Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

TÀI

Nhìn vào thời khóa biểu hàng ngày của thằng cháu tôi mà tôi chóng mặt. Học ở trường, học kèm thêm, học võ, học bơi, học đàn… Hình như bố mẹ nó muốn nó trở thành thiên tài văn võ song toàn thì phải. Thiên tài thì cũng chỉ giỏi một thứ thôi chứ đâu có thứ thiên tài…aspirine trị đủ bá bệnh như vậy. Không một bậc cha mẹ nào mà không nuôi nhiều kỳ vọng vào con cái. Họ muốn con mình cái gì cũng biết, cái gì cũng hay. Không phải chỉ biết không mà phải xuất sắc về mọi thứ! Họ mong cho con hơn người nhưng họ thiếu thực tế không chịu nhìn vào khả năng của con. Họ lại còn dùng con để tranh đua với họ hàng, xóm giềng, bạn hữu. Nhồi nhét cho con đủ thứ để có cái mà…khoe với người khác!

Nhỏ thì phải học! Dĩ nhiên. Nhưng học cái kiểu thúc ép chạy đua thì chỉ thành…tâm thần! Em M. Th. bị cha mẹ thúc ép phải đạt được điểm cao, phải vào được trường danh tiếng. Cha em là kỹ sư, mẹ là giảng viên Đại học, không chấp nhận em học loại trung bình trong lớp. Không đạt được điểm cao là em bị mắng nhiếc, roi vọt. Chịu đựng một thời gian, em than nhức đầu, khó ngủ, hay cáu gắt, gây gổ với em, quên trước quên sau, học bài chậm thuộc, khi thuộc rồi thì vào lớp lại quên! Khi em thường xuyên buồn rầu khóc lóc và có ý định tự tử thì cha mẹ mới quýnh lên. Đưa em đi bệnh viện tâm thần. Sau một thời gian điều trị bệnh tình bớt nhiều: ăn uống trở lại, ngủ được, hết nhức đầu, vui vẻ trở lại. Nhưng mỗi khi sắp phải thi thì các triệu chứng cũ lại tái phát.

Em M.T.N. ở Tân Bình, học lớp 9, cũng vì áp lực phải học giỏi nên khó ngủ, đi dần đến mất ngủ hoàn toàn, thức trắng đêm, la hét, khóc cười vô cớ, nói năng lung tung. Tiến lên một bước nữa là màn nhảy múa, quì lậy cầu nguyện giữa sân. Khi được điều trị tâm thần, em kể với bác sĩ nhiều khi nghe thấy trong đầu tiếng cha mẹ chửi bới, thầy cô chê bai. Mỗi lần như vậy là em thấy bực bội, muốn đập phá, muốn đánh người khác.

Đó là các thiên tài bị rớt từ trời xuống. Đường bay không lấy gì làm ngoạn mục lắm. Tự các em, các em không muốn nhưng bị thúc ép phải vượt bạn bè bởi những bậc cha mẹ nhiều tham vọng, lắm tranh đua. Có những em chẳng ai bắt ép nhưng tài riêng tự lộ ra, cha mẹ hớn hở, nhiều vị coi các em như thần đồng. Đó là những em sớm biết đọc chữ. Không hiểu tại sao lóng rày ở Việt Nam lại rộ lên một đợt các em bé được coi là thần đồng vì sớm nhậm được mặt chữ. Em Lê Bá Hoàng Việt ở Hà Nội 18 tháng tuổi vẫn chưa biết nói, vậy mà chỉ hai tháng sau đã biết đọc sách báo và biết đếm tới số hàng ngàn! Câu nói đầu tiên của bé Việt khi 20 tháng tuổi, nhìn lên ti vi, đọc ngay hàng chữ trên màn hình: “Hành trình văn hóa”. Em rất thích coi ti vi. Muốn dỗ em nín khóc chỉ cần mở ti vi cho xem là yên ắng ngay. Khi coi, em tập trung không để ý gì tới chung quanh. Bé Việt rất lười ăn, muốn dỗ cho ăn thì cứ đọc sách báo cho nghe là…há miệng! Bây giờ, đưa bất cứ tờ báo nào cho bé, bé đọc vanh vách chữ lớn chữ nhỏ mà không cần đánh vần. Khi phóng viên báo VNExpress yêu cầu cháu đọc một tờ quảng cáo thuốc bắc, Việt đọc vanh vách những chữ ghi tên thuốc và tác dụng của từng loại thuốc tuy có những danh từ rất lạ tai và chắc chắn cháu không hiểu nghĩa như “chữa thần kinh tọa, thần kinh liên sườn, sưng khớp…”

Tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, bé Nguyễn Ngọc Vệ Sĩ 32 tháng tuổi, tức gần 3 tuổi chứ ít gì, vẫn chưa thèm nói. Cả nhà ai cũng lo. Vậy mà chỉ một tháng sau, cháu đã biết đọc! Bữa đó dì của cháu nằm đọc báo, cháu nằm ở phía sau tờ báo, đọc vanh vách. Người dì ngạc nhiên, lật ngược tờ báo lại coi thì thấy cháu đọc đúng từng câu trên trang báo. Khi phóng viên báo Thanh Niên tới coi sự tình thì thấy cháu nói vẫn bập bẹ, phát âm chưa tròn chữ, nhưng đưa cuốn sách “Tập đọc lớp 4” thì cháu đọc vanh vách. Bé Sĩ có một trí nhớ rất lạ nhất là những gì cháu coi trên ti vi. Chương trình nào cũng vậy, coi xong là nhớ như in trong óc!

Cháu Trần Như Tùng ở Hà Nội, 2 tuổi mới biết nói nhưng 6 tháng sau đã đọc vanh vách những dòng chữ trên ti vi hay trên báo chí. Phải một năm sau khi biết đọc, cháu mới nhận được mặt các chữ cái!

Những em bé sớm giao du với chữ nghĩa trên thường được xưng tụng là thần đồng. Điều đó đúng chăng? Các chuyên gia về tâm lý lắc đầu. Thần đồng là thứ hiếm, thường mỗi thế hệ chỉ có một, hai em. Còn biết đọc sớm thì hơi nhiều. Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết, khoa Tâm Lý, Đại Học Sư Phạm Hà Nội, cho biết thần đồng là các em có các khả năng đặc biệt xuất chúng nào đó về âm nhạc, tạo hình, toán học… Trong khi đó, các em biết đọc sớm thì rất nhiều và thường khi lớn lên các em không bộc lộ một tài năng gì đặc biệt tuy khá thông minh, học giỏi, làm việc ngon lành. Bà Tuyết đã tiếp xúc với vài chục em biết đọc sớm và đưa ra ba nguyên nhân. Thứ nhất, các em này có khả năng nhận xét, tự tìm tòi, khám phá cao nên nhiều khi cha mẹ không dậy mà các em vẫn biết nhận mặt chữ. Thứ hai là khả năng trực giác toàn bộ, não của các em này “chụp” lấy hình ảnh rất nhanh và nhớ những hình ảnh đó trong đầu. Thứ ba, trẻ được tiếp xúc thường xuyên với môi trường chữ nghĩa chẳng hạn như trong nhà hay mở hát karaoke, mở tiệm sách hay bố mẹ ông bà làm giáo viên. Những em này đọc chữ một cách máy móc nhưng không hiểu nghĩa chữ. Các trẻ này thường thông minh nhưng chưa đạt tới mức thần đồng! Nhiều khi không phải là thông minh nhưng là…bệnh! Bệnh tự kỷ.

