Chí
Chuông
Đá
Đạo
Dị
Điện
Gả
Gầy
Giữa
Hắt
Hôn
Lái
Lão
Mũi
Nem
Ngẫu
Ngáy
Nghề
Ngứa
Nguội
Nguy
Nhám
Nhất
Nuôi
Phởơơơ
Quậy
Tắm
Tán
Tem
Thú
Tim
Trăm
Trúng
Tụt

Xìu
Xuân

 

NHẤT

Nhất là số dách, ngất ngưởng chẳng ai bằng. Trò đời ai cũng thích nổi trội hơn người. Nhất là trội số một. Muốn trội thì phải có cái gì hơn người khác. Không có gì hơn mà muốn hơn thường phải giở trò dóc. Ta con ông trạng cháu ông nghè / Nói dóc trên trời dưới đất nghe! Trình độ dóc đến như thế là… nhất! Nhất là …nhất nên người ta thi nhau dành cho được cái ngôi vị chót vót này.

Trong các người đẹp, người đẹp nhất là hoa khôi. Á hậu, dù là á hậu một hay á hậu hai đều là những bóng mờ. Bởi vậy nên trong các cuộc thi sắc đẹp thường các thí sinh sẵn sàng chi ra đủ thứ để đoạt được vương miện. Chẳng thi thố gì cả, mỗi nơi mỗi chốn, trong sở làm, trường lớp, đơn vị hay quán hàng, nếu có từ hai bóng hồng trở lên là có…hoa khôi. Mà hoa thì ai cũng thích, cũng muốn cất riêng cho mình. Muốn được hoa thì phải tán tỉnh. Nếu có từ hai anh hùng trở lên cùng ngấp nghé một thuyền quyên thì phải so tài. Cái miệng lúc này mới vào việc. Thanh Tịnh là một nhà văn tiền chiến nổi tiếng với đoạn văn ngày khai trường: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.” Khi Thanh Tịnh về Hà Nội vào năm 1954, ông không còn đi học nữa. Ông đã hơn bốn chục cái…thu vàng. Rất khỏe mạnh, đẹp trai lại thêm cái tài đánh bóng bàn, ông được nhiều cô gái Hà Thành mê. Ông cũng lạc vào bến mê với những bóng hồng lịch lãm của đất ngàn năm văn vật. Trong số các người đẹp, ông mê nhất cô dọn bàn ở nhà ăn tập thể Lý Nam Đế. Đối với ông, đó là “đệ nhất nữ hoàng”. Khốn nỗi, nhà ăn tập thể quân đội là nơi tập trung nhiều sĩ quan, mang lon lá ra đè nhau là chuyện đương nhiên. Một anh Thiếu Tá nổi tiếng là tán giỏi cũng mê “đệ nhất nữ hoàng” nhà ăn này. Thanh Tịnh lúc đó là Đại úy. Lon lá thua trông thấy. Tán tỉnh ngang tài ngang lứa. Muốn chiếm phần thượng thừa chỉ còn cách dùng đòn độc cho đối phương đo ván. Một buổi chiều, sau xuất tập thể dục về muộn, nhà ăn vẫn nhộn nhịp vì đông người vào một lúc. Cả viên Thiếu Tá, cả Thanh Tịnh đều có mặt. “Đệ nhất nữ hoàng” vừa bưng canh bưng cơm, vừa tươi cười mời mọc, vừa cười duyên với nụ cười xiêu đổ lòng người. Đến bàn nào nàng cũng xin lỗi: “ Xin các anh thông cảm. Các anh về muộn nên cơm canh không còn được nóng. Có lẽ còn thiếu canh nữa là đằng khác. Thôi, mai em xin đền!”. Viên Thiếu Tá chớp luôn cơ hội: “ Em ạ, bọn anh chẳng cần canh. Em cứ cho anh một bát cười thế kia là no rồi!”. Thanh Tịnh ngồi bên bắt được chữ “bát cười” bèn hạ đũa xuống mâm và dõng dạc lên tiếng: “ Thưa Thiếu Tá! Xin Thiếu Tá nói rõ cho, Thiếu Tá cần “bát cười đứng” hay “bát cười ngồi”?. Viên Thiếu Tá bị Thanh Tịnh kê tủ đứng, mặt tái mét, không nói thêm được gì nữa!

