Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

TRỨNG

Một anh chồng mệt mỏi vì phải đi làm trong khi cô vợ ở nhà chơi không, xin với Thượng Đế.

“ Thượng Đế ơi! Con khổ quá! Con phải làm việc cật lực ngày tiếng trong khi vợ con nó phây phây ở nhà. Con xin Ngài cho con đổi vị trí để vợ con nó biết con vất vả như thế nào.”

Thượng Đế dễ tính nên cho anh chồng đau khổ biến thành phụ nữ.

Sáng hôm sau, anh chàng tỉnh dậy, dọn ăn sáng, đánh thức con cái, chuẩn bị áo quần cho chúng đi học, dục chúng ăn cho nhanh, gói đồ ăn trưa, đưa chúng đi học. Trở về nhà, mang quần áo đi giặt, tới ngân hàng trả bills, đi chợ, xếp đồ ăn vào tủ lạnh, dọn dẹp chỗ vệ sinh cho mèo, tắm cho chó.
Một giờ trưa, hút bụi, lau nhà, tới trường đón con về, cho chúng ăn bữa lỡ, kèm chúng làm bài vở, ủi quần áo.

Bốn giờ chiều, làm cơm tối. “Chồng” đi làm về, ăn cơm, rửa chén bát, lau bếp.

Chín giờ tối, mệt mỏi leo lên giường. “Chồng” lại đòi hỏi, chiều cho qua quít xong thì thôi.

Sáng hôm sau, anh quỳ xuống cạnh giường kêu van Thượng Đế: “ Thượng Đế ơi, con khổ quá! Con biết lỗi rồi. Xin Ngài cho con trở lại làm đàn ông.”

Thượng Đế nhân từ trả lời: “Con yêu dấu của ta, ta tin rằng con đã học được nhiều điều và ta rất vui lòng khi đặt mọi thứ trở lại vị trí cũ sau 9 tháng 10 ngày nữa, bởi vì con đã dính bầu tối qua!”

Chẳng nói bạn đọc cũng biết đây là chuyện…phiếm, đọc cho vui. Bởi vì khi Thượng Đế cho anh chồng biến dạng, chắc Ngài chẳng nghĩ tới chuyện trang bị cho anh ta vài cái trứng. Bởi vì trứng này nhỏ li ti, dễ quên lắm, chứ không to đùng như trứng gà trứng vịt bán ở ngoài chợ. Mà không có trứng thì sao mà bầu bì được?

Hoài thai là một cuộc gặp gỡ tại điểm hẹn giữa một trứng và một tinh trùng có tốc độ chạy nhanh nhất. Đàn bà thì phải có trứng. Đúng quá, cãi chi nổi. Không những có mà còn có cả buồng. Dùng không hết. Trời cho rất dư, mà dư nhiều là khác. Bởi vì mỗi mụn con chỉ cần một trứng là đủ rồi. Có khi ba bốn mụn con xài chung một trứng vẫn cứ được như thường, tuy hiếm xảy ra. Bà Shruthi Vivekanandan, 26 tuổi, ngụ tại thành phố Madras, miền nam Ấn Độ, vừa sanh được bốn cô gái thụ thai trong cùng một trứng, nặng từ 810 gram đến 990 gram. Một lúc sanh bốn con như vậy nhưng bà Shruthi vẫn sinh tự nhiên chứ không phải mổ. Điều cực hiếm trong ca sanh bốn này là bốn đứa trẻ có chung một mạch máu nhau thai. Thường thì chỉ sinh đôi. Nhưng sinh đôi cũng chia làm hai thứ: sinh đôi thật và sinh đôi giả. Thật nếu hai đứa trẻ chung nhau một trứng. Giả là hai đứa trẻ được tạo thành một lúc nhưng do hai trứng khác nhau. Nếu sinh đôi thật thì hai đứa trẻ giống nhau như khuôn, khó phân biệt nếu không có những dấu vết riêng. Những đứa trẻ này lớn lên là một sự phiền phức vì khi chúng lập gia đình, vợ chúng có thể lộn!

Trứng người cũng như trứng gà trứng vịt, chúng có thời hạn đàng hoàng. Quá đát thì chỉ có mang đi vứt. Thời hạn của trứng người là một tháng. Quá một tháng thì bị thải ra theo kinh kỳ. Uổng dữ! Một người đàn bà có thể có trứng cho tới khi…biệt kinh kỳ. Nhưng có trứng, có những chú lăng quăng chạy tới làm quen, không có nghĩa là có thể…sưng bụng. Diễn tiến đưa tới thai kỳ khá phức tạp nên có khá nhiều trục trặc. Trứng đó, cả triệu trái chứ ít ỏi gì, nhưng trứng cứ trơ gan cùng tuế nguyệt chẳng thai nghén gì cả. Có khi vì bệnh. Có khi chẳng vì sao cả. Tự nhiên trứng…lười biếng. Thế thôi.

