Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

KIỆN

Vô phúc đáo tụng đình. Các cụ đã dậy như vậy. Bởi vì đưa nhau ra tòa là vạn phần rắc rối. Chỉ nhìn các ông bà ăn mặc không giống ai, màu sắc thì…tang ma rặt đen, trao đổi với nhau bằng một ngôn ngữ không giống như ngôn ngữ của cuộc sống, người ngồi trên, kẻ đứng dưới, trang nghiêm còn hơn vào nhà thờ, là đã thấy ngại. Kết quả dân đi kiện chỉ có thua ôm đầu máu ra về.

Thời thế đã đổi thay, ngày nay người ta lôi nhau ra tòa xoành xoạch. Đụng một chút là kéo nhau tới văn phòng mấy ông bà thầy cãi để đôi co nhau. Thường thì các ông các bà sống về đôi co này xúi mang nhau ra tòa. Bởi vì công việc của các ông bà ấy ở ngoài tòa, không ra đó thì lấy đất đâu mà sống. Mà khi các ông bà này xúi thì trăm lần như một, người bị xúi gật đầu ngay. Miệng của họ như có bả mê, đầu chúng ta lắc không được. Một ông đã tâm sự như thế này: “Tôi kết hôn với một nữ luật sư, nàng có tài thuyết phục thật kinh hồn. Khi tôi quyết định ly dị để làm lại cuộc đời với một cô gái mà tôi yêu thắm thiết thì nàng đã thuyết phục tôi ở lại với nàng vì hạnh phúc của các con”. Ông bạn nghe tâm sự gật đầu: “Đó là điều thông thường, phụ nữ vẫn dùng cách này để cứu vãn hôn nhân của mình”. Ông chồng bà thầy cãi cũng gật đầu: “Ai chẳng biết vậy! Nhưng mãi về sau tôi mới nhớ ra rằng chúng tôi chưa bao giờ có con!”

Vậy thì chúng ta không cưỡng lại được việc ra tòa. Phải kiện chứ! Nếu không thì ức chết. Anh kiện, tôi kiện, chúng ta kiện. Kiện như một bệnh dịch. Theo nhà nghiên cứu Mỹ Towers Perrin cho biết thì chi phí tranh tụng tại Hoa Kỳ tương đương với khoảng từ 5% đến 8% tổng sản lượng toàn quốc! Cũng theo ước tính này thì trong năm 2006, phí tổn thưa kiện sẽ lên tới trung bình 1 ngàn Mỹ kim cho mỗi đầu người dân Mỹ! Họ kiện cái gì mà đưa nhau ra chốn công môn hung hãn như vậy?

Một ông thầy bói ở bên Nga tên M. Bai đã kiện Cơ Quan Hàng Không và Không Gian Mỹ NASA! Chuyện Nga Mỹ đàng hoàng nhé. Lớn chứ chẳng phải chơi. NASA có tội gì? Tội đã đâm tầu thăm dò vũ trụ vào Hỏa Tinh! Nguyên đơn cho biết NASA đã làm thiệt hại đáng kể công ăn việc làm của ông, khiến ông chẳng thể nào bói đúng được nữa vì vụ đâm tầu vũ trụ vào Hỏa Tinh đã làm thay đổi quỹ đạo của Hỏa Tinh cũng như lịch thiên văn! Số tiền ông thầy này đòi NASA bồi thường là 300 triệu đô Mỹ!

