Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

BAY


Con chim bay, nó líu lo. Con bướm bay, nó nhởn nhơ. Con ong bay, nó vẽ vời. Con người bay, bụng đánh lô tô! Gần bốn chục năm trước, khi tôi tới Mỹ, gặp một bà công chức Mỹ, chức vụ chỉ huy, nghe tôi nói tôi phải cỡi máy bay nguyên một ngày mới tới, bà làm dấu thánh giá, chắp tay vái vái. Kinh khủng quá! Tôi không hiểu sao mà kinh khủng, hỏi lại, bà rùng mình, lắc đầu. Tôi không bao giờ dám bước chân lên máy bay, sợ lắm! Mới đây, gặp một ông bạn người Hoa, sanh đẻ ở Mỹ, hỏi ông hè này đi du lịch đâu, ông khoát tay lia lịa. Hổng có đi đâu hết! Hỏi tới, ông thú nhận là chưa bao giờ đi máy bay cả. Cũng chỉ vì sợ. Bốn chục năm, kỹ thuật hàng không tiến bộ biết bao nhiêu mà kể, vậy mà vẫn sợ!

Sợ là cái chắc. Đang đứng vững hai chân trên mặt đất, bỗng người bị nhấc bổng lên, phó mặc thần xác cho mấy anh phi công, nhìn xuống đất tít tắp ở dưới, chân cẳng cũng thấy nhồn nhột chứ. Lỡ một cái chỉ có nước…bay lên tới thiên đàng, nơi ai cũng muốn tới mà không muốn khởi hành! Tôi đã bay từ chiếc Cessna nhỏ xíu chỉ có vài ba ngoe với anh phi công, đã bay trực thăng gió rung tít mù, tới những chiếc Boeing cả vài trăm con người lúc nhúc, vậy mà vẫn rét! Rét nhất là từ khi mấy anh khủng bố chơi trò dùng máy bay làm xe cần cẩu phá tan tòa tháp đôi tại Nữu Ước. Sau vụ 9/11, chân cẳng mọi người lạnh hẳn. Con người như tôi, mỗi lần leo lên máy bay là tâm hồn phơi phới nghĩ tới miền đất lạ sắp tới cũng teo. Chiếc vé máy bay đã giữ chỗ, đặt cọc từ trước ngày mất vui này, đã được hủy bỏ có lý do. Từ đó, mỗi lần bay là chỉ vì phải bay, mất đi rất nhiều hứng thú. Mất ngay từ lúc mới bước chân vào phi cảng.

“ Ông có tự tay đóng hành lý lấy không?”
“ Có!”
“ Ông có biết tất cả những gì nằm trong hành lý này không?”
“ Biết!”
“ Ông có để hành lý ngoài tầm quan sát của ông lúc nào không?”
“ Không!”

Dưới mắt cô tiếp viên quầy vé của hãng hàng không, mình đã bị coi như…khủng bố rồi! Sau ba câu trả lời cộc lốc khó chịu cho cả người hỏi lẫn người trả lời này, hành lý gửi theo được chạy qua máy dò. Tới giai đoạn hai. Vào khu khởi hành. Móc tất cả đồ đạc trong người ra bỏ vào cái khay cùng với hành lý xách tay. Trưng bày của riêng tư ra giữa thanh thiên bạch nhật như vậy cũng mất vui đi. Tất cả những thứ lỉnh kỉnh này được chạy qua máy dò điện tử. Giai đoạn ba. Ngước mặt chờ đèn xanh phía trên một khung chữ nhật sáng lên, đừng có lanh chanh, nên ngó qua cái phất tay của một ông hay một bà cầm cái gậy như cái dùi cui phía trước rồi hãy bước tới. Nếu cái cửa khung này nó không la lên thất thanh là xong nợ trần. Nếu nó buồn tình la lên thì…chim bay cò bay! Cái dùi cui phải vào việc. Giơ hai tay ngang người như cánh chim…đa đa để cây gậy phiền toái đó răn đe phía trước, phía sau, phía trên, phía dưới thân thể chúng ta một cách kỹ lưỡng. Nếu nó không hét lên là OK. Nếu nó chơi xấu la lên thì rắc rối. Ánh mắt nhìn của chủ nhân chiếc dùi cui đã khác lạ. Móc kỹ lại các túi một lần nữa. Vẫn la. Tháo cái nịt ra dùm. Bực mình chưa? Một ông hành khách tại phi trường Cologne ở Đức đã phản ứng. Không có tháo thiếc gì hết! Làm gì nhau? Nhân viên an ninh nhã nhặn bảo ông là nếu ông không theo lệnh thì không được lên máy bay. Tức! Thay vì chỉ tháo chiếc thắt lưng như được yêu cầu, ông tụt luôn chiếc quần ra, cho vào máy rà rồi thủng thẳng đi qua khung cửa với chiếc quần xi líp rồi thủng thẳng mặc quần lại ở phía bên kia cổng!