Xem ra nhà văn Thanh Tịnh là người dễ tính. Kiếm được ngay người đẹp. Tìm được một người đẹp và hợp với mình nhất không phải là dễ. Anh chàng bác sĩ ở Trùng Khánh khó tính hơn nhiều. Anh đã hò hẹn với 500 người đẹp mà chưa chọn được một người vừa ý để lấy làm vợ. Mà anh có trẻ trung gì cho cam. 35 rồi chứ bộ! Tiêu chuẩn chọn lựa của anh ta: cao, mắt to, lông mày rộng, không sinh vào năm con rắn và con khỉ, nghề nghiệp ổn định, cha mẹ thuộc thành phần trí thức, chưa từng có người yêu và còn trinh! Anh đã được coi là người kén vợ nhất thế giới!

Nhất thế giới? Trên trái đất mênh mông này mắt nào mà nhìn cho hết để xác định cái này hay cái kia là nhất thế giới? Câu hỏi đã được Sir Hugh Beaver, Giám Đốc Điều Hành hãng rượu Guinness bên Ái Nhĩ Lan đặt ra vào ngày 10 tháng 11 năm 1951. Bữa đó ông đi săn và tranh luận với bạn bè xem loài chim nào bay nhanh nhất. Cuộc tranh luận đi tới ngõ bí vì chẳng ai chứng minh được gì cho lập luận của mình. Tối hôm đó, tại lâu đài Castlebridge House, ông Beaver mới thấy là chẳng có một cuốn sách nào để tham khảo hầu giải quyết cuộc tranh luận này được cả. Ông ngồi suy nghĩ. Đêm đêm, chỉ nguyên tại 81.400 tửu điếm ở Anh và Ái Nhĩ Lan, có biết bao nhiêu cuộc tranh luận đại loại như cuộc tranh luận của ông và các bạn bè mà chẳng có cuốn sách nào để làm trọng tài cho kẻ thắng người thua cả. Vậy một cuốn sách thuộc loại này chắc chắn sẽ ăn khách. Biết bao nhiêu người cần tới nó!

Nghĩ là làm. Một nhân viên của ông tên Christopher Chat-away đề nghị giao việc thưc hiện cuốn sách cho hai anh em sinh đôi Norris và Ross McWhirter. Hai người này đang điều hành một văn phòng “tìm kiếm chứng cớ” tại Luân Đôn. Họ đã hoàn tất bản thảo đầu tiên của cuốn sách vào tháng 8 năm 1954. Tên sách: The Guinness Book of Records (Sách Kỷ Lục Guinness) lấy theo tên hãng rượu của ông Beaver. Ấn bản đầu tiên in một ngàn cuốn bán hết bay. Nương vào thành công bước đầu, họ thuê hẳn một trụ sở riêng cho sách tại số 107 đường Fleet Street, con đường báo chí ở Luân Đôn. Con đường này, kể từ ngày hãng thông tấn Reuter dọn đi vào năm 2005, không còn một cơ quan báo chí hay truyền thông nào tọa lạc nữa. Tuy nhiên nói tới Fleet Street người ta vẫn nghĩ tới báo chí. Cũng như đường Phạm Ngũ Lão, con đường của báo chí Sài Gòn trước năm 1975, bây giờ cũng đã hết…báo chí! Nhưng nói tới báo chí Sài Gòn trước 75 thì phải nhắc ngay tới đường Phạm Ngũ Lão.

Năm sau, 1955, ngày 27 tháng 8, ấn bản sách Guinness trở thành cuốn sách bán chạy nhất best seller của Anh. Năm sau nữa, 1956, sách được bán cả qua Mỹ và đã đạt tới số bán kỷ lục 70 ngàn ấn bản. Từ đó, mỗi năm sách được phát hành vào tháng 10 để tung ra thị trường trong dịp dân chúng mừng lễ Giáng Sinh.

Những ấn bản gần đây của sách The Guinness Book of Records chú ý ghi những kỷ lục tạo ra trong những cuộc tranh tài của con người trên khắp năm châu. Tuy nhiên những kỷ lục lẩm cẩm đại loại như cục bướu nặng nhất, cây độc nhất, con sông ngắn nhất, người bán hàng thành công nhất, người ít tuổi nhất đã đi du lịch trên khắp các quốc gia trên thế giới… cũng được ghi vào sách. Chính cuốn sách cũng đã tạo ra được kỷ lục là sách có số bán nhiều nhất thế giới! Hơn 100 triệu ấn bản viết bằng 37 ngôn ngữ đã được bán trên hàng trăm quốc gia.

