Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

BẠC

Nói từ dưới nói lên thì bạc cắc là thứ…cắc ké nhất. Vậy mà Hui Bon Hoa, dân ta thường quen gọi là chú Hỏa, chỉ có buôn đồng nát, lượm bạc cắc mà thành triệu phú giầu ngất ngưởng một thời ở Sài Gòn xưa. Tại Little Saigon nay, ông Lê Chiêu cũng chỉ lượm bạc cắc mà từ một chiếc xe bán bánh mì dạo nay đã nên nghiệp với 25 nhà hàng nằm trên ba tiểu bang và một đội xe giao thức ăn tận nơi gồm sơ sơ có 500 chiếc! Bạc cắc nên nghiệp như vậy vẫn chưa chịu nằm yên. Chủ nhân của Lee’s Sandwiches còn đang nỗ lực đưa thương hiệu này tới toàn thể nước Mỹ và ra cả thế giới dưới hình thức nhượng quyền thương mại. Tại sao Lee mà không phải Lê? Nghe như tên của người Hàn. Ông Chiêu cho biết là viết như vậy cho người Mỹ dễ đọc. Phải chi mà là Lê thì người Mỹ biết ngay là tiếng Việt chứ không ú ớ nghĩ là Đại Hàn! Hai mươi năm trước đây, vào cuối thập niên 70, ông Lê Chiêu và gia đình định cư tại New Mexico, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, may mắn tìm được việc làm trong một tiệm bán thịt. Chân ướt chân ráo tới Mỹ, miệng mồm ú ớ, được trả 8 đô một giờ là nhất rồi. Nếu là người khác thì cứ an phận thủ thường cho chắc ăn, nhưng ông Chiêu thì khác. Năm 1980, ông Chiêu bỏ việc ngon, dọn qua San Jose và ghi danh học tiếng Anh tại một trường trung học. Ông thấy hàng ngày có một chiếc xe bán đồ ăn của người Việt xẹt tới trường mỗi buổi trưa lượm bạc cắc, ông xin phụ việc. Một năm sau, ông dành dụm tiền mua được một chiếc xe riêng cho mình. Ông Chiêu cho biết: “Người bán xe không muốn bán xe cho tôi vì ông ta thấy tôi không biết tiếng Anh và nhìn thấy tôi lúc đó rất lớ ngớ và nghèo nàn.” Hai vợ chồng được một số công ty cho đậu xe trong nhà xe của họ để bán thức ăn cho công nhân trong giờ giải lao và nghỉ trưa. Mỗi nơi dừng lại khoảng 10 hay 15 phút, bán xong chạy đi chỗ khác. Cứ luân phiên như vậy, xoay quanh giờ nghỉ của mỗi công ty mà bán. Hai năm sau, người em của ông Chiêu mua được một chiếc xe riêng. Và thương hiệu Lee Bros ra đời! Cha của ông Chiêu thấy cuối tuần, khi các công ty nghỉ, hai chiếc xe của gia đình nằm ụ ở nhà, phí của, ông lái xe xuống trung tâm thành phố San Jose để bán cho sinh viên trưòng Đại Học San Jose. Thấy ông bán được, các nhà hàng quanh đó kiện lên Hội Đồng Thành Phố. Ông không chịu thua, mua ngay một cửa tiệm gần đó và biến thành nhà hàng Lee’s Sandwichs đầu tiên. Và bạc cắc tiến lên bằng những bước nhảy vọt. Theo báo Người Châu Á thì trong năm 2003, Lee’s Sandwichs đã bán ra 2 trriệu ly cà phê đá và cũng từng đó ổ bánh mì. Dự trù trong năm 2006 này, con số trên sẽ tăng gấp đôi. Lượm bạc cắc nhưng Lee’s Sandwichs đã cho bạc triệu. Đầu năm 2006, gia đình ông Lê Chiêu đã tặng một triệu đô để xây dựng trường Đại Học Cộng Đồng Coastline, trường Đại Học đầu tiên trong vùng đông người Việt Westminster.

