Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

ĐÔI

Nếu đi shopping mà gặp dịp bán sale mua một tặng một bạn có thích không? Thích quá đi chứ lỵ! Nếu đi nhà bảo sanh mà cũng sanh một tặng một thì có thích không? Cũng tùy! Như cô em dâu tôi, vừa “giải phóng” xong, vác cái bụng bầu vào nhà hộ sinh, sanh xong cô y tá bảo nằm chờ đó để sanh tiếp thì chỉ có nước khóc. Nuôi một đứa đã vất vả, hai đứa thì chỉ có chết! Vậy mà rồi cũng xong. Trời sinh voi sinh cỏ. Các cụ dậy thì biết vậy chứ vào lúc cả nước rầu rĩ đó thì cỏ cũng khó mà kiếm. Huống chi là sữa.

Quà tặng của nhà hộ sanh ngày trước bất ngờ như vậy. Ngày nay đã có khác. Cứ vác bụng đi làm siêu âm thì biết ngay có mấy trự đang núp trong đó. Thường thì chỉ có một. Hơn một là trúng số. Sanh có một lần bằng người ta sanh mấy lần. Cũng đã chứ. Cửa chỉ mở một lần mà một công đôi việc, tiện biết chừng nào. Đâu có phải ai muốn cũng được. Theo thống kê thì cứ 85 lần sanh mới có một lần sanh đôi, 7 ngàn lần sanh mới có một lần sanh ba, 680 ngàn lần sanh mới có một lần sanh bốn. Khó quá đi chứ! Nói chi tới sanh năm, sanh sáu. Ở Canada của tôi thì từ thuở lập quốc đến bây giờ mới có một ca sanh sáu! Chuyện xảy ra ở nhà thương B.C. Women’s Hospital tọa lạc tại Vancouver vào thượng tuần tháng giêng năm 2007 vừa qua. Bác sĩ sản khoa Brian Lupton phải họp báo trước sự kiện hi hữu này và ông chẳng nói được gì nhiều vì bố mẹ sáu đứa trẻ theo đạo Chứng Nhân Của Jehovah và họ muốn giữ sự kiện này trong vòng riêng tư của gia đình. Thế nhưng dư luận xôn xao làm áp lực quá nên gia đình đành phải ra một thông báo cho biết đại khái là cả sáu đứa trẻ “ở trong tình trạng tốt”. Đứa đầu tiên chào đời vào 8 giờ rưỡi tối thứ bảy ngày 6 tháng giêng và tới sáng Chủ Nhật năm đứa khác mới rủ nhau ra. Bệnh viện cũng không được quyền tiết lộ là chúng ra đời một cách tự nhiên hay cần có sự can thiệp của dao kéo. Vài ngày sau, báo chí mới moi được mấy chi tiết khác. Chúng được sanh non, chỉ nằm trong bụng mẹ được có 25 tuần lễ, ít hơn 15 tuần lễ cho một vụ mang bầu thông thường là 40 tuần lễ. Mỗi bé cân nặng khoảng từ 700 đến 800 gram, bằng khoảng bảy tám thanh kẹo chocolate! Cả 6 bé đều có khó khăn trong việc hô hấp và ăn uống vì các bộ phận trong người chưa đủ trưởng thành để hoạt động bình thường. Thông thường thì cần phải tiếp máu cho các cháu nhưng vì bố mẹ theo đạo Jehovah nên họ từ chối việc tiếp máu. Phát ngôn viên của đạo này tại Canada Mark Ruge đã vội vã lên tiếng là Thánh Kinh đã nói “rất rõ là con người phải cữ truyền máu” dù đó là chuyện sinh tử! Chưa đầy một tuần sau khi mở mắt chào đời, một bé đã…tử!