Nếu trông bạn có vẻ khả nghi, mời bạn trình diễn một màn khác: màn tụt giầy! Khám tới khám lui đôi giầy khả nghi xong, bạn mới được leo lên máy bay. Thỉnh thoảng, có hành khách còn được khám thêm một màn bonus nữa ngay trước cửa máy bay. Tôi đã một lần thấy một cậu thanh niên có tí ria mép, đầu đội lệch chiếc mũ lưỡi trai, lưng đeo một túi nhăn nhúm, bị chặn lại ngay cửa vào máy bay trong khi các hành khách khác thong thả bước qua. Cuộc khám xét phụ này diễn ra sao, tôi đã chui vào máy bay rồi nên không rõ. Chỉ thấy khi mọi người đã an tọa trên ghế, cậu thanh niên này mới vào với bộ mặt vừa tức bực vừa ngượng ngùng. Như có mặc cảm mình là một tên bị nghi là khủng bố!

Chưa hết phiền. Khi chúng ta đặt chân tới phi trường là tất cả hành động của chúng ta được những cặp mắt nhà nghề theo dõi. Kế hoạch theo dõi này đã được thử nghiệm tại phi trường Logan ở Boston, nơi cất cánh của hai trong số các máy bay khủng bố trong vụ 9/11. Cái vụ nhòm lăm lăm vào những con người lui tới ở phi trường này đã được thi hành tại Do Thái từ lâu rồi. Các máy dò được đặt tại nhiều nơi trong phi cảng. Nếu bạn lớ ngớ có vẻ không bình thường thì các thám tử mặc thường phục hoặc các nhân viên phi trường sẽ đặc biệt “chăm sóc” bạn. Những dấu hiệu bất thường được chú ý có thể là: trời nóng mà bạn lại chơi nguyên một bộ áo lạnh dầy cộm, bạn lang thang trong phi trường mà tay không có hành lý hay là bạn tò mò ngắm nghía những thiết bị an ninh..vân vân và vân vân… Tại phi trường Domodedovo tại Mạc Tư Khoa, Nga, bạn lại còn được cầm một chiếc máy phát hiện nói dối khi bạn được nhân viên hãng máy bay hỏi han những câu ấm ớ như tên tuổi, quốc tịch, giới tính. Đó là màn…khai vị. Sau đó là…món ăn chính. Ông/bà có từng bao giờ nói dối cơ quan công quyền không? Ông/bà có mang vũ khí hay ma túy không?

Phiền quá sức đi chứ! Hãng điện tử General Electric vừa mới chế ra một bộ phận để dẹp đi hết những phiền toái này. Chiếc máy quý hóa này vừa được mang ra thử nghiệm tại phi trường San Francisco bao gồm hàng loạt máy tính và máy dò. Chỉ trong vòng 20 giây là xét xong một hành khách. Không có màn móc túi, cởi áo, cởi giầy gì nữa! Hệ thống dò xét tối tân của hãng GE dùng máy rà CAT tinh vi thay thế cho máy dùng tia X như hiện nay để dò hành lý xách tay. Sau đó, hành khách sẽ đi qua một cổng an ninh có khả năng phát hiện những thứ nguy hiểm như vũ khí hay bom trước khi đứng lên một máy quét dò hóa chất cùng những thứ độc hại khác. Sau 20 giây là thơ thới lên máy bay.