Ấy, cái thứ nhỏ nhít cùng mằng lủng củng trong túi nhiều khi đến bực mình mà cũng nên chuyện. Không biết trong số bạn đọc có nhiều vị cảm thấy như tôi không chứ đống bạc cắc trong túi luôn luôn làm tôi khó chịu. Giá trị thì chẳng bao nhiêu mà nặng túi thì quá quắt. Vài ngày lại phải tổng vệ sinh túi bằng cách ném những đồng bạc lẻ đáng ghét đó vào một xó một góc nào đó. Vậy mà chỉ vài ngày mua mua bán bán, cái túi lại bị phiền vì những ông bạn vô duyên này. Nhất là những ông tiền xu có tên Mỹ là penny! Một xu ngày nay làm được cái gì nhỉ? Có cho ăn mày chắc cũng bị họ mắng cho mất mặt! Có lẽ cái thứ bạc mạt hạng này chỉ còn có giá trị cho những anh con buôn chuyên để giá hàng có con số 99 xu ở cuối. Bảo những anh chuyên lượm tiền của bá tánh này đổi thì chắc chẳng anh nào bằng lòng. Đây là chuyện tâm lý nhằm câu túi bạc của khách hàng. Một món hàng giá $19.99 trông cũng dễ chịu hơn cái giá $20.00 chẵn chòi chứ tuy một xu lẻ là cái thứ chỉ đáng vứt đi! Chính phủ Mỹ đang định vứt đồng một xu thật. Bởi vì để sản xuất ra một đồng penny Ngân Khố Mỹ phải chi ra 1.23 xu! Tiền gà bằng ba tiền thóc! Lỗ chổng gọng! Bên Canada của tôi, thường thì hay…nhất trí với Mỹ, nhưng lần này thì không. Lý do là Canada đã có kỹ thuật chế ra đồng penny với giá thành chỉ có 0.7 xu. Trước cuối thập niên 1990, đồng xu Canada được đúc hầu như toàn bằng đồng. Tỷ lệ là 98% đồng. Nay, với kỹ thuật mới, đồng xu được chế như một chiếc bánh sandwich, nghĩa là một lớp sắt nằm giữa hai lớp đồng và kẽm bọc ở hai mặt. Tỷ lệ của nó là 94% sắt! Như vậy, chỉ trong năm 2005, chính phủ đúc ra 790 triệu đồng xu, lời được 2 triệu đô. Vẫn còn ngon! Nhưng nhà kinh tế Timothy Fisher của Đại Học Wilfrid Laurier ở tỉnh Ontario đã đá giò lái chính phủ trong một bản nghiên cứu mới được ông công bố. Bộ đồng penny của chính phủ nó có chân để chạy tới các nhà băng hay sao? Phải chuyên chở nó. Tiền chuyên chở phải tính vào vốn chứ! Mỗi năm chính phủ phải chuyên chở khoảng 2 ngàn tấn tiền penny. Tính đi tính lại thì chỉ nguyên với đồng xu, chính phủ lỗ mỗi năm 3.6 triệu đô! Trong khi đó, với đồng 2 đô, chi phí sản xuất chỉ có 25 xu, lời khoảng 700%. Nhìn ra thế giới thì Úc và Tân Tây Lan đã bỏ đồng xu từ hơn một thập kỷ nay rồi. Giá hàng của họ không một món gì tính bằng xu. Nghe nói tới đồng kim loại 2 đô của Canada, nhiều vị cư ngụ tại các nơi khác có lẽ sẽ không khỏi ngạc nhiên. Bộ tiền mất giá tụt hạng đến vậy sao? Đúng, dân…nước tôi đã tiêu tiền 1 đô và 2 đô bằng kim loại. Hồi đầu cầm đồng tiền cũng thấy bẽ bàng nhưng sau một thời gian cũng quen đi. Chỉ phải cái tội nặng túi!

