Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

CÂU

Câu là một thú vui tao nhã. Hình ảnh ông Lã Vọng buông cần ngồi chờ cá là một hình ảnh mang tính…triết học. Nó gợi ra cái đạo an bần. Nó vẽ ra cái khôn ngoan nhẩn nha của người chưa gặp thời. Nó đưa con người hòa vào thiên nhiên trong sảng khoái. Nó rất…Nguyễn Khuyến.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng nước theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần lâu chẳng được.
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Câu như vậy thanh thản biết chừng nào. Chuyện ngồi câu mới là quan trọng. Cá có cắn câu hay không, không thành vấn đề!

Phải là những tao nhân mặc khách mới có cái lối câu phí thời giờ như vậy. Tôi cũng đã từng đi câu như một thú giải trí nhưng không được tao nhã bằng. Câu là phải bắt được cá, càng nhiều càng tốt. Cái tâm câu không an bình mà vọng động hết biết. Cái thú có đôi chút sấn sổ của tôi từ ngày vừa nhích khỏi cái tuổi lên mười ở Hà nội không được…Nguyễn Khuyến cho lắm. Hồi đó tôi đã nuôi giun đỏ làm mồi câu, đã thích thú ra bờ đê hốt phân bò về làm thức ăn cho giun, đã rang thính bằng bàn tay nhà nghề thơm phức, đã o bế sửa soạn cần câu, dây câu như người lính chăm sóc cây súng. Nghĩa là tôi đi câu như đi hành quân. Nhất quyết ăn thua. Ăn thì mừng vui. Thua thì cau có tức giận. Mà câu mả như tôi thì hầu như chỉ có ăn. Nghệ thuật câu cá diếc của tôi được mô tả trong câu đối thoại với một ông già gốc Do Thái trong truyện ngắn “Những Con Cá Của Già Sam”.

“ Cành câu của tôi chỉ là một đoạn tre nhỏ cột một sợi giây cước, đặt xuống nước câu. Chẳng tốn kém bao nhiêu. Nhưng ông để cho tôi nói có đầu có đuôi về cái thú đi câu của tôi. Trước hết phải tìm một chỗ ngồi tốt, có bóng cây hoặc bụi tre cho bóng mát, mở hộp thính ra. Ông có biết thính là cái gì không? Là gạo rang cháy lên giã nhỏ thành bột, thơm phải biết! Vát một chút nước, nhồi thính với nước thành những cục nhỏ bằng đầu ngón tay, ném xuống chỗ nước sẽ đặt cần câu. Chờ một lúc, cá ngửi thấy mùi thơm sẽ bơi tụ lại cả đàn. Muốn biết đàn cá đã quẩn quanh giữa đám thính chưa chỉ cần nhìn những bọt nước nổi lên. Càng nhiều bọt đàn cá càng đông. Lúc đó mới đặt cần câu xuống. Thứ cá tôi câu là cá diếc, chỉ thích mồi bằng giun đỏ. Những con giun mỏng manh như một sợi máu được ngắt đôi ra, xỏ vào lưỡi câu, cái đầu hay cái đuôi ló ra ngoài ngoe nguẩy kéo cái nhìn của mắt cá. Giữa giây câu có một chiếc phao làm bằng lông ngỗng hoặc lông ngan, lông vịt, lông gà cũng được. Nhưng lông ngỗng là tốt nhất. Chiếc phao dài cỡ hai đốt ngón tay, được canh theo độ sâu của nước. Canh cho chiếc phao nằm chổng đứng lên trời là mồi giun vừa nằm sát dưới đáy ao. Cá tìm ăn trên bùn, dễ chú ý tới chú giun động đậy, đớp mồi ngay tức thời. Khi mồi vừa chui vào miệng cá, cá nghếch miệng lên nuốt, chiếc phao sẽ bềnh lên nằm ngang trên mặt nước. Đúng lúc đó, búng nhẹ đầu cần câu, lưỡi câu sẽ dính vào môi cá. Phút này mới là phút sinh tử, câu nghề hay không là ở phút này. Cái búng phải thật nhẹ nhưng cũng phải vừa đủ cho lưỡi câu xuyên thủng môi cá. Búng xong phải nhẹ nhàng và khéo léo rút thẳng giây câu lên liền. Không được chậm trễ một giây. Nếu chậm để con cá vùng vẫy sẽ làm náo động xua cả đàn cá đi. Nhấc giây không nhẹ nhàng và khéo léo cũng làm hoảng sợ đàn cá và chúng sẽ bỏ chạy tứ tán hết. Làm sao lôi được chú cá mắc mồi lên mà làn nước không xao động mạnh, đàn cá vẫn không biết gì mới là câu nghề. Gỡ chú cá ra, mắc mồi khác, thả giây câu xuống, lôi chú cá khác lên. Cứ như vậy là câu lên hết cả đàn cá không sót một con. Khi thấy hết tăm cá thì bỏ qua chỗ khác, ném thính nhử một đàn cá khác.”

