Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

NGUỘI

Tôi vừa nhận được e-mail của một anh bạn. Thư có kèm theo một video clip. Mở ra thấy toàn một màu đỏ lúc chói chang, lúc nhàn nhạt, gây cảm tưởng nóng bức khó chịu. Clip viết bằng tiếng Pháp, có nhan đề: “Lettre écrite de l’An 2070”. Chúng ta đang ở năm 2007, bức thư này được viết 63 năm sau! Người viết có tấm hình đi kèm. Dĩ nhiên là hình chế bằng computer! Đó là một người đàn ông có khuôn mặt già cỗi, không có tóc, nhợt nhạt một màu bệnh hoạn. Ông tự giới thiệu là được 50 tuổi nhưng trông già như người 85 tuổi và là một trong những người sống lâu nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình lúc đó là 35 tuổi! Tại sao cuộc sống của con người lại bị rút ngắn đi như vậy? Tại vì khung cảnh sống đã đổi khác. Thiếu nước trầm trọng. Khan hiếm nước nên cuộc sống của con người khác hẳn. Ông ta nhớ là khi ông được 5 tuổi, mọi sự đều khác bây giờ. Lúc đó còn có những công viên, trước và sau mỗi căn nhà còn có những vườn hoa, tắm dưới vòi hoa sen cả giờ cũng chả sao, xe hơi cũng được rửa thỏa thích bằng những vòi nước xịt mạnh, những thảm cỏ quanh nhà được tưới phủ phê ngày đêm, ngày nghỉ ra sông hồ câu cá, nước uống đầy rẫy đủ loại chen chúc nhau trong các siêu thị. Những ngày vàng son đó chỉ còn trong ký ức. Ngày nay, năm 2070, người ta mang vàng và hột xoàn ra đổi một can nước mà chẳng ai thèm đổi. Nước là một xa xỉ phẩm chỉ để uống một cách hạn chế. Không có nước tắm, người ta phải chế ra những khăn lau ẩm để “tắm”. Đàn bà cũng trọc lốc như đàn ông vì không có nước gội đầu. Thực phẩm hầu như chỉ có những thứ chế biến, không ai có thể làm bếp tại nhà. Quần áo mặc xong là vứt vì không có nước giặt. Cảnh vật khô cằn như một dải sa mạc ngút ngàn vô tận. Thời tiết không còn thay đổi theo mùa vì không còn mùa nữa. Mưa thì toàn là mưa acid! Không có cây xanh nên thiếu cả dưỡng khí để thở. Chính quyền bắt buộc phải thu thuế và ấn định số lượng không khí mỗi người được phép thở là 137 thước khối mỗi ngày cho một người lớn. Ai không đủ khả năng đóng “thuế không khí” thì phải tập trung trong những “vùng gió” gồm những lá phổi nhân tạo được thiết lập và vận hành bằng năng lượng mặt trời. Kỹ nghệ tê liệt, nạn thất nghiệp lan tràn. Chỉ có những nhà máy lọc nước biển cần dùng nhiều nhân công. Các công nhân được trả lương bằng nước. Con người thiếu không khí và nước nên mắc đủ thứ bệnh như viêm đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, bệnh đường tiểu tiện gây nên tử vong hàng loạt. Cấu tạo tinh trùng bị thay đổi nên trẻ sơ sinh bị suy thoái, dị dạng và khiếm khuyết.

Kết thúc video clip là tâm sự dằn vặt của “ông già 50 tuổi”: “Khi con gái tôi hỏi tại sao chúng ta không còn nước nữa, cổ họng tôi se lại. Tôi không thoát ra khỏi được ý nghĩ tôi là kẻ có tội bởi vì tôi thuộc vào một thế hệ đã phá hoại môi trường, làm ngơ trước những cảnh báo để ngày nay con cháu chúng ta phải trả giá!”.

Chắc nhiều người trong chúng ta bĩu môi chẳng thèm đọc tiếp. Đây là chuyện khoa học giả tưởng, như một thứ chuyện giải trí, nghe qua rồi bỏ…đi tưới vườn cảnh trước nhà bằng những vòi nước phun cao tràn lan ra cả mặt lộ. Hơi đâu mà lo chuyện vớ vẩn. Điên hay sao mà đấm ngực chịu tội! Khéo lo chuyện xa lắc xa lơ. Năm 2070 thì ăn thua gì tới tôi!