Lại bị kiện! Lần này bị cáo là chính phủ Mỹ. Nguyên cáo là một luật sư tên Michael Newdow, công dân Mỹ ngụ tại California. Ông thầy cãi Newdow này kiện chính phủ vì câu “In God We Trust” trên đồng tiền Mỹ! Câu này đã vi phạm quyền tự do tínngưỡng của ông ta khi bắt buộc mọi người phải theo hoặc có niềm tin vào tôn giáo. Lý luận của ông Newdow như thế này: “Rõ ràng dòng chữ này đã khuyến khích người dân tin vào Chúa. Đây là một mục đích tôn giáo!” Tòa đã bác đơn kiện. Thẩm phán Frank Damrell cho đây chỉ là một khẩu hiệu quốc gia không liên quan gì đến tôn giáo: “Việc nó xuất hiện trên đồng tiền Mỹ cũng không phải là một sự ép buộc tin theo tôn giáo nào.” Ông Newdow sức mấy mà chịu thua, thầy cãi mà! Ông cho biết sẽ kháng cáo lên tòa trên. Kiện nữa!

Lại kiện! Lần này bị cáo là đài truyền hình NBC. Tội là trình chiếu chương trình Fear Factor. Không hiểu các bạn có bao giờ nghía tới cái chương trình…ghê tởm này chưa? Họ bắt những người dự thi để chiếm giải thưởng 50 ngàn đô làm những chuyện mà con người bình thường chẳng ai làm là ăn sâu bọ sống. Trong một chương trình phát hình, họ đi xa hơn nữa bằng cách bắt các tham dự viên ăn thịt chuột sống được xay nhỏ trong một cái máy xay! Thuở nhỏ thấy mèo ăn thịt chuột máu me tràn ra khóe mép tôi đã rùng mình, ông Austin Aitken, đã 49 tuổi, thấy cảnh này lại còn…tệ hơn tôi thời nhỏ. Khi thấy cảnh này huyết áp của ông tăng khiến ông thấy choáng váng và ói mửa. Vì quá bất ngờ, ông lật đật chạy đi và đâm sầm vào một cánh cửa, bị thương và hiện giờ vẫn còn rất đau đớn! Vậy là ông kiện đài NBC ra ròa và đòi bồi thường cho ông 2 triệu rưởi đô! Nhưng tại sao khi thấy cảnh như vậy ông không tắt TV đi có phải là xong không? Ông bảo là ông chưa kịp tắt thì cơ thể ông đã lên tiếng. Ông này hơi chậm tay!

Chính phủ Mỹ, vốn có tiếng là một nước giầu, nên bị kiện liêng chiêng. Chính phủ Úc tuy không giầu có gì lắm mà cũng bị ra tòa. Người đứng đơn kiện là một cậu bé di dân chỉ mới 10 tuổi, chưa tới tuổi thành niên, nhưng đã kiện thông qua người cha tên M. Saeed Badraie. Năm 2000, khi đó cậu bé Shayan Badraie mới có 5 tuổi, là một thuyền nhân cùng với cả gia đình tới Úc. Chính phủ Úc đã bắt giam cả gia đình cậu bé người Iran này cùng với các người khác đi chung tầu trong một trại giam có kẽm gai. Các luật sư của nguyên đơn đã đưa ra khiếu nại là trong thời gian ở trong trại, em Shayan đã chứng kiến cảnh tượng cảnh sát Úc đàn áp bằng hơi cay và vòi phun nước, đã thấy những người bị giam tuyệt thực và tự tử. Như vậy, em Shayan đã phải đương đầu với những hoàn cảnh mà bất cứ đứa trẻ nào bằng tuổi của em hoặc bất cứ con người nào cũng không nên bị lâm vào như vậy. Sức khỏe tinh thần của Shayan đã sa sút trầm trọng khiến em thường ngồi im lặng rất lâu, không ăn uống và phải chở vào bệnh viện cấp cứu! Bạn có ý kiến gì không về vụ kiện hi hữu này? Cũng may là trong hàng triệu thuyền nhân của chúng ta được cho định cư trên nhiều quốc gia chẳng có ai đứng ra kiện người đã giơ bàn tay tiếp nhận vì lòng nhân đạo. Các ông thầy cãi cho vụ kiện ngược ngạo này quả là những chuyên viên bới bèo ra bọ gây lộn xộn hết biết!