Tại sao người ta lại làm phiền nhau đến như vậy nhỉ? Các viên chức an ninh bảo là vì sự an toàn của hành khách. Phiền chút đỉnh còn hơn phi cơ bị không tặc, khủng bố hoặc nổ tung trên không gian. Nghe mà đã thấy ớn. Mà hành khách cũng nhiều người đãng trí lắm. Nguyên tại phi trường Pierre Trudeau của thành phố Montreal của tôi, trong năm 2004, đã tịch thu được 900 đồ chơi súng ống, 45 ngàn vật nhọn và 11 ngàn vật dụng cấm kỵ khác. Trên toàn thể các phi trường tại Canada, số đồ vật bị tịch thu trong năm 2004 là 738 ngàn gồm phần lớn là đồ cắt móng tay, kéo và dao nhỏ tiện dụng. Có một bà mang theo một con dao cắt thịt dài tới 23 phân! Tại phi trường Edmonton, một bà còn chơi nguyên một trái bom ống và pháo bông trong túi đeo lưng. Để làm chi vậy? Bà khai đó là đồ bảo vệ chống gấu dùng trong các cuộc cắm trại mà bà bỏ quên trong túi đeo. Cái bà 22 tuổi ham đi rừng mà lại lơ đãng này đã bị tòa tuyên phạt hai ngàn đồng!

Không lơ đãng là ông Fazal Karim, 37 tuổi, dân Canada gốc Pakistan. Ông bị giữ tại phi trường Dallas ngày 5 tháng 3 năm 2003 vì mang 32 chiếc dao lam đựng trong một chiếc hộp có băng bao kín bỏ trong túi xách tay lên phi cơ. Được thẩm vấn, ông bảo là muốn thử xem hệ thống dò xét của phi trường có hữu hiệu không! Đúng là giỡn với lửa! Ai mà tin được hành động mó dái ngựa đó chỉ…ngây thơ như vậy. Người ta nghi anh chàng này dò đường cho một tổ chức khủng bố nào đó. Anh qua Mỹ làm chi? Anh khai là du khách. Nhưng theo điều tra thì anh là di dân bất hợp pháp không có quyền cư trú tại Mỹ. Tòa kết án anh tội mưu toan dấu vũ khí nguy hiểm trên chuyến bay, man khai tình trạng cư trú và tuyên phạt 63 tháng tù, 20 ngàn đô phạt vạ và sẽ bị tống xuất sau khi mãn án!

Leo được lên máy bay thì…con tim không ngủ! Thôi thì cứ phó thác cho số mệnh chứ đừng nên sợ như bà Sadrine Helene Sellies. Bà này có mặt trên chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific từ Hương Cảng đi Brisbane, Úc châu. Máy bay đang ở trên cao độ, bà khơi khơi tới kéo cần mở cửa máy bay. Các tiếp viên vội chạy tới ngăn cản hành động nguy hiểm của bà. Và bà phải ra hầu tòa. Tại tòa bà khai là bà rất sợ đi máy bay và đây là lần đầu tiên bà đi du lịch ra khỏi nước Pháp với chồng. Trước khi…phiêu lưu bà đã đi bác sĩ lấy toa đi mua thuốc an thần và thuốc ngủ. Và bà đã bị mộng du nên không biết hành động nguy hiểm của mình. Tòa nghe ra cũng thương hại người đàn bà 34 tuổi này nên tuy luật định hình phạt tối đa cho tội danh này là 7 năm tù giam, ông chánh án Gordan Dean đã giơ cao đánh khẽ chỉ phạt bà 1000 đô và 12 tháng tù treo!