Nếu cần phải biện minh cho nhà nước Canada thì tôi có thể cãi bằng lý do…vệ sinh! Tiền bạc là một thứ luân chuyển từ người nọ tới người kia, từ bàn tay này đến bàn tay khác, có bàn tay sạch có bàn tay bẩn. Vậy nên tiền bạc là thứ rất bẩn. Tiền giấy là thứ bẩn nhất, bẩn hơn tiền chì rất nhiều. Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương của Việt Nam vừa làm một cuộc nghiên cứu về độ bẩn của tiền bạc trong hai nhóm mẫu: nhóm tiền lấy ở ngoài chợ và nhóm tiền lấy ở trong quỹ của cơ quan. Kết quả, với nhóm tiền lượm nơi các hàng cá, hàng thịt tại nhiều chợ khác nhau, số vi khuẩn trung bình trên tiền giấy là 304.975.000 trong khi trên tiền chì chỉ có 20 ngàn vi khuẩn. Với nhóm tiền lấy từ các quỹ cơ quan thì số vi khuẩn trên tiền giấy là 87.187.500 trong khi tiền chì là 3167 thôi!

Đồng tiền giấy ở Việt Nam rất nhàu nát, bẩn thỉu. Điều đó ai cũng nhận ra nếu đã có dịp về Việt Nam, nhất là những đồng tiền có mệnh giá nhỏ như giấy bạc hàng trăm và hàng ngàn. Những tờ từ một ngàn trở xuống nhiều khi không muốn giữ trong người. Rất bầy nhầy. Mới đây Việt Nam đã cho in những loại tiền mới gọi là tiền polymer. Theo báo chí trong nước ca tụng thì đây là loại tiền sạch và rất khó làm giả. Độ nhiễm khuẩn nơi tiền polymer ít hơn khoảng 15 ngàn lần so với tiền giấy trước đây, ít hơn cả tiền kim loại. Mẫu tiền polymer lấy từ một hàng cá có 13 ngàn vi khuẩn trong khi tiền kim loại là 20 ngàn. Không biết khi lấy mẫu tiền để nghiên cứu, người ta có chú ý đến thời gian lưu hành và chuyển tiếp của tiền không. Có thể tiền polymer mới được phát hành sau này, chưa qua nhiều tay, nên vi khuẩn ít bám được vào tiền hơn. Dù sao, tiền polymer được in bằng kỹ thuật của Úc chắc cũng khá hơn.

Tiền bẩn như vậy giữ trong túi làm chi? Bẩn vậy chứ bẩn nữa cũng chẳng sao. Túi tiền càng phồng nhiều càng tốt. Bởi vì tiền làm nên giá trị con người. Nhiều người nghĩ như vậy. Rất nhiều! Vậy nên họ cố gắng kiếm được nhiều tiền càng tốt bằng bất cứ giá nào. Trong cái giá đó có cả cái lối kiếm tiền một cách…bẩn thỉu. Với họ, đồng tiền không có mùi, tiền nào cũng tốt miễn là có tiền. Các cụ còn xúi khôn xúi dại: có tiền mua tiên cũng được! Có đúng vậy không? Đông bạc là đông mọi thứ chăng? Trên bàn làm việc, trên cửa tủ lạnh, trên tường phòng tắm tại một số nhà quen, tôi thường thấy dán một tờ giấy nói về tiền khá lý thú. Bản này viết bằng tiếng Anh, tôi tạm dịch ra tiếng Việt. Tiền có thể mua được gì? Tiền có thể mua được một chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ; mua được sách báo nhưng không mua được tri thức; mua được thực phẩm nhưng không mua được sự ngon miệng; mua được đồ trang sức nhưng không mua được sắc đẹp; mua được một căn nhà nhưng không mua được một mái ấm; mua được thuốc thang nhưng không mua được sức khỏe; mua được xa xỉ phẩm nhưng không mua được văn hóa; mua được sự giải trí nhưng không mua được hạnh phúc; mua được một cây thánh giá nhưng không mua được Đấng Cứu Chuộc; mua được chiếc ghế trong nhà thờ nhưng không mua được Thiên Đàng!

