Bạc
Bão
Bay
Bụng
Bướm
Cấm
Câu
Chay
Chót
Cồng
Da
Dối
Đất
Đôi
Ghen
Hài
Khói
Kiện
Ma

Mông

Não
Ngôn
Nóng
Phì
Pho
Quý
Sâm
Sếch
Sếp
Tài

Thi
Thương

Trứng
Ung
Vòng1
Vui

 

NÃO

Não là bộ chỉ huy trung ương của thân xác con người. Không có não, con người chẳng biết sẽ ra cái giống gì. Thường thì địa phương phải tuân lệnh của trung ương, nhưng có những ông bạn tôi hay phàn nàn về tình trạng trung ương bảo mà địa phương không thèm thi hành. Theo ngôn ngữ trong nước ngày nay thì đó là tình trạng trên bảo dưới không nghe. Đó là một chuyện bình thường chẳng có chi mà phải than thở trách móc. Bởi vì sống lâu với nhau, dưới lờn mặt với trên nên dưới cứ rũ rượi chẳng thèm nhận lệnh lạc gì cả!

Có hơi mất uy tín chút đỉnh nhưng não vẫn cứ là trên, chẳng ai cãi được. Không có não đố có thông minh nổi. Thông minh nằm ở trong não, chuyện đó ai cũng biết. Chúa cũng biết vậy. Có ba anh trẻ tuổi bỗng nằm lăn ra chết và họ gặp Chúa. Gặp ngày hên, Chúa đâm ra dễ tính, ban cho mỗi anh được một điều ước.

Anh thứ nhất xin: “Con xin được giữ hình dáng cơ thể như khi còn sống nhưng thông minh hơn một trăm lần”.

Chúa ban cho anh ta thông minh hơn một trăm lần.

Anh thứ hai xin: “Con muốn được thông minh hơn anh kia. Xin Chúa cho con thông minh hơn một ngàn lần.”

Chúa cho anh ta thông minh hơn một ngàn lần.

Anh thứ ba muốn được là người thông minh nhất, xin: “Thưa Chúa, con muốn được thông minh hơn hẳn hai anh kia. Xin Chúa cho con thông minh hơn một triệu lần”.

Và Chúa biến anh ta thành một người đàn bà!

Như vậy là đàn bà thông minh hơn đàn ông sao? Khoa học vẫn còn lúng túng chưa xác định được. Nhưng tôi chắc chúng ta, những người đàn ông đầy kinh nghiệm, ai cũng biết điều này đúng là cái cẳng! Chẳng cần phải thử IQ làm gì cho tốn công. IQ là cái gì vậy? Đó là chỉ số thông minh, viết tắt của chữ Hồng Mao Intelligence Quotient. Nó cho biết khả năng suy nghĩ và lý luậncủa một người so với những người khác cùng một độ tuổi. Chỉ số này càng cao thì càng thông minh nhiều. Tôi định làm lơ với cái chỉ số khó chịu này vì chẳng bao giờ muốn trả lời những câu hỏi đo lường cái chỉ số lột mặt sự thông minh của mỗi người như vậy. Tôi không tin tưởng lắm vào sự thông minh của mình! Nhưng không được. Làm như vậy là thiếu…thông minh. Cứ như con đà điểu rúc đầu vào trong cát để làm lơ với những nguy khốn đang rình rập sát…phao câu! Sợ gì mà không đối mặt với IQ! Vậy nếu chỉ số IQ từ 65 tới 69: hơi chậm phát triển; từ 70 đến 79: nên theo học tại những trường đặc biệt: từ 80 tới 89: dưới trung bình; từ 90 đến 110: trung bình; từ 111 đến 124: trên trung bình; từ 125 đến 134: tài giỏi; từ 135 đến 144: rất tài giỏi; từ 145 đến 164: thiên tài; từ 165 tới 179: thiên tài loại xịn; từ 180 đến 199: thiên tài đặc biệt; trên 200: thiên tài vô song!