Đã teo người vì bị treo trên trời, lại còn teo hơn vì những anh thích đùa dai. Như anh chàng Jose Pelayo-Ortega. Anh đáp chuyến bay của hãng United Airline từ Chicago đến Sacramento. Khi không anh hô hoán là trên phi cơ có bom. Báo động! Hai chiếc chiến đấu cơ F-16 của Bộ Tư Lệnh Phòng Không Bắc Mỹ bay lên hộ tống. Phi cơ đáp khẩn xuống Denver, chạy tới một nơi vắng vẻ ở phi trường, thả hết 138 hành khách xuống và lục soát. Lục hoài cũng chẳng thấy gì. Ba giờ sau, hành khách lại bồng bế nhau lên phi cơ bay tiếp. Dĩ nhiên anh chàng hốt hoảng la lối không được lên theo. Chàng phải ở lại để nói chuyện phải trái với nhà chức trách!

Một hành khách trên một chuyến bay của hãng hàng không KLM vừa đặt được cái bàn tọa xuống chiếc ghế êm ái trên phi cơ, với tay lấy tờ tạp chí trước mặt để đọc trong khi chờ phi cơ cất cánh, bỗng thấy rơi ra một tờ giấy. Đọc xong ông tái mặt: trên tờ giấy là nét chữ viết tay cảnh cáo trên phi cơ có gài bom! Ông hốt hoảng báo cho phi hành đoàn. Chiếc máy bay vừa rời khỏi chỗ đậu liền được tốp lại. Hành khách được di tản. Các chuyên viên chất nổ và chó đánh hơi được huy động tìm kiếm. Kết quả chẳng có gì. Dọa nhau chi thế!

Máy bay ngày nay chở được nhiều người. Bá nhân bá tánh. Trong cái đám cùng chung một số mạng đó có nhiều người không bình thường. Họ kiếm chuyện gây rối trên phi cơ. Tôi chẳng phải là chuyên gia tâm lý nhưng cũng thử đoán…vận mạng chơi. Phải chăng cái tâm lý sợ hãi làm con người ngồi trên phi cơ…khắc khoải? Hay bỏ ra một đống tiền mua vé máy bay, có nhiều vị tiếc tiền nên có tâm lý muốn hành các tiếp viên cho đáng đồng tiền bát gạo? Như ông William Lee chẳng hạn. Ông hành khách 48 tuổi, người Nữu Ước này đã gây rối trên chuyến bay của hãnh hàng không American Airlines bay từ Los Angeles về New York. Ông đã đứng dậy và to tiếng đòi thêm một ly bia. Tiếp viên phục vụ nói ông chờ một chút nữa khi hàng ghế của ông ngồi được phục vụ. Ông không chịu chờ, tiếp tục hò hét, gây rối một cách hung hãn. Cô tiếp viên ra hình phạt: không cho ông uống bia nữa. Ông tức giận đứng dậy gạt tay cô tiếp viên làm cô này té chúi xuống sàn. Bảy vị nam hành khách anh hùng thuộc một đội bóng bầu dục đồng loạt trấn áp vì ông này rất to lớn và khỏe khoắn. Cuối cùng họ dằn được ông xuống ghế và khóa tay ông ta lại bằng một chiếc còng. Ông vùng dậy làm dữ nữa. Họ vật ông xuống sàn và giữ ông cho tới khi máy bay hạ cánh. Không ngờ ông bị đè mạnh quá đến tắt thở luôn. Phí một đời…hăng!

Ông cựu quân nhân Steven Kyle Maxwell cũng hăng. Trên chuyến bay từ Dallas tới Tulsa, tiểu bang Oklahoma, ông làm dữ cắn tay và đập dập môi một hành khách khác lại còn cho một tiếp viên hàng không ăn trái phật thủ! Máy bay phải quay ngược lại Dallas để cho ông xuống. Bị đưa ra tòa, luật sư của ông cãi là thân chủ ông bị ảnh hưởng một tai nạn xe hơi trước đó khiến ông ta mang thương tật nơi hông và phải xuất ngũ. Vết thương ở hông leo lên tới đầu!