Công lực của tiền bạc tưởng vô song hóa ra yếu xìu! Trên tờ The Gazette xuất bản ở Montreal có một bài công nhận tiền yếu thật. Nó không mua được hạnh phúc. Bài báo viết về một cuộc điều tra được thực hiện lần đầu tiên ở Canada do hãng Sensus Research ở Vancouver thực hiện. Đối tượng là 165 các ông bà đông địa, gia sản từ 10 triệu đô trở lên. Có tiền là có hạnh phúc chăng? 48% bác bỏ ngay. Đồng tiền trong tay bắt họ có nhiều lo nghĩ và đối phó hơn. 24% lo việc con cháu họ ỷ vào tiền của có sẵn chỉ biết ăn chơi phá phách, 34% lo làm sao duy trì được mức sống hiện tại trong khi vật giá ngày càng leo thang. Nghe ra có vẻ khôi hài nhưng họ có cái lý của họ. Vật giá gia tăng hàng năm khoảng 3% nhưng những xa xỉ phẩm mà những anh nhà giầu thường dùng hàng ngày lại gia tăng tới 11% mỗi năm! Cũng lo chứ! Trong số 165 anh nhà giầu này thì 53% sở hữu ít nhất là một chiếc xe Mercedes-Benz, 43% có ít nhất một chiếc xe BMW, 33% chơi một chiếc xe Porsche. Nếu ngồi xe sang là hạnh phúc thì quả là họ có hạnh phúc!

Tiền đẻ ra tiền nhưng tiền cũng đẻ ra…stress! Càng ngày càng có nhiều phụ nữ có nghề nghiệp chuyên môn vững chắc mắc hội chứng Bag Lady. Nghĩa là nỗi lo sợ một ngày nào mình phải ra đường ngửa tay xin ông đi qua bà đi lại. Họ cảm thấy cuộc sống rất bấp bênh, không tin tưởng được vào ai cả. Trong số phụ nữ có lợi tức 100 ngàn đô một năm trở lên, có tới 46% mắc hội chứng này. Đó là kết quả cuộc thăm dò của Allianz Life Insurance.

Tiền tự nó không có giá trị. Nó cũng chỉ là tờ giấy. Cùng một tờ giấy người ta in số 5 thì nó có trị giá 5 đô, in số 100 thì nó có trị giá 100 đô. Phí tổn để sản xuất ra một tờ giấy gọi là tiền y như nhau, chẳng biết mấy xu. Nó chỉ là tấm giấy xác nhận một số quý kim tương đương nằm trong kho của Ngân Hàng của một quốc gia. Nếu số quý kim dự trữ ít hơn trị giá số giấy bạc in ra thì tiền của nước đó giảm bớt giá trị. Trong những thể chế dân chủ, có nhiều cơ chế quyền hành kiểm soát lẫn nhau, việc vi phạm rất hạn chế. Nhưng trong những nước thiếu dân chủ, nhà nước nắm trong tay hết quyền lực thì việc vi phạm rất dễ xảy ra. Vì vậy mỗi lần in thêm tiền mới là một lần người dân có quyền đánh dấu hỏi. Liệu có lạm phát chăng? Đó là yếu tố tâm lý. Không phải chính quyền cứ muốn in là in. Mệnh giá tiền có thích hợp với thói quen dùng tiền của dân không cũng là một vấn đề phải lý tới khi muốn in tiền. Những bạn nào còn kẹt lại Việt Nam sau năm 1975 chắc còn nhớ vụ nhà nước in tiền có mệnh giá 30 đồng! Cái mệnh giá ngược ngạo này là chuyện…chửi thề của dân chúng. Dân thì quen thói kẹp từng trăm đồng một cho dễ trao đổi mà giấy bạc 30 đồng thì kẹp làm sao cho ra đúng một trăm đồng?

Tại Canada hiện nay tiền có mệnh giá 100 đô là lớn nhất. Trước đây có tiền 1000 đô nhưng đã bị bãi bỏ không tiếp tục phát hành nữa. Mới đây, Ngân Hàng Canada có ý định in tiền giấy 200 đô. Trước khi thực hiện, họ nhờ hãng SES Canada Research Inc. thăm dò 2 ngàn tiệm bán lẻ xem ý kiến của dân chúng ra sao. Kết quả có tới 59% phản đối, 40% mạnh mẽ chống đối. Vì sao họ chống đối? Bởi vì họ sợ tiền lớn nằm trong két thì khi bị cướp sẽ mất nhiều hơn. Một số còn cho biết là sợ tiền giả.