Có ai đạt được trên 200 không? Có chứ! Đó là nhà báo Marilyn vos Savant, sanh năm 1946, vẫn còn tại thế với chúng ta, đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness là người có chỉ số IQ kỷ lục 228! Còn những ông như thiên tài Leonardo da Vinci hay “thánh” Mahatma Gandhi thì cũng chỉ được ông trước 158, ông sau 160. Thua cả ông “thiên tài” đánh cờ Bobby Fischer, sanh năm 1943, hiện vẫn còn sống, khi ông này đoạt được tới 187 điểm. Ấy thế mà nữ tải tử Marilyn Monroe, tưởng chỉ có cái thân bốc lửa còn não chỉ đầy bùn, cũng được tới 163 điểm! Vậy mới hay cảm tính của mấy anh nam nhi chúng ta đúng không chê vào đâu được: các bà là thông minh nhất!

Thông minh là một chữ dùng thông thường để chỉ những người mà trong ngôn ngữ Việt Nam còn gọi là “sáng dạ”. Tôi còn nhớ thế hệ ông bà tôi thường khen những đứa cháu học giỏi, nhớ lâu bằng câu: “Ừ! Thằng này sáng dạ thật!” Tại sao cái thứ thường được liên hệ tới não ở tuốt trên đầu lại bị các cụ kéo xuống tới…dạ dày? Vậy mà không chừng các cụ có lý. Bởi vì Giáo sư Mikhael Gershon, người Mỹ, một nhân vật rất nổi tiếng trong giới khoa học vừa…vuốt đuôi theo các cụ ta. Ông đã khẳng định là con người có hai mắt, hai tay, hai chân và hai bộ não. Bộ não thứ hai nằm ở dưới bụng! Một nhà khoa học nặng ký như Giáo sư Gershon, hiện đang phụ trách môn Giải Phẫu Học và Sinh Học Tế Bào của Đại Học Columbia, Nữu Ước và là người khai sanh ra lãnh vực khoa học mới chuyên về thần kinh trong ổ ruột, không thể nói khơi khơi. Ông đã nghiên cứu và thấy là các trtạng thái hay căn bệnh như tình trạng lo âu, khủng hoảng tâm lý, viêm loét và rối loạn đường ruột và bệnh Parkinson đều có các triệu chứng biểu hiện trên cả hộp sọ lẫn trong đường ruột. Sự biểu hiện trên bộ não của hộp sọ cũng như trong bộ não ở đường ruột giống như sự phản chiếu của hai tấm gương đối diện nhau. Có lẽ chúng ta đều có kinh nghiệm về việc này: khi chúng ta có chấn động về tâm lý thì thấy ruột bị quặn thắt lại! Cuốn sách “ Bộ Não thứ Hai” của Giáo sư Gershon được xuất bản trước đây đã là một tiếng vang lớn trong giới chuyên môn. Ông khẳng định là hệ thống thần kinh của đường ruột không chỉ là một tập hợp thụ động các dây thần kinh chuyên thi hành các mệnh lệnh truyền xuống từ não bộ mà là một mạng lưới rất độc đáo có thể tự thực hiện những nhiệm vụ riêng. Điều đặc biệt là ngay cả khi không liên lạc được với não bộ và tủy sống, “bộ não thứ hai” vẫn một mình hoạt động độc lập trong các vấn đề liên quan tới hệ tiêu hóa được như thường. Bộ não ở…miệt dưới này cũng là một ngân hàng lưu giữ những dữ liệu của triệu triệu những kết quả thử nghiệm thực tế để có khả năng ứng xử với vô số những tình huống mới nảy sinh của bộ máy tiêu hóa. Cái anh chàng này còn biết cách tự thu nhận những chất bổ dưỡng nhất từ những gì cơ thể đã thu nhận được. Hóa ra các cụ của chúng ta đã đi trước cả khoa học!