Sanh sáu oai phong lẫm liệt như vậy vì đó là của hiếm. Sanh đôi dễ hơn nhiều. Những người oai phong lẫm liệt đẻ con sanh đôi cũng không hiếm: văn hào Anh William Shakespeare, cựu Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher, các tài tử màn ảnh Robert de Niro, Mel Gibson, Chuck Norris, Julia Robert và ca sĩ Julio Iglesias. Nhưng “hoàng hậu” của trường phái sanh một tặng…một, hai, ba, chắc phải là bà vợ cả của ông nông dân Fedor Vasilev, người Nga, sống vào cuối thế kỷ 18. Bà sanh tất cả 27 lần trong đó có 4 lần sanh bốn, 7 lần sanh ba và 16 lần sanh đôi. Đố các bạn bà…Âu Cơ tóc vàng mắt xanh này có bao nhiêu con tất cả? Nực cười là bà vợ hai của ông nông dân tốt giống này cũng 2 lần sanh ba và 6 lần sanh đôi. Chắc ông này phải dùng súng…hai nòng!

Vậy thì sanh đôi trở lên là do chồng hay do vợ? Các anh chồng đừng vội tranh công! Theo các nhà khoa học thì khả năng sanh đôi được di truyền qua người mẹ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên môi trường cũng góp phần trong việc nhét thêm một hoặc nhiều trự hơn trong bào thai. Chẳng hạn như tại thành phố nhỏ Igbo-Ora ở Nigeria hàng năm có khoảng 50 trường hợp sanh đôi hoặc sanh ba. Nguyên nhân là rau cỏ ở vùng này chứa một chất có thành phần giống như oestrogen nơi phụ nữ, kích thích hoạt động của hormone gonadotropin, là một chất tăng cường sinh dục và thúc đẩy nhanh hơn nhịp trưởng thành của các tế bào trứng. Tại xã Hưng Lộc, tỉnh Đồng nai, chỉ cách Sài gòn khoảng 65 cây số, nơi chỉ có 10 ngàn dân mà đã có tới 70 cặp sanh đôi. Nguyên ấp Hưng Hiệp trong xã đã chiếm tới 52 cặp. Tại sao vậy? Người ta bảo tại vì nước giếng nhà ông Bảy Thường! Giếng chi mà lạ đời! Đó là cái giếng được đào từ trước năm 1975, sâu 15 thước, nằm ở góc hàng rào nhà ông Bảy Thường. Nước giếng rất trong, sạch và đặc biệt có vị ngọt nên bà con trong vùng thường tới lấy về dùng. Ông Bảy Thường năm nay đã 77 tuổi nên chắc chẳng can thiệp gì vào cái vụ sanh đôi này được. Tuy nhiên người dân càng ở gần giếng thì lại càng sanh đôi bạo. Ở xa giếng thì tỷ lệ sanh đôi ít hẳn đi. Tiếng lành đồn xa, giếng Bảy Thường trở thành giếng thần! Các bà ở tận Sài gòn cũng bắt xe đò mò về giếng để xin nước mang về nhà uống hầu có hy vọng…đôi với người ta!

Gọi là sanh đôi nhưng có hai thứ sanh đôi: sanh đôi thiệt và sanh đôi giả. Giả đây không phải là đồ giả (thứ nào cũng ở trong bụng chui ra đàng hoàng cả!) mà đây là cách phân biệt của giới khoa học. Thật là hai anh loăng quăng chui vào một trứng và giả là hai anh loăng quăng chia nhau ra chui vào hai trứng. Dĩ nhiên thật thì giống nhau hơn nhưng thương yêu nhau hơn thì chưa chắc. Bởi vì chúng đã tranh dành với nhau ngay từ khi còn tá túc trong cùng một trứng. Tranh dành sống chết chứ không phải chuyện chơi. Như trường hợp hai thai có chung một cuống nhau nối với hệ thống cung cấp máu của người mẹ. Cả hai thai phải tranh dành nhau để có đủ số máu cần thiết để phát triển. Theo Bác sĩ Anthony Johnson của Viện Đại Học Bắc Carolina thì có đến từ 60% đến 70% nguy cơ cả hai cùng chết. Thai nhi không nhận đủ máu sẽ chết vì thiếu dưỡng chất, thai nhi nhận quá nhiều máu sẽ chết vì suy tim khi tim phải làm việc nhiều để bơm máu cho thai nhi kia. Để điều chỉnh việc chia máu, các nhà phẫu thuật phải dùng tới kỹ thuật tia laser để hàn các mạch máu chung giữa hai thai.

