách nhau vài tuần. Sau khi đốt có thể bị đau vài ngày. Đốt bằng tia laser tuy giản dị nhưng không suya là có kết quả. Dùng sóng vi ba thì kết quả tốt hơn, thường là chữa được 85% ca ngáy. Bác sĩ sẽ dùng sóng vi ba nóng không quá 100 độ C đốt màn vòm và lưỡi gà để giảm độ mềm của chúng. Sóng sẽ được dí vào 3 điểm của hai bộ phận nói trên trong vòng 20 giây. Khi thành sẹo, những vùng này sẽ teo đi, làm chúng co ngắn và rắn lại, giảm dao động khi hít thở. Cách chữa này cũng không cần gây mê và phải làm hai lần, mỗi lần cách nhau 8 tuần lễ. Bệnh nhân có thể ăn uống và làm việc liền sau khi đốt, nhưng cần tránh ăn nóng trong vài bữa. Trong một vài trường hợp lẻ tẻ, sau khi điều trị, bệnh nhân lại ngáy nhiều hơn và có cảm giác khó chịu trong vài tuần vì các mô còn bị sưng. Nhưng đừng có lo lắng! Chỉ sau một thời gian, các triệu chứng này sẽ giảm và tiếng ngáy cũng đi chỗ khác chơi!

Đêm nằm thì ngáy o o / Chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà! Câu ca dao này đặt ra một vấn đề rất phiền phức: có nên lấy vợ ngáy cho…vui cửa vui nhà không? Có người không ham vui nhưng cũng có người thích vui. Nếu là bạn thì sao? Tôi có theo dõi một cuộc tranh luận trên internet về cái vụ… vui này. Một bên bảo nên, một bên bảo không nên. Họ viện dẫn lý do đàng hoàng. Vui một cái là họ đối đáp với nhau toàn bằng thơ. Thế mới văn nghệ!

Nếu bạn đứng về phía…đối lập thì mời bạn ngâm nga bốn câu thơ sau:

Lấy vợ nên kiêng vợ ngáy to 
Đêm nào đi ngủ cũng khò khò 
Tội đức lang quân nằm kế cạnh 
Mất ngủ lâu ngày chắc phát ho!

Nếu bạn thuộc trường phái…OK thì nỉ non:

Lấy vợ xin lấy vợ ngáy to 
Lỡ bề ăn trộm nó hăm ho 
Đêm khuya thanh tịnh em ngay ngáy 
Trộm tưởng thiên lôi chạy cao giò!

Bạn hỏi tôi thuộc phe nào hả? Đừng làm rộn nhau chứ! Tôi đang bận ngáy!

04/2007