Không ăn thua gì tới thế hệ chúng ta. Đúng! Nhưng cỡ tuổi chúng ta bây giờ năm bảy chục chẳng hạn thì 63 năm nữa là tuổi của thế hệ các cháu nội ngoại của chúng ta. Không xa đâu. Nhìn đứa cháu được sanh ra trong năm nay hoặc trong vòng mười năm nữa, chúng ta có đành lòng để chúng lâm vào tình trạng…vượt biển của chúng ta không? Tôi muốn nhắc tới những giọt nước ngọt chúng ta đã từng đạp lên cuộc sống của nhau mà tranh dành trên những con tàu vượt biển. Chỉ tạm thời không có nước ngọt mà con người nhiều lúc đã không còn là người nữa. Nếu cả thế giới lâm vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng trong một thời gian không có lúc chấm dứt thì con người sẽ điên lên như thế nào? Con người triền miên khát nước đó chúng ta đã thấy mặt mũi. Chúng là những đứa cháu ngây thơ đang nằm trong nôi ngay trong mái ấm gia đình của chúng ta.

Chuyện là chuyện trời đất chung chung, hình như chẳng ai muốn khóc người cha chung cả. Cá nhân mỗi người đều có thể vỗ về anh lương tâm ngủ yên được. Trái đất có ấm đầu sinh chuyện thì cho nó uống thuốc cho nó nguội đi. Dĩ nhiên không phải aspirine, tylenol hay advil. Thuốc này là thuốc phải bào chế. Cả thế giới xúm nhau lại chữa cơn nhức đầu của hành tinh. Hành tinh nó lớn xác như thế nên cần phải nhiều người cho thuốc. Trong nhiều người đó có chúng ta. Tài hèn sức mọn không kê được toa thuốc thì cũng rót được cho bệnh nhân một ly nước chứ! Này bạn, nếu bây giờ nhờ bạn thay dùm tất cả các bóng đèn trong nhà bằng bóng đèn huỳnh quang mà chúng ta thường gọi là bóng đèn neon thì có được không? Để làm chi vậy? Để giảm thiểu khí thải và tiết kiệm năng lượng. Úc đã đi tiên phong. Họ đã ra luật giảm sản xuất bóng đèn tròn từ ngày 20 tháng 2 vừa qua. Với luật này, từ nay đến năm 2012, Úc sẽ giảm được 4 triệu tấn khí thải và tiết kiệm được tới 80% năng lượng. Mỹ cũng đã nhúc nhích khi Bộ Trưởng Môi Sinh Liên Bang Malcolm Turnbull cho biết sẽ đưa ra một kế hoạch thay thế dần dần các bóng đèn tròn. Tiểu bang California…cụ thể hơn. Các nhà lập pháp sắp ra luật thay thế bóng đèn tròn từ nay đến năm 2012. Tại Canada, tỉnh bang Ontario đang đặt bước là tỉnh bang đầu tiên có kế hoạch thay bóng đèn. Theo Thủ Hiến Dalton McGuinty ước tính thì với việc thay thế bóng đèn này, tỉnh bang sẽ có thể đóng cửa một nhà máy sản xuất điện chạy bằng than.

Mới chỉ có mấy cái bóng đèn trong nhà mà đã nên chuyện được rồi. Nếu mạnh tay hơn nữa thì trái đất sẽ nguội bớt là cái chắc. Các dân biểu Canada tại Quốc Hội đã nghía tới khói xe của chính các ông bà đại diện dân. Khi các ông bà đang họp thì ngoài sân đậu xe, hàng trăm chiếc xe của họ đang xì khói liên tục trong suốt cuộc họp thường kéo dài nhiều giờ. Tại sao vậy? Vì các ông tài xế không có chỗ nương thân trong các tòa nhà Quốc hội nên cứ ngồi trong xe cho máy chạy để sưởi ấm. Xe nào cũng to đùng, uống xăng như điên, xả khói thì không ai bằng, khí thải ào ào tuôn ra. Chỉ cần cho họ một căn phòng trú rét là ổn thỏa ngay. Dễ ợt như vậy mà còn phải bàn cãi!

Có bàn cãi chăng là bàn cãi về những chuyện tầy đình hơn. Như một hội nghị về môi trường vừa nhóm họp tại Paris trong đầu tháng 2 vừa qua với 2500 nhà khoa học đến từ 130 quốc gia do Liên Hiệp Quốc tổ chức. Theo các nhà khoa học thì nếu chúng ta không nhúc nhích gì để giúp làm nguội trái đất thì trái đất sẽ sinh chuyện. Không phải đợi lâu mà có chuyện tức thời. Đây là tờ “thực đơn” khó nuốt về nước dùng sinh hoạt: hàng trăm triệu dân chúng châu Phi và hàng chục triệu người tại Châu Mỹ La Tinh sẽ thiếu nước trong vòng 20 năm tới. Tới năm 2050 thì một tỷ dân châu Á sẽ thiếu nước. Tới năm 2080 thì khoảng ba tỷ người sẽ…khát! Hội nghị cũng đã báo động là trong thế kỷ 21 này, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm từ 1,8 đến 4 độ bách phân và chính con người là thủ phạm việc ấm đầu của trái đất.