Bệnh tự kỷ, tây gọi là autism, nó là cái gì vậy? Đây là một bệnh làm cho trẻ có lòng tự ái quá đáng. Những dấu hiệu mà các bậc cha mẹ tưởng con mình ngon lành như sớm biết đọc, biết làm toán được giới chuyên môn liệt vào hạng có “khả năng bất thường”. Nhưng khoảng 10% trẻ tự kỷ cũng có những dấu hiệu này. Tuy nhiên, sự thông minh bất thường này thường chỉ có ở một khía cạnh nào đó mà thôi, còn chung chung thì trẻ vẫn bị rối loạn phát triển. Nếu không sớm điều trị thì những khả năng đặc biệt này cũng có thể mất đi, để lại trần xì một đứa trẻ không có khả năng hội nhập vào cuộc sống. Cái khả năng như biết đọc sớm thực ra trẻ chỉ đọc vanh vách nhưng không hiểu gì cả, cũng như trẻ đọc làu làu bản cửu chương nhưng không thể làm được một phép tính cộng đơn giản cỡ 1+1 là mấy! Những trẻ biết đọc sớm nhiều khi được bố mẹ khoái chí cho đọc lung tung, sách báo đầy rẫy chung quanh, bé rất ham thích khiến cho em bé này chỉ biết vùi mình vào đống sách báo và bệnh càng ngày càng nặng.

Làm sao nhận biết trẻ có bệnh tự kỷ? Thường bố mẹ phải chú ý quan sát con xem có những biểu hiện của bệnh không. Những biểu hiện đó hiện ra bằng nhiều cách khác nhau nơi trẻ. Trẻ không biết giao tiếp bằng mắt hay những biểu hiện không lời như gật đầu, lắc đầu, chỉ tay… Khi thích món gì thì trẻ không biết chỉ mà cầm tay bố mẹ đặt lên trên vật đó. Trẻ tự kỷ không thích chơi với bạn mà chỉ thích được một mình, không biết chia sẻ niềm vui với người khác như không khoe áo quần đẹp, không khoe đồ chơi chúng thích, nhìn người khác như một cách vô cảm như nhìn một đồ vật. Chậm nói, nói đảo lộn chữ trong câu hay trả lời một câu hỏi bằng cách lập lại câu hỏi đó. Không biết chơi đồ chơi, chỉ thích cầm đồ chơi ném hay đập, hoặc chỉ thích một món đồ chơi nào đó nhưng không chơi một cách thông thường như chơi xe hơi thì lật ngược chiếc xe và quay bánh xe. Quan sát rất kỹ lưỡng một chi tiết nào đó trên một món đồ chơi hay đồ dùng trong nhà, cứ như một nhà bác học nghiên cứu một cách say mê. Thích những thứ rất tầm thường như hòn sỏi, cái que, ống lon… và đặc biệt rất thích những quảng cáo trên ti vi. Trẻ có những cử chỉ tay chân bất thường như xoắn tay, vặn tay không biết chán. Trẻ cũng không quan tâm đến ngoại cảnh nên không biết sợ, chẳng hạn ra đường cứ đường ta ta đi không cần biết tới xe cộ chạy ngang dọc quanh mình. Trẻ tự kỷ không thích nghi được với sự thay đổi như khi đang chơi một món đồ chơi nếu cha mẹ lấy đi hoặc thay đổi vị trí đồ chơi thì trẻ chỉ biết lăn ra khóc, đập đầu, giật tóc…chứ không biết thay đổi theo chiều hướng mới được bày ra. Khoảng 10% trẻ tự kỷ bị điếc nhưng vẫn nghe được một số loại âm thanh như bố mẹ gọi thì “điếc” nhưng tiếng nhạc thì lại nghe thấy. Khứu giác, vị giác của trẻ tự kỷ cũng bất thường. Ngoài ra, trẻ tự kỷ có đứa rất hiếu động, chạy nhảy, phá phách không biết mệt nhưng có đứa lại lờ đờ, không hoạt động.

Thường thì phải trên 18 tháng tuổi mới có thể chẩn đoán trẻ tự kỷ nhưng ngay từ lúc nhỏ những trẻ này cũng đã có những dấu hiệu như: khóc nhiều, nhận thức ít, ít để ý tới bố mẹ, không biết người lạ người quen, mắt xa vắng như…thi sĩ đang kiếm vần thơ!