Khi đã có cái uy lực là được sự tin cậy của mọi người trên khắp trái đất, cuốn sách đã bước chân ra khỏi những trang giấy để khuyến khích mọi người tạo những kỷ lục mới. Năm 2005, Guinness chọn ngày 9 tháng 11 làm Ngày Kỷ Lục Thế Giới Guinness Quốc Tế (International Guinness World Records Day) để khuyến khích mọi người phá những kỷ lục cũ. Năm sau, 2006, đã có 100 ngàn người trên 10 nước tham gia. Nhờ vào sự khuyến khích này đã có 2244 kỷ lục bị phá trong vòng 12 tháng. Nhưng không phải kỷ lục nào cũng được khuyến khích. Đã có những kỷ lục đưọc ghi vào sách nhưng về sau bị bãi bỏ vì lý do đạo đức nghề nghiệp. Tỷ như kỷ lục về “mèo nặng nhất thế giới” đã bị cho về vườn. Lý do là vì các chủ nuôi mèo muốn tạo kỷ lục nên cho mèo ăn quá độ khiến nguy hiểm cho sức khỏe của các chú meo. Hoặc các kỷ lục về “ăn và uống” cũng phải ngưng vào năm 1991 vì các tham dự viên muốn tạo kỷ lục đã ăn uống quá lố có hại cho sức khỏe. Tất cả các kỷ lục về uống rượu và bia cũng cho đi chỗ khác chơi. Kỷ lục về ăn các thứ không phải là thực phẩm như xe đạp hay gỗ cây cũng được bãi bỏ. Vậy mà trên website của Guinness cũng đã liệt kê được 45 ngàn kỷ lục thế giới. Mỗi kỷ lục đều được kiểm chứng và xác nhận giá trị đàng hoàng.

Bạn và tôi, chúng ta đều là công dân trên thế giới, chúng ta có quyền tạo kỷ lục không? Có là cái chắc! Miễn là bạn có tài. Nhưng làm sao để tạo kỷ lục được ghi vào sách Guinness? Bạn cứ vào website http://www.guinessworldrecords.com người ta sẽ hướng dẫn đầy đủ.

Hoặc bạn có thể học kinh nghiệm ở những người cầm quyền tại nhiều địa phương tại Việt Nam. Không hiểu sao mà đất nước ta ngày nay lại hứng thú muốn tạo kỷ lục đến thế không biết! Trong dịp tổ chức hội nghị APEC vào cuối năm 2006, Việt Nam đã may lá cờ nặng gần 1 tấn ghép bằng 13 ngàn thước vuông vải! Lá cờ do Công Ty Chiến Thắng ở Sài Gòn may trên vải ni lông trắng có hình logo APEC Việt Nam với hình chiếc nón lá khổng lồ 50m x 55m. Tất cả 50 công nhân của Công ty đã thực hiện liên tục trong 15 ngày việc thiết kế, cắt và may với tổng chi phí lên tới 300 triệu đồng. Theo ông Hoàng Ngọc Nam, Phó Giám Đốc Công Ty Chiến Thắng thì “đây là lá cờ có một không hai trên thế giới”! Lá cờ đang giữ kỷ lục thế giới hiện nay là của Ba Tây, may năm 1998 với kích thước chỉ có 70m x 100m trong khi lá cờ của Việt Nam vươn ra với kích thước 80m x 125m! Vào ngày khai mạc Hội Nghị lá cờ đã được 3 ngàn học sinh và sinh viên căng ra tại sân banh Gia Lâm, Hà Nội và sau khi Hội Nghị bế mạc vào ngày 21/11 lá cờ đã được 5 khinh khí cầu loại lớn nâng lên và tung bay ở độ cao 100 thước tại khu vực cánh đồng ngã ba Mỹ Đình – Làng Hòa để chào mừng Hội Nghị thành công! Vẫn theo lời ông Hoàng Đình Nam thì Công Ty Chiến Thắng đã làm thủ tục để lá cờ khổng lồ này được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness!

Cũng trong dịp tổ chức Hội Nghị APEC, Công Ty Hoa Anh Đạt cùng các nghệ nhân của làng nghề ở Hà Tây đã chào mừng bằng một đôi guốc thuần mộc dài 2,4m, rộng 0,7m, cao 1,2m, nặng khoảng 300 kí. Các nghệ nhân đã phải dày công lặn lội khắp miền núi phía Bắc ròng rã mấy tháng trời mới tìm được cây gỗ đủ tiêu chuẩn. Phần thân guốc là một kỳ công. Nguyên việc sơn guốc đã tốn hết hơn một tháng trời. Phần quai guốc được các nghệ nhân thực hiện trong vòng 20 ngày với hoa văn trang trí theo văn hóa Đông phương. Quai guốc được đóng vào thân guốc bằng 16 cây đinh làm bằng đồng nguyên chất, mỗi cây nặng tới 1 kí.