Bốn độ trong một thế kỷ thì ăn nhằm gì! Giỡn hoài! Từ thời băng hà đến nay trái đất cũng chỉ nóng hơn có 5 độ thôi! Con số nghe ra rất nhỏ nhưng hậu quả thì rất lớn. Trái đất sẽ thay đổi dung nhan. Nhiệt độ tăng, băng đá sẽ tan chảy, hạn hán thường xuyên, mực nước biển sẽ dâng cao, cuộc bể dâu không biết đâu mà lường. Cuộc bể dâu của ông Tú Vị Xuyên so ra chẳng thấm vào đâu mà cái tiếng gọi đò thiếu vắng đã buồn bã nằm dài trong lòng người cho tới giờ.

Sông kia rày đã nên đồng 
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai 
Đêm nghe tiếng ếch bên tai 
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Chỉ một tiếng gọi đò vấn vương trong lòng nhà thơ mà đã não nuột tâm can, thì sự mất mát cái riêng tư của một thành phố sẽ mang mang tới bao giờ. Đà Lạt là một thành phố cao nguyên có cái lành lạnh dịu dàng chỉ vừa đủ cho những chiếc áo len đủ màu sắc làm mát mắt người phố thị. Vậy mà không chờ không đợi, nhiệt độ thành phố đã làm rơi những chiếc áo len trên thân hình mảnh mai của những thiếu nữ xuân thì. Trong những ngày đầu năm 2007 này, chỉ khoảng 9 giờ sáng, là trời nóng, ra đường chỉ một manh áo mỏng manh. Theo một phóng sự của ký giả báo Tuổi Trẻ Nguyễn Hàng Tình thì một chị bán hàng rong ngoài đường cũng đã thấy là phụ nữ Đà lạt khi ra đường là sợ nắng, sợ nám phải đeo khẩu trang to sù che gần hết khuôn mặt. Chị Mai đã tiếc rẻ: “ Hãy nhìn mà coi, đôi má hồng đào của các cô gái Đà Lạt giờ cũng hiếm như châu ngọc vậy!” Những chiếc má rám hồng đặc trưng của các cô gái trong thành phố mộng mơ này ngày xưa đã bao lần làm chết mệt tuổi thanh niên của chúng tôi!

Người Đà Lạt 63 tuổi Phạm Văn Út (phải chăng cũng là một bóng thanh niên lụy má hồng thời đó?), ngụ tại ấp Chi Lăng, cũng ngậm ngùi. Ngày xưa, sáng ra đến 8 giờ, sương mù vẫn còn giăng giăng làm lấp mặt người, chiều về khoảng 2 giờ sương mù lại đã kéo về trên khắp các lũng đồi, vậy mà bây giờ từ sáng đến tối chẳng cần khoác lên người chiếc áo lạnh. “Ngày đó thanh niên trai tráng cũng chả ai dám tắm nước lạnh, nay cứ độ trưa trưa là đã thấy lũ con cháu ung dung xối nước lạnh trên người!” Những người cao niên sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt đã cám cảnh sinh tình: “ Tôi không còn nhận ra Đà Lạt nữa!” Đà Lạt là đất của hoa trái. Thông Đà Lạt ngày xưa cứ sau lễ Giáng Sinh là ra đọt non mà nay đến cuối tháng 2 đầu tháng 3 mới ra lẻ tẻ, lỏi chỏi không đều. Anh đào, thứ hoa đặc thù của Đà Lạt, ngày trước làm hồng thành phố mỗi dịp xuân về, ngày nay mỗi năm mỗi khác, không ai biết được khi nào hoa nở. Màu hoa càng ngày càng ít thắm hơn, nhạt đi. Đó là nhận xét của chị Nở ở khu Trại Hầm. Các thứ hoa trái nhiệt đới ngày trước không trồng được ở Đà Lạt như đu đủ, mít, mía, phượng hồng… thì ngày nay nhan nhản kết hoa đơm trái xum xuê trong vườn. Ông Hai Phúc cho biết trong vườn của ông trước đây có trồng chơi mấy cây cam cây bưởi, có ra trái thì cũng chua lét không ăn được, nhưng nay cam bưởi bỗng xum xuê và trái thì ngọt lịm!