Câu như vậy người ta gọi là câu mả. Nó gần tiến tới mức câu nhà nghề. Nghề hơn nữa là câu…cơm. Nghĩa là câu kiếm cơm, hoàn toàn là một cách kiếm ăn, như mọi nghề khác trên đời. Có những nơi người ta bán vé câu. Bỏ ra một số tiền nào đó là có quyền ngồi câu một ngày. Cá mang về ăn thoải mái. Nhà thơ Phùng Quán, sau thời Nhân Văn Giai Phẩm, bị bít mọi đường sống, phải đi câu cá độ nhật. Nhà văn Hoàng Khởi Phong, trong bài “ Một Vì Sao Nhân Văn” vừa tắt, đã cho biết. “Những năm Phùng Quán 27, 28 tuổi mặt ông lúc nào cũng dàu dàu, nhầu nát, quân phục bạc màu, gương mặt xanh xao hốc hác, ánh mắt buồn rầu u uẩn. Ông thường mua một bát cơm và một bát canh, với vẻ lơ đãng như không biết mình đang ăn gì. Câu cá hợp lệ phải mua vé hai đồng câu suốt ngày, nếu ngày nào không có cá cắn câu thì mất cả chì lẫn chài, do đó Phùng Quán đi theo phường câu trộm….Trước kia Phùng Quán chê bia, cho là đắng, giờ đây ông nốc rượu cuốc lủi tì tì. Vì không được phép viết dưới tên mình, trong suốt ba mươi hai năm trời mầy mò trong tăm tối, để có thể sống được ông đã “viết chui” hơn năm chục quyển sách dầy mỏng, dưới hàng chục bút hiệu. Ông cũng câu trộm được hơn 4 tấn cá. Ông được các bạn văn cùng thời vẽ chân dung ông thật giản dị: “ Cá trộm – Rượu chịu – Văn chui”!”

Cái sự tình câu cá nuôi vợ con của nhà thơ Phùng Quán nó…nghề nghiệp lắm. Ông như nắm rõ được đường đi nước bước của cá. Ông kể lại trong bài hồi ký “Người Bạn Lính Cùng Một Tiểu Đội” như sau: “Ngày hôm đó, trời đổ mưa rào, trận mưa rào đầu tiên. Người ta gọi mưa rửa bùn. Dân câu chúng tôi gọi là trận mưa tiền. Đêm nay, sẽ bắt đầu từ lúc nửa đêm, cá từ giữa hồ sẽ lao thẳng vào bờ vật đẻ dưới các vùng bèo do chúng tôi chuẩn bị sẵn, trong các đám rong đuôi chó, cây niểng, cây sậy nước mọc gần bờ…Bọn cá vật đẻ từ nửa đêm cho đến rạng sáng chúng hoàn tất vụ sinh đẻ đầu tiên trong năm… Với dân câu chúng tôi, mỗi năm chỉ có một vài đêm như đêm nay. Tôi đang hy vọng sẽ kiếm được một yến cá chép. Năm ngoái, cũng đúng vào thời điểm này tôi kiếm được hơn mười sáu cân cá, và một con rắn cạp nong lớn đi ăn trứng cá. Tôi bán tất mang tiền về cho vợ. Vợ tôi mừng ứa nước mắt. Với tôi, những đêm như đêm nay, mọi chuyện văn chương thơ phú chẳng có ý nghĩa gì hết so với một yến cá chép!”

Trong lúc cái bụng của cả nhà lỏng lẻo thì con cá nhất định phải có giá hơn văn chương thi phú. Đó là chân lý! Cái cần câu đã nặng cơm cháo nghe nằng nặng hơn cái cần…ao thu lạnh lẽo rất nhiều.

Cái thú câu cá, sang tới bên đây, tôi vứt bỏ như vứt bỏ một quá khứ ê chề. Nhiều bạn bè tay vợt tay cần rủ tôi đi câu nhưng tôi vẫn lắc đầu. Câu cái kiểu vứt mồi ra xa rồi rê rê tới gần. Cá không đớp thì làm lại. Cứ như đánh bạc mà mình thua. Thua cá! Mọi sự đều do con cá quyết định chứ không phải mình. Đó là chưa kể những thứ phiền nhiễu khác như phải mua thẻ câu cho mỗi mùa, phải giới hạn kích thước và số cá được câu, học thuộc những loại cá bị cấm câu, lại phải tính giờ cá ăn mồi để có khi phải vác cành đi câu vào giữa đêm khuya, khi thì ba bốn giờ sáng. Mang cái thân đi câu mà để cá nó…câu mình như vậy, không có tôi!

