Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

TRĂM

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau 
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu 
Phen này ông quyết đi buôn cối 
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Ông Tú Vị Xuyên là một người sắc sảo. Thơ của ông không huých bên này cũng tạt rơ-ve bên nọ. Nội chỉ trong một bài thơ chúc tết mà ông phạng tất. Từ anh nhà giàu, anh nhà quan đến anh nhà dân. Anh già ông cũng chẳng tha! Bốn câu thơ trích trên đây là…quà tết cho riêng giới già trong một bài thơ mà ông chẳng quên một giới nào cả!

Câu chúc tết thường là câu đầu môi chót lưỡi. Người ta thường không tin những gì mình chúc. Đôi khi chúc là chúc vậy thôi, người ta không cả muốn những điều họ chúc thực sự xảy ra. Lỡ chúng được như vậy thì hơn mình sao? Chúc là… chúc. Thế thôi. Trăm tuổi thì mấy ai đạt được! Đó là chuyện thời ông Tú Vị Xuyên chứ bây giờ trăm tuổi là chuyện nhỏ. Ngay chỉ quanh quẩn trong một số hạn hẹp người tôi quen biết trong thành phố này cũng đã có hai cụ vượt qua ngưỡng cửa trăm năm. Một cụ đã trăm tuổi từ năm năm trước giờ vẫn cứ ngồi đánh tứ sắc suốt ngày như không. Một cụ vừa…tới đích đã được mấy anh tây chủ nhà già mà cụ cư ngụ tình nguyện và hân hoan tổ chức sinh nhật bách tuế cho cụ. Mấy anh tây này còn dành cho cụ một bất ngờ là đã lẳng lặng đi thuê một ban nhạc Việt nam tới xập xình để cụ…về nguồn!

Trăm tuổi! Chỉ nguyên nhà già Griffith McConnell ở khu Côte St. Luc thuộc thành phố Montreal của tôi đã sơ sơ có tất cả 10 cụ, 7 cụ bà và 3 cụ ông, về tới mức trăm trong năm nay, nâng tổng số các cụ trăm tuổi trở lên tới con số 14. Chỉ mới hai năm truớc chứ không xa, cụ Robert Thomson là người duy nhất trăm tuổi trong nhà già này. Nay cụ đã tính lập một câu lạc bộ trăm tuổi! Câu lạc bộ này các cụ bà sẽ chiếm đa số. Hai cụ Việt Nam tôi biết cũng đều là các cụ bà. Tình trạng các cụ bà sống lâu hơn các cụ ông là tình trạng chung trên thế giới. Khoa học đang tìm câu giải thích. Theo chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe thuộc Đại Học Michigan David Williams thì sở dĩ có tình trạng bất cân phân này là tại…các ông. Các ông mắc căn bệnh sĩ diện! Bệnh này có từ lâu, ít nhất cũng từ thời cụ Nguyễn Công Trứ! Chí khí nam nhi bắt các ông nhất định “ phải có danh gì với núi sông”. Lỡ không có danh thì thất vọng, ông thì tự kết liễu đời… trai, ông thì buồn phiền trầm cảm có hại cho sức khỏe, ông thì chán đời rượu chè be bét coi mạng sống như củ khoai! Cũng từ cái bệnh…nam nhi này mà các ông tự kiêu chẳng thèm tới gặp mấy ông bà tu bíp làm chi cho…mất mặt! Các ông luôn luôn nghĩ một cách chủ quan và muốn tự giải quyết bệnh tật trong khi các bà lại thường muốn có những lời khuyên của bác sĩ. Theo thống kê thì tại Mỹ số các ông chịu tới phòng mạch chỉ bằng nửa số các bà. Vậy mà các ông lại bệnh tật hơn phái yếu. Trong 15 bệnh gây tử vong cao nhất thì số các ông mắc bệnh luôn luôn cao hơn các bà. Ở mọi lứa tuổi, chính các ông mới là phái yếu, bệnh tật rề rề. Nguyên do là vì các ông hút thuốc, nhậu rượu, ma túy và sống buông thả hơn. Đó là lối giải thích của giới chuyên môn. Tôi thì chỉ tin những gì thấy trước mắt. Phe…cằn nhằn dĩ nhiên là sống dai hơn phe bị nghe cằn nhằn!