Dù sanh đôi thiệt hay giả, khi ra đời thường thì chúng khá giống nhau. Hình ảnh hai đứa trẻ mặt mũi giống nhau, ăn mặc giống nhau, nằm song song với nhau là một hình ảnh dễ thương. Nếu chúng nằm trên một chiếc xe đẩy loại hai chỗ nằm được bố mẹ đẩy đi trong shopping center thì các bà các cô yêu trẻ sẽ xúm lại, chẳng thể nào làm ngơ được. Nhưng sự giống nhau tưởng chừng như bất biến đó đôi khi bị phá vỡ một cách không thương tiếc. Như trường hợp những cặp sinh đôi nhưng hai màu da khác nhau. Đây là trường hợp ít khi xảy ra, một triệu cặp sinh đôi mới có một cặp…ngã rẽ sắc màu như vậy. Như trường hợp hai bé gái sinh đôi Alicia và Jasmin ra đời vào tháng 5/2006 tại Úc. Alicia có đôi mắt nâu, da đen. Jasmin có làn da trắng, mắt xanh và tóc màu nhạt. Bà mẹ Natasha Knight đã vô cùng bất ngờ khi thấy hai đứa con hai sắc màu ra đời cách nhau vài phút. Bà tâm sự: “ Thật là kỳ lạ tới mức không thể tin nổi. Khi biết mình mang thai đôi, tôi đã ước có một đứa giống mẹ, một đứa giống cha. May mắn thay, điều đó đã thành sự thực!” Bà mẹ Natasha Knight, 35 tuổi, mang trong mình hai dòng máu Anh và Jamaica. Ông bố Michael Singerl, 34 tuổi, là người gốc Đức. Trước đó họ đã có một đứa con gái 5 tuổi tên Taylah. Cô bé Taylah này là một kết tinh tuyệt vời của hai dòng máu mẹ cha: mắt xanh, tóc vàng nhưng màu da lại mang màu nâu sậm!

Trước đó một năm, tại Anh, cũng đã xảy ra trường hợp tương tự. Bé Renee tóc vàng và nước da trắng trong khi bé song sanh Kian mắt đen và nước da đen. Thường thì những bé đi lạc màu sắc này đều thuộc về những gia đình đa chủng tộc có dòng máu lai của hai màu da khác nhau. Thế nhưng trường hợp hai bé gái Mei Lun và Mei Huan ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc thì sao? Cũng một bé đen và một bé trắng nhưng gia đình, tổ tiên của cả bên cha lẫn bên mẹ không có ai lai cả!

Chẳng lẽ lại đổ tội cho khoa học. Cũng oan cho khoa học vốn là một thứ chính xác từng chút một. Tội là ở những người áp dụng khoa học mới đúng. Như trường hợp của hai vợ chồng người Hòa Lan Willem và Wilma. Họ không thể thụ tinh theo lối thông thường được nên nhờ tới ống nghiệm. Bà Wilma mang thai một cặp song sanh trai. Họ rất vui mừng. Nỗi vui bỗng biến thành…mất vui khi hai cậu chơi hai màu khác nhau ra đời vào đầu năm 2005. Thử ADN mới biết các bác sĩ đã cấy nhầm phôi thai của một cặp vợ chồng da đen cho bà Wilma! Tuy vậy, vì bà Wilma mang nặng đẻ đau nên thương yêu hai đứa từ trong bụng mình chui ra như nhau, hai vợ chồng người da đen kia quyết định không đòi lại con. Để cho chúng có anh có em! Trường hợp xảy ra tại Mỹ vào năm 1999 nơi một nhà hộ sanh ở Nữu Ước thì lại khác. Bà Donna Fasano, da trắng và bà Deborah Perry-Roger, da đen, cùng cấy phôi theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cùng một lúc. Bà da trắng Fasano may mắn đậu thai đôi. Khi sanh ra thì cũng một đen một trắng. Lại lộn! Bà Deborah nhất định đòi lại con. Sự việc phải mang ra trước tòa án để phân xử. Tòa phán con ai người ấy nhận. Em bé đen trở về với bố mẹ đen!