Nếu trục trặc vì kỹ thuật không thể có cuộc hẹn hò chính xác giữa trứng và tinh trùng thì ngày nay khoa học có thể cho trứng thụ tinh trong ống nghiệm. Nghĩa là con người tạo cuộc gặp gỡ bằng cách lấy trứng và tinh trùng ra, cho chúng…giao lưu với nhau trong ống nghiệm. Khi phôi sinh đã thành hình thì cấy lại vào tử cung của người mẹ. Chờ cho đến ngày đến tháng là…mang tiếng khóc bưng đầu mà ra một cách thường tình. Đứa trẻ đầu tiên đượcthụ tinh trong ống nghiệm là bé Louise Brown, sinh ngày 25 tháng 7 năm 1978. Cha mẹ của bé là John và Lesley cố gắng ráp nối phi thuyền một cách tự nhiên trong 9 năm mà không được nên mới phải nhờ đến bàn tay của y học. Từ đó đến nay đã có hàng triệu trẻ em ra đời bằng cách…lạnh lẽo này. Năm nay Louise đã 28 tuổi và có chồng là một viên sĩ quan an ninh tên Wesley Mullinder. Hai năm trước đây, vào tháng 9 năm 2004, đám cưới của cô đã gây xôn xao dư luận và cô đã nói ngay là cô hy vọng sẽ có con một cách thông thường như mọi người chứ không cần tới ống nghiệm. Cô vẫn có mặc cảm về thân phận mình: “Tôi từng nghĩ mình là một người đặc biệt. Tôi đã luôn bị ám ảnh bởi việc mình đã được sinh ra thế nào khi tôi mới được 10 tuổi. Nhưng nay thì tôi không còn nghĩ gì nữa bởi có rất nhiều đứa trẻ cũng được sinh ra như vậy. Giờ tôi chỉ còn chú tâm vào cuộc sống của mình”. Có lẽ nhờ chú tâm nên chỉ hơn một năm sau ngày cưới, cô đã mang thai và đang chờ ngày ra đời của đứa bé, cháu ngoại của…ống nghiệm, vào tháng 1 năm tới.

Cùng họ trứng thì trứng gà, trứng vịt hay trứng người cũng đều có thể bị ung, không dùng để đón tiếp tinh trùng được. Đó là trứng của những người trên 40 niên kỷ hay những người có dấu hiệu suy buồng trứng. Vậy thì mần răng? Trứng gà trứng vịt thì có thể ra chợ mua trứng tươi, trứng người cũng vậy. Nhưng muốn mua trứng người thì không phải ra chợ mà đi tìm…cò trứng nếu ở Việt Nam. Chỗ nào có lợi nhuận là chỗ đó có cò. Cò nhan nhản khắp nơi. Cò trứng thường trụ ngoài cổng những bệnh viện chuyên về sản khoa. Theo thống kê của Bệnh viện Từ Dũ thì mỗi năm số người điều trị thụ thai bằng mua trứng mỗi tăng. Năm 2001 có 40 ca, năm 2003 có 133 ca, 2004 có 248 ca, qua 2005 là 349 ca. Năm 2002, Việt nam có luật về cho trứng theo đó người cho trứng phải từ 18 đến 35 tuổi, việc cho trứng phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và bí mật và, trên pháp lý, người mang nặng đẻ đau là mẹ, đứa trẻ sinh ra không có quyền thừa kế đối với người cho trứng. Bệnh viện thêm vào một số điều kiện khác như: có gia đình, có con để tránh tranh chấp.

Như vậy thì việc mua trứng qua cò là trái luật, vi phạm nguyên tắc tự nguyện và bí mật. Nhưng luật là một chuyện, tiền là một chuyện, người ta vẫn cứ ngang nhiên mua bán. Muốn bán trứng thì phải móc trứng ra mà bán. Chuyện khá phức tạp. Trước hết là ủ cho trứng chín. Trứng gà trứng vịt thì cứ rơm rác là xong. Trứng người quý phái hơn nên cần phải dùng thuốc. Mỗi ngày người cho phải được chích thuốc kích thích buồng trứng. Cứ cách hai ngày bác sĩ phải làm siêu âm, xét nghiệm máu và kiểm tra xem nội tiết có cân đối với lượng trứng hay không. Nếu chưa ăn thua gì, bác sĩ sẽ tăng liều thuốc kích thích. Khi siêu âm thấy trứng đã chín, bác sĩ mới tiến hành việc chọc hút trứng qua âm đạo. Nghe đã thấy…đau. Mà đau ngay từ khi chích thuốc kích thích trứng chứ không phải đợi tới khi…hút! Ngoài ra, phải canh sao cho chu kỳ của hai người cho và nhận trứng song song với nhau. Nếu không trùng hợp thì phải kéo trong thời gian cả tháng cho trùng.

