Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

KHÓI

Bậc hiền giả nào ngày xưa chế ra được chữ “tương tư thảo” để gọi cái món quấn quấn rồi đốt lấy khói quả thật là tài tình. Đã tương tư thì tình cũng như khói đều vương vấn trong lòng không dễ gì mà dứt được. Người yêu hay cây gậy làm ra khói đều có cái ma lực như nhau. Cứ thử nếm vào xem có chết mê chết mệt chẳng còn biết trời trăng gì nữa không? Hít một vài hơi thấy đắng ngắt, đôi khi còn kèm theo màn ôm bụng ho sặc sụa, vậy mà sao vẫn lân la tới mức rời không ra như vậy? Cũng như những ngày đầu ngủng ngẳng, em chã em chã, vậy mà mê mệt lúc nào không biết, sấm chớp đùng đùng vẫn cứ đòi chết chung?

Trên đời có hai hạng người chung thủy nhất: tình nhân và khói nhân! Tôi không thể tự liệt mình vào loại sau. Miệng tôi đã từng ngậm cây gậy làm khói nhưng khi cần nhả ra là tôi nhả ngay, không vấn vương dùng dằng chi cả. Có lẽ tôi thuộc hạng…không tim. Những người có tim với thứ cỏ tương tư coi bộ nhiều. Nhất là những đấng bậc mang danh “sĩ”. Các bạn tôi, ông thì vàng ngón tay, ông thì răng bám khói, xấu trai đi nhiều mà vẫn cứ ôm lấy ống cỏ đỏ lửa phì phèo. Trong tình thế thiếu…văn minh hiện nay, người ta đuổi các đấng đốt lửa nhả khói như đuổi tà, nhiều bạn tôi vẫn cứ nhất định bám trụ. Không cho thả khói trong nhà thì ra đường đốt lửa. Đã tình chung thì nề hà gì những thứ vặt vãnh nông cạn của những tên mắt trắng.

Co ro
hình tuyết xô về
trên môi đốm lửa dài lê thê
rồi
bây giờ
xe cộ nằm nơi
người đâu lặn lội
giữa đời vô tri

Đó là thơ…lửa của Hoàng Xuân Sơn, một người đã từng sống chết với…khói. Dưới áp lực của tình cảnh tứ bề thọ địch, bạn tôi đã đành phải ca khúc tuyệt tình ca với cây gậy tương tư. Đâu cũng năm lần bảy lượt mới dứt được diêm quẹt. Một bữa, cổ họng bạn tôi bỗng có vấn đề. Tuổi chúng tôi cứ chỗ nào trên thân thể khác thường là lo ông già Ung tới hỏi thăm. Nhà thơ họ Hoàng cũng nghĩ ngay tới cuộc viếng thăm nhiều phiền toái của ông già khó chịu này. Người ta thì lo bạc tóc. Bạn tôi tóc đã bạc rồi, lo gì tới tóc nữa. Bạn tôi lo chuyện khác. Trước khi phó mình cho những cuộc xét nghiệm, bạn tôi đặt điều kiện với bà xã liền. Nếu xét nghiệm mà đúng ông già Ung tới chơi với cái cổ họng thì phải cho bạn tôi được hít khói thả giàn. Khói đánh bạt cả chuyện sống chết!

Chuyện sống chết với khói cũng là chuyện của tử tù Scott Mink bị giam tại nhà giam Southern Ohio Correctional Facility ở Lucasville. Anh chàng bạt mạng này bị xử tử hình về tội giết bố mẹ đang yên giấc ngủ để lấy tiền đi hít. Một tiếng đồng hồ trước khi lên đoạn đầu đài, Mink còn…phiếm: “ Tôi cần hút thêm một điếu thuốc nữa, sau đó tôi sẽ bỏ hút!” Dĩ nhiên ông tử tù này bỏ hút thật. Thở còn bỏ huống chi hút!