Tiền giả là một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam. Bởi vì nước ta nằm ngay sát Trung Quốc, một nước có tiếng trên thế giới là chuyên sản xuất đồ giả, đồ nhái. Tiền polymer vừa được tung ra thị trường, nhà nước ta còn đang ca tụng là tiền này rất khó làm giả thì ông bạn láng giềng chơi liền! Tỉnh biên giới Lạng Sơn vừa cho biết là tiền giả mệnh giá 500 ngàn đồng được in tại những cơ sở nằm sâu trong nội địa Trung Quốc được chuyển ra khu vực biên giới bán gần như công khai tại các chợ Lũng Vài và Pò Chài. Tiền giả được in trên chất liệu rất giống với tiền polymer thiệt. Một nhân vật của Ngân Hàng cũng đã không phân biệt được giả thật bằng mắt thường. Vậy là dân chúng đổ xô đi mua máy dò tiền giả. Không tin được vào sự bảo vệ của nhà nước, dân chúng tự động…kháng chiến! Phóng viên của Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết là đi một vòng quanh chợ Đồng Xuân, Hà Nội, chỗ nào cũng nhận được lời mời mua máy soi tiền. Có thứ máy hình dáng như chiếc bút bi giá chỉ có khoàng 10 ngàn đồng nhưng khả năng rất kém, có chiếc như chiếc đèn pin giá 25 ngàn đồng chỉ soi được tiền 50 ngàn đồng polymer, các loại tiền khác thì máy cười trừ. Chỉ có máy soi tiền Start giá khoảng 100 ngàn đồng là ngon lành hơn cả. Tiền nào cũng…chơi. Tiền giấy, tiền polymer và ngay cả tiền đô Mỹ, tiền Euro cũng soi tuốt. Câu “châm ngôn”: tiền nào của đó, bao giờ cũng đúng!

Tiền để tiêu nhưng tiền cũng là một công cụ phục vụ dị đoan. Thày bói gieo quẻ bằng tiền trinh là điều ai trong chúng ta cũng biết. Lối bói tiền của các nàng gypsy là điều tôi biết. Trong một cuộc rong chơi tại Baltimore khi còn trẻ tôi bị một cô nàng gypsy đứng chào mời khách bên ngoài một tiệm bói toán lôi vào. Bà thầy bói, có lẽ là mẹ cô gái cò mồi đứng dụ khách bên ngoài, nhìn tôi đăm đăm bằng đôi mắt áp đảo. Xong bà bảo tôi lấy đồ trong túi ra. Tôi rút ra một bao kẹo cao su. Mặt bà có vẻ thất vọng. Bà dục tôi rút tiếp. Tôi rút đủ thứ linh tinh ra. Cuối cùng là chùm chìa khóa. Bà cầm chùm chìa khóa, đặt lại trên bàn, có vẻ sốt ruột. Rồi bà nói toạc móng heo là rút tiền trong túi ra cho bà làm phép để tiền đẻ ra tiền. Sinh viên nghèo, tôi quý tiền bạc như máu thịt mình, sức mấy tôi ló tiền ra. Tôi bảo không có tiền, nhanh tay thu dọn mớ đồ linh tinh và đứng dậy. Bà ta la lên như tôi giật tiền của bà. Tôi vội chạy ra cửa. Cô gái chài khách vờ ôm giữ tôi. Tôi giữ chặt chiếc ví trong túi trong khi đám bạn tiến tới giải vây.