Bán trứng vất vả hết siêu âm, kiểm tra, xét nghiệm đến co kéo như vậy, người bán được bao nhiêu? Theo thời giá thì là 6 triệu đồng. Nếu làm công nhân phải chắt chiu cả chục năm trời mới dành dụm được số tiền lớn như vậy. Vậy thì tội chi không bán. Có giữ được trứng đâu. Không bán thì chúng cũng tháng tháng bị đổ ra như rác rưởi, ích chi? Nhưng bán được trứng cũng gian truân lắm. Một nữ phóng viên của báo Thanh Niên đã vào vai một người bán trứng để coi sự thể ra làm sao đặng về chạy nhật trình. Qua giới thiệu của một người bạn, chị có số điện thoại của cò. Nhấc máy lên gọi, cò…bay vòng vòng tránh né, hỏi đi hỏi lại sao biết tui, ai cho số điện thoại, mãi sau mới chịu cho gặp mặt. Cò nhìn từ đầu đến chân cô phóng viên rồi điều tra: “Qua ai mà biết tui? Sao biết có vụ mua bán trứng?”. Cật vấn cho ra lẽ xong mới dẫn tới…siêu cò tên Phượng. Sau khi nghe một màn kể khổ là sinh viên cần tiền của cô phóng viên, cò Phượng mới vào đề: “Em bao nhiêu tuổi? Có chồng con chưa?” Dạ thưa đàng hoàng, 30 tuổi, chưa chồng nhưng có ăn ở như vợ chồng với bồ, có xảy thai một lần. Cô phóng viên phải khai là xảy thai vì nếu chưa có kinh nghiệm chửa đẻ thì…rớt cái rụp liền. Cò phán: “Nếu đẻ con ra rồi mà không sống thì được, chứ xảy thai thì hơi gay. Nhưng không sao, tui sẽ nói dối là em có con 2 tuổi rồi.” Cò Phượng cho biết thủ tục: trước hết là gặp một bác sĩ tư để xem hình xem dáng và phải xuất trình bản photo thẻ Chứng Minh Nhân Dân. Nếu được, bác sĩ sẽ khám tổng quát. Đến ngày có kinh sẽ lên thử máu xem có bệnh gì không. Nếu ngày kinh của người mua và người bán trùng nhau, sẽ chích thuốc kích thích cho trứng tăng trưởng nhanh, rụng sớm. Nếu không trùng thì phải uống thuốc điều hòa kinh nguyệt, sau đó mới chích. Tùy trứng mỗi người tăng trưởng nhanh hay chậm, có thể chích từ 8 đến 20 ngày. Khi nào trứng rụng sẽ tiến hành gắp trứng tại một bệnh viện phụ sản. Cò hẹn ngày hôm sau sẽ gặp tại một quán nước trước cửa phòng khám. Vừa gặp nhau, cò Phượng điện thoại cho thân chủ bằng giọng ngọt sớt: “Chị Tr. Tới chưa? Em dẫn con bé lên rồi nè. Con bé này xinh hơn con hôm trước, dáng đẹp, chị gặp là thích liền. Em gặp con gái nó rồi, dễ thương lắm”. Phượng cúp máy, cười: “Nghề của chị mà em! Em cứ nói theo lời chị dặn là được”.