Những đứa trẻ “sáng dạ” có điểm gì khác với những đứa trẻ khác không? Khoa học đã tìm thấy là vùng não liên quan đến tư duy của chúng thay đổi mạnh mẽ hơn trong thời kỳ vị thành niên. Thường thì khi trẻ trưởng thành, lớp vỏ não ở trước trán ( cortex) của chúng dày lên rồi lại mỏng đi khi các kết nối thần kinh được tạo ra và sau đó được lược bớt để trở nên hiệu quả. Nhưng những đứa trẻ có chỉ số IQ cao thì vỏ não dầy lên nhanh hơn và trong thời gian dài hơn so với những đứa thuộc loại thường thường bậc trung. Đã có 307 em cư ngụ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn tuổi từ 6 đến 20 tham gia cuộc thí nghiệm của Viện Sức Khỏe Tinh Thần Quốc Gia Hoa Kỳ do Giáo sư Philip Shaw hướng dẫn. Các em được chụp hình não liên tục trong vòng 2 năm và được chia ra làm ba nhóm tùy theo chỉ số thông minh IQ. Nhóm siêu hạng (121 đến 145), nhóm IQ cao (109 tới 120) và nhóm trung bình (83 đến 108). Nghiên cứu cho thấy là vỏ não của các em 7 tuổi thuộc nhóm thông minh nhất bắt đầu dày hơn cho đến năm 11 hoặc 12 tuổi, trước khi lại mỏng đi. Trong khi đó trong nhóm trung bình thì vỏ não chỉ dày lên từ 7 tuổi tới 8 tuổi rồi mỏng lại. Điều này cho thấy những đứa trẻ thông minh có thời gian phát triển não dài hơn. Sau đó, vỏ não của chúng cũng mỏng đi nhanh hơn ở cuối lứa tuổi vị thành niên nhằm loại bỏ hiệu quả của những kết nối thần kinh không cần thiết khi não bộ tinh giản các hoạt động.

Não có ăn nhậu gì tới giới tính không? Có là cái chắc! Người ta tin rằng nam giới thường suy luận thiên về lý trí hơn trong khi nữ giới thiên về tình cảm hơn. Điều này chắc tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm. Nếu nghi ngờ thì cứ thử “cãi nhau” với các bà là biết liền một khi! Nhưng việc phân chia giới tính trong trường hợp này không phải là…bức tường Bá linh cứng ngắc, bên này không thể nhảy qua bên kia được. Vẫn có những vụ nhảy rào. Theo Giáo sư Simon Baron-Cohen của Đại Học Cambridge thì cứ 7 nàng thì có một nàng có bộ óc tư duy đàn ông trong khi cứ 5 chàng thì một chàng có bộ não đàn bà! Những nàng nhảy rào thường vượt trội về toán học và rất nổi về khả năng phân tích. Ngoài ra lại có một nhóm được gọi là nhóm “đứng giữa” có khả năng tư duy của cả nam giới lẫn nữ giới. Tại sao mà não lại…phiêu du lung tung xòe như vậy? Khoa học ngày nay vẫn coi đó là một điều bí ẩn chưa giải thích được. Não của con người bắt đầu hình thành ở giai đoạn phát triển sớm của phôi thai trong tử cung. Nó không nhận được một định hướng giới tính nào sau đó. Tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm ra những dụng cụ thử nghiệm đặc biệt cho phép xác định giới tính của não bộ trong thời kỳ thơ ấu. Não của nam giới bộc lộ khả năng trong lãnh vực khoa học chính xác trong khi não của nữ giới lại phát triển hơn trong lãnh vực trừu tượng.