Ba ông tranh cãi với nhau. Một ông bác sĩ, một ông kỹ sư và một ông luật sư yêu nghề cố chứng minh là nghề của mình có trước các nghề của hai ông kia. Ông bác sĩ cố thuyết phục: “ Nên nhớ là vào ngày thứ sáu Đức Chúa Trời đã tạo ra Eva từ xương sườn của Adam, tức là làm ca phẫu thuật đầu tiên. Vì vậy nên nghề y chính là nghề lâu đời nhất!”

Ông kỹ sư cãi lại: “Nhưng trước đó, Đức Chúa Trời đã phải xây dựng Thiên đàng và trần thế từ một đống hỗn mang lộn xộn. Như vậy trước hết Ngài là một kỹ sư. Nghề kỹ sư có trước!” Tới lượt ông luật sư, ông chỉ hỏi nhẹ một câu: “Đúng vậy, cả hai ông đều đúng hết, nhưng theo các ông thì ai là người gây ra sự hỗn độn và lộn xộn đó?”

Mẹ thiên nhiên tuy không phải là luật sư nhưng cũng…hỗn độn! Đất Montréal của tôi nổi tiếng là xứ tuyết. Tuyết nếu nhìn từ xa là một cảnh đẹp. Tuyết nếu phải đạp lên tuyết mà đi là một cực hình. Cứ từ tháng 11 mỗi năm, dân chúng có xe hơi ríu rít rủ nhau đi thay bánh xe mùa đông nếu không muốn bị…lộn xộn. Tôi đã trải qua nhiều cảnh bi hài trước tay lái. Có lần thắng cứ thắng, xe chạy vẫn cứ chạy. Kết cục là chiếc xe cà là khổ của tôi dám trèo cao hôn chiếc xe mới toanh của cô đầm chạy phía trước. Mấy ông bảo hiểm lại có việc làm. Lần khác tới đèn đỏ, chân rà thắng, đã cẩn thận nhè nhẹ đạp theo đúng bài bản kinh nghiệm của hai chục năm chơi với tuyết, vậy mà chiếc xe vẫn chơi trò xoay vòng nằm ngang như cua. Ông tây lái xe bên cạnh vội né, quay lại nhìn, vênh râu cười, ngón tay cái giơ lên khen là lái xe…ngon! Được cái là để sống còn được với tuyết, tài xế nào cũng có kinh nghiệm và rất đoàn kết chống trả với mụ nặc nô áo trắng. Thường thì cứ tuyết đổ xuống dày 5 phân trở lên thì thành phố phải cho xe đi trải muối trên đường để tránh nguy hiểm. Trên vỉa hè cũng có những chiếc xe nhỏ chiều rộng chỉ ngang bằng mặt lề đường vừa gạt tuyết vừa trải muối để an toàn cho bộ hành. Kinh nghiệm ngã bổ chửng cũng là kinh nghiệm đắng cay cho dân xứ tuyết. Hầu như ai cũng có kinh nghiệm xương máu này. Có những ông bạn tôi chân tay vốn lóng cóng chẳng năm nào mà không bắt ếch giữa thành phố. Năm nào hỏi thăm mà chưa thấy các ông ấy nhào thì rất lấy làm ngạc nhiên. Thường thì đo đường xong, bẽn lẽn đứng dậy, phủi bàn tọa, vội lỉnh ngay vì mắc cở. Bà Grace Biondi thì lại không vậy. Bà kiện! Bà đang trên đường tới bệnh viện Royal Victoria thì…xoạc chân đo đất ngắn hay dài. Không giống như nữ sĩ Hồ Xuân Hương của chúng ta vịn vào câu thơ mà chữa thẹn, bà Grace (tên là Grace mà không hiền dịu một chút nào) tức tối kiện thành phố đã không trải muối trên hè khiến bà phải mang vài vết thương trên người. Bà đòi bồi thường 15 ngàn đô riêng cho bà, lại còn kiện dùm cho tất cả các bộ hành khác bị té ngã sau cơn bão tuyết.