Tại Mỹ ra sao tôi thật tình không rõ nhưng tại Canada chúng tôi cũng có cò trứng. Cò này là cò điện tử mang tên internet! Mặc dầu Canada đã có luật về Trợ Giúp Sinh Sản của Con Người

(Assisted Human Reproduction Act) từ năm 2004 nghiêm cấm việc bán trứng nhưng lại không cấm cản việc quảng cáo. Vậy là trên nhiều trang mạng người ta cứ thản nhiên rao hàng. Dĩ nhiên không trắng trợn ra giá nhưng theo tìm hiểu của báo Journal de Montreal thì giá khoảng từ 500 đô tới 2000 đô một phi vụ cho trứng. Tại sao lại có cái giá chênh lệch như vậy thì tôi cũng mù câm. Chẳng lẽ trứng cũng có mùa, khi trồi khi sụt? Hay có thứ trứng tốt trứng xấu? Hoặc giả trứng quý phái, trứng bình dân? Người bán trứng là những người cần tiền, thông thường là các sinh viên. Báo Journal de Montreal đã tiếp xúc phỏng vấn sáu phụ nữ từ 18 đến 31 tuổicó ý định bán trứng thì có người nói là đang bị khó khăn tài chánh nhưng cũng có người nói là có ý định mua nhà! Chắc bà này có họ hàng với cô Perrett của ông Lã Phụng Tiên!

Cũng bà con họ hàng với nghề bán trứng là nghề cho thuê tử cung. Người cho thuê tử cung nhận cho người ta đặt vào bụng mình phôi sinh của người khác để mang nặng đẻ đau đứa con không phải của mình. Bộ người đàn bà muốn có con không có… dụng cụ thiên nhiên để tự mình sinh đẻ được hay sao mà phải đi mướn cái của người khác? Dĩ nhiên bà nào cũng có đủ thứ nhưng nhiều khi vì những trục trặc của cơ thể không tự mình bầu bì được, phải thuê người khác đẻ giùm. Nghề này đã trở thành nghề…quốc tế, nở rộ tại những nước nghèo khó, điển hình là Ấn Độ. Thành phố Anand của Ấn là thành phố đi tiên phong trong dịch vụ quốc tế này. Các bà tuổi từ 18 đến 45 ở thành phố nghèo đói này đã xuất cảng những đứa trẻ sơ sinh đến Mỹ, Do Thái, Singapore, Anh. Và số khách hàng từ các quốc gia khác cũng đang thăm dò. Lý do là giá thuê…bụng ở đây khá rẻ: từ 2500 đô Mỹ tới 5600 đô Mỹ một phi vụ. Rẻ như vậy nhưng đây là một gia tài kếch sù đối với người dân Anand mà lợi tức trung bình tính theo đầu người chỉ có 500 đô Mỹ một năm. Chị Mehli, một giáo viên tiểu học, là một điển hình. Chị mới cho thuê bụng cho một cặp vợ chồng bên Mỹ với giá 5 ngàn đô Mỹ. Khi giao hàng xong, với số tiền thù lao này chị có thể làm được nhiều việc: sửa nhà cửa, trang trải tiền học cho con cái, làm của hồi môn cho con gái. Toàn những việc mà có cặm cụi suốt đời chị cũng chẳng thể dành dụm mà hoàn tất được.

Việt Nam ta đâu có chịu thua các chị em xứ cà ri. Nghề cho thuê bụng cũng đang thịnh hành ở Việt Nam. Có điều chưa tới mức quốc tế. Bụng Việt Nam mới chỉ cho những thai nhi Việt tá túc thôi. Chị Liên là một phụ nữ tiên phong cho thuê tử cung. Chị đã không ngần ngại cho nhà báo biết: “Em chưa có chồng nhưng được bốn đứa con. Nhưng nói thiệt tới giờ em cũng không biết mặt mũi tụi nó ra sao! Sanh ra là chúng được rước đi hết!” Công xá mỗi lần sanh là từ 4 tới 5 cây vàng. Cộng thêm tiền chi phí ăn ở hàng tháng người mướn phải trả để nuôi thai khoảng một cây nữa. Vậy là 6 cây. Trong suốt 9 tháng mang bụng, Liên sống sung sướng bằng tiền của…đối tác. Muốn ăn cao lương mỹ vị gì họ cũng chiều cả, mỗi nửa tháng lại tới thăm, cho quà cáp hậu hĩnh. Một cặp vợ chồng khi siêu âm biết bào thai trong bụng Liên là con trai đã hào phóng tặng luôn một điện thoại di động! Cho thuê bụng mà…vương giả như vậy hèn chi nghề này đang rầm rộ phát triển tại Việt Nam. Chí ít nó cũng hơn nghề lấy Đài Loan, Đại Hàn vừa bấp bênh vừa gian nan nguy hiểm!

Tính theo tiền bạc thì ngon ăn như vậy, nhưng tính theo tình cảm thì không biết sao mà nói được những mất mát phải chịu. Đứa con dứt ruột sanh ra dầu không phải là con mình nhưng chín tháng hoài thai quá đủ cho sợi dây liên hệ tình cảm mẹ con nẩy nở. Tại những nước Âu Mỹ đã có nhiều bà mẹ…mướn khi sanh con nhất định không trả con khiến hai bên phải kiện tụng lôi thôi rất tốn kém. Vì vậy nên những cặp vợ chồng cần mướn bụng thích thuê những phụ nữ tại các nước nghèo khó để khỏi tranh chấp kiện tụng lôi thôi.