Ông Rigoberto Alcazar, 44 tuổi, thì hư cái đầu thiệt. Ông đáp chuyến bay của American Airlines khởi hành từ phi trường quốc tế Miami. Khi chờ lên máy bay, ông bỗng hô hoán lên là trong hành lý ông có mang bom! Nhân viên an ninh ập tới, ông bỏ chạy. Hô thế nào thì hô ông vẫn cứ…marathon! Người ta buộc phải nổ súng. Ông chết không kịp ngáp. Khám túi xách của ông thì chẳng thấy bom biếc gì. Nguồn tin báo chí cho biết là ông này bị bệnh tâm thần.

Tại sân bay Brisbane ở Úc hành khách cũng náo loạn vì bom. Tất cả mọi người được hướng dẫn di tản khi một công nhân vệ sinh thấy một vật rung trong thùng rác. Bom! Chuyên viên được phái tới. Sau 45 phút nghẹt thở người ta khám phá ra đó chỉ là một món đồ chơi sex của người lớn bị bỏ cho rung tít mù khơi trong thùng rác!

Phi trường là chốn chẳng nên lai vãng. Cực chẳng đã mới phải đặt chân tới. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, tôi vẫn cứ cẩn tắc vô…áy náy: bước chân xuống khỏi máy bay là vội dông cho chắc ăn. Nấn ná ở cái chỗ lắm chuyện này chẳng phải chân cũng phải tay. Chẳng dại!

Vậy mà lại có người dại! To đầu mà dại! Đó là ông già Ludwik Zon, xuân xanh đã 84, người Ba Lan, cả đời chưa bao giờ đi đâu. Ông muốn chơi dối già bằng một chuyến bay nhưng ông chẳng có việc gì phải leo lên máy bay, cũng chẳng có ai thân cận để mà thăm viếng, nhưng ông nhất định leo lên máy bay tới Luân Đôn. Ông đã phải dành dụm tiền bạc trong nhiều năm mới mua được chiếc vé quý hóa. Đến Luân Đôn ông chẳng biết đi đâu, một chữ tiếng Anh bẻ đôi ông cũng chẳng biết, cứ lớ ngớ đi lên đi xuống ở phi trường Heathrow. Cái phi trường to lớn và khó mò nhất thế giới này tôi cũng đã từng lớ ngớ lạc lung tung khi máy bay ghé trên đường sang Canada tỵ nạn. Ông già Ludwik Zon này chắc chắn nhà mùa hơn tôi nên cũng…bâng khuâng là cái chắc! Trong khi ông đang vòng vo ở Heathrow thì tại quê ông ở ngôi làng Znin nhỏ bé, 36 nhân viên cảnh sát và lính chữa lửa hốt hoảng đi tìm con người mất tích! Cuối cùng ông cũng được đưa lên máy bay qui hồi cố quốc sau khi đã du lịch vài giờ tại…phi trường!