Cây nem chua có chiều dài 11m, đường kính 30cm, được làm từ 330 kí thịt, 300 kí lá và 10 kí gia vị đã được thực hiện trong dịp Lễ Hội Biển 2007 vừa được tổ chức tại Nha Trang. Đây là công trình của 20 “chuyên viên” nghề nem tại Ninh Hòa và thày trò trường Du Lịch Nha Trang. Đây là một trong bảy kỷ lục được trình làng trong mùa Hội Biển này. Bảy kỷ lục là: cây nem chua khổng lồ, nối bánh canh Thạch Sanh, đôi cá ngựa và cá mao tiên, chim yến làm bằng vỏ gáo dừa, bàn cờ vua, chong chóng khổng lồ, màn hình lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay!

Cũng nhất là chiếc ghế - giuờng xếp khổng lồ do 12 công nhân làm việc trong 40 ngày, dùng hết 120 kí vải, 3.540 kí khung sắt có thể chứa được 40 người nằm cùng một lúc. Chiếc ghế giường xếp khổng lồ này có kích thước: dài 16m, ngang 6m và cao 5m! Xe cần cẩu đã được dùng để di chuyển và kéo căng ghế. Chiếc ghế đã được giới thiệu trước công chúng tại sân vận động Quận 8, Sài Gòn vào cuối năm 2006 và đã được đăng ký vào sách kỷ lục Guinness! Đây là sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân Duy Lợi. Cũng doanh nghiệp này, năm 2005, đã hoàn thành chiếc võng xếp được công nhận là lớn nhất thế giới trong sách Guinness.

Việt Nam ta còn làm tới, tổ chức các cuộc hội ngộ của các kỷ lục gia, đua nhau mang tới các thứ…nhất để mong tên tuổi vào sách Guinness. Trong “Hội Ngộ Kỷ Lục Việt Nam 2006” tại Công Viên Đầm Sen, Sài Gòn, đã có các thứ khổng lồ khác. Như chiếc phin cà phê cao 1m, rộng 1,97m do 10 công nhân công ty Tấn Hưng làm trong 20 ngày. Như hộp trà lớn nhất 6m x 2m được làm bằng sắt bên trong đựng 20 gói trà khổng lồ, mỗi gói nặng 35 kí. Như chiếc áo kiểu T-shirt dài 30 m, không nối, có thể chứa được 100 người mặc cùng một lúc.

Thấy Việt Nam ta hội nhập vào thế giới bằng những thứ lỉnh kỉnh và cồng kềnh như vậy, tôi phôn cho ông bạn. Không biết giọng nói của tôi có âm sắc “hồ hởi” không mà bị ông bạn kê cho nguyên một chiếc tủ đứng loại…nhất vào mặt. Ông có biết là tôi vừa phải gửi tiền nhờ một người về Việt Nam giúp cho các đồng bào nghèo không? Thấy hình ảnh trên báo mà không cầm lòng được! Tôi bỗng ngưng ngang, cúp phôn. Ừ, một chiếc áo khổng lồ cho 100 người mặc để làm gì nhỉ? Cây nem 330 kí thịt để thờ à? Chiếc giường xếp cho 40 người nằm để làm chi? Hộp trà chứa 700 kí trà để cho ai? Chỉ để có cái tên trong một cuốn sách chứa tới 45 ngàn kỷ lục. Hỏi một ông bạn khác, lại nhận được tiếng chửi thề. Mẹ kiếp! Ngày xưa mắc bệnh thành tích nặng quá, giờ vẫn chưa hết bệnh. Cứ thấy cái gì nhất là nhào vô, chẳng nghĩ ngợi mẹ gì cả! Bộ dư vải dư thịt dư sắt dư gỗ lắm hay sao mà làm toàn chuyện ruồi bu! Tôi lại một phen buồn. Rót một chén trà trong một chiếc bình trà bé tí xíu, ngồi ngẫm nghĩ sự đời, tôi bỗng cười khan. Hóa ra chuyện con ếch muốn to bằng con bò chẳng phải là chuyện chỉ có trong sách giáo khoa cho con trẻ!