Bệnh ấm đầu của trái đất chẳng chỉ làm Đà Lạt không còn là Đà Lạt nữa mà còn…ngang tàng hơn nhiều. Tới thời điểm năm 2035, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 2 độ, nước biển sẽ dâng cao, Việt Nam với bờ biển dài sẽ mất đi 12,2% diện tích đất đai, ảnh hưởng tới chỗ ở của 17 triệu người. Đó là dự trù nước biển sẽ dâng cao thêm 1 thước. Nhiều nước biển nhưng sẽ ít nước ngọt. Đất nước ta sông ngòi chằng chịt, nước ngọt thiếu chi, khéo lo con bò trắng răng! Nói vậy là chưa thấu hiểu bệnh nóng đầu của trái đất. Bệnh nghe ra tưởng nhẹ nhưng hậu quả khôn lường. Chúng ta sẽ thiếu nước. Bệnh…mất nước sẽ khiến lượng nước ngọt của Việt Nam giảm 4% vào năm 2025, giảm 10% vào năm 2070 và giảm 14% vào đầu thế kỷ tới. Hiện nay tính bình quân thì mỗi người Việt Nam có khoảng 10.240 thước khối nước mỗi năm. Tới năm 2025 thì con số này sẽ xuống còn 7660 thước khối. Rắc rối là lượng nước này là tổng lượng nước có nguồn ngay trong lãnh thổ Việt Nam và nguồn do từ ngoài chảy vào. Nếu chỉ tính nguyên nguồn nước có trong nước thì con số này chỉ còn 2830 thước khối. Theo tiêu chuẩn của Cơ Quan Tài Nguyên Nước Quốc Tế IWRA thì quốc gia nào có lượng nước trung bình dưới 4 ngàn thước khối cho mỗi người trong một năm thì bị liệt vào loại thiếu nước. Như vậy là nước ta thiếu nước đứt đuôi rồi! Đó là chưa kể việc hiện nay, do đà kỹ nghệ hóa, các nguồn nước ngầm của Việt Nam tại các đô thị và các vùng đồng bằng đã có dấu hiệu ô nhiễm do sự khó phân hủy của các chất hữu cơ và hàm lượng vi khuẩn cao!

Trái đất đã bắt đầu trở mình. Đà Lạt của chúng ta đang… vong thân. Mùa đông Tokyo năm nay cũng đã vắng mặt nàng tuyết. Từ năm 1876, ba năm trước khi vua Quang trung đại phá quân Thanh, cả thảy 131 mùa đông, tuyết không bao giờ lỗi hẹn với người dân thủ đô Nhật Bản, vậy mà năm nay nàng tiên áo trắng này không tới. Dân Tokyo có tiếc chiếc áo choàng trắng của thiên nhiên không, tôi không ăn sushi nên không rõ.

Nàng tuyết cũng ít chơi với dân Thụy Sĩ trong mùa đông năm nay. Kể từ khi Thụy Sĩ bắt đầu đo nhiệt độ cách nay 140 năm, mùa đông năm nay đã ấm bất thường. Tại các khu vực thấp và ở miền Bắc hoàn toàn không có tuyết. Ở Zurich trung bình mỗi năm nhận được 70 phân tuyết, năm nay chỉ có 12 phân và chỉ rơi có hai ngày!

Dân Montreal chúng tôi thì hớn hở vui mừng vì mùa tuyết năm nay rất nhẹ nhàng. Suốt một mùa đông dài dằng dặc (mùa đông nào mà không dài?), tôi chỉ hai lần mang xẻng ra đào tuyết để lôi ra chiếc xe ngập đầu ngập mặt trong tấm màn trắng dày vài chục phân. Mọi năm thì cứ xẻng cuốc lia chia, lao động cật lực. Tôi thì mừng nhưng mấy anh tây hàng xóm của tôi thì rầu rầu nét mặt. Không có tuyết nhiều có nghĩa là không được trượt tuyết, không được thể thao với tuyết, và nhất là không được sống trong chiếc khăn trắng khổng lồ mỗi năm mỗi có như một thói quen từ những ngày thơ ấu. Buồn chứ! Thế mới biết chiều được lòng người không phải dễ. Nhưng mắc mớ gì thiên nhiên phải chiều những dân ăn đậu ở nhờ như tôi? Vậy mà năm nay bà mẹ thiên nhiên này lại vỗ về tôi, thế mới lạ!