Còn thở mà bảo bỏ hít thì hơi gian truân. Trong quá khứ người ta đã dọa bằng những câu cảnh báo trên bao thuốc lá. Cầm bao thuốc lên, rút một điếu, là nhìn thấy lời đe dọa. Hút như vậy cũng như dọn mâm cơm ăn trên đống rác đầy ruồi nhặng. Thà đừng ăn! Nhưng các đệ tử của làng phun khói là những người quật cường. Riết rồi việc dọa nạt nhau coi như pha. Dân dọa tiến lên một bước. Họ nghĩ rằng chưa thấy quan tài chưa đổ lệ nên chơi luôn. Cũng trên bao thuốc lá họ cho in hình những phổi, những môi, những mồm những miệng bị tàn phá vì khói. Dĩ nhiên mức sợ phải tăng lên. Ai lại muốn sở hữu những thứ kinh hãi như vậy. Nhưng đã bảo là tương tư thì chuyện sống chết nhiều khi cũng còn là chuyện nhỏ huống chi chuyện phụ lòng nhau. Người ta tự tử vì tình thiếu chi, tự tử một cách êm dịu vì thuốc cũng là cách của người tình chung. Số người tình thủy chung là của hiếm. Càng ngày càng ít đi. Tới bây giờ, hầu như trên khắp thế giới, người ta hè nhau đánh cú chót: rút phép thông công! Muốn hít hả? Ra đường mà hít! Tất cả những nơi chốn công cộng không còn chỗ cho dân làng khói. Bị loại ra khỏi cộng đồng những người…sạch sẽ, còn bao nhiêu dân thả khói quyết không phụ em cỏ tương tư? Quận Los Angeles, nơi tập trung khá nhiều dân Việt chúng ta, vừa mới có cuộc họp của các vị chóp bu để coi xem cuộc chiến loại bỏ dân hít đi tới đâu rồi. Theo như thống kê năm 2005 thì tỷ lệ hít trong quận đã xuống tới mức 14,6%. Đó là con số chung chung cho toàn dân quận. Nếu phân tích theo chủng tộc thì có khác. Dân Mỹ gốc Châu Phi, đàn ông hút ở tỷ lệ 26,9%, đàn bà 22,9%. Dân gốc Á chúng ta thì 19,6% còn phì phèo, dân gốc Mỹ La Tinh thì 16,6% và dân da trắng là 16,9%. Đàn bà của các sắc dân này ít…hư hơn. Số người hút chỉ bằng nửa đàn ông. Tính theo phần trăm như vậy nghe ra còn mơ hồ. Nếu qui mức tỷ lệ 14,6% dân quận Los còn hút thuốc ra con số cụ thể thì là 1,067,221 người! Như vậy, theo các chuyên gia, dân làng khói vẫn còn nhiều quá! Cần phải có một chiến dịch mới để dân chúng cảnh tỉnh hơn. Và họ đề ra chiến dịch “Đây Là Lúc Bỏ Hút Thuốc, L.A!” kéo dài một năm nhằm hạ tỷ lệ này xuống còn 12%. Như vậy, các giới chức có trách nhiệm hy vọng là quận Los sẽ là quận lớn đầu tiên của Hoa Kỳ có thể đạt được mục tiêu của chương trình “Healthy People 2010”. Chương trình này do Center For Disease Control phát động nhằm ngăn ngừa bệnh để cải thiện chất lượng cuộc sống và hủy bỏ sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe của dân chúng Mỹ. Làm gì mà phải dữ dội như vậy? Bỏ thuốc, dễ ợt! Một người hút thuốc rất hách xì xằng, đã từng ngồi bên cạnh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong các buổi họp mà vẫn cứ nhả khói trong khi các ngài Bộ Trưởng và các tướng lãnh rét không dám chơi ngang cơ với ngài Tổng Thống có tiếng là đầu máy xe lửa! Đó là cựu Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia Nguyễn Hữu Hanh. Trong hồi ký “Làm Việc Với Các Nhân Vật Danh Tiếng Thế Giới”, ông viết: “Ông Diệm thường gọi tôi vào Dinh Độc Lập mỗi ngày, có khi rất sớm, khoảng 5 tới 6 giờ sáng, và có khi rất khuya. Ông thường tiếp các Bộ Trưởng, các viên chức cao cấp và các tướng lãnh trong văn phòng riêng của ông. Căn phòng này cũng được dùng làm phòng ăn và phòng nghỉ trưa, và ông luôn luôn biểu tôi ngồi kế bên phải ông. Không ai dám hút thuốc trước mặt ông trừ Vũ Văn Thái và tôi. Khi tôi đốt một điếu thuốc trước mặt ông, thì ông đẩy cái gạt tàn về phía tôi. Ông thường hút thuốc điếu này nối điếu khác, rồi chỉ sau vài hơi đã dụi đi, nhưng vẫn hút. Nhắc tới đây, tôi nhớ lại chuyện quyết định bỏ thuốc lá sau nhiều năm “nghiện ngập”. Ngày 31/12/1965, sau bữa tiệc cuối năm và điếu thuốc cuối cùng, tôi đã liệng qua cửa sổ tất cả “đồ nghề”, gồm có bật lửa bằng vàng, hộp thuốc lá đắt tiền và tất cả số thuốc lá còn lại, tự thề không bao giờ cầm lại điếu thuốc nào nữa. Xong tôi gọi bồi bảo cho hay đừng lượm vào cho tôi. Quả thật là địa ngục, trong suốt cả tháng trời sau khi bỏ thuốc lá, tôi thèm thuốc lá một cách tệ hại và có nhiều lần khi đi tiếp tân, có người đưa thuốc mời, tay phải tôi vừa chìa ra định đón lấy điếu thuốc, thì tự nhiên tay kia kéo tay phải về. Cũng từ đó tôi bỏ thuốc vĩnh viễn, không bao giờ hút trở lại. Bỏ thuốc lá rất khó, đòi hỏi rất nhiều nghị lực và can đảm”.