Cái lối sanh một tặng một ngày nay đã trở nên thông thường. Trên thế giới hiện nay có 77 triệu cặp song sinh. Càng ngày người ta càng tham. Trong nửa thế kỷ vừa qua, theo thống kê thì số sanh đôi hay sanh ba nhiều gấp đôi ngày trước. Thời cổ đại, chuyện chơi cú đúp như vậy là một chuyện huyền bí. Người ta tin rằng những cặp song sinh có các khả năng siêu nhiên như điều khiển được thời tiết, không bị chết khi chiến đấu hoặc miễn dịch với nọc rắn. Tại Trung Phi, cha mẹ các cặp song sinh được coi là có khả năng ảnh hưởng tốt đến mùa màng, mang lại sức mạnh và năng lượng cho đất đai. Tại nhiều bộ lạc, bà mẹ song sinh phải ăn bằng hai tay vì như vậy mới đủ thực phẩm để cho hai đứa con lớn mạnh! Tại Nhật Bản thuở xưa thì ngược lại. Người ta cho rằng bà mẹ sanh đôi là kết quả của ngoại tình! Phải có hai người đàn ông mới cùng một lúc sanh ra hai đứa con được chứ! Vì vậy người phụ nữ nào sanh đôi sẽ bị xóm giềng đối xử tàn tệ.

Hai đứa cháu sanh đôi của tôi hình dáng khá giống nhau, tiếng nói giống nhau, nhiều khi tôi không phân biệt được. Nhưng tính tình hai đứa lại khác nhau. Một đứa sốc nổi, một đứa đầm tính. Nhưng các nhà tâm lý học lại cho rằng các trẻ sanh đôi thường là rất giống tính nhau. Nhà tâm lý học người Mỹ Tomas Buchard đã phát hiện ra một trường hợp lý thú. Hai anh em sanh đôi Jim Springer và Jim Luise phải sống xa nhau sau khi ra đời được một tháng. Bốn chục năm sau, hai anh em mới tái hồi. Khi đó họ mới biết là hai người đều có hai đời vợ, hai người vợ thứ nhất đều mang tên Linda, hai người vợ thứ hai đều tên là Betty, con đầu lòng của hai người đều tên là Jame. Cả hai đều dùng xe Chevrolet, màu xe giống nhau, cùng làm nghề thợ mộc và cùng hút một loại xì gà!

Hai chị em Tony Mooy và Adelie Hurley, năm nay đã 88 tuổi, được mệnh danh là “cặp song sanh khủng khiếp” ở Úc. Hai người sống cách xa nhau nhưng nhất cử nhất động đều giống nhau. Bà này nhận được cuốn băng nói chuyện của bà kia đã giật mình vì bà ta cũng vừa gửi đi một cuốn băng tương tự. Mà họ sống xa nhau cả một đại dương chứ gần gũi gì. Bà Tony sống ở Sydney, là nhân viên đánh máy cho một cơ sở hải quân, rồi đổi nghề làm y tá cho một trung tâm phục hồi sức khỏe. Bà Adelie là nhiếp ảnh gia, đi chu du khắp thế giới, có lúc đã ở xa tới tận Ấn Độ. Khi chồng bà Tony qua đời và bà Adelie ly dị thì họ quyết định dọn nhà đến cảng Coffs và hai người mua hai căn nhà đối diện nhau. Từ đó họ nhận thấy có những điểm tương đồng lạ lùng. Cả hai cùng yêu nghệ thuật, bà Tony vẽ tranh, bà Adelie thêu thảm. Khi bà Adelie bị bệnh tim phải làm bypass ba mạch máu thì bà Tony cũng chơi hai đường máu bypass. Bà Adelie phải thay khớp xương chân nhân tạo bên chân trái thì bà Tony…đối lập: thay khớp xương bên chân mặt! Cứ bà Adelie bị chuyện gì liên quan đến sức khỏe thì y như rằng bà Tony tò tò theo sau y chang như vậy!