Cái tình cảm nhức nhối của một dịch vụ tưởng chỉ quy ra tiền bạc là xong đã đi vào văn học. Nhà văn miệt vườn đang là một hiện tượng văn học ồn ào ở trong nước Nguyễn Ngọc Tư đã xông vào chỗ rối rắm này bằng truyện ngắn “Làm Mẹ”. Vợ chồng anh Đức và chị Diệu sống trong hạnh phúc. Chỉ có một điều họ không thể có được là một đứa con cho vui cửa vui nhà. Vừa lấy chồng, chị đã phải vào bệnh viện cắt buồng trứng vì một khối u trong bụng. “Không ai nói cho dì biết trước là sau ca mổ vĩnh viễn dì không thể có con được nữa. Dì nằm trong phòng hồi sức, nước mắt chảy về hai phía đuôi mắt ròng ròng, len vào tóc, ướt gối. Hồi nhỏ, em dì đông, tuổi thơ cơ cực, dì Diệu bồng em chai hông, có lần dì ra ngoài đình, dì than, dì ghét con nít lắm. Có phải vì vậy mà trời phạt dì không hỏng biết. Dì Diệu buồn như ai rứt ruột, dì khóc, biểu chú Đức thôi dì đi, sống chung mà không có con chỉ buồn thêm thôi.” Đức thương vợ nhất định không bỏ vợđi tìm con. Diệu cười nói trở lại. Nhưng nỗi buồn nào cũng có thể nguôi đi được nhưng chuyện buồn không có con thì chẳng bao giờ nguôi. Hai vợ chồng đi tới giải pháp nhờ người cho thuê bụng. Người được nhờ là chị Lành, một người đàn bà gánh nước thuê không chồng con, thuê nhà của vợ chồng chị Diệu. Khi cái thai bắt đầu đạp trong bụng chị Lành, chị cảm thấy thương cái mầm sống đang lớn lên trong bụng. Chị nghĩ tới ngày sanh phải trả lại nó cho chị Diệu, chị buồn rơm rớm nước mắt. Phần chị Diệu, sờ vào bụng chị Lành trong đó có đứa con máu mủ của mình, “Dì Diệu cười, rồi làm như một cơn gió từ đâu xộc tới, tim dì riết lại một nỗi đau. Dì thèm biết bao nhiêu cái cảm giác che chở cho một sinh linh sống trong mình, để được thèm tới cùng, tới chảy nước dãi món ngọt, món chua, để có thể cảm nhận từ trái tim chứ không phải bằng bàn tay đôi bàn chân bé bỏng quẫy đạp bụng mình thon thót. Đó là những cảm giác thiêng liêng không vay mượn, thuê mướn được: cảm giác làm mẹ.” Gần tới ngày sanh, chị Lành bỏđi trốn. Diệu tìm về quê chị Lành, gặp bà mẹ. “Vậy ra nó không nói gì với cô sao? Tui hay tin nó hư hỏng, tôi từ nó rồi, tui tính bỏ nó luôn, nhưng thiệt tình tui thương nó lắm, phải nó về, tui cũng nuôi”. Một cái bụng bầu, ba tình thương của ba người đàn bà,đã làm mẹ và chưa làm mẹ. Chị Diệu lau nước mắt cho mẹ chị Lành, lòng dằn vặt: làm người thì ai lại đi dành con với người ta. Dì không hy vọng gì gặp lại được chị Lành nữa. Nhưng “khi đã không trông chờ gì, một ngày, khi mở cửa, dì Diệu nhìn thấy chị Lành đang ngồi ngoài hàng ba và khóc. Những người có tình có nghĩa, dễ gì bỏ được nhau. Dì Diệu cắn cho môi vằn đỏ dấu răng, dì ôm chị Lành vào lòng rất chặt. Dì cảm nhận được từ trái tim bàn chân bé bỏng của đứa bé đang lòi chòi. Nó háo hức nằm giữa hai tấm lòng của hai bà mẹ. Dì Diệu đi lấy tờ hợp đồng ra và đốt cháy thành một tờ tro mỏng. Đôi khi người ta hay bày chuyện nầy chuyện nọ để làm xao động cuộc đời đang hết sức yên bình, lãng nhách vậy đó.”

08/2006