Có thể chữa được bệnh tự kỷ nơi trẻ không? Có thể được nhưng cần phải chữa trị sớm, từ 18 đến 36 tháng tuổi là tốt nhất, phải chữa liên tục và bố mẹ cần kiên trì theo dõi con. Hội đủ ba yếu tố trên thì có hy vọng 30%, số còn lại thì bệnh cũng bớt đi nhiều. Theo đúng tiêu chuẩn thì phải chữa cho trẻ 8 tiếng mỗi ngày, 22 ngày mỗi tháng và chữa ít nhất trong sáu tháng mới được.

Tại sao lại…tự kỷ? Y học chưa tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên có ba yếu tố sau được coi là có liên quan đến tự kỷ. Thứ nhất là tổn thương não thực thể. Tổn thương này có thể xảy ra ở thời kỳ bào thai như mẹ bị nhiễm virus, nhiễm độc thai nghén, suy dinh dưỡng bào thai, hoặc khi sanh như sanh non, ngạt khi sanh hoặc sau khi sanh như suy hô hấp phải thở bằng máy, vàng da bệnh lý… Thứ hai là do di truyền, có thân nhân bị bệnh tâm thần. Thứ ba là do môi trường như bị nhiễm độc kim loại nặng như thủy ngân, chì… Mới đây, một nghiên cứu cầm đầu bởi Giáo Sư Thomas Bourgeron thuộc Viện Pasteur tại Paris đã được công bố trên tập san chuyên môn Nature Genetics cho biết là họ đã tìm ra những bất thường trên gene SHANK3 của những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ. Nhiệm vụ của gene này là tạo ra sự tương tác trong não cần thiết cho việc phát triển vùng ngôn ngữ. Nghiên cứu này, tuy vậy, mới chỉ lấy mẫu trên 5 đứa trẻ thuộc 3 gia đình nên chưa đủ dữ kiện để kết luận.

Nói chuyện thần đồng gẫy cánh tới đây coi như đủ. Nói chuyện những trẻ em tài ba thứ thiệt coi bộ vui hơn. Đang hot nhất là thần đồng Đại Hàn Song Yoo-geun, mới 8 tuổi đã vào Đại Học! Cậu nhí này nhập học trường tiểu học vào tháng 11/2004 và ba tháng sau, tháng 2/2005 đã tốt nghiệp. Lên trung học, bé Song mất đúng ba tháng để đậu bằng tốt nghiệp trung học vào hồi tháng 8/2005 vừa qua. Tính tổng cộng thì cậu nhí này chỉ mất 8 tháng 13 ngày để hoàn tất bậc tiểu học và trung học trong khi các học sinh khác phải mất tới 12 năm! Trường Đại Học Inha đặc cách cho bé Song nhập học môn Vật Lý và cậu trở thành sinh viên Đại Học trẻ nhất thế giới. Trong cuộc phỏng vấn để nhận vào học, cậu bé Song đã làm các giáo sư ngạc nhiên tột độ khi cậu giải thích rõ ràng phương trình sóng Schroedinger. Phương trình này do nhà vật lý người Áo E. Schroedinger công bố năm 1952 là một phần quan trọng trong lý thuyết cơ học lượng tử và được coi như định luật thứ hai về cơ học cổ điển của nhà bác học người Anh Isaac Newton! Mộng ước của cậu: đoạt giải Nobel về vật lý!

Cũng giỏi nhưng về ngoại ngữ là cậu Hà Duy Lộc, học sinh trường Lê Hồng Phong, Sài gòn. Mới 17 tuổi, cậu Lộc đã biết 13 thứ tiếng. Ngoài những sinh ngữ chính học tại trường, các sinh ngữ khác cậu đều mầy mò tự học. Đây là danh sách các ngôn ngữ cậu đã học xong: Hoa, Nga, Ả Rập, Nhật, Đức, Thái Lan, Hàn quốc, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan. Giờ này thì cậu đang “chơi” tiếng Nam Dương.