Cũng lạ là năm nay tại Đại Hội phim ảnh trao giải Oscar có ông Al Gore tham dự. Ông Al Gore, chắc mọi người còn nhớ là trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2000 chính ông này đã đôi co với ông Bush trước kết quả sát nút và đã chịu thua để giữ tình đoàn kết quốc gia. Vậy cái ông Phó Tổng Thống của Bill Clinton này làm chi ở cái chỗ không phải là chính trường này? Ông ấy làm phim và cuốn phim “An Inconvenient Truth” của ông đã đoạt giải tượng vàng trong thể loại phim tài liệu. Thú thật với các bạn là ngồi coi trực tiếp truyền hình buổi phát giải, tôi đã ngỡ ngàng trước…người xưa. Khuôn mặt thon ốm của ngài ứng cử viên chức vụ Tổng thống năm 2000 năm nay đã trở nên phì nộn thiếu điều nhận không ra. Mới chỉ có bảy năm trời, con người còn thay đổi rõ ràng như vậy huống chi thiên nhiên đã bao nhiêu tỷ năm tuổi! Không đổi sao được? Cuốn phim tài liệu của Al Gore báo động với nhân loại về sự trở mặt của thiên nhiên. Sự thực bất tiện mà cuốn phim đưa ra là nhân loại đang ngồi trên một trái bom! Trái bom của thời gian. Chúng ta chỉ còn 10 năm nữa để làm sao tránh được một thảm họa của nhân loại. Đó là hệ thống khí hậu toàn cầu sẽ thay đổi mang lại sự thảm khốc cho toàn thể hành tinh chúng ta đang cư ngụ, từ những hậu quả khôn lường của bão lụt, hạn hán, bệnh dịch và cái nóng bất thường. Ai gây nên tội? Chính là chúng ta. Chúng ta đã khơi khơi ngu xuẩn thải rác rưởi vào chính môi trường chúng ta đang sống. Đây không phải là một vấn đề kinh tế, không phải là một vấn đề chính trị mà là cuộc thử thách lớn nhất của lương tâm con người đối với nền văn minh toàn cầu!

Lương tâm của người dân Canada đã thức dậy. Nhà môi trường học nổi tiếng người Canada gốc Nhật David Suzuki vừa đi một vòng Canada để thăm dân cho biết sự tình…làm nguội trái đất. Theo ông thấy thì phần lớn dân chúng Canada sẽ sẵn sàng bỏ thêm tiền ra để tiếp tay làm nguội trái đất nếu các kỹ nghệ gia cũng đồng tình như vậy. Theo một thống kê của nhóm Environics Research Group vừa công bố thì 67% dân Canada sẵn sàng chuyển các dịch vụ nhà băng, mua bán sang các cơ sở nào có bỏ tiền ra để giúp cải thiện môi trường. Cứ anh thương gia nào nhào vào việc chặn đứng mối lo môi trường của họ thì họ sẵn sàng cộng tác với những anh đó. Bắt mạch được mối lo của dân chúng, các đảng phái tranh cử trong cuộc bầu cử tỉnh bang Quebec được tổ chức vào ngày 26 tháng 3 tới đây đã mang vấn đề môi trường ra để đấu đá nhau. Đảng nào cũng vỗ ngực nếu bầu cho tôi thì tôi sẽ có những chương trình làm nguội trái đất. Đảng Quebecois từ trước tới giờ chỉ dùng màu xanh da trời làm màu của đảng, kỳ bầu cử này đã cho thêm màu xanh lá cây vào đuôi chữ Q trên logo của đảng. Báo hại anh đảng Xanh chính cống Green Party chuyên về môi trường la làng như bọng vì màu cờ sắc áo bị chôm!

Tôi chẳng phải là người vô tâm. Ta đã làm chi hại tới không gian ta đang sống? Và tôi không cưỡng lại được ý muốn mở lại cái video clip mà anh bạn đã gửi cho tôi. Nhìn màu đỏ chói chang nóng bức làm nền cho suốt cuốn video tôi như mê đi. “Khi con gái tôi hỏi tại sao chúng ta không còn nước nữa, cổ họng tôi se lại. Tôi không thoát ra khỏi được ý nghĩ tôi là kẻ có tội bởi vì tôi thuộc vào một thế hệ đã phá hoại môi trường, làm ngơ trước những cảnh báo để ngày nay con cháu chúng ta phải trả giá!”.

Còn bạn, bạn thấy sao?

03/2007