Hai bà Barbara Corbett và Beryl Francis, năm nay 63 tuổi, thì lại có mối giao cảm kỳ lạ. Khi còn trẻ, lúc cô Barbara đau oằn người vì chuyển dạ sanh trong một nhà hộ sanh, cô nhờ người cho gọi mẹ tới giúp đỡ. Nhưng đúng lúc đó, bà mẹ bận không thể tới được: bà đang chăm sóc cô Beryl cũng đang vượt cạn tại một bệnh viện khác. Điều lạ lùng là cô Beryl sanh mà tỉnh bơ chẳng đau đớn gì cả. Bao nhiêu nỗi đau dồn cả cho cô Barbara. Khi họ đồng sanh con lần thứ hai thì ngược lại. Cô Barbara tỉnh bơ trong khi cô Beryl kêu trời không thấu. Khi một người phải vào bệnh viện thì người kia phải được thông báo vì người ở nhà sẽ lãnh phần đau đến ngất xỉu khi người kia bị mổ xẻ trong nhà thương. Tạo hóa kể ra cũng công bằng đấy chứ!

Tôi có hai ông chú vợ cũng… đôi. Một ông thuộc loại tiếu ngạo giang hồ, lưu lạc sang tới tận bên Tân Gia Ba, lấy vợ người bản xứ, có hai con. Một ông thì cứ quê nhà ở tận Truồi mà trụ, con đàn cháu đống. Khi ông chú bên Tân Gia Ba bị tai nạn xe mô tô chết thì ông chú bên Truồi đang leo thang lên sửa mái nhà. Vậy mà ông té một cái đến bất tỉnh nhân sự! Chuyện xảy ra vào cuối thập niên 1940, khi đó phương tiện thông tin đâu có nhanh như ngày nay mà sao cái thần giao cách cảm nó xẹt nhanh đến như vậy?

Hai chị em song sanh Jessica và Natalie Anthony, ở Sydney, Úc, cũng đồng cam đồng khổ không kém. Năm họ lên bảy tuổi, cô bé Jessica đang ở nhà bỗng nắm chặt cánh tay la lên như điên dại: “Natalie! Cứu! Cứu!”. Chẳng ai hiểu tại sao cả. Khi bà mẹ trở về mọi người mới biết là Natalie bị té gãy tay ở nhà trường. Vào bệnh viện, khi bác sỉ nắn tay Natalie cho vào khớp thì ở nhà Jessica lại hét lên đau đớn. Năm nay hai người đã 27 tuổi mà vẫn không chịu rời nhau. Họ vui buồn, cảm thông với nhau từng chút một. Một người mất bạn trai thì ngừơi kia rầu rĩ như chính mình mới bị bồ đá. Bây giờ họ chỉ có một ước mơ là tìm được hai anh chàng song sinh để lấy làm chồng!

Mơ ước đó, hai cặp song sinh Bernie và Brian McMahon cùng Pamela và Pauline Craige đã đạt được. Năm 1961, hai chàng Bernie và Brian, ở tuổi 20, đến thành phố Sydney và làm quen được với hai chị em song sinh Pamela và Pauline. Năm năm sau họ kết hôn với nhau. Cậu em Bernie lấy cô chị Pamela và ngược lại. Hai cặp vợ chồng sống tại hai căn nhà đối diện nhau và không rời nhau nửa bước. Họ cùng làm việc tại một hãng, cùng ăn cơm trưa, cùng sở thích giống nhau và cuối cùng, cùng về hưu!

Người xung quanh không phân biệt được ai vào với ai. Nhưng tự họ, họ có phân biệt được không? Chắc là được. Không được thì nguy chết!

Một anh chàng lấy được một cô vợ tóc vàng xinh đẹp. Cô này có một cô em song sinh cũng tóc vàng giống chị như hệt. Cô em này lại dọn tới ở cùng với hai vợ chồng cô chị. Hàng xóm láng giềng chịu không phân biệt được cô nào là chị, cô nào là em. Một anh bạn cạnh nhà cắc cớ hỏi:
“ Này bạn hiền, làm sao mà cậu phân biệt được vợ cậu với cô em vợ?”
Anh chồng chẳng cần suy nghĩ, đáp ngay:
“ Dễ ợt chứ khó gì! Khi một người ở bên tớ mà tớ không rõ đó là vợ tớ hay em vợ tớ thì tớ đặt một bàn tay lên mông cô ta. Nếu cô ta tát tớ một cái thì đó là vợ tớ!”

01/2007