Nhưng giỏi đến các giáo sư Mỹ phải lắc đầu thú nhận là trong suốt cuộc đời dậy học của họ chưa bao giờ gặp một học sinh…kinh khủng như vậy là cậu David Banh, năm nay mới 18 tuổi, tới Mỹ cùng với gia đình vào thập niên 1980. Cậu vừa hoàn tất chương trình học của Đại Học Virginia thường phải mất 4 năm học nhưng cậu Banh chỉ cần một năm để qua cầu! Không những vậy, cậu còn tốt nghiệp hai môn một lúc, một kiểu học rất nặng. Giáo sư Toán Đại Học Virginia Donald Ramirez lắc đầu: “Tôi chưa từng chứng kiến chuyện như thế này bao giờ!” Counselor của trường Trung Học Thomas Jefferson, quận Fairfax, Vicky Doff phải thán phục: “Tay này là duy nhất đấy. Chưa thấy ai học giỏi như hắn. Kiên trì, sáng chói, thông minh, tập trung và vô cùng cương quyết. Học bạ của hắn luôn hạng nhất, có hạng nhì bao giờ đâu!” Bà Kim Banh, mẹ của David, cho biết là hồi còn nhỏ cậu bé luôn cự nự khi đi học: lớp học gì mà chán quá, con muốn làm toán khó hơn nữa cơ! Bà cũng than là thằng bé học kinh khủng quá, không có thời giờ làm chuyện gì khác, về nhà là cắm đầu học, ăn tối có 15 phút và khi ăn thì vừa nhai vừa cắm đầu vào sách! Chuyện tương lai: lấy xong cái master để tiếp tục lấy cái tiến sĩ toán hay luật rồi trở thành luật sư. Tại sao lại luật sư? Tại vì nhà nghèo cần làm có tiền cho gia đình!

Đứa trẻ thông minh nhất thế giới là ai? Đó là cô bé lai, mẹ người Hoa, cha người Thụy Điển, tên Adora Svitak, tên tiếng Hoa là Châu Kỳ Kỳ, ngụ tại Seattle, tiểu bang Washington, năm nay mới được 8 tuổi nhí! Danh hiệu “đứa trẻ thông minh nhất thế giới” là do báo chí Mỹ đặt cho cô bé lạ lùng này. Cô bé Kỳ Kỳ này đã…kỳ kỳ làm sao? Năm 3 tuổi biết đọc sách, lên 5 tuổi chỉ thích đọc sách của Voltaire, triết gia Pháp thế kỷ thứ 17! Năm 7 tuổi đã ngốn hết 1600 cuốn sách về đủ mọi lãnh vực: thiên văn, địa lý, văn học, sử. Thích nhất là sách khoa học giả tưởng và sử. Cuốn Harry Potter dày 607 trang, cô Kỳ Kỳ thanh toán trong 9 tiếng! Không chỉ đọc, cô còn viết. Cuốn “Flying Fingers” xuất bản năm ngoái gồm 300 câu chuyện lấy bối cảnh từ thời Ai Cập cổ đến thời Phục Hưng. Tác giả nhí 7 tuổi này được đài truyền hình NBC gọi là “người khổng lồ tí hon trên văn đàn Mỹ”! Từ lúc lên 4 tuổi tới nay, văn nghiệp của Kỳ Kỳ gồm 400 truyện ngắn và thơ. Cô nổi như cồn trên đất Mỹ, được Oprah Winfrey và chương trình “Good Morning America” của đài ABC phỏng vấn. Cô bé này còn đụngtới các vấn đề hóc búa như tranh đấu cho nữ quyền, nền hòa bình thế giới và có những ý kiến rất độc đáo về chính trị. Một thí dụ: “Ông Blair thông minh hơn ông Bush nhưng ông ấy cũng đã có những quyết định sai lầm, còn Tổng Thống Bush thì luôn phạm sai lầm”. Bé Kỳ Kỳ cho biết sẽ cho xuất bản một cuốn sách nhan đề “Đội Lốt Cừu” nội dung châm biếm ông Tổng Thống Bush! Cũng viết về Tổng Thống là cậu bé Noah McCullough, 10 tuổi, đang học lớp 5, ngụ tại tiểu bang Texas. Cuốn sách dầy 250 trang mang tên “The Esential Book of Presidential Trivia” được xuất bản vào ngày Tổng Thống (President’s Day) 20 tháng 2 vừa qua. Cậu nhí này chỉ khoái Tổng Thống. Cứ cái gì đụng đến những ông lớn nhất nước này là cậu tìm hiểu. Năm 2000, khi được 4 tuổi, tại trường mẫu giáo nơi cậu theo học tổ chức một cuộc bầu cử giả vào đúng ngày toàn dân bầu cử thiệt thọ, đã làm cậu để ý đến những ông tai to mặt lớn này. Dự tính tương lai: sẽ làm Thượng Nghị Sĩ hoặc Thống Đốc tiểu bang trong một hoặc hai nhiệm kỳ rồi ứng cử Tổng Thống! Không phải ứng cử cầu âu đâu mà nhất định sẽ làm Tổng Thống Mỹ vào năm 2032!