Nghị lực và can đảm đó, không mấy người có được. Dứt khói đối với một số người cũng giống như dứt sữa cho con nít, không phải là việc dễ. Đã có biết bao nhiêu phương pháp trợ giúp cho dân ghiền, vậy mà khói vẫn nghi ngút. Có nhiều ông bạn tôi có thiện chí biến cái miệng ngậm điếu thuốc thành cái miệng nhóp nhép kẹo cai thuốc nhưng chỉ một thời gian sau lại len lén tìm lại thứ tương tư thảo hấp dẫn mà phun khói. Biết là khó nên các nhà nghiên cứu vẫn để tâm giúp những người muốn cai thuốc. Một thí nghiệm mới đang mang lại hy vọng cho dân muốn dứt khói. Đó là thứ thuốc chích có tên là NicVax của hãng bào chế Nabi Biopharmaceuticals. Cơ chế hoạt động của thứ vắc-xin này là làm giảm khoái cảm trong việc hút thuốc bằng cách tạo ra những kháng thể dính vào phân tử nicotine và ngăn chúng xâm nhập vào não. Tiến trình này giúp giảm tác động gây thích thú từ việc hút thuốc và giảm thói nghiện chất nicotine. Mỗi mũi chích có hiệu quả trong một tháng. Thuốc đang được thí nghiệm trên 300 dân làng hít tình nguyện. Nếu kết quả tốt thì trong vòng ba năm tới thuốc sẽ có mặt trên thị trường.

Nếu bạn chưa cai được thuốc thì nên sang Anh. Tại đây đang có một cách cai thuốc khá hấp dẫn: thưởng một chuyến du lịch trị giá 3.700 đô Mỹ cho ai cai được thuốc. Phần thưởng này do Hệ Thống Dịch Vụ Y Tế Quốc Gia Anh (NHS) tổ chức. Đã có ba ngàn người chọn bay trên mây thay vì đi mây về gió!

Thân thênh thang như vậy cũng đáng một cuộc phụ tình với nàng tiên khói. Thân bị trói buộc vào bốn bức tường giam thì phụ tình với nàng tiên cỏ là một khổ nạn thêm vào cái khổ nạn tù đầy. Ngay từ những ngày đầu bị đầy vào những cái gọi là trại học tập cải tạo, đánh bạn với khói là một cách vượt qua chuỗi ngày tù túng khổ ải của thứ thân bại danh liệt. Có những người chưa từng hút cũng đã dựa vào điếu thuốc để vượt qua những bước gian nan. Đầu tiên còn thuốc lá, hết thuốc lá xoay qua thuốc lào. Chỉ một bi nhỏ xíu mà phê còn hơn cả bao thuốc điếu. Loại thuốc bị chê là hôi rình này bỗng thành thứ cứu rỗi thời đại. Phong trào chế tạo điếu hút thuốc lào từ những vật liệu nhặt nhạnh được, một đoạn tre, một ống inox, một chiếc hộp méo mó..v..v.., nở lên rầm rộ. Những đốm lửa lấp lóe chỗ này chỗ kia đã cuộn chúng tôi lại với nhau. Lửa chẳng chỉ là để dí vào nõ điếu mà là sự ấm cúng chúng tôi chia cho nhau. Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ vừa bỏ ra đi vì bệnh ung thư phổi tại Minnesota, đã là một đệ tử trung kiên của thuốc lào trong tù. “Ghiền nặng thuốc lá. Vào trại ông là đệ tử của thần thuốc lào. Bạn tù ơi lửa châm rồi / Rít cho ròng rã mê tơi cõi lòng/ Tựa lưng nhả khói thong dong / Tít say lú lấp cả mong với chờ…

Ông làm cỏ sắn ở gần nhà bếp đội chăn nuôi. Giờ nghỉ mệt, theo bạn lén vào bếp hút vố thuốc lào. Nhà bếp, nơi nấu cám heo là nơi cấm. Sợ tù đói kinh niên vào đây ăn vụng cám lợn. Nghe kể lại, Thanh Tâm Tuyền đang phê thuốc, không kịp đi ra đã bị tên đội trưởng bợp tai. Tin này truyền nhanh vào trại. Tôi lấy cớ đi lấy củi đốt cho nhà bếp. Đánh xe trâu ra tận nơi. Không gặp tên này ở đó. May cho hắn mà cũng hên cho tôi.” (Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm, Thanh Tâm Tuyền Những Điều Nhớ, Thế Kỷ 21, số 209, tháng 9/2006).