Bà Maria Teresa Sorrento cũng kiện dù chỉ mất có mỗi cái… móng chân! Chuyện xảy ra vào tháng 5 năm 2001 tại một cửa tiệm Coffee Time ở Toronto. Cánh cửa ra vào tiệm bỗng tuột ra khỏimóc và cán vào ngón chân cái của bàn chân trái của bà Maria. Bà giáo viên 34 tuổi này bị bầm tím ngón chân và chiếc móng chân bong ra. Sau đó móng mọc lại nhưng màu sắc và hình dáng không giống xưa mặc dù đã ba năm trôi qua kể từ ngày xảy ra tai nạn. Bà thuê ông luật sư Nestor Kostyniuk đâm đơn kiện. Nếu bạn là bà Maria thì chắc chỉ nghĩ ra là kiện vì đau đớn phải nghỉ làm chẳng hạn. Vậy thì tiền bồi thường có bao lăm, chẳng bõ trả tiền thuê luật sư. Nhưng ông luật sư Kostyniuk này đâu có đơn giản như vậy. Ông đại diện thân chủ kiện nhà hàng Coffee Time về nhiều tội lâm ly hơn nhiều. Trước hết là vết thương ở ngón chân làm thay đổi cách đi của bà dẫn tới việc đau ở phần lưng dưới. Đây là “hội chứng đau mãn tính” kéo dài suốt đời bà. Ngoài ra vì móng chân cái bị xấu đi nên bà không thể mua được một số kiểu giày mà bà rất thích! Và ông đòi bồi thường từ 40 đến 50 ngàn đô! Tòa xử ra sao? Ông chánh án tòa Thượng Thẩm Ontario Keith Hoilett ra bản án như sau: “Xét vì chỉ một sự khó chịu nhỏ, qua thời gian, cũng làm cản trở sự vui hưởng cuộc sống của nguyên đơn và tất cả các chỉ dấu cho biết là sự thay đổi màu sắc của móng chân cái trên bàn chân trái của nguyên đơn, kèm theo với sự khó chịu có thể là suốt cuộc đời. Nguyên đơn là một thiếu phụ còn tương đối trẻ và sự chọn lựa giầy bị hạn chế.” Xét như vậy nên ông chánh án lệnh cho nhà hàng Coffee Time phải bồi thường cho bà Maria 25 ngàn đô và chịu tất cả tiền án phí. Không có luật sư… vận dụng trí óc còn khuya bà Maria mới ẵm được số tiền ngon lành như vậy! Luật sư Kostyniuk cũng cực lực bác bỏ dư luận cho đây là một vụ kiện…gian xảo!