Buồn tình tôi mở sách Guinness ra coi. Coi cái chi bây giờ? Thôi thì đã chót vương cái nghiệp báo chí vào người thử coi xem ngành báo chí có cái gì nhất không. Ở nước ta viết báo nhiều có nhà văn Bình Nguyên Lộc, có bà Tùng Long. Có thời họ cho đi tới cả chục cái truyện feuilleton cùng một lúc. Vậy mà đã ăn thua chi. Bà Ann Landers đã có bài trên 1200 tờ báo trên khắp thế giới với tổng số khoảng 160 triệu độc giả. Có bài cùng một lúc đăng trên một ngàn tờ báo khác nhau! Viết như vậy thì tiền để đâu cho hết. Không hiểu bà tính nhuận bút ra sao chứ bài báo có nhuận bút cao nhất là bài của ông nhà báo Oniter Honiminue, người Mỹ. Một bài viết ngắn khoảng 200 chữ ( trung bình một bài Phiếm là 3700 chữ!) nói về một cuộc chọi trâu đăng trên báo hình Sport đã được trả nhuận bút là 30 ngàn đô! Tính chi li ra thì mỗi chữ giá tới 15 đô! Nhuận bút là chuyện tiền ra của một tờ báo thì quảng cáo là chuyện tiền vào. Kỷ lục về giá tiền quảng cáo lớn nhất thuộc về tờ báo Nhật Bổn Yomiuri Shimbun. Trong tháng 4/1989, giá quảng cáo một trang lên tới 340 ngàn đô Mỹ cho số báo ra buổi sáng và 260 ngàn đô cho số báo ra buổi chiều!

Quảng cáo gì mà trời ơi đất hỡi vậy? Báo này có cái thế của nó. Nó là tờ báo lâu đời, có từ năm 1874, nhiều độc giả, mỗi số báo phát hành ra tới hàng chục triệu ấn bản. Đây là tờ báo có quy mô lớn nhất hiện nay với 468 văn phòng thường trú trên khắp thế giới gồm 3500 nhân viên! Quen thuộc với chúng ta hơn, nguyệt san Reader’s Digest ra đời tại Mỹ từ năm 1922, có tới 48 loại ấn phẩm bằng 19 thứ tiếng phát hành 29 triệu số mỗi kỳ. Riêng ở Mỹ là 17 triệu.

Mỹ cũng là quốc gia có nhiều báo nhất thế giới với 1800 tờ báo chính thức phát hành 70 triệu ấn bản mỗi ngày. Cao nhất là vào năm 1910, toàn nước Mỹ có 2202 tờ báo! Vậy mà nước trung bình có nhiều người đọc báo nhất không phải là Mỹ mà là Thụy Điển. Trung bình một ngàn dân Thụy Điển mua và đọc 680 tờ báo mỗi năm!

Tờ báo nặng nhất thế giới là số báo phát hành vào tháng 8/1987 của tờ Sunday New York Times, nặng tới 6,35 kí. Nhưng tờ báo nhiều trang nhất lại là tạp chí Hongkong Toys ấn bản tháng 1/1992 với 1356 trang!

Nói chuyện những cái nhất của báo chí tới đây chắc là đủ tuy rằng chuyện báo chí không phải chỉ là chuyện của người viết báo và làm báo mà là chuyện chung của những người đọc báo nữa. Nếu không đọc báo thì lấy gì mà…phiếm như chuyện bốn bà già hay khoe này. Bốn bà ngồi uống cà phê với nhau, bà nào cũng muốn khoe con mình là nhất. Một bà lên tiếng:

“ Con trai tôi là một linh mục, mọi người đều gọi nó là Cha!”.

Bà thứ hai bĩu môi:

“ Còn con trai tôi ấy à. Nó là Giám Mục, ai cũng cúi đầu cung kính gọi nó là Đức Cha.”

Bà thứ ba, làm như không cần khoe khoang, nhẹ nhàng nói:

“ Con tôi, chẳng nói giấu gì các bà, nó làm Hồng Y, đi tới đâu cũng được mọi người quỳ xuống hôn tay và kính cẩn gọi là Đức Ngài.”

Bà thứ tư ngồi yên không nói gì. Tuồng như bà không có gì để khoe về con trai mình. Ba bà kia sốt ruột gặng hỏi:

“ Còn con trai bà thì sao?”

Bà nói lơ đãng:

“ Con trai tôi ấy à? Nó không đi tu làm cha làm cố chi cả. Nó cao một thước chín, thân hình thể thao với những múi thịt cuồn cuộn, đẹp trai, nhiều tiền, ăn mặc bảnh bao. Thấy nó, các bà các cô đều thốt lên: “Ôi! Lạy Chúa tôi!”.

11/2007