Sống dai là một chuyện, sống có…chất lượng lại là chuyện khác. Chuyện chất lượng coi bộ khó. Mới sáu chục cái xuân già mà đã quên trước quên sau thì còn tới bốn chục…cây số nữa mới tới trăm năm liệu có lú lẫn chăng? Thường thì là có. Một cặp vợ chồng trăm năm đang ngồi coi ti vi, cụ bà nhờ cụ ông đi vào bếp lấy kem dùm.

“ Ông ghi ra giấy không lại quên!”

“ Giấy với má gì. Tôi nhớ mà!”

“ Vậy thì ông cho một ít trái dâu lên trên mặt kem nhé. Tôi thích dâu lắm. Tốt nhất là ông nên ghi lại đàng hoàng rồi hãy vào bếp. Ông là chúa hay quên!”

“ Bà thật rắc rối. Bà muốn một ly kem có dâu ở trên phải không? Đấy, tôi nhớ chứ, bà thấy không?”

Ông đi vào bếp. Khoảng hai chục phút sau, ông trở lên phòng khách tay bưng một đĩa xúc xích và trứng. Bà già nhìn vào đĩa, thở dài:

“ Biết ngay mà! Ông có nhớ gì đâu! Ông lại quên mang bánh mì ra cho tôi rồi!”

Ấy, sống dai thường có những phó sản tức cười như vậy. Một phó sản khác là…giận. Con cái đã ra riêng hết, đi ra đi vào trơ khấc chỉ có hai cái bóng đã bên nhau dăm bảy chục năm. Quen quá hóa nhàm. Tính tình nhau thì đã bày ra cả, chẳng còn gì là…bí mật. Nói năng với nhau thì cũng đã thành nếp, có gì mới đâu. Vậy là cà khịa nhau từng chút một. Giận! Không thèm nói nữa. Cho bõ ghét!

già rồi em lại giận dai 
cả tuần không nói hỏi hoài không thưa 
anh biết làm sao cho vừa 
cho em thôi giận ban trưa ban chiều 
tụi mình hai đứa buồn hiu 
nhà thênh thang rộng anh khều với ai. 
(Trần Phù Thế)

Còn khều được là còn khỏe. Nhưng khỏe như hai kiện tướng trăm tuổi có dư này thì hết nói. Ông cụ Tudorica Anghel, người Lỗ Ma Ni, năm nay đã 105 tuổi, mà chưa hề biết đến bác sĩ hay bệnh viện. Mãi tới đầu tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên cụ mới chịu phép tới phòng mạch bác sĩ. Lý do: cụ thấy đau bụng sau khi ăn dưa leo ngâm quá hạn. Bà bác sĩ Diana Cimpoiescu khám đi khám lại chỉ tìm ra được là cụ mắc chứng khó tiêu thôi. Còn sức khỏe tổng quát chẳng có vấn đề gì cả ngoài chứng lãng tai! Cụ bà Cruz Hernandez ở làng San Agustin, El Salvador còn gân hơn nữa. Năm nay cụ đã 129 tuổi, có 169 cháu chắt, mà chưa bao giờ bị đau ốm cả. Dĩ nhiên phòng mạch bác sĩ hay bệnh viện là những chỗ xa lạ với cụ. Mà cụ có kiêng khem gì đâu. Buổi trưa cụ làm một ly bia, hàng ngày vẫn cà phê sữa bỏ nhiều đường và vẫn phì phèo thuốc lá. Hồi được trăm tuổi cụ vẫn thường vấn thuốc lá lấy để hút! Cụ bà 129 tuổi này có giấy rửa tội origin ghi rõ ngày sanh là 3/5/1878. Chính quyền El Salvador đang đề nghị với sách kỷ lục Guinness ghi nhận cụ là người già nhất hành tinh.Thế nhưng cụ chẳng chờ được. Cụ đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 9 tháng 3 vừa qua!

Bà cụ được ghi nhận chính thức là người cao tuổi nhất thế giới là dân…nước tôi: cụ Julie Winnefred Bertrand, cùng cư ngụ tại Montreal với tôi vừa qua đời vào ngày 18 tháng giêng vừa qua ở tuổi 116. Thời trẻ cụ đã có “quan hệ gần gũi” với chàng luật sư Louis St Laurent, người sau này trở thành Thủ Tướng Canada từ năm 1948 đến 1957. Cụ ông cao niên nhất thế giới được ghi nhận trong sách kỷ lục Guinness, cụ Emiliano Mercado del Toro, 115 tuổi, người Puerto Rico, cũng đã từ giã chúng ta vào ngày 24 tháng giêng năm nay. Cụ này độc thân vui tính, không vợ không con, không cháu không chắt gì cả.