Cũng chuyện liên quan đến cà phê nhưng chuyện này…đắt giá hơn nhiều. Không hiểu có bạn nào dùng loại cà phê Nestcafé Taster’s Choice của hãng Nestlé không nhỉ. Tôi có dùng thườngxuyên. Ngày ngày mở nắp lấy cà phê tôi có bao giờ để ý tới hình cái ông có ria mép đang cúi ngửi ly cà phê bốc khói thơm đâu. Có ông ấy hay không, cà phê cũng chẳng ngon hơn được. Vậy mà cái hình vô thưởng vô phạt đó lại tình cờ gây chuyện. Vào mùa xuân năm 2002, ông Russell Christoff đang xếp hàng trả tiền ở một siêu thị thì một bà xếp hàng sát ông bỗng thắc mắc: “Trông ông giống như hình người đàn ông trên hũ cà phê của tôi!” Ông Christoff chỉ cười. Ông vốn là một giáo viên nhưng thỉnh thoảng cũng có đóng một vài pha thu hình quảng cáo thương mại. Nhưng bỗng ông nhìn hình người đàn ông trên hũ cà phê của bà khách hàng lắm chuyện. Và ông nhớ ra. Năm 1986 ông có ngồi chụp hình cho một nhiếp ảnh gia làm việc cho hãng cà phê Nestlé. Ông được trả một khoản thù lao rất khiêm tốn là 250 đô cho hai giờ ngồi mẫu. Ông cũng chẳng để ý thêm về những tấm hình này vì ông nghĩ chúng không thành công. Nhưng ông đã lầm. Ngay năm đó, hãng Nestlé đã dùng hình này trên nhãn hiệu cà phê của họ ở Canada và sau đó, từ năm 1997 đến 2003, trên các nhãn hiệu cà phê tại Mỹ và 17 quốc gia khác. Vậy mà ông chẳng bao giờ thấy nhãn hiệu có hình của ông cho tới khi tình cờ gặp người đàn bà hay bắt chuyện với người khác trong siêu thị. Luật sư Colin Claxon được ông mướn để kiện hãng Nestlé. Theo luật của Hoa Kỳ thì một công ty dùng hình ảnh của một người mẫu trên một sản phẩm thì phải chia lợi nhuận kiếm được từ sản phẩm đó cho người mẫu. Hãng Nestlé đã lơ đi không trả một đồng cho ông Christoff. Tính toán làm sao không biết, luật sư của ông Cristoff đòi hãng Nestlé bồi thường cho thân chủ của mình số tiền 8 triệu rưởi đô. Hãng Nestlé thương lượng đòi trả cho ông 100 ngàn đô nhưng ông không chịu. Tòa án ở Los Angeles đã phán quyết hãng Nestlé phải bồi thường cho ông Christoff 300 ngàn thù lao xử dụng hình ảnh và 15 triệu 300 ngàn bồi thường thiệt hại tương đương với 5% lợi nhuận thu được từ việc bán sản phẩm Taster’s Choice! Số tiền lớn gấp đôi số tiền ông Christoff đòi làm ông chới với. Luật sư Colin Claxon đã đưa ông giáo viên 58 tuổi này lên hàng…siêu mẫu. Siêu mẫu cũng chỉ có thể kiếm được nhiều tiền đến thế là cùng!

Đòi có 8 triệu là đã mừng nín thở rồi, nay lại được cho tới 15,6 triệu, cớ sự bởi vì đâu? Bản tin không nói nhưng nhắm mắt cũng biết đó là do tài cãi của ông thầy cãi. Mấy ông này tài lắm. Buổi trưa, hai luật sư tới một quán bar ngay trước tòa án, kêu hai ly nước và lôi sandwich ra ăn. Ông chủ quán ra nói: “Thưa hai ông, nhà hàng chúng tôi có bán thức ăn trưa nên xin hai ông cảm phiền tôn trọng tập quán của nhà hàng là không tiếp đón khách hàng mang đồ ăn của mình tới”. Hai vị luật sư nhìn nhau, mỉm cười và…đổi sandwich!