Bạc cắc còn có mặt trong lúc con người rời cõi tạm đi về cõi vĩnh hằng. Chúng ta thường tin tưởng là dương sao âm vậy, con người ra đi cũng cần có đồng bạc dằn túi mới yên tâm cho người ở lại. Chẳng lẽ đường xa là thế mà không có đồng bạc cắc trong người phòng khi lỡ vận! Khi nhà thơ Đinh Hùng rời chúng ta vào năm 1967 tại Sài Gòn, suýt nữa bạn bè và thân nhân quên nhét cho ông đồng xu dằn túi. “Thiếu Lang quay sang hỏi chị Đinh Hùng và chúng tôi: “Đã có ai đem tiền đi đường cho anh ấy chưa?”. Không ai hiểu câu hỏi của Thiếu Lang. Anh vội nhìn xuống, nhìn vào miệng Đinh Hùng còn mở hé mà nói rằng: “Giúp tôi một tay”. Bằng một chiếc đũa, Thiếu Lang cạy miệng người vừa mất để vào ít đồng tiền kẽm mà nói: “Để anh đi đường tới cõi siêu sinh tịnh độ”. Đó là lời kể của ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc trong bài “Kỷ Niệm Tao Đàn…”

Tiền là thứ ai cũng thích nên nhiều người tin là nó đem lại may mắn. Muốn cầu xin điều gì, người ta liệng tiền vào những vòi nước nơi công cộng. Được cái là liệng tiền vào trong nước nên chỉ có thể liệng tiền cắc. Đỡ cho cái túi biết chừng nào. Trên trường thể thao tiền cũng có thể liệng một trái banh vào lưới đối phương. Ít nhất người ta đã tin như vậy. Trong Thế Vận Hội Mùa Đông năm 2002 tại Salt Lake City, ông chuyên viên tạo sân băng cho các trận hockey người Canada, Trent Evans, đã lén chôn đồng bạc cắc vào giữa sân. Kết quả là cả hai đội hockey nam và nữ Canada đều đoạt được huy chương vàng! Đồng bạc cắc này đã được để trong bảo tàng viện Hockey Hall of Fame! Trong trận đấu chung kết cúp Stanley năm nay giữa đội Carolina của Mỹ và đội Edmonton Oilers của Canada, một đồng xu cũng được đội chủ nhà chôn trên sân. Không ngờ, trong khi đội khách Oilers khởi động trên sân trước trận đấu, cầu thủ Ryan Smyth trượt đúng vào đồng xu. Anh cúi xuống lượm lên. Đó là đồng tiền cắc của Mỹ. Hành động của anh không qua mắt được toán công nhân trong sân. Họ đã lén chôn một đồng khác xuống sân băng. Kết quả: bạc cắc thắng. Đội chủ nhà ẵm cúp!

Bạc cắc chúng có cái thần của chúng. Thử hỏi bạn một câu chơi. Nếu đang đi trên đường bạn thấy một đồng bạc cắc, bạn có cúi xuống lượm không? Nhiều phần là có, trừ những người có chứng đau lưng! Tiền chúng mò tới với mình ai nỡ nhắm mắt làm ngơ. Tuy bạc cắc không có giá trị tiêu dùng nhiều nhưng chúng là cái may mắn, bỏ sao đặng! Có một người luôn luôn làm ngơ là Đỗ Ngọc Yến. Ông bạn chủ báo Người Việt này chỉ thích cho người khác tiền. Giúp cô này, giúp anh nọ, cho người này, cho người kia, ai cần thì anh sẵn sàng móc tiền ra. Cửa túi anh rất rộng, bạc cắc cứ thoải mái ra đi. Vậy mà tờ báo của anh, đúng ra tờ báo này không còn là của anh nữa khi anh đã khơi khơi chia cổ phần cho nhân viên, vẫn cứ ngày một khấm khá hơn. Không chủ tâm lượm bạc cắc mà bạc cắc cứ lò mò tới. Lạ chứ! Một anh bạn trẻ của Người Việt, trong một bài viết đã lý giải chuyện lạ này như sau: “Tại sao một ông Chủ Nhiệm tờ báo, chuyên nghề cho tiền người khác, mà tờ báo cứ phát triển đều đều và tài chánh ngày càng mạnh? Không ai biết. Người Mỹ có câu ngạn ngữ này, nói về tình yêu: ‘Nếu bạn yêu ai, hãy thả cho người ấy đi, nếu người ấy trở lại thì thực sự người ấy là của bạn’. Bác Yến đã dám bỏ tiền cho nó đi, rồi cuối cùng nó đã trở lại”.

Biết cho bạc tiền ra đi phải là một người có lòng. Hơn nữa, một triết nhân!

09/2006