Thông minh có ăn nhậu chi với kích thước của não không? Thường chúng ta nghĩ là có. Cái gì bự hơn chắc phải ngon lành hơn. Suy nghĩ thông thường của chúng ta là vậy, cứ khơi khơi như vậy. Nếu bị hỏi ngược lại bằng chứng đâu thì chịu. Bà Sandra Witelson vừa cứu bồ. Bà này đã làm một cuộc thí nghịêm cho Đại Học McMaster ở Hamilton, thuộc tỉnh bang Ontario của Canada. Bà đã nghiên cứu trên 100 người, 58 bà và 42 ông, tất cả đều cư ngụ ở ngay Hamilton trong 25 năm qua và đều bị ung thư ở giai đoạn 2. Khi sức khỏe của những người này còn tương đối tốt, họ đã đồng ý làm những trắc nghiệm về chỉ số thông minh và bằng lòng hiến não khi chết. Bà Witelson đã đo kích thước của não bằng định luật Archimède: bà bỏ não vào một chậu nước và đo dung tích số nước tràn ra ngoài để biết kích thước não. Kết quả là ông bà nào có não bự hơn thì chỉ số thông minh cao hơn. Cũng bà Witelson này, vào năm 1999, đã nổi tiếng vì khám phá ra là phần não liên hệ tới lý luận toán học của nhà bác học Einstein có kích thước lớn hơn 15% mỗi bề hơn não trung bình của mọi người. Nhưng tạo hóa luôn có khiếu khôi hài đã bày ra luật bù trừ. Anh muốn có cái này to thì cái khác của anh phải nhỏ. Trong trường hợp này, sự đổi chác diễn ra giữa não và…của quý. Não càng lớn thì thằng nhỏ càng nhỏ! Đây là chuyện nghiêm chỉnh đàng hoàng. Nhà nghiên cứu Scott Pitnick của Đại Học Syracuse, Nữu Ước, đã cùng hai cộng sự viên tìm ra được như vậy ở…loài dơi. Nhưng dơi và người chắc cũng vậy. Chỉ tiếc một điều là người ta không giữ được…củ tỏi của nhà bác học Einstein để coi sự thể ra sao!

Ra sao thì ra, lớn não vẫn cứ oai phong. Bởi vì não có trí nhớ còn cái thứ thừa thãi nằm tuốt ở phía dưới đụng đâu hay đó, có biết đâu vào đâu! Tôi có một ông bác có trí nhớ phi thường. Những gì xảy ra trong họ, trong làng, từ nhiều chục năm về trước, ông kể ra vanh vách không sót một chi tiết. Nhưng thuở nhỏ nhà nghèo, ông không được đi học nhiều. Việc này làm ông tiếc rẻ mãi. Ông vẫn nghĩ là giá mà ông được đi học thì chắc chắn ông phải là một học sinh “sáng dạ”! Anh bạn hồi còn là sinh viên của tôi không biết có sáng dạ không nhưng trí nhớ của anh cũng phi thường. Năm đó, anh học thi năm thứ nhất Luật. Cả một cuốn cua luật dày vài trăm trang, anh bạn tôi thuộc lòng không sai một dấu phẩy. Anh còn tố thêm bằng cách bảo tôi, người dò xem anh đọc có trúng không, mở sang trang khi hết một trang cua! Một bà bác tôi lại có cái tài khác: tài nhớ ngày sinh tháng đẻ của tất cả mọi người trong họ trong làng. Ai Bính Thân, ai Nhâm Dần bà cứ tuôn ra chẳng cần phải dừng lại suy nghĩ lâu lắc. Năm 2003, tôi về Sài Gòn, có tới thăm bà. Lúc đó bà đã 95 tuổi mà vẫn là một cuốn tự điển sống về gia phả cho bà con làng nước tham khảo miễn phí. Tôi hẹn bà 5 năm sau sẽ về ăn mừng thượng thọ bà đúng một trăm tuổi. Bà…bắt liền! Nhưng bà không giữ lời hứa. Bà đã trốn đi vào đầu năm nay. Cuốn tự điển sống đã đóng lại! Bà bác tôi chắc cũng ngang ngửa với một bà người Do Thái có cái tên tắt là A J năm nay được 43 tuổi. Bà này có trí nhớ phi thường. Quá khứ của bà in chặt vào não, bà muốn quên cũng chẳng được. Vào tháng 11 năm 2003, được yêu cầu kể về các lễ Phục Sinh trong đời bà kể từ năm 1980, bà liệt kê ngay ra 24 ngày rơi vào đúng lễ Phục Sinh mà chỉ sai có một chi tiết. Bà còn tố thêm bằng những chi tiết dây mơ rễ má tới những ngày này. Chẳng hạn như sau: “Ngày 6 tháng tư, 1980, kỳ nghỉ lễ Phục Sinh của lớp 9 đã chấm dứt; 15 tháng tư làm bánh ngọt; ngày hôm sau S. chia tay với tôi; 13 tháng tư, 1993, rong chơi cả ngày, ăn spaghetti với R.” Cả những chuyện tưởng là người đàn bà “nhiều ký ức” này không để ý tới thế mà nó cũng khơi khơi đi vào bộ nhớ của bà. Như bị hỏi một cách bất ngờ: “Bing Crosby chết hồi nào và ở đâu?” Bà đáp ngay: “Ông ấy chết trong một cuộc đánh golf ở Tây Ban Nha!”. Rồi bà còn tố thêm cả năm chết của ông tài tử nổi tiếng này. Lúc Bing tạ thế vào năm 1977, bà A J mới có 12 tuổi! Nhớ như vậy có sung sướng gì không? Bà A J lắc đầu: “Hàng ngày tôi cứ phải nhìn lại cả cuộc đời mình và điều này làm tôi muốn điên lên!” Bà đã bị trầm cảm và phải dùng thuốc Prozac.