Ông Merhan Karimi Nasseri không nhà quê như ông Ludwik Zon. Ông này có bố người Iran và mẹ người Anh. Giữa thập niên 70, ông du học tại Anh. Vừa học ông vừa làm…cách mạng. Ông tham gia biểu tình chống nhà vua Iran, Mohammed Reza Pahlavi. Năm 1975, học xong, ông quay về cố quốc. Ông bị bắt ngay khi vừa xuống máy bay tại phi trường Mehrabaad ở thủ đô Teheran, bị nhốt tù 4 tháng và bị trục xuất. Trục xuất thì ông đi. Sợ chi! Ông xin tỵ nạn tại Đức, Hoà Lan, Ý, Pháp và Anh. Chẳng ai muốn chứa ông. Năm năm sau, nước Bỉ mới thương tình cho ông tị nạn. Thế là yên. Nhưng ông lại không muốn yên. Sống 6 năm ở Bỉ, ông chán, bỏ đi. Đi đâu bây giờ? Ông về với quê của mẹ ông là nước Anh vào năm 1986. Quê ngoại không nhận! Ông đã đặt chân xuống phi trường Heathrow nhưng bị đuổi. Ông bay sang phi trường Charles de Gaulle tại Paris. Rồi có cho hay không ông không cần biết, ông nằm lì tại phi trường quốc tế này. Đòn lì coi bộ được việc. Nhờ một luật sư Pháp can thiệp, người ta đành để ông yên. Một ngày ở phi trường của ông như sau: 5 giờ sáng thức dậy, vào phòng vệ sinh công cộng làm vệ sinh cá nhân, rồi suốt ngày nghe radio, đọc sách, viết nhật ký. Người ta cho ông một chiếc ghế sofa để ông nằm và thỉnh thoảng nhân viên phi trường giặt quần áo cho ông! Năm 1999, Pháp cho ông quyền tị nạn chính thức. Ông vẫn cứ phi trường mà ở, chẳng chịu nhúc nhích đi đâu. Mà cái tổ chuột của ông có gì đâu. Chỉ một cái sofa và những thùng các-tông và những gói lỉnh kỉnh bên cạnh. Ông công khai sống trước mắt mọi người một cách bình thản và chễm chệ, chẳng cần dấu diếm cuộc sống khác người của mình. Chính cái khác người này đã mang tiền bạc đến cho ông. Số tiền không phải nhỏ. Tới 250 ngàn đô Mỹ lận! Với số tiền này ông dư sức mua nhà nhưng mua làm chi? Có cái nhà nào to bằng cái phi trường đâu!

Đọc tới đây chắc nhiều bạn thắc mắc là tại sao sống khơi khơi thế lại vớ được một món lợi nhuận béo bở đến như vậy? Bởi vì cuộc sống không giống ai này đã được các nhà làm phim ảnh để ý tới. Và họ quay tới hai cuốn phim về ông. Một của Pháp và một của Mỹ. Cuốn phim Mỹ đã trình chiếu rồi, bạn đã coi chưa? Chính là cuốn phim nổi tiếng The Terminal! Vai anh chàng không giống ai Merhan Karimi Nasseri này do tài tử Tom Hanks đóng đó!

Anh chàng Nasseri cố thủ ở phi trường, nữ tài tử Kiều Chinh của chúng ta cố thủ trên máy bay! Đây là một chuyến bay dài đầy buồn tủi. Vài ngày trước ngày mất nước, Kiều Chinh rời Việt Nam qua Singapore. Cô bị Singapore bỏ tù vì tội mang thông hành của một quốc gia mà chính phủ không còn tồn tại nữa. Một ngày sau cô được thả với điều kiện chỉ được lưu lại Singapore 24 tiếng đồng hồ. Cô chạy đôn chạy đáo qua nhiều tòa Đại sứ của các quốc gia khác nhau để xin visa nhập cảnh. Không nơi nào cho cô con dấu visa cần thiết đó. Tới giờ phải rời Singapore, mấy người bạn của cô vội mua cho cô chiếc vé máy bay. Họ biết chắc là Saigon sắp thất thủ nên muốn đẩy cô lên máy bay mua thời gian. Chuyến bay bất đắc dĩ đã đưa cô đi khá xa. Trong một bài phỏng vấn của chương trình Việt Ngữ của đài SBS, Úc Châu, vào năm 2005, cô đã kể lại chuyến đi trôi nổi này. Cô bay vòng quanh thế giới theo một lộ trình càng kéo dài càng tốt. Từ Singapore cô bay qua Bangkok, Hongkong, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản, Luân Đôn, Nữu Ước, Pháp, và cuối cùng tới Canada. Cô tới phi trường Toronto vào tối ngày 30/4, đúng lúc được tin Sài Gòn thất thủ. Cô trở thành người tị nạn đầu tiên tới Canada!

Có nhiều kiểu bay nhưng chắc chẳng có kiểu bay nào bi thảm như kiểu bay của Kiều Chinh. Kiểu bay mất nước trên không trung!

05/2006