Kiện cũng như tài, không đợi tuổi. Cậu bé Patrick Holland, 14 tuổi, ngụ tại Sandown thuộc tiểu bang New Hampshire, có lẽ là nguyên đơn trẻ nhất từ trước tới nay. Năm 1998, cậu được 8 tuổi, lúc đó gia đình cậu còn ở Quincy, cha cậu đã phá cửa sổ, xông vào nhà bắn mẹ cậu 8 phát súng, sau đó dùng súng bổ liên hồi lên thân thể mẹ cậu. Cậu còn nhớ là sáng ngày hôm sau cậu mới phát giác ra thi thể của mẹ, cậu chạy trên những mảnh kính vỡ, vớ lấy chiếc phôn để kêu 911. Nhưng đường dây điện thoại đã bị cắt. Trong bộ quần áo ngủ, cậu tông cửa chạy ra ngoài đường kêu cứu hàng xóm. Thảm cảnh đó, dù đã bao năm được điều trị tâm lý, cậu vẫn không bao giờ quên được. Cậu được giao cho ông bà Ron và Rita Lazisky nuôi. Trong thời gian này, cha cậu bị tù chung thân nhưng vẫn còn quyền làm cha. Mới đây, ông cha tù tội này đòi coi sổ học bạ của cậu. Cậu bèn quyết định kiện ra tòa để từ bỏ cha. Đây là một vụ kiện hi hữu. Thường thì những vụ kiện từ bỏ phụ hệ là do cơ quan bảo vệ trẻ em, người bảo hộ, cha mẹ nuôi hay cha mẹ kế đứng ra. Nhưng cậu bé Patrick lại quyết định tự mình cắt đứt quan hệ pháp lý với người cha vì mối hận thù không thể xóa nhòa trong lòng cậu được. “Mọi điều tôi có đều bị ông ấy phá hết! Ông ấy lấy của tôi mái ấm gia đình, một người mẹ, một người cha, bạn hữu của tôi. Tôi không nghĩ là tôi có thể tha thứ cho ông ấy được…Ông ấy không phải là cha tôi. Nếu ông ấy muốn có liên hệ với tôi, ông ấy phải nghĩ tới điều đó trước khi giết mẹ tôi!”

Kiện như vậy là một thảm kịch. Kiện như những người dân bị các quan lớn quan nhỏ cướp đất cướp nhà ở Việt Nam là một thảm trạng. Họ không tìm được công lý nơi những phiên tòa tại địa phương. Họ tụ tập nhau lại trước cơ quan nhận khiếu kiện cấp trung ương tại Hà Nội nhưng vẫn không nhận được công lý. Họ chỉ nhận được những đàn áp, đánh đập, trấn áp của một nhà cầm quyền giấu mặt mặc cho những tên công an giả danh du đãng hành động. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng trở thành một điểm hẹn khốn khổ của người dân đen. Trên báo điện tử Ngôi Sao số ngày 9/10/2006 mới đây có một bản tin lạ. Tòa án thành phố Hải Phòng đang xét xử vụ các quan chia chác đất đai tại Đồ Sơn. Dân chúng tụ lại trước tòa cứng nghẹt cả con đường Trần Phú. Giao thông tại thành phố này bị tắc nghẽn. Nhiều người dân quá bức xúc nên gây ầm ĩ tại tòa. Lực lượng an ninh phải dựng chốt chặn không cho vào khu vực xử án. Trong đám đông dân chúng vây quanh tòa có nhóm người mặc quân phục bộ đội cũ, đeo phù hiệu thương binh. Họ giơ cao và dán quanh người những bảng giấy viết: “Nhân dân Bắc ninh chống tham nhũng.” Họ cho biết lên Hải Phòng theo dõi vụ án vì muốn học tập về để chống tham nhũng đất ở Bắc Ninh! Bị cáo là đám quan chức ở Đồ Sơn gồm Vũ Đức Vận, nguyên Bí Thư Thị Ủy; Hoàng Anh Hùng, nguyên Chủ Tịch ủy Ban Nhân Dân thị xã Đồ Sơn; Lưu Kim Thái, nguyên Trưởng Phòng Quản Lý Đô Thị. Trước đây tòa án sơ thẩm đã chỉ phạt cảnh cáo các bị can. Bây giờ là phiên xử phúc thẩm sau khi bản án nhẹ nhàng của Tòa Sơ Thẩm bị Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao kháng án. Chuyện đặc biệt là sau phiên tòa xử buổi sáng, buổi chiều tòa phải ngưng xử. Lý do? Bị cáo Hoàng Anh Hùng bị dân chúng tấn công bị thương nên không thể ra hầu tòa được!

Hóa ra bây giờ dân chúng ở Hải Phòng mới lập ra một tòa án mới chưa có ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đó là tòa án đường phố! Đây mới đúng là tòa án…nhân dân!

10/2006