Bạn đang đọc Phiếm. Trong một bài phiếm thường có những chữ bóng gió, nói bên đông phải hiểu bên tây, nói thế này phải nghĩ thế khác, cốt …thử thách độc giả. Có người đọc tới đó thì hiểu, cười thú vị, có người đọc bên đông cứ ở lì bên đông, chẳng chịu nhúc nhích sang bên tây. Thường thì chúng ta cho là hiểu được hay không hiểu, hiểu nhiều hay hiểu ít là do cái khiếu của mỗi người. Cái chỗ nào trong não làm cho một người…phiếm hay không phiếm? Vùng não bên trái có nhiệm vụ nhận thức ngôn ngữ làm cho chúng ta hiểu được nghĩa đen. Phiếm hay không phiếm là vùng não bên mặt, phía trước. Chính tại nơi này con người hiểu được các ngữ cảnh về xã hội và tình cảm để từ đó hiểu được nghĩa bóng. Nếu phần não này bị tổn thương thì đời mất vui đi. Khám phá này giúp giải thích được những đặc điểm của bệnh nhân tâm thần. Cũng như những người bị tổn thương phần bên phải não trước, những bệnh nhân tâm thần mất đi khả năng giải mã những lời nói châm biếm. Người ta cười, còn mình chẳng thèm cười. Nói như vậy, tôi không có ý gán bệnh tâm thần cho một ai cả. Tôi xin thề trước ông thần…phiếm!

Thề gì? Thề sống thề chết chăng? Câu nói tưởng là tầm thường chúng ta hay dùng: thề sống thề chết, chạy bán sống bán chết.. v..v.. lại đặt ra một vấn đề hết sức nghiêm chỉnh. Thế nào là sống, thế nào là chết?