Các cây cổ thụ trên coi bộ chẳng có bí quyết gì để sống hùng sống mạnh quá trăm năm cuộc đời cả. Cụ thì con cháu đầy đàn, cụ thì chẳng vợ con, cụ thì cà phê, thuốc lá, rượu chè thả cửa. Các cụ đều là người thành thật, có sao nói vậy, chứ không tinh quái như ông cụ trăm tuổi được tôi phỏng vấn mới đây.

“ Thưa cụ, cụ có thể cho đám hậu sinh chúng cháu biết bí quyết sống trên trăm tuổi của cụ được không ạ?”

“ Cậu hỏi để làm chi vậy?”

“ Thưa để cháu đưa lên báo cho mọi người bắt chước theo hầu có được cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh như cụ.”

“ Ờ! Ba ngày nữa cậu trở lại, tôi sẽ trả lời.”

“ Thưa cụ, sao lại phải ba ngày nữa vậy?”

“ Ơ hay cái cậu này! Đã bảo ba ngày là ba ngày, nghe không rõ à? Tôi còn chưa quyết định nhận quảng cáo cho bên nào giữa hai bên: một bên là hãng chế tạo bia, một bên là hãng bào chế thuốc bổ bằng nhân sâm!”

Cụ Vương Hồng Sển, vị thầy của tôi ở Đại Học Văn Khoa ngày xưa, rất được lòng sinh viên vì cách ăn nói bộc trực, thẳng thừng, chắc chắn không…ma lanh như ông già cà chớn trên. Cụ Vương sanh năm 1902 và mất năm 1996, còn thiếu 6 năm nữa mới được gia nhập vào câu lạc bộ Trăm Tuổi, nhưng cũng đã mượn người xưa để luận về sự trăm tuổi. “ Chuyện cũ nhắc lại đây: trong quyển “Chuyện Cười Cổ Nhân”, mở trang đầu, thấy chuyện ông Ký viên, một hôm ra đồng gặp ba ông lão trên bảy tám mươi còn làm việc đồng áng khỏe như trai tơ, lấy làm lạ hỏi về khoa cấp dưỡng, ba ông dạy: Ông thứ 1: “ Thất nội cơ thô xú” (Vợ nhà thô kém); Ông nhì: “Vãn phạm giảm sổ khẩu” ( Cơm chiều bớt vài miếng); Ông ba: “Dạ ngọa bất phúc thủ” (Đêm nằm chẳng úp đầu. Nghĩa tục, chữ rất thanh)….Muốn vui lâu ép buộc ba điều: già không nên có vợ đẹp, không nên rán ăn quá sức vào buổi tối, và không nên nằm sấp mặt, tức cữ cái kia kia; áp dụng đủ ba phương pháp ấy, tránh khỏi đau lưng, khỏi đau dạ dày và không cỡi gió!”. ( Sài Gòn Tạp Pín Lù ).

Ông già Hugh Hefner không coi những lời khuyên vàng ngọc trên của cụ Vương ra ký lô nào! Bạn có biết ông già này không? Đó là người đã sáng lập ra tờ tạp chí đàn ông ai cũng biết vào khoảng trên nửa thế kỷ trước: tờ Playboy! Tờ báo toàn những con người ngà ngọc không được quấn vải này hiện nay vẫn ra đều đều hàng tháng nhưng ông Hugh thì đã về hưu, giao cho cô con gái Christina Hefner tiếp tục sự nghiệp hoa lá cành. Chúng ta, những độc giả, chỉ được thấy hình các cô gái này dẹp lép trên trang báo, nhưng ông chủ Hugh Hefner thì được ôm các núi lửa này bằng xương bằng thịt. Đó có lẽ là người đàn ông diễm phúc nhất trần gian. Năm nay ông già trai lơ này đã 81 tuổi (sống với toàn người đẹp trẻ măng hầu hết cuộc đời mà thọ được tới 81 thì cũng coi như quá trăm tuổi!). Ngày 24 tháng 3 vừa qua, người đã tổ chức mừng sinh nhật một cách rất ư không vừa lòng cụ Vương. Buổi tiệc mừng được kéo dài suốt hai ngày đêm từ khách sạn The Palm đến Las Vegas với rượu ngon, gái đẹp trong đó có cả cô con nhà tỷ phú siêu quậy Paris Hilton. Người đẹp Hilton đã nhảy một bản valse rất mùi mẫn với ông già chịu chơi này. Mừng sinh nhật xong, ông già vẫn tươi rói trong khi các người đẹp đều mệt lử!