Thanh Tâm Tuyền không dứt được hơi khói cho tới cuối đời. Tôi chưa bao giờ hút thuốc lào nhưng nhìn những ông bạn sửa soạn chỗ té ngã trước khi hút, tôi hiểu đây là thứ rất nặng ký. Trong trại cải tạo, cảnh say thuốc lào là một trong những cảnh hái được những nụ cười hiếm hoi của mọi người. Ông thì lăn kềnh ra lim dim mắt, ông thì sùi bọt mép tưởng như đã lên máy bay đi về miền…viễn tây, ông thì ngáp sái quai hàm. Mỗi ông một vẻ nhưng ông nào cũng đã điếu sẵn sàng bắn thêm một bi nữa! Say kiểu…ấn tượng như vậy thì bảo dứt sao được. Thường thì những ông đã bập môi vào chiếc điếu cày ít khi rút được mồm miệng ra khỏi vòng cương tỏa của con ma…Lào! Như ông Nguyễn nào đó trong truyện ngắn “Đêm Thức Đợi Giao Thừa” của nhà văn Nguyễn Trung Dũng. “Nguyễn rót rượu rồi bước về góc tối của căn bếp sau nhà. Tiếng nõ sáo reo vui như tiếng chim hót. Mùi khói và mùi sợi thuốc khen khét mũi Mạnh ngửi được. Nguyễn vừa ra, Mạnh đã hỏi:

- Ông hút thuốc lào đấy phải không?

- Đúng. Sao ông thính mũi sáng tai thế?

- Tôi nghe cái nõ nó kêu. Tôi ngửi thấy cái mùi khai khai, khét khét. Tôi đoán ra ngay nó không thể là thuốc lá mà là thuốc lào.

- Của khỉ nó dính tôi từ khi ở tù. Tôi biết nó bẩn nhưng bẩn vẫn hút. Nó hôi, hôi cũng không bỏ. Nó hôi như mùi hôi nách, vợ hôi nách thì hôi, có ai ly dị đâu. Khai nước điếu như khai mùi nước đái, kẻ nghiện hút vẫn hút mê tơi.

- Ông không sợ hại đến sức khỏe hay sao? Phải bỏ quách nó đi trước khi phổi ông nó đóng chấu!

- Đã có một lần tôi bỏ rồi, nhưng năm ba bữa thiếu vắng nó, người tôi buồn bã dễ sợ. Tôi đi ra đi vào như cái xác không hồn. Tôi ngồi đâu cũng thẫn thờ và lười sờ mó công việc. Tôi lên máy đánh sáu bẩy cái truyện, đánh chỉ được vài hàng đã khựng. Chẳng hiểu ra làm sao cả. Vậy mà hút lại, chữ nghĩa trong đầu khai thông như nước ứ nghẽn được cời rác rến, ra ào ào, trôi tuồn tuột.”

Thuốc lào là thứ quốc hồn quốc túy, chắc cũng họ hàng với những thứ thuốc miệt vườn khác. Như thuốc lá vấn sâu kèn chẳng hạn. Một dúm thuốc đổ ra tay, một miếng giấy, những ngón tay vê vê là thành một cái…tổ sâu. Giấy bất kể thứ gì. Được giấy thuốc lá mỏng thì tốt, giấy pelure cũng còn tốt chán, khi túng bấn thì giấy vở học trò, giấy báo cũ cũng xong. Thuốc lá…nhà quê không kén chọn nhưng hút xong lại có phong cách riêng: dán mẩu thuốc thừa lên cột nhà, lên vách đất như một thứ trang trí của bậc tài tử!