Khi não chết, con người đã chết chưa? Theo các tiêu chuẩn mới dựa trên những tiến bộ về y sinh thì một người được coi là chết khi hoạt động của toàn não bộ bị ngưng hoạt động, không hồi phục được nữa. Trên thực tế lâm sàng thì hiện tượng chết não thường do hai nguyên nhân chính: một là những chấn thương hay xuất huyết nặng của não bộ; hai là khi tim ngừng đập làm gián đoạn cung cấp máu cho não, dẫn đến thiếu máu não trầm trọng mang đến chết não hoàn toàn. Như vậy, sự phụ thuộc lẫn nhau của ba hệ thống hô hấp, tuần hoàn và thần kinh trung ương đã được xác nhận trong hoàn cảnh chết thật sự của con người. Theo tác giả Byrne, tiêu chuẩn về cái chết nói chung được mọi người đồng ý là: “Không ai được tuyên bố là bệnh nhân đã chết cho đến khi có sự phá hủy của ít nhất là ba hệ thống quan trọng trong cơ thể là não, tim mạch và hô hấp”. Khi bệnh nhân được thở bằng máy hoặc gắn máy tạo nhịp tim để duy trì sự hoạt động của phổi và tim thì phải cần đến tiêu chuẩn chết não để kết luận một cách chắc chắn là bệnh nhân đã tử vong. Muốn chẩn đoán chết não thì người ta dùng máy đo điện não. Nếu không thấy xuất hiện những sóng đặc trưng cho hoạt động của não bộ là các sóng alpha, béta hay delta thì coi như là chết não. Nói theo khoa học thì nhẹ nhàng như vậy, nhưng thực tế nặng nề hơn nhiều.

Giả dụ là thân nhân chúng ta bị đứt mạch máu não, sự sống trông nhờ vào chiếc máy trợ giúp cho nhịp thở, cho nhịp tim. Người thân chúng ta đã hết hy vọng sống, não đã đầy máu, bác sĩ đã bó tay. Sống chỉ là sống nhân tạo. Để nằm như vậy hay rút ống máy ra cho siêu thoát? Bà cô tôi đã nằm như vậy tại một bệnh viện ở Quận Cam trong ba năm liền. Có nhiều người lâu hơn. Tínhtoán làm sao cho phải? Rút hay không rút là một vấn đề nhức…não. Nó dính tới tình cảm, tôn giáo, văn hóa, tập tục… Mười năm trước, khi anh bạn văn Nguyễn Đông Ngạc bị xuất huyết trong não, đưa vào bệnh viện Jean Talon, nằm mê man chẳng biết gì nữa, thì gia đình đã trải qua những giờ phút căng thẳng không biết đối xử sao cho đúng. Anh không còn hy vọng phục hồi lại được cuộc sống, điều đó là chắc chắn. Các bác sĩ cũng xác nhận như vậy. Khi chúng tôi, từng hai người một, vào phòng bệnh, chúng tôi đã chỉ nghe thấy nhịp đập giả tạo của cuộc sống. Trước đó, khi còn khỏe mạnh, anh đã thường nói là nếu phải chết thì muốn chết rụp một cái là xong, vừa nhẹ phần mình vừa nhẹ phần người thân. Tại sao lại có cái sự trùng hợp khốn khổ giữa lời nói của anh và tình trạng anh bây giờ? Mẹ anh, vợ anh, anh em anh, bạn bè anh ngồi ngoài phòng đợi. Làm sao bây giờ? Người nào cũng muốn đùn trách nhiệm cho người khác. Ai là người giơ tay dứt đứt sự sống giả tạo ra khỏi người thân đây? Người kề vai áp má với anh, chị Nguyên Ngọc, lắc đầu từ chối. Làm sao mà đang tâm! Mẹ anh, khi được dò ý, đã ôm mặt khóc. Mẹ đẻ nó ra thì nỡ lòng nào giết nó! Anh em chẳng ai muốn đành đoạn với ruột thịt. Cuối cùng, mọi người đồng ý chờ cô em ở Toronto về. Cô là người được anh Ngạc thương nhất, chắc anh chẳng oán trách khi phải ra đi. Chuyện khó xử chưa được giải quyết thì, phúc thay, anh đã tự ý ngừng hơi thở, dứt khỏi bụi trần, làm nhẹ gánh cho những người thân. Tôi như nhìn thấy nụ cười nửa như bất cần, nửa như châm biếm nằm dưới bộ ria mép nghịch ngợm thường ngày của anh. Chuyện nhỏ!

06/2006