Em Michael Sessions thì khỏi cần phải dự tính chi cả, em đã là tân Thị Trưởng thành phố Hillsdale, nằm cách Detroit khoảng 100 dặm thuộc tiểu bang Michigan. Năm nay, “Ngài Thị Trưởng” mới được 18 xuân xanh và vừa hoàn tất bậc trung học. Cậu oắt tì này đã thắng đương kim Thị Trưởng Doug Ingles, 51 tuổi, bằng số phiếu chênh lệch đúng có…hai phiếu! Cậu chi ra đúng có 700 đô vận động tranh cử bằng một job làm hè! Buổi lễ nhậm chức sếp của thành phố được thành lập từ năm 1869 này đã được các phóng viên đổ xô tới làm tin, trong đó có cả giới truyền thông của các nước Nga và Nhật.

Tôi cứ phân vân không biết có nên kể ra những “thiên tài” nhí khá lạ lùng như cậu bé 3 tuổi ở Thiên Tân, Trung Quốc, không? Thiên tài ranh này là một tay nghiện thuốc lá hạng nặng! Cậu bé biết mùi vị của thuốc lá khi ông hàng xóm cho cậu hít thở một hơi. Tưởng rằng cậu sẽ sặc sụa khóc nhè, ai dè cậu lại nghiện cái trò hít khói này. Chỉ trong vòng mấy tháng cậu thành thạo rít, bập, nhả khói kiểu cọ như tay sành điệu thứ thiệt! Ba tuổi chắc đã dứt sữa rồi nhưng chừng nào thì dứt được khói?

Cũng nơi xứ con trời, một cậu bé 2 tuổi cứ nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học. Hai tuổi thì học hành chi, bố mẹ chịu không thể chiều cậu được. Cậu bèn đi học một mình! Cậu ôm chiếc cặp trống rỗng ra bắt xe buýt đi học. Xe buýt chạy xuyên qua ba quận hạt của thành phố mà cậu vẫn chưa tìm thấy trường. Buổi chiều, bác tài xế mới phát giác ra cậu hành khách duy nhất ngồi lọt thỏm trên ghế khi xe đã ra khỏi thành phố. Bác tài phải báo cảnh sát tìm và đưa cậu về nhà. Về nhà cậu vẫn tiếp tục đòi cảnh sát kiếm cho cậu trường học!
Chưa có cậu bé nào… dại dột như cậu này. Và cũng chưa có cậu bé nào tài như cậu này. Tài như vậy, chẳng ham. Trường học đâu phải là nơi mình tự tìm đến!

12/2006