Hút có phong cách và tình chung như vậy, dễ gì mà dứt được điếu thuốc ra khỏi miệng. Vậy mà những người gọi là có trách nhiệm vẫn cứ phải vẽ lằn phấn ngăn chặn việc hút thuốc thả dàn. Bởi vì khói không những có hại cho người hút mà còn hại cho người ngửi nữa. Những người phải hít ké một cách bất đắc dĩ cũng gặp nguy hiểm chẳng kém gì người hút. Ngoài ra ngân sách y tế chi cho những bệnh do thuốc lá gây ra ngày càng cao khiến các chính phủ trên khắp thế giới đều phải tìm cách tốp bớt lại số tiền vô lý này. Theo báo cáo của Cancer Atlas thì trên thế giới hiện có khoảng 1,25 tỷ người nam nữ còn phì phèo châm lửa. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì trong thế kỷ 21 này sẽ có 1 tỷ người chết vì thuốc lá, tăng gấp 10 lần so với thế kỷ 20! Hiện nay con số tử vong vì thuốc lá là 1,4 triệu người mỗi năm. Người chết như rạ vậy chỉ vì một thói quen hay một thú tiêu khiển lâu đời khó gạt bỏ.

Hầu hết các quốc gia đã ra tay ngăn chặn những cái chết vô lý này. Nói là hầu hết vì cho tới giờ này, Pháp mới vừa làm xong luật cấm thuốc lá để kịp thi hành vào tháng 2 năm tới cho các nơi công cộng và mãi tới ngày đầu năm 2008 mới cấm toàn bộ tại các nhà hàng, tiệm rượu và quán bar. Luật chưa ráo mực nên các ông tây bà đầm còn đang chống đối khiếp lắm! Trong khi đó, Việt Nam ta vẫn tăng cường việc sản xuất thuốc lá! Theo bản tin của Tân Hoa Xã ngày 10/7/2006 thì Chủ Tịch Hiệp Hội Thuốc Lá Việt Nam Nguyễn Thái Sinh cho biết là trong năm 2006, Việt Nam sẽ sản xuất 4 tỷ gói thuốc lá để tiêu thụ trong nước ngoài số thuốc lá nhập lậu không biết là bao nhiêu. Như vậy đà sản xuất thuốc lá tăng với tỷ lệ 10% mỗi năm, từ 2,7 tỷ gói năm 2000 lên tới 3,5 tỷ gói năm 2002 và hơn 4 tỷ gói năm 2006! Trung bình mỗi người Việt Nam đốt 43 bao thuốc lá một năm! Tại cuộc hội thảo về thuốc lá được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 7/7 vừa qua, các hội thảo viên vẫn còn đôi co nhau về ảnh hưởng kinh tế đối với việc chống hút thuốc lá. In lời và hình cảnh báo về nguy hại của thuốc lá trên bao thuốc là điều mà các nước khác đã làm từ khuya nhưng Việt Nam chỉ bắt in lời cảnh báo kể từ tháng 6/2007 và in hình cảnh báo kể từ tháng 7/2008. Giới sản xuất thuốc lá còn đang tìm cách trì hoãn việc…đe dọa này vì sợ dân hút tẩy chay quay qua hút thuốc lá nhập lậu!

Mấy ông bạn ưa chơi trò đốt lửa của tôi không được…diễm phúc như các “đồng nghiệp” ở Việt Nam. Ở nhà, rút điếu thuốc ra là phải nhìn trước nhìn sau xem có con mắt của vợ con quanh quẩn đâu đó không, thấy an toàn trên xa lộ rồi mới len lén ra sân hít. Ở nơi công cộng thì vô phương, tiền phạt nặng quá không kham nổi, đành phải đội mưa gió rét mướt ra đường cho được việc nhà nước. Bảo dứt đi thì các ông hỏi ngược lại tại sao phải dứt một cách vô lý như vậy? Cai hả, dễ ợt! Tôi đã cai bảy lần rồi chứ bộ! Ông khác còn ngon hơn. Cai hả? Khó chi đâu nhưng chưa tới lúc cai!

Ông bạn Hoàng Xuân Sơn mà tôi nhắc tới nơi đầu bài rút cục không được ông già Ung tới thăm. Vậy là mồm miệng vẫn thiếu điếu thuốc. Ông giận đời! Nhà thơ mà giận thì chẳng thể làm cách nào hơn là…chế thơ. Bạn tôi vẽ ra chân dung buồn rầu của một người bỏ thuốc.

bước qua lằn vạch ranh này
là thôi trăn trở
vạn ngày chinh yên
từ sương đau
buốt
một miền
vàng trăng cũng thảm
xuống triền, vực
sâu
ngó ai thương thế buồn rầu
mùa hen
cỏ nát hoa nhầu
tuổi xuân

lạy hồn
van chút thanh tân
thôi đành giã biệt
sinh phần
hanh
hao.

10/2006