Không có tôi nhưng có ông bạn Luân Hoán của tôi. “Thẻ câu cá đã mua, mọi dụng cụ đã sẵn, tôi vẫn thường làm một ngư ông tài tử. Gia đình chúng tôi đã từng đi đến những vùng rất xa để hưởng thú vui này, Rawdon, Long Sault và nhất là Carillon. Tại Carillon, chúng tôi thuê thuyền nhỏ ra giữa dòng, hoặc lên một bờ đập thủy điện. Cá ở đây quá nhiều. Những con cá bạc trắng dài bằng nửa cánh tay, mập đầy hơn một bàn tay, được kéo lên khỏi mặt nước trong từng phút. Chẳng bao lâu những bao đựng rác nhựa đen lớn không còn chỗ chứa. Một buổi câu tài tử một lần có thể đem về trên ba trăm con là thường. Gia đình chúng tôi ít khi ăn cá, phải tìm người mang đến cho. Nạn nhân của sự lãnh quà bắt buộc này là một vài bạn hữu quen thân.” Đó là vài dòng tôi trích trong cuốn hồi ký rời “Quá Khứ Trước Mặt” của nhà thơ Luân Hoán sắp được ra mắt.

Đi câu ở bên này không vui nhưng được cái freezer lúc nào cũng đầy cá ăn cả năm không hết. Nghĩ lại thế cũng là vui. Vui nên dân Việt ta rất hăng hái đi thăm cá. Mùa đông cũng như mùa hè. Nhưng mùa hè nhộn nhịp hơn. Câu mùa đông rắc rối hơn nhiều mà chiến lợi phẩm mang về không là bao. Phải áo quần lớp trong lớp ngoài, lều câu để tránh gió, bếp sưởi và nhiều dụng cụ linh tinh khác mà người không có kinh nghiệm như tôi chẳng bao giờ ngờ tới được. Sông hồ dưới cái lạnh buốt da đều đông cứng cả, muốn câu phải khoan lỗ thả giây câu xuống. Đã có những vị đang ngồi câu lớp băng bỗng dở chứng nứt ra nuốt trọn ngư ông xuống hồ nước lạnh cóng. Câu như vậy là chơi dại. Cũng không có tôi!

Mùa hè thì dân ta tấp nập phóng xế đi câu. Hăng hái đến nỗi người đàn bà ở nhà phải…cảnh giác.

Có đi câu chàng đừng có vội,
Hãy từ từ kẻo tội vợ con.
Xe hơi chàng chạy bon bon,
Coi chừng police “lost point” mất tiền.
Đến chỗ câu hãy quan sát kỹ,
Chàng hãy nhìn tỷ mỷ trước sau.
Sóng to gió lớn đừng câu,
Những nơi trơn trượt, biển sâu chớ màng.
Khí hậu có lúc nóng lúc lạnh
Thời tiết có khi tạnh khi mưa.
Dầu cho sáng, tối, chiều trưa
Luôn luôn mang nón cho vừa lòng em.

Đó là bài thơ…dặn chồng đi câu. Tôi lượm được bài thơ này trên trang web www.4so9.com, một trang web của dân câu Việt Nam khá đồ sộ gồm tới 705 trang với tiêu đề “Hãy câu cho vui đời” chỉ toàn bàn tới chuyện câu.

Câu ngày nay không đơn giản chỉ là đối mặt với cá. Dân Tây câu được chú cá lên bèn cân, đo, chụp hình, ngắm chiến lợi phẩm cho đã xong rồi thả lại xuống nước. Dân ta khôn hơn. Của trời cho thì mang về nhà hưởng. Vừa ngon miệng vừa đẹp lòng bà xã. Nhất cử lưỡng tiện. Nhưng ngày nay tại Việt Nam câu cũng…thi cử như ai! Các hội thi câu cá được tổ chức hà rầm tại khắp các thành phố từ Bắc vào Nam. Lấy một thí dụ: hội thi câu cá Hóc Môn chẳng hạn. Hội thi này đã được tổ chức hàng năm từ cả chục năm rồi. Năm nay có tới 417 cần thủ tham dự. Kể cả số người theo ủng hộ, con số lên tới cả ngàn người. Năm nay hội được tổ chức vào chiều ngày 19/2/2006 tại kênh 8. Ban tổ chức đã thả 350 kí cá trê trên con kinh dài 600 thước trong đó có hơn 100 kí là cá có trọng lượng nặng trên 1,2 kí/con. Người đoạt giải câu được cá nặng nhất là anh Lê Thanh Lâm, ngụ tại Quận 10, với chú cá nặng 1,99 kí. Đoạt giải câu được nhiều cá nhất là Lê Văn Việt, dân Củ Chi, câu được tổng cộng 3,27 kí.