Trăm tuổi là già chăng? Già quá đi chứ còn gì nữa. Theo người xưa thì bảy chục đã là…cổ lai hy! Người xưa thì…xưa là cái chắc. Cái tuổi “hy hữu trong thiên hạ từ xưa đến nay” này nay đã bị dân Việt chúng ta cười vào mũi. Theo bộ Y Tế Việt Nam thì tuổi thọ trung bình của dânViệt nay đã lên tới 71,3 tuổi rồi! Nếu cần một con số so sánh thì vào năm 1945 dân nước ta chỉ sống trung bình được 38 năm. Nhưng nếu so sánh với các nước Á Châu khác thì dân Việt chưa thể gọi là sống dai được. Tuổi thọ trung bình của Mã Lai và Thái Lan là 72, của Brunei là 76, của Singapore là 77 và của Nhật là 85 cho các cụ bà và 78 cho các cụ ông. Nước Nhật hiện có 23 ngàn người trên trăm tuổi. Nước Mỹ, với dân số đông gấp đôi Nhật có tới 50.454 cụ trên trăm tuổi vào năm 2000. Theo Viện Thống Kê Hoa Kỳ thì năm nay có 71 ngàn cụ có tuổi tính bằng ba con số và dự trù vào năm 2050 con số này sẽ vượt qua mức 1 triệu!

Kéo dài tuổi thọ đến trăm năm ngày nay coi bộ không khó. Nghĩ như vậy nên khi vừa được 90 tuổi, cụ Alec Holden, dân Anh, đã tới công ty chuyên cá độ William Hill để cá…trăm tuổi. Dân Anh là dân chuyên cá độ. Cái gì họ cũng có thể cá được. Công ty William Hill bắt liền. Trông thấy hình dạng ốm yếu của ông già 90 tuổi Holden họ nghĩ họ sẽ ăn chắc. Họ nhận tiền đặt của cụ cửu tuần Holden là 100 bảng và cá 1 ăn 250. Nghĩa là nếu cụ Holden ngáp ngáp được tới trăm cái đông tàn thì cụ sẽ thắng cuộc ôm trọn 25 ngàn bảng Anh. Nếu cụ về với Chúa trước khi trăm tuổi thì công ty sẽ được 100 bảng của cụ. Cụ Holden đã dai dẳng bám lấy cuộc sống tới năm nay là đúng con số trăm, tỉnh bơ đến lãnh bạc! Được hỏi sao cụ dám tin tưởng sẽ sống tới trăm tuổi để cá cược, cụ phều phào: “Tôi làm thì ít, chơi thì nhiều. Năm nào tôi cũng phải làm một hai chuyến đi du lịch kết hợp với nghỉ ngơi. Không nghỉ hè thì cũng nghỉ đông. Buổi sáng tôi hay ăn cháo ngũ cốc. Và tất nhiên sống đến tuổi này thì phải biết thở ra hít vào một cách điều độ!”

Trăm tuổi đã…ngon rồi nhưng các nhà khoa học vẫn chưa bằng lòng. Họ còn đang tìm cách kéo dài thêm tuổi thọ của con người bằng cách đột kích vào những gien làm con người lão hóa. Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra gien Klotho mà nếu con người thiếu gien này sẽ sớm già. Chính gien này đã làm chậm lại quá trình lão hóa như yếu xương, nghẽn động mạch và yếu các cơ. Trong khi đó, vào năm 2003, một nhóm nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra sự lão hóa nơi con người là do sự biến đổi ở một protein được gọi là Lamin A gây ra. Vào năm 2004, một nhóm nghiên cứu tại trường Đại Học Hương Cảng do Giáo sư Zhou Zhongjun cầm đầu đã nghiên cứu sâu hơn và đã phát triển các chất ức chế Zmpste 24 nhằm phá vỡ sự sinh sản Lamin A. Với các nghiên cứu chuyên sâu, người ta hy vọng sẽ kéo dài tuổi thọ của con người tới 200 và thậm chí tới ngàn tuổi nữa!

Cứ lấy mục tiêu trước mắt là 200 tuổi đi. Nếu khoa học có thể chế tạo được viên thuốc tiên uống vào là chơi một mạch tới 200 tuổi, bạn có sẵn sàng nuốt viên thuốc này không? Nhiều phần là có. Con người ai cũng muốn sống lâu. Chơi với người thú vị hơn chơi với giun! Giáo sư Gregory Stock của School of Public Health thuộc Đại Học UCLA nhìn vào khía cạnh lạc quan của lớp công dân thọ tới 200 tuổi này. Theo ông thì việc kéo dài tuổi thọ gấp đôi sẽ cho người ta cơ hội làm lại những sai lầm, có những kế hoạch lâu dài hơn và giảm đáng kể chi phí chăm sóc sức khỏe nhờ trì hoãn được sớm các chứng bệnh do lão hóa.

Chuyên gia tâm lý Richard Kalish không lạc quan như vậy. Thi nhau sống dai sẽ thay đổi hầu hết các tương quan xã hội hiện có. Xã hội này đang dung nạp những con người trăm tuổi là cùng mà tự nhiên phải è lưng ra cưu mang những con người vài trăm tuổi. Nó phải lúng túng chứ! Lúng túng dữ! Giả dụ như một cặp vợ chồng chung sống với nhau đến năm sáu chục tuổi, họ biết rằng sẽ chịu đựng nhau mười lăm, hai chục năm nữa thôi là tan hàng, chặc lưỡi một cái, nín thở qua cầu cho nó đẹp! Bây giờ đường còn xa vời vợi, cả một khoảng thời gian thênh thang trước mặt, lại còn có tương lai nên rất dễ bề đứt gánh để làm lại cuộc đời. Hôn nhân sẽ không bền vững như hiện nay tuy hiện nay cũng đã không thể gọi là bền vững được rồi. Nhiều cuộc hôn nhân trong một đời người sẽ tạo ra một hình thái gia đình khác. Anh chị em không thuần nhất như hiện nay mà con anh, con em, con chúng ta là một tình trạng phổ quát. Rồi còn cách biệt tuổi tác giữa anh chị em. Sẽ có cách biệt năm bảy chục năm giữa anh chị em. Và cách biệt cả trăm năm giữa cha mẹ và con cái. Một tình trạng như vậy sẽ khiến chúng ta phải có một hình thái xã hội khác. Nhà tâm lý học Chris Hackler của Đại Học Arkansas đã phát biểu như thế này: “Tuổi thọ gấp đôi sẽ tái định hình khái niệm gia đình theo những cách khác. Nếu tình trạng đa hôn nhân trở nên phổ biến đúng như dự báo của Kalish và mỗi cặp vợ chồng sẽ có nhiều con, khi ấy sự căng thẳng giữa các anh chị em ruột sẽ trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, nếu các cặp vợ chồng tiếp tục xu hướng hiện tại có con bắt đầu ở độ tuổi 20 hoặc 30 thì sẽ có 8, thậm chí 10 thế hệ cùng chung sống trong một đại gia đình!”

Đời sống xã hội, với những nhân viên có thâm niên làm việc cỡ trăm năm, sự khác biệt giữa lớp công nhân trẻ và già sẽ làm nhức nhối không khí làm việc. Sẽ không có sự kế tục của những tài năng và ý tưởng trẻ trung khiến công việc trì trệ, tồn đọng và tụt hậu. Về chính trị, nếu một cá nhân tiếp tục nắm giữ quyền lực tới cuối đời thì điều gì sẽ xảy ra. Hình như ngay từ bây giờ, chúng ta đã manh nha thấy câu trả lời trong các chế độ độc tài.

Trăm tuổi! Nghe tuổi già sức yếu như vậy nhưng đó là một…sát thủ! Nạn nhân là…ngôn ngữ. Ngày nay chúng ta thường dùng từ “trăm tuổi” để chỉ sự trở về với đất của những bậc già nua. Cụ tôi đã trăm tuổi! Trăm tuổi có nghĩa là phải đi đứt rồi. Vậy mà ngày nay trăm tuổi vẫn cứ sống hùng sống mạnh nhởn nhơ với đời, từ “trăm tuổi” bị…bức tử về mặt ý nghĩa. Chắc đã tới lúc chúng ta phải đổi lại ngôn ngữ: cụ tôi đã…ngàn tuổi!

Chứ trăm tuổi, ngày nay, chuyện nhỏ!

05/2007