Hội thi tại Ao Đôi, quận Bình Tân thuộc Sài gòn, lại chỉ có một giải dành cho người câu được con cá có trọng lượng lớn nhất. Đây là cuộc thi dành cho các cần thủ chuyên nghiệp nên điều lệ khá khắt khe. Dây câu được ban tổ chức phát cho mỗi người 100 thước loại 6 bl rất mảnh, giờ câu từ 8 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Giải nhất là một máy vi tính trị giá 14 triệu đồng và một cúp vàng. Các tay nghề tha hồ đua…cần câu. Xịn nhất là cần Michel giá sơ sơ chừng 10 triệu, cần Sage dài 4,5 thước cũng ngoài 5 triệu. Còn máy kéo thì máy Shimano nhỏ xíu không dưới 6 triệu. Vì dây câu quá mảnh nên thỉnh được chú cá lên đòi hỏi phải có nghệ thuật cao cường. Phải xả máy hết dây, ròng cho cá mệt đứt hơi hết cựa quậy mới kéo được lên bờ. Không khéo thì cá bứt dây cao chạy xa bay là cái chắc. Chú cá đoạt giải năm nay nặng 8 kí do cần thủ Huỳnh Minh Định câu được. Với kinh nghiệm đầy mình mà anh cũng phải mất tới nửa tiếng và rất nhiều mồ hôi mới khuất phục được.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ là do cái lưỡi câu. Đúng hơn do cái ngạnh của lưỡi câu. Lưỡi câu có nhiều loại, nhiều cỡ, tùy theo loại cá muốn câu. Cái ngạnh làm cá mắc câu nghẹn ngào muốn nhả mồi ra cũng chẳng được. Nếu có ai nói câu không cần lưỡi câu thì dân câu cá từ nhà nghề tới nhà…mùa như tôi đều cho là nói dóc! Chuyện khó tin như vậy mà có thật! Dân câu cá đối cồi ở Đà Nẵng không chơi với cái lưỡi câu. Họ mua một bình nước tinh khiết, loại chai nhựa, cắt bỏ phần nắp chỉ chừa lại khoảng 20 cm. Họ dùng chì kẹp vào gần dưới đáy chai để cho chai dễ chìm xuống đáy nước và dùng một sợi dây cước dài cột chắc vào phía trên của chai. Mồi câu là bột mì trộn lẫn với ít đường cát trắng cho có mùi thơm quyến rũ cá. Khi câu, đổ nước đầy vào khoảng 1/3 bình, bỏ dung dịch bột mì trộn sẵn vào, khuấy đều, rồi ném chai nước ra xa. Chai nước từ từ chìm xuống đáy. Những chú cá đối thấy mồi thì lao tới, chui vào bình để nhậu. Nhậu cho đã, muốn chui ra thì không được vì cá chỉ biết lao tới chứ không thể trở ngược đầu được. Khi đó, ngư ông mới nhanh tay kéo bình vào bờ, bắt cá.

Câu không cần lưỡi câu, cũng chẳng bình biếc gì, là một chiêu câu khác. Chuyện của những tay câu có máu léng phéng mượn cớ đi câu để câu loại cá mà người ta gọi là cá diếc. Không phải thứ cá diếc chính tông thuộc chuyên loại câu của tôi đâu! Buổi sáng, chàng diện quần soọc, áo thun đúng mốt, đeo kính, cưỡi xe đi câu giải trí. Chồng có được cái thú vui tao nhã như vậy, vợ cũng mừng. Chuyện mỹ nhân ngư chỉ là chuyện thần thoại, lo chi! Buổi chiều, chàng cỡi xe về, trên tay lái có móc vài chú cá. Quần áo vẫn tươm tất, không một vết nhăn. Chị vợ bèn…trinh thám! Sao lạ vậy cà? Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị nảy ra một diệu kế. Chị cắt hết lưỡi câu trong bộ đồ câu của chàng. Chàng không cảnh giác, vẫn huýt sáo rời nhà đi chơi với cá. Buổi chiều, trở về vẫn cá treo trên xe như thường lệ. Anh mở bia hối vợ đem cá xuống bếp làm mồi nhắm. Chị vợ tức cành hông, tay chống nạnh, tuyên bố bằng cái giọng từ tốn nhưng không kém phần quyết liệt và mai mỉa: “Câu cá mà không cần lưỡi câu thì bà đây câu một lúc cũng được chục thằng!”

04/2006